SỐ 192
PHẬT SỞ HÀNH TÁN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ-tát.
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2

Phẩm 7: VÀO RỪNG KHỔ HẠNH

Thái tử rời Xa-nặc
Đi vào chỗ vị tiên
Thân trang nghiêm rực sáng
Chiếu khắp rừng khổ hạnh
Đầy đủ tất cả nghĩa
Nghĩa nào cũng đến được.
Như sư tử đầu đàn
Đi vào trong bầy thú
Dáng tục đều đã bỏ
Chỉ thấy tướng đạo nhân.
Những người học đạo tiên
Thấy bậc chưa từng thấy
Tâm vừa sợ vừa mừng
Chắp tay đưa mắt nhìn.
Gái, trai đang làm việc
Liền đứng yên mà nhìn
Như trời thấy Đế Thích
Nhìn sững mắt không chớp.
Các tiên không dời chân
Chăm chú nhìn cũng thế
Mang nặng, tay làm việc
Kính nhìn không bỏ việc.
Như trâu bị buộc ách
Thân đi, tâm ở lại
Những người học thần tiên
Đều nói chưa từng thấy.
Các chim công vân vân
Bay liệng kêu ríu rít.
Phạm chí giữ giới nai
Theo nai vào rừng núi
Tánh nai nhát hay nhìn
Thấy Thái tử nhìn thẳng
Các Phạm chí theo nai
Cũng nhìn thẳng như the.
Đèn Cam Giá thêm sáng
Như mặt trời mới mọc
Cảm được đàn bò sữa
Cho thêm nhiều sữa ngọt.
Các vị Phạm chí ấy
Sợ lẫn mừng bảo nhau
Trời Bà-tẩu thứ tám
A-thấp-ba thứ hai
Hay Ma vương thứ sáu
Hay trời Phạm-ca-di
Hay là trời Nhật nguyệt
Giáng hạ xuống trần gian?
Chính là Bậc đáng kính
Đua nhau đến cúng dường
Thái tử cũng khiêm nhường
Kính dùng lời hỏi han.
Bồ-tát quán sát khắp
Các Phạm chí trong rừng
Tu các thứ phước nghiệp
Đều cầu sinh cõi trời
Hỏi Phạm chí trưởng túc
Thực hành đạo chân thật:
“Nay tôi mới đến đây
Chưa biết hành pháp gì
Việc nào cũng thưa hỏi
Xin giải thích giùm tôi”.
Bấy giờ hai vị ấy
Đều đem các khổ hạnh
Lần lượt tùy việc đáp:
“Không được vào xóm làng
Nước sạch sinh ra vật
Hoặc ăn rễ, cành, lá
Hoặc lại ăn hoa quả.
Các thứ đạo khác nhau
Uống ăn cũng không đồng
Hoặc tu giống như chim
Hai chân kẹp thức ăn,
Người ăn cỏ như nai
Tiên Mãng-đà hút gió
Cây, đá giã không ăn
Hai răng cắn thành vết,
Hoặc xin ăn đem cho
Còn dư tự mình ăn
Hoặc đầu thường xối nước
Hoặc lại kính thờ lửa,
Trầm mình, tu tiên cá
Các hạnh tu như thế
Phạm chí tu khổ hạnh
Sẽ được quả an vui”.
Bậc Hiền lưỡng túc tôn
Nghe các khổ hạnh này
Không thấy nghĩa chân thật
Trong tâm không hân hoan
Suy nghĩ thương xót họ
Tâm, miệng tự bảo nhau:
“Buồn thay! Các khổ hạnh
Chỉ cầu báu trời, người
Xoay vòng trong sinh tử
Khổ nhiều mà quả ít.
Bỏ cha mẹ, năm dục
Quyết định cầu sinh Thiên
Tuy tránh khỏi khổ nhỏ
Nhưng lại mắc khổ lớn.
Tự làm thân khô gầy
Tu hành các khổ hạnh
Để cầu được thọ sinh
Nuôi lớn nhân năm dục
Không quán sát sinh tử
Dùng khổ để cầu khổ.
Tất cả loài chúng sinh
Tâm thường hay sợ chết
Siêng năng cầu thọ sinh
Hết sinh lại gặp tử
Tuy là sợ các khổ
Nhưng mãi chìm biển khổ.
Sinh ấy rất nhọc nhằn
Đời sau lại không dứt
Theo khổ cầu hiện vui
Cầu sinh Thiên cũng nhọc
Tâm cầu vui thắp hèn
Đều rơi vào phi nghĩa
Cho nên rất hèn kém
Tinh tấn thì tốt hơn
Chẳng bằng tu trí tuệ
Cả hai bỏ, vô vi.
Khổ thân là đúng pháp
An vui là phi pháp
Trước hành pháp, sau vui
Nhân đúng pháp, quả phi.
Thân thực hành sinh diệt
Đều do sức tâm ý
Nếu xa lìa tâm ý
Thân này như cây khô.
Cho nên phải điều tâm
Tâm điều, thân tự đúng
Nếu ăn sạch có phước
Thì cầm thú, người nghèo
Thường hay ăn rau trái
Thì họ có phước sao?
Nếu nói tâm lành khởi
Khổ hạnh là nhân phước
Các hạnh an vui kia
Sao không tâm lành khởi?
Vui chẳng tâm lành khởi
Lành chẳng phải nhân kho.
Nếu các ngoại đạo kia
Cho nước là thanh tịnh
Chúng sinh sống dưới nước
Nghiệp ác nên thường tịnh.
