SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Phẩm 6: NIỆM

Nghĩ mừng sinh lo

Nghĩ mừng sinh sợ

Không có nghĩ mừng

Còn lo, sợ gì?

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá vệ. Lúc ấy, có một Phạm chí ngoại đạo, vốn ít con cái, chỉ có duy nhất một đứa con trai, nhưng rồi thằng bé chợt chết đi. Đêm ngày thương nhớ con, Phạm chí không còn thiết gì đến ăn uống, cởi hết áo quần, kêu gào thảm thiết nơi gò mả, thường nhớ mãi những nơi trước đây con mình đi đứng tới lui. Thế rồi, vị Phạm chí ra khỏi thành Xá-vệ, tới tinh xá Kỳ hoàn, đến chỗ Phật ngự. Phạm chí thăm hỏi Đức Thế Tôn và ngồi sang một bên. Đức Phật hỏi vị Phạm chí:

–Hôm nay Phạm chí các căn bất định, tâm ý bấn loạn, vậy có việc gì thế?

Vị Phạm chí bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, tôi có một đứa con, nó đã chết bỏ tôi, tôi muốn chết theo nó mà không được, nên đành sống đây thôi, vì thế các căn làm sao được yên ổn, tâm ý không bấn loạn cho được?

Tôi đã chăm nom, nuôi dạy nó từ bé, mong nó sớm lớn khôn. Thế mà nay nó đã chết, khiến lòng tôi buồn khổ, không thể khuây khỏa nổi. Từ lúc nó chết đến giờ, đêm ngày thương nhớ, tôi không còn thiết gì đến ăn uống, nghỉ ngơi, cởi hết quần áo, kêu gào khóc than bên gò mả, nhớ mãi những nơi trước kia con tôi đi đứng, tới lui.

Đức Thế Tôn bảo:

–Thế đó, Phạm chí, đúng như lời ông kể, tất cả buồn rầu khổ não đều phát sinh từ ân ái.

Nghe vậy, vị Phạm chí bạch Phật:

–Không phải như lời Cù-đàm nói, người đời ân ái sinh tâm vui mừng.

Bấy giờ vị Phạm chí nghe Đức Phật nói không đồng ý, liền đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi không ngoảnh đầu lại. Trên đường về, đi ngang qua xóm cờ bạc, vị Phạm chí thấy hai người đang ngồi đánh bài vui chơi, ông liền nghĩ: “Con người ta sống ở đời này, tài cao, trí tuệ, hiểu biết, những việc xưa nay, ngay cả những việc sâu kín thì không ai hơn nổi đám cờ bạc này. Vậy bây giờ ta hãy hỏi hai ông này về điều mà Sa môn Cù-đàm nói coi họ nghĩ sao?”.

Nghĩ rồi, Phạm chí đem lời Đức Phật dạy hỏi hai người cờ bạc này.

Hai người này bảo:

–Đúng thế, đúng thế! Đúng như lời ông nói, ân ái và sum họp đều sinh vui mừng.

Nghe lời hai ông này hợp với ý mình, Phạm chí hớn hở liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, tiếp tục ra về.

Cuộc đối thoại trên lần lượt được kể lại, thấu đến tai vua Ba-tư-nặc. Vua Ba-tư-nặc bảo phu nhân Mạt-lợi:

–Khanh có nghe Sa-môn Cù-đàm nói rằng tất cả mọi buồn rầu khổ não đều phát sinh từ ân ái, hội họp, hay không?

Phu nhân thưa:

–Đúng như lời vua vừa hỏi.

Vua liền bảo phu nhân:

–Khanh là đệ tử của Cù-đàm, Cù-đàm là Thầy của khanh, thì khanh phải nói rằng tất cả mọi buồn rầu khổ não đều phát sinh từ lòng ân ái và hội họp thôi! Này phu nhân, nên biết rằng: ân ái và hội họp đều sinh vui sướng, trong tâm sung sướng, cùng nhau hưởng lạc thú, vì sao lại nói rằng phát sinh ra buồn rầu khổ não?

Lúc ấy phu nhân bước đến trước mặt vua mà thưa:

–Cúi xin đại vương hãy nghe những lời mọn thần thiếp trình bày đây, nếu vua ưng nghe thì thiếp mới dám thưa.

Vua bảo phu nhân:

–Phu nhân cứ nói.

Phu nhân bèn thưa với vua:

–Phải chăng lúc nào đại vương cũng nhớ nghĩ đến vương nữ Bà-kỳ-lợi, cả đến đại tướng quân Lưu Ly và cả đến phu nhân Vũ Kiều Sát-lợi phải chăng?

Vua bảo phu nhân:

–Ta vô cùng yêu thương nhớ nghĩ đến vương nữ Bà-kỳ, đại tướng quân Lưu Ly và phu nhân Vũ Kiều Sát-lợi. Tình yêu thương ấy không xen hở phút giây nào.

Phu nhân thưa với vua:

–Đại vương nghĩ sao nếu những người ấy biến đổi và chết đi thì đại vương có buồn sầu khổ não chăng?

Vua bảo phu nhân:

–Nếu những người ấy mà biến đổi và chết đi thì trẫm sẽ buồn rầu đau khổ, không thể nói được.

Phu nhân thưa với vua:

–Vua có thật yêu thương thiếp chăng?

Vua bảo phu nhân:

–Ta vô cùng yêu thương khanh.

Phu nhân thưa:

–Nếu thiếp biến đổi và chết đi thì vua có buồn rầu không?

Vua bảo phu nhân:

–Ta vô cùng buồn khổ, không còn thiết gì đến ăn uống, ngủ nghỉ, tâm thần rối loạn, hoặc là trở thành điên dại.

Phu nhân hỏi:

–Thế nào, vua có thương nghĩ đến người dân trong nước Cathi

Câu-tát-la này chăng?

Vua bảo phu nhân:

–Ta rất thương mến họ. Vì sao? Vì hôm nay ta đang vui hưởng năm thứ dục lạc sung sướng như vầy là đều do mọi người dân trong nước Câu-tát-la mang lại.

Phu nhân hỏi:

–Đại vương nghĩ sao, nếu như mọi người dân trong đất nước Câu-tát-la này biến đổi và chết đi thì đại vương có buồn sầu khổ não chăng?

Vua bảo phu nhân:

–Nếu không có muôn dân kia thì không có thân ta đây, như thế thì làm sao không sầu khổ cho được chứ?

Phu nhân Mạt-lợi liền nói:

–Như vậy, hôm nay đại vương đã tự thấy rõ cái khổ của sự yêu thương mà phải chia lìa, cái khổ vì ghét mà phải gặp nhau.

Những điều mà Đức Như Lai nói chính là ý nghĩa ấy.

