SỐ 200
SOẠN TẬP KINH MỘT TRĂM TRUYỆN NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt chi
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Phẩm 7: HIỆN HÓA

61- Truyện Cậu Bé Thân Màu Vàng Ròng

Một thuở nọ, Đức Phật ngự dưới cội cây Ni-câu-đà, trong thành Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản của báu, không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà quyền quý để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Người vợ mang thai, đủ mười tháng, sinh được một bé trai, than có màu vàng ròng, tướng mạo khôi ngô khác thường, trên đời ít có; thân phát ra ánh sáng chiếu sáng khắp trong thành, đều biến thành màu vàng.

Thấy con như vậy, cha mẹ đứa bé rất vui mừng khen là việc chưa từng có, mời các thầy xem tướng về xem tướng cho cậu bé. Thầy xem tướng xem xong hỏi cha mẹ:

–Lúc ra đời đứa bé có điềm lành gì?

Cha mẹ đáp:

–Lúc sinh ra, thân đứa bé có màu vàng lại phát ra ánh sáng.

Do đó đặt tên là Kim Sắc. Kim Sắc dần dần khôn lớn, bản tanh hiền hậu, nhân từ hiếu thuận. Nghe có Đức Phật đang ngự dưới cội cây Ni-câu-đà, Kim Sắc cùng các bạn thân của mình cùng nhau đến chỗ Phật. Thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu khắp như trăm ngàn mặt trời, Kim Sắc vui mừng đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui lại ngồi sang một bên.

Đức Phật liền nói pháp Tứ đế cho Kim Sắc và các bạn nghe.  Tâm ý được mở tỏ, Kim Sắc chứng quả Tu-đà-hoàn, liền trở về nhà thưa với cha mẹ:

–Hôm nay con đến dưới cội cây Ni-câu-đà, nhìn thấy tôn nhan Đức Phật sáng rực rỡ như trăm ngàn mặt trời, lại thấy các Tỳ-kheo các căn đều vắng lặng, oai nghi đáng chiêm ngưỡng. Do đó con cúi xin cha mẹ thương xót cho con được xuất gia.

Nghe Kim Sắc nói, cha mẹ vì thương con không nỡ ngăn cản, nên liền dẫn Kim Sắc đến chỗ Đức Phật xin được xuất gia.

Lúc ấy Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc Kim Sắc tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập, chứng đắc quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người kính ngưỡng.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Kim Sắc, đời trước đã làm phước đức gì mà nay được sinh vào gia đình giàu sang thân màu vàng ròng như vậy; lại gặp Thế Tôn được xuất gia và đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi, sau khi giáo hóa chúng sinh đã viên mãn, Ngài thị hiện Niết-bàn.

Lúc ấy, có vị vua tên là Bàn-đầu-mạt-đế thâu lấy xá-lợi Phật rồi xây dựng ngôi tháp bằng bốn chất báu cao một do-tuần để cúng dường xá-lợi.

Về sau, có một người đi đường vì thấy ngôi tháp có chỗ bị lỡ, nên trộn bùn đắp lại và mua vàng lá dán lên tháp, sau đó phát nguyện rồi ra đi.

Nhờ công đức này, cho nên trong chín mươi mốt kiếp người ấy không bị đọa vào đường ác, thường được sinh lên cõi trời, cõi người, thân thường có vàng ròng hưởng sự vui sướng. Cho đến nay được gặp Ta, vị ấy thân vẫn có màu vàng ròng, lại được xuất gia đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, người đã dán vàng lá lên ngôi tháp lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo Kim Sắc.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


62- Truyện Cậu Bé Thân Có Mùi Hương Chiên-Đàn

Một thuở nọ, Đức Phật ngự dưới cội cây Ni-câu-đà, trong thành Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản vật báu không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà quyền quý để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Người vợ mang thai, đủ mười tháng, sinh được một bé trai, dung mạo khôi ngô trên đời khó ai sánh kịp, các lỗ chân lông trên mình thoảng ra mùi hương gỗ Ngưu đầu chiên-đàn, còn từ mặt thì tỏa hương thơm hoa Ưu-bát-la. Cha mẹ, bà con ai cũng vui mừng, mời các thầy xem tướng đến xem tướng cho đứa bé. Thầy xem tướng xem xong hỏi cha mẹ:

–Đức bé này khi sinh ra có điềm tốt gì không?

