PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA BỒ-TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP KINH
Hán dịch: Tam tạng Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Phẩm 7: TRÌ GIỚI BA-LA-MẬT-ĐA

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Sao gọi là các Đại Bồ-tát tu tập Trì giới ba-la-mật-đa, tức là rộng tu hạnh thù thắng của Bồ-tát?

Này Xá-lợi Tử! Bồ-tát có ba pháp hành thiện là thân, miệng, ý đều hành thiện.

Sao gọi là thân hành thiện? Nghĩa là, Bồ-tát xa lìa sát sinh, trộm cắp, tà nhiễm. Đây gọi là thân nghiệp hành thiện.

Lại nữa, Bồ-tát xa lìa nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói ác. Đây là ngữ nghiệp hành thiện.

Lại nữa, Bo-tát không tham, không sân, chánh kiến. Đây là ý nghiệp hành thiện.

Bồ-tát suy nghĩ như vầy: Làm sao thân, miệng, ý thường làm thiện? Nếu thân không tạo nghiệp thì không có sát sinh, trộm cắp, tà nhiễm. Đây là thân hanh thiện. Nếu miệng không tạo nghiệp thì không nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói ác. Đây là miệng hành thiện. Nếu ý không tạo nghiệp thì không có tham, sân si, tà kiến. Đây là ý hành thiện.

Lại nữa, Bồ-tát quán sát như thật. Nếu thân, miệng, ý không tạo nghiệp thì đối với các pháp làm gì có biểu hiện; đối với thân, miệng, ý làm gì có tạo tội. Nếu các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, biếc, lục sẽ biểu hiện thế nào, thì không có nhãn thức biểu hiện, không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức biểu hiện. Vì sao? Vì không có năng sinh hay sở sinh, năng khởi và sở khởi. Nếu nó đã không thì làm gì có tạo nghiệp. Bồ-tát nghĩ như vậy rồi, biet rõ giới tướng hiện tiền không có sở tác. Nếu không sở tác thì làm gì có biểu hiện. Nếu không biểu hiện thì làm gì có chấp trước. Như vậy mới gọi là Bồ-tát hành thiện đối với giới tướng cũng không có sở quán. Nếu đối với giới tướng không có thú hướng thì không có sở quán. Nếu quán như vậy thì không khởi hữu thân kiến. Nếu không khởi hữu thân kiến thì đối với trì giới, phá giới như lý suy xét đều không thấy. Nếu quán như vậy đối với cảnh giới giới pháp, phép tắc không có liễu tri. Như vậy, trì giới đối với mình, đối với người đều không sở đắc, cũng không sở hành. Nếu đối với mình và người không sở hành thì đối với giới không hủy phạm khiếm khuyết, cũng không chấp thủ, hoặc mình hoặc người đều không sở đắc, giới không sở đắc. Nếu giới không sở đắc thì giới học không hủy phạm. Nếu giới học không hủy phạm thì giới cũng không hủy phạm. Như vậy tức là giới không sở thủ. Cớ gì không thủ? Vì tất cả pháp đều không sở thủ. Thế nên tất cả pháp không tự cũng không tha, đối với vô ngã nên thủ thế nào?

Khi ấy Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Thân nghiệp thanh tịnh miệng cũng vậy
Ý thường thanh tịnh tu tịnh hạnh
Cấm giới thanh tịnh lại thường hành
Đây là Bồ-tát trì tịnh giới
Mười thiện nghiệp đạo rất thù thắng
Bồ-tát trí tuệ khéo quán sát
Đối thân, miệng, ý đều không tu
Đây là người trí trì tịnh giới
Không tu không thắng cũng không thọ
Hình sắc hiển sắc cũng lại không
Nếu quán không hình hiển sắc tướng
Làm sao thấy rõ được các cảnh
Nếu giới vô vi không tu tập
Mắt đối sắc cảnh không thể quán
Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy
Các cảnh không thể làm biểu thị
Căn thức nếu không tướng có ra
Bi tâm nên quán sát như vậy
Đối với thanh tịnh giới cũng không
Giới không sở đắc lại không trụ
Hiểu rõ như vậy không ngã tưởng
Giới không sở hộ khéo hộ giới
Không tưởng giới lại không tu giới
Trọng hạnh Bồ-đề lìa các kiến
Nếu đối các kiến không sở quán
Không thấy, cũng lại không hiểu biết
Đây là không thấy, xứ cũng không
Trong đó trì phạm không lãnh thọ
Nếu rõ không hộ lý chánh pháp
Pháp tắc của giới chẳng nghĩ bàn
Khéo hay biết rõ môn chơn hộ
Không giới, cũng lại không sở đắc
Vì không ngã tưởng giới không đắc
Không ngã, cũng lại không có giới
Đã nói thường sinh tâm lìa sợ
Tịnh giới chính là lời vô ngã
Giới không lãnh thọ là vô ngã
Giới lại cũng không có y chỉ
Không giới, không cầu, không ngã ngôn
Không trì không phạm không sở thủ
Vì giới không ngã nên không khởi
Không ngã tức là không giới tưởng
Hạnh Bồ-đề là tuệ sâu xa
Như vậy giới tướng được vô úy
Những ai khuyết phạm cũng không được
Người trì đều nhờ sức thánh hộ
Các pháp không được cũng như vậy
Vì kẻ ngu si nói trì phạm
Lành thay, người khéo hộ tịnh giới
Đối giới thắng quả không trói mở
Vì đoạn các kiến tội không sinh
Cho nên không đọa ba đường ác
Giới không sở trì, không sở thọ
Ngã kiến không sinh tức không đọa
Như vậy đã biết rõ về giới
Đó là không trì cũng không phạm
Nếu đối ngã pháp không thể thấy
Đối với ba cõi cũng không quán
Huống lại trì phạm có sở hành
Như vậy người thấy khéo trì giới.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Mười thiện pháp của Bồ-tát có ra đều là từ tâm ý thanh tịnh, từ hạnh tinh tấn thù thắng, từ tin hiểu nghiệp báo dục rộng lớn thiện tối thắng. Đối với bậc Thánh luôn thân cận thừa sự, đối với Tôn sư không khởi phân biệt; hoặc Thánh hoặc sư đều lãnh thọ chánh pháp, cần cầu không đắm trước, chí cầu Bồ-đề không tiếc thân mạng.

Này Xá-lợi Tử! Bồ-tát trì giới, mười pháp thù thắng như vậy đều từ trong tâm Bồ-tát mà có. Nếu ai có khả năng an trụ mười pháp này thì có thể tích tập các thiện pháp.

*********

Này Xá-lợi Tử! Sao gọi là thiện pháp? Nên biết, thiện pháp có ba, đó là thân, miệng, ý hành thiện. Nếu các Đại Bồ-tát an trụ thiện hạnh như vậy, đối với chánh pháp Bồ-tát tạng cần cầu tu tập thì được Bồ-đề.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Thân nghiệp luôn luôn tu thiện hạnh
Là lời chư Phật thường nói thế
Tùy chỗ thân cận A-xà-le
Thì được đa văn cảnh giới thiện
Bổ-đặc-già-la nghĩa thù thắng
Nên khởi tâm Từ lợi chúng sinh
Lời nói diệu hòa không yêu ghét
Người nghe lời nói sinh vui thích
Tùy các pháp tướng không nhuế ác
Ý vui cực thiện đều bình đẳng
Tu tập không sinh tội dục tâm
Từ tâm quán sát thường tôn trọng
Được nghe lời thanh tịnh Như Lai
Phải nên tôn trọng đối chánh pháp
Do nhân tôn trọng với chánh pháp
Cho nên chóng được quả Bồ-đề.

Nếu Bồ-tát có thể an trú mười pháp này rồi, thì đối với chánh pháp Bồ-tát tạng siêng năng cần cầu tu tập, thân cận hầu hạ các bậc A-xà-lê, làm những việc cần làm, cho đến dâng trà nước.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Bồ-tát có mười thứ phát tâm.

Một là, Bồ-tát phát tâm như vầy: “Đau đớn thay! Thân của tất cả chúng sinh bệnh tật sầu khổ áo não, bốn con rắn độc thay nhau làm hại, tích tập các khổ, sinh nhiều tội lỗi, nhiều thứ bệnh trạng xảy ra như ung thư, ghẻ lở, bệnh nhọt, đờm giải, ngứa ngáy. Khi chịu các căn bệnh như vậy, phải trải qua nhiều gian khổ, càng ngày càng gay gắt, do vậy mà mau chóng tổn hoại, thật là không chắc chắn, ốm yếu gầy mòn, mau đưa đến tử vong, rồi đem vứt xác ngoài nghĩa địa không có một chút vui nào, vậy ta nên làm cho tất cả chúng sinh nhàm chán cái thân giả tạm không chắc chắn này, mà nên mong cầu cái thân chắc chắn chân thật.”

Này Xá-lợi Tử! Đây là phát tâm thứ nhất của Bồ-tát. Do phát tâm này, nên Bồ-tát có khả năng cần cầu tu tập chánh pháp Bồ-tát tạng, thân cận hầu hạ các bậc A-xà-lê, làm những việc cần làm, cho đến dâng trà nước.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Các cõi như rắn độc dữ tợn
Bốn thứ làm chỗ nương cho nhau
Mỗi mỗi khởi lên nhiều nhuế hại
Thân này mang nhiều bệnh khổ não
Mắt, tai hai chỗ sinh các bệnh
Mũi, lưỡi sinh bệnh cũng như vậy
Môi, răng sinh bệnh khổ quá nhiều
Khắp thân mang đủ các căn bệnh
Ung thư mới phát sinh đau khổ
Ghẻ lở lan tràn càng nhức nhối
Còn các bệnh khác lại quá nhiều
Do đó buộc trói khắp toàn thân
Thân này sinh các bệnh khổ não
Tích tập các khổ trên thân này
Không nghĩa, không lợi tổn hại nhiều
Mau chóng tiêu vong thân này diệt
Ném vào nghĩa địa có gì vui
Vô thường mau chóng không chắc chắn
Quán kỹ thân này thối như vậy
Lại thêm chứa nhóm các bệnh khổ
Nên tu hiền thiện các sự nghiệp
Làm nhân thân Phật ở đương lai
Vứt bỏ các thân ác như vậy
Phá hủy suy tàn lại mau chóng
Thành tựu thân Phật đủ các đức
Chẳng thể nghĩ bàn Đại Pháp thân
Nhìn lại thân chịu khổ như vậy
Đầy cả các lậu không thể vui
Nên biết không có lậu pháp khác
Tức lấy thân này làm nhân lậu
Tạm ở chỗ nóng muốn mát mẻ
Hoặc ở lạnh buốt muốn che chở
Thương thay! Thân này có gì vui
Già chết thường trói tổn hại nhiều
Chán lạnh sợ nóng làm khổ tâm
Tất cả đọa lạc đều phá hoại
Người trí nên tu nghiệp sĩ phu
Nguyện được thân chân thật tối thượng
Kham nhận thân cận A-xà-lê
Nhàm chán thân này thể hư huyễn.

Này Xá-lợi Tử! Đây là phát tâm thứ nhất của Bồ-tát.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Hai là, Bồ-tát phát tâm như vầy: Thương thay! Thân của tất cả chúng sinh ở thế gian không chắc thật, đoạn diệt hủy hoại ly tán.

Này Xá-lợi Tử! Ví như người thợ gốm tay nghề khéo léo, làm ra các loại bình tùy cở lớn nhỏ, tuy thấy có thành đó, nhưng đều quy về phá hoại. Thân của chúng sinh ở thế gian từ hư huyễn mà thành, không chắc thật cũng như vậy. Như cây đại thọ, cành nhánh hoa quả sum xuê, tuy được mọi người chăm sóc yêu thích, nhưng lại quy về rơi rớt. Thân không chắc thật của chúng sinh ở thế gian như quả chín mùi cũng như vậy. Như trời đêm thanh, các ngọn cỏ đọng từng giọt sương long lanh, sáng ra, mặt trời chiếu vào làm tan mất tất cả. Thân không chắc thật của chúng sinh ở thế gian không có lâu dài cũng như vậy. Lại như biển cả, sông ngòi, kênh rạch, dòng nước cứ chảy mãi; trong nước lại nổi lên những bọt nước, nhưng bọt nước đó co rồi lại không. Thân của chúng sinh ở thế gian như là bọt nước không có bền lâu cũng như vậy. Lại như trời đổ cơn mưa, nước nổi lên bong bóng, cứ diệt rồi sinh, không thể tụ lâu. Thân không chắc thật của chúng sinh ở thế gian tự tánh yếu kém cũng như vậy.

Này Xá-lợi Tử! Bồ-tát muốn khiến tất cả chúng sinh nhàm chán thân không chắc chắn như vậy, mà mong cầu thân chắc chắn chân thật. Đây là phát tâm thứ hai của Bồ-tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Như người thợ gốm muốn làm bình
Trộn đất vào khuôn làm thành bình
Tất cả đều quy về hoại diệt
Thọ mạng chúng sinh cũng như vậy.
Lại như đại thọ cành rễ tốt
Nhành lá sum suê hoa trái nhiều
Tất cả đều quy về rơi rụng
Thọ mạng chúng sinh cũng như vậy.
Ví như sương mai đọng ngọn cỏ
Mặt trời chiếu vào hóa ra không
Nhãn, cảnh không dừng trong chốc lát
Thọ mạng chúng sinh cũng như vậy.
Lại như nước biển cả sông hồ
Bọt nước nổi lên mềm không cứng
Thân chúng sinh như huyễn yếu kém
Giống như bọt nước đều không thật
Ví như trời mưa nước lan tràn
Trong nước nổi lên nhiều bong bóng
Sát-na quán cảnh có liền không
Thân không chắc chắn cũng như vậy.
Thân không chắc thật lại tưởng thật
Trong thật lại khởi tâm không thật
Người này không vào môn chân thật
Suy nghĩ tà vạy cảnh giới vọng
Trong thật nếu khởi tưởng chân thật
Không thật sẽ sinh tâm không thật
Người này được vào môn chân thật
Suy nghĩ chân chánh cảnh giới chơn
Nếu khởi tâm tướng chân thật rồi
Hầu hạ Tôn sư dâng trà nước
Nhìn lại thân huyễn không thật này
Thường được thể chắc chắn chân thật.

Này Xá-lợi Tử! Đây là phát tâm thứ hai của Bồ-tát.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Ba là, Bồ-tát phát tâm như vầy: Thương thay! Tất cả chúng sinh trong thế gian không thể suy nghĩ như vầy: Ta ở trong nhiều kiếp sinh tử, xa lìa Thiện tri thức, thân cận ác tri thức, nổi lên biếng nhac, tinh tấn yếu mòn, tà kiến che lấp, đầy dẫy ngu si, không bố thí, không thương yêu, không làm các việc thiện, chỉ tạo ác nghiệp, quả báo thành thục, thân tướng cảm lấy các bất thiện, tham ái càng tăng, ốm o tiều tụy; hoặc sinh vào ngạ quỷ, không thể nuôi sống, lấy lửa làm thức ăn, trải qua trăm năm, ngàn năm, trăm ngàn năm, không bao giờ nghe đến tiếng nước, huống nữa là được uống. Nay ta lại phát tâm này, nguyện thân cận tu tập thực hành thiện pháp, gần Thiện tri thức. Nhờ thế nên mới được thân người, sống bằng điều thiện, hành các bố thí, cho đến bỏ cả thân mạng, thân cận hầu hạ các bậc A-xà-lê, siêng năng tu tập chánh pháp Bồ-tát tạng, làm những gì cần làm, cho đến dâng trà nước. Đây là phát tâm thứ ba của Bồ-tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Thế gian có các Thiện tri thức
Phải nên đến đó luôn thân cận
Không thể tính đếm nhân cận thiện
Do đó không sinh các thiện hạnh
Bởi do thân cận các bạn ác
Cho nên xa lìa người hiền thiện
Tâm hay biếng nhác ít siêng năng
Ganh ghét dối gạt sinh lỗi lầm
Không hành bố thí, không thương yêu
Không thể thực hành các thiện pháp
Quả chín chịu lấy thân ốm gầy
Hoặc sinh các cảnh giới ngạ quỷ
Nhiều kiếp chìm mãi trong sinh tử
Chịu báo tối tăm nhiều sợ hãi
Không được ăn uống đói khát tăng
Phải chịu trọn đủ các khổ não
Trải qua như vậy trăm ngàn năm
Chịu khát không nghe đến tiếng nước
Bố thí điều thiện lại không quán
Không được các thiện tướng thế gian
Ta nay lại phát tâm như vậy
Làm được thân người rất là khó
Thệ nguyện thân cận A-xà-lê
Mau được viên mãn các thiện hạnh
Phải nên xa lìa ác tri thức
Thường luôn thân cận người hiền thiện
Bỏ thân mạng này có khó gì
Điều chính yếu nguyện được Bồ-đề
Khởi lòng tôn trọng A-xà-lê
Cung kính phát sinh tâm thanh tịnh
Đảnh lễ hầu hạ làm các việc
Nguyện được Bồ-đề thật tối thắng.

