SỐ 225
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 7: THANH TỊNH

Tôn giả Thiện Nghiệp bạch Phật rằng:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu hiểu chút ít về Minh độ vô cực thì không xem thường việc học tập.

Đức Phật dạy:

–Năm ấm thanh tịnh thì đạo thanh tịnh, đạo thanh tịnh thì năm ấm cũng thanh tịnh như nhau không khác. Năm ấm thanh tịnh thì trí Nhất thiết thanh tịnh, trí Nhất thiết thanh tịnh thì năm ấm cũng thanh tịnh. Bây giờ không dứt bỏ trước thì sau này cũng không dứt bỏ, bây giờ không phá hoại trước thì sau này cũng không phá hoại. Ngay bây giờ như nhau không khác.

Thu Lộ Tử bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất thanh tịnh sâu xa!

Đức Phật dạy:

–Thanh tịnh!

Thu Lộ Tử thưa:

–Cực minh hư vô, không có dấu vết, không thật có, cùng khắp tất cả, không sinh dục, không sắc tưởng, thanh tịnh, bạch Đức Thế Tôn.

Phật dạy:

–Thanh tịnh!

Thu Lộ Tử lại thưa:

–Năm ấm có thanh tịnh không? Bạch Đức Thế Tôn.

Phật dạy:

–Không biết, không tùy thuận theo, không nghĩ tưởng đến thanh tịnh.

Thu Lộ Tử lại thưa:

–Trí Nhất thiết Minh độ không thêm không bớt, vì sao? Vì không thật có, giữ cho thanh tịnh.

Đức Phật dạy:

–Thanh tịnh!

Thiện Nghiệp lại bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Ý thanh tịnh thì năm ấm thanh tịnh, năm ấm thanh tịnh thì ý cũng thanh tịnh?

Đức Phật dạy:

–Vốn thanh tịnh vậy!

–Trí Nhất thiết thanh tịnh thì đạo cũng thanh tịnh?

Đức Phật dạy:

–Vốn thanh tịnh!

–Năm ấm vô biên thì ý cũng vô biên?

Đức Phật dạy:

–Vốn thanh tịnh! Đại sĩ soi sáng cội nguồn của mình, vì lý do ấy, Minh độ vốn thanh tịnh, không ở kia, không ở đây, không ở giữa, vốn thanh tịnh.

Thiện Nghiệp bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát có tưởng thì xa lìa Minh độ?

Phật dạy:

–Lành thay! Đúng như lời ông nói, có danh tưởng thì dính mắc.

Thiện Nghiệp thưa:

–Khó ai sánh bằng, bạch Đức Thế Tôn! Minh độ Như Lai cứu giúp chúng sinh đây nếu nói ra thì bị dính mắc.

Thu Lộ Tử hỏi Thiện Nghiệp:

–Cái gì làm dính mắc?

Thiện Nghiệp đáp:

–Nghĩ nhớ năm ấm dính mắc vào không, nghĩ nhớ từ xưa đến nay đếu là dính mắc.

Trời Đế Thích hỏi Thiện Nghiệp:

–Vì nguyên nhân nào dính mắc?

Đáp:

–Tâm nghĩ nhớ bố thí đạo Vô thượng chánh chân là tâm không đảm đương. Bố thí những gì người lành ưa thích? Dạy người ở nơi vốn không. Như vậy không có lỗi lầm. Đúng như Đức Phật đã dạy là bỏ đi một dính mắc.

Phật dạy:

–Lành thay! Ông là Bồ-tát Đại sĩ y cứ vào không, không dính mắc. Lại nữa, nếu có quá dính mắc về việc nghĩ nhớ Như Lai thì hễ nghĩ tưởng gì liền bị dính mắc. Từ xưa đến nay Đức Phật không bị dính mắc vào pháp nào cả, tùy hỷ bố thí. Người thực hành đạo Vô thượng chánh chân pháp không có từ xưa đến nay. Tất cả không được có ý tưởng bố thí, không nhớ, không thấy, không nghe, không tâm, không nghĩ về tâm.

Đáp:

–Rất sâu xa, bạch Đức Thế Tôn!

Phật dạy:

–Minh độ vốn thanh tịnh.

Thiện Nghiệp thưa:

–Con tự quy y Minh độ.

Đức Phật dạy:

–Pháp không có người làm thì không có người thực hành đạo Vô thượng chánh chân.

