SỐ 231
KINH THẮNG THIÊN VƯƠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Trần, Vương tử Nguyệt-bà-thủ-na, người nước Ưu-thiền-ni
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 7: HIỆN TƯỚNG

Lúc bấy giờ, Đại trí Xá-lợi-phất nói với Thắng Thiên vương:

–Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, thông đạt pháp tánh, thì phải ngồi đạo tràng để chuyển pháp luân ngay, vì nhân duyên gì mà phải tu khổ hạnh và hàng phục ác ma trước?

Thắng Thiên vương trả lời Xá-lợi-phất:

–Này thiện nam! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, thật ra không có tu khổ hạnh, vì hàng phục ngoại đạo nên thị hiện khổ hạnh mà sự thật thì Thiên ma không thể phá hoại. Vì là chủ của cõi Dục, nên thị hiện để hàng phục, giáo hóa chúng sinh.

Này Xá-lợi-phất! Ngoại đạo tự cho khổ hạnh là đệ nhất, cho nên Bồ-tát thị hiện khổ hạnh để vượt hẳn ngoại đạo.

Này Xá-lợi-phất! Nếu có chúng sinh thấy Bồ-tát chỉ đứng co một chân, hoặc thấy Bồ-tát đứng bằng hai tay, hoặc thấy Bồ-tát đứng nhìn mặt trời, hoặc thấy Bồ-tát dùng năm lửa để đốt thân, hoặc thấy Bồ-tát đứng chổng đầu xuống đất, hoặc thấy Bồ-tát nằm trên gai nhọn, hoặc nằm trên phân trâu, hoặc ngồi trên đá dăm, hoặc nằm trên đất, hoặc nằm trên ván, hoặc nằm trên chông, hoặc nằm trên bụi đất, hoặc mặc áo mỏng, mặc áo vải gai, mặc áo vỏ cây, hoặc lõa hình, hoặc mặc áo cỏ tranh, hoặc mắt nhìn mặt trời và xoay theo mặt trời, hoặc ăn gạo đắng, hoặc ăn lúa tẻ, ăn gốc cỏ và thứ lá cây khác, ăn quả, ăn hoa, ăn củ mài, ăn khoai lang, ăn cây gai, ăn gạo hoặc uống nước để qua ngày, hoặc ăn một cọng rau để qua ngày, một giọt sữa, một giọt mật, hoặc không ăn hoặc hiện ngủ say.

Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát thị hiện tất cả khổ hạnh như vậy, trong suốt sáu năm không thiếu một việc. Bồ-tát thật không có khổ hạnh như vậy, nhưng vì chúng sinh thấy có; bởi Bồ-tát thị hiện khổ hạnh là để độ thoát cho chúng sinh, do có sáu mươi na-do-tha người an trú nơi ba thừa nên Bồ-tát thị hiện khổ hạnh.

Này Xá-lợi-phất! Lại có trời người, đời trước trồng căn lành sâu, ưa pháp Đại thừa thì thấy Bồ-tát ngồi đài bảy báu, thân tâm không động, nét mặt vui cười, nhập định Tam-muội, như vậy trải qua sáu năm mới xuất định.

Này Xá-lợi-phất! Lại có chúng sinh ưa pháp Đại thừa sâu xa, muốn lắng nghe thì thấy Bồ-tát ngồi yên mà nói pháp.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện đại Bi hóa độ tất cả chúng sinh, có thể hàng phục Thiên ma và các ngoại đạo.

Bậc Đại Bồ-tát sau sáu năm liền xuất định. Ngài thuận theo pháp thế gian đi đến sông Ni-liên-thiền, tắm rửa xong đứng bên bờ sông thấy có một cô mục đồng, chọn lấy một con trong một trăm con bò sữa; sau đó lấy sữa con này nấu cháo dâng cúng Bồ-tát. Lại có sáu ức Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, đều đem thức ăn uống đến dâng cúng và nói:

–Đại sĩ, xin nhận sự cúng dường của chúng con! Chánh sĩ, xin hãy nhận sự cúng dường của chúng con!