Này Xá-lợi Tử! Đây là phát tâm thứ ba của Bồ-tát.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Bốn là, Bồ-tát phát tâm như vầy: Chúng sinh trong thế gian nên nghĩ rằng: Ta trong nhiều kiếp xa lìa Thiện tri thức, thân cận ác tri thức, sinh ra biếng nhác, tinh tấn mòn dần, ngu si tối tăm, không biết nhẫn nhục thương yêu, không có các tướng tốt, tâm bị khốn đốn, thân luôn mệt mỏi, như bị đánh đập, các khổ bức bách, nhiễu loạn chúng sinh, nếu không có duyên ấy thì thà chịu lấy tội báo, do đó tạo ra các nghiệp bất thiện. Từ nghiệp bất thiện đó qua báo thành thục, cho nên phải đọa vào súc sinh làm trâu, lừa, lạc đà, không thể tự nuôi sống, chỉ ăn toàn cỏ cây, gặm nhấm luôn mồm, sợ hãi sự đánh đập, chở nặng khốn khổ, xa lìa tất cả thiện tướng bố thí. Nay ta lại phát tâm này, thân cận bạn tốt, nên được thân người, không tiếc thân mạng, bố thí rộng rãi, làm các nghiệp thiện, thân cận hầu hạ các bậc A-xà-lê, siêng năng cần cầu tu tập chánh pháp Bồ-tát tạng làm những việc cần làm, cho đến dâng trà nước. Đây là phát tâm thứ tư của Bồ-tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên liền lập lại bằng kệ rằng:

Chúng sinh nhiều kiếp trong đường ác
Không biết gì về các Thánh đạo
Sinh vào súc sinh lừa, lạc đà
Chịu đủ mọi hình thức khổ não
Đương lai nếu được làm thân người
Làm các sự nghiệp mọi hiền thiện
Hướng đến Bồ-đề môn chánh đạo
Là tướng thù thắng của người trí
Ta nên phát khởi tâm tôn trọng
Khéo hay an trụ vào pháp Phật
Vâng lời chỉ dạy của Xà-lê
Nguyện được Bồ-đề thật thù thắng
Trong kiếp quá khứ chẳng nghĩ bàn
Trôi lăn mãi mãi trong sinh tử
Luôn làm các việc không nghĩa lợi
Không thể tu tập hạnh bố thí
Ở đời không thể tự nuôi sống
Biếng nhác xa lìa Thiện tri thức
Mà cứ vâng lời của bạn ác
Do đó trôi dần theo dòng ác
Lạc đà, lừa luôn chịu gông cùm
Trói buộc đánh đập thân chịu khổ
Xa lìa bạn tốt bị quả báo
Trong loài ngưu súc nghiệp không mất
Loài lừa, lạc đà thọ sinh rồi
Cứ mãi chịu trói khổ ác sâu
Lại mang gông ách chở càng nặng
Lúc đó, khó thân cận bạn lành
Làm được thân người rất là khó
Thân cận bạn lành càng khó hơn
Sát-na thân cận bạn hiền thiện
Nhổ sạch khổ não trong nhiều kiếp
Nếu hay tu thiện thân, ngữ nghiệp
Tinh tấn tránh xa các lỗi lầm
Tâm an, mạng sống làm các việc
Ta nhờ thân cận Thiện tri thức
Thờ A-xà-lê không dối trá.
Từ đó ta phát tâm Bồ-đề
Bồ-đề Thánh đạo tuyên dương mãi
Tôn ngưỡng Tôn sư luôn kính trọng
Hương xoa và các hương thơm khác
Các y phục đẹp và hương bột
Trang nghiêm vật lạ tràng hoa báu
Cúng dường Đấng Lưỡng Túc Thánh Tôn
Mười phương hiện trụ tất cả Phật
Khai thị thắng nghĩa lợi chúng sinh
Phóng ánh sáng vàng khắp tất cả
Vô biên sắc tướng vì cúng dường
Đã phóng ánh sáng như Phật rồi
Cúng dường Đấng Nhân Trung Điều Ngự
Bồ-đề chánh đạo nhân thanh tịnh
Đến Bồ-đề tràng nguyện chứng quả.

Này Xá-lợi Tử! Đây là phát tâm thứ tư của Bồ-tát.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Năm là, Bồ-tát phát tâm như vầy: Chúng sinh trong thế gian nên nghĩ như vầy: Ta trong nhiều kiếp xa lìa Thiện tri thức, thân cận ác tri thức, tinh tấn mòn dần, sinh ra biếng nhác, ngu si tối tăm, không biết nhẫn nhục thương yêu, không có các tướng tốt, không biết suy nghĩ. Thương thay! Tất cả chúng sinh trong thế gian không biết suy nghĩ rằng tất cả mạng sống của muôn vật đồng là xác thịt của một thân, hoặc còn, hoặc hoại, thì thịt ấy không khác, ăn thịt chúng sinh lại cho rằng không có tội, cũng không tướng tội, không phước cũng không có tướng phước, cho đến tận mé biển xa thâm thẳm vời vợi, cái thấy của các chúng sinh ấy cũng không khác, không tội, không phước. Vì lý đó cho nên không biết gì về tội hay phước. Do không biết, cho nên gần gũi kẻ ác kiến, càng thêm ngu si tối tăm, không biết đường tốt, chỉ tạo tội nghiệp. Do tạo quá nhiều nghiệp bất thiện, cho nên khi quả báo thành thục phải chịu thân tướng thấp hèn, cho đến đọa vào địa ngục, chịu khổ địa ngục, nuốt hòn sắc nóng, tra khảo đánh đập, trói buộc, treo lên, làm cho chết đi sống lại, trải qua trăm ngàn năm không nghe đến tiếng vui, có đâu được hưởng vui. Đó đều là do không biết tội phước, không tạo nhân bố thí. Người trí nên suy nghĩ: Ta nay phát tâm này, thân cận bạn lành nên được thân người, không tiếc thân mạng, bố thí rộng rãi, làm các nghiệp thiện, thân cận hầu hạ A-xà-le, siêng năng cần cầu tu tập chánh pháp Bồ-tát tạng, làm những việc cần làm, cho đến hầu hạ trà nước A-xà-lê. Đây là phát tâm thứ năm của Bồ-tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Vì do thân cận các bạn ác
Tâm xấu khinh khi dối người khác
Sống trong tội nghiệp và tà kiến
Từ đó tội nghiệp ta càng nhiều
Các loại chúng sinh tận xa thẳm
Ăn uống thỏa thích không biết đủ
Cho rằng tội phước đều không nhân
Cũng không khổ sở các báo ứng
Thấy các tội nghiệp như thế đó
Mỗi mỗi thân cận với bạn ác
Hướng đến gian ác tội càng sâu
Do đó mau đọa vào địa ngục
Dẫu được thân người trải nhiều kiếp
Cứ mãi đọa vào ba đường ác
Không thấy Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác
Xuất hiện thế gian xin quy hướng
Cũng không nghe đến Thiện tri thức
Tiếng tốt vang lừng cả thế gian
Nếu ta đương lai được thân người
Rộng tu hiền thiện các sự nghiệp
Thế gian thân người rất khó được
Thọ mạng chúng sinh cũng lại khó
Chánh pháp Như Lai khó được nghe
Chư Phật xuất thế thật khó gặp
Làm được thân người rất là khó
Mau được Thánh đạo càng khó hơn
Nếu ta gặp Phật ở thế gian
Vâng lời Nhất thiết trí thanh tịnh
Ba nghiệp của thân, ngữ và ý
Tạo ra tất cả các tội lỗi
Đối với quả khổ không rốt ráo
Thệ nguyện tu hành không trở lại
Nếu như trong tâm thanh tịnh rồi
Thì tội nghiệp nhân quả cũng vậy
Đối với quả khổ không rốt ráo
Như trong tâm ấy đều thanh tịnh
Ba nghiệp thân, miệng, ý các thiện
Vô trí thế gian thật khó làm
Chỉ trừ thân cận A-xà-lê
Nguyện được Bồ-đề quả thù thắng
Nên biết chánh đạo là Thánh đạo
Ý vui khó tuyên nói như vậy
Vào cửa tinh tấn không dối gạt
Thành Phật Bồ-đề quả thù thắng
Bồ-tát phát tâm như vậy rồi
Tôn trọng Tôn sư hầu trà nước
Trí tuệ phương tiện được viên thành
Đó là đại hạnh của Bồ-tát.

Này Xá-lợi Tử! Đây là phát tâm thứ năm của Bồ-tát.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Sáu là, Bồ-tát phát tâm như vầy: Chúng sinh ở thế gian nên nghĩ như vầy: Ta trong nhiều kiếp xa lìa Thiện tri thức, gần gũi ác tri thức, không ham thích thiện, đối với bậc Tôn sư trí giả không có tâm khiêm hạ cung kính, tin theo, khen ngợi, thân cận, đảnh lễ cung phụng, chấp tay, làm các nghiep thiện, chỉ nuôi lớn tâm kiêu mạn, tạo nhiều bất thiện. Do tạo nghiệp bất thiện này, đến khi quả báo thành thục, dù được thân người, nhưng lại bị ốm yếu gầy mòn, không tự nuôi sống, không thể làm việc bố thí, tuy sinh trong loài người nhưng tánh còn xan tham keo kiệt, như vậy càng thêm nghèo cùng khốn đốn, hoặc làm kẻ nô tỳ, đầy tớ, bị người khác sai sử trói buộc. Như loài phi cầm đam mê dục lạc mà bay vào hư không, tùy theo chỗ nó đậu nguy hiểm mà kinh sợ. Chúng sinh tà kiến cũng như vậy, phá hủy tịnh giới, ba căn quen làm bất thiện, ở trong bốn nẻo, năm cái che lấp, thường làm sáu thứ không tôn trọng pháp của sư trưởng, không tuân theo bảy chánh pháp vi diệu, khởi tám tà pháp, nhập tụ tà định, đối với chín phiền não thường khởi lên não hại, thường làm mười nghiệp bất thiện điên dại đi vào đường phi đạo, hướng đến cửa địa ngục, quay lưng với đường thiện, xa Thiện tri thức, gần kẻ ác tri thức, thuận theo ý ma, xả bỏ thiện pháp, làm điều bất thiện, đánh đập sợ hãi, gian khổ sinh ra làm các việc không nhiêu ích, vì lý do đó cho nên không vui với việc làm bố thí. Nay ta lại phát tâm này: Thân cận bạn lành, sẽ được làm thân người, không tiếc thân mạng, bố thí rộng rãi, làm các thiện nghiệp, siêng năng cần cầu tu tập chánh pháp Bồ-tát tạng, làm những việc cần làm, cho đến hầu hạ trà nước. Đây là phát tâm thứ sáu của Bồ-tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Gần bạn ác càng thêm kiêu mạn
Thân cận như vậy trăm ngàn kiếp
Sinh vào loài người làm nô bộc
Luân hồi nhiều kiếp trong ba cõi
Làm được thân người rất là khó
Thân tướng tối thượng càng khó hơn
Sắc tướng tốt đẹp cũng lại khó
Chư Phật ra đời rất khó gặp
Ta nên thân cận bạn hiền thiện
Hiển bày chánh hạnh của Bồ-tát
Tâm Bồ-đề rất là rộng lớn
Nhiều câu-chi kiếp nguyện đạt được
Thân không chắc chắn như bọt nước
Lại như huyễn hóa nô đùa giỡn
Như những gì thấy ở trong mộng
Biết rõ không thật đều hư dối
Tuổi thọ sắp hết mạng rất ngắn
Cũng như điện chớp có gì lâu
Sát-na mạng diệt nên uẩn chuyển
Bỏ thân không thật cầu thể thật
Thời phần chuyển đổi trụ mau chóng
Phải nên xô đổ núi kiêu mạn
Hư giả hòa hơp trong ba đời
Trôi nổi mãi mãi không biết được
Xả bỏ thân này lìa các ái
Cũng không luyến tiếc thân mạng này
Diệt trừ ngông cuồng tâm ngã mạn
Tôn trọng Tôn sư luôn hầu hạ
Thế gian Tôn sư rất tối thắng
Bằng vơi cha mẹ không khác gì
Dứt trừ ngông cuồng tâm kiêu mạn
Tôn trọng siêng năng làm các việc
Bồ-đề vô thượng của Bồ-tát
Hạnh thù thắng đồng phần Bồ-tát
Ham thích tôn trọng tâm kiên cố
Nguyện làm các việc đều dũng mãnh
Khi hành mạn ái mạn tăng trưởng
Trừ đoạn pháp mạn không thể biết
Nhờ trí kim cang phá không còn
Núi đại kiêu mạn đều xô gãy
Khiến người tu Bồ-đề thù thắng
An trụ Bồ-đề tràng tối thượng
Chánh pháp xô ngã các quân ma
Cứu độ tứ sinh các phiền não
Mười phương tất cả người bệnh khổ
Không chán thân bất tịnh chính mình
Ta nên phát khởi tâm Từ bi
Làm chỗ quy hướng cho ba đời
Bố thí rộng rãi Ba-la-mật
Lại hay học Phật giới công đức
Quán sát nhẫn nhục hành tròn đầy
Ta phát tinh tấn đạo tối thượng
Thiền định đầy đủ Ba-la-mật
Tùy tâm khởi lên khéo an trụ
Phương tiện thắng tuệ cũng như vậy
Nguyện thờ Tôn sư hành bố thí
Tăng trưởng các phước oai lực này
Chẳng thể nghĩ bàn trí tuệ thiện
Mình người ý vui càng thêm cao
Tu học viên thành chân pháp khí.

Này Xá-lợi Tử! Đây là phát tâm thứ sáu của Bồ-tát.

*********

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Bảy là, Bồ-tát phát tâm như vầy: Chúng sinh trong thế gian nên nghĩ: Ta trong nhiều kiếp xa lìa Thiện tri thức, gần ác tri thức, sinh ra biếng nhác, tinh tấn mòn dần, ngu si tối tăm. Như người câm ngọng, không có kiến thức, không biết nhẫn nhục, cũng không thương yêu, không biết ác nghiệp ác báo, không biết thiện nghiệp thiện báo, không tạp nghiệp tạp báo. Tự mình đã không biết mà lại không chịu học hỏi Sa-môn, Bà-la-môn, các bậc A-xà-lê về những điều gì là thiện, điều gì là bất thiện, việc nào có tội, việc nào không tội, người nào nên thân cận, người nào không nên thân cận, việc nào nên làm, việc nào không nên làm, làm việc gì rồi trong nhiều kiếp không có nghĩa lợi, sinh các khổ não. Do đó ngã mạn càng thêm tăng trưởng, không thể nhận thức được thiện nghiệp căn bản, chỉ tạo ra bao nhiêu nghiệp bất thiện. Dù được thân người nhưng các căn tàn tật, lại ở trong loài người không thể tự nuôi sống, không thể thực hành bố thí, lại làm người đui, điếc, câm, ngọng không có các sắc tướng, không thể biết được lời nào thiện, lời nào ác, vì lý do đó cho nên không ưa bố thí. Nay ta trở lại phát tâm này: Thân cận Thiện tri thức, nếu được làm thân người các căn trọn vẹn, có khả năng tự nuôi sống tập hạnh bố thí, không tiếc thân mạng, đầy đủ các sắc lực, biết rõ ràng về lơi ác lời thiện, lại hay thỉnh hỏi Tôn sư trí giả về những gì là thiện, những gì là bất thiện, cái nào có tội, cái nào không có tội, người nào nên thân cận, người nào không nên thân cận, làm những việc nào là trái với pháp Thanh văn, Duyên giác, mà lại thuận hướng với nghĩa Bồ-tát tạng, thân cận hầu hạ A-xà-lê, làm những việc cần làm, nhàm chán cái thân không chân thật này, mong cầu thân kiên cố chân thật, cho đến dâng trà nước. Đây là phát tâm thứ bảy của Bồ-tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên liền lập lại bằng kệ rằng:

Muốn gần bạn hiền làm lợi ích
Ta phải xa lìa trăm ngàn kiếp
Không nên thỉnh hỏi môn thiện ác
Có tội không bị các quả báo
Tâm tăng thượng mạn đọa địa ngục
Bàng sinh, ngạ quỷ trong các nẻo
Thân cận bạn bè tạo tội nghiệp
Chịu khổ nhiều kiếp không cùng tận
Dù được thân người, căn tàn tật
Phải chịu luân hồi trong nhiều kiếp
Không nhận xét được môn thiện ác
Có tội không tội và quả báo
Nếu được thân người lìa gian khổ
Các căn trọn vẹn đủ tướng tốt
Nhân tướng đầy đủ lìa các nạn
Như rùa chột mắt gặp cây nổi
Được thấy đèn sáng chiếu thế gian
Nghe lời Phật dạy pháp vô nhiễm
Lúc đó thỉnh hỏi thế gian tôn
Các quả báo thiện và bất thiện
Những kẻ keo kiệt hướng về đâu
Người không keo kiệt hay bố thí
Tham dối, pha giới như thế nào
Người không phá giới lại ra sao
Tại sao nhuế ác tâm không động
Tại sao biếng nhác tâm tán loạn
Tinh tấn thiền định vui thế nào
Ác tuệ ngu si sẽ ra sao
Làm sao để được tuệ chân thật
Làm sao Bồ-đề hành phương tiện
Sáu thứ hiền hạnh rồi ra sao
Từ tâm rộng lớn hơn thế gian
Chúng sinh nẻo ác làm sao cứu
Làm sao vui pháp tâm không chán
Hành tàng Bồ-đề siêng năng cầu
Trong mười phương cõi khéo an trụ
Làm sao đích thân đến chỗ Phật
Làm sao lễ phụng tạo các phước
Phổ Hiền hạnh môn lại ra sao
Như ta ngày nay khéo thân cận
Làm sao thỉnh hỏi A-xà-lê
Nguyện nghe Tôn sư tôn trọng thờ
Sinh tâm hoan hỷ A-xà-lê
Tâm này sinh rồi chơn Phật tử
Phước lực, trí lực càng thêm tăng
Từ đó thành tựu trí to lớn
Trí lực mạnh mẽ phát thắng tâm
Hầu hạ trà nước sinh hoan hỷ.