Cha mẹ đáp:

–Khi sinh ra, các lỗ chân lông trên thân đứa bé này tỏa ra mùi hương gỗ Ngưu đầu chiên-đàn và mặt có hương thơm hoa Ưu-bát-la.

Do đó mà đặt tên là Chiên-đàn Hương. Chiên-đàn Hương dần dần khôn lớn, bản tánh nhân từ, ai thấy cũng yêu kính. Một hôm, Chiên-đàn Hương cùng các bạn thân của mình rủ nhau dạo chơi, dần dần đi tới rừng cây Ni-câu-đà. Chiên-đàn Hương thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu khắp như trăm ngàn mặt trời, trong tâm rất vui mừng, bước đến đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui lại ngồi sang một bên. Đức Phật liền nói pháp Tứ đế cho Chiên-đàn Hương nghe. Tâm ý chàng được mở tỏ, chứng đắc quả Tu-đà-hoàn. Chiên-đàn Hương liền trở về từ biệt cha mẹ, xin được xuất gia nhập đạo. Vì thương con, nên cha mẹ không nỡ ngăn cản, bèn cùng nhau dẫn đến chỗ Đức Phật, xin được xuất gia.

Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo.

Tóc Chiên-đàn Hương tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập, chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu  phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được các trời, người kính ngưỡng.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Chiên-đàn Hương đời trước làm phước đức gì, mà nay khi ra đời liền có hương thơm, lại gặp Thế Tôn được xuất gia đắc đạo?

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi giáo hóa chúng sinh viên mãn, Ngài thị hiện nhập Niết-bàn.

Bấy giờ, vua nước ấy tên là Bàn-đầu-mạt-đế thâu lấy xá-lợi Đức Phật, xây dựng ngôi tháp bằng bốn chất báu để thờ xá-lợi; rồi cùng các quan, hậu phi, thể nữ đem hương hoa vào tháp cùng nhau cúng dường.

Về sau, do vì có sự đi lại nhiều, nên nền tháp có nhiều chỗ bị hư hỏng. Lúc ấy có vị trưởng giả thấy nền tháp bị hư hỏng bèn trộn bùn đất để đắp lại, rồi rải bột hương chiên-đàn lên, sau đó phát nguyện rồi ra đi.

Nhờ công đức này, cho nên trong chín mươi mốt kiếp vị trưởng giả không bị đọa và đường ác, được sinh lên cõi trời, cõi người, than và miệng thường tỏa mùi thơm, được hưởng sự vui sướng cõi trời.

Cho đến ngày nay gặp Ta, thân miệng vị ấy vẫn thơm, được xuất gia đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, người rải bột hương chiên-đàn lên tháp thời ấy, nay chính là Tỳ-kheo Chiên-đàn Hương.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


63- Truyện Tỳ-Kheo Uy Đức

Một thuở nọ, Đức Phật ngự dưới cột cây Ni-câu-đà, trong thành Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản,  của báu, không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi các thứ âm nhạc để mua vui cho nàng.

Sau đó, người vợ ấy mang thai, đủ mười tháng, sinh được một bé trai, thân thể mềm mại, sắc mặt vui tươi, khôi ngô khác thường, ít có trên đời. Cha mẹ và bà con thấy thế rất hài lòng, nhân đó đặt tên đứa bé là Uy Đức.

Uy Đức dần dần khôn lớn, tánh tình càng nhu hòa, hiếu thuận; ai thấy cũng yêu kính, xa gần đều tin phục.

Một hôm, Uy Đức cùng các bạn thân đi dạo chơi ngắm cảnh. Khi đến dưới rừng cây Ni-câu-đà, Uy Đức thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu khắp như tram ngàn mặt trời; chàng hết sức vui mừng, bèn bước đến đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui lại, ngồi sang một bên.

Lúc ấy Đức Phật nói pháp Tứ đế cho Uy Đức nghe. Tâm ý chàng được mở tỏ, chứng quả Tu-đà-hoàn. Uy Đức liền trở về từ biệt cha mẹ, xin được xuất gia. Vì thương con nên cha mẹ không nỡ ngăn cản, bèn dẫn Uy Đức tới chỗ Đức Phật xuất gia.

Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc Uy Đức tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập, chứng đắc quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được các trời, người kính ngưỡng.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Uy Đức trước kia đã làm phước đức gì mà nay thân thể lại mềm mại, sắc mặt vui tươi, lại được mọi người kính trọng và gặp Thế Tôn được xuất gia đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi giáo hóa chúng sinh viên mãn, Đức Phật thị hiện Niết-bàn.

Lúc ấy, có vị vua tên là Bàn-đầu-mạt-đế, thâu lấy xá-lợi Phật rồi xây dựng ngôi tháp bằng bốn chất báu cao một do-tuần để cúng dường xá-lợi.

Về sau, có một người đi đường, thấy trong tháp có những bông  hoa héo úa và bụi bặm bám đầy, bèn đem bỏ hoa ấy và quét dọn sạch

sẽ. Sau đó cúng dường, phát nguyện rồi ra đi.

Nhờ công đức ấy, mà trong chín mươi mốt kiếp người ấy không bị đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ; được sinh lên cõi trời, cõi người, sắc mặt tươi vui và có uy đức lớn, thọ hưởng sự vui sướng cõi trời. Cho đến ngày nay gặp Ta, vị ấy vẫn là người có uy đức, được xuất gia và đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, người quét dọn sạch sẽ, bỏ hoa héo thời ấy, nay chính là Tỳ-kheo Uy Đức.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


64- Truyện Tỳ-Kheo Đại Lực

Một thuở nọ, Đức Phật ngự dưới cội cây Ni-câu-đà, trong thành Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, trong nước có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản, vật báu, không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Sau đó, người vợ ấy mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai rất to xương, vóc người khỏe mạnh, cha mẹ thấy vậy, nên đặt tên con là Đại Lực.

Đai Lực dần dần khôn lớn, thân thể khỏe mạnh không có ai bằng. Một hôm, Đại Lực cùng các bạn thân đi dạo chơi ngắm cảnh, dần dần đến dưới cội cây Ni-câu-đà. Đại Lực thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu sáng như trăm ngàn mặt trời, trong lòng vui mừng, bèn bước tới đảnh lễ Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên. Đức Phật liền nói pháp Tứ đế cho Đại Lực nghe. Tâm ý chàng được mở tỏ, chứng được quả Tu-đà-hoàn. Đại Lực liền trở về nhà thưa với cha mẹ cho chàng xuất gia nhập đạo. Vì thương con nên cha mẹ chàng không nỡ ngăn cản, bèn dẫn chàng đến chỗ Đức Phật xin cho chàng xuất gia.

Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc Đại Lực tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập, chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được các trời, người kính ngưỡng.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Đại Lực đời trước đã gieo trồng phước đức gì, mà nay sinh ra có sức mạnh không ai địch nổi, lại gặp Thế Tôn được xuất gia đắc đạo như thế?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi giáo hóa chúng sinh viên mãn, Ngài thị hiện Niếtbàn.

Lúc ấy có vị vua tên là Bàn-đầu-mạt-đế thâu lấy xá-lợi Phật rồi xây dựng ngôi tháp bằng bốn thứ báu để cúng dường.

Bấy giờ, có một người đang sinh sống bên cạnh ngôi tháp, đứng ra kêu gọi dân chúng cùng nhau xây dựng lại ngôi bảo tháp. Sau đó người ấy phát nguyện rồi ra đi.

Nhờ công đức này, cho nên trong chín mươi mốt kiếp, người ấy không bị đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, được sinh lên cõi trời, cõi người, thường có sức mạnh không ai bằng, thọ hưởng sự vui sướng cõi trời. Cho tới ngày nay gặp Ta, vị ấy vẫn là người có sức mạnh, được xuất gia đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, người hô hào dân chúng cùng nhau xây dựng lại ngôi tháp thời ấy, nay chính là Tỳ-kheo Đại Lực.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


65- Truyện Vị Tỳ-Kheo Được Người Cung Kính

Một thuở nọ, Đức Phật ngự dưới cội cây Ni-câu-đà, trong thành Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, trong nước có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản, vật báu không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Người vợ mang thai, đủ mười tháng nàng sinh được một bé trai, tướng mạo khôi ngô khác thường, hơn hẳn mọi người, ai thấy cũng đều yêu kính.

