KINH ĐẠI LÂU THÁN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Sa-môn Pháp Lập và Pháp Cự
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 6: LONG ĐIỂU

Phật bảo Tỳ-kheo:

–Có bốn loại Rồng. Những gì là bốn?

  1. Loại rồng sanh từ trứng.
  2. Loại rồng sanh từ nước.
  3. Loại rồng sanh từ bào thai.
  4. Loại rồng hóa sanh.

Đó là bốn loại rồng.

Phật bảo Tỳ-kheo:

–Có bốn loài Kim sí điểu:

  1. Loại chim sanh từ trứng.
  2. Loại chim sanh từ nước.
  3. Loại chim sanh từ thai.
  4. Loại chim hóa sanh.

Đó là bốn loại chim.

Nơi đáy biển lớn, phía Bắc núi Tu-di có cung Long vương Takiệt, rộng, dài tám vạn do-tuần; dùng bảy báu: vàng, bạc, pha lê, lưu ly, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não làm thành bảy lớp vách, bảy lớp lan can, bảy lớp đường đi, bảy lớp hàng cây bao quanh đẹp đẽ. Vách bằng vàng thì cửa bằng bạc, vách bằng bạc thì cửa bằng vàng; vách bằng lưu ly thì cửa bằng pha lê; vách bằng pha lê thì cửa bằng lưu ly; vách bằng chơn châu đỏ thì cửa bằng mã não; vách bằng mã não thì cửa bằng chơn châu đỏ; vách bằng xa cừ thì cửa bằng tất cả vật báu, phối trí đẹp đẽ. Vách ấy cứ hai vạn dặm có một cái cửa. Cửa cao hai ngàn bốn trăm dặm, rộng một ngàn hai trăm dặm. Cửa ấy thường có năm trăm quỷ thần canh giữ. Trên vách cửa có lan can, lối đi, mái che; bên cửa có vườn nhà, ao tắm, có các loại cây tỏa ra mùi thơm, có các loại hoa, các loại lá, các loại chim bay cùng nhau vui hót.

Phía Bắc biển lớn, có cung Long vương Nan-đầu-hòa-nan, mỗi mặt rộng, dài hai vạn tám ngàn dặm; dùng bảy báu làm thành bảy lớp vách, lan can, bảy lớp đường đi, hàng cây bao bọc chung quanh. Cửa cung cao một ngàn bốn mươi dặm, rộng bốn trăm tám mươi dặm. Trên vách có lan can, đường đi, mái che. Chung quanh có khu viên quán, ao tắm, cây cối, các loại chim bay cùng nhau vui hót, như khu viên quán của Long vương Ta-kiệt. Phía Bắc của cung Long vương Nan-đầu-hòa-nan, có cây lớn tên là Câu-lê-thiểm, vòng thân hai trăm tám mươi dặm, cao bốn ngàn dặm, cành lá tỏa ra hai ngàn dặm. Phía Đông cây Câu-lê-thiểm, có cung điện của loài Kim sí điểu (chim cánh vàng) sanh từ trứng, rộng, dài hai mươi bốn vạn dặm, chung quanh có bảy lớp vách, lan can, đường đi, cây cối bằng bảy báu; có vườn, nhà, ao tắm, các loại chim bay cùng nhau vui hót. Phía Nam của cây Câu-lê-thiểm, có cung của loài Kim sí điểu sanh từ nước, rộng, dài hai mươi bốn vạn dặm, cũng có bảy lớp vách, lan can, đường đi, cây cối bằng bảy báu; có vườn nhà, ao tắm, hoa hương, các loại chim bay cùng nhau vui hót. Phía Tây của cây lớn Câu-lê-thiểm, có cung của loài Kim sí điểu sanh từ bào thai, rộng, dài hai mươi bốn vạn dặm; cũng có bảy lớp vách, lan can, đường đi, cây cối bằng bảy báu; có vườn, nhà, ao tắm, hoa hương, các loại chim bay cùng nhau vui hót. Phía Bắc của cây lớn Câu-lê-thiểm, có cung của loài Kim sí điểu hóa sanh, rộng, dài hai mươi bốn vạn dặm, cũng có bảy lớp vách, lan can, đường đi, cây cối bằng bảy báu; có vườn, nhà, ao tắm, hoa hương, các loại chim bay cùng nhau vui hót.

