SỐ 184
KINH TU HÀNH BẢN KHỞI
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Sa-môn Trúc Đại Lực và Khang Mạnh Tường
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

Phẩm 7: HÀNG PHỤC MA

Bồ-tát suy nghĩ: “Ta nay phải hàng phục các ma và quyến thuộc của chúng”. Ngài liền phóng tướng chói sáng giữa chân mày làm rung động cung ma. Các ma vô cùng hoảng sợ, trong lòng bất an. Các ma trông thấy Bồ-tát ngồi một mình dưới gốc cây, thanh tịnh vô dục, tinh tấn thiền định, không giải đãi, trong lòng chúng, buồn bực, ăn không ngon, ngủ không yên, không còn ham thích ca hát, vì chúng đang lo sợ Bồ-tát thành đạo ắt sẽ đại thắng chúng. Chúng muốn kịp thời phá hoại tâm đạo của Bồ-tát khi Ngài chưa thành Phật.

Ma con Tu-ma-đề (Hiền Ý) can gián ma cha:

-Bồ-tát thực hành hạnh thanh tịnh, ba cõi không ai bằng, thần thông tự tại. Cho nên muôn ức hàng trời, các ma đều phải đảnh lễ, chẳng phải trời, người có thể ngăn cản, phá hoại Bồ-tát được. Chúng ta không nên tăng thêm điều ác mà tự phá hoại phước đức của mình. Ma vương không nghe, cho gọi ba cô con gái: người thứ nhất tên Ân Ái, người thứ hai tên Thường Lạc, người thứ ba tên Đại Lạc. Cả ba cùng thưa:

-Xin vua cha chớ lo, chúng con sẽ đến phá hoại đạo tâm của Bồ-tát cho vừa ý cha. Vua cha chớ bận lòng âu lo suy nghĩ.

Lúc đó ba cô gái trang sức bằng y phục của trời, dẫn theo năm trăm ngọc nữ đến chỗ Bồ-tát, đàn ca, tán tụng những lời trữ tình để làm rối loạn tâm đạo của Bồ-tát. Ba cô gái nói:

-Ngài có nhân đức cao tột, chư Thiên đều kính ngưỡng muốn được dâng cúng, nên trời hiến chúng tôi cho Ngài, chúng tôi rất trong sạch, tuổi đang độ sung mãn, chúng tôi xin được ngày đêm hầu hạ bên Ngài.

Bồ-tát đáp:

-Các ngươi có phước báo đời trước được làm thân trời, không nghĩ đến vô thường mà đi làm trò yêu mị. Hình thể các ngươi tuy đẹp nhưng tâm không đoan chánh, ví như trong chiếc bình đẹp lại chứa đầy chất hôi độc. Các ngươi sẽ tự hủy hoại mình, có gì lạ đâu! Phước báo khó tồn tại lâu dài, dâm ác bất thiện đánh mất bản tâm, phước hết, tội đến, đọa ba đường ác, làm thân lục thú khó mà thoát khỏi. Bọn các người làm khuấy rối ý đạo của người, không kể vô thường, trải qua kiếp số xoay chuyển trong năm đường. Nay đối đầu với bọn các ngươi, ta vẫn không rời cần khổ. Trong thế gian, ta sinh ra bất cứ nơi nào đều quán thấy người già như mẹ, người đứng tuổi như chị, người nhỏ như em. Các chị hãy trở về cung, chớ nên làm những việc sai trái này.

Bồ-tát nói dứt lời, các cô gái bỗng trở thành bà già, đầu bạc, răng rụng, lưng còng, mắt mờ, phải chống gậy nhờ người dìu đỡ trở về.