Đứa bé dần dần khôn lớn, một hôm chàng trai này cùng các bạn thân đi dạo chơi ngắm cảnh. Khi đến dưới cội cây Ni-câu-đà, chàng trai thấy Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu khắp như trăm ngàn mặt trời, trong lòng vui mừng, bước tới đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên. Đức Phật liền nói pháp Tứ đế cho chàng trai nghe. Tâm ý được mở tỏ, chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, chàng liền trở về từ biệt cha mẹ, xin được xuất gia nhập đạo. Vì thương con nên cha mẹ chàng không nỡ ngăn cản, bèn dẫn con đến chỗ Đức Phật, xin được xuất gia.

Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Râu tóc chàng tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập, chứng đắc quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được các trời, người kính ngưỡng.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vị Tỳ-kheo được mọi người cung kính này, đời trước đã làm phước đức gì, mà nay sinh ra có tướng mạo khôi ngô, ai thấy cũng đều yêu kính, lại gặp Thế Tôn được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi giáo hóa chúng sinh viên mãn, Ngài nhập Niết-bàn.

Lúc ấy có vị vua tên là Bàn-đầu-mạt-đế thâu lấy xá-lợi Phật, xây dựng ngôi tháp bằng bốn chất báu để cúng dường.

Về sau, bảo tháp có vài chỗ bị lở. Lúc ấy có một cậu bé vào bên trong, thấy tháp bị lở, đã vui vẻ kêu gọi dân chúng cùng nhau tô đắp sửa sang chỗ hư hỏng. Khi xong công việc, cậu bé phát nguyện rồi ra đi.

Nhờ công đức ấy, cho nên trong chín mươi mốt kiếp, vị ấy không bị đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, được sinh lên cõi trời, cõi người, thọ hưởng sự vui sướng cõi trời. Cho tới ngày nay gặp Ta, vị ấy vẫn được mọi người kính ngưỡng, được xuất gia đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, người đã đứng ra kêu gọi dân chúng tu bổ sửa sang nền tháp thời ấy nay chính là vị Tỳ-kheo được mọi người cung kính.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


66- Truyện Vị Tỳ-Kheo Trên Đầu Có Lọng Báu

Một thuở nọ, Đức Phật ngự dưới cội cây Ni-câu-đà, trong thành Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản vật báu, không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Người vợ mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai có tướng mạo khôi ngô, trên đời ít có; khi sinh ra tự nhiên trên đầu có lọng báu Ma-ni che phủ khắp thành Ca-tỳ-la-vệ. Cha mẹ thấy vậy rất vui mừng, nhân đó đặt tên là Bảo Cái.

Bảo Cái dần dần khôn lớn. Một hôm, Bảo Cái cùng các bạn than ra khỏi thành để dạo chơi ngắm cảnh dần dần đến dưới cội cây Nicâu-đà.

Thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu khắp như trăm ngàn mặt trời, Bảo Cái trong lòng vui mừng đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên, nghe Phật nói pháp. Tâm ý được mở tỏ, Bảo Cái chứng quả Tu-đà-hoàn, liền trở về từ biệt cha mẹ, xin được xuất gia. Vì thương con nên cha mẹ không nỡ ngăn cản, bèn dẫn Bảo Cái đến nơi Đức Phật ngự, cầu xin cho Bảo Cái được xuất gia nhập đạo.

Lúc ấy Đức Phật gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc Bảo Cái tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập và chứng đắc quả A-la-hán.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Bảo Cái đời trước đã làm phước  đức gì, mà đời nay sinh ra đời có bảo cái Ma-ni che phủ cả thành như vậy, lại gặp Đức Thế Tôn, xuất gia chưa bao lâu đã chứng được Thánh quả?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi giáo hóa chúng sinh viên mãn, Ngài thị hiện Niết-bàn.

Lúc ấy có vị vua tên là Bàn-đầu-mạt-đế thâu lấy xá-lợi Phật rồi xây dựng ngôi tháp bằng bốn chất báu để cúng dường.

Bấy giờ có một người đi buôn ra biển lấy được châu báu và trở về an ổn, đem bảo châu Ma-ni rải trên đỉnh tháp, sau đó phát nguyện rồi ra đi.

