KINH BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Sa-môn Công Đức Trực, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 8: BỒ-TÁT BẤT KHÔNG KIẾN KHUYẾN THỈNH

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai ở trong tĩnh thất an nghỉ đã lâu, nay nơi chúng hội thảy đều khát ngưỡng, tòa ngồi, đã ổn định nghiêm trang cúi xin Thế Tôn thương xót tất cả, đi đến tòa báu này.

Bồ-tát Bất Không Kiến liền sửa lại y phục, chắp tay hướng về Đức Phật thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nay con muốn thưa hỏi một vài điều, cúi xin Thế Tôn nói cho. Con sẽ chí tâm lắng nghe và phụng hành.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Tùy ý ông cứ hỏi, Như Lai sẽ giải rõ mọi nghi vấn để ông hoan hỷ. Chư Thiên, thế gian cũng sẽ chứng biết.

Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát thân cận, tu tập những Tam-muội nào để được thấy pháp lạc tăng trưởng nơi tâm. Chỗ nghe Tam-muội rộng như biển cả, tâm Bồ-đề an trụ như Tu-di, gió tà của ngoại đạo không thể lay động, đối với pháp vô ngại tâm không tham chấp, giống như hư không không bị nhiễm ô, phá tan màn đêm vô minh cũng như mặt trời buổi sáng, ban cho ánh sáng pháp như trăng tròn đầy, như lửa dữ thiêu đốt tất cả ấm, như đống lửa lớn đốt cháy hết các phiền não.

Ví như nước của tất cả sông biển, các loài thủy tộc nương vào đó mà sống; lại như thuyền lớn có thể qua tới bờ kia, cũng như cầu đường tốt khiến chúng sinh không bị rơi vào dòng xoáy phiền não sinh tử. Giống như cây Ba-lợi-chất-đa-la sinh ra cho các chúng sinh những hoa bảy Bồ-đề phần hương thơm có thể xông khắp mười phương thế giới, như hoa Ưu-đàm rất hiếm có ở thế gian. Cũng như lương y khéo chữa trị các bệnh, dùng đại Bi cứu độ khắp, tùy bệnh cho thuốc, như cây chiên-đàn có thể tiêu trừ những khổ não bức bách. Lại như mưa lớn thấm nhuần tất cả, pháp thù thắng diệu như hương mật, khiến chúng sinh không sợ như vua sư tử tạo an lạc cho chúng sinh hơn cả từ mẫu. Biết sâu xa về pháp tánh đạt tới tướng của nghĩa tướng của lý thâm diệu, đạt được nghĩa nơi pháp tướng của phương tiện thiện xảo, cũng vậy khéo ở nơi chánh đạo, đạt đầy đủ phương tiện, nói pháp như thật, có được sự an ổn để thâu tóm các chúng, khai mở nguồn sinh tử của chúng sinh, tất cả pháp tánh như biển một vị, Tam-muội An tịnh cũng như núi chúa, tâm đạo bất động ví như cờ của Đế Thích, được sức kiên cố, thân tướng đoan nghiêm, oai nghi viên mãn không bị cấu nhiễm, tộc tánh hào quý đầy đủ công đức, được biện tài vô biên, biện tài không chấp trược, biện tài thuần nhất, biện tài không thể nghĩ bàn, biện tài vô lượng, biện tài giải thoát sâu xa, biện tài thành tựu tối thắng, biện tài thường nhẫn nhục, biện tài dần dần thân cận, biện tài nêu hỏi không nêu hỏi, biện tài không hủy hoại, biện tài không thoái chuyển, biện tài nói vô số câu chữ sâu xa, biện tài nêu rộng về chương câu chữ thâm diệu, biện tài nêu ví dụ vô lượng, vô biên, tất cả đều đầy đủ như vậy. Người chưa đắc đạo khiến được đắc đạo. Lại đạt được tiếng Phạm thiên, tiếng của ý vui thích, tiếng Ca-lăng-tần-già, tiếng sư tử tiếng chuông trống của đại Long vương ngưu vương, tiếng đàn, tiếng ca, tiếng sấm vang, được tất cả thế gian cúng dường, đầy đủ sáu thần thông, đạt đến bờ giác, được pháp nhớ nghĩ không quên, được các căn lành, oai nghi phép tắc đúng đắn.

