SỐ 159
KINH ĐẠI THỪA BẢN SINH TÂM ĐỊA QUÁN
Hán dịch:  Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Bát-nhã, người nước Kế tân
Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phẩm 7: YẾM THÂN

Bấy giờ, Đại Bồ tát Di Lặc liền từ tòa đứng dậy, trịch áo vai phải, gối phải sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, chúng tôi đã ngộ được việc Đại Bồ tát xuất gia, chán bỏ thế gian, ở nơi A-lan-nhã, điều phục tâm mình, tu hạnh Vô cấu. Song, Bồ tát ấy nơi tịch tĩnh, tự thân mình nên thực hành pháp quán gì?

Đức Phật bảo Bồ tát Di Lặc:

– Quý hóa thay! Quý hóa thay! Thiện nam, ông vì chúng sinh khởi tâm đại bi, thỉnh vấn Như Lai về “Nhập Thánh trí quán diệu         hạnh pháp môn”. Ông nên khéo nghe, nay Ta vì ông giảng nói về vấn đề ấy!

Bồ tát Di Lặc bạch:

– Dạ, bạch Thế Tôn, chúng con nguyện muốn được nghe!

– Thiện nam, Bồ tát xuất gia ở nơi A-lan-nhã, khi cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thời trong lúc đi, đứng, ngồi, nằm nên quán sát tỉ mỉ: “Thân hữu lậu này có ba mươi bảy thứ bất tịnh uế tạp, là thứ không đáng yêu và là thứ không bền chắc”.

Nên quán thân này cũng như đồ gốm, bên ngoài dùng màu sắc sặc sỡ như vàng bạc bảy báu tô điểm khéo đẹp, nhưng bên trong đầy phẩn uế, mọi thứ bất tịnh, rồi hai vai gánh đi, ai trông thấy cũng đều sinh lòng ưa thích, mà không biết trong đồ ấy đựng đầy thứ bất tịnh. Có sáu con rắn đen ở bên trong đồ ấy, một con cựa quậy thì đồ liền vỡ nát, sự độc hại, hôi nhơ tóe ra, không ai chịu nổi được. Người thế gian trang sức tô điểm thân mình, như đồ gốm sặc sỡ đựng những thứ bất tịnh kia. Ba món: tham, sân, si là tâm bệnh, ba bệnh; bệnh phong hàn, hoàng nhiệt, đàm ấm là thân bệnh. Trong ngoài sáu bệnh hay làm hại thân tâm, như sáu con rắn ở trong đồ nhơ; mỗi một con rắn cựa quậy, đồ liền vỡ nát, thời mỗi một bệnh phát ra, thân liền vô thường, Thiện nam, Bồ tát xuất gia ở chốn thanh vắng quán sát thân này gọi là Quán tướng Bất tịnh thứ nhất.

Trọn ngày đêm, Bồ tát xuất gia lại quán thân mình nhơ nhớp chẳng sạch, cũng như thân loài chó chết. Sao vậy? Vì thân kia cũng từ thứ bất tịnh nơi cha mẹ làm duyên sinh ra.

Bồ tát xuất gia lại quán sát thân mình như tổ kiến là nơi yên ở của nhiều kiến trong đó, một hôm có một con voi trắng đi đến bên tổ, lấy mình cọ vào tổ, tổ kiến liền vỡ ra. Thiện nam, tổ ấy là thân ngũ uẩn, voi trắng là sứ giả của Diễm-ma-la, thân hướng về đời sau như voi trắng phá tổ kiến.

Bồ tát xuất gia lại quán thân mình mà nghĩ rằng: “Nay thân này của ta, từ đầu đến chân, da, thịt xương, tủy cùng hòa hợp nhau làm thành thân mình cũng như cây chuối ở trong không có thực.”

Bồ tát xuất gia lại quán thân mình không có sức mạnh, da thịt mỏng che phủ, như vữa tô trát tường, ức vạn lông tóc như cỏ mọc trên đất, chút gió nhẹ ra vào lỗ chân lông. Như thế, ai là người có trí tuệ lại ưa thích thân này? Vì từng sát na, sát na, sự suy bại luôn luôn nối tiếp chuyển biến!

Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như nuôi rắn độc mà chuốc lấy hại. Nay ta tuy đem thức ăn uống quần áo giúp đỡ nuôi lớn thân này mà nó không biết ân, cuối cùng lại làm cho mình phải đọa vào đường ác.

Bồ tát xuất gia lại quán thân mình ví như kẻ thù oán giả làm bạn thân, rình lúc thuận tiện, đem thuốc độc làm cho mạng căn kia chết. Thân ta như thế, vốn không phải chân thực, quyết đi đến chỗ vô thường, nên bậc Thánh không hề yêu quý.

Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như bọt nước, tuy coi đẹp đẽ như sắc ngọc lưu ly, nhưng trong sát na, nhân duyên khởi, diệt không thường, vì nó là hữu vi, nên từng niệm niệm không ở lâu được.

Bồ tát xuất gia quán thân mình như thành Càn-thát-bà, tuy rằng hiện ra tướng trạng mà không thực có. Nay thân ta cũng như thế.

Bồ tát xuất gia lại quán thân mình cũng như ảnh tượng. Thân ta cũng thế, tuy có nhưng chẳng phải thực.

Bồ tát xuất gia lại quán thân mình ví như giặc oán cường thịnh của nước ngoài. Nay thân ta cũng như thế, giặc oán phiền não xâm lược thiện căn của ta.

Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như ngôi nhà hư dột, tuy cố gắng sửa sang lại, nhưng quyết sẽ hỏng nát. Thân ta cũng như thế, tuy cố gắng yêu mến nó, nhớ nghĩ đến nó, nhưng nó quyết sẽ vô thường.

Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như ở gần nước oán địch, nhân dân thành ấp thường mang lòng sợ hãi. Nay thân ta cũng như thế, trong lòng từng niệm niệm sợ giặc oán vô thường.

Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như rất nhiều củi bị lửa đốt cháy, mà lửa dữ ấy chưa từng biết đủ. Thân ta cũng thế, lấy lửa tham ái, đốt củi năm dục, tâm tham cầu càng tăng trưởng thêm cũng như thế.

Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như con mới đẻ, mẹ hiền thương xót luôn luôn gắng công săn sóc, gìn giữ. Thân ta cũng thế, nếu không gìn giữ, thân tâm bị bệnh, tức không thể tu chứng được.

Bồ tát xuất gia lại quán “bản tánh tự thân bất tịnh”. Ví như có người chán ngán và lo sợ màu than, mới đặt mọi phương tiện, lấy nước gột tẩy, qua nhiều thời gian màu đen vẫn như cũ và cho đến khi màu than hết, hoàn toàn cũng không được ích gì. Thân ta cũng thế, là thân hữu lậu bất tịnh, giả sử lấy nước biển cho đến hết đời vị lai mà tẩy cũng vô ích và cũng lại như thế thôi.

Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như dầu tưới củi, lấy lửa đốt cháy, lại gặp gió lớn, thế mạnh không thể dập tắt được. Thân này cũng thế, là đống củi năm uẩn tưới dầu tham ái, phóng lửa giận dữ, sức gió ngu si không thể ngừng được.

Bồ tát xuất gia lại quán thân mình cũng như ác tật, vì nó là chỗ ở của bốn trăm lẻ bốn bệnh, cũng như ruột già, là chỗ ở của tám vạn bốn ngàn con trùng; là chốn vô thường, vì hơi thở ra không trở vào được, tức là vô thường; cũng như “Phi tình thần thức” dễ thoát vì đồng như ngói đá; cũng như nước sông, trước sau mỗi sát na, không tạm ngừng nghỉ; cũng như ép dầu, đối với tất cả mọi sự, đều phải chịu đựng khổ nhọc. Thân này như không có chỗ nương tựa, cũng như con trẻ mất cha mẹ. Thân này như không có người cứu hộ, cũng như con ễnh ương bị rắn nuốt. Thân này như huyệt không đáy, vì tâm, tâm sở pháp không thể biết được. Thân này thường không biết đủ, vì đối với năm món dục lạc, tâm không biết chán. Thân này thường không được tự tại, vì bị đoạn kiến, thường kiến ràng buộc. Thân này không biết sinh sự thẹn hổ, vì tuy nhờ họ hàng nuôi nấng, nhưng vẫn vứt bỏ sự sống của mình. Thân này như thây chết, vì đối với ngày đêm tiếp nối đi gần đến chỗ diệt hoại. Thân này chỉ để chịu mọi khổ, vì đối với tất cả mọi chỗ không có gì là sự vui chân thực. Thân này là chỗ nương tựa của khổ, vì tất cả mọi khổ đều dựa vào thân mà có. Thân này như xóm làng trống vắng, vì trong thân này không có chủ tể. Thân này rốt ráo là vắng lặng tịch tĩnh, vì do tánh “Biến kế sở chấp” tạo dựng, vẽ càn ra. Thân này như tiếng vang trong hang, đều là hư vọng hiển hiện. Thân này cũng như thuyền buồm, nếu không có Thuyền sư liền bị trôi giạt. Và thân này cũng như xe lớn vận tải của báu. Sao vậy? Vì nhờ ngồi trên xe Đại thừa mà đến được cõi Bồ đề vậy.

Thiện nam, Bồ tát xuất gia ngày đêm quán sát, cần mến tiếc thân này, vì còn muốn làm cho chúng sinh ra khỏi biển sinh tử, đến bờ Niết bàn.

Khi Đức Thế Tôn nói pháp ấy rồi, Ngài bảo Đại Bồ tát Di Lặc:

– Thiện nam, tu hạnh như thế, là chỗ quán pháp chủ yếu của người Phật tử xuất gia. Nếu có Phật tử nào phát tâm Bồ đề vì cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ở nơi A-lan-nhã, tu tập ba mươi bảy phép quán như thế, lại dạy người ta cùng tu tập pháp quan trọng ấy, cùng giảng giải, viết chép, thọ trì, đọc tụng, xa lìa tất cả sự chấp ngã, ngã sở, dứt hẳn sự tham đắm năm dục lạc ở đời, thì sẽ chóng thành tựu đầy đủ được tín tâm bất hoại, cầu Đại Bồ đề, không tiếc thân mạng, huống chi là đối với các ngọc báu hiện có của thế gian. Như thế thì thân hiện tại quyết thành tựu rốt ráo tất cả Trí ấn Kim cang của Như Lai, đối với đạo Vô thượng quyết không thoái chuyển; sáu lục, muôn hạnh chóng được viên mãn, chóng thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lúc đó, trong pháp hội, tám vạn bốn ngàn Bồ tát mới phát tâm, quá chán thế gian, đạt được sức nhẫn lớn lao, đối với đạo Vô thượng  không còn thoái chuyển. Trăm ngàn Bà-la-môn phát tâm Bồ đề, thành tựu đầy đủ tín căn, được bất thoái chuyển. Ba vạn sáu ngàn thiện nam, thiện nữ xa lìa trần cấu, đạt được pháp nhãn thanh tịnh.