ĐẠI TỲ-LÔ-GIÁ-NA THÀNH PHẬT KINH SỚ

A-xà-lê Nhất Hạnh ghi chép

 

 

Phẩm 7: THÀNH TỰU TẤT-ĐỊA

Bấy giờ, Chấp Kim Cang cát tường, hoa hy hữu nở trước mắt. Kim cang dụ cho Như Lai Bí Mật Tuệ. Kim cang không có pháp nào phá hoại được mà nó lại phá hoại được muôn vật. Trí tuệ này cũng như thế. Chẳng bị tất cả phá hoại mà có khả năng phá hoại tất cả những cái khó pháp hoại, là nói ba độc căn bản. Lại nữa, thân Bồ-tát này tức là thể Kim cang mà mười phương tất cả Phật đồng lấy Như Lai Kim Cang Trí Ấn mà trao vào tay, cho nên gọi là Trì Kim Cang. Cát Tường là khen đức của Bồ-tát Kim Cang Thủ, các công đức lành đầy đủ không thiếu, tức là nghĩa cát tường. Lúc đó, Bồ-tát nghe như trên nói pháp đặc biệt sâu xa ít có của chư Phật nên phát tâm hy hữu, mở mắt ra mà nhất tâm quán Phật không tạm bỏ, mới phát bốn thệ nguyện rộng lớn. Lại nữa, như hoa sen thế gian dần dần lớn lên. Nếu chẳng nhờ được ánh sáng mặt trăng, mặt trời và thời tiết thì chẳng thể nở bày tốt đẹp. Bồ-tát cũng như thế. Tuy có tâm Bồ-đề Bí mật, Như Lai công đức thật tướng tạng, nếu chẳng nhờ ánh sáng mặt trời Đại tuệ rực rỡ thì chẳng thể khai mở. Nay Bồ-tát này được được đài hoa sen diệu pháp chân thật tri kiến nên lại hỏi Phật muốn rộng truyền bá pháp tâm địa này mà độ tất cả chúng sinh, đều khiến cũng được mở bày như ở đây.

Lại như trên nói tức là tự môn A Như Lai Kim Cang Tánh mà công đức tạng đầy đủ không thiếu là môn Diệu lý thường trụ. Chuyển chày Kim cang là có yếu chỉ là muốn chuyển Vô ngại mật tuệ này vào tâm tất cả chúng sinh. Vì sao? Vì pháp vắng lặng tự chứng như thế là thanh tịnh vi diệu vô thượng mà chúng sinh chẳng tự biết. Vì nhân duyên này cho nên ở trong vô lượng bí mật bảo tạng mà chịu vô lượng sợ sệt khổ não. Vì việc ấy nên sinh tâm đại Bi, muốn chuyển trí này khiến tất cả đều được mở bày tâm nhãn. Hỏa quang phát ra thì lửa dụ cho Bát-nhã Ba-la-mật, bốn bên chẳng thể chạm vì chẳng thể chấp trước. Lại thể tánh vô cấu là năng thiêu đốt tất cả cấu phiền não luống dối. Như ở kiếp thiêu thì lửa ở khắp nơi không sót. Chiếu khắp cõi Phật, là tuệ quang này chiếu khắp vô lượng pháp giới tất cả người có duyên đáng độ, là đều hiện khắp ở trước, do chỗ vui thấy thân mà xưng cơ nói pháp đều khiến vào tự môn A Như thế. Các cõi Phật, tức là không phải các thế giới khác.

