SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6-7

Phẩm 6: TÙY HỶ HỒI HƯỚNG

Khi ấy, Đại Bồ-tát Từ Thị thưa Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát tùy hỷ hồi hướng đối với pháp môn Bát-nhã ba-lamật-đa thâm diệu này thì đạt được công đức, so với công đức mà các chúng sinh bố thí, trì giới, thiền định đạt được thì công đức này tối thượng, thù thắng, vi diệu, rộng lớn vô lượng, vô số, vô biên. Do vậy, ta nên tùy hỷ hồi hướng đúng pháp.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề nói với Bồ-tát Từ Thị:

–Đại Bồ-tát ở mười phương, khắp các chỗ, vô lượng, vô số, vô biên, không thể suy lường, không thể tính đếm, khắp tam thiên đại thiên thế giới. Ở trong các thế giới đó, thuở quá khứ có vô lượng, vô số Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nhập Niết-bàn. Các Đức Như Lai này từ lúc mới phát tâm đến lúc thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề, đều nhập đại Niết-bàn vô dư, đến đời vị lai lúc pháp diệt, khi ấy cũng có chư Phật Thế Tôn, giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn và sáu pháp Ba-la-mật-đa tương ưng với thiện căn, công đức chư Phật tương ưng với thiện căn, trí phương tiện nguyện lực Ba-la-mật-đa thần thông quảng đại tương ưng với thiện căn, trí Nhất thiết trí chánh hành tương ưng với thiện căn, cho đến công đức chư Phật đại Từ, đại Bi, vô lượng, vô biên, lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh, tất cả pháp môn Ba-la-mật-đa như vậy sinh ra tất cả thần thông tối thắng, lìa chướng ngại, không chấp trước vào các pháp hành, không thể hơn, không thứ lớp, không hạn lượng, không chỗ quán. Trí lực như thật của Như Lai, tri kiến của Như Lai, cho đến đầy đủ viên mãn mười Lực của Như Lai, bốn Vô sở úy, tất

cả pháp môn thắng nghĩa, hoặc có Như Lai chuyển đại pháp luân, cầm đuốc pháp lớn, đánh trống pháp lớn, thổi kèn pháp lớn, tấu âm nhạc lớn, làm mưa pháp lớn, biết pháp trí lớn, dùng pháp tài quý báu bố thí cho chúng sinh, nói pháp chư Phật, pháp Thanh văn, pháp Duyên giác làm cho chúng sinh tu học theo các pháp này thì được tất cả căn lành tối thắng và các Đức Phật kia thọ ký cho hàng Đại Bồtát đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề. Đây là các Bồ-tát có sáu pháp Bala-mật-đa tương ưng căn lành. Lại nữa, vì người tu Duyên giác thừa, thọ ký quả vị Duyên giác, nên họ có đầy đủ tất cả căn lành.

Lại nữa, người tu Thanh văn thừa thực hành hạnh bố thí, trì giới, thiền định là có các công đức và các bậc Hữu học vô lậu, Vô học vô lậu đạt được các căn lành.

Lại nữa, có các phàm phu tạo các căn lành và bốn chúng Bí-sô, Bí-sô-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thực hành công đức bố thí, trì giới, thiền định, cho đến Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Calâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân, bàng sinh và các loài nghe Phật thuyết pháp tạo các căn lành, cho đến sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, tất cả chúng sinh trồng các căn lành nơi Tam bảo, trồng các căn lành như vậy được các công đức rốt ráo, không rốt ráo, hòa hợp, nhóm lại, tính đếm, so sánh số lượng.

Người tu hành Bồ-tát nên dùng tâm tối thượng, hơn hẳn, thù thắng, vi diệu, rộng lớn, vô lượng, vô biên đều tùy hỷ, dùng công đức tùy hỷ như vậy hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề, rồi nói: “Tôi nguyện dùng công đức căn lành này để được quả vị Vô thượng Bồđề. Bồ-tát nên tu hành như vậy. Có các duyên, các sự, các tướng đều từ tâm sinh ra thì dùng tâm chấp tướng có thể được không?” Khi ấy, Bồ-tát Từ Thị thưa Tu-bồ-đề:

–Thưa Tôn giả, không thể được! Các duyên, các sự, các tướng đều từ tâm sinh ra không phải từ tâm chấp tướng sinh ra.

Tu-bồ-đề lại thưa Bồ-tát Từ Thị:

–Dùng tâm chấp thủ các duyên, các sự, các tướng đều không thể được. Người này sẽ gặp vô tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo phải không?

Vì sao? Vì có sinh vậy, vô thường cho là thường, khổ cho là vui, bất tịnh cho là tịnh, vô ngã cho là ngã, tâm nghi hoặc cho là chánh tư duy. Do đây nên tâm tưởng kiến đều thành ra điên đảo. Nếu các duyên, các sự, các tướng tất cả đều trụ vào pháp chân thật, tức không có chỗ sinh thì cũng không có chỗ chấp. Do vậy, nên tâm pháp cũng vậy, các pháp cũng vậy, Bồ-đề cũng vậy. Các duyên, các sự, các tướng Bồ-đề cùng với tâm đều không sai khác. Như vậy dùng duyên nào chấp vào tướng nào? Nên dùng tâm nào tùy hỷ công đức? Và dùng căn lành nào hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề?

