LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 6: THÁNH CHỦNG

Một thời, Đức Bạc-già-phạm ngụ nơi vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với các Bí-sô: Có bốn Thánh chủng (dòng giống Phật) này thật là quý báu, chính là dòng dõi thật đáng mến thích,vì ở hiện tại không hề có tạp bẩn cũng như chưa từng có và sẽ chẳng bao giờ tạp bẩn, tất cả Sa-môn hoặc Bà-la-môn, chúng Thiên Ma Phạm hoặc cõi thế gian khác không thể dùng pháp nào, cách gì mà chê bai nhạo báng được.

Những gì là bốn? Nghĩa là hàng đệ tử Hiền Thánh đa văn của Ta khi được người cúng dường y phục thì liền sinh hỷ túc (tri túc mừng cho là đủ), ca tụng khen ngợi tánh hỷ túc, không bao giờ vì việc mong tìm y phục mà để cho thế gian chê cười. Nếu tìm có thì không hề buồn phiền than trách, dẫn đến việc ngóng cổ kiếm tìm, vuốt ngực tức tối buồn phiền. Nếu khi tìm có rồi thì đúng pháp mà thọ dụng, không hề ham thích mê mẩn đời, rồi tích chứa giấu giếm… Đến khi thọ dụng thì luôn nghĩ đến các lỗi lầm sai trái của mình và quyết lòng tính chuyện xuất ly giải thoát. Người này vì khi được y phục mà hỷ túc nên không bao giờ lên mặt khinh chê miệt thị kẻ khác, mà luôn luôn siêng năng tự khuyên răn khích lệ, luôn buộc niệm vào chánh tri. Đó gọi là an trụ vào Thánh chủng cổ xưa. Người đệ tử như thế khi được thức ăn uống liền sinh hỷ túc, rộng nói như trước đã kể. Người đệ tử như thế, khi được ngọa cụ giường nằm liền sinh hỷ túc, rộng nói như trước… Người đệ tử như thế, ái và lạc đã đoạn dứt, siêng năng chuyên cần tìm học phương cách đoạn trừ ái lạc ham muốn, và rất ưa thích việc tu tập siêng năng chuyên cần học hỏi về việc tu tập ái lạc. Vì như thế nên người đó đã tu tập đoạn trừ được ái lạc ham thích không bao giờ miệt thị khinh khi kẻ khác. Trái lại luôn siêng năng tự khích lệ mình thường buộc niệm vào chánh tri. Đó gọi là an trụ vào dòng dõi Hiền Thánh tự ngàn xưa. Đó là hàng đệ tử Hiền Thánh đa văn của Ta, luôn thành tựu được bốn thứ Thánh chủng như thế, nên khắp Đông Tây Nam Bắc này, những chỗ nào không ai thèm ở, nhưng người này lại có thể ở được, vì vui hay không vui, thích hay không thích, người ấy đều có thể chịu đựng được. Bấy giờ, Thế Tôn muốn tóm tắt các nghĩa trước đây nên nói kệ:

Dũng không ưa ở đó,
Người ấy ưa ở đó,
Không vui ưa cái ưa,
Người đó chịu đựng được.
Đã buông bỏ tham dục,
Không vật nào ngăn ngại,
Vàng ròng Nam Thiệm-bộ,
Thì ai khen chê được.

Có bốn thứ Thánh chủng là cao quý.

Nói bốn thứ Thánh chủng đó là gì? Đó là tất cả Phật và các hàng đệ tử cùng chung một thi thiết là tối thắng.

Là dòng dõi, thì tất cả chư Phật cùng các hàng đệ tử đã từ xa xưa không phải là cùng dòng họ ở chung một nhà.

Thật đáng mến thích, thì bốn Thánh chủng này là tất cả chư Phật cùng các hàng đệ tử, từ xa xưa đến nay suốt cả ngày đêm, trong mọi thời gian đều mến thích chánh pháp.

Hiện không tạp nhiễm, là bốn Thánh chủng này trong hiện tại không làm những điều xấu ác, bất thiện, hoặc gần gũi những nơi sình lầy ô nhiễm của tội ác, không có tính chất lộn xộn, nhiễm bẩn, mà lại hay xa lìa chúng.

Chưa từng có tạo nhiễm là bốn Thánh chủng này, ở quá khứ không làm các điều xấu ác chẳng thiện hoặc gần gũi nơi sình lầy của tội ác, không có tự tánh lộn xộn nhiễm bẩn, mà lại hay xa lìa từ bỏ chúng.

