SỐ 186
PHẬT NÓI KINH PHỔ DIỆU
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt chỉ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 3

Phẩm 7: THỊ HIỆN HỌC CHỮ

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Bấy giờ Thái tử vừa được bảy tuổi, hiện rõ vô số trăm ngàn điềm tốt lành. Một vạn bé trai, một vạn bé gái cỡi một vạn cỗ xe chở vô số các thức ăn uống đầy đủ chất quý bổ đến nước Ca-di, để nơi ngã tư đường và ở đầu các con đường quanh co, trổi lên các thứ kỹ nhạc, ở khoảng giữa các cây trang sức lầu gác với mái hiên, cửa sổ có chấn song, các thể nữ trang sức anh lạc ở trên đó rải hoa đốt hương. Tám ngàn thể nữ dọn sạch đường sá, nghinh đón Bồ-tát. Chư Thiên, Long, Thần và Kiền-đạp-hòa ở trong hư không với nhiều hình dáng khác nhau, rải hoa đốt hương, thòng các ngọc châu và cờ lụa bằng ngũ sắc.

Tất cả bà con trong dòng họ Thích trước sau theo dẫn đường. Bạch Tịnh vương cũng cùng đi nghinh đón Bồ-tát.

Bồ-tát cỡi xe dê đi đến chỗ thầy dạy học. Vừa vào lớp học, muốn được gặp thầy. Thầy giáo tên là Tuyển Hữu. Khi thấy oai thần sáng chói của Bồ-táí, thầy không thể chịu được liền quỳ xuống đất. Trên Đâu-suất thiên có một Thiên tử tên là Thanh Tịnh, liền đến trước cầm tay đỡ thầy đứng dậy và đặt ngồi trên ghế, ngay trước đại chúng, nói bài kệ:

Nay sinh trong dòng Thích
Tại đời học kỹ thuật
Toán số và thơ văn
Vô số kiếp đã rõ
Cứu chúng sinh nên hiện
Học rộng hiện nhập đạo
Độ vô số đồng tử
Ban cho chúng cam lộ
Dạy đời hiểu bốn đế
Rõ báo ứng nhân duyên
Có thành tức có diệt
Huống nay thư đường đây
Tột sáng nơi ba đời
Trời người tôn bậc nhất
Đã nhiều lần đến lớp
Vô số kiếp học đây
Chúng sinh nhiều tâm niệm
Thánh biết hết gốc nguồn
Ngài không tham nghĩ sắc
Tức là vô niệm đây
Lập giới độ kẻ tham.

Bấy giờ, Bồ-tát cùng với trẻ em trong dòng họ Thích đi đến trường. Bồ-tát tay cầm cây bút bằng vàng, sách đóng bằng gỗ thơm chiên-đàn có các minh châu báu. Giá sách đó được thị giả đưa đến. Thái tử hỏi thầy giáo Tuyển Hữu:

-Nay thầy dùng loại sách nào để dạy?

Thầy giáo đáp:

-Dùng sách Phạm từ xưa lưu lại để dạy. Ngoài ra không có sách nào khác.

Bồ-tát đáp:

-Các loại sách khác có sáu mươi bốn thứ, sao nay thầy nói chỉ có hai loại?

Thầy giáo hỏi:

-Sáu mươi bốn loại đó tên như thế nào tôi chưa hề biết. Thái tử đáp:

  1. Phạm thơ.
  2. Khứ-lưu thơ.
  3. Phật-ca-la thơ.
  4. 4. An-khư thơ.
  5. Mạn-khư thơ.
  6. An-cầu thơ.
  7. Đại-tần thơ.
  8. Hộ chúng thơ.
  9. Thủ thơ.
  10. Bán thơ.
  11. Đà-tỷ-la thơ nhất cửu.
  12. Tật-kiên thơ.
  13. Đà-tỳ-la thơ.
  14. Di-địch-tắc thơ.
  15. 1 Thí dữ thơ.
  16. Khang-cư thơ
  17. Tối thượng thơ.
  18. Đà-la thơ.
  19. Khư-sa thơ.
  20. Tần thơ.
  21. Hung-nô thơ.
  22. Trung-gian-tự thơ.
  23. Duy-kỳ-đa thơ.
  24. Phú-sa thơ.
  25. Thiên thơ.
  26. Long quỷ thơ.
  27. Kiền-đạp-hòa thơ.
  28. Chân-đà-la thơ.
  29. Ma-hưu-lặc thơ.
  30. A-tu-luân thơ.
  31. Ca-lưu-la thơ.
  32. Lộc-luân thơ.
  33. Ngôn thiện thơ.
  34. Thiên phúc thơ.
  35. Phong thơ.
  36. Giáng thiên thơ.
  37. Bắc phương thiên hạ thơ.
  38. Câu-da-ni thiên hạ thơ.
  39. Đông phương thiên hạ thơ.
  40. Cử thơ.
  41. Hạ thơ.
  42. Yếu thơ.
  43. Kiên cố thơ.
  44. Đà-ha thơ.
  45. Đắc tận thơ.
  46. Yếm cử thơ.
  47. Vô dữ thơ.
  48. Chuyển số thơ
  49. Chuyển nhãn thơ.
  50. Môn câu thơ.
  51. Hương thượng thơ.
  52. Thứ cận thơ.
  53. Nãi chí thơ.
  54. Độ thân thơ.
  55. Trung ngự thơ.
  56. Tất-diệt-âm thơ.
  57. Điển thế giới thơ.
  58. Trì-phụ thơ.
  59. Thiện tịch địa thơ.
  60. Quán không thơ.
  61. Nhất thiết dược thơ.
  62. Thiện thọ thơ.
  63. Nhiếp thủ thơ.
  64. Giai hưởng thơ.

Thái tử bảo với thầy:

-Đây là sáu mươi bốn tên sách, nay thầy muốn dùng sách nào để dạy?

Khi ấy thầy Tuyển Hữu trong lòng vui vẻ, vứt bỏ lòng tự đại, đọc bài kệ:

Khó kịp Chân tịnh tôn
Tại thế phát lòng thương
Học hết tất cả sách
Nay vào trong trường học
Đọc hết các tên sách
Tôi không biết gốc ngọn
Các kinh sách thấu đạt
Mà thị hiện nhập học
Không dám sánh trí Ngài
Chỉ xem người lễ bái
Làm sao khiến Đại Thánh?
Nêu vô số loại sách
Siêu vượt Thiên Trung Thiên
Tối thượng trong hàng trời
Tối tôn, không ai bằng
Trên đời không thể dụ
Do vì oai thần vậy
Nghiêm tịnh dùng phương tiện
Ai thấy suốt tất cả
Đều vượt khỏi thế gian,

Bấy giờ một vạn đồng tử đã cùng với Bồ-tát đi đến chỗ thầy dạy học, thấy oai đức của Bồ-tát kiến lập trí tuệ của Bậc Đại Thánh phân biệt tên sách mà tuyên bày:

Lời nói đó nói về không, phát ra âm thanh về vô thường, khổ, không, vô ngã.

Lời nói đó nói về dục, phát ra âm thanh về dâm, nộ, si cùng các thứ tham cầu.

Lời nói đó nói về sự rốt ráo, phát ra âm thanh tất cả đầu đuôi đều tịnh.

Lời nói đó nói về hành, phát ra âm thanh vô số kiếp phụng thờ tu đạo.

Lời nói đó nói về không, phát ra âm thanh không theo chúng lìa các danh sắc.

Lời nói đó nói về loạn động, phát ra âm thanh trừ nguồn gốc nhơ nhớp của vực thẳm sinh tử.

Lời nói đó nói về thí, phát ra âm thanh bố thí, trì giới, trí tuệ, ngay thẳng phân minh.

Lời nói đó nói về sự ràng buộc, phát ra âm thanh giải trừ thi hành những ngục hình khảo trị.

Lời nói đó nói về thiêu đốt, phát ra âm thanh thiêu rụi tội dục trần lao.

Lời nói đó nói về tín, phát ra âm thanh tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ.