Nhờ công đức ấy, nên trong chín mươi mốt kiếp vị ấy không bị đọa vào đường ác; thường sinh lên cõi trời, cõi người, hễ khi sinh ra thì thường có lọng báu. Cho tới ngày nay gặp Ta, vị ấy được xuất gia đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, người đi buôn cúng dường bảo châu Ma-ni thời ấy, nay chính là Tỳ-kheo Bảo Cái.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


67- Truyện Vị Tỳ-Kheo Có Giọng Tiếng Hay

Một thuở nọ, Đức Phật ngự dưới cội cây Ni-câu-đà, trong thành Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản, vật báu không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Người vợ mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai, tướng mạo khôi ngô khác thường trên đời ít có.

Cậu bé dần dần khôn lớn, chàng có giọng nói rất hay, mọi người ai cũng thích nghe. Một hôm, chàng trai này cùng các bạn thân ra khỏi thành để dạo chơi, dần dần đến dưới cội cây Ni-câu-đà. Thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp ánh sáng chiếu khắp như trăm ngàn mặt trời, chàng rất vui mừng, bước đến đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên. Đức Phật liền nói pháp Tứ đế cho chàng nghe. Tâm ý được mở tỏ, chàng trai chứng quả Tu-đà-hoàn, bèn trở về từ giã cha mẹ, xin xuất gia nhập đạo. Vì thương con nên cha mẹ không nỡ ngăn cản, bèn dẫn con đến chỗ Phật, xin Phật cho con xuất gia.

Đức Phật liền gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc chàng trai tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, thành bậc Sa-môn, siêng năng tu tập, chứng đắc quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được các trời, người kính ngưỡng.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vị Tỳ-kheo có giọng tiếng hay này, đời trước đã làm phước đức gì mà nay có giọng nói hay như thế, lại gặp Đức Thế Tôn, được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi giáo hóa chúng sinh viên mãn, Ngài nhập Niết-bàn.

Lúc ấy có vị vua tên là Bàn-đầu-mạt-đế thâu lấy xá-lợi Phật rồi xây ngôi tháp bằng bốn chất báu cao một do-tuần để cúng dường xá-lợi.

Lúc ấy có một người thấy ngôi tháp này, sinh tâm vui mừng, bèn tấu trổi âm nhạc và nhiễu quanh tháp để cúng dường, sau đó người ấy phát nguyện rồi ra đi.

Nhờ công đức ấy, cho nên trong chín mươi mốt kiếp không bị đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, được sinh lên cõi trời, cõi người, thường có giọng nói rất hay, khiến ai cũng muốn nghe. Đến ngày nay người ấy gặp Ta, được xuất gia đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, người nhiễu tháp, tấu trổi âm nhạc cúng dường tháp lúc bấy giờ, nay chính là vị Tỳ-kheo có giọng nói hay kia vậy.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


68- Truyện Một Trăm Đứa Bé Cùng Sinh Ra Đời Một Lúc

Một thuở nọ, Đức Phật ngự dưới cội cây Ni-câu-đà, trong thành Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản, của báu, không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng. Về sau, nàng mang thai, đủ mười tháng sinh ra một cục thịt. Trưởng giả thấy vậy, trong tâm rất buồn bã, cho là điềm chẳng lành. Ông đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài rồi quỳ thẳng, chắp tay bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vợ con mang thai, sinh ra một cục thịt, chẳng hay đó là điềm lành hay dữ. Cúi xin Đức Thế Tôn chỉ dạy.

Đức Phật bảo trưởng giả:

–Ông chớ thắc mắc và lấy làm lạ, hãy cứ nuôi nấng bảy ngày sau sẽ rõ. Trưởng giả nghe Đức Phật dạy, trong lòng vui mừng khôn xiết, liền trở về nhà bảo vợ hãy săn sóc. Bảy ngày sau quả nhiên cục thịt nứt ra, trong đó có một trăm đứa bé, tất cả đều có tướng mạo khôi ngô khác thường, trên đời ít có.

