KINH BẢO TINH ĐÀ-LA-NI
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Ba-la-pha-mật-đa-la
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Phẩm 7: NHIẾP THỌ DIỆU PHÁP

Bấy giờ, trong hội có vị Đại Bồ-tát tên là Diệu Tuệ Thông Đạt, ngồi trước Đức Như Lai Thắng Châu Viêm, cách Đức Như Lai Thíchca chẳng xa. Ở trong khoảnh khắc mâu-hốt-đa, hiện làm tướng Phạm, trong khoảnh khắc hiện làm hình tướng ma cho đến hiện hình tướng trời Đế Thích, hình tướng trời Tha hóa tự tại. Lại nữa, ông hiện làm hình tướng các bậc trời, như hình tướng trời Hóa lạc, trời Đâu-suất, trời Dạ-ma, hình tướng Tứ Thiên vương, trời Đại tự tại. Hoặc hiện hình tướng Dạ-xoa, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, La-sát, Ngã quỷ, Tỳ-xá-già, Cưu-bàn-trà, Sát-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà… Hoặc hiện hình tướng sư tử, voi, ngựa, trâu nước; cho đến thị hiện đủ thứ hình tướng súc sinh. Ở trong khoảnh khắc sát-na, ông hoặc hiện chim, cây, núi, trái cây, y phục, ngọa cụ, đủ thứ y dược, khí cụ báu trang nghiêm. Trong khoảnh khắc sát-na ông thị hiện hình tượng Phật, hoặc hiện tám muôn bốn ngàn thứ sắc tướng, cho đến những hình dáng diện mạo tròn vuông, nhan sắc tịnh diệu. Bấy giờ, Trưởng lão Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử đứng dậy, chắp tay, hỏi Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai:

–Thưa Thế Ton! Vì nhân gì, duyên gì, mà vị Bồ-tát này, có tám muôn bốn ngàn tướng tịnh diệu và đủ thứ loại thân vuông tròn, sắc chủng như vậy?

Đức Phật bảo Tôn giả Phú-lâu-na:

–Bồ-tát này, có đại công đức nhiếp lấy cảnh giới lực, mà tát cả Thanh văn, Bích-chi-phật chẳng thể bì kịp. Đại Bồ-tát Diệu Tuệ Thông Đạt theo chỗ trụ kia mà thọ lãnh cảnh giới lực để thành thục chúng sinh. Tất cả Thanh văn, Bích-chi-phật chẳng phải ở địa vị ấy. Tùy theo vô lượng, vô số chúng sinh, đầy khắp mười phương, hoặc tịnh hay bất tịnh; ở những cõi Phật, ông ấy thường dùng tuệ nhãn không chướng ngại, để thấy đúng như sở nguyện, đúng như điều nghĩ, đúng như sự ràng buộc phiền nao, đúng như chỗ nương về. Bồ-tát này, vào Tam-muội như vậy, dùng sắc mạo uy nghi, để tùy theo chỗ vuông tròn đầy đủ các loại sắc tướng, cho đến hình tướng Phật để hóa độ chúng sinh, an trí họ ở Tam thừa, trụ địa vị Bất thoái. Nếu chúng sinh, vì tham lam những vọng cầu, mà chẳng tự tại thì vì đoạn dứt sự tham đó, ông sẽ cho họ nhu cầu ấy, sau đó, mới an trí họ vào địa Bất thoái. Nếu người bệnh hoạn cần thuốc men thì ông liền cho họ thuốc; sau đó, mới an tập họ ở địa Bất thoái. Này Phú-lâu-na! Bồ-tát Diệu Tuệ Thông Đạt này, ở trong một ngày, có thể độ được số chúng sinh nhiều như cát sông Hằng, giải thoát tất cả khổ, an trí họ vào địa vị Bất thoái tam thừa.

Tôn giả Phú-lâu-na bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Vị thiện nam này, thành tựu chúng sinh, làm việc của bậc Trượng phu, đến nay đã lâu chưa?

Đức Phật nói:

–Số kiếp lâu bằng vi trần của a-tăng-kỳ cõi Phật; ông thiện nam này, đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trải qua thời gian ấy, ông đã được sức Tam-muội gia hộ, kiến lập việc của bậc Trượng phu cho đến nay. Lại nữa, ông ấy cũng đã trải qua sáu mươi bốn a-tăng-kỳ kiếp.

Phú-lâu-na thưa:

–Bồ-tát Diệu Tuệ từ đây đến bao lâu và ở cõi Phật nào, sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Đức Phật nói:

–Lại trải qua hai mươi sáu trăm ngàn đại kiếp, qua khỏi số kiếp đó rồi, có đại kiếp tên là Năng Độ, có thế giới tên là Ma-ni hoa tumạn. Chúng sinh nước ấy, đều sống lâu bốn mươi ngàn năm, Bồ-tát Diệu Tuệ ở trong số chúng sinh ác làm việc ngũ nghịch, bất thiện, sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đức Phật ấy, hiệu là Khai Phu Vô Biên Quang Như Lai A-la-ha Tam-miệu Tam-phật-đà. Đức Phật ở trong bốn mươi ngàn năm, luôn luôn làm Phật sự và dùng sức Tam thừa, thành thục chúng sinh, khiến cho hết thảy họ được Bátniết-bàn. Từ đó trở về sau, Đức Phật Vô Biên Quang dùng Vô dư Niết-bàn mà vào Bát-niết-bàn.

Tôn giả Phú-lâu-na thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những chúng sinh đã được Bồ-tát này thành thục trước đó, sẽ sinh ra ở đâu?

Đức Phật nói:

–Bồ-tát này, trước đã tác khởi nguyện, chẳng tự nhiếp thọ như vầy: “Mười phương thế giới, ở mỗi một phương cõi Phật, nối nhau không gián đoạn, nhiều như số vi trần, các Đức Phật có trong những cõi Phật đó khiến cho ta được thấy. Nếu ta chẳng thấy những Đức Phật đó, chẳng thủ lấy Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trước đây, lúc ta hành Bồ-tát đạo, khuyến phát chúng sinh thì trước tiên là phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, rồi thị hiện giáo hóa, kiến lập với sáu pháp Ba-la-mật. Người đã thành thục thì biến khắp các cõi Phật trong mười phương. Người đã được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì cũng khiến cho ta nhìn thấy. Nhờ thần lực trang nghiêm Tam-ma-đề gia hộ như vậy, nên mỗi một cõi Phật, nối tiếp, không gián đoạn, trong số các cõi nước, nhiều như vi trần ở mười phương; ta có thể làm việc của bậc đại trượng phu như vậy. Và đối với chúng sinh tạo tác ngũ nghịch tội, chẳng thể trị, cho đến chúng sinh đầy đủ pháp bất thiện, trong những cõi Phật đó, sau khi mạng chung ở đó, nhờ nguyện lực của ta, nên đều vãng sinh đến cõi nước của ta. Ta làm Bồ-tát, khiến cho chúng sinh này gieo trồng các căn lành, an trí họ vào địa vị không thoái chuyển; sau đó, thân ta sẽ thủ lấy Chánh giác.” Bồ-tát Diệu Tuệ có nguyện lớn như thế!

Lúc bấy giờ, các vị Bồ-tát đến từ các cõi nước chư Phật trong mười phương, đồng nói:

–Chúng ta hôm nay, từ khắp nơi vân tập đến cõi Phật này, được thấy Đại sư có tướng như vậy, thấy những vị Bồ-tát có đầy đủ đại Bi đại tập hội và được nghe điều xưa kia chưa nghe: Pháp thức ủng hộ của Kim cang pháp đẳng nhân duyên pháp tâm năng kiến lập tồi toái Đà-la-ni Ấn cú sai biệt môn ký của các Đức Phật quá khứ, vị lai và hiện tại.