Lời nói đó nói về sự thù thắng, phát ra âm thanh siêu việt Thánh đạo vô thượng.

Lời nói đó nói về như thật, phát ra âm thanh không hoại diệt của Như Lai.

Lời nói đó nói về tịch tịnh, phát ra âm thanh quán pháp tịch nhiên vắng lặng.

Lời nói đó nói về sự chìm lặng, phát ra âm thanh tiêu trừ sân, si, tranh tụng.

Lời nói đó nói về sự tạo tác, phát ra âm thanh tội lỗi phước báo đều từ nơi hành thọ.

Lời nói đó nói về trí, phát ra âm thanh trí Nhất thiết không thể hủy hoại.

Lời nói đó nói về ma, phát ra âm thanh hàng phục sức ma cùng bè lũ quyến thuộc.

Lời nói đó nói về hại, phát ra âm thanh vứt bỏ tự đại, tà kiến.

Lời nói đó nói về thệ, phát ra âm thanh đối với chánh pháp không rối loại.

Lời nói đó nói về chỉ, phát ra âm thanh không sợ sức thế tục.

Lời nói đó nói về canh, phát ra âm thanh vượt các khổ về sinh, già, chết.

Lời nói đó nói về ý, phát ra âm thanh ý chí vững bền, một mình dạo chơi trong ba cõi.

Lời nói đó nói về pháp, dùng âm thanh các pháp để chế ngự, cứu độ cùng khắp từ đầu đến cuối.

Lời nói đó nói về sự tán thán, phát ra âm thanh tùy theo chỗ nguyện mà khai hóa.

Lời nói đó nói về nạn, phát ra âm thanh trừ tám nạn tội ương.

Lời nói đó nói về sự tận diệt, phát ra âm thanh diệt sạch không còn chỗ phát sinh.

Lời nói đó nói về xứ, phát ra âm thanh tiêu sạch chỗ điên đảo.

Lời nói đó nói về tuệ, phát ra âm thanh trí tuệ Thánh không trở ngại.

Lời nói đó nói về thị, phát ra âm thanh quay về thiện, ác, ương, họa.

Lời nói đó nói về hữu, phát ra âm thanh của các việc làm trong ba cõi.

Lời nói đó nói về sự vứt bỏ, phát ra âm thanh vứt bỏ những điều đưa đến sự tâng bốc cái ngã.

Lời nói đó nói về mình, phát ra âm thanh hướng đến nghiệp thiện, nghiệp ác của mình,

Lời nói đó nói về ngã, phát ra âm thanh diệt trừ ái dục nhơ nhớp của thân.

Lời nói đó nói về đố, phát ra các âm thanh thiện, ác, tật đố… Ngược lại xưng tán bình đẳng.

Lời nói đó nói về số, phát ra âm thanh thường điều phục vô minh.

Lời nói đó nói về xứ, phát ra âm thanh vượt ra ngoài xứ và phi xứ, hữu hạn và vô hạn.

Lời nói đó nói về nhã, phát ra âm thanh độ vô số các loạn tưởng, buông lung, vắng lặng mong cầu.

Lời nói đó nói về quả, phát ra âm thanh chứng các quả thật không có chỗ trụ.

Lời nói đó nói về trừ, phát ra âm thanh không tham đắm tự kỷ, trừ sạch ngũ cái.

Lời nói đó nói về tà, phát ra âm thanh trừ ưu não và tật bệnh, hoạn nạn.

Lời nói đó nói về tuệ, phát ra âm thanh tuệ bố thí, trì giới, học rộng nghe nhiều, không vọng tưởng.

Bấy giờ Bồ-tát vì các đồng tử phân biệt rõ ràng gốc ngọn các tên, diễn các âm thanh giống pháp môn như vậy, ngay nơi trường học lần lần khai hóa mở bày dạy dỗ ba vạn hai ngàn đồng tử, khuyên phát tâm đạo Vô thượng Chánh chân, vì vậy cho nên Bồ-tát đi đến trường học nhưng không nhận sự chỉ dạy từ nơi thầy giáo.