Bồ-tát đều nhận tất cả, nhưng cô gái chăn cừu và Thiên, Long, Dạ-xoa… đều không thấy nhau, mỗi một vị trời đều thấy Bồ-tát riêng nhận sự cúng dường đó.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát thị hiện hận sự cúng dường để cho chúng sinh nhân nơi đó thấy mà ngộ đạo. Nhưng Bồ-tát này thật sự không có tắm rửa và nhận sự cúng dường.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện thị hiện đi đến đạo tràng. Khi ấy, có trời Địacư tên là Diệu Địa cùng các Thiên thần quét dọn vùng đất này và rải các thứ hoa báu, rồi dùng nhiều thứ nước hương để rưới chỗ ấy, cho đến khắp tam thiên đại thiên thế giới và dưới núi Tu-di, trời Tứ Thiên vương và chúng trời làm mưa các hoa trời, trời Tam thập tam và trời Dạ-ma ở giữa hư không khen ngợi và trổi các thứ nhạc trời, vua San-đâu-suất-đà ở cõi trời Đâu-suất-đà dùng lưới bằng bảy báu che khắp thế giới, bốn góc đều treo những chuông bằng vàng đều mưa hoa cúng dường Bồ-tát và vua Thiện hóa ở cõi trời Lạc hóa, dùng lưới bằng vàng ròng che thế giới, trổi các thứ nhạc và mưa hoa cúng dường Bồ-tát các Thiên tử cõi trời Tha hóa tự tại, cùng các Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… mỗi mỗi sắp đặt cúng dường mọi thứ. Trời Tự tại cùng với vua trời Đại phạm, chủ thế giới Ta-bà, thấy Bồ-tát đi đến đạo tràng, liền bảo tất cả Phạm thiên:

–Này thiện nam! Các ông phải biết, bậc Đại Bồ-tát này dùng thân lớn vững chắc để tự trang nghiêm, không trái với lời nguyện, tâm không biếng nhác, tất cả hạnh Bồ-tát đều đầy đủ và thông đạt. Ngài giáo hóa vô lượng chúng sinh, các địa vị của Bồ-tát đều được tự tại; đối với các chúng sinh, tâm luôn thanh tịnh, khéo biết căn tánh, thông đạt Mật tạng sâu xa của Như Lai, vượt qua các việc làm của ma, tất cảc căn lành không theo ngoại duyên, ủng hộ vô lượng chư Phật, có thể vì chúng sinh mở cửa giải thoát. Ngài là Bậc Đại Sư dẫn đường, xô dẹp các thứ ma; Ngài là người mạnh mẽ số một của đại thiên thế giới. Ngài là đại y vương khéo cho thuốc pháp để giải thoát cho tất cả và nhận ngôi vị Pháp vương, phóng ánh sáng của trí tuệ, không nhiễm tám pháp của thế gian, như hoa sen lớn. Ngài thông đạt tất cả Đà-la-ni sâu xa như biển, an trụ bất động như núi Tu-di, trí tuệ thanh tịnh không có cấu uế như ngọc ma-ni, đối với tất cả pháp được tự tại, phạm hạnh thanh tịnh.

Này thiện nam! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện, đến đạo tràng; ngồi cội Bồ-đề để hàng phục ác ma, thành tựu mười Lực, bốn Vô úy, mười tám pháp Bất cộng, chuyển đại pháp luân, phát ra tiếng rống sư tử lấy pháp bố thí làm cho chúng sinh đều được đầy đủ. Vì muốn chúng sinh được Pháp nhãn thanh tịnh, nên dùng chánh pháp vô thượng hàng phục ngoại đạo. Muốn thành tựu bản nguyện nên thị hiện chư Phật, đối với tất cả pháp do vậy đều được tự tại.

Này thiện nam! Các ông có thể đi đến cúng dường Bồ-tát.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện thị hiện, để đến đạo tràng; dưới chân liền hiện tướng Thiên bức luân, ánh sáng vi diệu chiếu khắp tất cả địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu gặp được ánh sáng này thì xa lìa được khổ não và được an vui.