Ma vương thấy ba con gái trở về đều trở thành bà già, càng thêm phẫn nộ, liền triệu tập các quỷ thần vương hợp lại thành mười tám ức, từ trên trời bay xuống, vây quanh Bồ-tát ba mươi sáu do-tuần. Chúng biến thành thân hình sư tử, gấu, beo, hổ, voi, rồng, bò, ngựa, chó, heo, khỉ, vượn… không thể kể hết. Chúng hóa thành những loài trùng đầu người, mình rắn đầu rùa, hay con ba ba có sáu mắt, hoặc là một cổ mà nhiều đầu, răng nanh móng vuốt giương ra, đội núi phun lửa, sấm chớp bốn bên, tay lại cầm kiếm, kích.

Bồ-tát Từ tâm, không hề có mảy may nao núng sợ sệt. Dung nhan Ngài chói sáng tươi đẹp hơn lên, binh của ma quỷ không thể đến gần được. Ma vương đến trước Bồ-tát dùng kệ hỏi. Bồ-tát tâm Từ đã trả lời các câu hỏi ấy:

-Tỳ-kheo cầu gì ngồi dưới cây
Thích ở giữa rừng nhiều thú dữ?
Mây nổi mịt mù thật đáng sợ
Thiên ma khuấy nhiễu sao chẳng kinh?

-Thuở xưa chân đạo Phật đã hành
Điềm tĩnh vô cùng trừ u ám
Trong ta chứa đầy pháp tối thắng
Ta ngồi nơi này quyết chống ma.

-Ông rõ làm vua Chuyển luân vương
Bảy báu tự đến chủ bốn phương
Năm dục tột cùng không ai sánh
Ông hãy đứng dậy trở về cung.

-Ta quán ái dục: nước đồng sôi
Bỏ ngôi như bỏ nước bọt thôi
Làm vua đâu khỏi lo già chết
Điều này vô ích chớ vọng bàn.

-Vì sao lớn lối giữa núi rừng
Bỏ nước, tài, vị, chọn nhàn không
Không thấy ta dẫn bốn đội binh
Voi, ngựa, bộ binh mười tám ức?

-Đã thấy khỉ, vượn cùng sư tử
Hình quỷ, hổ, beo, heo, rắn độc
Mang theo đao kiếm cùng gươm giáo
Nhảy nhót, hét la dậy khắp trời
Lại bày muôn ức thần võ bị.

-Là ma như ngươi đến hội này
Tên nhọn hỏa công như mưa gió
Không làm lay động được Phật đâu!
Bản nguyện của ma mong ta thoái
Ta cũng tự thề không về không
Nay ngươi phước đức sao bằng Phật
Do đó khá biết thắng về ai.

-Ta từng trải thân thích bố thí
Nên làm ma vương sáu cõi trời
Ta biết Tỳ-kheo có phước gì
Tự xưng vô lượng ai làm chứng?

-Xưa ta nguyện theo Phật Đăng Quang.
Thọ ký được làm Thích-ca Văn
Sân, sợ dứt trừ ngồi thiền tọa
Tâm định, quân ngươi bị phá tan
Ta từng thờ phụng nhiều Đức Phật
Thí của, tiền tài lẫn áo cơm
Nhân từ tích đức dầy như đất
Nhờ đó thoát tưởng không hoạn nạn.

-Bồ-tát liền dùng sức trí tuệ
Duỗi tay chí đất: biết rõ ta.
Lúc ấy đất bằng bao chấn động
Ma cùng quyến thuộc ngã lăn quay
Ma vương thất bại hận vô vàn
Hôn mê bất tỉnh ngã ra đất.
Ma con tâm hiểu mới tỉnh ngộ
Tức thời đến trước ăn năn lỗi:
Con sẽ không dùng binh khí nữa
Chỉ có Từ tâm, bỏ ma oán.