Này Xá-lợi Tử! Đây là trí lực thứ bảy của Bồ-tát.

Lại nữa, này Xá-lơi Tử! Tám là, Bồ-tát phát tâm như vầy: Chúng sinh trong thế gian nên nghĩ thế này: Ta trong nhiều kiếp xa lìa Thiện tri thức, gần kẻ ác tri thức, ít có siêng năng, sinh ra biếng nhác, ngu si tối tăm như người câm ngọng. Tất cả văn cú ở thế gian cùng với nghĩa cú hợp, pháp cú hợp. Vì pháp cú hợp cho nên trụ vào vắng lặng, cùng với lìa tham hợp, chánh trí tịch diệt, cùng với Samôn, Bà-la-môn đồng trụ Niết-bàn. Vì chấp ngã cho nên đối với tất cả xứ sở không thể hiểu biết văn nghĩa cú hợp, cho đến đồng trụ Niết-bàn, cũng lại không thọ trì đọc tụng, cũng lại không có sức lực, không có tinh tấn, không có lực dụng của Sĩ phu, không có thế của Sĩ phu, không có siêng năng dũng mãnh của Sĩ phu. Không có tinh tấn tối thượng không nhân, không duyên, các phiền não của chúng sinh cũng không nhân không duyên; chúng sinh tạp nhiễm không nhân không duyên. Chúng sinh thanh tịnh không nhân không duyên, các nhân này dựa vào các kiến không thể biết rõ những nghiệp thiện đã làm, chỉ tạo ác nghiệp, dầu được thân người, nhưng các căn bị tàn tật khiếm khuyết, chính bản thân không thể tự nuôi sống, khong thể thực hành bố thí, si mê che lấp, đui điếc câm ngọng, không có sắc lực, không thể hiểu văn nghĩa cú hợp, cho đến không đồng trụ Niếtbàn, cũng không thể thọ trì đọc tụng. Vì lý do đó, cho nên không thể thân cận học tập thực hành thiện pháp. Ta nay lại phát tâm này, tiếp xúc thiện pháp, cho đến không tiếc thân mạng, biết rõ văn nghĩa cú hợp, đồng trụ Niết-bàn xuất ly, cần cầu tu tập, thọ trì đọc tụng chánh pháp Bồ-tát tạng siêng năng tinh tấn, thân cận hầu hạ A-xà-lê, thọ trì đọc tụng Chánh pháp Bồ-tát tạng, nhàm chán thân không chân thật này, mong được thân chắc chắn chân thật, đầy đủ phước trí thắng lực. Do phước trí thắng lực được đầy đủ cho nên mọi thao tác tu tập được ràn rẽ, có khả năng tích tập chánh pháp Bồ-tát tạng, thân cận hầu hạ các bậc A-xà-lê, làm những việc cần làm, cho đến dâng trà nước. Đây là phát tâm thứ tám của Bồ-tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Bởi do pháp nghĩa ấy tương ưng
Đối với chánh đạo tu đạo hạnh
Trong lý tịch diệt được tu chứng
Đạt được chân thật đạo Niết-bàn
Nếu ai xa lìa các pháp này
Thì đối các pháp không được lợi
Nếu tương ưng với không nghĩa lợi
Thì không gần được với chánh pháp
Không lực, cũng lại không tinh tấn
Thế dụng sĩ phu cũng đều không
Không người dũng mãnh cũng như vậy
Đối nhất thiết xứ không được gì
Nên thấy không Phật cũng không pháp
Không cha, không mẹ và tông thân
Do đó thiện ác nghiệp đều không
Tất cả đều không các báo ứng
Thấy các tội nghiệp như thế đó
Mỗi mỗi thân cận tội căn sâu
Hướng đến gian ác ngày càng nhiều
Đọa vào địa ngục qua nhiều kiếp
Địa ngục hết, chịu báo bàng sinh
Trong loài ngạ quỷ tội càng nhiều
Về sau nếu được làm thân người
Tai điếc, ngu si lại không lưỡi
Ngoài ra còn chịu báo câm ngọng
Ngu si khuyết lậu khổ càng tăng
Trở lại chịu tai ương địa ngục
Bởi do không hiểu nên đọa lạc
Trải qua nhiều kiếp sau mới được
Thân người trọn vẹn đủ tướng tốt
Các căn đầy đủ sức thù thắng
Nương thời tịnh trụ lại suy nghĩ
Nếu đối các pháp nghĩa tương ưng
Liền được đồng về đạo xuất ly
Tu đạo Bồ-đề chứng Bồ-đề
Ta nên suy nghĩ việc như vậy
Tất cả các Đại Bồ-tát tạng
Chánh pháp hòa hợp nghĩa thậm thâm
Trải qua câu-chi trăm ngàn kiếp
Phát sinh tịnh tín thật khó được
Nếu còn nhiều thứ các khổ khác
Diệu pháp chư Phật chẳng nghĩ bàn
Tùy theo tu tập hay thọ trì
Vì Phật Bồ-đề quả thù thắng
Ta nên thân cận và vâng theo
Tôn trọng tín phụng A-xà-lê
Chư Phật Bồ-tát cũng như vây
Liền được tín thanh tịnh tối thượng
Phát sinh tịnh tâm như vậy rồi
Đó là tâm Bồ-đề rộng lớn
Thắng tuệ phương tiện đều viên thành
Hầu hạ trà nước thường tinh tấn.

Này Xá-lợi Tử! Đây là phát tâm thứ tám của Bồ-tát.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Chín là, Bồ-tát phát tâm như vầy: Thương thay! Tất cả chúng sinh trong thế gian, bởi do chấp trước luyến ái thân mạng, thường làm tất cả hạnh không nghĩa lợi, chạy theo điên đảo.

Cái gì là hạnh không nghĩa lợi? Đó là chúng sinh luyến tiếc chấp trước vào thân mạng, không ham thích pháp phần Bồ-đề. Đó là do ngã kiến dẫn dắt, tâm chấp trước ngu si che lấp, chạy theo các việc suy đồi phá hoại. Đây gọi là hạnh không nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh luyến tiếc thân mạng là do ngã kiến dắt dẫn, luyến ái vợ, con, trai, gái, tri thức. Do tâm luyến ái chấp trước che lấp, ngu si tối tăm, xa lìa các việc nhiêu ích. Đây là hạnh không nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh luyến tiếc chấp trước thân mạng, bởi do ngã kiến dẫn dắt, thích làm người nô tỳ để làm các việc, coi ngó giữ gìn. Đây là làm việc không nghĩa lợi.

Lại nữa, tất cả chúng sinh trong thế gian luôn đeo đuổi hạnh nghĩa lợi, hoặc có chúng sinh không tiếc thân mạng, ham thích pháp phần Bồ-đề, với tâm Bồ-đề là trước hết, khéo tu ba nghiệp thân, miệng, ý. Đây gọi là hạnh có nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh không tiếc thân mạng luôn ham thích pháp phần Bồ-đề, tâm Bồ-đề là trước hết, tích tập Bố thí ba-la-mật-đa. Đây gọi là hạnh có nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh không tiếc thân mạng, thường ham thích pháp phần Bồ-đề với tâm Bồ-đề là trước hết, thực hành bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, nhiếp hóa hết tất cả chúng sinh. Đây gọi là hạnh có nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh không tiếc thân mạng, thường ham thích pháp phần Bồ-đề, với tâm Bồ-đề là trước hết, tu tập Niệm xứ, Chánh cần, Thần túc, Căn lực, Giác đạo, Bồ-đề phần thù thắng. Đây gọi là hạnh có nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh không tiếc thân mạng, thường ham thích pháp phần Bồ-đề, với tâm Bồ-đề là trước hết, lắng nghe vâng lời dạy bảo của cha mẹ và các bậc A-xà-lê; lễ bái, khen ngợi, cung kính, chấp tay, phụng hành các việc. Đây gọi là hạnh có nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh khong tiếc thân mạng, thường ham thích pháp phần Bồ-đề, với tâm Bồ-đề là trước hết, thường đem tâm thanh tịnh làm việc Tam bảo. Đây gọi là hạnh có nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh nghĩ như vầy: Ta vì tiếc thân mạng, cho nên việc không nghĩa lợi luôn theo đuổi ta; vậy ta nên siêng năng tinh tấn, thân cận hầu hạ A-xà-lê, không tiếc thân mạng, làm những việc cần làm, nhàm chán thân không chân thật này mong cầu thân chắc chắn chân thật, phước trí thắng lực sẽ được đầy đủ. Do đầy đủ cho nên mọi thao tác tu tập đều được thành tựu, đến Bồ-đề tràng, sẽ chứng Thánh quả.

Này Xá-lợi Tử! Đây là phát tâm thứ chín của Bồ-tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Nếu người còn luyến tiếc thân mạng
Pháp phần Bồ-đề không ham thích
Ba nghiệp bất thiện đều tạo đủ
Đó là kẻ ngu si dị sinh
Luyến ái thân mình và vợ con
Và các trai gái cùng quyến thuộc
Tâm chấp trước này không nghĩa lợi
Kẻ ngu si xoay chuyển ba cõi
Lại làm nô tỳ làm mọi việc
Bởi tâm bất giác thường luyến tiếc
Dính mắc vào việc không nghĩa lợi
Nuôi sống cho các loài bốn chân
Chứa nhóm tiền của lúa thóc nhiều
Mình không thọ dụng không cho ai
Không nghĩa lợi này ái trước sâu
Che dấu âm thầm không lộ ra
Nhiễm trước vào không nghĩa lợi này
Tâm kẻ ngu si thường ái tiếc
Ngược lại với thiện ý Bồ-tát
Xả bỏ không thể sinh yêu thích
Nếu người không tiếc cả thân mạng
Ham thích Bồ-đề phần thù thắng
Ba pháp thiện nghiệp tạo đầy đủ
Điều này gọi là có nghĩa lợi
Thí, giới, nhẫn nhục và tinh tấn
Thiền định, thắng tuệ cũng như vậy
Cùng với phương tiện hạnh tương ưng
Điều này gọi là có nghĩa lợi
Phụng thờ cha mẹ là trước hết
Vâng lời Tôn sư cũng như vậy
Suy nghĩ kỹ lưỡng môn Tam bảo
Điều này gọi là có nghĩa lợi
Các Đại Bồ-tát tạng thậm thâm
Nhiếp hết tất cả pháp thù thắng
Thọ trì đọc tụng rộng tuyên dương
Điều này gọi là có nghĩa lợi
Các thắng hạnh có nghĩa lợi này
Chính là chư Phật đã tuyên nói
Như trên đã nói nghĩa tương ưng
Đây là Phật tử hạnh to lớn
Phát sinh đại tâm như vậy rồi
Lại phát tâm thanh tịnh chắc chắn
Thân cận hầu hạ A-xà-lê
Cung phụng trà nước làm các việc.

Này Xá-lợi Tử! Đây là phát tâm thứ chín của Bồ-tát.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Mười là, Bồ-tát phát tâm như vầy:

Thương thay! Tất cả chúng sinh trong thế gian không thể điều phục tâm ý như lý, trái nghịch với lời dạy của A-xà-lê, những người này sẽ không được Thánh tài của A-xà-lê. Những gì gọi là thánh tài của A-xà-lê? Đó là tín tài, giới tài, văn tài, xả tài, tuệ tài, tàm tài, quý tài. Bảy pháp này là Thánh tài của A-xà-lê. Do không được thánh tài như vậy, cho nên phải chịu nghèo cùng bức bách tâm ý. Người trí nên khéo điều phục tâm, tùy thuận với lời dạy của A-xà-lê tập hạnh bố thí, làm các việc thiện. Vì sao? Vì nếu có khả năng điều phục tâm, tùy thuận lời dạy, tu hạnh bố thí, người này liền được Thánh tài của A-xà-lê. Sao gọi là Thánh tài của A-xà-lê? Đó là chánh pháp Bồ-tát tạng, nhiếp hết tất cả pháp khéo điều phục của Bồ-tát. Biết như vậy rồi siêng năng tu tập chánh pháp Bồ-tát tạng, tuyên nói rộng rãi cho mọi người. Nếu ai có khả năng an trụ Bồ-tát tạng thì đoạn trừ được nghèo khổ rốt ráo, hướng đến Chánh đẳng Chánh giác. Phát tâm như vậy rồi thì có khả năng tùy thuận của A-xà-lê, hành bố thí, nhàm chán than không chân thật này, mong cầu thân chắc chắn chân thật, thân cận hầu hạ A-xà-lê, cho đến dâng trà nước.

Này Xá-lợi Tử! Đây là phát tâm thứ mười của Bồ-tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Tất cả chúng sinh khó điều phục
Trong lòng dối trá lại hiểm ác
Trái với lời dạy của Tôn sư
Không thể kham nhận và nhẫn nhục
Biết được khó điều phục này rồi
Phải nên tùy thuận lời thầy dạy
Đem lời chỉ dạy để tuyên dương
Liền được Thánh tài của Như Lai
Đó là tín tài và giới tài
Văn tài, xả tài cũng như vậy
Trong đó tối thắng là tuệ tài
Tàm quý Thánh tài là bảy pháp
Biết rõ Thánh tài như vậy rồi
Bảy thứ phục tàng dùng không hết
Nếu như không biết rõ như vậy
Thì đó không phải là pháp khí
Nếu chúng sinh này là pháp khí
Thì được đầy đủ pháp chư Phật
Không dối, khéo điều phục xưng dương
Siêng năng tinh tấn tu thí hạnh
Dục tâm tôn trọng pháp vi diệu
Vứt bỏ thân mạng không khó gì
Tu Bồ-đề Phật thành pháp khí
Biết rồi tu trì không gián đoạn
Pháp giới bình đẳng không sai biệt
Phật Điều Ngự Tôn đã tuyên nói
Môn chánh pháp Bồ-tát tạng này
Hay khéo an trụ trong Bồ-đề
Như trên đã nói pháp rộng lớn
Đó là chân thật tài chư Phật
Vì tất cả pháp là vô ngã
Không tướng, cũng lại không không tướng
Không có thọ mạng, không tác giả
Cũng không hý luận, không hàm tàng
Đối với tự tánh tất cả pháp
Không sinh, không tướng vốn như vậy
Các pháp không thành cũng không hoại
Quán kỹ các pháp vốn không tướng
Người khéo điều phục vâng lời dạy
Tùy theo lời dạy khéo tu tập
Nếu được thấy Phật trí tự nhiên
Tùy tự cảnh vào cửa giải thoát
Như là tín tài và giới tài
Văn, xả, tàm quý, tuệ bảy tài
Thánh tài vô thượng báu như vậy
Đầy đủ bảy pháp dùng không hết
Nghe pháp tạng ấy rộng bố thí
Khéo điều tâm ý đều tùy thuận
Luôn luôn thân cận các bạn lành
Và thường tu tập các thiện hạnh
Tôn trọng đại Bồ-đề vô thượng
Siêng hành các pháp cũng như vậy
Phát sinh tâm thù thắng như vậy
Như khát nhớ nước không biết mệt
Nước sạch chứa đầy trong bình sạch
Tâm rộng lớn ham thích hiến dâng.
Này Xá-lợi Tử! Đây là phát tâm thứ mười của Bồ-tát. Do phát tâm rồi cho nên siêng năng tu tập chánh pháp Bồ-tát tạng, thân cận phụng thờ A-xà-lê, làm các việc cần làm cho đến hầu hạ trà nước. Nhờ sức thiện căn tối thắng này, cho nên người tu tập hạnh Bồ-tát đạt được bốn pháp:

  1. Như A-xà-lê đã dạy, mau chóng đạt được tất cả thiện pháp.
  2. Vâng lời dạy của A-xà-lê.
  3. Tu hành mau chóng được thành tựu.
  4. Tu hành nhân chánh pháp đầy đủ.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Người tu hạnh Bồ-tát sinh vào nhân gian, đạt được bốn pháp:

  1. Dạy dỗ nhiều người, tất cả thiện pháp tùy theo khả năng mà an trụ.
  2. Ở trong núi sâu, được nhiều người hoan hỷ.
  3. Vì tâm rộng lớn cho nên cả ngày lẫn đêm được nhiều người đến.
  4. Không có chỗ sinh ra, đến khi mạng chung được sinh lên cõi trời.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Người tu hạnh Bồ-tát sinh lên cõi trời đạt được bốn pháp:

  1. Được Thiên chúng dâng cúng tòa tối thượng.
  2. Mọi chỗ đi đến được Thiên chúng chiêm ngưỡng tướng đẹp vi diệu.
  3. Tuy theo lời nói ra mọi người đều lãnh thọ rõ ràng.
  4. Chỉ đến chỗ chúa trời Đế Thích thưa hỏi những điều nghi, chứ không đến chỗ của các trời khác, được thọ dụng cung điện ở trong cõi trời.