Kia vốn là nơi chốn
Tiên Công đức nương ở
Nơi tiên Công đức ở
Nên khắp thế tôn trọng
Nên trọng công đức kia
Không nên trọng nơi chỗ”.
Như thế rộng nói pháp
Mãi cho đến chiều tối
Thấy có người thờ lửa
Hoặc dùi, hoặc thổi cháy
Hoặc người tưới dầu tô
Người cất tiếng chú nguyện
Như thế trọn ngày đêm
Quán sát việc họ làm
Không thấy nghĩa chân thật
Cho nên muốn bỏ đi.
Bấy giờ các Phạm chí
Đều đến khuyên ở lại
Kính ngưỡng đức Bồ-tát
Ai cũng đều khuyên mời
Ngài từ chỗ phi pháp
Đến rừng chánh pháp này
Mà lại muốn bỏ đi
Cho nên khuyên ở lại.
Các Phạm chí tôn túc
Tóc rối, mặc y cỏ
Đi theo sau Bồ-tát
Xin thỉnh Ngài ở lại.
Bồ-tát thấy họ già
Đi theo thân mệt nhọc
Dừng nghỉ dưới gốc cây
An ủi khuyên họ về.
Các Phạm chí lớn trẻ
Vây quanh chắp tay thỉnh:
“Ngài chợt đến nơi này
Làm vườn rừng sung mãn
Mà nay bỏ ra đi
Khiến trở thành gò hoang
Như người thích sống lâu
Không muốn bỏ thân mình
Chúng ta cũng như thế
Xin Ngài hãy ở lại.
Các Phạm chí chốn này
Tiên vua và Tiên trời
Đều nương ở nơi này
Lại gần bên núi Tuyết
Thêm nhiều các khổ hạnh
Chỗ ấy không hơn đây.
Rất nhiều các học sĩ
Nhờ đường này sinh Thiên
Người cầu phước học tiên
Đều từ đây lên Bắc
Nhiếp thọ các chánh pháp
Kẻ trí không về Nam.
Nếu Ngài thấy chúng tôi
Biếng nhác không tinh tấn
Hành các pháp bất tịnh
Mà không thích ở thì
Chúng tôi đều sẽ đi
Ngài hãy ở lại đây.
Các vị Phạm chí này
Thường tìm bạn khổ hạnh
Ngài vì khổ hạnh dài
Vì sao lại bỏ nhau
Nếu Ngài ở lại đây
Được thờ như Đế Thích
Cũng như các trời thờ
Tỳ-lê-ha-bát-để.”
Bồ-tát nói với các
Phạm chí rồi, tâm hẹn:
“Ta tu phương tiện đúng
Chỉ muốn dứt ba cõi.
Tâm các vị ngay thẳng
Hành pháp cũng vắng lặng
Quý mến người đến tu
Tâm tôi thật ưa thích
Nói hay cảm lòng người
Người nghe đều tắm gội.
Nghe lời các vị nói
Lòng ưa pháp tôi tăng
Các vị hướng về tôi
Cho là người bạn pháp
Mà nay bỏ các vị
Tâm tôi rất buồn bã.
Trước rời xa quyến thuộc
Nay chia tay các vị
Khổ hội họp, chia ly
Không khác với khổ này
Không phải tôi không thích
Cũng không thấy lỗi người
Nhưng các vị khổ hạnh
Đều cầu sinh cõi trời
Tôi cầu dứt ba cõi
Thân trái, tâm cũng trái.
Pháp các vị thực hành
Tu theo nghiệp thầy trước
Còn tôi dứt các tập
Để cầu pháp vô tập
Cho nên ở rừng này
Không nên dừng ở lâu.”
Bấy giờ các Phạm chí
Nghe Bồ-tát nói ra
Lời chân thật có nghĩa
Ngôn từ lý cao sâu
Nên tâm rất vui mừng
Càng thêm tôn kính hơn.
Lúc đó có Phạm chí
Thường nằm trên bụi cát
Tóc quấn, áo vỏ cây
Mắt vàng, mũi cao dài
Thưa với Bồ-tát rằng:
“Ngài chí bền, trí sáng
Quyết định rõ lỗi sinh
Biết lìa sinh thì an
Cúng tế cầu Thiên thần
Và các thứ khổ hạnh
Đều cầu sinh cõi trời
Chưa lìa cảnh tham dục
Tranh đấu với tham dục
Chí cầu chân giải thoát
Đó chính là Trượng phu
Bậc Chánh Giác quyết định.
Nơi này không đáng ở
Hãy đến núi Tần-đà
Nơi ấy có vị tiên
Tên là A-la-lam
Chỉ tiên được rốt ráo
Mắt cao siêu bậc nhất
Vậy Ngài hãy đến đó
Được nghe đạo chân thật
Khiến cho tâm vui mừng
Ắt sẽ hành pháp ấy.
Tôi thấy chí Ngài cao
E cũng không vừa lòng
Sẽ lại bỏ nơi ấy
Mà tìm nơi khác hơn.
Ngài mũi cao, mắt rộng
Môi đỏ, răng trắng sạch
Da mỏng, mặt sáng sủa
Lưỡi dài mềm đỏ mỏng
Các tướng đẹp như thế
Đều uống nước nóng ấy
Thước đo không lường sâu
Thế gian không ai sánh
Các vị Tiên kỳ cựu
Điều chưa được sẽ được.”
Bồ-tát hiểu lời ấy
Chia tay với các Tiên.
Các vị Tiên nhân ấy
Nhiễu bên phải rồi đi.