Lúc bấy giờ vua Ba-tư-nặc tâm ý được mở tỏ, bèn bảo phu nhân:

–Từ nay trở đi, ta là đệ tử của Cù-đàm và Ngài là thầy của ta.

Hôm nay ta quy mạng Sa-môn Cù-đàm, quy mạng Pháp, quy mạng Tỳ-kheo Tăng, trọn đời không còn sát sinh nữa.

Thế nên lời kệ trên nói:

Nghĩ mừng sinh lo

Nghĩ mừng sinh sợ

Không có nghĩ mừng

Còn chi lo, sợ?

Nghĩ mừng sinh lo: Như có người bị bệnh, người nuôi bệnh thường sinh lo lắng, sợ rằng bệnh không qua khỏi, hoặc người muốn đến nơi khác, hoặc làm người sứ cho vua, hoặc xuống biển tìm châu báu thì người ở nhà lo lắng sợ rằng người ra đi không được sống còn. Người nhà can ngăn rằng gia đình ta có của cải thừa thải, đủ sống một đời, tại sao lại phải đi nơi xa xôi gian nan vất vả để mong tìm lấy của báu làm gì. Nếu ông ra đi thì cả hai phía đều lo lắng, nếu người đi được yên ổn thì người ở nhà lo lắng, nếu người ở nhà yên ổn thì cũng lo lắng cho người đi, cho nên lời kệ nói: Nghĩ mừng sinh ra sợ.

Không có nghĩ mừng, còn chi lo sợ là sao? Nếu không có nghĩ mừng thì sẽ dứt bỏ được ái dục. Vì sao? Vì gốc ái ở cõi Dục này rất cứng chắc, khó có thể nhổ bỏ nổi. Thế nên lời kệ nói: Không có nghĩ mừng, còn chi lo sợ. Có lo thì có sợ, không lo thì còn sợ điều gì nữa. Vì nếu hết lo thì cũng hết sợ, năm thứ diệt, mười tám thứ diệt là ý nghĩa của câu trên.

Nghĩ mừng sinh lo, nghĩ mừng sinh sợ, nay đã hết nghĩ mừng thì dứt bỏ mê lầm.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Lúc ấy, có một Phạm chí đang cấy một thửa ruộng lớn, chỉ có một đứa con ở đó giữ ruộng. Rồi trời trút một một trận mưa đá làm hư hại hết mạ lúa và giết chết cả đứa bé. Lúc bấy giờ, người Phạm chí buồn khổ vô hạn, ông chạy rong ruổi khắp thành thị, trần truồng, không giày dép, không kể sang hèn gì nữa, lần hồi, ông đến tinh xá Kỳ hoàn. Nhưng vị Phạm chí này đáng được giáo hóa, Như Lai xét biết điều ấy, Ngài liền biến đất ngoài cửa tinh xá thành ruộng lúa, rồi lại biến ra một người giống y như con ông. Thấy vậy, tâm Phạm chí liền được khai ngộ: Ruộng lúa và con ta hiện vẫn còn đây. Thế mà ta luống tự khổ nhọc, vất vả đó đây. Tâm trí ông ổn định trở lại, không còn điên cuồng, ngây dại nữa. Ông liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Phật thấy ông đã ngồi yên, cũng như chư Phật Thế Tôn trước kia thường nói pháp về Khổ, Tập, Diệt, Đạo, bốn Đế chân như, thì giờ đây Đức Phật cũng giảng nói mỗi thứ cho Phạm chí nghe, cả đến Thuận nghịch tam-muội, Không, Vô tướng, Vô nguyện rạch ròi mỗi thứ cho ông nghe, khiến cho tâm Phạm chí hoát nhiên đại ngộ, các bụi nhơ đều bị quét sạch, được mắt pháp thanh tịnh. Pháp mà Phạm chí này đã được, đã thành tựu là pháp không luống dối, là pháp không còn ngờ vực, là pháp trong chúng Như Lai không còn sợ hãi. Ông liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi làm lễ dưới chân Như Lai.

Từ nay trở đi thọ ba tự quy y, quy mạng Phật, quy mạng Pháp, quy mạng Tỳ-kheo Tăng, trọn đời không còn sát sinh. Thế nên lời kệ nói: Không còn nghĩ vui, dứt tâm mê lầm, tâm ý lại chánh đều do có sức Phật. Nếu không gặp Phật, mọi sự không thành.

—————-

Người ta mang sầu lo

Đời vô số mối khổ

Đều do nghĩ ái ân

Không nghĩ thì không sợ.

Người ta mang sầu lo: Tất cả chúng sinh đêm ngày mang buồn lo, nhìn nhau than khóc. Đôi khi mất hồn đưa đến ngây dại, tất cả đều do ân ái, luyến mến gây nên, cho nên lời kệ nói: Người ta mang sầu lo.

Đời vô số mối khổ: Áo không đủ che thân, cơm không đủ no bụng, da mặt vàng mét, mình mẩy dơ bẩn, bà con xa lìa, nghề nghiệp làm ăn sinh sống đều bỏ phế, đều do ân ái gây nên tai họa này. Con người sống ở đời gặp các khổ não cũng do không thể dứt bỏ ân ái. Cho nên lời kệ nói: Đời vô số mối khổ.

Đều do nghĩ ái ân: Sinh tử lâu dài, gốc khổ khó tìm. Người ngu sống trong ấy không tự hay biết. Con người luyến mến nhau nào phải chỉ một loại, nào nghĩ đến cha mẹ, anh em, thân tộc, người quen biết, nghĩ đến ai chết ai còn rồi, kêu than, khóc lóc, cho nên lời kệ nói: Đều do nghĩ ái ân.

Không nghĩ thì không sợ: Khi người ta bỏ được sự tưởng nhớ không còn luyến mến thì không còn lo buồn khổ não. Có nhà thì lo nhà, có của thì lo của. Có xe cộ yên mã thì lo xe cộ yên mã. Ai không có xe cộ yên mã thì không có gì bận bịu. Không còn sự tưởng nhớ là sao? Ấy là người đã hết ái dục, dứt hẳn không còn sót. Thế nào là người dứt bỏ ái dục? Người chứng quả A-na-hàm không do hai đường. Đó gọi là người đã dứt bỏ ái dục. Vì không còn tưởng nhớ, vĩnh viễn rốt ráo, không còn trở lại cõi Dục. Phàm phu ái chưa hết nên dù có được năm thứ thần thông đi nữa vẫn chưa ra khỏi ba cõi. Nếu mất thần thông thì giận dữ nổi lên chỉ trong giây lát lại rơi vào đường ác. Rồi phải trải qua nhiều kiếp mới được lại thân người, cho nên lời kệ nói: Không nghĩ thì không sợ.

————

Cho nên không sinh nghĩ

Nếu nghĩ, thì ác lụy

Người không còn ràng buộc,

Không nghĩ, chẳng không nghĩ.