Lúc ấy, Bồ-tát Bất Không Kiến dùng kệ thưa hỏi:

Sắc vàng trăm phước nghiêm
Hiểu chân đế sâu xa
Xót thương làm lợi ích
Cho con hỏi chư Phật.
Nên tu Tam-muội nào
Đầy đủ công đức tịnh?
Đấng Nhân Trung tối thượng
Các trí không lỗi lầm.
Con nay hỏi Tối thắng
Vô thượng, chủ thế gian
Thực hành Tam-muội nào
Công đức không nghĩ bàn?
Vì sao các Bồ-tát
Đạt được thượng nhân trung?
Phải nên siêng tu tập
Định tối thắng vắng lặng.
Hành Tam-muội này rồi
Vì đời làm lợi ích
Làm sao được tự nhiên
Đa văn như biển cả.
Làm sao được bất động?
Trí tuệ đó thâm diệu
Trụ các công đức Phật
Giống như núi Chuyển luân.
Làm sao tâm không đắm
An nhiên như hư không
Hàng phục các ngoại đạo
Không khởi lên tâm ác.
Làm sao sẽ tu được?
Như mặt trời, mặt trăng
Lại phải nên thế nào
Cùng đèn đuốc lớn kia.
Cầu tu Tam-muội nào?
Ánh sáng chiếu khắp nơi
Làm sao tiêu trừ được
Già, bệnh buộc chúng sinh.
Làm sao khiến tất cả
Được qua khỏi biển khổ?
Làm sao được phát tâm
Kính lễ đấng ba cõi?
Làm sao như hoa trời
Tướng tốt lại sáng tươi
Khi Ưu-đàm nở ra
Gặp Phật khó hơn đấy.
Làm sao như y vương
Cho thuốc diệt các bệnh?
Khéo điều phục các căn
An trụ vào giới phẩm.
Làm sao như Pháp Vương
Vượt vô biên công đức?
Làm sao thấy đủ pháp
Như mật ngọt sạch trong.
Làm sao tiếng sư tử
Thí lợi cho chúng sinh
Làm sao như từ mẫu
Cho thí vui khó nghĩ?
Làm sao được bốn biện
Hành Bồ-đề sâu xa?
Vì con nói tối thắng
Đạo vô thượng bậcnhất.
Làm sao có thể nói
Không đắm đại trí tuệ
Làm sao nghĩ thiện xảo
Được pháp không nghĩ bàn.
Khéo biết tướng thiện xảo
Biết pháp thế, xuất thế
Làm sao hay được ý?
Làm sao chứng đắc đạo?
Làm sao nhớ nghĩ được
Làm sao đầy đủ an?
Làm sao đạt đa văn
Sâu rộng như biển cả?
Làm sao nói chư Phật
Công đức đó chân thật?
Làm sao nói chúng sinh
Nguồn gốc của sinh tử.
Tướng các pháp không khác
Như biển cùng một vị
Làm sao được Tam-muội
Bất động như núi chúa.
Tâm Bồ-đề an tịch
Giống như cờ Đế Thích
Làm sao được các pháp
Bồ-đề không nghĩ bàn?
Làm sao được đoan nghiêm
Thành tựu các oai nghi?
Làm sao được hào tộc?
Là công đức Pháp Vương.
Làm sao được vô biên
Đạt biện tài không chấp?
Làm sao thành tựu được
Nghĩa câu chữ không nghĩ.
Cúi xin Đức Thế Tôn
Vì con phân biệt nói
Làm sao được tối thắng
Vô thượng không lỗi lầm.
Và nói không chấp vướng
Cùng nhẫn nhục không mất
Gần gũi không nghĩ bàn
Có hỏi và không hỏi.
Tiếng Ý thích, tiếng Phạm
Tiếng Ca-lăng thiện diệu
Được tu hạnh Bồ-tát
Xin chỉ dạy cho con.
Làm sao được sư tử
Tiếng đại Long, Ngưu vương
Làm sao được tiếng chuông
Đàn ca cùng tiếng tốt?
Làm sao được thông tuệ
Xin Đấng Điều Ngự nói
Làm sao được thuyết pháp
Tâm không hề chán đủ.
Không hủy các công đức
Thường diễn tiếng sấm vang
Làm sao được ban bố
Tất cả pháp sâu xa.
Làm sao các ví dụ
Khéo nói đến sáu thông?
Làm sao không mất pháp
Suy nghĩ trăm ngàn năm?
Siêng tu không biếng nhác
Pháp lành, Đấng Phổ Nhãn
Nếu vì mười phương cõi
Nói tu không nghĩ bàn.
Với các trí không nghi
Hướng về cầu giải thoát
Do đó con hôm nay
Thưa hỏi Đức Như Lai.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến nhờ hành lực của thần thông vô tác kia, khiến cho trong hư không, ở trên chỗ Đức Thế Tôn, tự nhiên biến thành lọng trời báu đẹp đẽ, được trang nghiêm bằng bảy báu đủ các vẻ tươi sáng. Từ nơi lọng này mưa đủ các loại hoa, hoa nhiễu ba vòng quanh Đức Phật rồi trụ trên đảnh đầu lại đều nghiêng mình cung kính hướng về Đức Phật Thế Tôn và ở trong hoa liền nói kệ:

Quy mạng Đấng Đại Thánh
Chánh Giác, Lưỡng Túc Tôn
Chư Thiên và thế gian
Không có ai sánh bằng.