Khi ấy, Bồ-tát Từ Thị nói với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Như lời ông đã nói, với pháp hồi hướng này không nên đem nói cho hàng Bồ-tát mới phát tâm nghe. Vì sao? Vì họ nếu nghe những lời như vậy thì họ sẽ mất sự tin hiểu, ưa thích, cung kính, tâm thanh tịnh của họ đều mất. Do đó không nên nói. Đại Bồ-tát an trụ vào không thoái chuyển nên tùy thuận bậc Thiện tri thức, vì họ giảng pháp này. Các Đại Bồ-tát nghe được pháp này mà tâm họ không lo, không sợ, không thoái chuyển thì đó là các Đại Bồ-tát dùng công đức tùy hỷ như thật hồi hướng về Nhất thiết trí.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Bồ-tát Từ Thị:

–Nếu Đại Bồ-tát khởi tâm tùy hỷ, tâm hồi hướng, tâm đó liền rốt ráo, liền diệt tận, liền xa lìa. Vậy dùng tâm nào để tùy hỷ? Dùng tâm nào đem hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề? Dùng tâm này, hồi hướng tâm kia, hai tâm không hòa hợp, cũng không chỗ được, tự tánh các tâm không có khả năng hồi hướng, vậy dùng tâm nào để hồi hướng?

Khi ấy, Đế Thích nói với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Thưa Tôn giả! Hàng Bồ-tát mới phát tâm, nghe nói những lời như vậy, sẽ không có lo sợ, sinh thoái chuyển phải không? Nay làm thế nào để tùy hỷ như thật, hồi hướng như thật, nên làm thế nào để tùy hỷ đúng pháp và thế nào là tâm hồi hướng?

Khi ấy, do lực gia trì và oai thần của Đại Bồ-tát Từ Thị, nên Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Bồ-tát Từ Thị:

–Các Đại Bồ-tát ở các cõi Phật, thời quá khứ đều tu tập nên

diệt được hý luận, trừ các chướng ngại, xả bỏ gánh nặng, được lợi ích lớn, các kết sử đều đoạn tận đạt được chánh trí, tâm được tự tại vô ngại, các tâm khéo tịch tĩnh, đó là các Bồ-tát ở mười phương, khắp các chỗ, vô lượng, vô số tam thiên đại thiên thế giới. Trong mỗi thế giới, ở quá khứ đều có vô lượng, vô số các Đức Phật, Như Lai nhập Niết-bàn. Các Đức Như Lai từ lúc mới phát tâm tới khi thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề rồi nhập vào cảnh giới đại Niếtbàn vô dư, cho đến khi pháp chưa đoạn diệt. Ở trong thời gian đó cũng có các Đức Phật Thế Tôn và các Ba-la-mật-đa tương ưng căn lành và các phước do thực hành việc lành, căn lành của Phật, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, các uẩn cho đến công đức của Phật đại Từ, đại Bi, vô lượng, vô biên tạo lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh. Căn lành của tất cả chúng sinh tin hiểu, an trụ, tu theo các pháp môn chư Phật đã dạy.

Đức Phật Thế Tôn thọ ký quả vị Vô thượng Bồ-đề cho hàng Bồ-tát. Đây là các căn lành của Đại Bồ-tát tương ưng sáu pháp Bala-mật-đa.

Lại nữa, vì hàng Duyên giác mà thọ ký, làm cho họ có tất cả thiện căn.

Lại nữa, hàng Thanh văn thực hành hạnh bố thí, trì giới, tu định tạo các công đức. Đó là căn lành của các bậc Hữu học vô lậu, Vô học vô lậu.

Lại nữa, các căn lành của hàng phàm phu, cho đến căn lành của hàng Trời, Rồng, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân cùng các bàng sinh dị loại có được, khi nghe Phật thuyết pháp, cho đến sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, những căn lành mà tất cả chúng sinh tạo được, các thứ công đức đó hòa hợp, nhóm lại, tính đếm, so sánh với số lượng công đức của Bồtát luôn luôn tùy hỷ với tất cả công đức trên, đem công đức tùy hỷ này hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Bồ-tát Từ Thị, Đại Bồ-tát hồi hướng như vậy làm sao không rơi vào tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo?

Khi ấy, Bồ-tát Từ Thị bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát dùng tâm tùy hỷ, khi hồi hướng không sinh tâm tưởng, như vậy biết đúng như thật, tâm không chấp tướng. Đại Bồ-tát nên tùy hỷ công đức như vậy để hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề thì không đọa vào tưởng tâm, kiến điên đảo.

Lại nữa, có Bồ-tát không biết như thật đối với tâm, nên dùng tưởng đã có được mà hồi hướng, đây là Đại Bồ-tát không thể xa lìa tâm tưởng, kiến điên đảo.

Lại nữa, Đại Bồ-tát dùng tưởng đã có được để hồi hướng, cho tâm là tận, là diệt, là xa lìa thì tâm tận diệt kia không thể hồi hướng.

Nếu dùng tâm vô sở đắc mà hồi hướng tức là pháp tánh hồi hướng như thật, nếu pháp hồi hướng như vậy thì pháp tánh cũng giống như vậy, pháp tánh hồi hướng như vậy, nên các pháp cũng như thế.

Đại Bồ-tát hồi hướng như vậy là hồi hướng chân chánh, không phải tà hồi hướng, các Đại Bồ-tát nên học pháp hồi hướng này như vậy.

Lại nữa, Tôn giả Tu-bồ-đề! Căn lành của các Đại Bồ-tát, chư Phật ở quá khứ đều tùy hỷ hồi hướng như vậy, các cõi Phật ở đời vị lai tu tập, do diệt các hý luận, thì nên được lợi ích lớn.

Các Đức Như Lai từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề, lúc đã nhập Niết-bàn vô dư cho đến đời vị lai pháp diệt. Trong thời gian đó các căn lành của chư Phật Thế Tôn tương ưng với các Ba-la-mật-đa và căn lành của chư Phật, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, các uẩn, cho đến công đức của Phật đại Từ, đại Bi, vô lượng, vô biên, tạo lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh và căn lành của tất cả chúng sinh tin hiểu an trụ, tu học các pháp môn của Phật đã dạy.

Chư Phật Thế Tôn hàng Bồ-tát thọ ký quả vị Vô thượng Bồ-đề. Căn lành của các Đại Bồ-tát này tương ưng với sáu pháp Ba-la-mậtđa.

Lại nữa, vì hàng Duyên giác thọ ký quả vị Duyên giác nên họ có tất cả căn lành.

Lại nữa, vì hàng Thanh văn thực hành bố thí, trì giới, tu định đều có căn lành và căn lành của các bậc Hữu học vô lậu, Vô học vô lậu.

Lại có căn lành của hàng phàm phu, cho đến căn lành của hàng Trời, Rồng, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lưu-la, Khẩn-na-la, Mahầu-la-già, Nhân phi nhân, bàng sinh dị loại có được khi nghe Phật thuyết pháp, cho đến sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, các loại căn lành các công đức của tất cả chúng sinh hòa hợp, nhóm lại, tính đếm, so sánh với các Bồ-tát luôn tùy hỷ với công đức trên, đem công đức tùy hỷ này hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Tôn giả Tu-bồ-đề! Bồ-tát kia dùng tâm tùy hỷ và lúc hồi hướng tâm không sinh tâm tưởng, biết tâm chân thật không có chỗ chấp tướng. Dùng công đức tùy hỷ như vậy hồi hướng về quả vị Vô thượng Bồ-đề, nên Bồ-tát không đọa vào tưởng tâm, kiến điên đảo.

Lại nữa, nếu tâm không biết như thật, đem tưởng có chứng đắc mà hồi hướng thì Bồ-tát không thể xa rời tâm tưởng, kiến điên đảo.

Lại nữa, dùng tâm có chỗ được để hồi hướng thì tâm này là tận, diệt, xa lìa, tâm tận diệt kia không thể hồi hướng. Tâm không có chỗ được để hồi hướng, đây là pháp tánh hồi hướng như thật. Pháp hồi hướng như vậy rồi nên pháp tánh cũng giống như vậy, pháp tánh hồi hướng như vậy, nên các pháp cũng như thế. Hồi hướng như vậy là hồi hướng chân chánh, không gọi là tà hồi hướng.

Lại nữa, Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Căn lành của các Đức Phật ở đời vị lai theo đấy mà tùy hỷ hồi hướng. Đối với các Đức Phật Như Lai, hiện tại từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề, lúc đã nhập Niết-bàn vô dư cho đến pháp diệt tận, trong thời gian đó, căn lành của chư Phật Thế Tôn, cho đến sau khi Như Lai nhập Niết-bàn tất cả chúng sinh đều có căn lành, các thứ công đức hòa hợp nhóm lại, tính đếm, so sánh. Các Bồ-tát này luôn luôn tùy hỷ, dùng công đức tùy hỷ này hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Tôn giả Tu-bồ-đề! Bồ-tát kia dùng tâm tùy hỷ và lúc hồi hướng tâm không sinh tâm tưởng, tâm biết như thật, không có chấp tướng. Nếu đem công đức tùy hỷ như vậy, hồi hướng về quả vị Vô thượng Bồ-đề thì Bồ-tát đó không đọa tâm, tưởng, tà kiến, điên đảo.

Lại nữa, dùng tâm có chỗ được để hồi hướng không thể nào xa lìa, tưởng, tâm, tà kiến điên đảo.

Đại Bồ-tát nên biết, sử dụng tâm trí như vậy để hồi hướng thì tâm ấy đoạn tận, tức diệt là xa lìa.

Tâm tận, diệt kia không thể hồi hướng, nếu dùng tâm không có chỗ được để hồi hướng thì đó là pháp tánh hồi hướng như thật. Pháp hồi hướng như vậy, nên pháp tánh cũng thế. Pháp tánh hồi hướng như vậy thì các pháp khác cũng như vậy.

Đại Bồ-tát ở trong quá khứ, vị lai, hiện tại, trong các pháp nên biết hồi hướng như thật. Đây là chân chánh hồi hướng, không gọi là tà hồi hướng.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát muốn hồi hướng như thật Vô thượng Bồ-đề nên quán các pháp giống như hư không, lìa tất cả tướng. Vì sao? Vì đối với các pháp nên biết như thật tức không tâm, chẳng phải không tâm. Người biết như vầy không pháp, chẳng phải không pháp đều biết là tướng.

Đại Bồ-tát ở trong pháp như vậy mà hồi hướng đó là tối thượng hồi hướng, còn gọi là Đại Bồ-tát thực hành các phước chân chánh. Vì sao? Vì các pháp và các căn lành đều tịch tĩnh, cho nên công đức tùy hỷ hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề cũng như vậy.

Nếu thật biết tất cả các hành đều tịch tĩnh không có chỗ động, đó là Đại Bồ-tát có thể đầy đủ phương tiện Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Các căn lành của chư Phật Thế Tôn sau khi nhập Niết-bàn, hoặc thể, hoặc tướng, hoặc tự tánh, hoặc pháp tánh đều biết như thật, tức có thể hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Vì sao? Vì tất cả chư Phật Thế Tôn tương ưng với pháp hành chẳng phải ở trong ba thời như vậy. Ở đời quá khứ, pháp kia đã xa lìa, đã đoạn diệt, đã đoạn tận, ở đời vị lai pháp kia thì chưa đến, pháp ở hiện tại thì không trụ, không có chỗ được, chẳng phải tướng cảnh giới. Người chấp vào tưởng tức là đối quả vị Vô thượng Bồ-đề an trụ vào bất bình đẳng, tương ưng với tà niệm, sinh ra tưởng nghi hoặc, không thể an trụ vào chánh niệm, nhớ nghĩ đến việc tà.

Như vậy không thể gọi là hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề. Đại Bồ-tát đối với các căn lành không có chỗ chấp tướng, tâm không có chỗ đắc. Dùng tâm hồi hướng như vậy, đó là hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề. Bồ-tát nên học pháp hồi hướng như vậy. Vị ấy học như vậy nên đầy đủ phương tiện thiện xảo. Dùng căn lành có các phương tiện thiện xảo hồi hướng nên được gần gũi Nhất thiết trí.

Đại Bồ-tát muốn tu học pháp phương tiện này thì đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa nên lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ, tư duy, thưa hỏi nghĩa này, đem chỗ đã hiểu, giảng giải rộng khắp cho người khác. Đây là phương tiện Bát-nhã ba-la-mật-đa, nếu không được phương tiện Bát-nhã ba-la-mật-đa thì không thể dùng các căn lành để hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Vì ngã tướng đã diệt, các hành đã tịch tĩnh, xa lìa các tướng có được. Lại nữa có người đối với tất cả pháp sinh chấp tướng, đọa vào nghi, hoặc, kiến, không thể an trụ vào pháp như thật, đối với pháp như thật phát sinh tư tưởng có được. Nếu dùng căn lành như vậy hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề thì các Đức Như Lai không có ấn chứng, cũng không tùy hỷ. Vì hồi hướng như vậy gọi là tham lớn, đối với tất cả pháp đều sinh tâm nghi hoặc.

Lại nữa, đối với các tướng không có tịch tĩnh nên sinh trưởng có được, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng không nói là có lợi ích lớn nên hồi hướng này gọi là tạp, độc, khổ não. Ví như ở thế gian có thức uống cao lương mỹ vị, màu sắc hương vị đều đầy đủ, nhưng thức ăn kia có lẫn chất độc, những người trí biết có chất độc lẫn vào nên không ăn, người ngu si không có trí, không biết liền lấy ăn.

Lúc người ấy vừa ăn, sắc hương mỹ vị tuy tạo ra cảm giác ưa thích, nhưng thức ăn vừa tiêu thì đau khổ ngay, do nhân duyên này nên dẫn đến chỗ mất mạng.

Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Ông nên biết, người có căn lành tùy hỷ phát tâm hồi hướng mà không thể thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lại như vậy. Vì sao? Vì không đầy đủ phương tiện Bát-nhã ba-la-mật-đa nên không thể giảng giải rõ ràng nghĩa lý chân chánh thâm sâu, đối với đạo chân thật nó không có khả năng an trụ, tự mình không thể biết pháp kia là thật, hoặc vì người khác tuyên bày, dạy bảo nên nói như vầy:

Này các thiện nam! Nên biết ở đời quá khứ, vị lai, hiện tại, căn lành của chư Phật Thế Tôn là giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, các uẩn căn lành và có các Đức Phật Thế Tôn ở quá khứ, hiện tại, vị lai, từ lúc mới phát tâm đến khi thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề đến khi nhập đại Niết-bàn vô dư, ở trong thời gian đó đều có công đức, vì hàng Đại Bồ-tát thọ ký sẽ đắc quả vị Vô thượng Bồ-đề. Đây là căn lành của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, vì hàng Duyên giác thọ ký quả vị Duyên giác, đó là căn lành của các vị Duyên giác và hàng Thanh văn tu bố thí, trì giới. Sau khi Phật diệt độ, đến lúc pháp diệt độ, trong thời gian đó có căn lành, cho đến hàng phàm phu ngu si cũng có căn lành. Các loại căn lành, các công đức như vậy hòa hợp nhóm lại, tính đếm so sánh tướng rốt ráo, không rốt ráo.

Các ông nên luôn tùy hỷ, dùng căn lành tùy hỷ này hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề. Này Tu-bồ-đề! Người kia nếu nói như vậy, khuyến khích tùy hỷ như thế này, ví như ở trong thức ăn có lẫn các thứ độc, pháp hồi hướng này gọi là tạp độc khổ não. Người tu hạnh Bồ-tát, tự mình thực hành, không nên khởi tâm hồi hướng này huống chi khuyến khích người khác tu theo pháp này. Nếu đối với tướng này chấp cho là thật, thì không gọi là công đức tùy hỷ của chư Phật, không gọi là thọ trì, không gọi là hồi hướng. Nếu Đại Bồtát ưa thích tùy hỷ như thật, hồi hướng như thật đối với tất cả thiện căn tối thượng của chư Như Lai hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề, thì nên tùy thuận Bậc Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác đó là Phật nhãn quan sát như thật, đó là Phật trí hiểu biết như thật. Đối với các căn lành, hoặc là thể, hoặc là tướng, hoặc tự tánh, hoặc pháp tánh, hiểu biết như thật không có chỗ sinh, không có chỗ được, nếu có thể tùy hỷ căn lành như vậy thì được Phật ấn chứng và tùy hỷ, Đại Bồ-tát tùy hỷ như vậy là chân chánh tùy hỷ.

Hãy dùng căn lành này mà hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề, xưng tán Bậc Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác Tối Thượng.

Hồi hướng như vậy gọi là đại hồi hướng. Hồi hướng pháp giới khéo được viên mãn, trong tâm thanh tịnh, giải thoát, vô ngại.

Lại nữa, các thiện nam tu đạo Bồ-tát, tu tập pháp hồi hướng như vậy, đối với giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của Phật Như Lai, không ràng buộc, không chấp trước; không ràng buộc ở Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới; không bị ràng buộc ở ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai; không ràng buộc các pháp, không ràng buộc pháp hồi hướng. Người tu hạnh Bồ-tát biết như vậy, tự mình không hủy hoại pháp hồi hướng. Đây là đại hồi hướng khéo được pháp giới hồi hướng viên mãn. Hồi hướng như vậy không chấp vào các tướng, xa lìa các pháp tà gọi là chánh hồi hướng. Đối với pháp ấn của Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng nên tùy hỷ. Đại Bồ-tát nên học như vậy.

Khi ấy, Thế Tôn tán thán Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Lành thay, lành thay! Tu-bồ-đề! Ông khéo làm các Phật sự, luôn vì hàng Bồ-tát tham vấn nghĩa này.

Này Tu-bồ-đề! Các Đại Bồ-tát có thể hồi hướng pháp giới, pháp tánh như vậy, như tri kiến của chư Phật Thế Tôn biết rõ như thật các căn lành, hoặc là thể, hoặc là tướng, hoặc tự tánh, hoặc pháp tánh, biết không có chỗ sinh cũng không có chỗ được. Pháp ấn của ta hồi hướng như vậy. Ta cũng tùy hỷ phước vô lượng, vô biên không thể tính đếm.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử ở tam thiên đại thiên thế giới đều có chúng sinh do tu pháp môn mười điều thiện đạt nhiều phước đức. Đại Bồ-tát phát tâm tối thắng hồi hướng pháp giới có được phước lành, so với các phước lành do tu mười điều thiện thì phước lành này tối thượng thù thắng vi diệu rộng lớn vô lượng không thể sánh được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Hãy để sự việc đó lại, giả sử ở tam thiên

đại thiên thế giới mọi chúng sinh đều tu hành bốn Vô lượng tâm, mỗi mỗi đều đắc pháp bốn Thiền định, bốn Vô sắc định và năm pháp Thần thông. Người hành phước như thế số ấy rất nhiều.

Còn Đại Bồ-tát này phát tâm tối thắng, hồi hướng pháp giới đạt được phước báu. So với phước trước thì nó tối thượng, thù thắng vi diệu quảng đại vô lượng không thể sánh bằng.

*********

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Hãy để lại việc như trước đã nói, thực hành bốn Vô lượng tâm cho đến thực hành năm Thần thông. Giả sử tam thiên đại thiên thế giới tất cả chúng sinh đều đắc quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, quả vị Duyên giác và các phước uẩn, giả sử tất cả chúng sinh ở tam thiên đại thiên thế giới đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề, chúng sinh đó gọi là Bồ-tát phát tâm. Bồ-tát này ở trong hằng hà sa số kiếp, đều dùng đồ ăn, thức uống, y phục, đồ nằm, thuốc men và còn có các đồ ưa thích khác bố thí cho tất cả chúng sinh khắp hằng sa thế giới. Lúc các Bồ-tát bố thí như vậy, tất cả đều khởi tâm tối thắng cao thượng, sinh tâm tưởng tôn trọng.

Tu-bồ-đề! Ý ông như thế nào? Các vị Bồ-tát này được phước nhiều không?

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều! Phước này vô lượng, vô biên, không có giới hạn, phần số, thí dụ, cho đến một phần nhỏ nhiệm cũng không thể sánh được.

Phật nói:

–Không thể được, này Tu-bồ-đề! Nếu có các thiện nam trụ vào Bồ-tát thừa, phương tiện tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sẽ được Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì rồi dùng căn lành ít ỏi để hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề, đây là hồi hướng pháp giới như thật, hồi hướng như vậy được phước. Lấy phước Bồ-tát bố thí so sánh thì phước đức của vị Bồ-tát bố thí không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn ức na-do-tha cho đến một phần nhỏ nhiệm cũng không bằng một. Vì sao? Vì phương tiện nơi căn lành của Bát-nhã ba-la-mật-đa này hơn hẳn tâm thực hành bố thí có sở đắc của Bồ-tát. Do vậy nên phước này không thể sánh được.

Khi ấy, bốn vị đại Thiên vương, cùng hai vạn Thiên tử, ở trong chúng hội nghe Phật nói như vậy liền chắp tay cung kính bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát theo phương tiện tu tập Bátnhã ba-la-mật-đa, được Bát-nhã ba-la-mật-đa này hộ trì nên dùng căn lành chân thật hồi hướng đến Nhất thiết trí. Hồi hướng như vậy là đại hồi hướng, đạt được phước hơn hẳn Bồ-tát phát tâm bố thí ở trước.

Lúc này, ở cõi trời Tam thập tam, có mười vạn Thiên tử làm mưa hoa trời, hương cõi trời: hương thoa, hương bột… ngoài ra còn có các loại cờ phướn, lọng báu, nhạc trời vi diệu, cho đến tất cả y phục quý báu cõi trời, các loại châu báu, dùng các thứ như thế cung kính cúng dường, rồi nói:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát khéo tu tập Bát-nhã ba-lamật-đa thì được Bát-nhã ba-la-mật-đa này hộ trì nên dùng căn lành hồi hướng đến pháp giới, hồi hướng như vậy là đại hồi hướng được phước nhiều hơn hẳn Bồ-tát bố thí ở trước.

Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con cùng các vị Thiên tử luôn cung kính, tôn trọng, tán thán đối với các Đại Bồ-tát có tâm tối thắng như vậy.

Khi các Thiên tử nói những lời ấy, thì tất cả các thế giới đều nghe, có mười vạn Thiên tử ở cõi trời Dạ-ma, cõi trời Tri túc có mười vạn Thiên tử, trời Hóa lạc có mười vạn Thiên tử, trời Tha hóa tự tại có mười vạn Thiên tử, cùng chúng Thiên tử nơi các cõi trời thuộc Dục giới đã đến nghe.

Lại nữa, ở cõi Sắc có trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Phạm thiên, trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Quang âm, trời Diệu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh, trời Vô vân, trời Phước sinh, trời Quảng quả, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện kiến, trời Thiện hiện, trời Sắc cứu cánh, các vị Thiên tử ở các cõi trời ấy đều chắp tay cung kính bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thật là hy hữu! Đại Bồ-tát khéo tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa được Bát-nhã ba-la-mật-đa này hộ trì nên dùng căn lành hồi hướng đến pháp giới, hồi hướng như vậy hơn hẳn Bồ-tát bố thí ở trước.

Khi ấy, Thế Tôn bảo các Thiên tử ở cõi trời Tịnh cư:

–Hãy để lại sự việc tam thiên đại thiên thế giới đều có Bồ-tát phát tâm như thế, Bồ-tát ở trong hằng hà sa số kiếp, bố thí rộng rãi cho chúng sinh như trước đã nói. Giả sử có hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, tất cả chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Bồđề. Các vị Bồ-tát ấy phát tâm trong hằng hà sa số kiếp dùng đồ ăn, thức uống, y phục, đồ nằm, thuốc men, đồ ưa thích của mình bố thí cho tất cả chúng sinh ở hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, hoặc lại có Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa là phương tiện tu tập, được Bát-nhã ba-la-mật-đa này hộ nên đối với căn lành, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của chư Phật ở quá khứ, vị lai, hiện tại cùng căn lành của Duyên giác, Thanh văn. Các căn lành như vậy hòa hợp, nhóm lại, so sánh với Bồ-tát dùng tâm tối thượng, thù thắng, vi diệu, rộng lớn, vô lượng, không gì sánh bằng đều tùy hỷ hồi hướng. Dùng căn lành tùy hỷ này, Bồ-tát hồi hướng chân thật đến Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát này tùy hỷ phước như vậy, so với Bồ-tát bố thí ở trước, thì phước đức vị kia không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn ức na-do-tha, cho đến một phần phước nhỏ nhiệm của vị này cũng không thể sánh được. Vì sao? Vì Bát-nhã bala-mật-đa có phương tiện đầy đủ hơn hẳn Bồ-tát thực hành bố thí ở trước.

Khi ấy Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như trước đã nói, Đại Bồ-tát tu tập Bátnhã ba-la-mật-đa với nhiều phương tiện, được Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì. Đối với các căn lành này dùng tâm tối thượng, thù thắng, vi diệu, rộng lớn, vô lượng, không gì sánh bằng hồi hướng chân thật đến Vô thượng Bồ-đề.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao tâm này tối thượng, cho đến không gì sánh bằng? Lại nữa, vì sao có tên là tùy hỷ như thật? Vì Đại Bồ-tát đối với các pháp ở quá khứ, vị lai, hiện tại không có chấp, không có xả, không có niệm, không thủ đắc, lìa tất cả nghi hoặc, không sinh tâm phân biệt.

Không có pháp quá khứ đã sinh, đã diệt; không có pháp vị lai chưa sinh, chưa diệt; không có pháp hiện tại đang sinh, đang diệt. Nên quán các pháp giống như hư không, lìa tất cả các tướng không có luân chuyển, không sinh, không diệt, không đến, không đi. Các pháp tướng kia cũng là các pháp tánh, các pháp tánh này tùy hỷ chân thật. Tùy hỷ hồi hướng cũng lại như vậy.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát đối với tất cả các pháp nên khởi tâm như vậy.

Tâm này gọi là tối thắng, tối cao, rộng lớn, vô lượng, không gì sánh bằng. Nên dùng tâm này mà tùy hỷ. Do vậy gọi là tâm chân thật tùy hỷ. Dùng căn lành tùy hỷ này hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề. Do đây nên có tên là chân hồi hướng.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Hãy để sự việc có hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, tất cả chúng sinh đều phát tâm Bồ-tát như trước đã nói, tất cả trong hằng hà sa số kiếp tu hạnh bố thí. Tu-bồ-đề! Lại có hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, tất cả chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Các vị Bồ-tát này phát tâm, ở trong hằng hà sa số kiếp luôn tu hành tinh tấn, dũng mãnh kiên cố không thoái chuyển, luôn giữ gìn tịnh giới làm các xa sự hôn trầm ngủ nghỉ và các pháp chứng đắc trong hằng hà sa số kiếp các Bồ-tát kia giữ gìn giới hạnh không có lỗi lầm.

Hoặc Đại Bồ-tát phương tiện tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa được Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì, được căn lành do giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của chư Phật ở quá khứ, vị lai, hiện tại cùng căn lành của Thanh văn, Duyên giác. Các căn lành như vậy, hòa hợp, nhóm lại, tính đếm, so sánh với Bồ-tát dùng tâm tối thắng, tối cao, vi diệu, rộng lớn, vô lượng, tất cả đều tùy hỷ, dùng căn lành tùy hỷ này hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát này tùy hỷ phước uẩn như vậy, so với phước uẩn của Bồ-tát hành trì nghiêm giới thì nó không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn ức na-do-tha cho đến một phần nhỏ nhiệm cũng không thể sánh được. Vì sao? Vì Bát-nhã bala-mật-đa đầy đủ phương tiện thiện xảo, nên hơn hẳn Bồ-tát có tâm hành trì giới.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Hãy để lại sự việc có hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, tất cả chúng sinh đều phát tâm Bồ-tát, mỗi vị trong hằng hà sa số kiếp đều thực hành giữ tịnh giới như trước đã nói. Tất cả chúng sinh trong hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Các vị Bồ-tát này phát tâm ở trong hằng hà sa số kiếp tu pháp tứ thiền tịch tĩnh, xa lìa các tướng loạn động, hoặc có Đại Bồ-tát phương tiện tu tập Bát-nhã ba-la-mậtđa được Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì nên các căn lành do giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của chư Phật ở quá khứ, vị lai, hiện tại cùng các căn lành của Thanh văn, Duyên giác nhóm lại, tính đếm, so sánh với Bồ-tát dùng tâm tối thắng, tối thượng, rộng lớn, vô lượng thì không gì sánh bằng. Tất cả tùy hỷ, dùng căn lành tùy hỷ này hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát này tùy hỷ phước uẩn như vậy, so với phước đức Bồ-tát tu pháp tứ thiền ở trước thì phước của vị kia không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn ức na-do-tha cho đến một phần nhỏ nhiệm cũng không thể sánh được. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa có đầy đủ phương tiện thiện xảo, nên hơn hẳn Bồ-tát tu hành nhẫn nhục.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Hãy để lại sự việc có hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới tất cả chúng sinh đều phát tâm Bồ-tát, mỗi vị trong hằng hà sa số kiếp thực hành nhẫn nhục như trước đã nói. Trong tam thiên đại thiên thế giới có các chúng sinh phát tâm Chánh đẳng giác, mỗi vị trong hằng hà sa số kiếp tu hành hạnh tinh tấn dũng mãnh, xa lìa hôn trầm, loạn động và các pháp chướng ngại. Bồ-tát kia trong hằng hà sa số kiếp luôn tinh tấn không sinh tâm biếng trễ.