Cho nên không sinh nghĩ: Con người sống ở đời bởi nhớ nghĩ mà sinh ra ân ái, do nhớ nghĩ mà có đổi thay. Các thứ buồn rầu khổ não đều bởi nhớ nghĩ mà sinh ra, cho nên nói: Không sinh nghĩ.

Nếu nghĩ, thì ác lụy là thế nào? Như ở đời có người điên, mang thân bệnh khổ, rồi vì bệnh mà giết năm loại chúng sinh, hoặc giết trăm loại chúng sinh để cầu mong khỏi bệnh, cho là trị liệu đúng, nhưng không biết rằng bệnh là do vô số tội. Hoặc có khi vì người bệnh mà giết súc vật cúng tế hy vọng cứu được mạng sống.

Dù cho đem nhốt người bệnh vào trong cái lồng được bao bọc bởi trăm lớp sắt, mỗi lớp đều được bảo vệ tuyệt đối an toàn, cùng nhau tin là không cho thần chết viết giấy khai tử, nhưng sự thật làm vậy không đúng. Tất cả đều do ân ái gây ra tai biến ấy. Hoặc có người là kẻ quen biết hay người thân của mình xa cách quá lâu nay bỗng được trở về nhà, vì nghĩ đến họ, mà giết hại thú vật nhiều không tính kể, chúc mừng lẫn nhau, ấy là cội gốc chất chứa tai ương. Thế nên lời kệ nói: Nếu nghĩ thì ác lụy.

Người không còn ràng buộc: Ràng buộc là thân bị trói, tâm không được thanh thản, như khế kinh nói: Khi chưa hết cái tâm ái đắm nhiễm thì con người vẫn sẽ sinh vào nơi nào đó khi có nhân có duyên, hoặc chết nơi kia sinh nơi đây. Có nhân có duyên thì bị trói, bị cột, bị thắt. Như người hiểu biết và đứa học trò của người hiểu biết, nếu làm một tràng hoa, thì trước hết họ lấy sợi dây dài làm mối chính, rồi trên đó họ mới kết tràng hoa với các bông hoa nối dính nhau mà thành tràng hoa. Cái tâm ái nhiễm chưa dứt hết cũng giống như thế. Có duyên có nhân thì khi chết nơi kia sẽ sinh nơi đây. Có nhân có duyên mà người được chứng quả thì không bị nạn trói buộc như vậy.

Cho nên nói: Người không còn ràng buộc, không nghĩ, chẳng không nghĩ. Vì đã thoát khỏi cái nóng bức của nhớ nghĩ nên không còn ái ân, được cái vui vô vi, dạo chơi trong nghĩa bậc nhất, cho nên lời kệ nói: Không nghĩ, chẳng không nghĩ.

—————–

Suy nghĩ tìm phương cách

Phi nghĩa không đặt quyền

Tuệ tạm sinh nghĩa lớn

Tự đến bậc đệ nhất.

Suy nghĩ tìm phương cách: Muốn được tu tập trí tuệ Vô thượng phân biệt nghĩa sâu sắc, không hề lừa dối. Khi đạt được trí tuệ ấy thì không bao giờ còn bị rối loạn, cho nên nói: Suy nghĩ tìm phương cách.

Phi nghĩa không đặt quyền là thế nào? Phi nghĩa cũng không tương ưng với nghĩa sâu này, làm cho người rơi vào đường ác. Nó không làm căn lành lớn mạnh lên được, nên bị những người hiểu biết chê cười. Nếu sửa đổi lỗi lầm đã qua để được phước vui ở tương lai, thì được trời, người khen ngợi. Những lỗi lầm cũ được tiêu trừ, ngay lúc ấy cũng đủ trồng được căn lành cho đời sau, cho nên nói: Phi nghĩa không đặt quyền.

Tuệ tạm sinh nghĩa lớn là sao? Nương theo bậc Thiện tri thức mà dạy người chánh kiến, dứt bỏ tà nghiệp, khiến họ không còn tu tập theo dị thuật ngoại đạo, mà chỉ vâng theo chánh kiến trên. Chữ Nghĩa nghĩa là trí tuệ vô lậu, nghĩa là thiền định, nghĩa là quán chiếu, cho nên nói: Tuệ tạm sinh nghĩa lớn.

Tự đến bậc Đệ nhất: Chư Phật, Thế Tôn là người giữ gìn giới cấm, không buông lung, giữ tâm vững chắc, không rơi vào tà nghiệp, thường dạy chúng sinh phải giữ gìn giới cấm, luôn giữ ba nghiệp, nên nói: Tự đến bậc Đệ nhất.

——————

Đừng sống với niệm ái

Không sống với bất niệm

Niệm ái không thấy khổ

Không nghĩ ái, lo, khổ

Mà sinh ra buồn rầu

Diệt hết cội gốc người.

Đừng sống với niệm ái: Thuở xưa, có hai người rất thương kính nhau, không rời xa nhau, đi thì chung bước, chia ngọt xẻ bùi, nhưng rồi họ phải xa nhau mỗi người một nơi, bởi vẫn nhớ nhau nên họ muốn gặp lại nhau, nhiều lần họ gửi thư, mong được sum họp một nhà. Trong thư một người nói: “Nếu bạn không đến thì tôi buồn khổ lắm.”

Khổ thay, kẻ thù của người này lại là kẻ thân thiết của người kia. (Anh được mời hỏi bạn thân của mình vốn là kẻ thù của anh mời).

Anh ta là người mời tôi, vậy bạn có thể cùng đến đó với tôi chăng?

Thế là người bạn thuận theo yêu cầu cùng đến nhà người mời. Hai người bạn thân xa nhau lâu ngày gặp lại trong lòng rất vui mừng, nhưng khi nhìn thấy kẻ thù của mình cùng đi theo bạn thì trong lòng lại bực tức không vui, nên đưa bạn đến chỗ vắng thủ thỉ:

–Sao anh lại đi đứng tới lui với kẻ thù của tôi như thế? Điều này tôi không muốn nhìn thấy đâu.

Nghe xong lời ấy, bao nhiêu tình cảm quyến luyến bị sứt mẻ nặng, người được mời bèn cùng bạn mình bỏ ra về. Nhưng sau đó vì thương nhớ nên người bạn lại gửi thư đến hai ba lần như vậy. Người mời lại hỏi bạn tại sao cứ đi chung với kẻ thù của mình như vậy?

Anh bạn đáp: “Vì nhớ nhau mà đến, đối đãi nhau rất trọng hậu, nhưng khi ra về lại quên lời dặn.” Đoạn anh ta lại than: “Nghĩ rằng gặp nhau để được vui vẻ, nhưng khi gặp rồi lại sinh ưu phiền hờn oán, giờ đây tôi biết làm sao cho phải lẽ, chẳng lẽ không thể thích nghi được cùng lúc với hai người bạn thân hay sao?” Ngay sau đó, người này liền lìa bỏ gia đình vợ con đi xuất gia học đạo.