Khi loài Kim sí điểu sanh từ trứng muốn tìm bắt loài Rồng sanh từ trứng, từ cành phía Đông của cây Câu-lê-thiểm, lao xuống biển lớn, dùng cánh quạt nước biển, sóng dậy tám ngàn dặm, bắt loài Rồng sanh từ trứng ăn thịt, nhưng chẳng thể ăn được loại rồng sanh từ bào thai, loại sanh từ nước và loại hóa sanh.

Khi loài Kim sí điểu sanh từ nước muốn tìm bắt loài Rồng sanh từ trứng, liền từ cây lớn Câu-lê-thiểm lao xuống biển lớn, dùng cánh quạt nước biển, sóng dậy tám ngàn dặm, bắt loài Rồng sanh từ trứng ăn thịt.

Khi loài Kim sí điểu sanh từ nước, muốn tìm bắt loài Rồng sanh từ nước, liền từ cành phía Nam của cây lớn Câu-lê-thiểm, lao xuống biển lớn, dùng cánh quạt nước biển, sóng dậy một vạn sáu ngàn dặm, bắt loài Rồng sanh từ nước ăn thịt, nhưng chẳng ăn được loài Rồng sanh từ bào thai và loại hóa sanh.

Khi loài Kim sí điểu sanh từ bào thai muốn bắt loại rồng sanh từ trứng, liền từ cành phía Đông của cây lớn Câu-lê-thiểm, lao xuống biển lớn, dùng cánh quạt nước biển, sóng dậy sáu ngàn dặm, bắt loại rồng sanh từ trứng ăn thịt.

Khi loài Kim sí điểu sanh từ bào thai, muốn bắt loại rồng sanh từ nước, liền từ cành phía Nam của cây lớn Câu-lê-thiểm, lao xuống biển lớn, dùng cánh quạt nước biển làm dậy sóng một vạn sáu ngàn dặm, bắt loại rồng sanh từ nước ăn thịt.

Khi loài Kim sí điểu sanh từ bào thai muốn bắt loại rồng sanh từ bào thai, liền từ cành phía Tây của cây lớn Câu-lê-thiểm, lao xuống biển lớn, dùng cánh quạt nước biển, sóng dậy ba vạn hai ngàn dặm, bắt loại rồng sanh từ bào thai ăn thịt, nhưng chẳng thể bắt loại rồng hóa sanh ăn thịt.

Khi loài Kim sí điểu hóa sanh muốn bắt loại rồng sanh từ trứng, liền từ cành phía Đông của cây lớn Câu-lê-thiểm, lao xuống biển lớn, dùng cánh quạt nước biển, sóng dậy tám ngàn dặm, bắt loại rồng sanh từ trứng ăn thịt.

Khi loài Kim sí điểu hóa sanh muốn bắt loại rồng sanh từ nước, liền từ cành phía Nam của cây lớn Câu-lê-thiểm, lao xuống biển lớn, dùng cánh quạt nước biển, sóng dậy một vạn sáu ngàn dặm, bắt loại rồng sanh từ nước ăn thịt.

Khi loài Kim sí điểu hóa sanh muốn bắt loại rồng sanh từ bào thai, liền từ cành phía Tây của cây lớn Câu-lê-thiểm, lao xuống biển lớn, dùng cánh quạt nước biển, sóng dậy ba vạn hai ngàn dặm, bắt loại rồng sanh từ bào thai ăn thịt.

Khi loài Kim sí điểu hóa sanh muốn bắt loại rồng hóa sanh, liền từ cành phía Bắc của cây lớn Câu-lê-thiểm, lao xuống biển lớn, dùng cánh quạt nước biển, sóng dậy sáu vạn bốn ngàn dặm, bắt loại rồng hóa sanh ăn thịt.

Có các loại Long vương khác mà loài Kim sí điểu chẳng thể bắt ăn thịt được. Những loại Long vương nào mà Kim sí điểu chẳng thể ăn thịt được? Một là Long vương Ta-kiệt, hai là Long vương Anậu-đạt, ba là Long vương Nan-đầu-hòa-nan, bốn là Long vương Thiện Kiến, năm là Long vương Đề-đầu-lại, sáu là Long vương Y-lamộ, bảy là Long vương Thiện Trụ, tám là Long vương Ca-câu, chín là Long vương A-vu-lâu, mười là Long vương Uất-chiên-bát, mười một là Long vương Kiền-ha-cụ-đàm, mười hai là Long vương Lamba. Kim sí điểu đều chẳng thể bắt các Long vương ấy ăn thịt được.

