KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 7: THỌ TRÌ

–Lại nữa, này thiện nam! Nay Ta sẽ giảng nói công đức thọ trì

Khế kinh rất mực sâu xa, nếu có chúng sinh nghe được kinh này, thì đời đời chẳng rơi vào trong bốn nẻo, ở chỗ mình sinh ra thường gần gũi chư Phật.

Ca-diếp bạch Phật:

–Chúng con nên gọi kinh này là gì và phải vâng giữ như thế nào?

Phật bảo Ca-diếp:

–Kinh này tên gọi là Đại Bát-nê-hoàn, lời nói thoạt đầu cũng tốt lành, lời nói chặng giữa cũng tài tình, lời nói sau cùng cũng thanh tịnh tràn đầy. Nay Ta sẽ giảng nói về kho chứa châu báu Kim cương. Này thiện nam! Giống như nước trong tám con sông lớn thuộc cõi Diêmphù-đề đều đổ về biển cả, nước ấy không bao giờ cùng tận, kinh Đại Bát Nê Hoàn cũng như thế, trừ diệt phiền não, hàng phục chúng ma, quay lưng với sự sống chết, lìa bỏ thân biến hóa, cho nên gọi là Nêhoàn, tất cả chư Phật giống như giáo pháp vi diệu này, không có sự cùng tột.

Lại nữa, giống như phương pháp trị bệnh có thuật tinh tế bí mật tên gọi là Đại y, tất cả các phương thuốc đều đưa vào trong đó, giáo pháp hàm chứa nhiều nghĩa lý vi diệu bí mật do Như Lai nói cũng như vậy, tất cả chín bộ kinh thảy đều ở vào trong đó, cho nên gọi là Đại Bát-nê-hoàn.

Ví như công việc cày ruộng và gieo hạt vào tháng mùa hè thì thường có hy vọng, đến khi đã thu hoạch quả thì mọi trông mong đều dứt. Người tu hành cũng như vậy, họ thường có hy vọng khi tu tập thiền định đối với tất cả kinh điển, học tập kinh này xong, họ chóng thành tựu sự giải thoát và vượt ra khỏi ba cõi.

Lại nữa, này thiện nam! Như người mắc bệnh nặng dùng đề hồ làm thuốc, thế rồi người ấy lại uống tám thứ thuốc mùi vị ngọt ngào, vị thuốc ấy hay nhất. Như thế, đối với giáo pháp bí mật của Phật, chúng sinh mắc bệnh mê hoặc và tán loạn, Ta đem Khế kinh Đại thừa mà giáo hóa cho họ dần dần, rồi sau mới nói phương thuốc diệu pháp có tám vị Đại Bát-nê-hoàn cho chúng sinh. Tám thứ mùi vị đó là: Pháp thường trụ, pháp tịch diệt, không già, không chết, mát mẻ, thông suốt như hư không, bất động và khoái lạc; tám thứ mùi vị đó gọi là Đại Bátnê-hoàn. Nếu có Bồ-tát trú tại Đại Bát-nê-hoàn này, thì đâu đâu vị ấy cũng thường có thể thị hiện nê-hoàn, cho nên gọi là Đại Bát-nê-hoàn. Nếu thiện nam nào muốn ở Đại Bát-nê-hoàn mà vào Nê-hoàn, thì phải nên học pháp thường trụ của Như Lai như thế, Pháp và Tăng cũng vậy. Nếu như trong số ấy có thiện nam và thiện nữ thực hành kinh Đại Bát Nê Hoàn này, thì nên học tập thường trụ ở Như Lai.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Pháp thân của Như Lai chẳng thể suy nghĩ và bàn luận, giáo pháp vi diệu mà Phật nói ra không thể nghĩ bàn, công đức của chúng Tăng không thể nghĩ bàn, kinh này chẳng thể nghĩ bàn. Kể từ hôm nay, như có chúng sinh tâm tính cứng cỏi, thì con sẽ trừ diệt bóng tối tăm còn sót lại trong đêm dài sinh tử vô tri cho những chúng sinh kia.