Lại có trường hợp khác: có người nọ chỉ có một đứa con nhưng lại bị quỷ La sát bắt mất. Đêm ngày người cha buồn nhớ không nguôi, trong khi đó, đã hơn mười ngày trôi qua, quỷ La-sát đã đưa đứa bé đến chỗ nó ở. Người này vì mất con, sầu khổ đêm ngày nghĩ đến cái chết, không còn thiết sống nữa. Sau đó, quỷ Lasát mang đứa trẻ trả lại. Gặp lại con, người cha vui mừng khôn xiết, cả ngày bồng bế đứa bé không biết thỏa mãn. Nếu thấy quỷ La-sát thì ông ta lại buồn khổ, nổi ốc khắp mình. Mười ngày sau, quỷ La-sát lại đến bắt đứa bé về chỗ nó ở. Người cha lại nhớ thương không nguôi, bỏ cả ăn uống, nghỉ ngơi. Cứ như thế nhiều lần, người cha mang bệnh lo âu trầm trọng. Người cha suy nghĩ thấy rằng nỗi buồn khổ lo lắng của con người thật là muôn mối.

Thôi thì nay ta nên bỏ nhà đi học đạo. Ông liền đi xuất gia, nhập đạo.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn muốn cứu độ những người ấy, nên Ngài thị hiện ra quyền tuệ yên ổn vô vi, ở trước đại chúng Ngài nói kệ rằng:

Đừng sống với niệm ái

Không sống với bất niệm

Niệm ái không thấy khổ

Không nghĩ ái, lo, khổ

Mà sinh ra buồn rầu

Diệt hết cội gốc người.

Đức Thế Tôn dạy rằng:

–Ân ái còn không thể luyến mến, huống nữa là những gì không phải ân ái mà lại gần gũi?

Lúc ấy hai vị Tỳ-kheo trong tâm tự nghĩ: “Người mà Như Lai dạy bảo chính là chúng ta. Vậy, ta phải hết lòng tu phạm hạnh vô thượng.” Ngày thì đi kinh hành, đêm thì ngồi thiền, chỉ trong chưa đầy mười ngày, họ đạt được chứng dấu đạo, thân bay lên được, mắt trông thấy thấu suốt, được sáu thứ thần thông, không gì ngăn ngại. Đối với đạo pháp Như Lai có nhiều nghĩ ngợi, họ than rằng: “Ôi, ân ái không đáng nương cậy. Các kết sử dứt hết, chứng quả A-la-hán. Hay thay, phước báo như bóng theo hình. Phước nghiệp như dầu dính áo, thân thì suy yếu, chết đi, nhưng tội phước vẫn còn.”

—————-

Ái niệm đến đời sau

Bè bạn quen thân nhiều

Đêm dài buồn lo nghĩ

Nghĩ chia lìa rất khổ.

Ái niệm đến đời sau: Tình cha mẹ, anh chị em, bà con trong gia đình và những người quen biết gái, trai, lớn nhỏ, cứ xoay vần mãi từ đời này qua đời khác không ngừng nghỉ. Cho nên nói: Ái niệm dẫn đến đời sau, bè bạn, quen thân nhiều, phải chìm trong đêm dài sầu lo, khóc than đầu bù tóc rối, đấm ngực áo não. Cho nên nói: Đêm dài buồn lo nghĩ.

Nghĩ chia lìa rất khổ: Ái ân mà phải đành chia lìa, hoặc ở nơi xa xôi, hoặc chết mất, mong cầu không được, ước muốn không thành, cho nên nói: Nghĩ chia lìa rất khổ.

—————-

Nghĩ sắc, có sắc đẹp

Thân trời nhưng sống riêng

Quá vui bị hại đến

Thần chết đã ghi sổ.

Nghĩ sắc, có sắc đẹp: Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ, Ngài bảo các Tỳ-kheo:

–Trên hư không có tầng trời tên Hoan lạc. Ở đó, họ xoay vần nhóm họp tấu trổi nhạc vui chơi suốt ngày không biết thỏa mãn. Do sự vui sướng quá độ ấy nên sau khi chết, họ sinh xuống cõi này.

Các Tỳ-kheo nên biết, còn có tầng trời tên là Hỷ tiếu. Xoay vần nhóm họp lớn tiếng cười vang, suốt ngày không biết chán. Bởi sự vui cười quá độ như vậy nên sau khi chết sinh xuống cõi này, cho nên nói: Nghĩ sắc, có sắc đẹp.

Thân trời nhưng sống riêng: Đêm ngày cười đùa, không còn nghĩ đến phải đối diện với thần chết, cho là thọ hưởng phước trời không bao giờ hết. Do quá vui mà hại đến việc tấu trổi kỹ nhạc, lớn tiếng cười vang, đều là gốc nguy hại, đều phải từ bỏ nó. Tuổi thọ không lâu dài, bị thần chết bắt đi. Tùy hình thái mà ông ta liệu định tội phước, rạch ròi thiện ác. Tội nặng thì quăng vào vạc dầu sôi, tội nhẹ thì bỏ vào đỉnh. Công bằng như mực nước, mẫu mực như khắc cân, cho nên nói: Bị thần chết bắt đi.

———————

Như người ngày lẫn đêm

Không còn nghĩ ái sắc

Tự đào bỏ rễ sâu

Thì khỏi qua đường chết.

Như người ngày lẫn đêm: Chuyên ròng một ý niệm, dứt bỏ hẳn không còn sót dục ái của cõi Dục thì ngày tinh tấn, đêm đọc tụng kinh điển, cho nên nói: Như người ngày lẫn đêm.

Không còn nghĩ ái sắc: Đã dứt bỏ hoàn toàn, từ có đến không còn tức giận, cho nên nói rằng: Không còn nghĩ ái sắc.

Tự đào bỏ rễ sâu: Đào bỏ gốc niệm, đào bỏ gốc ái, hoặc đào bỏ cội gốc của sự trói buộc của tình luyến thương, bà con họ hàng.

Mặc áo giáp mạnh mẽ, cầm gươm trí tuệ đào tận gốc ba độc, khiến nó không bao giờ còn mọc lại được nữa, cho nên nói: Tự đào bỏ rễ sâu.

Thì khỏi qua đường chết: Yêu mến tài sản ruộng vườn, bảy báu tiền bạc đều là con đường dẫn về cõi chết. Tâm ý quyến luyến say mê không thể dứt bỏ cũng là nẻo dẫn về cõi chết. Vậy, phải tìm phương cách vượt qua con đường chết mà đến nơi bất tử, cho nên bảo: Thì khỏi qua đường chết.