Hoặc có Đại Bồ-tát phương tiện tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa được Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì nên ở quá khứ, vị lai, hiện tại đều có căn lành của giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của chư Phật và căn lành của Thanh văn, Duyên giác. Các căn lành hòa hợp như vậy nhóm lại, tính đếm, so sánh. Dùng tâm tối thắng, tối cao vi diệu, rộng lớn, vô lượng không gì sánh bằng, tất cả đều tùy hỷ. Dùng căn lành tùy hỷ này Bồ-tát hồi hướng về Vô thượng Bồ-đề. Tu-bồđề! Bồ-tát này tùy hỷ phước như vậy, so với phước Bồ-tát tu hành tinh tấn ở trước thì vị ấy không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn ức na-do-tha cho đến phần nhỏ nhiệm cũng không sánh được. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa có đầy đủ phương tiện thiện xảo, nên hơn hẳn Bồ-tát thực hành tinh tấn.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Hãy để sự việc có hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, tất cả chúng sinh đều phát tâm Bồ-tát, trong hằng hà sa số kiếp đều thực hành tinh tấn như trước đã nói. Tu-bồ-đề! Trong hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới có tất cả chúng sinh phát tâm Vô thượng Bồ-đề, có những vị Bồ-tát phát tâm trong hằng hà sa số kiếp tu bốn Thiền định an trụ tịch tĩnh, có các vị Bồ-tát trong hằng hà sa số kiếp tu xa lìa tất cả các tướng động, não loạn.

Hoặc có Đại Bồ-tát theo phương tiện tu tập đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa là chỗ hộ trì, nên ở quá khứ, vị lai, hiện tại đều được căn lành của giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của chư Phật và căn lành của Thanh văn, Duyên giác. Tất cả căn lành hòa hợp, nhóm lại, tính đếm, so sánh. Bồ-tát dùng tâm tối thắng, tối cao, rộng lớn, vô lượng không gì sánh bằng đều tùy hỷ hồi hướng. Dùng căn lành tùy hỷ hồi hướng này mà hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề. Bồ-tát này tùy hỷ phước như vậy, so với phước của Bồ-tát tu thiền định trước thì vị ấy không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn ức na-do-tha cho đến một phần nhỏ nhiệm cũng không thể sánh được. Vì sao? Vì Bát-nhã bala-mật-đa đầy đủ phương tiện thiện xảo nên hơn hẳn Bồ-tát thực hành thiền định.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ở quá khứ, vị lai, hiện tại Bồ-tát ưa thích pháp môn sáu pháp Ba-la-mật-đa của chư Phật thì tu học đúng pháp tùy hỷ chân thật như vậy, đối với các pháp trụ vào nghĩa chân thật. Nghĩa chân thật của các pháp là tánh giải thoát, như giải thoát, bố thí cũng lại như vậy. Giải thoát, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ cũng đều như vậy. Nghĩa giải thoát, giải thoát tri kiến cũng như vậy. Nghĩa giải thoát tâm tùy hỷ hành phước tùy hỷ cũng lại như vậy. Nghĩa giải thoát tâm hồi hướng và pháp hồi hướng cũng lại như vậy. Nghĩa pháp đã diệt trong quá khứ, pháp chưa sinh trong vị lai, pháp vô trụ trong hiện tại cũng lại như vậy. Nghĩa giải thoát mười phương, ba đời, vô lượng, vô số chư Phật và các pháp Phật cũng lại như vậy. Cho đến nghĩa các pháp không trói, không mở, không an trụ, không chấp trước cũng như vậy, tánh giải thoát tức là các pháp tánh.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nên biết như vậy đối với tất cả pháp nên học và tùy hỷ như vậy đối với sáu pháp Ba-la-mật-đa. Dùng căn lành tùy hỷ này hồi hướng chân thật đến Vô thượng Bồ-đề.