Khi ánh sáng này chiếu vào Long cung, có vua rồng Ca-lê-ca gặp ánh sáng này liền bảo với chúng rồng:

–Ánh sàng màu vàng này, chiếu đến Long cung làm cho thân tâm các ông được an lạc. Ta ở đời quá khứ, từng thấy tướng này là liền biết có Phật xuất hiện. Nay ánh sáng này giống như xưa không khác, ta nên biết chắc chắn là có Phật xuất hiện ở đời. Các ông có thể dùng các thứ hương xoa, hương bột, hương mùi vị; vàng bạc, trân châu, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, bạch ngọc, cờ phướn lọng báu và trổi các thứ nhạc đi đến trong cung Bồ-tát để cúng dường các vật tốt đẹp ấy.

Khi ấy Long vương Ca-lê-ca cùng với quyến thuộc, nổi lên vừng mây lớn, làm mưa thơm rưới xuống chỗ Bồ-tát và trổi các thứ nhạc để biểu lộ cúng dường, rồi đi nhiễu bên phải Bồ-tát mà khen rằng:

–Ánh sáng màu vàng làm cho mọi người vui sướng hơn hết, nhất định không còn nghi ngờ là Phật xuất hiện. Sau đó nhiều thứ báu trang hoàng oai nghiêm cho cả mặt đất: những cây sống trên mặt đất đều biến thành vật báu; sông ngòi đều yên lặng không có sóng gió; suy luận theo điềm lành này thì chắc chắn Phật xuất hiện, làm cho ánh sáng mặt trời, mặt trăng và cả trời Đế Thích, trời Phạm thiên bị che khuất, các đường ác đều thanh tịnh nên chắc chắn Phật xuất hiện.

Ví như có người lúc nhỏ lạc mất cha mẹ, đến khi trưởng thành bỗng nhiên gặp lại được cha mẹ thì lòng rất vui mừng. Tất cả thế gian gặp Phật ra đời cũng như vậy. Các ông đã từng cúng dường chư Phật ở đời quá khứ, nay gặp bậc Pháp vương là sư tử trong loài người, thì ta được sinh làm người trong lúc này không uổng vậy.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện, lấy cỏ trải tòa nơi cội Bồ-đề, rồi nhiễu bên phải bảy vòng và ngồi đoan nghiêm chánh niệm. Các chúng sinh thấp kém nên thấy tướng đó như vậy.

Này Xá-lợi-phất! Lại có các Đại Bồ-tát đức hạnh cao cả; thấy tám vạn bốn ngàn Thiên tử, trải tám vạn bốn ngàn tòa Sư tử lớn làm bằng nhiều thứ báu và dùng lưới bằng bảy thứ báu che khắp trên tòa, bốn góc và ở mọi nơi đều treo chuông vàng, cờ phướn, lọng báu, vải lụa năm màu treo la liệt.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát ngồi khắp cả tám vạn bốn ngàn tòa này, nhưng các Thiên tử không thấy nhau, cho là Bồ-tát chỉ ngồi riêng tòa của mình mà thành Vô thượng Chánh đẳng giác. Do nhân duyên này, nên các Thiên tử sinh tâm hoan hỷ, thấy được việc chưa từng có nên đều chứng quả vị không thoái chuyển.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện, từ nơi tướng lông trắng ở giữa chân mày, phóng ra hào quang chiếu khắp các cung ma. Tất cả các cung ma trong tam thiên đại thiên thế giới đều bị mất ánh sáng.

Khi ấy, các chúng ma đều suy nghĩ thế này: “Do nhân duyên gì mà các cung của chúng ta ánh sáng bị mất. Há chẳng phải Bồ-tát đã ngồi ở đạo tràng chứng đạo Vô thượng Chánh đẳng giác ư?” Chúng ma cùng lúc đó liền quán sát, xem thấy Bồ-tát đang ngồi đoan nghiêm nơi đạo tràng dưới cội Bồ-đề.

Lúc đó, các ác ma ở cung điện của mình tập hợp quân ma lại, hiện ra vọ lượng ngàn ức thứ màu sắc, các loại hình, các tướng mạo, các đầu mặt cầm các thứ đao trượng, các loại cờ phướng và nhiều thứ âm thanh. Nếu có ai nghe âm thanh đó thì lỗ tai, mũi, miệng đều chảy máu. Lúc bấy giờ, Bồ-tát dùng sức đại Bi, làm chúng ma phát ra âm thanh không được.

Này Xá-lợi-phất! Đó là Bồ-tát dùng sức phương tiện đại Bi, thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện, trong vô lượng ức kiếp thực hành Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Thiền định, Tinh tấn, Trí tuệ, Từ, Bi, Hỷ, Xả, bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Chánh đạo, Chỉ quán, tám Minh, bốn Giải thoát. Bồtát lại dùng cánh tay màu vàng tự xoa từ đảnh đầu cho đến khắp thân và nói như thế này:

–Chúng sinh bị khổ não nên ta muốn cứu độ họ mà phát tâm đại Bi này.

Lúc bấy giờ, ma vương và các quyến thuộc nghe Bồ-tát nói vậy liền ngã nhào xuống.

Đại Bồ-tát dùng sức từ bi làm cho các chúng ma ở trong hư không nghe có tiếng nói: “Các ông có thể dùng thần sức Thiên ma mà quy y, trì giới, bố thí vô úy để cứu độ tất cả chúng sinh.”

Thiên ma và quyến thuộc nghe tiếng nói này xong, đều nằm rạp xuống đất, cùng nói:

–Cúi mong Đại sĩ, Chánh sĩ cứu giúp mạng con!

Này Xá-lợi-phất! Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện, phóng hào quang sáng lớn. Nếu có ai gặp được ánh sáng này đều xa lìa sợ sệt. Ma và các quyến thuộc, thấy thần lực đó, vừa vui vẻ vừa sợ sệt, hai việc hòa lẫn với nhau.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, hoặc có chúng sinh thấy có hàng ma; cũng lại có người không thấy việc này. Hoặc có chúng sinh chỉ thấy có Bồ-tát trải cỏ làm tòa ngồi; hoặc thấy Bồ-tát ngồi ở nơi đài báu Sư tử; hoặc thấy Bồ-tát ngồi ngay trên đất; hoặc thấy giữa hư không tự nhiên có tòa Sư tử, Bồ-tát ngồi trên tòa đó; hoặc có chúng sinh thấy cây A-thuyết-tha là cây Bồ-đề; hoặc thấy cây hương biến, hoặc thấy các thứ báu hợp thành làm cây Bồ-đề; hoặc có chúng sinh thấy cây Bồ-đề cao gấp bảy lần cây Đa-la; hoặc có chúng sinh thấy cây Bồ-đề cao tám vạn bốn ngàn do-tuần; hoặc thấy tòa Sư tử cao bốn vạn ngàn do-tuần; hoặc có chúng sinh ở xa trông thấy Bồ-tát dạo chơi trong hư không, hoặc thấy Bồ-tát ngồi cội Bồ-đề.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện, thị hiện tất cả sự thần biến như thế để hóa độ chúng sinh.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện, thị hiện ngồi nơi đạo tràng, vô lượng, vô biên Đại Bồ-tát ở mười phương hằng hà sa thế giới đều đi đến nhóm họp ở giữa hư không, phát ra lời nói mừng vui để an ủi Bồ-tát:

–Lành thay, nhanh chóng, dũng mãnh, tinh tấn, đại kiết tường, chớ nên sinh sợ sệt, tâm như kim cang, dùng thần thông để làm lợi ích chúng sinh, chỉ một niệm trong giây lát liền được Nhất thiết trí.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát khi ngồi đạo tràng, chúng ma đến quấy nhiễu nhưng không sinh tâm hận; chỉ một sát-na, tâm cùng với Bát-nhã ba-la-mật tương ưng thì chỗ thấy hiểu biết thảy đều thông đạt.

Này Xá-lợi-phất! Lúc bấy giờ, chư Phật Như Lai trong mười phương hằng hà sa thế giới cùng đồng thanh khen rằng:

–Lành thay Đại sĩ! Ông đã thông đạt trí tự nhiên, trí vô ngại, trí bình đẳng, trí vô sư, đại Bi trang nghiêm.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện, có thể thị hiện nhiều cách như vậy; hoặc có chúng thấy Bồ-tát mới vừa thành đạo; hoặc thấy Bồ-tát thành đạo từ lâu; hoặc thấy Tứ Thiên vương của một thế giới đến hiến dâng bình bát; hoặc thấy Tứ Thiên vương ở hằng hà sa mười phương thế giới đến hiến dâng bình bát.

Này Xá-lợi-phất! Lúc bấy giờ, Bồ-tát muốn độ chúng sinh, nên liền nhận tất cả bình bát đó, đem chồng lại trong tay làm thành một cái. Nhưng các Thiên vương đều không thấy nhau, cho là Thế Tôn đã dùng riêng bát của mình.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện, thị hiện những việc như vậy.

Khi nói pháp môn này, trong chúng có ba vạn Đại Bồ-tát được Vô sinh pháp nhẫn; có ba vạn sáu ngàn Bồ-tát đều là bậc không thoái chyển được Vô thượng Chánh đẳng giác; có tám vạn trời, người xa lìa trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh; có vô lượng, vô biên chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác.

Này Xá-lợi-phất! Lại có sáu vạn Thiên tử đi đến trước, yên lặng cúng dường là do sức nguyện lực đời quá khứ, nếu Bồ-tát thành đạo xin thọ nhận chúng con cúng dường trước.

Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát dùng sức phương tiện của Bát-nhã bala-mật sẽ thị hiện ước muốn chuyển pháp luân.

Khi đó Phạm vương Thi-khí là chủ của thế giới Ta-bà, cùng với sáu mươi tám vạn Phạm thiên đi đến chỗ Thế Tôn cúi đầu làm lễ, rồi nhiễu bên phải bảy vòng mà nói rằng:

–Cúi xin Đức Đại Bi chuyển pháp luân vô thượng! Cúi xin Đức Đại Bi chuyển pháp luân vô thượng!

Lúc bấy giờ, liền hiện tòa Sư tử cao bốn vạn hai ngàn do-tuần, trang trí oai nghiêm nhiều thứ báu kiên cố và an ổn. Mười phương vô lượng Thích Đề-hoàn Nhân cùng đều vì Như Lai mà trải tòa Sư tử giống như vậy.

Bấy giờ, Bồ-tát dùng sức thần thông ngồi trên tòa Sư tử. Các chư Thiên đều thấy Bồ-tát ngồi trên tòa Sư tử của mình mà chuyển pháp luân.

Đại Bồ-tát đã ngồi trên tòa này, thì vô lượng, vô biên mười phương thế giới đều chấn động và phóng ánh sáng lớn nhập vào vô biên cảnh giới Tam-muội. Tất cả chúng sinh ở hằng hà sa mười phương thế giới bị khổ nạn trong ba đường ác đều xa lìa ba độc, liền được an lạc, tất cả đều ở chung với nhau như mẹ con không có tâm ác.

Lúc bấy giờ, tam thiên đại thiên thế giới này, trong đó có Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma hầu-la già, Nhân phi nhân… đầy kín mít không còn có kẻ hở như lỗ chân lông; nếu có chúng sinh thích pháp khổ mà nhận sự giáo hóa thì nghe Phật nói khổ.

Chúng sinh thích vô ngã, không, vắng lặng, xa lìa, vô thường cũng đều như vậy.

Chúng sinh thích pháp như huyễn mà nhận sự giáo hóa thì nghe nói như huyễn; chúng sinh thích lấy pháp như mộng, như ánh trăng trong nước như ảnh, như tiếng vang đều cũng như vậy.

Có chúng sinh thích giáo hóa bằng pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện thì liền nghe Phật nói pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện; hoặc nghe Như Lai nói tất cả pháp từ nhân duyên sinh; hoặc nghe nói các ấm, giới, nhập; hoặc nghe thuyết về Khổ, Tập, Diệt, Đạo; hoặc nghe nói bốn Niệm xứ; hoặc nghe nói bốn Chánh cần; hoặc nghe nói bốn Thần túc; hoặc nghe nói năm Căn; năm Lực; bảy Giác chi; hoặc nghe nói tám Chánh đạo; hoặc nghe nói tu Chỉ; hoặc nghe nói tu Quán; hoặc nghe nói pháp của Bích-chi-phật; hoặc nghe nói pháp Đại thừa.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật, dùng sức phương tiện để thị hiện đủ mọi cách mà chuyển pháp luân, làm cho vô lượng chúng sinh tùy theo căn tánh được hoan hỷ lợi ích.