Này Xá-lợi Tử! Người tu hạnh Bồ-tát sinh lên cõi trời được bốn pháp như vậy, nếu sinh vào cõi người được vô lượng trăm ngàn pháp môn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Được tòa tối thắng trong cõi trời
Lại được Thiên chúng luôn cung kính
Tất cả Thiên chúng đều chiêm ngưỡng
Thường nghe nói thiện pháp như vậy
Tất cả việc làm đều là trí
Hỏi pháp Đế Thích tâm không tiếc
Được cung điện thù thắng ở cõi trời
Diệt ở cõi trời sinh cõi người
Lại được sinh vào chỗ tối thắng
Làm Chuyển luân vương nhiếp bốn châu
Sau khi chết rồi sinh trở lại
Ở trên cõi trời hưởng vui sướng
Cõi trời không có các khổ não
Tôn trọng Tôn sư gieo nhân này
Bốn môn thù thắng vi diệu này
Thường được việc rộng lớn như vậy
Do tâm không khởi lên chấp trước
Tôn trọng Tôn sư khéo tu tập
Với tâm thanh tịnh dâng trà nước
Ham thích tôn trọng thường không chán
Thường được các hàng trời, người, rồng
Tôn trọng cung kính và cúng dường
Khi được sinh lên cõi trời kia
Cũng lại được bốn thứ pháp ấy
Tại sao gọi là bốn thứ pháp?
Biết rõ những nghiệp trước đã làm
Tích tập hạnh thiện va nhân thiện
Việc làm hiện tại thường không giảm
Lại nữa vì do thiện pháp này
Cho nên biết rõ chỗ sinh diệt
Hiện sinh không động cũng biết rõ
Thế nên biết rõ các pháp hành
Tuyên nói rộng rãi cho chư thiên
Y pháp hiển bày và dạy dỗ
Rộng làm lợi ích hạnh thù thắng
Rồi sau diệt độ từ cõi trời.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Người tu hạnh Bồ-tát được bốn pháp:

  1. Sau khi diệt độ từ cõi trời rồi, sinh vào nhân gian, cùng cấm giới, cùng phần sinh.
  2. Sinh vào cõi người rồi, hiện tại được năm loại Bi pháp:
    1. Hiện tại được sinh trong thiện pháp.
    2. Hiện tại đầy đủ tướng oai nghi.
    3. Hiện tại được đầy đủ tịnh giới.
    4. Hiện tai quyến thuộc đông nhiều.
    5. Hiện tại khởi tâm Từ quán đối với chúng sinh. 3 + 4. (*)

Lại nữa, sẽ được năm pháp không phá hoại:

  1. Thiện hữu tri thức thường không phá hoại.
  2. Thân lâu hoại.
  3. Thọ dụng giàu có sung sướng, nhưng không phá hoại.
  4. Phát tâm Bồ-đề chắc chắn không thể phá hoại.
  5. Đối với lúc đói khát liền được pháp lạc sung túc no đủ.

Lại nữa, sẽ được năm pháp hy hữu:

  1. Đem bình không để nơi một chỗ, tự nhiên có đầy nước thanh tịnh, trong nước đó lại chứa đầy các loại trân báu vi diệu.
  2. Lúc khát cần đến nước thì tự nhiên có nước tám công đức hiện ra trước.
  3. Thân lìa các nạn nhiệt não như độc, đao, lửa, nước, ẩm phục oai quan, ăn nuốt sợ hãi.
  4. Hoặc gặp lúc đao binh, kiếp tật dịch, kiếp đói khát, kiếp hỏa tai, kiếp thủy tai, kiếp phong tai, kiếp nghèo thiếu, kiếp nóng bức, nạn Dạ-xoa, hiện sinh trong cõi Diêm-phù-đề, liền được sinh lên cõi trời thọ mọi sự sung sướng khoái lạc, hưởng thọ vui vi diệu như Kim cang du hý. Đây là pháp hy hữu.
  5. (*)5. Người tu hạnh Bồ-tát, nhờ căn lành này nên lìa mọi chướng nạn trong hiện tại; hiện tại không đọa đường ác, ác tác không thể nhiễu loạn động tâm, mau chóng được xuất ly.

Năm pháp hy hữu như vậy, người tu hạnh Bồ-tát, nhờ sức thiện căn đó cho nên đều được viên mãn.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Nhờ sức thiện căn này cho nên được bốn pháp không lìa Đẳng dẫn (thiền định):

  1. Bồ-tát đồng thấy điều đó, khởi tâm đại Bi đối với các chúng sinh khổ não.
  2. Quyến thuộc nam nữ đều sinh tâm tôn trọng mến mộ.
  3. Tướng già ập đến, càng thêm suy yếu, nhưng nhờ sức thiện căn này làm cho sức lực càng tăng.
  4. Được tài lợi trăm lần, càng tăng thêm từ một cho đến gấp ba lần.

Lại nữa, được ba pháp không tổn hại:

  1. Tham không tổn hại.
  2. Sân không tổn hại.
  3. Si không tổn hại.

Lại nữa, được bốn pháp an lạc:

  1. Lớn lên lìa các bệnh khổ não.
  2. Thân thể không khô gầy.
  3. Thọ dụng được đầy đủ.
  4. Không bị nạn vua, nạn giặc cướp và các nạn khác đến bức bách.

Lai nữa, được bốn pháp tôn trọng:

  1. Làm Chuyển luân vương thống lãnh bốn đại châu, đem chánh pháp cai trị hóa độ, đầy đủ bảy báu. Bảy báu là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, chủ tạng thần báu, chủ binh thần báu, được ngàn người con vây quanh, người nào cũng đều dũng mãnh mạnh mẽ, đầy đủ vô úy, sắc tướng tối thượng, có khả năng nhiếp phục quân địch; mọi việc làm và hành động của chúng sinh trong bốn đại châu đều thuận vương hóa; tể tướng đại thần và các tiểu vương cho đến quốc thành dân thứ đều tôn trọng tin theo.
  2. Không bị chìm đắm trong bảy thứ dục lạc. Năm dục là mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân giác xúc, thọ năm cảnh này nhưng không đắm trước, phát tâm tinh tấn, hâm mộ xuất gia, mau chóng đạt được năm thứ thần thông, được nhân và phi nhân tôn trọng.
  3. Dù sinh ra nơi nào, tất cả đều tối thắng, trí tối thắng, tuệ tối thắng, năm thần thông tối thắng. Những kết quả như vậy đều là do đời quá khứ đã tu tập các thiện hạnh, đầy đủ danh tiếng, được vương vị Chuyển luân vương tối thượng, được tể tướng, quan lại, quốc thành, dân chúng tôn trong.
  4. Cho đến chứng quả Chánh đẳng Chánh giác Tối tôn Tối thượng, tối thắng hơn tất cả các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Cànthát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân, đại chúng… Tu tập giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, trong các pháp này cũng đều được tối thắng. Lại còn có khả năng thành tựu pháp tối thắng giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến.

Bốn pháp tôn trọng này là do tôn trọng phụng thờ A-xà-lê, sư trưởng, làm các việc cần làm, hầu hạ trà nước, tích tập vô lượng công đức, đem pháp nhiếp thọ để thành tựu pháp lợi ích, hoặc đến, hoặc đi, như trên đã nói, không sinh trái nghịch.

Lại nữa, nhờ căn lành này nên được bốn pháp duyên đầy đủ:

  1. Đầy đủ duyên làm vua, đầy đủ duyên làm vua tức là đầy đủ duyên làm tiên.
  2. Vứt bỏ dục lạc, phát sinh lòng tin thanh tịnh, ham thích xuất gia, đây tức là pháp duyên đầy đủ.
  3. Người tu hạnh Bồ-tát, sinh ra nơi nào, hoặc sinh nơi này, hoặc sinh nơi khác và sinh bất cứ nơi nào cũng đều được túc mạng trí thông, không xả bỏ tâm đại Bồ-đề, đây tức là đầy đủ niệm duyên.
  4. Cho đến chứng quả Chánh đẳng Chánh giác, được bốn chúng vây quanh tôn trọng, cung kính tin theo cho đến tất cả Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… thường vây quanh tôn trọng cung kính.

Lại nữa, người tu hạnh Bồ-tát, ở chỗ của A-xà-lê, cho đến ghi nhận từ một cho đến bốn câu kệ, phải vâng lời A-xà-lê chỉ dạy, bảo đến là đến, bảo đi là đi, điều này là thiện căn, điều này không thiện căn, việc này có tội, viec này không có tội, người này nên thân cận, người này không nên thân cận, nếu làm việc này thì không có nghĩa lợi, sinh các nẻo khổ, nếu làm việc này thì được lợi ích an lạc. Như lời đã dạy không nên làm điều bất thiện, nên làm thiện pháp không có các chướng ngại, cũng không có trái nghịch. Nhờ thiện này nên được đầy đủ bốn pháp thù thắng:

  1. Tịnh giới thù thắng.
  2. Thân tướng thù thắng.
  3. Thân tướng đầy đủ.
  4. Được đại tuệ căn, được tuệ nhanh chóng, tuệ mạnh mẽ lanh lợi, tuệ rất nhanh chóng, tuệ thậm thâm, tuệ khéo lựa chọn, khi thân hoại mạng chung được sinh lên cõi trời.

Lại nữa, được bốn pháp không thể thấy:

  1. Được bí mật nội tạng.
  2. Nhờ thiện căn này cho nên cha mẹ và các bậc tri thức, cho đến Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-nala, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân v.v… với tâm thanh tịnh nhưng đều không thể quán thấy đảnh tướng của người tu hạnh Bồ-tát.
  3. Nhờ sức thiện căn này, cho nên tùy theo các việc làm, cha mẹ, Thiện tri thức, cho đến Nhân phi nhân dùng tâm thanh tịnh hoặc tâm không thanh tịnh đều không quán thấy được mặt và hai chân của người tu hạnh Bồ-tát. Vì sao? Vì họ không đủ sức để quán tướng hy hữu của Bồ-tát, đầy đủ tướng sĩ phu, lời nói sĩ phu.
  4. Người tu hạnh Bồ-tát, do đầy đủ sức thiện căn, cho nên khi Bồ-tát sinh ra không nhờ người đỡ bồng nhưng vẫn đứng vững trên đất, nhìn khắp bốn phương, được trí tối thắng. Vì sao? Vì đời trước Bồ-tát đã trải qua sự tu hành không dối trá, đa văn Thánh đạo, được nhãn căn không siểm khúc, nhãn cảnh không siểm khúc cho đến nhìn khắp tam thiên đại thiên thế giới không có chướng ngại, Thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn mắt thường. Bồ-tát đã được đại trí nhanh chóng, do đầy đủ đại trí cho nên đối với tâm yêu thích của chúng sinh, Bồ-tát đều biết rõ. Vì sao? Vì Bồ-tát đã từng làm các việc thiện, cho nên có thể nhiếp thọ tất cả tâm, tôn trọng cũng như tưởng thuốc Thánh vi diệu, tưởng các trân báu, tưởng rất khó được. Như đã nói đường thiện, các chúng sinh tưởng, chánh pháp xuất hiện, phải khéo lắng nghe và giữ gìn.

Thế nên Bồ-tát đạt được trí thiện quyết trạch như vậy, do đầy đủ trí quyết trạch cho nên Bồ-tát cùng với các chúng sinh đồng tịnh giới, cho đến đồng với văn, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến; đồng với giới hòa hợp, cho đến đồng với giới, văn, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến hòa hợp; đồng với giới không lay động của tất cả chúng sinh, cho đến đồng với văn, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến không động. Vì đồng với giới không động của tất cả chúng sinh, cho nên giới không động của tất cả chúng sinh tăng trưởng cũng lại đồng nhau, cho đến đồng nhau với văn, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến không động tăng trưởng; đồng nhau với oai nghi đạo hạnh, tu hành tinh tấn của tất cả chúng sinh, tức là tất cả chúng sinh cùng nhau tìm cầu, nhưng giới, văn, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, hòa hợp của tất cả chúng sinh, giới… không động của tất cả chúng sinh, giới… không động tăng trưởng của tất cả chúng sinh, oai nghi đạo hạnh tu hành tinh tấn của tất cả chúng sinh nhiếp hết tất cả phước uan đối với nhất thiết xứ tìm cầu bình đẳng, bình đẳng cũng không thể thấy bình đẳng.

Lại nữa, đối với tất cả căn bản cùng cực tất cả chúng sinh cùng nhau tìm cầu chỗ có ngã tướng bình đẳng, bình đẳng cũng không có thể thấy bình đẳng. Do vậy, người tu hạnh bình đẳng trong khoảng sát-na mau chóng được tất cả nghiệp báo, thành tựu trí sinh, trong khoảng khảy móng tay biết rõ ngàn thứ tâm hạnh của tất cả chúng sinh. Như vậy tất cả tìm cầu ngã tướng đều bình đẳng, bình đẳng cũng không thể thấy bình đẳng, trụ ở chỗ tối thượng biết rõ ngã không. Thế nên Bồ-tát như sư tử, như đại long, vừa mới sinh ra bước đi bảy bước, phát khởi Bồ-đề tràng, quả báo thù thắng, nhất tâm thanh tịnh, đứng ngay ngắn rồi nói lời như vầy: “Ta là bậc tối thắng tối thượng trong hàng trời người, ta có khả năng nói về sự sinh, già bệnh, chết khổ não bức bách của chúng sinh.”

Này Xá-lợi Tử! Về sau hoặc các Bồ-tát, hoặc các Đức Như Lai, ở trong tam thiên đại thiên thế giới, nói ra âm thanh vi diệu thanh tịnh, chỉ bày tất cả. Lúc đó, đại địa chấn động, đều sinh kinh sợ, lông trên thân dựng đứng, âm nhạc của chư Thiên tự nhiên trổi lên liên tục, nhưng chỗ của Bồ-tát đứng, Bồ-tát đi thảy đều chấn động, phát ra ánh sáng, màu sắc thân tướng vi diệu. Bồ-tát vẫn an nhiên không lay động, tại nơi ấy tất cả đều nhìn thấy, cho đến chứng quả Chánh đẳng Chánh giác, tất cả chúng sinh đều không thể thấy. Đây là pháp không thể thấy thứ tư.

Bốn pháp không thể thấy như vậy đều do đời trước Bồ-tát lắng nghe lời chỉ dạy của A-xà-lê, hoặc đến hoặc đi, làm những việc cần làm. Nhờ sức thiện căn đó cho nên đạt được bốn pháp mau chóng của Như Lai:

  1. Tùy thuận lắng nghe ghi nhận lời không hư dối tuyên nói chánh pháp của Như Lai.
  2. Nhờ sức thiện căn Phật tự tuyên nói: “Lành thay, Bí-sô đã đến!”, tức thời râu tóc liền rụng, thân mặc ca-sa, tay cầm bình bát, thành tướng Bí-sô.
  3. Nhờ sức thiện căn, Như Lai ở trong ba thời biết rõ tâm ý của tất cả chúng sinh.
  4. Ý khởi thiện giải phương dược thù thắng vi diệu, diệt sạch bệnh khổ cho tất cả chúng sinh.

Lại nữa, nhờ sức thiện căn cho nên đạt được bốn pháp không lỗi lầm. Nếu có người cho rằng Như Lai bị bốn nạn lửa, gió, đao, độc, thì điều này là không thể có.

Lại nữa, đạt được bốn pháp không lỗi lầm:

  1. Nếu có người cho rằng Như Lai có thể khiến chúng sinh vô văn nghe chánh pháp, chúng sinh ngu si thọ pháp cú thì điều này không thể có.
  2. Người không trụ tâm Đẳng dẫn, Như Lai khiến nhất niệm phát tâm, điều này không thể có.
  3. Như Lai thường trụ tâm Đẳng dẫn, nếu nói rằng Như Lai không có hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả thì không thể có.
  4. Nếu có người cho rằng Như Lai nhiếp hết thân sắc tướng của tất cả chúng sinh, điều đó không thể có.