Một trăm đứa bé dần dần khôn lớn, một hôm cùng nhau ra khỏi thành đi dạo chơi, dần dần đến dưới cội cây Ni-câu-đà. Thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm ngàn mặt trời, các đứa trẻ vui mừng, bước đến đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui lại ngồi sang một bên, Đức Phật liền nói pháp Tứ đế cho các cậu bé nghe. Tâm ý được mở tỏ, một trăm cậu bé đều đắc quả Tu-đà-hoàn, liền ở trước Phật cầu xin xuất gia.

Đức Phật bảo các cậu bé:

–Cha mẹ chưa cho phép, không được xuất gia.

Các đồng tử nghe Phật dạy, bèn trở về xin phép cha mẹ. Vì  thương con, nên cha mẹ không nỡ ngăn cản, bèn dẫn các con đến chỗ Phật, xin Ngài cho các con được xuất gia.

Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc các đứa trẻ tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Samôn, siêng năng tu tập, tất cả đều chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát, được trời, người kính ngưỡng.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Một trăm vị Tỳ-kheo cùng ra đời một lượt, đời trước đã gieo trồng phước đức gì mà nay một trăm người anh em lại cùng sinh ra một lượt như vậy, tất cả đều có tướng mạo khôi ngô khác thường, được mọi người yêu kính, lại gặp Thế Tôn được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi giáo hóa chúng sinh viên mãn, Ngài nhập Niếtbàn.

Lúc ấy, có vị vua tên là Bàn-đầu-mạt-đế thâu lấy xá-lợi Phật rồi xây dựng ngôi tháp bằng bốn chất báu để cúng dường xá-lợi. Bấy giờ, có một trăm người khác cùng ở trong làng dâng hương hoa và tấu trổi âm nhạc để cúng dường ngôi tháp.

Tất cả đều cùng nhau thệ nguyện rằng: “Nguyện đem công đức căn lành cúng dường này, khiến cho chúng con đời sau được sinh ra tại cùng một nơi và cùng là anh em của nhau”. Phát nguyện xong, họ ra đi.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, những người cùng ở trong làng thời ấy, nay chính là một trăm vị Tỳ-kheo đây vậy. Nhờ năng lực thệ nguyện của họ lúc đó, nên trong chín mươi mốt kiếp, họ không bị đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Bất cứ sinh lên cõi trời, cõi người, họ thường sinh ra đồng một lượt thọ hưởng sự vui sướng cõi trời. Cho đến ngày nay gặp Ta vẫn sinh ra đời một lượt, được xuất gia đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


69- Truyện Vị Tỳ-Kheo Trên Đầu Có Hạt Châu

Một thuở nọ, Đức Phật ngự dưới cội cây Ni-câu-đà, trong thành Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản, của báu, không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Người vợ mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai, tướng mạo khôi ngô khác thường trên đời ít có, trên đầu tự nhiên có hạt châu Ma-ni. Cha mẹ thấy vậy, bèn đặt tên con là Bảo Châu.

Bảo Châu dần dần khôn lớn. Một hôm Bảo Châu cùng các bạn thân ra khỏi thành để dạo chơi. Khi đến dưới cội cây Ni-câu-đà, Bảo Châu thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm ngàn mặt trời. Bảo Châu vui mừng, bước đến đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui lại, ngồi sang một bên nghe Phật nói pháp. Tâm ý được mở tỏ, Bảo Châu chứng đắc quả Tu-đà-hoàn.

Bảo Châu bèn trở về từ giã cha mẹ, xin được xuất gia nhập đạo. Vì thương con nên cha mẹ không nỡ ngăn cản, liền dẫn con đến chỗ cây Ni-câu-đà để xin Phật cho Bảo Châu xuất gia.

Đức Phật liền gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc Bảo Châu tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Samôn, siêng năng tu tập, chứng đắc quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người kính ngưỡng.

Một hôm, thầy Tỳ-kheo này đắp y, ôm bát vào thành khất thực.

Bấy giờ, hạt châu vẫn ở trên đầu thầy Tỳ-kheo, người trong thành thấy hiện tượng ấy họ rất ngạc nhiên:

–Tại sao Tỳ-kheo đi khất thực lại mang theo hạt châu trên đầu như vậy?