Các Long vương này đều ở trong núi. Nếu có đạo nhân Bà-lamôn đến cầu ý rồng, phụng trì đầy đủ giới hạnh của rồng, liền sanh vào loài Rồng. Nếu có đạo nhân Bà-la-môn đến cầu ý Kim sí điểu, phụng trì giới hạnh Kim sí điểu, để cầu làm Kim sí điểu, chết rồi liền sanh vào loài Kim sí điểu. Nếu có đạo nhân Bà-la-môn đến cầu ý chim Ưu-lưu, phụng trì giới hạnh đầy đủ, sau khi chết liền sanh vào loại chim Ưu-lưu. Nếu có đạo nhân Bà-la-môn đến cầu ý trâu bò, làm theo ý trâu bò, giới hạnh đầy đủ, sau khi chết liền sanh vào loài trâu bò. Nếu có đạo nhân Bà-la-môn đến cầu đạo chó, làm theo ý chó, giới hạnh đầy đủ, sau khi chết sanh vào loài chó. Nếu có đạo nhân Bà-la-môn đến cầu đạo nai, làm theo ý nai, giữ giới đầy đủ, sau khi chết sanh vào loài nai. Nếu có đạo nhân Bà-la-môn đến cầu đạo gà, làm theo ý gà, giữ giới đầy đủ, sau khi chết sanh vào loài gà. Hoặc có đạo nhân Bà-la-môn đến cầu làm trời Ma-ni-việt, cầu làm nữ nhân, cầu làm thần lớn, cầu làm nhật nguyệt, có người ngày tắm ba lần trong nước để cầu sanh lên trời, có người thờ trời, người thờ nhật nguyệt để cầu sanh lên trời.

Phật dạy:

–Những người si mê kiến chấp ấy đọa vào hai đường ác: Một là địa ngục, hai là súc sanh. Hoặc có đạo nhân Bà-la-môn nói lên kiến giải thế này: “Ngã và thế gian là thường”, rồi cho mình là đúng, cho những kẻ khác là ngu si. Có kẻ bảo: “Ngã và thế gian là vô thường”, rồi cho mình là đúng, những kẻ khác là ngu si. Có kẻ bảo: “Ngã và thế gian là thường, vô thường”, rồi cho mình là đúng, những kẻ khác là ngu si. Có kẻ chủ trương: “Ngã và thế gian cũng chẳng thường, cũng chẳng vô thường”, rồi cho mình là đúng, những kẻ khác là ngu si. Có kẻ cho: “Ngã và thế gian có giới hạn”, rồi bảo mình là đúng, những kẻ khác là ngu si. Có kẻ nói: “Ngã và thế gian không giới hạn”, rồi bảo mình là đúng, những kẻ khác là ngu si. Có kẻ bảo: “Ngã và thế gian có giới hạn, vừa không có giới hạn”, rồi cho mình là đúng, những kẻ khác là ngu si. Có người chủ trương: “Ngã và thế gian chẳng có giới hạn, cũng không phải không có giới hạn”, rồi cho mình là đúng, những kẻ khác là ngu si. Có người nêu: “Ngã là có thân mạng”, rồi cho mình là đúng, những kẻ khác là ngu si. Có người nói: “Thân ta chết và đổi thành thân khác”, rồi cho mình là đúng, những kẻ khác là ngu si. Có người bảo: “Không có thân mạng”, rồi cho mình là đúng, những kẻ khác là ngu si. Có người chủ trương: “Không có thân mạng, cũng không phải không có thân mạng”, rồi cho mình là đúng, những kẻ khác là ngu si. Có người cho: “Con người khi sanh ra từ chỗ nào, thì sau khi chết sẽ về chỗ đó”, rồi cho mình là đúng, những kẻ khác là ngu si. Có người nói: “Con người sanh ra từ chỗ không có, sau khi chết cũng sẽ trở vào chỗ đó”, bảo mình là đúng, những kẻ khác là ngu si. Có người bảo: “Con người vừa có chỗ từ đó sanh ra, vừa không có chỗ từ đó sanh ra, sau khi chết cũng sẽ về chỗ đó”, rồi cho mình là đúng, còn những kẻ khác là ngu si. Có người chủ trương: “Con người cũng chẳng có chỗ từ đó sanh ra, cũng không phải không có chỗ từ đó sanh ra”, rồi cho mình là đúng, còn những kẻ khác là ngu si.