Lại nữa, đạt được năm pháp thù thắng vô lượng của Như Lai:

  1. Như Lai giới văn vô lượng.
  2. Định vô lượng.
  3. Tuệ vô lượng.
  4. Giải thoát vô lượng.
  5. Giải thoát tri kiến vô lượng.

Lại nữa, đạt được bốn pháp trí nguyện:

  1. Được tri kiến tùy chuyển không đắm trước không chướng ngại của chư Phật quá khứ.
  2. Được tri kiến tùy chuyển không đắm trước không chướng ngại của chư Phật vị lai.
  3. Được tri kiến tuy chuyển không đắm trước, không chướng ngại của chư Phật hiện tại.
  4. Thành tựu môn chẳng thể nghĩ bàn này nên đầy đủ trí Chánh đẳng Chánh giác bình đẳng ba đời. Nhưng trí Chánh đẳng Chánh giác ấy không lệ thuộc vào người khác. Nhờ trí chẳng thể nghĩ bàn này nên Như Lai biết rõ các pháp. Nếu đầy đủ trí chẳng thể nghĩ bàn như vậy thì có thể biết rõ tất cả việc mưa gió ở thế gian.

Thế gian có gió tên là Thuận thứ, thổi chúng sinh thế gian, gió này thổi cuộn cao đến ba câu-lô-xá, quay tròn trên hư không.

Lại nữa, có gió tên là Như vân thổi thế gian, gió này thổi cuộn cao đến năm câu-lô-xá quay tròn trên hư không.

Lại nữa, có gió tên là Si minh, thổi ập thế gian, gió này thổi cuộn cao đến mười du-thiện-na, quay tròn trên hư không.

Lại nữa, có gió tên là Hư không tướng, thổi ập thế gian, gió này thổi cuộn cao đến ba mươi du-thiện-na, quay tròn trên hư không.

Lại nưa, có gió tên là Như Lai thổi ập thế gian, gió này thổi cuộn cao đến bốn mươi du-thiện-na, quay tròn trên hư không.

Này Xá-lợi Tử! Trí tuệ sở nhiếp của Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác có thể biết rõ sáu mươi tám ngàn câu-chi sự tướng của gió xoáy. Phương Tây có gió tên là Châu quảng, thổi ập vào thế gian, gió này thổi quật cao đến sáu mươi tám ngàn du-thiện-na, rồi dừng lại ở đại địa thủy luân, từ thủy luân thổi lên cao đến sáu mươi tám ngàn du-thiện-na.

Này Xá-lợi Tử! Như trước đã nói quá hơn sự tính đếm trong tam thiên đại thiên thế giới, Đức Đại Uẩn Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác hiện tại nói pháp giáo hóa chúng sinh. Tuổi thọ của Đức Phật ấy đến ba mươi câu-chi năm, có ba mươi câu-chi na-do-đa chúng đại Thanh văn, đều là A-la-hán, đã hết các lậu, không còn phiền não, cho đến tâm được tự tại, đến bờ giác ngộ. Có trăm câuchi chúng Đại Bồ-tát đều đã trụ Bồ-tát tạng hiểu nghĩa quyết định, tuyên nói pháp hải đa văn thậm thâm, khéo tu hạnh thù thắng Không, Vô tướng, Vô nguyện. Đức Phật ấy trụ thế một ngàn năm rồi nhập Niết-bàn. Sau khi Đức Phật ấy nhập Niết-bàn, chánh pháp tồn tại ở thế gian trải qua trăm ngàn năm, sau đó Xá-lợi của Như Lai ấy được lưu bố rộng rãi. Như ta hiện nay, sau khi Niết-bàn Xá-lợi lưu bố cũng lại như vậy.

Này Xá-lợi Tử! Thánh trí vô ngại của Như Lai tối thượng vô lượng, trí của Như Lai thổi vào Mạn-noa-la rộng lớn đầy đủ, các cõi Phật cũng đều đầy đủ.

Này Xá-lợi Tử! Phương trên có thế giới hiện nay không có Phật ra đời, cõi đó có ngàn chúng Duyên giác, hiện tại giáo hóa chúng sinh, đối với các chúng sinh ấy gieo trồng căn lành, dùng trí nhiếp hóa.

Này Xá-lợi Tử! Trí nhiếp hóa của Như Lai không những biết phương trên hằng hà sa số Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác hiện đang nói pháp, mười phương vô lượng không thể tính đếm, không thể nghĩ bàn, không thể so sánh, mà Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác hiện tại nói pháp thảy đều biết rõ.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi Tử bạch Đức Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người tu hạnh Bồ-tát trồng bao nhiêu căn lành thì mới có thể đầy đủ trí không chướng ngại của Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác?

Đức Phật dạy:

–Này Xá-lợi Tử! Người tu hạnh Bồ-tát nếu có thể điều phục tâm, khởi ý tưởng tôn trọng, từ nơi pháp phát sinh tưởng Thánh dược vi diệu, tưởng đại trân báu, tưởng rất khó được, tưởng thiện căn thù thắng, tưởng như điều đã dạy, tưởng rất tôn trọng, tưởng nhiếp thọ chánh pháp, phải nên siêng năng tinh tấn dũng mãnh như vậy.

Này Xá-lợi Tử! Trí Như Lai rộng lớn tối thượng, trí không đoạn tối thượng tối thắng, vô lượng vô số không thể nghĩ bàn, không thể so sánh, không thể nói; trong khoảng khảy móng tay tất cả mười phương hằng hà sa số các cõi Phật, hoặc tới hoặc lui, hoặc đi hoặc đứng đều được giải thoát.

Này Xá-lợi Tử! Ta đã giải thoát từ văn trì cho nên mau chóng được giải thoát, mau chóng giải thoát gọi là thiện giải thoát. Sao gọi là giải thoát? Nghĩa là giải thoát tất cả khổ.

Này Xá-lợi Tử! Nếu người nào nghe lời này khởi tâm tôn trọng, trong khoảng thời gian nghe đó liền phát tâm tin thanh tịnh, nếu như nghe sở trụ thì không bao giờ xa lìa chánh pháp của chư Phật, tùy theo các tướng nào, danh, cú, văn, nghĩa đều có thể thọ trì các chánh pháp ấy. Nhờ sức thiện căn thù thắng này cho nên được bốn pháp tuệ thù thắng:

  1. Được đại tuệ.
  2. Nhờ tuệ thù thắng này cho nên được thấy Đức Phật thân cận nhiếp thọ.
  3. Nhờ tuệ thù thắng này cho nên phát lòng tin thanh tịnh xuất gia.
  4. Nhờ tuệ thù thắng này cho nên chứng quả Chánh đẳng Chánh giác.

Đây là bốn pháp tuệ thù thắng.

Lại nữa, được bốn pháp không chướng ngại:

  1. Được sinh trong loài người không bị chướng ngại.
  2. Gặp Phật ra đời thân cận tín phụng không bị chướng ngại.
  3. Phát lòng tin thanh tịnh xuất gia không bị chướng ngại.
  4. Thành Chánh đẳng Chánh giác không chướng ngại.

Đây là bốn pháp không chướng ngại. Lại nữa, được bốn Thánh pháp phần:

  1. Được làm Chuyển luân vương đầy đủ kim luân thù thắng.
  2. Được làm Phạm vương thống lãnh Phạm thế.
  3. Được làm chủ trời Đế Thích.
  4. Được chứng quả Chánh đẳng Chánh giác, được cảnh giới thần thông liễu tri đầy đủ, được mắt chân thật trong hàng trời, người.

 

(*) Trong văn này nêu lên bốn pháp, nhưng chỉ có pháp một và hai, còn pháp ba và bốn nguyên bản Phạm không có.

*********

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói nghĩa này rồi, lại dạy thêm cho các Đại Bồ-tát bằng kệ rằng:

Nên quán thế gian hay cứu hộ
Tất cả hữu tình nhân tối thắng
Các trí vô biên đều biết rõ
Đạt được Niết-bàn vui vô lượng
Đến đi thù thắng được diệu quả
Đoạn hẳn các nhân khổ thế gian
Khéo hay điều phục sinh cõi trời
Sát-na xa lìa các đường ác
Ta nay chóng được thấy chư Phật
Xa lìa tất cả nhân khổ nạn
Phục tạng thế gian không giới hạn
Tùy ý tự tại đều đạt được
Tất cả tiền tài và trân báu
Tùy niệm hiện ra ở thế gian
Nước tám công đức cũng như vậy
Sông, suối, ao, hồ đều lặng yên
Tránh khỏi tất cả nhân xấu xa
Tất cả không sinh các khổ não
Đui điếc bệnh ghẻ các nhân duyên
Người nghèo điều phục được diệu quả
Tất cả hoạn nạn ở thế gian
Chúng sinh toàn diện hay khuyết tật
Lưng gù chân quẹo thân hình xấu
Các nhiễm trước thảy đều giảm mất
Xa lìa tất cả tướng dị loại
Nên được quả tối thắng tối thượng
Diện mạo tròn đầy và đẹp đẽ
Người khéo điều phục được quả tốt
Sắc tướng đoan nghiêm danh tiếng lớn
Chư Thiên đều đến xin cúng dường
Tám bộ đều sinh tâm cung kính
Tất cả hữu tình cũng như vậy.

Lại nữa, người khéo điều phục được quả lợi này, trừ diệt tất cả các đường ác rồi sau đó được sinh lên các cõi trời, mau chóng thành tựu quả đại Bồ-đề. Người khéo điều phục được quả lợi này, hiểu rõ tâm của tất cả hữu tình, có thể thông đạt các hành nghiệp của hữu tình, bước đi bảy bước rồi, ở giữa thế gian cất tiếng nói lớn, trong các thức đạt được đại trí tuệ giải thoát tối thắng đều được thành tựu trí tuệ tối thượng, cùng với các hữu tình thảy đều biết rõ, đối với trí tuệ có thể an lập trí tuệ tối thắng thảy đều thanh tịnh, ở chỗ chư Phật đều thành tựu, đối với thể tánh trí tuệ hiểu rõ, đối với tự tha thảy đều thành tựu. Nếu các hữu tình đầy đủ năng lực trí tuệ, thì đối với các tác dụng thảy đều thành tựu, có thể tuyên nói nghĩa như vậy. Hữu tình thiểu dục đều không có nguyện lực, hữu tình nhiều tham đều bị si mê chấp trước, nhân duyên tội nghiệp càng ngày càng tăng, tích tập ác nghiệp vô lượng vô biên, đối với chánh pháp không thể tín thọ. Nếu có hữu tình ít dục, không sinh tôn trọng chánh pháp, đối với các hữu tình không sinh cung kính, nổi tướng sân giận, sinh tâm nhiễm trước, tự cho mình đắc quả A-lahán, mỗi tướng suy, già, bệnh các khổ não lớn ở thế gian đều tích tập trong thân. Người ấy bị quả báo như vậy rồi, tất cả các tướng bất thiện, luống dối thọ nhận các món cúng dường như đồ ăn thức uống tạo nghiệp bất thiện, sẽ đọa vào địa ngục, đến lúc đó không thể trì giới hạnh thanh tịnh, thì có đâu đến chứng quả A-la-hán. Nếu sinh lòng tin hiểu, tạo dựng các tháp miếu, phát tâm cung kính, được sinh vào chỗ thiện, tu trì tịnh giới hành các thiện nghiệp.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát cầu chánh pháp tạng Đại thừa, nên thân cận các bậc mô phạm thì thường được vô lượng thiện pháp, tán thán công đức như vậy, như vậy, đều được các quả báo thiện. Sau đó công đức càng tăng thêm vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn, không thể so lường không thể tính đếm, thành tựu như vậy.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát an trụ tạng Bồ-tát khéo điều phục thanh tịnh, giới hạnh viên mãn và được thành tựu các hạnh Bồ-tát.

Sao gọi giới hạnh thanh tịnh đều được viên mãn?

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát có mười tướng hạnh:

  1. Tất cả hữu tình ở chỗ Bồ-tát không sinh nhiễu hại.
  2. Bồ-tát ở chỗ hữu tình có của cải châu báu không sinh tham trước.
  3. Bồ-tát xa lìa tất cả quyến thuộc của hữu tình.
  4. Bồ-tát không sinh dối gạt khinh khi hữu tình.
  5. Bồ-tát đối với các hữu tình và quyến thuộc của mình không khởi ly gián và nói các lời ác.
  6. Trong vô lượng kiếp, Bồ-tát luôn dùng lời nhu nhuyến hóa độ lợi ích hữu tình.
  7. Bồ-tát không nói lời thêu dệt đối với các hữu tình.
  8. Bồ-tát không sinh tham ái đối với các hữu tình có đời sống vật chất đầy đủ.
  9. Bồ-tát không sinh sân nhuế đối với các hữu tình và có thể kham nhẫn lời phỉ báng.
  10. Bồ-tát xa lìa tà kiến cũng không quy y các cõi trời.

Này Xá-lợi Tử! Mười pháp này đều là tướng giới hạnh thanh tịnh đầy đủ của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát có mười giới hạnh thanh tịnh:

  1. Bồ-tát kiên trì giới hạnh không hủy phạm, không bị vô minh xâm nhập quấy nhiễu.
  2. Bồ-tát kiên trì giới hạnh dứt các tỳ vết đối với các hiểm nạn lại không sinh.
  3. Bồ-tát kiên trì cấm giới, xa lìa mọi phiền não tạp nhiễm.
  4. Bồ-tát trì giới hạnh thanh tịnh, không xa lìa bạch pháp.
  5. Bồ-tát trì cấm giới, thường hành bình đẳng, tùy tâm tự tại.
  6. Bồ-tát kiên trì cấm giới, không sinh hủy báng các người trí, nhờ thế càng thêm an ổn.
  7. Bồ-tát kiên trì cấm giới, xa lìa mọi lỗi lầm.
  8. Bồ-tát kiên trì cấm giơi, mật hộ các căn làm cho nó không khởi.
  9. Bồ-tát kiên trì cấm giới, phòng hộ các căn, đầu, giữa, cuối đều thành tựu.
  10. Bồ-tát kiên trì cấm giới, luôn trong chánh niệm, nhiếp hết tất cả đều viên mãn.

Này Xá-lợi Tử! Mười pháp này Bồ-tát đều thành tựu.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát lại có mười tướng trì giới hạnh:

  1. Bồ-tát trì cấm giới luôn biết thiểu dục tri túc đối với các thứ ăn uống.
  2. Bồ-tát kiên trì cấm giới, đoạn trừ thâm, sân, si, sinh tâm hoan hỷ.
  3. Bồ-tát kiên trì cấm giới không sinh tham ái đối với thân tâm.
  4. Bồ-tát kiên trì cấm giới xa lìa tất cả người nữ, đi, đứng, nằm, ngồi trong đồng hoang.
  5. Bồ-tát kiên trì cấm giới, thực hành hạnh đầu đà, thường không quên mất các công đức.
  6. Bồ-tát kiên trì cấm giới, thành tựu các thiện căn tự tại.
  7. Các Bồ-tát kiên trì cấm giới, thường sinh hoan hỷ đối với chủng tộc thu thắng, cũng không nhìn thẳng vào các tướng đẹp khác.
  8. Bồ-tát kiên trì cấm giới, ngôn hạnh tương ưng, không sinh khi dối đối với trời người.
  9. Bồ-tát kiên trì cấm giới, luôn suy xét đối với tự thân, tự tâm quyết định, không sinh lỗi lầm, cũng không chê trách lỗi lầm của người khác, mà phải che chở bảo hộ.
  10. Bồ-tát kiên trì cấm giới, dùng tứ nhiếp pháp hóa độ lợi ích hữu tình không có xả bỏ.

Này Xá-lợi Tử! Mười pháp này, Đại Bồ-tat đều viên mãn, giới hạnh thanh tịnh.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát lại có mười tướng giới hạnh viên mãn thanh tịnh:

  1. Đại Bồ-tát kiên trì cấm giới, đối với tín giải của Đức Phật không sinh tâm thoái lui.
  2. Bồ-tát kiên trì cấm giới, thường hay ủng hộ chánh pháp.
  3. Bồ-tát kiên trì cấm giới thường sinh tôn trọng đại chúng.
  4. Bồ-tát kiên trì cấm giới, hướng đến cầu Bồ-đề, chú ý nhu hòa, tâm không tạm xả quả vô thượng.
  5. Bồ-tát kiên trì cấm giới, thường hay thân cận các bạn tốt, lại hay tích tập các công đức thiện căn.
  6. Bồ-tát kiên trì cấm giới, luôn xa lìa các kẻ ác và xả bỏ các pháp bất thiện.
  7. Bồ-tát kiên trì cấm giới, luôn khởi tâm Từ và niềm thương xót đối với các hữu tình.
  8. Bồ-tát kiên trì cấm giới, thường khởi bi tâm, cứu các hữu tình ra khỏi hiểm nạn.
  9. Bồ-tát kiên trì cấm giới, ham thích chánh pháp như ham thích đi du ngoạn vườn cảnh đẹp.
  10. Bo-tát kiên trì cấm giới, đối với cảnh nghịch thuận, tâm luôn xả ly thảy đều bình đẳng.