Thiện Nghiệp thưa:

–Đúng như Đức Phật dạy, không có người làm.

Đức Phật dạy:

–Không có hai pháp, vốn không phải một gốc, vốn không là vốn không, không làm. Đây là pháp vốn không. Như vậy tất cả nhanh chóng vượt qua dính mắc.

Thưa:

–Thật khó hiểu, bạch Đức Thế Tôn!

Đức Phật dạy:

–Như vậy không được thành Phật.

Thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Minh độ không thể tính lường.

Phật dạy:

–Đúng vậy, tâm không tự biết tâm.

Thiện Nghiệp thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Không có người thực hành Minh độ.

Phật dạy:

–Không có thầy làm ra thì cầu Minh độ không phải năm ấm cầu, năm ấm chẳng không, cầu là cầu Minh độ, năm ấm không đầy đủ là chẳng phải năm ấm, không cầu là cầu Minh độ.

Thưa:

–Khó ai sánh bằng, bạch Đức Thế Tôn! Dính mắc, không dính mắc, bạch Đức Thế Tôn! Dính mắc, không dính mắc, đây là không dính mắc.

Phật dạy:

–Năm ấm không dính mắc, không cầu là cầu Minh độ. Năm ấm dính mắc là không cầu Minh độ. Dự lưu, Tần lai, Bất hoàn, Ứng nghi, Duyên giác dính mắc là không cầu. Vì sao? Vì dính mắc có ra từ trí Nhất thiết. Như vậy Bồ-tát dính mắc, không dính mắc có ra từ sự giữ gìn trí Nhất thiết.

Thưa:

–Khó theo kịp, bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã nói pháp rất sâu xa. Nói về không bớt, không nói, không thêm.

Phật dạy:

–Như vậy là không bớt không thêm. Vì sao? Vì Như Lai hết sức khen ngợi hư không cũng không thêm bớt. Ví như người làm ảo thuật, dù được khen hay bị chê cũng không thể làm cho họ có thêm bớt sự vui buồn. Kinh ta nói ra, dù chúng sinh học tập, phúng tụng thì kinh không thêm bớt. Người chịu khó cầu Minh độ rồi giữ gìn thì không biếng nhác, không sợ hãi, không lay động, không chuyển dời, vâng theo lời dạy này không xả bỏ. Vì sao? Người làm việc giữ gìn này là giữ gìn rỗng không; các Trời, Người, Quỷ, Rồng…đều phải lễ lạy, vì vị ấy mặc áo giáp đại Từ chiến đấu với hư không, cứu giúp tai họa của chúng sinh, hiện đời đang bị khổ não bức bách.

Thiện Nghiệp thưa:

–Người mặc áo giáp khen ngợi hư không nên người ở ba chỗ hết sức tinh tấn, mạnh mẽ vô cùng.

Bạch Đức Thế Tôn! Pháp như hư không cho nên tìm đạo Vô thượng chánh chân, muốn được bình đẳng Tối chánh giác có khác với tâm niệm của Tỳ-kheo, tự quy y Minh độ là pháp không diệt.

Đế Thích thưa với Thiện Nghiệp:

–Làm là mong cầu theo sự dạy dỗ này, vì sao phải theo sự dạy dỗ này?

Thiện Nghiệp nói:

–Minh độ tùy theo sự dạy dỗ này là tùy theo không giáo.

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người học Minh độ nên giữ mấy thứ nghe?

Thiện Nghiệp nói:

–Thế nào Đế Thích? Thấy pháp không cần phải ủng hộ là tùy theo sự dạy dỗ này, thì chúng sinh không thể được tiện lợi. Ủng hộ thực hành Minh độ là ủng hộ thực hành hư không. Thế nào Đế Thích? Người có năng lực có giữ gìn ảnh hưởng không?

Đế Thích thưa:

–Không thể được. Như tiếng vang cũng không có nghĩ nhớ là cầu Minh độ, giữ gìn oai thần Phật.

Các vị Đế Thích, Phạm thiên, bốn vị Thiên vương, các vị Thiên vương trong cõi tam thiên đại thiên… tất cả đều đến đảnh lễ Đức Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui đứng sang một bên nghĩ nhớ đến danh hiệu, hình dung, cách ăn mặc, nơi cõi nước sinh ra của ngàn Đức Phật đều như Đức Phật Thích-ca. Tên đệ tử của các Ngài đều như Thiện Nghiệp. Người thưa hỏi về Minh độ đều như Đế Thích. Nền tảng dạy trao, thời gian dạy trao của các Ngài đều cùng một nơi. Bồ-tát Đại sĩ đều mặc áo giáp lớn học tập Minh độ.