-Đời dùng binh khí động nhân tâm
Ta xem các ngươi như chúng sinh
Nếu điều voi ngựa tuy điều được
Nhưng sau thói cũ vẫn còn sinh
Nếu điều tối thượng như Phật tánh
Như Phật đã điều không bất nhân.
Chư Thiên thấy Phật bắt chúng ma
Điều phục vô tưởng, oán tự hàng
Chư Thiên hoan hỷ đến dâng hoa
Ma vương bị thua, Pháp vương thắng.
Vốn nhờ trí tuệ, tâm bình đẳng
Trí tuệ phá tan bao xấu ác
Khiến cho oan gia làm đệ tử
Đảnh lễ bậc chứng đạo Tứ đẳng.
Mặt như trăng sáng, sắc an nhiên
Tiếng khắp mười phương đức như núi
Cầu tướng mạo Phật không thể sánh
Cúi đầu đảnh lễ Đấng Từ Tôn.

Bồ-tát đã trải qua nhiều kiếp thực hành hạnh thanh tịnh, đại từ nhuận thấm thiền định tự tại, sức nhẫn hàng ma, ma quân tan rã. Định tâm như thế, không nhờ trí suy tư không tưởng mừng lo, sau nửa đêm hôm ấy, Bồ-tát chứng đắc Tam minh (Tam thần mãn cụ túc), các lậu đã dứt trừ không còn kết phược. Bồ-tát biết rõ các tập nghiệp trong nhiều kiếp xa xưa của mình, chứng đắc Tứ thần túc, tinh tấn định, dục định, ý định, tuệ định, được pháp biến hóa, những điều mong muốn đều được như ý, không cần dụng tâm. Bồ-tát có thể bay được và có thể phân một thân thành trăm ngàn thân, cho đến phân thành vô số thân rồi trở lại thành một thân. Ngài có thể đi xuyên qua lòng đất, xuyên qua vách đá, từ một phương xuất hiện và ẩn mất cũng như sóng nước; có thể làm trong thân phát ra nước, lửa, có thể lặn trong nước hoặc đi trong hư không mà thân không bị rơi xuống, ngồi nằm trong hư không như chim bay liệng, có thể đứng cao bằng trời, tay nắm tới mặt trời, mặt trăng, thân có thể đứng thẳng đến trời Phạm, Tự tại; mắt nhìn xuyên suốt, tai nghe rõ tất cả tiếng, ý có thể biết trước mọi sự việc. Chư Thiên, Người, Rồng, Quỷ, Thần và những loài bò, bay, máy, cựa… thân đi, miệng nói, tâm nghĩ của họ Bồ-tát đều nghe biết. Những người có tâm tham dâm hoặc không có tâm tham dâm, có tâm sân hận hoặc không có tâm sân hận, người ngu si hoặc không ngu si, người có ái dục hoặc không có ái dục, người có hạnh đại chí hoặc không có hạnh đại chí, người có hạnh nội ngoại hoặc không có hạnh nội ngoại, người có niệm thiện hoặc niệm bất thiện, người có nhất tâm hoặc không nhất tâm, người có ý giải thoát hoặc không có ý giải thoát…, Bồ-tát đều biết tất cả.

Bồ-tát quán khắp trong năm đường: Trời, người, địa ngục, súc sinh, quỷ thần, tiên thế phụ mẫu, huynh đệ, vợ con, tên họ trong ngoài thảy đều phân biệt, một đời, mười đời, trăm ngàn vạn ức vô số đời trước, cho đến khi trời đất một kiếp băng hoại hoang sơ, một kiếp mới khác lập thành, khi đó con người và vạn vật lại sinh ra.

Bồ-tát có thể biết mười kiếp, trăm kiếp, cho đến ngàn vạn ức trong vô số kiếp tên họ nội, ngoại, ăn, mặc, khổ vui, tuổi thọ dài ngắn, chết đây sinh kia, luân chuyển qua lại, từ lúc bắt đầu thọ thân cho đến sinh ra, lớn lên rồi già chết, hình sắc xấu đẹp, hiền ngu khổ vui, tất cả khắp ba cõi, Bồ-tát đều có thể phân biệt được. Bồ-tát thấy người, quỷ thần, tùy theo nghiệp của họ mà sinh vào năm đường hoặc đọa địa ngục, hoặc đọa súc sinh, hoặc làm quỷ thần, hoặc sinh lên cõi trời, hoặc làm thân người, có người sinh vào nhà sang quý, giàu có an vui, có người sinh vào nhà ti tiện nghèo hèn.

