KINH TƯ ÍCH PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Dao tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 7: ĐÀM LUẬN

Bấy giờ, Phạm thiên Tư ích bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi kia ở trong chúng hội lớn này mà không có điều gì để nói sao?

Đức Phật liền bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

-Bồ-tát ở trong chúng hội thuyết giảng pháp này có thể không nói gì sao?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Pháp mà Đức Phật đã chứng đắc có thể nhận biết chăng?

Đức Phật bảo:

-Không thể nhận biết. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa:

-Bạch Thế Tôn! Pháp ấy có thể nói, có thể diễn giảng, có thể bàn luận chăng?

Đức Phật bảo:

-Không thể nói, không thể diễn thuyết, không thể bàn luận được.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa:

-Bạch Thế Tôn! Nếu pháp ấy không thể nói, không thể diễn thuyết, không thể bàn luận thì không thể chỉ bày.

Lúc này, Phạm thiên Tư ích nói với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

-Đại sĩ không vì chúng sinh mà thuyết giảng pháp sao?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Này Phạm thiên! Trong pháp tánh có hai tướng chăng?

Phạm thiên nói:

-Không có.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Tất cả các pháp không nhập vào pháp tánh sao?

Phạm thiên thưa:

-Đúng như vậy.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

-Nếu pháp tánh không có hai tướng, tất cả các pháp đều nhập vào trong pháp tánh thì tại sao phải vì chúng sinh mà thuyết pháp? Phạm thiên hỏi:

-Lại có thuyết pháp cũng không có hai tướng chăng?

Bồ-tát Văn-thù-sứ-lợi đáp:

-Nếu quyết định có sự thuyết giảng và sự lãnh hội để có thể thuyết pháp thì cũng không có hai tướng.

Phạm thiên hỏi:

-Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Như Lai không thuyết pháp sao? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Tuy Phật thuyết pháp nhưng không dùng hai tướng. Vì sao? Vì tánh của Như Lai là không có hai, tuy có sự thuyết giảng nhưng không có hai.

Phạm thiên hỏi:

-Nếu tất cả các pháp không có hai thì cái gì là hai tướng? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Phàm khởi tham chấp về ngã nên phân biệt có hai tướng, không hai là pháp tánh, hoàn toàn chẳng là hai tướng. Tuy vô số phân biệt làm hai tướng nhưng thật tế là không có hai tướng.

Phạm thiên hỏi:

-Làm sao nhận biết pháp không hai?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu không hai có thể nhận biết thì chẳng phải là không hai. Vì sao? Vì tướng không hai là không thể nhận thức.

Này Phạm thiên! Hai tức là nghiệp của thức, không thể nhận biết về pháp của Đức Phật đã giảng nói. Pháp ấy không như chỗ đã giảng nói. Vì sao? Vì pháp ấy không có văn tự.

Phạm thiên thưa:

-Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Chỗ thuyết pháp của Phật rốt cuộc đi về đâu?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Chỗ thuyết pháp của Phật là đi tới chỗ không có chỗ đến.

Phạm thiên hỏi:

-Chỗ thuyết pháp của Phật không đi đến Niết-bàn sao?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bảo:

-Trong Niết-bàn có thể đạt đến được chăng?

Phạm thiên thưa:

-Niết-bàn không có chỗ đến và không có chỗ đi.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

-Như vậy, chỗ thuyết pháp của Phật là đi đến chỗ không có đến. Phạm thiên hỏi:

-Pháp này ai có thể nghe?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Như chỗ đã giảng nói.

Phạm thiên hỏi:

-Thế nào là như chỗ đã giảng nói?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Như thì không thể nhận biết, không thể nghe.

Phạm thiên hỏi:

-Ai có thể nghe pháp như vậy của Như Lai?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người không bị lệ thuộc vào sáu trần.

Phạm thiên hỏi:

-Ai có thể nhận biết về pháp ấy?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người không chấp vào chỗ nhận biết, không phân biệt, không tranh luận.

Phạm thiên hỏi:

-Thế nào là Tỳ-kheo có nhiều tranh luận?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Phân biệt đây là tốt, đây là xấu, đó gọi là tranh luận. Đây là lý, đây là phi lý, đó gọi là tranh luận. Đây là nhơ, đây là sạch, đó gọi là tranh luận. Đây là thiện, đây là bất thiện, đó gọi là tranh luận. Đây là trì giới, đây là phá giới, đó gọi là tranh luận. Đây là nên làm, đây là không nên làm, đó gọi là tranh luận. Dùng pháp ấy để chứng đắc đạo, dùng pháp ấy để đạt được quả vị, đó gọi là tranh luận.

Này Phạm thiên! Nếu ở trong pháp mà có tâm cao, thấp, tham chấp, nhận lấy thì đều là tranh luận. Pháp được Phật thuyết giảng thì không có tranh chấp. Người ưa thích tranh luận thì chẳng phải là pháp của Sa-môn. Người thích pháp Sa-môn thì dứt sạch mọi vọng tưởng, tham chấp.

Phạm thiên hỏi:

-Thế nào là Tỳ-kheo thuận theo lời của Phật nói, thuận theo sự chỉ dạy của Phật?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu Tỳ-kheo được khen ngợi hay bị chê bai mà tâm của vị ấy không hề lay động, thì đó gọi là thuận theo sự chỉ dạy của Phật. Nếu Tỳ-kheo không lệ thuộc vào ngôn ngữ văn tự, thì đó là thuận theo lời nói của Phật.

Lại nữa, Tỳ-kheo diệt trừ tất cả các tướng, đó là thuận theo sự chỉ dạy của Phật. Không trái với nghĩa lý, đó là thuận theo lời Phật nói. Nếu Tỳ-kheo giữ gìn giáo pháp thì đó là thuận theo sự chỉ dạy của Phật. Không trái vối lời Phật, đó gọi là thuận theo lời của Phật nói.

Phạm thiên hỏi:

-Thế nào là Tỳ-kheo có thể giữ gìn giáo pháp?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu Tỳ-kheo không trái nghịch với sự bình đẳng, không hủy hoại pháp tánh thì đó gọi là có thể giữ gìn giáo pháp.

Phạm thiên hỏi:

-Thế nào là Tỳ-kheo gần gũi nơi Đức Phật?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu Tỳ-kheo ỏ trong pháp mà không thấy có pháp gần hoặc xa thì đó gọi là gần gũi nơi Phật.

Phạm thiên hỏi:

-Thế nào là Tỳ-kheo cúng dường, hầu cận Phật?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu thân, miệng, ý của Tỳ-kheo không có chỗ tạo tác thì đó gọi là cúng dường, hầu cận Đức Phật.

Phạm thiên hỏi:

-Ai có thể cúng dường Phật?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người không dấy khởi nghiệp về phước, không dấy khởi nghiệp “chẳng động”.

Phạm thiên hỏi:

-Ai có thể thấy Phật?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu không chấp vào nhục nhãn, không chấp vào Thiên nhãn, không chấp vào Tuệ nhãn, thì đó gọi là có thể thấy Phật.

Phạm thiên hỏi:

-Ai có thể thấy pháp?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người không trái với các pháp nhân duyên.

Phạm thiên hỏi:

-Ai có thể nhận thấy các pháp nhân duyên?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người không dấy khởi bình đẳng, không thấy tướng phát sinh của bình đẳng.

Phạm thiên hỏi:

-Ai đạt được trí chân thật?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người thấy được các lậu không sinh, không diệt.

Phạm thiên hỏi:

-Ai có thể theo học với Như Lai?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người không dấy khởi, không thọ nhận, không tham chấp, không xả bỏ các pháp.

Phạm thiên hỏi:

-Ai gọi là hành chân chánh?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người không còn lệ thuộc vào ba cõi.

Phạm thiên hỏi:

-Ai là hàng thiện nhân?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người không còn thọ thân sau.

Phạm thiên hỏi:

-Ai là người an lạc?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người không chấp vào ngã và ngã sở.

Phạm thiên hỏi:

-Ai là người được giải thoát?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người không hủy hoại sự trói buộc.

Phạm thiên hỏi:

-Ai là người được độ?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người không trụ ở sinh tử, không trụ nơi Niết-bàn.

Phạm thiên hỏi:

-Tỳ-kheo dứt sạch các lậu là dứt sạch cái gì?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu có chỗ dứt sạch thì không gọi là dứt sạch các lậu. Nhận biết tướng của các lậu là không, tùy theo đó để nhận biết thì gọi là dứt sạch các lậu.

Phạm thiên hỏi:

-Ai là người nói lời chân thật?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người xa lìa các đường ngôn luận.

Phạm thiên hỏi:

-Ai là người hội nhập nơi đạo?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Hàng phàm phu có người hội nhập vào nẻo hành đạo của bậc Thánh, biết được tất cả pháp hữu vi không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, thì người ấy là người hội nhập nơi đạo.

Phạm thiên hỏi:

-Ai có thể thấy Thánh đế?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Không có người thấy Thánh đế. Vì sao? Vì theo chỗ có thấy đều là hư vọng, người không có chỗ thấy mới gọi là thấy đế.

Phạm thiên hỏi:

-Không thấy pháp nào cả sao gọi là thấy đế?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Không thấy tất cả các thứ kiến chấp gọi là thấy đế.

Phạm thiên hỏi:

-Đế ấy, nên cầu tìm ở đâu?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nên cầu tìm trong bốn thứ điên đảo.

Phạm thiên hỏi:

-Tại sao nói như vậy?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Cầu tìm nơi bốn thứ điên đảo tức là không chấp tịnh, không chấp thường, không chấp lạc, không chấp ngã. Nếu không châp tịnh tức là bất tịnh, nếu không chấp thường tức là vô thường, nếu không chấp lạc tức là khổ, nếu không chấp ngã tức là vô ngã.

Này Phạm thiên! Tất cả các pháp là không, là vô ngã, đó là Thánh đế. Nếu có thể như vậy để cầu “đế” thì người ấy không thấy

khổ, không đoạn tập, không chứng diệt, không tu đạo.

Phạm thiên hỏi:

-Sao gọi là tu tập đạo?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu không phân biệt đây là pháp, đây là phi pháp, xa lìa hai tưống thì gọi là tu tập đạo. Dùng đạo ấy để cầu đạt tất cả pháp không thể thủ đắc, đó gọi là đạo. Đạo ấy không làm cho con người xa lìa sinh tử đạt đến Niết-bàn. Vì sao? Vì không xa lìa, không đạt đến mới gọi là Thánh đạo.

Bấy giờ, có vị Phạm thiên Ma-ha-la tên Đẳng Hạnh hỏi Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi:

-Thế nào là Ưu-bà-tắc quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu Ưu-bà-tắc không dấy khởi hai kiến chấp là không dấy khởi kiến chấp về ngã, không khởi kiến chấp về ngã sở; không khởi kiến chấp về ngã, không khởi kiến chấp về Phật; không khởi kiến chấp về ngã, không khởi kiến chấp về Pháp; không khởi kiến chấp về ngã, không khởi kiến chấp về Tăng, thì đó gọi là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.

Lại nữa, Ưu-bà-tắc không dùng sắc để thấy Phật, không dùng thọ, tưởng, hành, thức để thấy Phật, đó gọi là quy y Phật. Nếu Ưu-bà-tắc đối với pháp không có chỗ phân biệt, cũng không thực hành phi pháp thì đó gọi là quy y Pháp. Nếu Ưu-bà-tắc không xa lìa pháp hữu vi để thấy pháp vô vi, không xa lìa pháp vô vi để thấy pháp hữu vi thì đó gọi là quy y Tăng.

Lại nữa, Ưu-bà-tắc không chấp vào Phật, không chấp vào Pháp, không chấp vào Tăng, đó gọi là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.

Bấy giờ, Bồ-tát Đẳng Hạnh hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

-Những vị Bồ-tát này phát tâm Bồ-đề là hướng đến nơi nào?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Hướng đên hư không. Vì sao? Vì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đồng với hư không.

Bồ-tát Đẳng Hạnh hỏi:

-Thế nào gọi là Bồ-tát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu Bồ-tát nhận biết tất cả sự phát tâm chẳng phải là phát tâm, tất cả các pháp chẳng phải là pháp, tất cả chúng sinh chẳng phải là chúng sinh, thì đó gọi là Bồ-tát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy, Bồ-tát Đẳng Hạnh bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Gọi là Bồ-tát thì Bồ-tát ấy là gì?

Phật dạy:

-Này Thiện nam! Nếu Bồ-tát đốì với chúng sinh tà định mà phát tâm đại Bi thì đối với chúng sinh chánh định cũng không thấy có gì dị biệt sai khác, nên gọi là Bồ-tát. Vì sao? Vì Bồ-tát không vì chúng sinh chánh định, không vì chúng sinh không có định mà phát tâm. Bồ-tát, chỉ vì nhằm hóa độ chúng sinh tà định mà dấy khởi đại Bi nên phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, do đấy gọi là Bồ-tát.

Bấy giờ, Bồ-tát Bồ-đề bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng muốn nói về việc do đâu được gọi là Bồ-tát.

Đức Phật bảo:

-Hãy tùy ý nêu bày.

Bồ-tát Bồ-đề nói:

-Ví như người nam, người nữ thọ trì giới trong một ngày không hủy phạm, không thiếu sót, nếu Bồ-tát như vậy từ khi mới phát tâm cho đến lúc thành Phật, trong khoảng thời gian ấy thường tu phạm hạnh thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Kiên Ý nói:

-Nếu Bồ-tát thành tựu tâm Từ sâu rộng, bền chắc, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Độ Chúng Sinh nói:

-Ví như cầu, thuyền đưa người không mệt mỏi, không phân biệt, nếu tâm như thế thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Đoạn Ác Đạo nói:

-Nếu Bồ-tát ở nơi quốc độ của chư Phật đặt chân đến chốn nào tức thì tất cả đường ác đều bị diệt trừ, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Quan Thế Âm nói:

-Nếu chúng sinh thấy được Bồ-tát, tức thì chắc chắn ở trong đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lại xưng danh hiệu của Bồ-tát ấy thì trừ diệt được các khổ. Đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Đắc Đại Thế nói:

-Nếu chỗ Bồ-tát đặt chân đến làm chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới và cung điện của ma, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Vô Bì Quyện nói:

-Nếu lấy hằng hà sa kiếp làm một ngày một đêm, dùng ba mươi ngày ấy làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, dùng số năm này nếu trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp gặp được một vị Phật, như vậy ở hằng hà sa chỗ Đức Phật thực hành các phạm hạnh, tu tập công đức, rồi sau đó được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tâm không dừng nghỉ, không có mệt mỏi, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Đạo Sư nói:

-Nếu Bồ-tát đối với những chúng sinh rơi vào đường tà, sinh khởi tâm đại Bi khiến cho họ hội nhập vào chánh đạo mà không cầu báo ân thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Tu-di Sơn nói:

-Nếu Bồ-tát đối với tất cả các pháp không có chỗ phân biệt, như tất cả các sắc của núi Tu-di, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Na-la-diên nói:

-Nếu Bồ-tát không bị tất cả các thứ phiền não hủy hoại, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Tâm Lực nói:

-Nếu Bồ-tát dùng tâm suy nghĩ về tất cả các pháp không có lầm lỗi, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Sư Tử Du Bộ Tự Tại nói:

-Nếu Bồ-tát ở trong các luận thuyết không sợ, không hãi, đạt được pháp nhẫn sâu xa, có thể khiến cho tất cả hàng ngoại đạo khiếp sợ, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Bất Khả Tư Nghi nói:

-Nếu Bồ-tát biết tướng của tâm không thể nghĩ bàn, không có chỗ tư duy, phân biệt, thì đó gọi là Bồ-tát.

Thiên tử Thiện Tịch nói:

-Nếu Bồ-tát có thể sinh ra ở trong tất cả cung trời mà không bị đắm nhiễm, cũng không chấp nơi pháp vô nhiễm ấy, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Thật Ngữ nói:

-Nếu Bồ-tát có nói ra điều gì thường dùng lời chân thật, cho đến trong giấc mộng cũng không nói dối, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Hỷ Kiến nói:

-Nếu Bồ-tát có thể thấy tất cả hình sắc đều là hình sắc của Phật, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Thường Thảm nói:

-Nếu Bồ-tát thấy chúng sinh bị rơi vào sinh tử, tâm vị ấy không vui thích với các niềm vui thế gian, muôn tự độ mình và độ chúng sinh, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Tâm Vô Ngại nói:

-Nếu Bồ-tát đối với tất cả các phiền não, chúng ma mà không sân giận, ngăn ngại, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Thường Hỷ Căn nói:

-Nếu Bồ-tát thường dùng căn lành tự làm viên mãn hạnh nguyện của mình, cũng làm viên mãn ý nguyện của người khác, mọi việc làm đều hoàn tất, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Tán Nghi Hối nói:

-Nếu Bồ-tát ở trong tất cả các pháp không sinh nghi ngờ, hối tiếc thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Sư Tử Đồng Nữ nói:

-Nếu Bồ-tát nhận thấy không có pháp nam, không có pháp nữ, mà hiện vô số sắc thân vì để thành tựu cho chúng sinh, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Bảo Nữ nói:

-Nếu Bồ-tát ở trong các vật báu mà không sinh ưa thích, chỉ thích Tam bảo, thì đó gọi là Bồ-tát.

Ưu-bà-di Tỳ-xá-khư-đạt-đa nói:

-Nếu Bồ-tát có chỗ chứng đắc thì không có Bồ-đề. Nếu không nắm bắt tất cả pháp, không sinh tất cả pháp, không diệt tất cả pháp, thì đó gọi là Bồ-tát.

Cư sĩ Bạt-đà-bà-la nói:

-Nếu Bồ-tát nghe chúng sinh gọi tên mình thì chắc chắn ở trong đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì đó gọi là Bồ- tát.

Đồng tử Bảo Nguyệt nói:

-Nếu Bồ-tát thường tu tập phạm hạnh của đồng tử, cho đến không dùng tâm nhớ nghĩ về năm dục huống hồ là thân thọ năm dục, thì đó gọi là Bồ-tát.

Thiên tử Đao-lợi là Bồ-tát Mạn-đà-la Hoa Hương nói:

-Nếu Bồ-tát trì giới, huân tập nơi tâm, thường tỏa ra hương các pháp thiện, không tỏa ra hương khác, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Tác Hỷ nói:

-Nếu Bồ-tát vui thích ba pháp là cúng dường Phật, diễn thuyết pháp và giáo hóa chúng sinh, thì đó gọi là Bồ-tát.

Phạm thiên Tư ích nói:

-Nếu pháp mà Bồ-tát thấy đều là pháp Phật thì gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Di-lặc nói:

-Nếu chúng sinh nhìn thấy Bồ-tát liền chứng đắc Tam-muội từ tâm, thì đó gọi là Bồ-tát.

Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi nói:

-Nếu Bồ-tát giảng nói các pháp mà không dấy khởi tưởng về pháp, không dấy khởi tưởng về phi pháp, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Võng Minh nói:

-Nếu hào quang của Bồ-tát có thể diệt trừ tất cả phiền não của chúng sinh, thì đó gọi là Bồ-tát.

Bồ-tát Phổ Hoa nói:

-Nếu Bồ-tát thấy chư Như Lai đầy khắp cả mười phương thế giới như rừng hoa che phủ, thì đó gọi là Bồ-tát.

Như vậy, các vị Bồ-tát mỗi mỗi vị tùy theo sở thích của mình nói xong, Đức Phật bảo Bồ-tát Đẳng Hạnh:

-Nếu Bồ-tát có thể thay thế tất cả chúng sinh chịu các thứ khổ não, cũng lại có thể xả bỏ tất cả việc phước cho chúng sinh thì đó gọi là Bồ-tát.