Lúc bấy giờ, Xá-lợi-phất thưa với Thắng Thiên vương:

–Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện gì mà vào cảnh giới sâu xa khó biết, khó nghĩ, khó lường?

Thắng Thiên vương trả lời Xá-lợi-phất:

–Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, với nhiều việc có công đức thù thắng. Ta nay nói một phần của trăm ngàn vạn ức, cho đến toán số thí dụ cũng không thể hết. Chỉ có Đức Như Lai mới có thể nói hết. Ta nay chỉ nói một phần ít, là đều nhờ vào sức oai thần của Như Lai, vì sao? Vì Đại Bồ-tát ở địa vị Nhất sanh bổ xứ, còn chưa biết hết được cảnh giới chư Phật huống chi là Bồ-tát.

Này Xá-lợi-phất! Cảnh giới của chư Phật vắng lặng, không thể nói, chỉ có trí vô phân biệt mới có thể hiểu rõ.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát muốn vào cảnh giới của chư Phật nên học Bát-nhã ba-la-mật và các Tam-muội như: Thủ-lăngnghiêm Tam-muội, Như huyễn Tam-muội, Kim cang dụ Tam-muội, Kim cang Tam-muội, Bất động ý Tam-muội, Biến thông đạt Tammuội, Bất duyên cảnh giới Tam-muội, Sư tử tự tại Tam-muội, Tammuội vương Tam-muội, Công đức trang nghiêm Tam-muội, Tịch tịnh y Tam-muội, Siêu xuất Tam-muội, Vô trước Tam-muội, Ý trang nghiêm vương Tam-muội, Vô đẳng đẳng Tam-muội, Đẳng giác Tam-muội, Chánh giác Tam-muội, Duyệt ý Tam-muội, Hoan hỷ Tam-muội, Thanh tịnh Tam-muội, Hỏa diệm Tam-muội, Quang minh Tam-muội, Nan thắng Tam-muội, Thường hiện tiền Tammuội, Bất tương cận Tam-muội, Vô sinh Tam-muội, Thông đạt Tam-muội, Tối thắng Tam-muội, Quá ma giới Tam-muội, Nhất thiết trí ý Tam-muội, Tràng tướng Tam-muội, Đại bi Tam-muội, Hoan hỷ Tam-muội, Ái niệm Tam-muội, Bất kiến pháp Tam-muội.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện, thông đạt vô lượng, vô biên trăm ngàn ức, hằng hà sa các Tam-muội nhiều như vậy mới có thể vào được cảnh giới của chư Phật, tâm được an ổn mà không sợ sệt. Như Sư tử vương không sợ cầm thú. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát đã tu các Tam-muội nhiều như vậy rồi, có đi khắp các chỗ cũng đều không sợ sệt, không thấy một oán thù có ở trước. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện, tâm không có chỗ duyên và không có chỗ trụ. Ví như có người sinh vào cõi Vô sắc, trong bốn vạn tám ngàn kiếp chỉ là một thức, không có chỗ trụ, cũng không có chỗ duyên. Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy; tâm không chỗ trụ cũng không chỗ duyên. Vì sao? Vì tâm không hành và không có chỗ hành; tâm không tưởng và không có chỗ tưởng; tâm không duyên và không có chỗ duyên; tâm không chấp trước và không có chỗ chấp trước; tâm không loạn và không có chỗ loạn; tâm không cao, thấp và không tùy thuận, không trái nghịch, không vui, không lo, không phân biệt và lìa phân biệt; lìa chỉ quán, tâm không theo trí; tâm không tự trụ cũng không trụ nơi khác; không nương vào nhãn mà trụ và cũng không nương vào nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý mà trụ; không nương vào sắc mà trụ, và cũng không nương vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà trụ; tâm không trụ trong và cũng không trụ ngoài; tâm không duyên pháp, không duyên trí; không trụ quá khứ, vị lai, hiện tại.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, không giữ lấy một pháp nào; đối với tất cả pháp thấy, biết không ngại; tâm hạnh thanh tịnh, thì thấy biết được tất cả pháp đều không cấu nhiễm, không ôm giữ tướng thấy, thấy mà không phân biệt thì lìa được các hý luận.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì không cùng với Nhục nhãn tương ưng; không cùng với Thiên nhãn tương ưng; cũng không cùng với Tuệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn tương ưng; không cùng với Thiên nhĩ tương ưng; không cùng với Tha tâm trí tương ưng; không cùng với Túc mạng trí tương ưng; không cùng với Thần thông trí tương ưng; không cùng với Lậu tận trí tương ưng.