Bồ-tát biết chúng sinh mê hoặc bị năm ấm ngăn che, đó là: 1. Sắc; 2. Thọ; 3. Tưởng; 4. Hành; 5. Thức1, nên chạy theo năm dục như: Mắt tham sắc, tai tham tiếng, mũi tham hương, lưỡi tham vị, thân tham láng mịn (xúc) đưa đến ái dục. Hoặc đối với tài sắc mơ ước được an vui, từ đó phát sinh nguồn gốc ác, từ ác đưa đến khổ. Có thể đoạn tận tập ái là không theo tâm dâm, biết rõ từng vi tế và thực hành theo Bát chánh đạo, lúc đó các khổ sẽ diệt. Thí như không có củi thì cũng không có lửa. Gọi đó là đạo giải thoát vượt khỏi thế gian.

Bồ-tát tự biết đã bỏ nguồn gốc ác, không còn dâm, nộ, si, đã dứt hết mầm mống sinh tử, năm ấm, không còn tai nạn oan trái, việc làm đã xong, trí tuệ viên mãn.

Khi sao mai vừa mọc, Bồ-tát hoát nhiên đại ngộ, đắc đạo Vô thượng Chánh chân, trở thành Bậc Tối Chánh Giác, chứng đắc mười tám pháp Phật, mười thần lực và bốn vô sở úy. Mười tám pháp Phật, từ lúc thành Phật cho đến lúc nhập Niết-bàn, là:

  1. Không mất đạo.
  2. Không nói lời vô nghĩa.
  3. Luôn luôn chánh niệm.
  4. Luôn luôn tỉnh giác.
  5. Luôn luôn ở trong định.
  6. Luôn luôn tỉnh táo khi xem xét.
  7. Ý muốn độ sinh không giảm.
  8. Tinh tấn không giảm.
  9. Định ý không giảm.
  10. Trí tuệ không giảm.
  11. Giải thoát không giảm.
  12. Giải thoát tri kiến không giảm.
  13. Biết rõ tất cả việc quá khứ.
  14. Biết rõ tất cả việc đời vị lai.
  15. Biết rõ tất cả việc hiện tại.
  16. Dùng trí tuệ kiểm soát tất cả việc làm của thân.
  17. Dùng trí tuệ kiểm soát tất cả ngôn hạnh.
  18. Dùng trí tuệ kiểm soát tất cả ý nghĩ.

Đó là mười tám pháp bất cộng.

Mười thần lực là:

  1. Đức Phật có tri kiến rất sâu xa vi diệu. Đó là xứ và phi xứ đều hiển lộ như thật hữu.
  2. Đức Phật biết rất rõ nhân quả nghiệp báo đời vị lai, hiện tại và quá khứ của tất cả chúng sinh.
  3. Đức Phật phân biệt được tất cả ý niệm khác nhau của trời, người và các chúng sinh.
  4. Đức Phật biết hết bao nhiêu loại ngôn ngữ của chúng sinh và ngôn ngữ để độ đời.
  5. Đức Phật biết rõ vô lượng tình thái phức tạp trong thế gian.
  6. Đức Phật luôn luôn sống trong thiền định, hiểu rõ các loại thiền định và các tạp nhiễm của các thiền khác.
  7. Đức Phật biết hết chỗ trói buộc hoặc cởi mở bí yếu của dục và điều nên thực hành.
  8. Trí tuệ Đức Phật rộng như biển, ngôn ngữ hoàn toàn thiện, biết rõ túc mạng của tất cả chúng sinh.
  9. Thiên nhãn thanh tịnh của Đức Phật thấy thần thức của người và vật ra khỏi thân khi chết và thọ báo tùy theo thiện ác hay họa phước.
  10. Đức Phật đã đoạn hết phiền não, không còn bị ràng buộc, trí tuệ hoàn toàn chân chánh tối thượng, tự chứng tri kiến thấu suốt đạo hạnh. Điều đáng làm đã làm xong, không còn sinh tử, trí tuệ sâu xa sáng suốt.