Rồi họ cùng tranh nhau đến xem. Lúc ấy Tỳ-kheo Bảo Châu cảm thấy hổ thẹn, bèn trở về chỗ mình ở, bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, trên đầu con có hạt châu chẳng thể lấy đi được, khiến cho hôm nay trong khi đi khất thực con bị dân chúng chế nhạo. Cúi xin Ngài từ bi lấy hạt châu đi cho con.

Đức Phật bảo vị Tỳ-kheo:

–Ông hãy nói với hạt châu thế này: “Nay sinh phần của tôi đã hết, nên chẳng cần ngươi giữ nữa.” Cứ nói như vậy ba lần thì hạt châu sẽ tự nhiên biến mất.

Tỳ-kheo Bảo Châu vâng lời Phật dạy, liền nói với hạt châu ba lần như vậy, quả nhiên, hạt châu tự nhiên biến mất.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Bảo Châu trước kia đã gieo trồng phước đức gì, mà nay sinh ra có hạt châu trên đầu, chiếu sáng hơn mặt trời, mặt trăng; lại gặp Thế Tôn, được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi giáo hóa chúng sinh viên mãn, Ngài nhập Niết-bàn.

Khi ấy, có vị vua tên là Bàn-đầu-mạt-đế thâu lấy xá-lợi Phật, rồi xây dựng ngôi tháp bằng bốn chất báu cao một do-tuần để cúng dường. Về sau, thái tử của vua vào tháp, đảnh lễ cúng dường, treo một hạt châu Ma-ni trên đỉnh tháp, phát nguyện rồi ra về.

Nhờ công đức này, cho nên trong chín mươi mốt kiếp thái tử không bị đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ; sinh lên cõi trời, cõi người thường có hạt châu trên đầu, thọ hưởng sự sui sướng cõi trời. Cho đến ngày nay vị ấy được gặp Ta, xuất gia đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, vị Vương tử lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo Bảo Châu.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


70- Truyện Treo Phướn Cúng Dường Tháp Phật

Một thuở nọ, Đức Phật ngự dưới cội cây Ni-câu-đà, trong thành Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị Trưởng giả có vô lượng tài sản, của báu, không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Người vợ mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai, tướng mạo khôi ngô khác thường, vượt hơn mọi người.

Lúc bé trai này mới sinh, trong hư không có chiếc lọng phướn lớn, che phủ cả thành. Do đó mà mọi người đặt tên cho đứa trẻ là Ba-đa-ca.

Ba-đa-ca dần dần khôn lớn. Một hôm cùng các bạn thân ra khỏi thành dạo chơi, đến dưới cây Ni-câu-đà, Ba-đa-ca thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm ngàn mặt trời. Ba-đa-ca vui mừng, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui lại đứng sang một bên. Đức Phật liền giảng nói pháp Tứ đế cho Ba-đa-ca nghe. Tâm ý được mở tỏ, Ba-đa-ca chứng quả Tu-đà-hoàn, liền trở về từ giã cha mẹ, xin được xuất gia nhập đạo. Vì thương con nên cha mẹ không nỡ ngăn cản, bèn dẫn con đến vườn Ni-câu-đà, xin Đức Phật cho Ba-đa-ca xuất gia.

Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc Ba-đa-ca tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, thành vị Sa-môn, siêng năng tu tập, chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người kính ngưỡng.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Ba-đa-ca đời trước đã làm được phước đức gì, mà nay sinh ra có tướng mạo khôi ngô khác thường, trên đời thật ít có, trên không trung còn có chiếc lọng phướn to che phủ cả thành, lại gặp Thế Tôn được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi giáo hóa chúng sinh viên mãn, Ngài nhập Niếtbàn.

Lúc ấy có vị vua tên là Bàn-đầu-mạt-đế thâu lấy xá-lợi Phật, rồi xây dựng ngôi tháp bằng bốn chất báu, cao một do-tuần để cúng dường. Về sau, có một người, khi tổ chức đại hội để cúng dường tháp, người này làm một lá phướn dài rồi treo trên tháp, phát nguyện rồi ra đi.

Nhờ công đức này, cho nên trong chín mươi mốt kiếp người này không bị đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, sinh lên cõi trời, cõi người thường có lọng phướn che mát trên đầu, thọ hưởng sự vui sướng cõi trời. Cho đến ngày nay, vị ấy gặp Ta được xuất gia đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, người làm phướn lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo Ba-đa-ca.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.