Này Xá-lợi Tử! Mười tướng giới hạnh này, Đại Bồ-tát đều có khả năng thanh tịnh viên mãn.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát lai có mười tướng hạnh thanh tịnh:

  1. Bồ-tát kiên trì cấm giới, đối với thí độ có thể điều phục tất cả hữu tình.
  2. Bồ-tát kiên trì cấm giới, thường hành nhẫn nhục đối với tự thân và tâm luôn phòng hộ.
  3. Bồ-tát kiên trì cấm giới, đối với các thiện pháp luôn tinh tấn, không lui sụt.
  4. Bồ-tát kiên trì cấm giới, đối với các định tụ thường luôn gia hạnh không sinh tán loạn.
  5. Bồ-tát kiên trì cấm giới, thường vui đa văn, đối với tuệ thù thắng không biết nhàm chán.
  6. Bồ-tát kiên trì cấm giới, thường cầu chánh pháp Bồ-tát tạng, thường tu văn tuệ kiên cố không biếng nhác.
  7. Bồ-tát kiên trì cấm giới, thường hay nghiên cứu truy xét các pháp vô thường, chí cầu Bồ-đề không tiếc thân mạng.
  8. Bồ-tát kiên trì cấm giới, thường quán xét thọ mạng như mộng, như huyễn, sinh diệt sát-na.
  9. Bồ-tát kiên trì cấm giới, đối với ý nguyện của chính mình và các hữu tình, viên mãn thanh tịnh tất cả thiện pháp.
  10. Bồ-tát kiên trì cấm giới, dùng sức trì giới, nguyện đời đương lai sinh vào trong hội Phật và các hữu tình đều viên mãn thanh tịnh giới hạnh.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát đều có thể viên mãn mười giới tướng thanh tịnh như vậy.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát viên mãn giới hạnh thanh tịnh như vậy, sẽ được các quả thù thắng vi diệu tốt đẹp ở cõi trời và cõi người. Bồ-tát tuy biết rõ các sự nghiệp thế gian và ban cho các dục vi diệu thế gian, nhưng lại không đắm trước tất cả hữu tình. Khi Bồ-tát hành hạnh Từ cùng với các hữu tình hành hạnh từ, thương xót lẫn nhau, không làm tổn hại nhau. Khi Bồ-tát thực hành hạnh Bồ-tát, tin chánh pháp sâu xa không có hư vọng, lại đối với tất cả hữu tình đều sinh tưởng như cha mẹ, lại tùy thuận sinh lòng tin yêu đối với tất cả hữu tình, đối với pháp hữu vi niệm niệm sinh tưởng vô thường, đối với hạnh hữu vi đều sinh giác ngộ, đối với thân mạng của chính mình thường hay xả bỏ, đạt được giới hạnh thanh tịnh viên mãn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên liền lập lại kệ rằng:

Ánh sáng sắc tướng đẹp vô cùng
Tuyên nói chánh pháp của chư Phật
Cấm giới thanh tịnh vững hộ trì
Pháp thân thượng diệu sẽ đạt được
Xa lìa ngu si các khổ não
Trăm thứ bệnh hoạn không xâm nhập
Cấm giới thanh tịnh nguyện hộ trì
Sẽ được các căn đều trọn vẹn
Thế lực to lớn không ai bằng
Oai đức lừng lẫy cũng như vậy
Trí tuệ lanh lợi hơn thế gian
Nhiếp phục tất cả các ma chướng
Dùng sức tuệ ái nhiếp các động
Cắt đứt tất cả lưới nghi hoặc
Trời, rồng, tám bộ đều quy y
Quốc vương quyến thuộc đều cúng dường
Hay lìa tất cả các sợ hãi
An trụ cấm giới không thoái chuyển
Không đọa vào tất cả đường ác
Thực hành đại pháp tiếng tăm lớn
Tất cả hữu tình ham ngủ nghỉ
Bồ-tát lúc nào cũng cảnh giác
Lại hay dạo đi khắp bốn phương
Vì lợi hữu tình cầu thiện pháp
Thân báu tối thượng và thê thiếp
Lìa mọi chấp ngã đều hay xả
Vì cầu đại Bồ-đề vô thượng
An trú giới thanh tịnh viên mãn
Vì muốn cầu chánh pháp vô thượng
Sinh tâm tôn trọng lời Phật dạy
Luôn luôn làm thầy trong thế gian
Cúng dường rộng rãi nơi tháp miếu
Hay trừ tất cả tâm sân nhuế
Đối với việc ác đều nhẫn chịu
Dùng sức nhẫn nhục để tự an
Tất cả phỉ báng đều không động
Đối với ngôn hạnh đều tương ưng
Lúc nào cũng không có hư vọng
Khi ngồi đại Bồ-đề đạo tràng
Ba ngàn thế giới đều chấn động
Mong cầu tận cùng các pháp Phật
Cũng không quy y các cõi trời
Xả bỏ tâm tà kiến ngoại đạo
Bồ-đề vô thượng thệ thành tựu
Tất cả cây gậy và thuốc độc
Là loại hữu tình hại lẫn nhau
Bồ-tát cứu hộ hữu tình ấy
Thế nên gọi là bậc Đại trí
Ta ở trong câu-chi đa kiếp
Thương nhớ tất cả loài hàm sinh
Nếu khi thấy chúng chịu khổ não
Đem thân thay họ không mệt mỏi
Tất cả hữu tình nhiều dối gạt
Đến chỗ Bồ-tát muốn xâm đoạt
Tạo các nghiệp ác trong Diêm-phù
Chỉ có pháp Phật hay trừ đoạn
Ban cho tất cả các trân báu
Luôn luôn thân cận các bạn lành
Nếu khi các hữu tình xâm hại
Nhất định không khởi ý giận dữ
Tất cả hữu tình thân biên xứ
Nhưng thường xả bỏ pháp ngu si
Diệu hạnh chư Phật được viên thành
Cụ túc thanh tịnh thường không bỏ
Luôn luôn sống trong pháp chư Phật
Đối với các pháp đều tùy chuyển
Hạnh nguyện Bồ-đề luôn thực hành
Chứng thành quả chánh giác Bồ-đề
Tịnh chứng ba minh pháp cam lồ
Cũng thường sống trong các giới uẩn
Tất cả pháp tập đều thành tựu
Được sự cúng dường của trời người
Vì cầu tất cả pháp vô thượng
Luôn luôn hiểu rõ các sự nghiệp
Hiểu rõ hữu tình tâm thủ xả
Kham nhận cúng dường của trời người
Tuyên nói pháp cam lồ tối thượng
Luôn luôn thanh tịnh với giới uẩn
Giác ngộ nhân Vô thượng Bồ-đề
Tất cả ma chướng đều xa lìa
Đến cây Bồ-đề ngồi yên rồi
Ví như nhật nguyệt chiếu thế gian
Đủ đại oai đức chiếu rực rỡ
Ở trong thế gian là tối thượng
Mắt tuệ tối thượng xuất thế gian
Trước hết thành tựu lời vô úy
Chỉ chánh đạo rồi đều viên thành
Thí các vô úy cho hữu tình
Bồ-tát không khởi tâm yêu thích
Thân mạng tiền của hay xả bỏ
Không tham lam trân báu thế gian
Sẽ chứng quả Bồ-đề vô thượng
Các chúng không xả đạo Bồ-đề
Trì giới đầy đủ thường tinh tấn
Luôn luôn an trụ trong chánh pháp
Xa lìa tất cả các dối gạt
Bồ-tát an trụ trong giới uẩn
Thế gian nếu có người dối gạt
Nhưng khi đến chỗ của Bồ-tát
Nói lời chân thật mà chỉ dạy
Hoặc có người thường cầm bình bát
Nhưng luôn dối gạt không chân thật
Muốn cúng Bồ-tát nhưng không cúng
Bồ-tát chánh niệm không lay động.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát viên mãn các giới hạnh thanh tịnh như vậy rồi, đối với các pháp hữu vi thế gian không sinh nhiễm ái, đối với các hữu tình thường sinh tưởng như cha mẹ, đối với năm dục sinh ý tưởng không đắm trước, biết rõ pháp thế gian đều là vô tướng, tâm hành bình đẳng không có hiểm ác, hiện tiền thành tựu hạnh của Bồ-tát. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát khi thực hành tâm bình đẳng không lìa Niết-bàn. Nếu tâm nhiễm ô sinh chấp trước khiến các hiểm ác chuyển càng tăng thêm, mắt đắm trước sắc. Bồ-tát biết rõ rằng nó là từ tâm thức sinh phiền não hư dối. Vì lìa tự tánh cho nên đều đoạn diệt, đối với các phan duyên sinh ra chấp trước, chẳng phải pháp chân thật mà là thiện pháp. Bồ-tát biết nó là hư vọng, từ trong tâm khởi sinh ra sự hiểu biết thù thắng, dứt sạch các phiền não, liền được giải thoát, thân cũng giải thoát, dứt sạch tham, sân, si. Vì sao? Vì dứt sạch các tham này trong sát-na, hoặc riêng có pháp, hoặc riêng có pháp tận, thảy đều chân thật. Pháp tham như vậy nên biết rõ chân thật, dứt sạch chân thật.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Nhưng pháp tham này không phải từ trong tâm chân thật khởi lên, mà là biến kế. Người ấy đối với pháp hoặc sinh phân biệt cũng không phải chân thật, hoặc đối với chân thật biết không phải chân thật, đối với các khổ não thảy đều giải thoát. Nếu người nào lìa khổ não thì gọi là chân thật, chân thật ấy không có các khổ não, tánh vốn thanh tịnh là nghĩa Niết-bàn, vốn không phải là pháp tham. Vì sao? Vì trong Niết-bàn không phải tưởng niệm. Nếu dứt sạch tham tức là Niết-bàn. Nếu thấy hết tham mà không phải hết tham, thấy Niết-bàn mà không phải Niết-bàn, thì đó mới là Niết-bàn chân thật. Vì sao? Vì tham và Niết-bàn tự tánh không khác, bản tánh hòa hợp. Người trí đối với pháp này biết tự tánh ấy mà cầu Niết-bàn. Nếu chẳng phải chân thật thì là hư giả, trong cái hư giả ấy tự tánh là không. Sao gọi là không? Vì chấp trước ngã và ngã sở, hoặc chấp ngã tánh là thường, hoặc chấp ngã tánh là đoạn, hoặc chấp tất cả các pháp đều không biến đổi, hoặc không ngã, nhân và thọ giả, rốt ráo không sinh tham, sân, si. Pháp ấy nếu sinh thì nhất định pháp này có. Thế nên lại sinh ra ngã, ngã sở, đối với ngã và ngã sở đều khởi tất cả hành nghiệp.

Này Xá-lợi Tử! Khởi tất cả hành là do bốn hành tích tập:

  1. Thân tích tập hành.
  2. Miệng tích tập hành, vì đối với tâm Từ mà không ra lời thô ác, tạo ra hành nghiệp nhiễu não người khác.
  3. Tâm tích tập hành.
  4. Tưởng tích tập hành, vì đối với mình người mà kế chấp tưởng niệm, các hữu tình đều bị trói buộc. (*)

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát thấy các hữu tình sắc tướng như vậy, chấp tưởng như vậy, điên đảo như vậy, không thể cùng tu hạnh thù thắng với Bồ-tát, mà sinh hiểu rõ. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát nếu cùng tu hạnh thù thắng với hữu tình, sợ rằng họ bị tổn giảm, mà ta thường cầu pháp vô úy.

Này Xá-lợi Tử! Vì lý do đó, cho nên Đại Bồ-tát đối với các hữu tình sinh lòng tin tôn trọng không có nghi hoặc.

Này Xá-lợi Tử! Sao gọi là Đại Bồ-tát sinh lòng tin tôn trọng? Vì Đại Bồ-tát tưởng tất cả hữu tình như cha mẹ.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát không bỏ rơi tất cả hữu tình, từ xưa đến nay vô biên thế giới, tất cả hữu tình đã từng là cha, mẹ, quyến thuộc của ta. Lúc đó, hữu tình vì tham ái cho nên sinh quên mất, không nhớ rằng từng là cha, mẹ, quyến thuộc, lại có lúc nổi lên sân hận, cũng đều quên mất đã từng làm cha, mẹ, quyến thuộc bèn sinh ruồng bỏ.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát đem nhân duyên đó để ví dụ. Phải nên biết rõ, Đại Bồ-tát đối với tất cả hữu tình thường sinh ý tưởng quen thuộc.

Này Xá-lợi Tử! Thời quá khứ vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp chẳng thể nêu bày, chẳng thể nêu bày hết, rộng lớn vô biên chẳng thể nghĩ bàn. Lúc đó, có Đức Phật hiệu là Tối Thượng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, xuất hiện ở thế gian, trụ thế chín mươi câu-chi năm, có chín mươi câu-chi na-do-đa đại chúng Thanh văn, các Đại Bồ-tát đều đến tập hội. Lúc đó, trong hội có một Đại Bồ-tát được trụ chánh niệm, sinh vào cung vua, dòng họ thù thắng. Lúc mới sinh ra, nhà vua và hoàng hậu đều sai tám vạn bốn ngàn thể nữ ẵm bồng bảo vệ. Lúc đó, thái tử sắc tướng thù thắng vi diệu, thân thể ngay thẳng, trắng sạch, tròn đầy, các tướng trọn vẹn, ai nấy cũng thích ngắm nhìn. Do đó, quyến thuộc ngoại tộc thấy sắc tướng oai nghiêm nên đều đến thân cận ẵm bồng bảo vệ.

Này Xá-lợi Tử! Lúc đó, thái tử có ba người bạn tốt cùng ở chung trên lầu gác thù thắng vi diệu. Các lầu đó được thiết kế phù hợp theo các mùa. Như lầu ở vào mùa nóng, mùa mưa, mùa lạnh, làm thế nào để trong ba mùa đều được vui thích, đi đứng vui chơi đều được thích nghi. Lại có ngàn vạn người đến đúng thời, đến tấu lên âm nhạc, cùng nhau vui chơi cười giỡn, thân cận hầu hạ, cung cấp, các âm thanh vi diệu lan ra khắp nơi, các tiếng đều hòa hợp.

Lúc đó, thái tử bỗng nhiên suy nghĩ về pháp sinh diệt: “Khi tiếng nhạc dứt, thì tiếng nhạc ấy từ đâu mà đến, từ đâu mà phát sinh, từ đâu mà diệt? Sao gọi là sinh? Sao gọi là diệt?”, thái tử ngày đêm cứ suy nghĩ về vấn đề đó không có ngủ nghỉ, suy nghĩ vô thường nhàm chán sinh diệt.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát này được chánh niệm rồi, trong bốn vạn năm tâm thường nhàm chán âm nhạc, lại trong bốn vạn năm không thích các thứ dục lạc thế gian. Lúc Bồ-tát chưa xuất gia, thường siêng năng tu tập bốn Thiền định thành tựu năm Thần thông, từ trong cung vua bay lên hư không, đến chỗ của Đức Như Lai Tối Thượng Chúng, thân cận chiêm ngưỡng, lễ bái cúng dường và hỏi Đức Thế Tôn về các pháp yếu.

Này Xá-lợi Tử! Lúc đó Đức Như Lai Tối Thượng Chúng đã Niet-bàn rồi, Bồ-tát đến thỉnh hỏi các đại Tỳ-kheo và các thiện nam rằng: “Tối Thượng Như Lai đã Niết-bàn rồi ư?”

Này Xá-lợi Tử! “Tối Thượng Chúng Như Lai của chúng tôi đã vào Niết-bàn rồi.” Nghe lời ấy xong, Bồ-tát thương xót khóc lóc sầu muộn, nằm bất tỉnh trên đất, lâu lắm mới tỉnh lại.

Lúc đó, Bồ-tát nhớ nghĩ Như Lai liền nói kệ rằng:

Thế Tôn chiếu sáng khắp thế gian
Vượt tất cả pháp đến bờ giác
Xa lìa tất cả hạnh viễn ly
Diệu quả thanh tịnh được thành tựu
Con trong trăm ngàn câu-chi kiếp
Khó gặp Như Lai xuất thế gian
Không gặp cúng dường chướng nhiễm sâu
Tự bỏ Như Lai ai cứu hộ
Thế gian không mẹ hiền bạn tốt
Cũng không khen ngợi Đức Như Lai
Chánh pháp nhiều đời chưa từng nghe
Đối Phật Thế Tôn khó được gặp
Thế gian không cha lành bạn hiền
Khiến con chìm đắm trong năm dục
Xuôi theo năm dục tâm nhiễm tăng
Khiến con không thay tướng Như Lai
Phật đủ sáu mươi thứ diệu âm
Chưa từng được nghe lời Phật dạy
Nên không phân biệt được thiện ác
Khiến con chìm đắm biển sinh tử
Lại trong nhiều kiếp không gặp Phật
Đối với thế gian sinh thương xót
Va luôn thực hành lòng thương xót
Rõ tất cả pháp đến bờ giác
Con ở trong nhiều câu-chi kiếp
Không từng thân cận cúng dường Phật
Vì do phóng dật trải nhiều đời
Bởi vậy chướng sâu không thấy Phật
Con nghe Như Lai xuất thế gian
Khi đến chỗ Phật đã Niết-bàn
Cha mẹ ân ái bị trói buộc
Khiến con không được thấy Điều Ngự
Nếu gặp Như Lai lâu ở đời
Con nhất định được nghe chánh pháp
Cúng dường rộng rãi luôn thân cận
Sáu mươi diệu âm nghe đầy đủ
Sáu mươi diệu âm vốn thanh tịnh
Ba đời Như Lai đều đầy đủ
Con tuy sinh ra ở thế gian
Nhưng không đích thân nghe Phạm âm
Con sinh duyên nghiệp nhiều chướng nặng
Phật diệt độ rồi mới đến đây
Chư Phật chánh pháp tạng thậm thâm
Không ai chỉ dạy cho chúng con.

 

(*) Văn trên nêu ra bốn hành, nhưng chỉ giải thích có hai hành còn hai hành thiếu giải thích, Phạm văn vốn để nguyên.

*********

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Lúc Đại Bồ-tát nói kệ này rồi, liền đến trước chỗ Đức Phật Tối Thượng Chúng Niết-bàn, đảnh lễ xong rồi rơi lệ khóc lóc, nhiễu quanh trăm ngàn vòng rồi đứng qua một bên. Lại nói kệ rằng:

Như Lai đối với các hữu tình
Khéo nói pháp chân thật tối thượng
Con nay phát khởi tâm chân thật
Nguyện cầu quả Bồ-đề vô thượng
Phật đủ đại trí, thân chân thật
Nay diệt độ rồi con không thấy
Chí phát thệ nguyện bằng Như Lai
Sẽ được các tướng tốt thù thắng
Con xưa từng ở nhà thế tục
Tâm không cung kính pháp Như Lai
Hiện chịu yếu kém căn ngu độn
Bị các ma chướng đến nhiễu não
Nay con chưa được nghe chánh pháp
Vô lượng khổ não thường bức bách
Nguyện được thân cận Điều Ngự Sư
Nguyện khởi thiện căn trồng đời trước
Con nay nói lời thành thật này
Đối với tám bộ chúng trời rồng
Chứng minh tâm chân thật của con
Nguyện được quả chân thật đương lai
Con nguyện sẽ thừa sức thiện căn
Được thấy Nhân Trung Tôn tối thượng
Nghe chánh pháp rồi được thần thông
Như rồng to lớn phun cam lồ
Con nguyện không rơi vào tám nạn
Xa lìa tất cả các dục nhiễm
Tâm thường kính ngưỡng Đức Thế Tôn
Ác ma chướng nặng không thể trói
Con nguyện thường ở chỗ chư Phật
Thân được nghe trì Chánh pháp tạng
Nghiệp trong sạch mau chóng viên thành
Vô biên Phật tuệ đều thông đạt
Con nguyện mau được lời chân thật
Nhờ chân thật này được thành Phật
Sẽ ngồi Bồ-đề đại đạo tràng
Nói pháp chân thật lợi hàm thức
Con nguyện sớm bằng Tối Thượng Chúng
Vận sức thần thông cõi đại thiên
Câu-chi Thiên chúng đều vây quanh
Người được lợi ích tâm hoan hỷ
Phật sức thần thông khó nghĩ bàn
Ở trong hư không lại khó thấy
Con xưa tán thán nhân công đức
Phóng tịnh quang chiếu sáng chúng con
Sức thần thông Phật không hạn lượng
Thương xót hữu tình thường hiển hiện
Nói pháp vi diệu khiến con nghe
Ức ngàn vạn kệ khó vô tận.

Lại nữa, Đại Bồ-tát tâm sinh hoan hỷ càng thêm tăng tiến, nói kệ rằng:

Nếu con thuở xưa nhận ký biệt
Hiện tại sẽ được thành Phật đạo
Tất cả hữu tình tùy tâm con
Đã tu cúng dường đều viên mãn
Cảnh giới chân tịnh chẳng nghĩ bàn
Người cầu Bồ-đề sẽ hướng đến
Chúng sinh nếu phát tâm như vậy
Thường thấy vô lượng Đức Như Lai.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát này thuở xưa ở chỗ chư Phật, gieo trồng căn lành sâu xa, thân cận cúng dường thành tựu vô lượng căn lực, nên khi diệt độ ở cõi này rồi, được sinh lên cõi trời, hai mươi câu-chi kiếp không đọa đường ác, hai mươi câu-chi kiếp không đắm say năm dục. Lại ở thuở xưa, do thân cận cúng dường bảy ngàn Như Lai, ở chỗ của mỗi Như Lai thành tựu các việc cúng dường rộng lớn. Vì cầu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên bất cứ lúc nào Bồ-tát cũng thường tu phạm hạnh, nhờ sức thiện căn đó, cho nên được thành Chánh đẳng Chánh giác, hiệu là Sa-la Thọ Vương Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, đầy đủ mười hiệu, xuất hiện thế gian. Trong hội Đức Phật ấy có các Thanh văn đến tập hội. Lại có hai mươi câuchi Tỳ-kheo cùng bốn vạn vị đại A-la-hán, đã hết các lậu, không còn phiền não, đạt được việc lợi mình, dứt hết các hữu kết, tâm được tự tại, đạt đến bờ giác.

Này Xá-lợi Tử! Đức Sa-la Thọ Vương Như Lai tuổi thọ đến hai mươi câu-chi tuổi. Sau khi Niết-bàn, chánh pháp tồn tại ở thế gian đủ một vạn năm, tượng pháp tồn tại ở đời cũng lại như vậy, Xá-lợi toàn thân lưu bố thế gian, cúng dường khắp tất cả làm mọi Phật sự.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Ta trong hai mươi câu-chi kiếp
Chưa từng đọa vào các đường ác
Trong hai mươi câu-chi kiếp số
Cũng không đắm trước vào năm dục.
Bảy ngàn Như Lai đương trụ thế
Lúc đó đều nhập Bát-niết-bàn
Nhờ tu phạm hạnh được thành tựu
Thường cùng hữu tình được pháp dục.
Nay ta được thành đạo Bồ-đề
Hiệu Sa-la Thọ Vương Như Lai
Trong hai mươi câu-chi kiếp số
Lập quả Bồ-đề cho hữu tình.
Giác ngộ Bồ-đề nhân tối thượng
Nhiêu ích tất cả loài hữu tình
Trong hai mươi câu-chi kiếp số
Sẽ vì hữu tình thường nói pháp.
Thường cùng bốn mươi câu-chi chúng
Cùng ngồi đạo tràng nói chánh pháp
Đã hết các lậu không còn gì
Đạt được Niết-bàn quả vi diệu.
Thân Xá-lợi ba đời Như Lai
Con từng xây tháp sáu mươi ngàn
Lại dựng câu-chi số cờ báu
Ở trong vạn năm khởi cúng dường.
Chánh pháp trụ thế một vạn năm
Các vị có trí được lợi ích
Diệu âm thanh tịnh diễn nói ra
Ai nấy nghe rồi tâm hoan hỷ.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát viên mãn giới hạnh thanh tịnh, thường sinh đối trị với tất cả hữu tình, không sinh tham ái đối với cha mẹ, phát khởi đối trị đối với các hữu tình, không sinh đắm trước các cảnh dục.

Thế nào là pháp dục của Đại Bồ-tát? Thế nào là pháp đối trị?

Pháp dục là mắt thấy sắc dục, tai nghe tiếng dục, mũi ngửi mùi dục, lưỡi nếm vị dục, thân xúc trước dục, sinh ra hòa hợp. Đối với hòa hợp này sinh ra đắm trước, nên gọi là pháp dục. Đã sinh đắm trước lại bị trói buộc, đối với các trói buộc sinh tưởng quyết định, pháp trói buộc này rốt ráo hư dối. Do tham mê cho nên trói buộc càng sâu. Pháp trói buộc này gồm có ba bậc là cạn, sâu và rất sâu; các chúng hữu tình phải nên xa lìa pháp trói buộc này. Lại nữa, sắc là trói buộc, thanh, hương, vị, xúc đều là trói buộc.

Sao gọi là sắc trói buộc? Vì thành tựu thân mạng sắc cho nên sinh ra ngã tưởng, Bổ-đặc-già-la tưởng, thọ giả tưởng, thường tưởng, bất hoại tưởng, quyết định bất biến tưởng, trần cảnh vật tưởng, tátgià-la tưởng, năm uẩn tưởng. Các tưởng này đều là sắc pháp trói buộc.

Lại nữa, sắc là trói buộc, thành tựu thân mạng, sắc pháp là các pháp dục hữu ở thế gian, đắm trước thân mạng vợ con quyến thuộc, nên gọi là sắc pháp trói buộc. Cho đến xúc dục đều là trói buộc, từ đó các nhiễm duyên dần dần bám vào, tích tập các nghiệp bất thiện, đắm trước các dục không thể tạm xả.

Này Xá-lợi Tử! Sao gọi là dục không có lỗi lầm? Là vì dục trong sạch thanh tịnh không có lỗi lầm, không sinh đắm trước đường ác.

Sao gọi là không sinh đắm trước đường ác? Là vì dục không có lỗi lầm.

Này Xá-lợi Tử! Các chúng hữu tình đối với các việc dục thường luôn tiếp cận, chưa từng tạm xả một chút nào, do nghiệp báo này cho nên phải chịu quả khổ.

Này Xá-lợi Tử! Lần lượt quán sát ngàn thế giới, khi quán sát khắp rồi, các bạn ác không có một người nào so với vợ mình. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Tất cả hữu tình do vì ngu si, cho nên các người trí thường hay khinh chê ruồng bỏ. Vì thế nên biết, hiển hiện chánh pháp, các người vô trí thường hay nhiếp thọ. Vì thế nên biết, hiển hiện phi pháp, các pháp hữu vi, trai, gái, thê, thiếp cùng nhau đắm trước, sinh ra ham thích luyến ái, tà đạo nhiếp thọ trai, gái, thê, thiếp, mỗi mỗi luyến ái chấp thủ, chướng nạn xuất ly, chướng nạn trì giới, chướng nạn tu định, chướng nạn sinh Thiên, chướng nạn Niếtbàn, chướng nạn tất cả pháp trong sạch, lại nhiếp thọ nô tỳ quyến thuộc. Nói tóm lại, hoặc nhiếp thọ bạn ác là sự nhiếp thọ của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Lại nữa, nhiếp thọ trai, gái, thê, thiếp tức là nhiếp thọ tất cả căn bất thiện tạp nhiễm.

Lại nữa, nhiếp thọ trai, gái, thê, thiếp cho đến ăn uống, tận biên tế của nó đều là chướng ngại. Muốn thấy Như Lai nhưng bị chướng ngại, muốn nghe chánh pháp nhưng bị chướng ngại, muốn gần Thánh chúng nhưng bị chướng ngại. Tri kiến của Phật là pháp trong sạch thanh tịnh, tất cả Thánh chúng do vì chướng ngại, cho nên đều không thể thấy. Lúc đó muốn cầu thành tựu nhưng lại bị chướng ngại, cầu bảy Thánh tài nhưng bị chướng ngại, đối với pháp không chánh tín trở lại sinh nhiếp thọ, cho đến phá giới, xan lận, ác tuệ, không tàm, không quý thảy đều nhiếp thọ, đối với pháp không phải bảy Thánh tài trở lại nhiếp thọ.

Lại nữa, nhiếp thọ trai, gái, thê, thiếp tức là nhiếp thọ các khổ bệnh tật, ung nhọt đau nhức, lửa dữ, rắn độc.

Lại nữa, nhiếp thọ trai, gái, thê, thiếp, chỗ ở, nhà cửa cũng như nghĩa địa tha ma. Trong bãi tha ma cất tiếng kêu gào thảm thiết, không có các thân hữu cho đến lắng nghe, tăng trưởng si mê. Đó là pháp hư huyễn, đối với thiện pháp thường bị chướng ngại. Nói tóm lại, này Xá-lợi Tử! Người phá giới tạo các pháp ác cũng như mưa đá phá hủy tất cả các vật. Phá hoại thiện pháp cũng như vậy.

Lại nữa, đắm trước trai, gái, thê, thiếp cũng như người tham vị mà liếm vào kiếm bén, nuốt hòn sắt nóng, các vật bất tịnh. Thân cấu uế là do đắm trước, đem hương hoa, đèn bột hương cúng dường, cũng như trong địa ngục trang sức bằng các cực khổ.

Lại nữa, đối với các nô tỳ nhiếp thọ sai khiến. Lại nữa, nhiếp thọ người ác đen xấu, mỗi mỗi hủy bỏ. Lại nữa, nhiếp thọ lạc đà, lừa, heo, chó các loài súc sinh, tức là nhiếp thọ các kkổ não.

Lại nữa, nhiếp thọ trai, gái, thê, thiếp, này Xá-lợi Tử! Thà vào hàng ngàn du-thiện-na thành lửa dữ để chịu sự thiêu đốt, còn hơn là nhiếp thọ cha mẹ thê thiếp trai gái. Nếu thường khởi tâm nhiễm ái như vậy thì liền bị đọa lạc, huống là thọ lãnh các cảnh xúc chạm. Vì sao? Vì nhân các khổ lấy pháp tham nhiễm làm các căn bản, tổn hại thiện pháp căn bản, buồn lo khổ não căn bản, trói buộc thiện pháp căn bản, uế ác căn bản, ngu si căn bản, nhưng chẳng phải tuệ nhãn thanh tịnh căn bản. Cũng như dậm phải sat nóng trên đất, khiến cho người này bị đọa lạc tà đạo. Vì lý do đó, cho nên gọi là đều do thê thiếp gây ra. Cũng như mang vác gánh nặng mà có thể đảm nhận, lại cam lòng nhận lấy gánh nặng đó, đi qua đường dài không chịu bỏ, chịu các khổ não, bức bách thân tâm làm cho tổn hại. Vì lý do đó cho nên gọi là vợ. Như hữu tình này do khởi ái cho nên trở lại làm kẻ nô bộc, do đắm trước cho nên không được tự tại, bị các sự đánh đập trói buộc phải cúi đầu vâng theo, cúi đầu chịu mọi sai xử. Vì lý do đó cho nên gọi là vợ. Nếu nói cho đủ thì nó rộng lớn vô lượng.

Này Xá-lợi Tử! Gánh rất nặng là năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm uẩn này gọi là gánh rất nặng, không thể xả bỏ trai, gái, thê, thiếp, do nhân duyên đời trước cho nên làm quyến thuộc.

Này Xá-lợi Tử! Đây là duyên phá giới, duyên hoại chánh hạnh, duyên không chánh kiến, duyên ham ăn uống, duyên địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, làm chướng ngại cho tuệ thù thắng, đóng cửa Niết-bàn. Vì lý do đó cho nên tích tập tất cả khổ. Đây gọi là nhân quyến thuộc đời trước.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Dòng họ của mẹ cũng nhiều lỗi lầm. Đây nói dòng họ vô lượng vô biên các việc huyễn hóa. Có người tùy thuận tức là sinh lỗi lầm, các việc ma như trong lòng bàn tay, quyến thuộc của Ba-tuần và các ma nữ mỗi mỗi huyễn hoặc gây nhiều lỗi lầm, tâm khinh chế, tâm coi thường, tâm điên cuồng, tâm khỉ vượn, nói hay hiển hiện các huyễn hoặc như vậy. Vì lý do đó cho nên gọi là dòng họ của mẹ.

Này Xá-lợi Tử! Các huyễn hoặc này cũng gọi là xóm làng, xây dựng vương thành đường sá qua lại, nhân dân thế giới rộng lớn vô lượng không thể nghĩ bàn. Vì lý do đó cho nên gọi xóm làng huyễn hoặc.

Này Xá-lợi Tử! Huyễn hoặc và các lỗi lầm dục sẽ đọa vào đường ác.

Này Xá-lợi Tử! Ví như người bày trò ảo thuật làm việc huyễn hoặc, ở giữa mọi người chuẩn bị đủ mọi dụng cụ huyễn, rồi lại làm đủ việc huyễn. Người nữ huyễn hoặc cũng như vậy.

Này Xá-lợi Tử! Hữu tình thế gian thấy người nữ kia, lại bị trói buộc, hoặc có lúc nghe tiếng, có lúc xúc chạm, có lúc ca múa, khởi tâm đắm trước, có lúc hòa hợp khởi lên các huyễn hoặc, có lúc khóc lóc, đi, đứng, nằm, ngồi, bất cứ chỗ nào cũng đều bị trói buộc, cung cấp sai sử như kẻ nô bộc.