Phật dạy:

–Kẻ đạo nhân Bà-la-môn nói rằng ngã và thế gian là hữu thường, và cho mình là đúng, còn những kẻ khác là ngu si, là vì họ tu tập chấp kiến có ngã, có mạng, có thân và thế gian, cho nên nói ngã và thế gian là hữu thường. Có người nói ngã và thế gian là vô thường. Có người nói ngã và thế gian vừa hữu thường, vừa vô thường. Có người nói ngã và thế gian chẳng hữu thường, cũng chẳng vô thường. Mọi người đều cho mình là đúng, còn những kẻ khác là ngu si, vì theo kiến chấp của họ là chấp có ngã, chấp có mạng, chấp có thân và thế gian, cho nên tuyên bố ngã và thế gian là hữu thường. Kẻ đạo nhân Bà-la-môn nói ngã và thế gian là hữu hạn, và cho mình là đúng, còn những kẻ khác là ngu si, vì theo nhạn thức của họ là có ngã, có mạng, cho nên tuyên bố mạng là hữu hạn, con người là hữu hạn, từ khi ở trong bụng mẹ, cho đến khi chết chôn trong mồ đều như nhau. Con người từ lúc sơ sanh đã nhận bốn phần thân thể, và trải qua bảy lần sống chết, về sau đắc đạo; cho nên nói ngã và thế gian là hữu hạn. Có người nói ngã và thế gian là vô hạn, cho mình là đúng, còn những kẻ khác là ngu si, vì trong nhận thức của họ là có ngã, có mạng, có thân, có thế gian, nên tuyên bố có mạng, có người vô hạn. Con người từ khi ở trong bụng mẹ cho đến sau khi chết chôn trong mồ đều như nhau, từ lúc sơ sanh đã nhận bốn phần thân thể, trải qua bảy lần sống chết, về sau đắc đạo. Hoặc có đạo nhân Bà-lamôn nêu quan điểm của mình rằng ngã và thế gian vừa hữu hạn vừa vô hạn, vì nhân thức của họ là có ngã, có mạng, có thân, có thế gian, rồi tuyên bố mạng là vô hạn, con người là hữu hạn. Con người từ khi ở trong bụng mẹ, cho đến sau khi chết đem chôn đều như nhau, từ lúc sơ sanh đã nhạn bốn phần thân thể, trải qua bảy lần sống chết, về sau đắc đạo. Có người cho là ngã và thế gian chẳng hữu hạn, cũng chẳng vô hạn, nên họ tuyên bố mạng là hữu hạn. Con người từ khi ở trong bụng mẹ cho đến sau khi chết đem chôn đều như nhau, từ lúc sơ sanh đã nhận bốn phần thân thể, trải qua bảy lần sống chết, về sau mới đắc đạo, cho đến nói cũng chẳng phải hữu hạn, cũng chẳng phải vô hạn.

Hoặc có đạo nhân Bà-la-môn nêu quan điểm của mình: “Có mạng ấy, có thân ấy”. Người đó cho rằng mạng trong đời hiện tại là thường còn, mạng ở đời sau là thường còn; nên họ nói ta là đúng, còn những kẻ khác là ngu si. Có đạo nhân nêu ý kiến: “Mạng khác, người khác”, vì người ấy cho đời này có thọ mạng, đời sau không có thọ mạng, nên họ nói ta là đúng, còn những kẻ khác là ngu si.

Hoặc có đạo nhân Bà-la-môn nói: “Nay thấy mạng dứt, sau khi chết, chuyển sanh qua đời khác”, cho nên nói ta là đúng, còn những kẻ khác là ngu si.