Phật bảo Thiện Nghiệp:

–Bồ-tát Từ Thị lúc thành tựu Vô thượng chánh chân bình đẳng giác cũng sẽ ở đó giảng nói Minh độ.

Thưa:

–Thế nào là giảng nói về năm ấm?

–Không thọ giảng nói, không rỗng không giảng nói, không dính mắc giảng nói, không cởi mở năm ấm giảng nói.

Thiện Nghiệp khen ngợi:

–Thanh tịnh, bạch Đức Thế Tôn!

Phật dạy:

–Năm ấm thanh tịnh, Minh độ thanh tịnh giống như hư không.

Thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Năm ấm không nhơ nhớp?

Phật dạy:

–Không nhơ nhớp.

Thiện Nghiệp thưa:

–Người học Minh độ này không bị chết một cách phi pháp. Các vị trời thường theo họ. Ngày mười bốn, mười lăm tháng tám, khi Kinh sư giảng nói kinh, các Bồ-tát thường đến đại hội.

Đức Phật dạy:

–Thiện nam, tín nữ này được công đức rất nhiều, khó tính lường. Vì Minh độ không phải là chỗ gần gũi pháp, không chấp lấy kinh, không có, không đắc, không dấu vết, không nhơ bẩn, không mong cầu, không nghĩ tưởng. Đây là mong cầu Minh độ. Không hề quán thấy có pháp.

Các Thiên tử rất vui mừng, đồng lên tiềng khen ngợi:

–Dưới tầng trời này lại thấy Kinh luân chuyển.

Phật bảo Thiện Nghiệp:

–Không phải hai Kinh luân chuyển, pháp không từ đâu sinh, không đến, không đi như vậy.

Thiện Nghiệp thưa:

–Mong cho các pháp của Bồ-tát đều không có gì trở ngại, thành tựu đạo Vô thương chánh chân, bình đẳng chánh giác.

Phật dạy:

–Không có kinh luân chuyển, không có kinh trở về thì chỗ nào là Kinh luân chuyển? Không có kinh trở về thì chỗ nào là Kinh luân chuyển? Không thấy kinh, không quán pháp. Vì sao? vì nơi sinh ra các kinh giống như hư không, không dời đổi, không đến đi. Thực hành theo lời giảng nói này thì chính là giảng nói kinh. Người không nói kinh, người không nghe, thì không chứng, người nói kinh này được diệt độ. Đây là nói kinh, không phải người.

Thiện Nghiệp bạch Phật:

–Như hư không vô cực đều là Minh độ. Bình đẳng quán sát các pháp không có gì không hiểu rõ.

Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp vô thượng vốn không không thể theo kịp; không dính mắc, không thân, không đi, không đến, không có, không giữ gìn, không hết, không căn, không từ đâu sinh, không diệt, không làm, không thầy, không biết, không nghĩ tưởng, không có gì trở ngại, không thích ứng, không hoại, không nguồn gốc, như huyễn hóa, không thấy, như mộng, vô ngã, thanh tịnh không nhơ nhớp, không thể thấy, không nơi chốn, nhất định không dời đổi, không nghĩ nhớ, bình đẳng, pháp bất động không dời đổi. Pháp vô dục không khác, không từ đâu sinh, hướng đến vô tưởng, bỏ hết cấu uế, tức giận. Không phải người, người vốn không, không quán sát pháp, không từ đâu sinh khởi, không bến bờ mé, không có chỗ dừng, không vữa nát, không hư hoại, không chỗ nào không vào được. Các Ứng nghi, Duyên giác không thể sánh bằng. Không rối loạn, không lầm lẫn, không thể lường, không phải pháp nhỏ, không có hình tướng, không có chỗ sinh khởi, các pháp không có khổ, không xâm lấn nhau, vô ngã, không chấp không. Các pháp không có chỗ sinh ra thì năng lực không ai hơn được, không thể nào tính toán hết được, không có gì lo sợ, tâm không biếng nhác. Các pháp của Như Lai vốn không, không có thầy. Vô vi vắng lặng, Minh độ vô cực.