KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 6: THÂN KIM CƯƠNG

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói với Ca-diếp:

–Này thiện nam! Thân Như Lai là thân kim cương, không phải là thân uế thực. Đó chính là pháp thân, ông hãy nên quán xét như thế.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Không phải hạng phàm phu tầm thường như con vốn có năng lực quán xét điều đó. Vì lẽ gì? Nếu đích thực Như Lai nhập Nê-hoàn, thì thân ấy chính là thân hư hoại, thân đất bụi, thân uế thực. Nếu thực sự Như Lai vĩnh viễn chẳng nhập Nê-hoàn, thì phải nên thuận theo phép tu quán tưởng bình đẳng.

Phật bảo Ca-diếp:

–Này thiện nam! Ông đừng nói rằng thân Ta cùng với thân người đời bị hư hoại, nguy hiểm, dễ vỡ, quay lăn mãi trong vòng sống chết trải qua kiếp số lâu dài giống như nhau. Thân Như Lai chính là thân không thể nào bị hư hoại; không phải là thân người đời, cũng chẳng phải là thân cõi trời; không phải là thân uế thực, chính là thân vô ngã; cũng không sinh, cũng chẳng diệt; không tập khởi, cũng chẳng lưu chuyển; không có ranh giới bến bờ, không có dấu vết; không phải trí, cũng chẳng phải hạnh, bản tánh thanh tịnh; không thật có, không có đối tượng thọ nhận; không có đến, không có đi; không trụ, cũng chẳng động; không mùi vị, cũng chẳng xúc chạm; không có sự nhận biết, không có sự suy nghĩ; không có gì so sánh bằng, không có gì lớn hơn được nữa; đi đến chỗ không phải là nơi đi đến, đi đến chỗ đúng là nơi đi đến; pháp dứt bỏ vĩnh viễn, pháp không phải dứt bỏ; không phải sự, cũng chẳng phải thật; không phải giác, cũng chẳng phải tưởng; không phải bắt đầu tạo ra, cũng chẳng phải rốt cuộc hoàn thành; không phải lập nên, chẳng phải đầy tràn; không phải nơi chốn, chẳng phải nhà cửa; không phải dừng nghỉ, chẳng phải yên tĩnh; mở rộng sự thanh tịnh, xa lìa các phiền não; không phải nắm giữ, cũng chẳng phải bám víu; không phải can ngăn, lìa khỏi tranh cãi; thường trụ mà không phải trụ cho nên không khuất phục cũng chẳng cứng nhắc; không phải pháp, cũng chẳng phải phi pháp; không phải điền, cũng chẳng phải phi điền; không thể nào cùng tận; không phải Tỳ-kheo, cũng chẳng phải phi Tỳkheo; lìa bỏ danh tự, lìa bỏ sự khen ngợi, lìa bỏ lời ăn tiếng nói, lìa bỏ sự tu tập, lìa bỏ suy nghĩ ước muốn; không phải hòa hợp, cũng chẳng phải phi hòa hợp; không phải lượng, cũng chẳng phải phi lượng; không phải đến, cũng chẳng phải không đến; không phải thông suốt, cũng chẳng phải trở ngại; không phải lìa tướng; từng tướng một trang nghiêm song không nắm giữ, phi hữu, lìa hữu, có năng lực làm ruộng phước, thực sự không thể nhìn thấy, không thể tỏ rõ, như như chân thật; độ tất cả chúng sinh mà không có điều gì để độ; giải thoát hết thảy chúng sinh mà không có gì giải thoát cả; thanh tịnh cho tất cả chúng sinh mà không có gì để thanh tịnh; che chở cho tất cả chúng sinh mà không có gì để che chở; giảng dạy chúng sinh mà không có hai; không có gì so sánh bằng, không có gì cao hơn cái không có gì cao hơn đó; vô lượng đẳng, hư không đẳng, vô đẳng, vô sinh đẳng, vô hữu đẳng, vô đẳng, lìa đẳng, tịch diệt không phải dứt hẳn hành, chẳng phải chuyển biến mà chuyển biến rốt ráo, tất cả thâu nhận và cắt đứt sự tuyệt diệu hết sức sâu sắc, hiện giáo pháp bất nhị, không bỏ tự tính; không phải thành, không phải dài, cũng chẳng phải ngắn; không phải Ấm, không phải Giới, cũng chẳng phải Nhập; không phải tướng hữu vi, không phải xứ vô vi, cũng chẳng phải nuôi lớn; không lên cao cũng chẳng xuống thấp; không phải tàng chứa, cũng không phải chứa cất; không phải địa, cũng chẳng phải phi địa. Công đức như thế rất nhiều không sao đếm xuể và không thể nào suy nghĩ luận bàn, đó là thân Như Lai. Không có người biết, không có người thấy, không có người nói, không có người bàn luận, không phải là việc mà thế gian thâu nhận; không phải nguyên nhân, cũng không phải là không có nguyên nhân, nắm giữ cái tướng của hết thảy vọng tưởng rồi nói rằng, Nê-hoàn không thể lấy gì để so sánh, vô lượng công đức thành tựu như thế gọi là thân Như Lai. Như vậy, này Ca-diếp! Thân tướng của Như Lai, có lẽ hàng Thanh văn và Phật-bích-chi biết được, thành tựu thân Như Lai như thế, đó là pháp thân, không phải là thân uế thực, làm sao hủy hoại bệnh khổ như đồ hư hỏng? Tùy theo người nhận lãnh sự giáo hóa mà Ta hiện nay thân già, bệnh, chết. Pháp thân của Như Lai là thân kim cương khó hủy hoại. Này Ca-diếp! Từ nay về sau ông nên biết như thế này, thân Như Lai không phải là thân uế thực, ông hãy giảng nói rộng rãi cho mọi người biết, từ nguyên nhân vi diệu sinh ra, đó chính là pháp thân, là thân kim cương, là thân thuần hậu, nên biết ấy là pháp thường trụ vậy.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Công đức của Như Lai đầy đủ như thế thì sao gọi là thân có bệnh, hoặc là chết. Kể từ hôm nay, con sẽ quán xét pháp thân Như Lai thường trụ, không phải là pháp biến đổi, tốt đẹp, tịch diệt, con sẽ giảng nói rộng rãi cho mọi người. Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Pháp thân kim cương của Như Lai không hủy hoại, thế nhưng con chưa thể biết được sở nhân thế nào?

Phật bảo Ca-diếp:

–Người hộ trì pháp ấy không phải là người giữ năm giới cấm, cũng chẳng phải là bậc hiền đức thực hành thông thạo giới luật uy nghi.

Người ấy ở trong đời ác chẳng tiếc thân mạng, tay cầm giữ đồ sắc bén để che chở bảo vệ pháp sư và những người giữ giới, đó là người hộ pháp.

Ca-diếp bạch Phật:

–Tỳ-kheo và người cầm khí cụ gậy gộc kia đều cùng đi chung hay ngừng lại, há không có người nào là không phải Tỳ-kheo chăng?

Đức Phật nói:

–Chẳng phải vậy.

Ca-diếp lại bạch Phật:

–Thế thì đây là hạng cư sĩ cạo đầu mà thôi.

Phật bảo Ca-diếp:

–Ông chớ nói lời như thế. Vì sao? Nếu có người nào một mình ở chỗ vắng vẻ yên lặng, tu hành chín pháp của hạnh Đầu-đà, xin ăn, ít ham muốn, im lặng, thiền định, suy nghĩ, quán xét thân thể, kinh hành; cũng giảng nói về pháp bố thí, giữ giới, tu tập, đạo đức, hành nghiệp, nhân quả cho mọi người; thế nhưng người ấy không thể tuyên giảng rộng rãi về sự không sợ hãi; cũng lại không thể hàng phục và giáo hóa người xấu ác, giả dối, lừa bịp. Nên biết rằng người này không thể tự độ mình, cũng chẳng hóa độ người khác, họ chỉ tu trì phạm hạnh và hoàn thiện riêng cho mình mà thôi.

Nếu lại có Tỳ-kheo thực hành pháp tu Đầu-đà, được có cả sự không sợ hãi; vị ấy tuyên giảng rộng rãi chín bộ: Tu-đa-la (Khế kinh), Kỳ-dạ (Trùng tụng kệ), Thụ ký, Già-đà (Phúng), Nhân duyên, Như thị ngữ (Bản sự), Bản sinh, Phương quảng, Vị tằng hữu (Chưa từng có), để giáo hóa chúng sinh, tự độ mình, độ cho người khác. Vị ấy lại còn nói những câu trọng yếu trong Khế kinh cho mọi người, như nói rằng, trong bộ kinh nọ có nói không được nuôi dưỡng đầy tớ, nô bộc, bò, ngựa, các loài súc sinh cho đến không đồng ý nhận tài vật phi pháp, nếu nhận cất giữ thì không phải là pháp của người xuất gia, người này phạm vào quy chế nên phải bãi đạo và đuổi ra khỏi. Những kẻ phạm giới nghe nói lời như thế bèn cùng bè đảng giận dữ làm hại vị pháp sư kia, vị kia tuy chấm dứt mạng sống, song vẫn còn có thể tự độ mình và cũng có thể hóa độ người khác. Cho nên, này Ca-diếp! Các Ưu-bà-tắc hoặc vua chúa, quan lớn nên hộ trì pháp, cũng nên hàng phục hạng cư sĩ cạo đầu.

Lại nữa, này Ca-diếp! Thời quá khứ lâu xa a-tăng-kỳ kiếp, thế giới ấy có Đức Phật tên là Nan-đề-bạt-đàn Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác xuất hiện làm hưng thịnh cho đời, Đức Phật cũng thường trú ở thành Câu-di này. Khi ấy thế giới này rộng rãi nghiêm tịnh ví như cõi nước Cực lạc ở phương Tây, những chúng sinh ở đó thảy đều yên vui, không có ý tưởng đói khát, hoàn toàn là các vị Bồ-tát. Đức Phật kia sống ở đời vô lượng ức kiếp rồi mới vào Nê-hoàn, đã để lại giáo pháp ở đời cũng lại vô lượng ức kiếp. Như thế, còn lại bốn mươi năm khi Phật pháp chưa diệt, khi ấy có vị Tỳ-kheo tên là Phật-độ-đạt-đa xuất hiện ở thế gian, đại chúng và quyến thuộc kẻ trước người sau lần lượt đi về bên phải. Vị ấy thành tựu sự không sợ hãi mà nói pháp cho mọi người, rồi đem chín bộ kinh để giảng dạy các Tỳ-kheo: “Trong bộ khế kinh nọ nói rằng, không được nuôi dưỡng đầy tớ, nô bộc, loài súc sinh và không đồng ý nhận tài vật không đúng pháp”.

Những kẻ phạm giới bèn nổi tức giận, kết bè lập đảng giúp nhau muốn làm hại Pháp sư. Khi đó, vị quốc vương kia tên là Bà-già-đạt-đa nghe tin những người ác kia sắp làm hại Pháp sư, nhằm để hộ trì Phật pháp, lập tức ông liền cầm vũ khí sắc bén, cùng chung khổ cực chiến đấu tiêu diệt đám người xấu ác. Thân thể nhà vua bị thương tích, ông bèn đi đến chỗ ở của Pháp sư, Pháp sư nói về công đức hộ pháp cho nhà vua nghe, nghe pháp xong, chẳng bao lâu nhà vua qua đời, sinh về cõi nước của Đức Phật A-súc. Khi ấy, những người quyến thuộc cùng hộ pháp với vua đều lần lượt qua đời, được sinh cõi nước của Đức Phật A-súc, những người phát tâm hoan hỷ với công đức ấy đều thành tựu Bồ-đề. Rồi chẳng bao lâu Pháp sư Phật-độ-đạt-đa lại chấm dứt mạng sống, cũng sinh về cõi nước của Đức Phật A-súc kia, làm vị đệ tử hàng đầu của Đức Phật A-súc, vua Bà-già-đạt-đa làm vị đệ tử thứ nhì.

Phật bảo Ca-diếp:

–Bấy giờ, vị quốc vương hộ pháp đó đâu phải người nào khác mà chính là Ta, vị Pháp sư hồi ấy chính là Đức Phật Ca-diếp. Này Cadiếp! Nên biết rằng công đức hộ trì chánh pháp là vô lượng, Ta vốn nhờ không tiếc thân mạng hộ trì chánh pháp, nên được pháp thân kim cương chẳng hoại này.

Ca-diếp bạch Phật:

–Như lời Thế Tôn dạy, pháp thân của Như Lai chân thật, thường trụ, không phải là pháp phai mờ tiêu diệt, tâm ý con tin chắc dường như khắc vào đá.

Phật bảo Ca-diếp:

–Cho nên, này thiện nam! Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nên chăm chỉ phương tiện hộ trì chánh pháp, các vị cũng nên giảng nói rộng rãi về quả báo của việc hộ pháp cho mọi người rõ. Lại nữa, này Ca-diếp! Luận rằng, người làm Pháp sư giữ gìn giới hạnh thanh tịnh thì hãy thường phải tự bảo hộ mình, không có dụng cụ để tự phòng ngừa, thì chớ coi thường cử động của mình. Nếu người Ưu-bàtắc không thọ giới cụ túc mà học Đại thừa, vì sự hộ trì chánh pháp mà cầm khí cụ gậy gộc, thì ông hãy nên nương tựa những người ấy để làm bè bạn.

Ca-diếp lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã nói, cùng người cầm gậy gộc kết giao đều là không phải uy nghi giới luật.

Phật bảo:

–Sau khi Ta vào Nê-hoàn, trong cõi đời vẩn đục, nhân khi lúa gạo đắt đỏ, tật dịch lan tràn, kẻ trá hình lợi dưỡng đông nhiều vô số. Khi ấy có Pháp sư trì giới trì luật, uy nghi đầy đủ, bị những người kia xua đuổi, hoặc làm hại, hoặc giết. Đang lúc ấy, vị Pháp sư giữ giới dạo chơi đến các thành ấp, chốn đồng không mông quạnh tai nạn nguy hiểm. Ta nghe tin bèn cùng với vị quốc vương kia, quan lớn, người nông thôn, cư sĩ, chiên-đà-la v.v…, họ không thọ giới cụ túc song có khả năng hộ pháp, ta kết làm bè bạn với họ. Mặc dầu các hạng người kia không thọ giới, nhưng quả báo của công đức hộ pháp vô lượng hơn hẳn những người thọ giới. Vị Pháp sư ấy vâng giữ giới hạnh, thanh tịnh uy nghi, hết sức ưa thích Đại thừa và giảng nói rộng rãi cho mọi người. Có thể đem dầu thơm, phướn, hoa, các vật dụng cúng dường, cùng với các quốc vương, quan lớn, trưởng giả thay nhau hiến tặng mà chẳng hủy mất pháp hạnh sa-môn. Gọi rằng Pháp sư giữ giới như thế là tự thân vị đó thâu nhận và nắm giữ pháp chân thật dường như biển cả, uy nghi đầy đủ, ấy gọi là giữ giới. Hoặc giả có người giữ giới mà không ưa thích vui sướng, chẳng ham chuộng danh dự, chán ghét lợi dưỡng, thường nói về hạnh ít muốn và biết đủ cho mọi người. So sánh những sự việc như thế, lợi ích của mình giảm bớt, bà con thân thuộc không vui lòng, nên họ không gọi là Pháp sư. Từ đó, đối với các chúng học trò họ bèn khởi lên ý tưởng chán nản uể oải, tự phá hoại quyến thuộc, cũng gọi là phá hoại Tăng. Tăng có ba hạng: Tăng phạm giới, Tăng như trẻ con ngây ngô và Tăng thanh tịnh. Hai loại Tăng trước không thể phá hoại Tăng thanh tịnh. Tăng phạm giới là hạng phàm phu lần thần ngu xuẩn, họ thuận theo người phạm giới, không kiểm tra xem xét nhau, vì sự tham lam bẩn đục mà họ chung cùng hòa hợp, đó gọi là Tăng phạm giới. Cho dù tự bản thân họ có khả năng giữ giới, song cũng lại gọi họ là số Tăng phạm giới vậy. Những hạng Tăng như thế không đúng với việc tu hành mà họ cứ làm, nếu người nào có khả năng cảm hóa các người phi pháp này thì gọi người ấy là Pháp sư.

Tăng ngây ngô khờ dại là hạng Tăng không chịu học tập tu hành, căn trí ngu si chậm chạp. Giả sử được lợi dưỡng, họ tự cung cấp cho mình và quyến thuộc, nhưng việc tu tập thì người nào lo xây dựng người nấy, không cùng chung cùng hòa hợp. Lại nữa, họ cũng không cùng người phạm giới làm phép Tự-tứ hay Bố-tát chung với nhau. Nếu như vị nào có năng lực cảm hóa hạng người ngu si phi pháp này, thì gọi vị ấy là Pháp sư.

Tăng theo đúng giới pháp luật nghi, những hạng Tăng như thế khiến chúng ma dù sao cũng không thể nào ngăn trở phá hoại. Dường như hạng Bồ-tát Tăng tính thường thanh tịnh, hai hạng Tăng kia là thầy phạm giới. Vị thầy giữ gìn giới luật là người khéo giáo hóa, biết thời, biết nặng, biết nhẹ, không phán đoán điều sai trái giới luật, cũng không phán đoán xác đáng.

Thế nào gọi là Pháp sư theo đúng giới pháp luật nghi khéo biết thời gian giáo hóa? Đó là Bồ-tát, hoặc là như con trẻ thơ dại, nếu Bồtát giáo hóa nhằm việc hộ trì chánh pháp, cũng không quán xét đúng thời hay trái thời, dư hay không dư, hoặc cho phép, hoặc ngăn cấm, tùy theo sự việc ấy mà thích ứng. Vị ấy tự tại dạo chơi hay dừng lại ở thôn xóm, giữa gò mả, do tâm hộ pháp nên không vi phạm điều gì. Chỉ trừ các nhà người con gái chuyên nghề ca múa, nhà đàn bà góa chồng, nhà dâm nữ, nhà trẻ em gái, chỗ học luyện thanh là những nơi không nên đi đến, tất cả các chỗ còn lại, Bồ-tát hộ pháp suốt ngày vòng quanh qua lại mà không có lỗi, đó gọi là Pháp sư biết thời giáo hóa. Biết nặng, nghĩa là nếu thấy Như Lai chế ra giới luật, thoạt đầu khởi sự từ nguyên nhân, người nào mà phạm vào tâm khinh rẻ và bốn pháp nặng thì không gọi là người xuất gia, đó gọi là biết nặng. Biết nhẹ, nghĩa là nếu thấy Tỳ-kheo phạm vào giới nhẹ từng duyên khởi một, tâm cũng không coi trọng hoặc là tự mình nhớ lại, như trong các giới của Như Lai, người ấy phạm mà không đầy đủ, đó gọi là biết nhẹ. Không phán đoán giới luật hữu dư, nghĩa là nếu nuôi dưỡng đầy tớ v.v…, cất chứa các tài vật bất tịnh, đối với giới luật còn sót lại, không cần phải phán đoán, nên thường không muốn cãi cọ với người phạm giới, đó gọi là sai trái luật. Không cần phải phán đoán thỏa đáng nghĩa là tuy rằng sai trái luật, nhưng ở trong kinh khác nói thì hoàn toàn giống với giới luật, đó cũng là luật, không cần phải phán đoán thỏa đáng, tùy lời lẽ nói năng mà gọi đó là theo đúng câu văn song chẳng hiểu một chữ. Nếu người nào có thể hiểu được lời nói của chư Phật ba đời nói trong kinh, tâm được sự không sợ hãi, có năng lực hộ trì lời Phật giảng dạy sâu rộng vô lượng như thế, thì người ấy đạt đến thành tựu bậc Pháp vương Như Lai không thể nghĩ bàn.

Ngay sau đó, Ca-diếp bạch Phật:

–Thưa vâng! Bạch Thế Tôn! Đấng Pháp vương Như Lai không thể nghĩ bàn, Như Lai thường trụ không phải là pháp biến đổi, con sẽ vâng giữ và giảng nói rộng rãi cho mọi người biết.

Đức Phật dạy:

–Quý hóa thay! Này Ca-diếp! Vị nào vâng giữ pháp thân kim cương bất hoại, muốn học sự quán xét thân Như Lai đều bình đẳng, thì vị ấy nên tu phép quán Kim cương bất hoại, Đại Bồ-tát hãy tu tập như thế, liền được phép quán pháp thân vô thượng một cách bình đẳng.