Có đạo nhân Bà-la-môn nói: “Cũng chẳng có mạng, cũng chẳng có thân. Đời này mạng dứt hẳn, đời sau cũng dứt hẳn”, hoặc có đạo nhân Bà-la-môn nói lên quan điểm: “Người sanh ra từ cõi nào thì sau khi chết cũng sẽ sanh về cõi đó”. Họ đều cho mình là đúng, còn những kẻ khác là ngu si. Vì ý kiến của họ là đời này có thân mạng, đời sau có thân mạng, cho nên nói mình là đúng, còn những kẻ khác là ngu si.

Hoặc có đạo nhân Bà-la-môn nêu ý kiến: “Không từ đâu sanh ra, sau khi chết cũng đến chỗ chẳng thấy ấy. Đời nay có mạng, cũng chẳng thấy đời sau không có mạng”; hoặc có đạo nhân Bà-la-môn nêu ý kiến: “Có người từ chỗ “không từ đâu sanh ra”, nên khi chết cũng về chỗ đó”, và cho mình là đúng, còn những kẻ khác là ngu si. Họ chẳng thấy đời này có thân mạng, cũng chẳng thấy đời sau có thân mạng.

Hoặc có đạo nhân Bà-la-môn nói: “Không phải có, cũng không phải không có chỗ từ đó sanh ra”, và cho mình là đúng, còn những kẻ khác là ngu si. Đạo nhân ấy chẳng phải không thấy đời này có thân mạng, cũng không phải không thấy đời sau có thân mạng.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Ở đời quá khứ, có vị vua tên là Bất Hiện Diện. Bấy giờ nhà vua cho tập trung nhiều người mù đến và hỏi họ:

–Các ngươi đã từng biết loài voi chưa?

Những người mù tâu:

–Tâu Thiên vương, chẳng biết!

Vua hỏi:

–Các ngươi muốn biết loài voi chăng?

Tâu:

–Muốn biết.

Lúc ấy vua ra lệnh dắt voi đến, rồi lệnh cho những người mù kia sờ voi. Trong đó, có người mù sờ trúng vòi voi, có người mù sờ trúng ngà voi, có người mù sờ trúng tai voi, có người mù sờ trúng lưng voi, có người mù sờ trúng bụng voi, có người mù sờ trúng chân sau voi, có người mù sờ trúng đầu gối voi, có người mù sờ trúng chân trước voi, có người mù sờ trúng đuôi voi.

Khi ấy vua Bất Hiện Diện hỏi đám người mù kia:

–Voi có hình dạng thế nào?

Người mù sờ trúng vòi voi, tâu:

–Voi như cái càn xe cong.

Người sờ trúng ngà voi, tâu:

–Voi như cái chày.

Người sờ trúng tai voi, tâu:

–Voi như cái ky.

Người sờ trúng đầu voi, tâu:

–Voi như cái đảnh.

Người sờ trúng lưng voi, thưa:

–Voi như vật chứa.

Người sờ trúng bụng voi, thưa:

–Voi như bức vách.

Người sờ trúng bàn chân sau voi, thưa:

–Voi như cây trụ.

Người sờ trúng chân trước voi, thưa:

–Voi như cái cối.

Người sờ trúng đuôi voi, tâu:

–Voi như con rắn.

Rồi bọn họ cùng tranh cãi, chẳng tin nhau, cùng la lên cho mình là đúng, voi là như vậy; còn người khác nói không phải như vậy. Vua đắc ý cười.

Phật dạy:

–Cũng như vậy, có các đạo nhân ngoại đạo, chẳng biết chỗ phát sanh của Khổ đế, cũng chẳng biết Khổ đế, Tập đế, Khổ tận đế (Diệt đế), Khổ diệt đạo đế (Đạo đế), họ cùng tranh cãi chẳng tin nhau, mạ lỵ nhau, tự cho mình là đúng.

Nếu có đạo nhân Sa-môn biết chỗ phát khởi của Khổ, Tập, Diệt, Đạo đế, liền cùng nhau hòa hợp, giống như sữa khi hòa hợp không còn phân biệt, chỉ nói về những lời dạy, việc làm của Phật đạt được an lạc.

Phật dạy:

–Tỳ-kheo, nên tu tập các sự thật là Khổ đế, Tập, Tân (Diệt), và Đạo đế.