Đó là mười thần lực của Phật.

Tứ vô sở úy (Bốn điều không sợ) là:

1. Thần trí chánh giác của Đức Phật, không có gì là không biết. Nhưng người ngu si cho rằng Đức Phật không thể biết khắp. Đến như Phạm, Ma, các Thánh đều không thể bàn luận về trí tuệ của Phật được. Ngài đi một mình không sợ.

2. Đức Phật đã chấm dứt phiền não. Những người ngu si nói phiền não của Đức Phật chưa hết. Đến như Phạm, Ma, các Thánh đều không thể bàn luận chí của Phật được. Ngài đi một mình không sợ.

3. Đức Phật thuyết giới kinh, mọi người tụng tập. Người ngu si nói kinh Phật ngăn ngại. Đến như Phạm, Ma, các Thánh đều không thể bàn luận hủy báng kinh điển chân chánh của Phật. Ngài đi một mình không sợ.

4. Đức Phật thể hiện đạo nghĩa, dạy những điều chân chánh và quan trọng vượt qua mọi khổ ách. Người ngu si nói Phật không thể độ chúng sinh hết khổ. Đến như Phạm, Ma, các Thánh đều không thể bàn luận con đường chân chánh của Phật. Ngài đi khắp nơi không sợ.

Đức Phật đạt được pháp này với tất cả tri kiến, Ngài ngồi tư duy: “Đây là thật vi diệu, khó biết, khó tường, rất khó đạt đến, cao tột vô thượng, rộng không biên giới thăm thẳm không bờ, sâu không thấy đáy, lớn bao đất trời, nhỏ không chỗ nào, nuôi dưỡng chúng sinh xem như con đỏ, thừa sự chư Phật, tích đức vô lượng, nhiều kiếp tinh cần luôn nhớ công này, nay được tất cả.”

Đức Phật hoan hỷ tụng:
Làm phước quả báo vui
Các nguyện đều thành tựu
Nhanh chóng vào tịch diệt
Đều được đến Nê-hoàn
Ngộ quả Phật tối thượng
Lìa dâm, vô lậu tịnh
Sẽ dẫn đường tất cả
Người theo ắt hoan hỷ.

Khi ấy Đức Phật ở dưới gốc cây Bối-đa, đạo tràng Thiện Thắng, nước Ma-kiệt-đề, dùng đức lực hàng phục ma binh, trí tuệ thanh tịnh, đạt Tam vô ngại. Ngài hóa độ hai khách buôn Đề-vị và Ba-lị, truyền trao cho pháp Tam quy và Ngũ giới, họ trở thành Thanh tín sĩ. Ngài nhớ xưa Đức Phật Đăng Quang thọ ký Ngài sẽ làm Phật: “Ông sẽ ở vào một trăm kiếp sau, sẽ được làm Phật hiệu là Thích-ca Văn Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu Phật Thế Tôn”. Đức Phật độ thoát chúng sinh như Ta hôm nay vậy.” Ta từ đó đến nay đã kiến lập thệ nguyện rộng lớn, phụng hành sáu độ, bốn đẳng, bốn ân và ba mươi bảy phẩm, khéo dùng phương tiện hợp thời, tích lũy tất cả các pháp không lười mỏi, thực hành những hạnh cao cả khác nhau, nhẫn khổ vô lượng, báo ân không sót, đại nguyện thành tựu.

Đức Phật nói kinh này xong, tất cả hội chúng đều rất hoan hỷ, đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra.