SỐ 192
PHẬT SỞ HÀNH TÁN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ-tát.
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2

Phẩm 6: XA-NẶC TRỞ VỀ

Không lâu đêm đã qua
Ánh thái dương dần hiện
Nhìn lại khoảng cây rừng
Chỗ vị tiên Bạt-già
Cánh rừng già bát ngát
Cầm thú gần gũi người
Thái tử thấy, tâm vui
Thân mệt tự nhiên hết
Đây là các điều lành
Ắt được lợi chưa từng
Lại thấy vị tiên kia
Là người đáng cúng dường
Tự giữ gìn oai nghi
Dứt bỏ tâm cao mạn
Xuống ngựa, tay xoa đầu:
“Nay, ngươi đã giúp Ta”
Mắt Từ nhìn Xa-nặc
Như rửa nước mát thấm nhuần
Rằng ngựa chạy như bay
Ngươi vẫn bám đuôi ngựa,
Cảm ân sâu của ngươi
Siêng năng không lười biếng
Việc khác không đáng kể
Chỉ nhận tâm ngươi thành
Tâm kính, dáng cần mẫn
Nay thấy hai việc này
Người có tâm chí thành
Sức mạnh khó đảm đương
Sức kham, tâm không thành
Ngươi đầy đủ cả hai
Bỏ danh lợi thế gian
Theo Ta từng bước chân.
Ai mà không ham lợi
Không lợi, người thân lìa
Hôm nay, ngươi theo Ta
Không mong báo hiện đời
Phu nhân sinh, nuôi con
Mục đích là nối dòng
Cho nên thờ kính vua
Là để báo ân nuôi
Tất cả đều cầu lợi.
Ngươi bỏ lợi theo Ta
Chí ngôn không cầu nhiều
Giờ sẽ lược bảo ngươi:
Người hầu Ta đã xong
Giờ hãy cỡi ngựa về
Ta từ đêm dài đến
Giờ được điều mong cầu.
Liền cởi chuỗi anh lạc
Và trao cho Xa-nặc:
An ủi nỗi buồn ngươi
Cởi mũ báu, ma-ni
Ánh sáng soi thân Ngài
Trao trên tay Xa-nặc
Như trời chiếu Tu-di.
Ngươi hãy cầm châu báu
Trở về chỗ vua cha
Cầm châu lễ chân vua
Để tỏ tâm thành Ta
Tâu vua cha giùm Ta
Xin bỏ tâm ái luyến
Vì thoát sinh, già, chết
Nên vào rừng khổ hạnh
Cũng không cầu sinh Thiên
Không có tâm ái luyến
Cũng không tâm kết hận
Chỉ muốn bỏ lo buồn,
Đêm dài nhóm ân ái
Phải có lúc biệt ly
Vì có sự chia ly
Nên tìm nhân giải thoát.
Nếu người được giải thoát
Không lúc nào lìa thân
Vì dứt ái, xuất gia
Chớ vì con lo buồn
Năm dục là gốc khổ
Nên lo người đắm dục
Không ai hơn các vua
Tâm vững chắc không dời.
Nay Ta đem tài sản
Vì pháp mà xả bỏ.
Khi phu nhân qua đời
Tài sản để lại con
Phần nhiều tham tài lợi
Nhưng ta ưa pháp tài.
Nếu nói người tuổi trẻ
Chẳng phải lúc tìm học
Phải biết cầu chánh pháp
Lúc nào cũng là lúc.
Vô thường không hẹn kỳ
Thần chết thường rình rập
Cho nên hôm nay Ta
Quyết định phải cầu pháp
Những lời tâu như trên
Thưa vua cha giùm Ta.
Nay cúi xin vua cha
Không ái luyến Ta nữa
Nếu vì ta hủy hình
Mà giúp vua cắt ái
Người đừng nên tiếc lời
Khiến vua nhớ không thôi.
Xa-nặc vâng lời dạy
Trong lòng buồn u uất
Quỳ xuống chắp hai tay
Đáp lời Thái tử rằng:
Thần sẽ về thưa lại
Sợ vua càng buồn khổ
Buồn khổ càng thêm nặng
Như voi bị sa lầy
Nhất định lìa ân ái
Có tâm, ai không buồn
Vàng, đá còn bị vỡ
Huống gì đắm tình ái
Thái tử sống trong cung
Ít vui, thân yếu đuối
Nay dấn thân rừng núi
Khổ hạnh sao kham nổi.
Lúc Ngài bảo đem ngựa
Trong tâm thần không yên
Thiên thần thấy thúc giục
Bảo thần mau sửa soạn.
Vì sao khiến Thái tử
Quyết định bỏ thâm cung
Cả nước Ca-tỳ-la
Đều sinh tâm đau buồn
Vua cha tuổi đã già
Lòng thương con cũng sâu
Quyết định bỏ xuất gia
Là việc không nên làm.
Tà kiến không cha mẹ
Điều ấy không cần bàn
Cù-đàm-di nuôi lớn
Bú sữa thân khó gầy
Tình thương khó thể quên
Đừng làm người bội ân.
Còn nhỏ nhờ ân dì
Phải thờ phụng dòng họ
Khôn lớn lại bỏ đi
Đó là người không tốt.
Con nàng Da-du-đà
Giữ chánh pháp trị nước
Nhưng tuổi còn quá nhỏ
Ngài cũng không nên bỏ.
Đã trái bỏ vua cha
Và bà con quyến thuộc
Xin Ngài đừng bỏ thần
Thần không thể xa Ngài
Tâm thần như lửa nóng
Không thể về một mình
Giờ đây chốn hiu quạnh
Bỏ Thái tử mà về
Cũng giống Tu-mạn-đề
Nỡ xả bỏ La-ma
Giờ nếu về một mình
Biết tâu vua làm sao?
Cả cung đều quở trách
Biết trả lời thế nào?
Thái tử bảo thần là
Tùy phương tiện hủy hình
Chỗ công đức Mâu-ni,
Làm sao nói dối được?
Thần rất là xấu hổ
Miệng không thể nói được
Dù cho có nói được
Thì mọi người ai tin?
Nếu nói ánh trăng nóng
Thế gian có người tin
Nếu có tin Thái tử
Việc làm cũng phi pháp
Tâm Thái tử hiền hòa
Từ bi với tất cả
Rất thương mà lìa bỏ
Thì trái với tâm xưa
Xin hãy trở về cung
Để an ủi lòng thần.
Thái tử nghe nói vậy
Lòng buồn khổ, can rằng:
Ngươi hãy yên lòng đi.
Lại bảo Xa-nặc rằng:
Giờ ngươi đã vì ta
Mà chịu khổ chia ly
Hãy bỏ tâm buồn ấy
Tự an ủi tâm mình
Chúng sinh đều khác đường
Trái lý, cho là thường
Dù ngày hôm nay ta
Không bỏ các thân tộc
Khi chết tâm lìa thân
Làm sao giữ lại được?
Mẹ hiền mang thai ta
Thương con thường chịu khổ
Sinh rồi liền qua đời
Không mong con nuôi mình
Người còn, mất khác đường
Giờ biết tìm ở đâu?
Cây cao tốt giữa đồng
Các bầy chim bu đậu
Chiều tụ, sáng bay đi
Sự chia ly cũng the.
Mây nổi trên núi cao
Tụ đầy khắp hư không
Khoảnh khắc lại tan biến
Lý con người cũng thế
Thế gian vốn tự trái
Tạm hội, ân ái buộc
Như hợp tan trong mộng
Không nên chấp của ta
Như cây mọc mùa xuân
Lớn dần, cành lá tốt
Sương thu làm rơi rụng
Cùng cây còn chia lìa
Huống người tạm hội họp
Thân thích đâu gần mãi.
Ngươi hãy dứt buồn khổ
Nghe lời ta trở về
Ta vẫn nghĩ ngày về
Hãy về, sau ta về.
Người Ca-tỳ-la-vệ
Nghe tâm ta quyết định
Vẫn còn nghĩ đến ta
Ngươi hãy nói với họ
Khi vượt biển sinh tử
Thì ta sẽ trở về
Nếu không được như vậy
Thì bỏ thân núi rừng.
Ngựa trắng nghe Thái tử
Nói lời chân thật ấy
Quỳ xuống liếm chân Ngài
Thở dài, lệ tuôn rơi
Đưa tay có bánh xe
Vuốt xuôi đầu ngựa trắng:
Ngươi chớ có buồn thương
Nay ta cảm ân ngươi
Công lao khó nhọc của
Ngựa giỏi nay đã xong
Khổ đường ác dứt hẳn
Quả mầu nay sẽ hiện.
Thanh kiếm báu trang nghiêm
Xa-nặc thường mang theo
Thái tử rút kiếm bén
Lóe sáng như ánh rồng
Mũ báu phủ tóc đen
Gom cắt, vung lên không
Bay lên không rồi dừng
Bềnh bồng như chim liệng.
Các trời Đao-lợi xuống
Đem tóc về cõi trời
Họ thường muốn lễ chân
Huống nay được tóc Ngài
Đều hết lòng cúng dường
Đến khi chánh pháp diệt.
Lúc ấy Thái tử nghĩ:
Đã bỏ vật trang nghiêm
Chỉ còn áo lụa trắng
Chưa phải tướng xuất gia.
Bấy giờ trời Tịnh cư
Biết ý nghĩ Thái tử
Hóa thành người thợ săn
Cầm cung, đeo tên bén
Thân mặc y ca-sa
Đi đến trước Thái tử.
Thái tử nghĩ y này
Là y phục thanh tịnh
Màu nhuộm, các tiên mặc
Thợ săn không nên đắp,
Liền gọi thợ săn lại
Nói lời nhỏ nhẹ rằng:
Anh đổi y phục này
Dường như không thích lắm
Vậy xin anh hãy đổi
Với áo tôi đang mặc.
Thợ săn bảo Thái tử:
“Tôi chẳng tiếc áo này
Nhưng để dụ bầy nai
Rồi sau đó giết chúng
Nhưng nếu Ngài cần dùng
Thì ta đổi với nhau”
Thợ săn đổi y rồi
Bèn hiện lại thân trời.
Thái tử và Xa-nặc
Thấy vậy cho rằng lạ
Đây hẳn y vô sự
Chẳng phải áo người đời
Trong tâm rất vui mừng
Càng kính y này hơn,
Liền chia tay Xa-nặc
Mặc vào y ca-sa
Giống như áng mây xanh
Vờn quanh vòng nhật nguyệt
Khoan thai nhẹ bước đi
Vào trong hang vị tiên.
Xa-nặc dõi mắt theo
Khuất dần, không thấy nữa
Thái tử bỏ vua cha
Quyến thuộc và bản thân
Yêu quý y ca-sa
Vào trong rừng khổ hạnh,
Ngửa mặt lên kêu trời
Ngất xỉu té xuống đất
Gượng dậy ôm cổ ngựa
Tuyệt vọng theo đường về
Bồi hồi thường quay nhìn
Thân đi, tâm trở lại
Hoặc trầm tư thất thần
Hoặc rũ rượi toàn thân
Hoặc ngã rồi gượng dậy
Buồn khóc theo đường về.