Này Xá-lợi Tử! Ví như thế gian, khi mùa lúa chín, gặp lúc mư a đá làm tổn hại mùa màng. Này Xá-lợi Tử! Dòng họ của mẹ cũng như vậy, nó cũng có thể tổn hại dòng họ của cha, cũng có thể tổn hại tất cả pháp trong sạch.

Này Xá-lợi Tử! Các lỗi lầm của dục sẽ đọa vào đường ác, tất cả kẻ ngu không thể biết được mà trở lại nhiếp thọ thê thiếp quyến thuộc.

Này Xá-lợi Tử! Các Bồ-tát đối với các lỗi lầm của dục không có nghĩa lợi này, phải nên dùng sức phương tiện mà xa lìa.

Sao gọi là kẻ ngu dị sinh? Tức là trái ngược với chánh pháp, trở lại sinh ngu si, không phải ý tưởng của trượng phu. Cho nên ở chỗ của chư Phật, Đại Bồ-tát khởi ý tưởng trượng phu, phải loại bỏ những ý tưởng nào không phải trượng phu, không nên sinh các ý tưởng sân giận, luôn làm đại trượng phu trong các nẻo thiện, khởi lên các hạnh chân chánh, không đối với đường ác làm việc không phải trượng phu, khởi lên các hạnh tà vạy, không hướng đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, không hướng đến chỗ phá giới, không vui và sống yên với người phá giới chỉ vui hướng đến tất cả chánh pháp vô thượng tối thắng, Phật tuệ không chướng ngại, vui đối trị các pháp bat thiện khởi tâm hướng đến, nguyện đương lai rống lên tiếng rống sư tử, không vui tùy thuận các pháp bất thiện, không rống tiếng rống của các loài thú khác, đương lai con nguyện như thân Phật hiển hiện sắc vàng, không lam thân phàm phu dị sinh, thường làm người hướng dẫn đường tốt nhất cho thế gian. Ở trong loài người không có các hiểm nạn, an nhiên đầy đủ không bị thiếu thốn, thường được các món ăn thơm ngon thanh tịnh thảy đều đầy đủ, nhưng không nhàm chán các món ăn thô dở ở thế gian, thường nguyện ở chỗ vắng lặng, tu tập thiền định, mau chóng thành tựu Tam-ma-địa thù thắng tối thượng, chuyên chú vào một cảnh, xa lìa động loạn các hoặc chướng nhiễm, thường được định môn du hý của chư Phật, lại xa lìa các định môn của Thanh văn, Duyên giác, không thích y chỉ các định môn của tất cả kẻ ngu si dị sinh, cũng không thích đắm trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức năm uẩn mà trụ, không thích y chỉ địa, thủy, hỏa, phong, không, thức mà trụ, không thích y chỉ Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới mà trụ, cũng không thích trụ vào cõi này hay cõi khác, nhưng lại suy nghĩ về sự thấy nghe hay biết diệu xúc cảnh giới và chỗ chứng đắc vắng lặng, cũng lại không thích y chỉ mà sống, nguyện thường y chỉ người vắng lặng như thật. Tuy thích tu định, nhưng đối với mình và người không có tổn hại, nguyện thường viên mãn trí tuệ của Phật, tất cả các việc hữu vi ở dục giới đều không ham thích.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát trí giả có bốn pháp xuất ly:

  1. Xuất ly dục giới.
  2. Xuất ly tất cả hữu tình giới.
  3. Xuất ly biết ân không báo đáp lại không thân cận.
  4. Xuất ly tất cả khổ hạnh.

Phải nên phát khởi bốn pháp xuất ly này.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát ở trong đường ác, thấy các dòng họ của mẹ vi diệu, cũng không sinh tâm tham ái, mà lại sinh khởi bốn thứ tưởng:

  1. Tưởng tổn giảm.
  2. Tưởng hiểm nạn.
  3. Tưởng tiện lợi bất tịnh.
  4. Tưởng máu mủ ô uế.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát ở trong đường ác, chỉ nên phát sinh ba thứ tưởng:

  1. Tưởng như mẹ.
  2. Tưởng như em.
  3. Tưởng người nữ như người thân.

Cần nên phat khởi ba thứ tưởng này.

Như vậy, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát thường nói về tư duy tu tập và các kinh điển đều nên tin theo lãnh thọ. Ta quán thế gian từ vô lượng kiếp đến nay không có ai là không phải từ mẹ sinh ra, không phải cha dưỡng dục. Cho đến tất cả, hữu tình tuần hoàn dưỡng dục, tất cả hữu tình cũng từng làm cha mẹ của ta, hoặc ở đời trước từng gọi là mẹ, cho đến đời này trở lại làm vợ. Các vị hành giả phải nên tu học, cùng với các kẻ ngu dị sinh, ta nên trụ vào hạnh không trái nhau, như vậy hành tướng tùy thuận với điều này. Tham ái là tâm, trong tâm chuyên chú suy nghĩ như vầy: Tâm tham ái thế nào là hiện sinh và chưa sinh? Hoặc mắt tham ái các sắc, các vị hành giả trong tâm kiên cố, phải nên quán xét, đối với tự nhãn mà sinh đắm trước.

Thế nào là nhãn sinh kiến kiến? Thế nào là tự tánh mà thấy tự tánh? Thế nào là tự nhãn mà thấy tự nhãn? Như vậy, tự nhãn bốn đại tạo thành, nương vào các duyên nhưng không phải tự tánh. Đã không phải tự tánh mà lại sinh đắm trước, thì tâm đắm cũng không phải tự tánh. Vì sao? Vì tánh kia không phải có tâm này, cũng không có sai khác mà sinh đắm trước. Các kẻ ngu dị sinh do không hiểu cho nên trụ vào không phân biệt. Nay ta thích trụ trong cái có phân biệt mà sinh tinh tấn mong cầu. Vì sao? Vì sắc tướng như vậy không phải pháp công đức, là dục tư duy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Cùng nhau hòa hợp thành một nghĩa
Trong đó không có nghĩa sai biệt
Trong tâm cũng không sinh kiên cố
Vì do tham ái nên tích tụ.
Sao gọi chân thật trong chân thật
Đối với bốn đại sinh nhiễm trước
Pháp này cũng như là ngói gỗ
Trong đó không sinh tâm ham thích.
Do chấp ngã nên sinh biến kế
Từ không chân thật làm tích tụ
Trong không chân thật sinh tham ái
Chân thật tham ái không the được.
Giá như tìm cầu khắp mười phương
Chân thật tham tánh không thể được
Đối không chân thật chấp trước rồi
Tâm tham ái sinh lại tích tụ.
Nếu như sinh tìm xét như vậy
Dù cho tìm xét đến tận cùng
Tùy các tăng thắng suy cùng tận
Chân thật tham ái không thể được.

*********

Nói kệ rồi, Đức Thế Tôn lại bảo:

–Này Xá-lợi Tử! Những điều ta vừa nói đối với các Khế kinh lần lượt tăng thắng, tùy thuận căn lực, phải nên tin hiểu.

Này Xá-lợi Tử! Lại như mắt này, như là bong bóng nước không thể lâu bền. Trong bong bóng nước ấy không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, không Bổ-đặc-già-la, không ý sinh, không nho đồng, không tác giả, thọ giả. Biết rõ các pháp không sinh như vậy, lìa tất cả tướng, vậy thì tham ái cái gì?

Lại nữa, mắt này, cũng như sóng nắng, là chỗ để tất cả phiền não tham ái tập hợp sinh ra. Mé trước mé sau không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, không Bổ-đặc-già-la, không ý sinh, không nho đồng, không tác giả cũng không thọ giả. Như vậy biết rõ các hành không chuyển, lìa mọi tướng, vậy thì tham ái cái gì?

Lại nữa, mắt này cũng như cây chuối, thể của nó không chắc. Trong cây chuối không có ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng. Vậy thì tham ái cái gì?

Lại nữa, mắt này như huyễn hóa, là chỗ điên đảo tập hợp sinh ra. Trong cái huyễn hóa đó không ngã, không nhân, cho đến lìa mọi tướng. Vậy thì tham ái cái gì?

Lại nữa, mắt này cũng như giấc mộng, thấy các sắc tướng không phải là chân thật. Trong mộng này không ngã, không nhân, cho đến lìa mọi tướng. Như vậy tham ái cái gì?

Lại nữa, mắt này như tiếng vang trong hang động, do nhân duyên sinh. Trong tiếng ấy không ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng. Như vậy tham ái cái gì?

Lại nữa, mắt này cũng như cái bóng, tùy theo các nghiệp hoặc mà hiển hiện. Trong cái bóng này không ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng. Như vậy tham ái cái gì?

Lại nữa, mắt này như mây trôi, tụ tán không cố định, thể không rốt ráo. Trong mây trôi ấy không ngã, không nhân, cho đến lìa các tướng. Như vậy tham ái cái gì?

Lại nữa, mắt này như điện chớp, biến diệt sát-na. Trong điện chớp này không ngã, không nhân, cho đến lìa mọi tướng. Như vậy tham ái cái gì?

Lại nữa, mắt này cũng như hư không, lìa ngã và ngã sở. Trong pháp ấy không ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng. Như vậy tham ái cái gì?

Lại nữa, mắt này cũng như ngu điếc, không biết cái gì, lại như cỏ, cây, tường, vách, ngói, gạch các vật không có tình, không biết gì. Pháp ngu điếc không có tình này không ngã, không nhân cho đến lìa tất cả tướng. Như vậy tham ái cái gì?

Lại nữa, mắt này cũng như các hành, đều là lưu chuyển. Cũng như con diều mượn các duyên hòa hợp. Trong các hành này không ngã không nhân, cho đến lìa tất cả tướng. Như vậy tham ái cái gì?

Lại nữa, mắt này đều là hư dối, là chỗ tích tụ tất cả bất tịnh. Pháp hư dối này không ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng. Như vậy tham ái cái gì?

Lại nữa, mắt này như bóng trong gương, tùy vật mà hiển hiện, hoặc có, hoặc không là pháp phá hoại. Bóng trong gương này không ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng. Như vậy có gì để tham ái?

Lại nữa, mắt này cũng như giếng khô, có bốn con rắn già, bệnh, chết, khổ; có hai con chuột cùng xâm hại bức bách nhau. Trong cái giếng khô này không ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng. Như vậy có gì để tham ái?

Lại nữa, mắt này là biên tế không thật, căn như bụi trần, chết chóc dễ xâm nhập, mới thấy biên tế. Trong biên tế này không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, không Bổ-đặc-già-la, không ý sinh, không nho đồng, không tác giả, không thọ giả, biết rõ như thế lìa tất cả tướng. Như vậy có gì để tham ái?

Này Xá-lợi Tử! Pháp uẩn, xứ, giới cũng lại như vậy. Nếu Đại Bồ-tát trong tâm kiên cố tương ưng với chân thật thì vĩnh viễn không rơi vào pháp tham ái. Nếu Bồ-tát mà còn rơi vào tham ái thì không thể có, đối với pháp tham ái nhàm chán xa lìa một cách chân thật.

Này Xá-lợi Tử! Đây gọi là Đại Bồ-tát thực hành giới thanh tịnh.

Lại nữa, Đại Bồ-tát viên mãn giới hạnh thanh tịnh như vậy, không gây tổn hại đối với các hữu tình, cho đến loài hữu tình vi tế cũng đều làm nhiêu ích, cũng lại không tiếc thân mạng tình thương bao trùm tất cả không bỏ một ai, hoặc thọ ân người khác rồi lại trá ân, thọ dụng của mình và người đều khiến viên mãn.

Lại nữa, Đại Bồ-tát ở bất cứ chỗ nào, thà bỏ thân mạng, xa lìa tất cả hạnh tà dục; thà bỏ thân mạng không nói dối và nói hai lưỡi để lừa gạt hữu tình, thường sinh vui vẻ đối với quyến thuộc của mình; thà mất thân mạng xa lìa lời nói thêu, dệt, thường nói lời từ ái nhu thuận, quyết định ngay thẳng, thường hộ chính mình, không sinh tham ái đối với cảnh trần khác; thà mất thân mạng không sinh sân hận, người khác có hủy báng nhất định không bị lay động, có khả năng kham nhận mọi lời ác; thà mất thân mạng không sinh tà kiến. Vì sao? Vì quy y chư Phật tâm không thoái chuyển, thường trì cấm giới không bị hủy phạm, cũng lại không thích thế trí biện thông, chỉ học Phật tuệ, kiên trì cấm giới không có lỗi lầm, xa lìa hiểm ác, các pháp tạp nhiễm; kiên trì cấm giới xa lìa các ác phiền não tích tập, thường được hạnh thù thắng trong sạch, tăng trưởng lòng bố thí đồ ăn thức uống thuở xưa; kiên trì cấm giới tùy theo tâm mong muốn hành động tự tại an lạc tốt đẹp, trì các cấm giới không sinh hủy báng các người trí, đầu, giữa, cuối chánh niệm không lỗi lầm. Khi trì giới, Bồtát lìa mọi khinh chê hủy báng, không sinh các lỗi lầm, luôn luôn phòng hộ các căn môn, trì giới được đầy đủ danh tiếng, thường luôn nhiếp thọ các thiện pháp, thiểu dục tri túc và biết phần đối với sự cúng dường, hoan hỷ trì giới, cắt đứt mọi phan duyên, thường sống ngay thẳng; kiên trì các cấm giới, thường hay suy xét ba nghiệp, thích ở chỗ hoang vắng; kiên trì cấm giới, thường sinh nhàm chán các người nữ, nhưng lại ham thích dòng Thánh; kiên trì cấm giới, thệ nguyện không xem các cảnh đẹp thế gian, đối với hạnh đầu đà không bị khuyết lậu. Trì các cấm giới, đối với thiện căn của mình không do người khác đề xướng lời nói đi đôi việc làm; giữ gìn cấm giới, không sinh dối gạt các hàng trời người, thường sinh tâm Từ càng tăng thêm thù thắng đối với các hữu tình không có ý tổn hại, trái lại còn khởi tâm đại Bi, thường trì cấm giới, nhẫn chịu các việc khổ não, hoan hỷ trì giới, ham thích các pháp, không có chấp trước, thường tu hạnh xả. Trì các cấm giới, đối với cảnh nghịch thuận thường hành bình đẳng, thường hay suy xét loi của chính mình, tùy thuận tâm người khác, thường luôn thủ hộ, khéo hay điều phục tất cả hữu tình. Trì các cấm giới, có khả năng viên mãn Bố thí ba-la-mậtđa. Trì các cấm giới, có khả năng viên mãn Trì giới ba-la-mật-đa, tâm kiên trì không có ai hơn được. Trì các cấm giới, có khả năng viên mãn Nhẫn nhục ba-la-mật-đa, lấy các thiện pháp làm rốt ráo. Trì các cấm giới có khả năng viên mãn Tinh tấn ba-la-mật-đa, luôn sống trong tĩnh lự khong sinh biếng nhác. Trì các cấm giới, có khả năng viên mãn Thiền ba-la-mật-đa, tu tập văn tuệ không có gián đoạn. Trì các cấm giới, có khả năng viên mãn tuệ Thù thắng ba-lamật-đa, chí ưa thân cận các bậc Thiện tri thức. Trì các cấm giới, tích tập Bồ-đề phần kiên cố, xa lìa bạn ác. Trì các cấm giới, thường được xa lìa các nạn hiểm khổ, hay nhàm chán thân mình. Trì các cấm giới, luôn luôn suy xét tưởng vô thường, lại hay vứt bỏ thân mạng này. Trì các cấm giới, không thích sống lâu ở đời, thường hay xa lìa các hạnh trái nhau. Trì các cấm giới, đối với tâm ý của chính mình phải hết sức thanh tịnh, xa lìa mọi nhiệt não. Trì các cấm giới, xa lìa tham ái, không tự cống cao, luôn biết khiêm hạ. Trì các cấm giới, ngay thẳng không xiểm khúc, lời nói nhu hòa êm ái tương ưng với sự thật. Trì các cấm giới, được danh tiếng lớn vang khắp tất cả, khéo tự điều phục. Trì các cấm giới, thường không sân hận, ưa thích vắng lặng, dùng lời nói thiện giáo hóa lợi ích hữu tình. Trì các cấm giới, nói đúng như thật, không có trái nhau, dùng bốn nhiếp pháp nhiếp thọ hữu tình. Trì các cấm giới, phòng hộ chánh pháp, pháp tài của chính mình không bị thiếu thốn. Các người trí luôn đầy đủ giới uẩn này, lại có khả năng thực hành hạnh Bồ-tát.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát do Trì giới ba-la-mật-đa này, cho nên hay phát khởi tâm dũng manh, mọi việc ma và quyến thuộc ma đều tan mất, các việc nhiễu não cũng không còn.