————–

Bất thiện dường như thiện

Yêu sắc nói không yêu

Khổ mà ngỡ là vui

Bị buông lung sai khiến.

Bất thiện dường như thiện: Thiện nghĩa là tâm ham vui, suốt ngày tập quen không chịu dứt bỏ, bị mọi người chê trách. Các điều thiện như thế cần phải dứt bỏ xa lìa. Nó bị người hiểu biết chê bai, bị người hiểu biết từ bỏ, bị người hiểu biết quở trách. Cho nên nói:

Bất thiện dường như thiện.

Thế nào gọi là yêu sắc nói không yêu? Yêu là không xem thường, không dối trá, làm cho người buồn rầu, mong muốn không được rồi sinh tâm luyến ái nó mãi, cho nên nói: Yêu sắc nói không yêu.

Thế nào là khổ mà ngỡ là vui? Vui là các cơ quan trong than vắng lặng, không rối loạn, tâm ý an hòa, không khởi loạn tưởng.

Cũng có thể khiến người khác khổ não, vì trước vui sau đó lại lo rầu, cho nên nói: Khổ mà ngỡ là vui.

Bị buông lung sai khiến: Người có tính buông lung thì tâm không ổn định, vui chơi với bà con họ hàng, sinh tâm vui buồn lẫn lộn, ý nghĩ buông thả, cho nên nói: Bị buông lung sai khiến.

———————–

Ai muốn tự thương mình

Không ở chung kẻ xấu

Điều ấy thật khó làm

Vui là gốc điều ác.

Ai muốn tự thương mình: Ai muốn tự yêu mình thì trước phải yêu kẻ khác, không được tự yêu thương mình mà làm tổn hại đến mạng sống kẻ khác, cho nên nói: Ai muốn tự thương mình.

Không ở chung kẻ xấu là sao? Trên đời có nhiều nỗi sợ hãi, nếu sống chung với kẻ xấu ác thì tội nặng chồng chất. Không chung sống với kẻ xấu ác có nghĩa là phải giữ thân, miệng, ý trong sạch. Cho nên nói: Không ở chung kẻ xấu.

Điều ấy thật khó làm: Tự mình không tu gốc lành, không giáo hóa tất cả chúng sinh cho họ yên ổn với căn môn mình. Cũng không có khả năng giáo hóa rộng rãi cho người chưa giác ngộ, cho nên nói: Điều ấy thật khó làm.

Vui là gốc điều ác: Người gây tội ác thì không bao giờ có tâm vui. Ngay khi giết hại, họ đã gây ra cội gốc bất thiện, cho nên nói:

Vui là gốc điều ác.

——————-

Người muốn tự thương mình

Phải khéo tự giữ gìn

Như giữ thành biên giới

Hào sâu chắc như ngục

Loại trừ ba việc đó

Người trí phải tự ngộ.

Người muốn tự thương mình: Như thành trì ngoài biên giới phải thường giữ gìn, tự giữ gìn thân cũng giống như vậy, hoặc sợ giặc từ bên ngoài tấn công vào biên giới, hoặc sợ kẻ thuộc hạ lén lút rình rập làm phản, lại sợ kẻ bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài. Cái thành bên trong nội tâm cũng phải được canh giữ như vậy, thường phải đề phòng ba sự việc. Đó là: lo giặc kết sử bên ngoài tấn công vào biên giới. Lại sợ điều mà tâm nghĩ đồng với trần cảnh bên ngoài. Cái thành của tâm trần lao nguy hiểm, khó giữ gìn, nhiều lo sợ. Một khi đã giữ gìn vững chắc thì không còn lo sợ. Cái thành tâm cũng như thế, giữ gìn vững chắc thì không có lo sợ. Cho nên nói: Người muốn tự thương mình, phải khéo tự giữ gìn, như giữ thành biên giới, hào sâu chắc như ngục, loại trừ ba việc đó, người trí phải tự ngộ.

Người muốn tự thương mình

Phải giữ cho vững chắc

Như giữ thành biên giới

Trong ngoài đều vững chắc.

Thuở xưa, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Nếu thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng bảy việc, bốn thứ lương thực đầy đủ giúp cho việc bảo vệ được đầy đủ dễ làm thì dù ngoại quân có tấn công cũng không làm gì được, trừ trường hợp người bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài. Thế nào gọi là thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng bảy việc? Ấy là những nơi hiểm yếu ở biên giới được phòng vệ vững chắc, không gì lay chuyển nổi. Đó gọi là thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng việc thứ nhất, nhờ đó giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được. Kế đến là đào hào sâu rộng quanh thành quách ở biên giới, tu bồi rất kỹ lưỡng. Đó gọi là việc thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng việc thứ hai, nhờ đó mà giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được. Kế đến là thành quách ở biên giới tạo khí thế sẵn sàng đẩy lui quân địch để chuẩn bị chiến đấu. Đó gọi là việc thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng việc thứ ba, nhờ đó giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được. Kế đến là thành quách ở biên giới phải chứa đủ các thứ vũ khí chiến đấu như cung nỏ, máy phóng bánh xe, đường trút nhựa mật chảy, đá lửa, giáo mác sắc bén, bên trong chuẩn bị con đường để rút lui. Đó gọi là thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng việc thứ tư, nhờ đó giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được. Lại nữa, bốn mặt thành quách ở biên giới có đặt bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân, bộ quân, trừ trường hợp người bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài. Đó gọi là thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng việc thứ năm, nhờ đó giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được. Lại nữa, người gác cổng thành ở biên giới phải biết giờ giấc sớm tối, biết hiệu lệnh, phân biệt được kẻ gian người ngay. Người nào biết mặt mới cho vào, không biết mặt thì không cho vào. Đó gọi là thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng việc thứ sáu, nhờ đó giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được. Lại nữa, thành quách ở biên giới cao chót vót, trong ngoài đều được dọn dẹp trống trải, trừ trường hợp người bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài. Đó gọi là thành quách ở biên giới được bảo vệ bừng việc thứ bảy, nhờ đó giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được.