Bấy giờ, hoa này rơi trên chân Đức Phật, lại liền bay lên, rồi tự nhiên rải khắp tam thiên đại thiên thế giới. Ở trong lọng báu, lại mưa xuống bột chiên-đàn bay khắp hư không rồi rơi trên Đức Phật, chỉ trong khoảng chốc lát bỗng nhiên biến mất, mùi hương phảng phất tỏa khắp đại thiên. Tất cả chúng sinh nghe hương này rồi, thân tâm an ổn, đạt được diệu lạc, giống như Bồ-tát được vui Tứ thiền.

Bồ-tát Bất Không Kiến sau khi đã hiện thần thông liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ-tát đạt được trí tuệ lớn, trí tuệ nhanh chóng, trí tuệ sắc bén, trí tuệ vô tướng, trí tuệ sâu xa, trí tuệ rộng lớn, trí tuệ hiện bày khắp, trí tuệ không sợ? Vì sao đạt được căn lành vô thượng, tâm như kim cang, hủy hoại tướng của các pháp? Thân tâm dịu dàng, tâm lớn như biển, giới phẩm khó lường, tâm như tảng đá, tâm đó nhu hòa, chánh trực, đoan nghiêm, tâm như núi chúa thâu tóm các pháp lành, tâm như đại địa có thể tạo an ổn cho tất cả, không tin nơi người khác, không trách kẻ khiếm khuyết, được hành nẻo thiện, an trụ vào các pháp, hướng đến chân chánh, không hủy báng Thế Tôn Vô thượng, đời đời thường được diện kiến Đức Phật, ở thế giới này được thấy vô lượng chư Phật phương khác, được nghe Pháp, gặp Tăng, lại được thâu giữ cõi nước thanh tịnh, thường được căn lành lợi mình và lợi người. Do vậy, hôm nay con thưa hỏi Thế Tôn, con vì sự giải thoát, vì tạo lợi ích cho chúng sinh, vì các Bồ-tát đạt được điều không nghĩ bàn, đầy đủ căn lành nên thưa hỏi Như Lai; vì mặc áo giáp thệ nguyện rộng lớn nhẫn khổ, thương xót tất cả nên thưa hỏi Như Lai; vì muốn đem lại lợi lạc cho các chúng sinh nên mặc áo giáp thệ nguyện rộng lớn, không có tưởng về chúng sinh, muốn độ sinh tử không có tưởng về sinh tử. Con thường làm lợi ích cho chúng sinh như vậy, thế nên, nay xin thưa hỏi Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Con ở chỗ các chúng sinh không khởi tâm hủy hoại, cũng không sinh tâm sân giận, mắng nhiếc, phỉ báng, chê bai, khinh bỉ, không phẫn nộ, oán thù, ý không quên mất, cũng không ganh ghét, không ôm độc hại, luôn thực hành Từ bi, tướng tu học Đại thừa của con như vậy, vì lợi ích nên thưa hỏi Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Nay con vì chúng sinh, xả bỏ cái vui nơi năm dục, có thể chịu các khổ, đem vui cho tất cả, vì các chúng sinh mà tạo ánh sáng pháp.

Bạch Thế Tôn! Con đối với các pháp trong ngoài tâm không lẫn tiếc. Tướng làm lợi ích cho chúng sinh của con như vậy, nên thưa hỏi Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Nay con mặc áo giáp thệ nguyện rộng lớn, vì một chúng sinh nên ở hằng hà sa kiếp vào đại địa ngục chịu các khổ não. Trong khoảng một niệm, con chưa từng thoái mất tâm Bồ-đề vô thượng. Thế nên, nay con vì lợi ích cho chúng sinh nên có thể nhẫn chịu vô lượng cực khổ mà không thoái tâm Bồ-đề, vì tất cả nên thưa hỏi Như Lai. Nay con mặc áo giáp thệ nguyện rộng lớn như vậy, vì các chúng sinh làm kẻ hầu hạ cho họ, vì lợi ích kia nên thưa hỏi Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Nay con vì chúng sinh nên xả bỏ đầu, mắt, tủy, não nhận chịu khổ này nhưng không thoái tâm Bồ-đề, tướng mạo như vậy nên thưa hỏi Đức Như Lai.