Phát ra tiếng hay mà khen pháp tự tại Mâu-ni, nghĩa là phát ra tiếng vi diệu mà hỏi Như Lai các pháp tự tại. Như Trưởng giả thế gian đầy đủ tiền của không thiếu thốn, tùy ý muốn đều được làm xong. Như Lai cũng giống như thế, làm vua các pháp, tất cả pháp tài đều đầy đủ. Cho nên làm được việc lớn không thể suy nghĩ bàn luận, tất cả đều làm xong. Mâu-ni nghĩa là Tịch-mặc là người thường tịch, vi diệu vắng lặng sâu xa chẳng thể nói bàn. Như thế pháp giới vắng lặng, pháp Đại diệt độ, chỉ có mình Phật là rốt ráo thanh tịnh, nên gọi là Mâu-ni. Nói các hạnh chân ngôn, là hạnh đó chẳng thật có, nghĩa là ba nghiệp bình đẳng hạnh chân ngôn cũng là hạnh Như Lai, được thành Vô thượng Đại quả báo, các hành này nguyện Phật nói cho con nghe. Ý hỏi rằng: Chân ngôn và hạnh này Phật nói hay làm xong công đức sâu xa rộng lớn của Như Lai, nói cốt yếu là vô lượng vô biên pháp chưa từng có đều được thành tựu. Nhưng tất cả pháp đều vào tự môn A. Nếu vào chữ A tức là từ xưa đến nay vốn không. Vì các pháp vốn chẳng sinh. Các pháp vốn chẳng sinh tức chân ngôn này còn chẳng thật có, huống chi là trong ấy mà phát khởi các hạnh ư? Tức đây là không sinh không khởi, không pháp nào thật có mà đủ tất cả công đức, tức là cảnh giới Phật không thể nghĩ bàn, chỉ có Phật và Phật mới biết được. Phật Phật tự chứng. Nếu nghe thấy mà chứng thì có thể dùng vô lượng phương tiện mà thị ngộ cho chúng sinh. Nếu tâm không tự chứng thì không do đâu để suy lường việc như thế mà nói cho người nghe, không thể suy nghĩ bàn luận chẳng sinh chẳng diệt như thế thì làm sao tu hành. Lại hành này từ đâu mà đến, rồi đi về đâu. Ý hỏi hạnh vô sinh làm sao phát tâm thú hướng. Vì sao? Nếu pháp sinh diệt thì có thể nói có tướng thành tựu và phá hoại. Nay pháp này không có các tướng như thế làm sao được thành tựu. Nghĩa này cũng rất sâu xa. Chân ngôn bản thể vắng lặng thì làm sao phát hành? Xin Phật giảng nói cho con nghe. Tất cả nói cho con nghe: Ý nói chung cho con nghe, nghĩa là nói pháp hy hữu vô thượng này. Pháp tánh sâu xa như thế, cũng như biển khơi thì muôn sông đều chảy về. Chỗ muôn pháp trở về này chính là Đại Bát Niết-bàn tức là nghĩa phát hành, cũng như các thứ sắc vị trong biển lớn thế gian khi vào biển lớn thì đồng một sắc một vị, không có khác nhau, chẳng thể dời đổi. Biển lớn Như Lai cũng giống như thế. Tất cả muôn pháp muôn hạnh vào trong đây đều đồng một vị không thể suy nghĩ bàn luận giải thoát không có khác nhau.

Kế Như Lai đáp rằng: Ma-ha-tát ý xứ gọi là Mạn-đồ-la… thì tâm xứ cũng có thể gọi là tâm vi, tức là chỉ chỗ tự tâm của chúng sinh này, tức là tất cả Phật Đại Bi Thai Tạng Mạn-đồ-la. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh tức là Hoa Đài Tạng. Nhưng vì bốn thứ phiền não thường tự sinh vì nó tự che đậy nên không thể sáng suốt tự biết. Nếu tự biết tâm xứ tức là biết tâm này tự tánh thường thanh tịnh. Chỗ thanh tịnh vô cấu như thế tức là địa thật tướng Đại viên mãn của Phật. Cho nên Phật đáp ý rằng: Nếu muốn biết hạnh và quả của chân ngôn thì phải ở tâm xứ mà cầu. Đều nói như thế, nghĩa là Phật mười phương ba đời cũng đều nói như thế. Một đạo không khác, không phải chỉ ta nói thế. Chân ngôn các tâm xứ nó biết quả thọ ấy. Quả tức là quả Bồ-đề Vô thượng của chư Phật, thọ nghĩa là chứng được, ý Phật nói: Nếu vào tự môn A này là hay biết rõ tâm xứ, nếu biết xứ ấy tức là quả chân ngôn. Ý Phật lại nói: Tất cả các pháp đều do tâm có. Như mắt người thấy sắc, thì nhãn căn và sắc đối nhau chẳng thể biết rõ xanh vàng, đỏ trắng.

Kế là nhãn thức liền sinh lo, bất định đây là xanh hay vàng. Kế là ý thức liền phân biệt phân tách, nói đây là xanh vàng, đỏ trắng các tướng phải biết chỉ do tâm phân biệt mà có. quyết định duyệt tâm, tâm xứ. Như vào đạo Nhị thừa cũng trước phải có tâm quyết định. Tâm quyết định này tức là Tam-muội. Cũng vì được tâm quyết định thì tâm được ưa thích. Tức là nội tâm tự chứng vui hiện pháp. Vì cũng có định tực là sinh ra tri kiến chân thật. Song ba thừa đều có định cạn sâu khác nhau. Nay trong đây ý nói: Nếu chứng được tâm xứ này là tâm trong tâm, tức là tâm đại quyết định của Như Lai cũng có định này cho nên được vào tự môn A. Vì vào tự môn A, thì sẽ biết rõ hạnh và quả của chân ngôn. Nếu biết rõ hạnh và quả thì tức là trao được Đại quả Vô thượng. Ý Phật nói: Cũng như tâm trụ định được thấy rốt ráo Nhất thừa như thật, tức tự biết được việc ấy. Nếu không như thế thì dù nghe cũng vô ích.

Từ đây trở đi là Chánh nói: Tập định sơ môn như ở trên Chấp Kim Cang đã hỏi: Tâm của chân ngôn này từ đâu đến và đi về đâu, làm sao chứng được quả. Nay ý Phật đáp rằng: Chân ngôn là từ tâm phát ra cho đến muốn biết hạnh và quả của chân ngôn cũng từ tâm hiện ra, ngoài tâm này không có pháp khác. Vì sao? Vì Mạn-đồ-la này gọi là tịnh, vì tất cả tự tâm của chúng sinh xưa nay vốn thanh tịnh, vì bị vô minh ngăn che nên không thể tự biết. Nếu tịnh tâm này tức là ở Mạn-đồ-la, chẳng từ chỗ khác đến hạnh và quả đều cũng như thế. Vì tất cả muôn pháp cho đến hình sắc, hiển sắc muôn loài khác nhau, chớ chẳng từ tâm phân biệt mà có. Nay tự môn A này cũng chẳng từ ngoài vào, chỉ từ tâm sinh không từ chỗ khác đến. Vì sao? Vì có phương tiện tu định mà tâm ấy dần tịnh. Vì tâm dần thanh tịnh nên hiện trong chữ A. Chữ A này tức là tất cả tâm chư Phật. Từ tâm luân mà thanh tịnh nên năng hiện chữ A. Do vào tự môn A nên liền thành tướng đại quả báo. Cho nên biết quả này cũng do tâm mà được, thật ra không có ai trao cho, do tự biết rõ mà được, phải dẫn nghĩa giới Ương-quật không trộm cắp. Nhưng tâm này vốn vi diệu vắng lặng, không tên không tướng, không thể chỉ bày thì dùng phương tiện nào mà thấy được? Nay chư Phật vì hóa độ Bồ-tát tu hạnh chân ngôn, ngày từ tâm của tâm xứ phàm phu mà làm phương tiện, cũng chẳng làm hạnh đối trị khác. Xứ của tâm này tức là nội tâm của phàm phu ở trong đó, là tâm Hãn-lật-đà. Người mới học quán cũng ở chỗ ấy mà tưởng hình hoa sen. Vì sao? Vì tâm này của tất cả chúng sinh tức là nhân hoa sen Tam-muội, vì chưa thể khiến mở bày, vì bị các phiền não buộc ràng, do đó chẳng hiểu rõ tướng như thật của tâm mình. Cho nên trước phải quán tâm xứ này, thực hành quán tưởng hoa sen tám cánh, khiến mở bày các nhụy đầy đủ. Ở trên đài này mà tưởng chữ A trong đó. Từ chữ A này phóng ra vô lượng ánh sáng ấy phát ra bốn phía mà hợp thành tóc (sợi) cũng như tóc hoa, do đó gọi là tóc. Nghĩa là nhiều hoa xuyên suốt nối nhau không dứt. Do hợp nhiều thành một cho nên gọi là tóc (man). Ở đây cũng giống như thế, hợp vô lượng ánh sáng thành một sợi tóc ánh sáng. Vì sao phải quán hoa sen tám cánh không nhiều hay ít hơn? Ở đây có hai nghĩa: Một là tất cả phàm phu tâm xứ tuy chưa thể tự biết nhưng trên đó tự nhiên có tám cánh như hình hoa sen khép. Nay chỉ quán chiếu tâm này khiến nó mở ra, tức quán Tam-muội tiện lợi, nhưng lý ấy nếu quán hoa tám cánh này tức là được tương ưng với Lý. Tám cánh này tức là bốn cạnh và bốn góc. Bốn góc tức là bốn trí của Như Lai. Tự môn A đầu tức là tâm Bồ-đề, chữ Ám kế tức là thành Vô thượng Bồ-đề, kế chữ A là thực hành hạnh Bồ-đề, kế chữ ác tức là Đại Niết-bàn. Ngoài lá bốn góc tức là bốn pháp nhiếp. Trước từ tự môn A mà phát tâm Bồ-đề, kế là biết quả ấy.

Do đây là tự luân nghĩa bốn chữ A. Vì muốn thành đại quả báo mà tu hạnh Như Lai. Vì tu hạnh Như Lai mà được chứng đại Niết-bàn. Vì chứng Đại Niết-bàn nên thấy được tâm tánh. Tức biết thể tâm pháp giới này xưa nay là tướng thường vắng lặng. Cho nên sau cùng là tự môn Ác. Do đó nói nhụy đầy đủ, cũng có ý ấy. Nghĩa là khi tâm Tam-muội Liên hoa này nở ra thì vô lượng pháp môn đều đầy đủ, tức là sáu độ, mười tám không, ba mươi bảy phẩm thiền định, giải thoát, một trăm lẻ tám môn Tam-muội, năm trăm môn Đà-la-ni, như thế vô lượng vô biên đều đầy đủ. Phải biết tất cả pháp môn đều từ tâm mà có. Niệm chỗ hoa sen ấy nghĩa là trên đài sen kia mà quán chữ A nên gọi là trên tòa. Chiếu sáng cùng khắp các loại chúng sinh, quán ánh sáng đài hoa này, nếu khi hiện tiền tức là từ tâm sinh ánh sáng vắng lặng chiếu soi. Chiếu khắp tất cả các loài chúng sinh. Tất cả chúng sinh cũng có tánh như thế. Chỉ do vô minh che lấp nên không biết tánh tâm mình, nên chẳng được công dụng tự tại như thế. Nếu khi tự rõ nguồn tâm thì cũng sẽ hiện khắp sắc thân mười phương như thế giáo hóa như Phật không khác. Nói chúng sinh, nghĩa là họ vì vô minh nhân nghiệp mà sinh liền thọ báo bốn loài sinh. Vì nhân nghiệp mà sinh nên gọi là chúng sinh. Nay muốn làm tan ra chúng sinh kia khiến cho biết cùng tận thật tướng của thức tâm, nở đài hoa kia khiến được tri kiến Phật. Tri kiến là như thế tục nói là tâm khai ý giải, ý giải có lý. Vì tâm khai nên liền vào tự môn A. Lại nói trên tòa thì cũng có nhiều ý, hoặc nói tòa hoa, hoặc nói khi thân ngồi, hoặc là thành tựu Đại Mạn-đồ-la. Trong Mạn-đồ-la thì thực hành quán hạnh này mà vào tự môn A, tức có thể thấy ánh sáng hiện khắp sắc thân mà làm các thứ Phật sự. Nhưng người tu khi mới học quán vì tâm chưa thuần thục nên chưa được hiện tiền. Trước phải làm hoa sen diệu như trên nói khiến rất vi diệu, gồm đặt chữ A thường quán hiện tiền ở trong ánh sáng mà vẽ. Vầng sáng này như gương tròn sạch. Trong đó vầng ánh sáng tròn chữ A rất sâu. Trong đó quán kỹ lâu thì sẽ hiện tiền thấy rõ ràng, ở ngoài đã thấy rồi thì lại quán tự tâm. Trong vầng ánh sáng tròn mà quán chữ A. Như chữ A phải biết các chữ khác so ra sẽ hiểu. Người tu ở trong đã quán đầy đủ thuần thục, khi thấy chữ A ánh sáng từ tâm phát ra bốn phía trùm khắp tất cả cõi Phật mười phương. Ánh sáng này từ đầu đến chân bao quanh khắp thân người tu chẳng thể nói dụ. Nói chỉ quán hoa sen chẳng quán hoa khác, đây cũng có ý. Như hoa sen ở đời mọc ra từ bùn, chỗ sinh ra tuy xấu, nhưng thể tánh của hoa thì thanh tịnh diệu sắc không gì sánh, chẳng bị các cấu ô nhiễm. Phàm phu cũng như thế. Tuy có vô lượng vô biên các thứ bất tịnh, họa hoạn ba độc, nhưng hoa sen này cũng là thật quả sâu xa Tam-muội đều sinh trong đó. Tức là ánh sáng đại tuệ bình đẳng của Như Lai. Ngàn điện nhóm họp, là như ở thế gian một ánh sáng điện còn chẳng thể xem kỹ vì nó lóa mắt người, huống chi là vô lượng ánh sáng điện nhóm họp. Đây giải thích ánh sáng như tóc rũ xuống, phát ra bốn phía ánh sáng mạnh mẽ rực rỡ. Ánh sáng này khi từ tâm trùm khắp liền có thể hiện khắp tất cả thế giới, tất cả chúng sinh đáng độ đều hiện ra vui mừng thấy thân, ứng cơ giảng nói diệu pháp khiến họ được độ, đều là sự thật chẳng dối. Như ở đời gương sáng hiện ra các hình ảnh. Nhưng có chỗ chẳng chiếu thì không thể khắp hiện, gương tịnh tâm thì chẳng như thế, mà mười phương vô ngại hiện đủ pháp giới chỉ mượn làm dụ. Nhưng thật ra chẳng thể so sánh. Người tu khi thấy vầng sáng tròn chữ A thì hay biến khắp các phương mà làm Phật sự, nhưng cũng vắng lặng không động.

Giống như trăng đáy nước tùy bình đựng chẳng phải một, cùng một lúc nhanh chóng hiện ra. Song dùng trí tuệ mà quán nếu tánh nước chẳng sáng thì trăng chẳng hiện. Nước lắng trong thì không có trăng nào chẳng hiện, không có tới lui mà hiện ra sáng tỏ, chỉ do duyên hợp mà có. Lại như khi trăng hiện, thì có thể thành tựu muôn vật trong bốn thiên hạ đều được lợi ích. Nhưng trăng cũng chẳng nghĩ rằng mình chiếu khắp muôn vật khiến chúng sinh lớn lên. Người tu quán tự tâm mình cũng giống như thế, đồng với trăng đáy nước ấy mà hiện các hình ảnh.

Từ phẩm này về trước là nói quả của chân ngôn. Từ phẩm này trở đi là thứ lớp nói phương tiện tu hành chứng nhập. Đây là phần đầu. Trong đây lại có oai nghi đứng ngồi rất nhiều bí pháp, sau sẽ nói rõ. Trong kinh này có những bí ẩn nay sẽ thứ lớp trình bày. Như trên quán hoa sen tám cánh và tự môn A. Trước để trừ sạch tâm mình thì đài hoa hiện ra. Nay muốn cho nó lớn lên xinh tươi thành quả báo lớn. Lại nói phương tiện quán môn. Trước vào tự môn A tuy nói biết rõ tâm tánh nhưng cũng chưa được rốt ráo hiện tiền. Cho nên lại vào tự môn Am. Đây là Tam-muội dùng để thành tựu tâm Bồ-đề. Như hoa sen nương nước mà lớn, nếu không có nước thì không lâu sẽ khô héo. Người tu tâm Bồ-đề cũng như thế, nếu không có nước Tam-muội tưới rót tâm thì sẽ không được nở ra xinh tươi. Chữ Am này phải quán ở trên xương đầu ở bốn phương gặp gỡ khiến mặt chánh của chữ đứng thẳng trên đầu, sau lại có quán pháp bí mật, lại có khác. Điểm quán chữ là ở đầu người, tu các phần khác là thân và bốn chi. Vì người tu chưa biết tự tâm, nên phương tiện giúp cho biết. Trước quán hoa sen, lại dùng nước định mà rửa sạch tâm mình, khiến khi đó thấy rõ chữ A, sáu căn có các cấu đều thanh tịnh. Do sáu căn thuần tịnh vô cấu, tâm tánh vô cấu cũng như nước trong chứa trăng sáng. Phải biết đây chính là thấy, thấy tức là thành tựu. Thành tựu tức là thể đồng pháp giới. Phải biết pháp giới này xưa nay vắng lặng, là chỗ nương tựa của tất cả chúng sinh trên thế giới, cũng như hữu tình nương vào thế giới. Cho đến lớp đất nương nước, nước nương gió, gió nương không. Không làm chỗ nương cho tất cả mà không nương tựa vào đâu. Pháp giới cũng như thế, vì chúng sinh có cấu như vô minh mà chẳng thể tự biết. Nay vì sáu căn thanh tịnh nên liền thấy rõ, khi chưa thấy lại có phương tiện cũng ở trong phẩm khác, lại chẳng quán thẳng hai chữ này. Người tu khi tự quán lại dùng các chữ khiến cho trùm khắp các chi phần. Nói khi làm, từng việc rõ ràng tức là thành người trì minh vì dùng thẳng các môn chữ này mà thành tiên Trì Minh. Lại pháp giới nói thấy, chẳng phải có được thấy. Vì vô cấu nên liền được thấy. Thấy là thể của pháp giới, như gương sạch thì có muôn hình ảnh hiện ra mà chẳng có phân biệt như thế. Ta thấy được nó, nó được thấy cũng chẳng phân biệt tướng tới lui, chỉ duyên hợp mà thấy. Tất cả chúng sinh đều đồng với thể pháp giới này. Nếu khi thấy như thế tức là tướng Tất-địa. Hiện khắp sắc thân, bày vô tận tạng trang nghiêm. Người tu do tâm tịnh không phải chỉ đầy đủ niềm vui bình thường mà mà được cái vui vi diệu của đại Niết-bàn.

Cũng thấy câu Như Lai. Câu là chỗ ngồi của chư Phật. Như thấy ở trên cũng chưa gọi là cái thấy hoàn toàn thành tựu. Lại có phương tiện nghĩa là quán môn chữ La. Người tu đặt hai chữ này trên hai mắt. Ánh sáng như đèn chiếu rực lửa. Người tu lúc đó ngồi hơi rụt cổ lại, dùng ánh sáng vô cấu này mà quán chiếu tâm mình. Cũng do chữ La này mà thấy được tâm tánh. Thấy giọng xuống chẳng khiến quá cong, lại chẳng quá thẳng. Ở đây có hai nghĩa: Một là điều thân chẳng sinh ra các bệnh khổ. Vì ngồi quá cong quá thẳng thì bốn đại không điều hòa; Hai là thanh tịnh nhãn căn thấu đạt nguồn tâm. Môn chữ La này tức là đèn sáng thanh tịnh tri kiến. Do trí này đồng với thật tướng của quán tâm đài sen nên mau được thành. Lại khi ngồi thì lưỡi chẳng đụng trên đụng dưới mà để ở giữa. Mắt thanh tịnh như thế mà quán tâm mình, cũng không có tướng năng sở, chỉ đủ nhân duyên nên được thấy như thế. Từ trên Phật bảo Kim Cang Thủ về tướng tới lui, hạnh này từ tâm mà sinh. Tâm vì chiếu sáng nên thấy đạo Như Lai. Hạnh tức là đạo, đạo tức là hạnh và quả báo. Không phải chỉ ta nói như thế, mà các Đức Như Lai ba đời cũng nói như thế không khác. Như trên đã nói chân ngôn phương tiện cho đến tâm xứ này vô cấu thanh tịnh cũng như gương tròn sáng thường hiện tiền. Phải biết đây là lời Phật trước giảng nói về tâm chân thật. Tâm tánh như thế thường ẩn dụ, không có dời đổi, cũng chẳng thể phá hoại, tức là chư Phật Đại Bát Niết-bàn, nên gọi là chân thật. Vì môn chữ La thanh tịnh được tâm này nên sinh ra ánh sáng trí tuệ chân thật, cho nên thấy chỗ thực hành của Phật xưa, gọi là bí mật tạng chân ngôn. Khi người tu thấy đạo chân ngôn thì thức cũng phát sáng. Thức tức sáu thức, như trong Tiểu thừa nói ý thức chỉ là tên khác. Đại thừa thì có tướng khác, tức là sáu thức thân chỉ là ba duyên hòa hợp, chẳng thể quyết định biết các pháp. Hay phân biệt là tâm ấy. Vì tâm tịnh nên sáu thức cũng đều sáng suốt. Cũng như đại bảo châu thể tánh thường thanh tịnh mà chẳng bị trần cấu sáu nhiễm. Nếu người oánh dã thì tạm bỏ bụi nhỏ mà chuyển sang, liền sẽ không trở ngại mưa xuống các báu sắc sáng không gì sánh bằng. Chúng sinh sáu thức cũng như thế, vì nguồn tâm thanh tịnh nên sáu thức đều cũng thuần tịnh. Cái gọi là sáu Tự tại vương tánh thanh tịnh. Người trì hạnh chân ngôn khi thấy tâm tánh như thế là thấy Chánh giác Lưỡng Túc Tôn. Xa lìa tà đảo nên gọi là chánh. Dùng chánh tri kiến này mà hiện biết các pháp, tôn quý trong loài trời, người nên gọi là Lưỡng túc tôn. Vì sao? Vì nếu lìa tâm tánh này liền ở mọi nơi mà thấy Như Lai thì không có việc đó. Người tu khi thấy tâm Phật này tức gọi là Tất-địa đệ nhất thành tựu. Đó gọi là được thường thân bậc nhất.

Tất-địa có nhiều thứ, hoặc thế gian, hoặc xuất thế gian, hoặc vô lượng khác nhau. Nay thành tựu này tức là xuất thế gian thành tựu đệ nhất gọi là thành tựu Thường thân đệ nhất. Thường thân này tức là thân Kim cang bất hoại của chư Phật khi thấy thân này tức là thấy câu Như Lai, biết tất cả pháp đều như mười dụ. Chẳng sinh chẳng diệt, tánh thường chẳng sinh. Được trí chân thật này là thấy thật tướng. Tuy nói thế, nhưng người tu cũng chưa thấy biết rốt ráo tâm tánh, lại có phương tiện rõ ràng. Cái gọi là chuyển chữ La thành chữ Lãm, trước ở trong vầng tròn sáng mà quán chữ A để quán tâm. Nay lại chuyển chữ La khiến thành chữ Lãm. Lại như trước hạ thấp xuống học cổ họng chẳng quá cong quá thẳng, lưỡi cũng cao thấp vừa chừng mà quán chữ A trong tâm. Chữ La này là nghĩa tướng. Trên có dấu chấm là Tam-muội Đại không, gọi đó là pháp Vô tướng đệ nhất, các tướng vốn không.

Vì tất cả tướng đều là pháp chẳng bền chắc, vì thể của tướng này chẳng sinh, đồng với đại thông, tức là pháp thật tướng bền chắc. Như thế mà suy tư tất cả câu không tương ưng với lý, tức là câu bất tử. Câu bất tử tức là thân thường trú của chư Phật. Do chữ Lãm này phương tiện lìa tất cả tướng tức là thường thân. Thường thân tức là tất cả pháp không có câu bất tử. Nếu muốn trí năm thông rộng lớn thành Trường thọ Đồng tử như Trì Minh, Tất-địa Minh… Chưa được trì tụng cho đến chẳng thuận theo. Trí thân rộng lớn tức là thân Như Lai, tức là tất cả công đức ba thừa, thấp nhất là các việc năm Thần thông, Trường thọ… Lìa môn chữ Lãm vô tướng là nghĩa không thật có. Vì sao? Vì nếu người tâm đắm trước vào tướng thì sinh trói buộc liền theo nghiệp mà chuyển, không được tự tại. Cho đến Tất-địa thế gian còn chẳng thể được huống chi là năm thông… ư? Năm thông… còn không được lý, huống chi là Như Lai bình đẳng trí thân ư?

Cho nên Phật nói tất cả công đức lợi ích ba thừa thế gian, đều từ trong pháp vô tướng mà được làm nên, như thần thông có nhiều thứ. Nếu người tu dùng tâm lìa tướng không chấp đắm cho đến có thể được năm thông của Nhị thừa. Nếu lại tu sâu cho đến có thể được năm thông Bồ-tát. Năm thông này tức là dụng tự tại nhập địa Bồ-tát, sánh với thông của Nhị thừa thì như lửa đom đóm so với mặt trời. Trì Minh nghĩa là người trì tụng được khéo thành tựu quả Tất-địa, tức sẽ đi khắp tất cả cõi Phật, mà cúng dường chư Phật thành tựu chúng sinh. Nếu chẳng quán đây mà lìa tất cả tướng là pháp môn vốn xưa nay vắng lặng, thì tiên này cũng chẳng thể được. Đây tức là nhập địa Bồ-tát vậy.

Trường thọ nghĩa là sống lâu tự tại, thường ở thế gian, mà lợi ích chúng sinh, gần gũi chư Phật. Đồng tử nghĩa là sống vô lượng tuổi mà đồng như trẻ mười sáu tuổi, nhan sắc tươi đẹp, cũng gọi là Tiên Trì Minh. Ý kinh nói: Nếu chẳng thuận theo như thế mà lìa tất cả tướng pháp môn thì tiên này còn chẳng thật có, huống chi là rốt ráo pháp thân nghiệp không thể suy nghĩ bàn luận. Trí chân ngôn phát khởi trí chân thật là của báu quý hơn hết của tất cả chư Phật. Vì vào môn chữ Lãm mà lìa tất cả các tướng thì liền thấy Như Lai, tức là Trí Bình Đẳng Đại Tuệ Chân Thật Trí Chân Ngôn như thế là cao quý nhất trong tất cả các pháp. Tất cả chư Phật lấy đây làm tiền của (tư tài). Tư tài là nghĩa thọ dụng, của báu trí như thế vô số mà tự tại thọ dụng, làm các Phật sự, thí khắp cho chúng sinh. Tức là nghĩa đại Trưởng giả của Pháp Hoa, Bồ-tát cứu đời cho đến Nhị thừa, dạo chơi cõi nước, trụ các cõi Phật. Có chỗ giảng nói chỉ bày cũng đều do pháp môn này, cho đến do hạnh này mà được thành tựu đạo Vô thượng. Cho nên kinh nói: Lìa tất cả tướng thì gọi là chư Phật.

(Phẩm Tất-địa thành tựu hết, Như trên Kim Cang Thủ hỏi Phật về tướng tới lui và hạnh quả của chân ngôn, Phật đã đáp xong).