Thế nào gọi là trong thành quách ở biên giới bốn thứ lương thực đầy đủ, khiến giặc ngoại xâm không tấn công được? Đó là thành quách ở biên giới phải có nhiều củi, nhiều nước, trừ trường hợp người bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài, đó là đầy đủ loại lương thực thứ nhất, nhờ đó mà giặc ngoại xâm không được dịp thuận tiện tấn công. Lại nữa, thành quách ở biên giới phải dự trữ dồi dào lúa gạo, kho lẫm đầy ắp, trừ trường hợp người bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài, đó là đầy đủ loại lương thực thứ hai, nhờ đó giặc ngoại xâm không có được dịp thuận tiện tấn công. Lại nữa, thành quách ở biên giới dự trữ nhiều lúa gạo, lúa mì, các thứ đậu, trừ trừ trường hợp người bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài, đó là đầy đủ loại lương thực thứ ba, nhờ đó giặc ngoại xâm không có dịp thuận tiện tấn công. Lại nữa, thành quách ở biên giới có nhiều thức ăn chín như dầu, mỡ, cá, thịt phơi khô, đầy đủ loại lương thực thứ tư. Phật nói bài kệ này trong ngoài vững chắc khiến kẻ xấu và giặc ngoại xâm không có dịp thuận tiện tấn công, cho nên lời kệ nói: Như giữ thành biên giới, trong ngoài đều vững chắc, phải thường chuyên tâm, trong không tưởng sắc để dứt trừ sắc bên ngoài, ngoài không còn tưởng sắc để dứt trừ sắc bên trong. Trong ngoài không còn tưởng sắc, dứt trừ sắc bên ngoài.

Phải tự giữ gìn

Thời không trở lại

Thời qua sinh lo

Đọa vào địa ngục.

Phải tự giữ gìn: Giữ tâm không tán loạn, các căn vắng lặng, tự thấy lửa sinh tử cháy bời bời, tu các pháp lành. Biết thành Niết-bàn mát mẻ vô vi, ngăn ngừa phiền não làm nhơ bẩn tâm, cho nên nói: Phải tự giữ gìn.

Thời không trở lại: Trong ngàn muôn ức kiếp mới gặp được một thời điểm tốt. Dù gặp lại lần nữa thì hoặc trước, hoặc sau, hoặc sinh ở chốn trung quốc, gặp gỡ các Thánh hiền, các căn không thiếu, vốn gieo trồng các công đức. Sinh ra đời gặp Phật, duyên lành đời trước của các vị có công năng dứt bỏ kết sử, vượt thứ lớp mà chứng đao, dứt hết mọi hữu lậu, thành hạnh vô lậu. Cho nên nói: Thời không trở lại.

Thời qua sinh lo: Từ vô số kiếp, chất chứa nghiệp lành cho nên mới gặp thời điểm tốt này. Nếu để thời điểm tốt ấy trôi qua thì có ăn năn cũng không kịp. Có tám việc không thế tấu bày lên vua được. Tám việc là gì? Là khi vua đang có tang thì không thể tấu bày; vua đang bị bệnh không thể tấu bày; vua đang đói, chưa ăn cơm, không thể tấu bày; vua vào cung sâu, không thể tấu bày; hoặc khi vua đang vào trong kho hay đang đi xâm chiếm nước khác, không thể tấu bày; hoặc vua đang cùng bàn bạc với các đại thần, không thể tấu bày. Có người phát hiện việc âm mưu, không thể tấu bày. Vua đang ngồi một mình im lặng, ý đang trù tính việc gì, không thể tấu bày.

Trong đời, có tám điều cấm kỵ, không được nói cho ai biết. Giáo pháp Ta ngày nay cũng lại như thế. Ấy là tám trường hợp không thể phát khởi thiện tâm. Thế nào là tám? Là khi gặp tang ma, thân tộc qua đời thì không thể phát sinh thiện tâm. Trong tám địa ngục, mười sáu cái vạc, núi đao rừng kiếm, xe lửa, lò than cháy rừng rực, nơi đó chúng sinh chịu các khổ não, thân tâm tâm bị đốt cháy, trong hoàn cảnh ấy, không thể phát sinh thiện tâm nghĩ đến đạo. Hoặc chốn ngạ quỷ, bụng lớn như núi Thái, mỗi bề rộng mấy mươi do-diên, cổ nhỏ như cây kim, thân cao mấy mươi trượng. Lúc ấy, tâm ý hoang mang, chỉ nghĩ đến ăn uống, trong hoàn cảnh ấy, không thể phát sinh thiện tâm nghĩ đến đạo. Còn như sinh lên một trong sáu tầng trời, mặc trăm ức thứ y phục trang nghiêm, ăn thì cam lộ, ngọc nữ vây quanh, nhìn phía Đông thì quên phía Tây, nhìn trái thì quên phải, như đếm bánh xe quay nhanh không có đầu mối.

Trong hoàn cảnh ấy, không thể phát sinh thiện tâm nghĩ đến đạo. Nếu sinh vào miền biên giới mọi rợ, không có Phật pháp, mọi gười không nghe được âm thanh ba pháp, không có tâm chân hánh, không có đức tin vững chắc, nên sống trong tà kiến, hoặc inh lên cõi trời trường thọ, trong hoàn cảnh ấy, không thể phát inh thiện tâm, nghĩ đến đạo. Hoặc người tuy sinh ở chốn trung uốc, nhưng tay chân không lành lặn, sáu căn không đủ, hoặc đui iếc, câm ngọng. Trong hoàn cảnh đó, không thể phát sinh thiện tâm, nghĩ đến đạo. Hoặc sinh sau Phật, sinh vào địa ngục ngũ vô gián, trong hoàn cảnh đó, không thể phát sinh thiện tâm không nghĩ đến đạo. Nếu Phật ra đời thì những kẻ ấy sống trong nhà tà kiến, không tin Tam bảo, chỉ tương ưng với điên đảo, trong hoàn cảnh ấy, không thể phát sinh thiện tâm, không nghĩ đến đạo. Ấy là tám trường hợp không thể phát sinh thiện tâm. Người lành không thể sống với kẻ ác, kẻ ác không thể sống chung với người lành.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Như ngày nay Ta xuất hiện trên thế gian, là Bậc Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Giác đủ mười hiệu, nói rộng đạo nghĩa thượng, trung, hạ đều lành, ý chí thú hướng đến chỗ diệt độ, độ người chưa được độ. Cho nên nói: Thời qua sinh lo, đọa vào địa ngục.

—————

Tìm cầu khắp mọi nơi

Quán sát từng niệm tâm

Xem kia giống như đây

Không yêu mình, yêu người

Coi mạng mình như người

Nên không hại người khác.

Tìm cầu khắp mọi nơi: Tâm nghĩ cả mười phương xem chúng sinh nào không sợ chết, không mang nỗi sợ sệt. Lại nghĩ xem có chúng sinh nào mà tâm họ không nghĩ đến vui, không sợ khổ. Lại xem có những chúng sinh nào có tất cả các hạnh để tự vui sướng, cho nên nói: Tìm cầu khắp mọi nơi.

Quán sát từng niệm tâm: Tâm thường nhớ nghĩ đến cội gốc của việc làm. Việc làm có hai: Một là quán tịnh, hai là quán bất tịnh. Người trí thì quán tịnh, kẻ ngu thì quán bất tịnh. Cho nên nói:

Quán sát từng niệm tâm.

Xem kia giống như đây: Ấy là mọi người dù lớn nhỏ, xấu đẹp, ai cũng đều có bản tính. Mọi người nghĩ đến nhau như nghĩ đến chính thân mình, không khác, cho nên nói: Xem kia giống như đây.

Không yêu mình, yêu người: Thân con người bốn đại như nhau, sự sống giống nhau, không có cao thấp. Mạng sống ai nấy rốt cùng đều bị tan rã. Cho nên nói: Không yêu mình, yêu người, coi mạng mình như người, nên không hại người khác.

——————

Mọi người đều sợ chết

Sợ roi gậy đánh đập

Lấy thương mình làm dụ

Chớ giết, chớ đánh đập.

Mọi người đều sợ chết: Chúng sinh trong năm đường trôi lăn theo bốn dòng đều sợ khổ sở, độc hại, nên ai cũng đều tự lo bảo vệ sinh mạng mình.

Đức Thế Tôn dạy: “Nếu biết tự bảo vệ mạng sống của mình thì không nên làm những việc độc ác đánh đập. Kẻ ngang tàng ở thế gian làm bừa mọi tội ác, dùng dao mác gậy gộc giết hại nhau.

Kẻ cười vui làm điều ác, khiến người kêu gào, khóc lóc chịu đau đớn, trong lòng họ mưu tính chuyện tàn độc gây họa cho cả dòng họ người đang hành hạ mình.”

Cho nên người hiểu biết phải ngăn chận tai họa khi nó chưa phát sinh. Tạo phúc đức trong sự vô hình, cho nên nói: “Mọi người đều sợ chết, ai cũng sợ roi vọt đau đớn, lấy việc tha thứ mình làm thí dụ, chớ giết, chớ đánh đập. Kẻ giết hại thì chính họ đã rút ngắn mạng sống của họ.” Cho nên các ngươi phải biết tránh xa sự giết hại.

—————

Như người đi lâu

Xa về an lành

Thân thuộc đều an

Trở về vui mừng.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ.

Trong thành Xá-vệ có một anh nọ tên Chung Khánh, bà con dòng họ đông nhiều không thể tính kể. Bản thân anh thiếu thốn tiền bạc, áo không đủ che thân, cơm không đủ no lòng. Hễ mỗi lần gặp, bà con đều ngoảnh mặt sang chỗ khác, không ngó ngàng đến anh. Chung Khánh tự nghĩ: “Kiếp trước phước mỏng nên đời này không gặp may. Tự biết vì quá nghèo nên bà con họ hàng mới lạnh nhạt, lánh xa. Ra đường thì bị người khinh chê, về nhà thì bị vợ con trách móc, thà rằng ta ra khỏi xứ này, đến nơi khác kiếm sống, sống chết bởi số trời, biết phải làm thế nào. Thà đến xứ khác mà chết còn hơn là sống ở quê nhà.”

Thế rồi Chung Khánh bỏ xứ đi đến địa phương khác, làm mướn cho người kiếm sống qua ngày. Nhớ mãi thân phận nghèo túng bị bà con họ hàng lạnh nhạt xa lánh, nên anh ngày đêm siêng năng làm việc quên cả ăn uống ngủ nghỉ. Dần dần anh dành dụm được vô số tài vật như vàng bạc, châu báu, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, lạc đà, lừa, rồi anh thuê xe chở hết châu báu của cải trở về quê cũ. Bà con họ hàng nghe tin Chung Khánh trở về với nhiều châu báu, đều ra đón tiếp mừng rỡ. Nhưng vì anh xa cách gia đình khá lâu, đầu bù tóc rối, râu ria xồm xoàm, áo quần bẩn thỉu, đi bộ mang tiền của về, nên bà con họ hàng không nhận ra, nên họ mới hỏi:

–Hiện giờ Chung Khánh ở đâu?

Chung Khánh đáp:

–Anh ta đang ở phía sau, chốc lát sẽ đến.

Bà con họ hàng đợi chờ người đi sau, hỏi người đi sau:

–Chung Khánh đang ở đâu?

Người đi sau trả lời:

–Chung Khánh là người đi đầu.

Như vậy, trải qua thời gian rất lâu mà họ không thấy Chung Khánh. Chung Khánh nói là y đang còn ở sau, người phía sau lại nói y đang ở phía trước. Chung Khánh sắp đến nhà nhưng không ai nhận ra Chung Khánh. Nhưng rồi, bà con họ hang bắt tên nô bộc của Chung Khánh chỉ cho họ biết. Chừng gặp lại nhau, bà con họ hàng mới bảo:

–Cậu đi quá lâu, nên không nhận ra được. Người thì vẫn là người xưa mà hình dạng đổi thay đến như vậy. Hôm nay, bà con họ hàng có ý đến đón cậu, tại sao cậu lại xem thường, bảo là cậu đang ở phía sau.

Chung Khánh đáp:

–Tôi chẳng phải Chung Khánh. Người ngồi trên xe chở châu báu phía sau mới là Chung Khánh. Ngày xưa, y nghèo khổ tiều tụy, bà con họ hàng khinh miệt, mỗi khi chợt gặp mặt liền ngoảnh mặt sang chỗ khác. Hôm nay các vị tìm Chung Khánh có việc gì?

Bà con họ hàng trả lời rằng:

–Chúng tôi đón rước cậu ta, chẳng biết sao ngày nay cậu ta giàu có đến như vậy. Hiện giờ, bà con họ hàng tuy không còn đông đủ như xưa, nhưng chẳng phải đã mất hết.

Khi tới ngoài thành cùng hỏi thăm nhau, rồi Chung Khánh tắm gội sạch sẽ, mặc áo mới vào thành, về nhà.

Sáng sớm sau, anh từ biệt bà con họ hàng. Vì xa cách Đức Như Lai lâu ngày nên anh muốn đến lễ bái thăm hỏi Ngài. Bà con họ hàng nói:

–Chúng tôi cũng muốn đi theo.

Rồi bà con họ hàng cùng với anh này đến chỗ Phật, trán lạy sát chân Phật rồi cùng ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn thấy mọi người đã ngồi yên, Ngài bèn nói bài kệ rằng:

Như người đi lâu,

Xa về an lành,

Thân thuộc đều an,

Trở về vui mừng.

Lúc ấy Chung Khánh và bà con họ hàng vui mừng hớn hở, tâm lành phát sinh. Chung Khánh đứng dậy khỏi chỗ ngồi, quỳ thẳng thỉnh Phật và chúng Tăng về nhà mình thiết trai cúng dường.

Đức Như Lai im lặng nhận lời. Sáng hôm sau, đến giờ, Đức Phật và Tỳ-kheo Tăng đắp y ôm bát, các Tỳ-kheo theo sau Đức Phật cùng đến nhà Chung Khánh, rồi mỗi vị ngồi theo thứ lớp. Chung Khánh tự tay dâng các món ăn uống ngon ngọt. Sau khi đại chúng ăn xong, chính Chung Khánh dâng nước rửa tay, sau đó Chung Khánh lấy một cái ghế nhỏ trước mặt Như Lai để được chú nguyện. Đức Như Lai nói bài kệ:

Người ưa làm phước

Đời này đời sau

Tự được phước báo

Người thân đến vui.

Khởi từ thánh giáo

Cấm điều bất thiện

Gần đạo dễ mến

Xa đạo ai gần.

Gần và không gần

Chỗ đến khác nhau

Gần đạo lên trời

Xa đạo đọa ngục.

Lúc bấy giờ, Chung Khánh và bà con họ hàng nghe lời Phật dạy tâm ý mở tỏ, ngay tại chỗ ngồi, họ đạt được lòng tin vững chắc.

——————-

Tâm ưa pháp và giới

Thích tu tập kính tin

Tự giữ gìn thân mình

Được mọi người kính mến.

Tâm ưa pháp và giới: Thế nào là chúng sinh tu tập theo giáo pháp, tu tập các pháp lành, đầy đủ giới luật? Nghĩa là nếu có chúng sinh vâng giữ giới cấm, không mảy may lỗi lầm, nhờ phước giữ giới ấy được sinh lên cõi trời Phạm thiên hưởng phước không cùng tận, đó là do giới thiếu sót, không vâng giữ giới cấm. Vì sao?

Vì họ muốn được phước trời. Nếu lại có người vâng giữ giới cấm, không mảy may lỗi lầm, phước đức giữ giới này không cầu sinh lên cõi trời, làm Phạm thiên, Đế Thích, không cầu làm Ma vương, không cầu làm vua Chuyển luân cai trị bốn thiên hạ. Nay ta hồi hướng phước đức giữ giới để cầu quả Vô thượng Đẳng chánh giác, đó gọi là đầy đủ giới, cho nên nói: Tâm ưa pháp và giới.

Thích tu tập kính tin: Giữ lòng tin vững chắc, thường vui tu tập, tâm không lo sợ, cũng không rối loạn. Mọi việc làm đều có tâm kính tin, thường sống với sự chân thật, có ghi nhớ, không sống với lơ đễnh. Nói ra lời gì đều chí thành, không nói lỗi người, cho nên nói: Thích tu tập kính tin.

Tự giữ gìn thân mình: Làm điều thiện nghĩa là tự vì mình mà đem của cải bố thí thì tự mình được phước. Vâng giữ giới cấm, tâm không buông lung, mong được an định tâm thần, làm rường cột cho đời sau. Giảng nói nghĩa kinh, chọn lấy chỗ đồng, dị, cũng vì chính mình. Cho nên nói: Tự giữ gìn thân mình.

Được mọi người kính mến: Người giữ gìn đức hạnh, dù đến xứ nào, cũng được mọi người khen ngợi phước đức của mình. Nhờ mọi người mà tiếng tăm mình được vang xa, cho nên nói: Được mọi người kính mến.

——————

Được mọi người kính mến

Đều do mình mà ra

Đời nay được khen ngợi

Đời sau sinh cõi trời.

Được mọi người kính mến: Người mà đức hạnh hoàn toàn thì được tiếng tăm, được hằng ngàn muôn người tôn kính. Lời nói và việc làm đều đáng làm khuôn mẫu cho người noi theo. Đó là do chưa nhóm đức hạnh không thiếu khuyết, nên nói: Được mọi người kính mến.

Đều do mình mà ra: Người tu hạnh lành mong tránh khỏi ách nạn. Người nhận lãnh của tín thí như áo mền, thức ăn uống, giường chõng, thuốc men thì phải giữ gìn giới cấm, không để thiếu khuyết.

Bên trong có tâm chân thành thì của tín thí bên ngoài mới tiêu hóa được, cho nên nói: Đều do mình mà ra.

Đời nay được khen ngợi: Đức hạnh được trời, người khen tặng đáng kính đáng quý, dù đi đến đâu cũng không trở ngại, cho nên nói: Đời nay được khen ngợi.

Đời sau sinh cõi trời: Sau khi qua đời được sinh lên cõi trời hưởng phước tự nhiên với nhà cao, điện các bằng bảy báu, cho nên nói: Đời sau sinh cõi trời.

—————–

Dạy tu khiến vâng nhận

Ngăn dứt việc phi pháp

Điều người làm lành nhớ

Là xa lìa việc ác.

Dạy tu khiến vâng nhận: Đối với pháp công đức thì truyền dạy chánh pháp, hễ họ cần tu giáo pháp gì thì giảng nói giáo pháp ó, cho nên nói: Dạy tu khiến vâng nhận.

Ngăn dứt việc phi pháp: Người làm những việc không đúng háp bị mọi người hét bỏ, tâm thường tán loạn, mọi người đều hét bỏ, phải đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc inh, cho nên nói: Ngăn ứt việc phi pháp.

Điều người làm lành nhớ: Người làm việc lành đầy đủ đức lành, không bao giờ làm cho người khác đọa vào đường ác, cho nên nói: Điều người làm lành nhớ.

Là xa lìa việc ác: Điều phải biết đó là điều ác. Làm những việc không cần thiết thường đi đôi với việc ác. Điều mà tâm nghĩ thì đứng đầu là điều ác, cho nên nói: Nên xa lìa việc ác.

—————–

Người thiện và bất thiện

Cả hai không khác nhau

Bất thiện đọa địa ngục

Người thiện sinh cõi trời.

Người thiện và bất thiện: Hai hạng người này khác nhau. Hạng thứ nhất thì tốt đẹp, hạng thứ hai thì xấu xa. Hạng thứ nhất thì an định, hạng thứ hai thì tán loạn. Hạng thứ nhất thì hướng về đường lành, hạng thứ hai thì nhắm vào đường ác. Hạng thứ nhất được khen ngợi, hạng thứ hai bị chê bai, cho nên nói: Người thiện và bất thiện.

Cả hai không khác nhau: Ai nấy sống trên đời này, rốt cùng đều đi về chỗ chết, chỉ do chỗ họ tạo nghiệp mới đưa đến kết quả khác nhau ở mai sau, cho nên nói: Cả hai không khác nhau.

Bất thiện đọa địa ngục: Bọn người xấu ác làm những việc bất thiện do chính họ làm ra rồi lại xúi giục người khác cũng làm giống như mình, cho nên nói: Bất thiện đọa địa ngục.

Người thiện sinh cõi trời: Tứ song bát bối gồm mười hai bậc Hiền sĩ, những vị này tu tập cội gốc thiện, thích đạo nơi cảnh vắng lặng, không ưa cảnh đời phiền toái, cho nên nói: Người thiện sinh cõi trời.