Bấy giờ, Bồ-tát Bất Không Kiến liền nói kệ:

Làm sao học đại trí
Trí rộng và trí nhanh?
Nên nay con thưa hỏi
Đại Hùng thầy thế gian.
Làm sao được sâu xa
Đại trí tuệ vi diệu?
Đạo Bồ-đề tối thắng
Cúi xin Phổ Trí nói.
Làm sao trí không sợ
Khéo léo nói tùy thuận?
Lại được tâm kim cang
Với pháp không nghi hoặc.
Làm sao được nhu hòa
Tâm không có cấu nhiễm?
Giới thanh tịnh như biển
Không dung nạp tử thi.
Lại được tâm như núi
Bất động khó nghĩ bàn
Sao không tin kẻ khác
Cũng không chê lỗi kia?
Nhất định hành nẻo thiện
Lấp bít các đường ác
Chí an trụ kiên cố
Tâm hoan hỷ không hoại.
Làm sao sinh chánh niệm
Lại còn được điều phục?
Ở đây lại được thấy
Cõi nước Phật phương khác.
Đã được nghe thuyết pháp
Cũng được gặp chúng Tăng
Muốn cầu được cúng dường
Cõi nước Phật phương đó.
Đủ các hương hoa đẹp
Tùy ý mà dâng cúng
Muốn cầu ở cõi này
Thấy các cõi vô biên.
Nương đời hiện thần thông
Hướng các cõi mười phương
Con lợi ích chúng sinh
Cũng không bạn lành khuyên.
An trụ các hổ thẹn
Tự bỏ lợi chính mình
Để lợi cho người khác
Thưa hỏi Đấng Đại Thắng.
Nếu vì cầu trí Phật
Giữ thiện không nghĩ bàn
Nên vì lợi ích này
Thưa hỏi Đức Như Lai.
Nương thế gian không đắm
Nên tu Tam-muội nào?
Vì chúng sinh như vậy
Phát thệ nguyện rộng lớn.
Cứu vớt các quần sinh
Tất cả mọi cực khổ
Tuy lại siêng tu hành
Không có tưởng chúng sinh.
Nên vì lợi nẻo thiện
Thưa hỏi Đức Như Lai
Với tất cả chúng sinh
Thường khởi tâm bình đẳng.
Chưa từng có phân biệt
Luôn tu tập Từ bi
Con vì lợi ích chung
Thưa hỏi Đức Như Lai.
Thân cận những pháp nào
Mau được định khó nghĩ?
Điều Ngự nói định này
Hiển Bậc đức vô biên.
Con phát thệ nguyện lớn
Vì lợi ích chúng sinh
Với kiếp không nghĩ bàn
Thường chịu khổ thiêu đốt.
Hay thay! Khiến tất cả
Được an lạc lâu dài
Tâm cầu không huyễn hoặc
Thường tu ý chánh trực.
Luôn xả pháp trong ngoài
Thâu giữ các chúng sinh
Nên vì làm lợi ích
Thưa hỏi Đấng Phổ Nhãn.
Miệng không sân, không ác
Không hủy báng, hận thù
Tự mình luôn chịu khổ
Để làm tôi tớ người.
Thế nên con thưa hỏi
Thế Tôn đại oai đức
Thường dùng tâm hoan hỷ
Khuyên tu hạnh Bồ-tát.
Xả bỏ vô lượng đầu
Để cầu đạo Bồ-đề
Vì lợi ích thế gian
Bỏ mắt và tay chân.
Chúng sinh theo sinh tử
Ngu tối không trí tuệ
Cứu giúp họ cách nào
Khiến được giải thoát hết.
Bỏ ân ái vợ con
Các y phục châu báu
Vàng, bạc, ngọc, pha lê
Vô số các kho báu.
Để tìm đến chánh đạo
Thưa hỏi Đức Như Lai
Bố thí thường không chán
Nghe pháp cũng như vậy.
Trụ ở A-lan-nhã
Tâm không hề biếng nhác
Nên vì lợi ích này
Thưa hỏi Đức Như Lai.
Thường cầu lời dạy thiện
Nghe ác thường lìa bỏ
Đối các loài quần sinh
Trước đều suy nghĩ thiện.
Nên vì lợi ích này
Thưa hỏi Đức Như Lai
Tâm từ quán chúng sinh
Như mẹ thương con một.
Không theo đuổi oán thù
Liền sinh tâm thương xót
Vì lợi ích tất cả
Thưa hỏi Nhân Trung Tôn.
Nếu được các phước báo
Lại không chỗ thủ đắc
Cũng nên vì chúng sinh
Thưa hỏi đấng Đại oai.
Con hỏi Bậc an nhiên
Nếu người được ít phước
Do quả báo nghiệp này
Mau được định Bồ-đề.