Sẽ không bao giờ có tạp nhiễm, tức là bố Thánh chủng này ở đời vị lai sẽ không hề làm các điều xấu ác, các pháp chẳng thiện, hoặc gần gũi nơi sình lầy của tội ác, không có tự tánh (tánh) lộn xộn, nhiễm bẩn, mà lại giỏi xa lìa từ bỏ chúng.

Cho nên các hàng Sa-môn v.v…, không thể dùng pháp nào, cách gì mà chê bai nhạo báng họ được, thì bốn Thánh chủng này không phải là tất cả chư Phật và hàng đệ tử, hoặc là các bậc Hiền Thánh cao quý, các bậc Thiện sĩ…, có thể chê bai hủy báng được. Nghĩa là các thánh chủng đó đối với những kẻ hạ tiện thấp kém và pháp chẳng thiện, mà tin theo làm theo là tự hại mình, hại người, hoặc mình và người đều tổn hại, lại hay tiêu diệt trí tuệ, hay ngăn trở các loại đó, làm chướng ngại Niết-bàn. Nếu hạng đó làm các pháp này (điều đó) thì không sinh trí tuệ, không dẫn đến Bồ-đề, không thể chứng được Niết-bàn.

Những Thánh chủng này không phải là pháp để hạng kia chế nhạo hủy báng.

Khi tùy lúc có được y phục liền sinh hỷ túc, nghĩa là tùy lúc có được thứ y phục phấn tảo hay có được thứ y phục do thí chủ cúng dường, dù xấu hay đẹp đều sinh lòng hỷ túc, cầu được dùng để che thân, ngăn nóng lạnh mà thôi. Khen ngợi tánh hỷ túc nghĩa là luôn khen ngợi rằng đối với việc có được y phục mà biết hỷ túc, đó là từ hỷ túc này sẽ dẫn đến suốt đời (trường đạ) thiểu dục hỷ túc, tánh giản dị dễ sống dễ đủ. Luôn giảm trừ các việc ác, thêm lớn các nghiệp thiện, nên nhanh chóng được viên mãn, có nhiều phước đức. Đối với các vật thường dùng luôn biết chừng mực độ lượng, nên luôn khiến mình và người, thân tâm đều được nghiêm tịnh.

Thường luôn khen ngợi, tức là không nói nhiều, nói hoài, chỉ khi nào thấy việc đáng nói thì tùy trường hợp, tùy duyên mà nói, khiến người khác phải khâm phục, tôn trọng sự hỷ túc này vậy.

Không vì cầu tìm y phục mà khiến thế gian dè bỉu khinh khi, nghĩa là người đệ tử Phật không phải là loại người vì mong cầu y phục mà đến nhà thí chủ giả dạng oai nghi, bày lời nói năng biện luận, mạo tướng miệt mài đau khổ chỉ là để dụ lợi, khiến cho người đời lắm lời dè bỉu khinh khi. Các hàng đệ tử Phật không thể giống với hạng này nên không bị người khác bàn tán chê cười.

Nếu cầu không được thì cũng không áo não buồn than, là đệ tử Phật khi mong cầu ăn mặc gặp lúc không được như ý thì cũng không hề áo não buồn than hoặc ngóng cổ trông mong, vỗ ngực tức tối buồn phiền, có nghĩa là lòng nóng nảy bứt rứt, đều nóng, nóng khắp, trong lòng giận hờn uất ức như kinh hoàng bỏng cháy, sầu lo hối hận, như tên độc bắn trúng tim, không biết phải xử sự ra sao, chỉ biết luôn luôn buồn phiền oán trách khẩn cầu tha thiết, gọi chung là áo. Than, nghĩa là tâm buồn rầu nóng nảy bực bội như thế rồi thì nghĩ: Ta không có y phục biết phải dùng phương cách nào mà tự cứu đây? Nhân đó mà phát ra vô số lời lẽ nói về ý nghĩ của mình, gọi chung là than thở.

Ngóng cổ mong tìm là buồn phiền than thở xong rồi, liền ngóng cổ mong sao thí chủ để ý đến (hoặc đổi ý cho thêm thứ tốt).

Vuốt ngực buồn phiền, là đợi mãi mà chẳng có được, hết đường hy vọng nên đành vuốt ngực buồn phiền. Các đệ tử của Phật thì không bao giờ làm các việc như thế. Nếu cầu được rồi thì đúng pháp mà thọ dụng, lòng không hề đắm trước ham thích mê mẩn, rồi giấu giếm tàng trữ chứa nhóm.

Nói là đam mê đắm trước, đều là chỉ rõ tánh tham ái, dù trước hay sau, có nặng hay nhẹ, cũng phân biệt rõ ràng các ngôi thứ phân lượng.

Đến khi thọ dụng thì chỉ nghĩ đến các lỗi lầm tai họa, chỉ một lòng nghĩ đến chuyện xuất ly giải thoát, là các đệ tử Phật khi thọ dụng các thứ y phục có được, thì thường thấy những tai họa lỗi lầm. Nghĩa là những thứ y phục này luôn vô thường biến động. Khi mong tìm thì tốn biết bao công khó mệt nhọc, rồi thọ dụng không đúng pháp thì sinh nhiều tật bệnh, là các pháp mất mát hư hoại, là các sự thêm nhiều giảm bớt. Vì tạm được rồi lại mất đi, nhanh chóng không ngừng nghỉ. Xưa là không mà nay lại có, đã có rồi lại hoàn không, chẳng thể bảo đảm tin cậy được. Lại khi thọ dụng thì chỉ nghĩ biết một việc là xuất ly. Luôn thành tựu việc tiến đến trí tuệ xuất ly giải thoát. Vì muốn chứng nhập Niết-bàn mà thọ dụng y phục này. Lại khi thọ dụng thì trước hết phải điều phục chế ngự tham dục, kế đến phải đoạn trừ tham dục, sau hết là thoát khỏi tham dục. Do nhân duyên này mà tâm lìa nhiễm và được giải thoát.

Người này do khi được y phục mà biết hỷ túc, không làm cao lên mặt khinh chê miệt thị người khác, là người đệ tử Phật này tuy đối với việc được y phục luôn biết hỷ túc nhưng không bao giờ lên mặt khi người, không giống như một kẻ ỷ mình có được hỷ túc mà kiêu ngạo phách lối khoe: Chỉ có ta biết thiểu dục hỷ túc như thế, chỉ có ta là không đòi hỏi biết tri túc, không lắm chuyện lắm điều, là kẻ ít sự việc, ít tạo tác, ít ham thích mê đắm nhất, chỉ có ta biết sống giản dị, dễ sống dễ đủ, luôn biết giảm thiểu các điều ác, thêm nhiều các nghiệp thiện. Nên mau được viên mãn trọn vẹn, có nhiều phước đức. Đối với các vật thường dùng luôn biết chừng mực độ lượng. Hay khéo vì người khác mà ca tụng ngợi khen pháp hỷ túc. Không như một số người do biết sống hỷ túc mà khinh thị người khác rằng: Mấy ông Bí-sô khác…, có ông nào biết sống thiểu dục hỷ túc đâu! Có ai mà ít đòi hỏi, ít việc ít điều đâu… rộng nói cho đến có ai biết vì người khác mà khen ngợi ca tụng pháp hỷ túc đâu!

Các hàng đệ tử Phật đều không bao giờ làm các việc đó, mà luôn luôn tự sách tấn, tự răn mình luôn buộc niệm vào chánh tri. Nghĩa là người đệ tử Phật đối với việc tùy nghi có được y phục thì biết hỷ túc, đúng như pháp mà thọ dụng, không hề đắm mê nhiễm trước, hay ngẫm nghĩ các lỗi lầm tai họa, luôn chánh tri lo việc giải thoát xuất ly. Không bao giờ khinh miệt người khác, lại thường siêng năng tự khuyến khích răn mình, luôn chánh niệm chánh tri.

Nói tự khuyến khích răn mình, tức là chỉ cho sự tinh tấn siêng năng, chuyên cần cố gắng.

Chánh tri, tức là chánh kiến, thấy biết đúng đắn.

Hệ niệm, tức là chỉ về chánh niệm.

Ở đây tóm lược chỉ rõ ba chi đạo của bảy giác chi nên gọi là an trụ.

Thánh chủng cổ tích (giống thánh ngàn xưa). Câu Thánh chủng cổ tích trước là chỉ cho các đệ tử Phật đã thành tựu điều phục được các nghiệp thiện, tâm ý an vui như trước đã nói. Còn Thánh chủng cổ tích sau là nói rõ rằng từ xưa đến nay tất cả các bậc Hiền Thánh đều nương theo dòng Thánh như thế mà tu tập, tu tập thật nhiều thì mới đến được chỗ rốt ráo.

An trụ nói trong này, là nói về các đệ tử Phật đối với việc tùy lúc có được y phục mà biết hỷ túc, lại càng cố gắng tạo thêm nhiều điều thiện hữu lậu và đạo vô lậu, các thứ an trụ đều trụ, trụ khắp, trụ gần…

Người đệ tử như thế tùy nghi được ăn uống liền biết hỷ túc. Nghĩa là hàng đệ tử Hiền Thánh đa văn của Phật khi đi khất thực được các thức ăn uống, hoặc được mời thỉnh cúng dường mà được ăn uống, dù ngon hay dở cũng đều nên biết hỷ túc, chỉ là để nuôi thân cho qua cơn đói khát.

Rộng nói như trước, nghĩa là khen ngợi ca tụng, hỷ túc v.v… Rộng nói như trước đã nói về việc có được y phục mà biết hỷ túc.

Các vị đệ tử như thế, khi được ngọa cụ liền biết hỷ túc, là hàng đệ tử Hiền Thánh đa văn của Phật khi nhận được tọa cụ để trải bên gốc cây, hoặc để trải trong phòng xá lầu đài, dù tốt hay xấu đều nên sinh lòng biết hỷ túc. Đây là vật giúp thân khi quá mệt mỏi mà ngồi nằm nghỉ ngơi.

Rộng nói như trước, tức là khen ngợi pháp hỷ túc v.v…, cũng rộng nói như trước đã nói khi được y phục mà sinh lòng hỷ túc…

Các vị đệ tử như thế đoạn dứt ái dục v.v…, nghĩa là các hàng đệ tử Hiền Thánh đa văn của Phật thường lo đoạn ái và tu ái. Luôn ham thích việc tu tập đoạn trừ, siêng năng chuyên cần tìm học các phương cách đoạn và tu ái lạc.

Thế nào là đoạn ái và tu ái? Nghĩa là nếu chưa đoạn trừ hết các pháp chẳng thiện, chưa tu tập các pháp thiện, nên không ham thích, không vô cùng ham thích các việc tu tập và đoạn trừ, do đó mà có việc ngóng cổ dáo dát trông chờ tìm kiếm. Còn như ai đã đoạn các nghiệp ác chẳng thiện, tu tập các pháp thiện, thì người này ham thích, rất ham thích các việc tu và đoạn, thành thử không có việc ngóng cổ trông chờ.

Thế nào là ham thích (nhạo) việc tu tập đoạn trừ? Nghĩa là rất ham thích việc đoạn trừ và tu tập, càng cố gắng thêm nhiều để siêng năng chuyên cần học tập. Do người này đã đoạn trừ và tu tập các ái lạc như thế, nhưng không bao giờ ỷ mình mà khinh người khác, nghĩa là người đệ tử Phật tuy đã đoạn trừ và tu tập các ái lạc, tuy đã siêng năng chuyên cần học hỏi, nhưng không bao giờ giống như một loại người chính vì sự ham thích và đoạn trừ này mà ỷ mình khoe rằng: Ta đã được thiểu dục hỷ túc, ít ham muốn đòi hỏi biết tri túc, không lắm việc lắm điều, rất ít bày đặt gây tạo hoặc đam mê đắm trước, dễ sống dễ đủ luôn giảm bớt các điều ác, thêm lớn các việc thiện, ham thích ưa chuộng sự tu tập đoạn trừ, luôn siêng năng chuyên cần học tập việc đoạn trừ và tu tập các sự ham muốn ưa thích (ái lạc), chẳng phải như một loại người do sự ham thích việc tu và đoạn ái lạc đó mà dấy lên khinh chê người khác rằng: Các ông Bí-sô khác đều không hề biết thiểu dục hỷ túc là gì, hãy còn lắm sự nhiều việc…, rộng nói cho đến là biết ham thích việc tu tập và đoạn trừ, luôn cố gắng siêng năng chuyên cần học hỏi các việc đoạn trừ, tu tập các ham thích ái lạc. Các hàng đệ tử Phật đều không bao giờ làm các việc như thế, mà luôn tự khuyến khích mình, biết đúng nghĩ đúng, đó gọi là an trụ trong dòng Thánh chủng ngàn xưa, cũng rộng giải thích như trước về những sự khác nhau.

An trụ nói trong này là chỉ rõ cho các đệ tử Phật đối với việc đoạn trừ và tu tập các ái lạc, cố gắng tăng thêm nhiều các pháp thiện hữu lậu và đạo vô lậu, các thứ an trụ đều trụ, trụ khắp, trụ gần.