Này Xá-lợi-phất! Bát-nhã ba-la-mật này cũng không cùng với tất cả pháp tương ưng; nhưng không phải là có tương ưng.

Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện, đối với tất cả phát đạt được trí bình đẳng; có thể quán sát tất cả tâm hạnh của chúng sinh và tất cả nhiễm tịnh đều biết như thật. Đối với mười Lực, bốn Vô úy, mười tám pháp Bất cộng và Nhất thiết trí của Phật đều không mất niệm.

Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng tâm không có công dụng để thông đạt tất cả pháp, không có tâm ý thức. Thường ở trong Tam-muội vắng lặng mà không bỏ Tam-muội là để giáo hóa chúng sinh, làm các Phật sự không cho dừng nghỉ; đối với pháp của chư Phật đạt được trí vô ngại, tâm không nhiễm trước.

Này Xá-lợi-phất! Ví như Đức Hóa Phật lại hóa ra Phật, Đức Phật được hóa đó không có tâm ý thức, không có thân và nghiệp của thân, không có khẩu và khẩu nghiệp. Không có tâm và nghiệp của tâm, mà có thể làm tất cả các Phật sự để đem ích cho chúng sinh. Vì sao? Vì đó là sức thần của Phật.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát dựa vào Bát-nhã ba-la-mật cũng có thể hóa được như vậy; không có thân và nghiệp của thân; không có khẩu và khẩu nghiệp. Không có ý và ý nghiệp, dùng tâm không có công dụng thường làm Phật sự lợi ích chúng sinh.

Vì Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thông đạt tất cả pháp và cũng như tướng huyễn, tâm không phân biệt và có chúng sinh thường nghe nói pháp.

Này Xá-lợi-phất! Trí tuệ của Đại Bồ-tát như vậy, không trụ nơi hữu vi, không trụ nơi vô vi, không trụ nơi các ấm, giới, nhập, không trụ trong và ngoài, không trụ nơi pháp thiện và ác, không trụ nơi thế gian và xuất thế gian, không trụ nơi nhiễm và tịnh, không trụ hữu lậu, vô lậu, không trụ quá khứ, hiện tại, vị lai, không trụ số duyên diệt, không trụ nơi chẳng phải số duyên diệt.

Này Xá-lợi-phất! Đó là bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật, tâm không có chỗ trụ mà có thể thông đạt tất cả các pháp. Dùng trí vô ngại và sức không công dụng để nói pháp cho chúng sinh, thường ở trong vắng lặng mà việc giáo hóa chúng sinh không có dừng nghỉ.

Này Xá-lợi-phất! Những nguyện lực đời trước của Đại Bồ-tát rất mạnh, lấy tâm không công dụng vì người mà nói pháp.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện, nên không sợ sệt. Vì sao? Vì có thần cầm chày Kim cang thường hộ vệ, những lúc đi, đứng, nằm, ngồi đều không rời bỏ.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát nghe nói Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, tâm không kinh, sợ; không nghi ngờ, hối hận, biết đó là người sẽ được thọ ký. Vì sao? Vì tin nhận Bát-nhã ba-la-mật là được gần cảnh giới chư Phật. Dùng nhất tâm này có thể thông đạt tất cả pháp của Phật; đã thông đạt pháp Phật rồi, thì làm lợi ích cho chúng sinh, nhưng không thấy chúng sinh và pháp của Phật khác nhau. Vì sao? Vì lý không có hai vậy.