KINH BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Sa-môn Công Đức Trực, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 6: KHEN CÔNG ĐỨC CỦA NHƯ LAI

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến nói với Tôn giả A-nan:

–Kỳ lạ thay! Chư Phật Như Lai, thật là hy hữu, đã nhận biết một cách sâu xa đầy đủ sự qua lại của sinh tử, nhớ hiểu về chỗ sinh cùng thân thích quyến thuộc, khéo biết về phiền não, các lỗi lầm, xấu ác đầy đủ tướng tốt, đầy đủ hạnh Xả, đại Xả đầy đủ ý niệm giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, đầy đủ sáu thần thông, đạt đến bờ giác; hoặc Từ, đại Từ, hoặc Bi, đại Bi, hoặc Hỷ, đại Hỷ, hoặc Xả, đại Xả, tối thắng không ai bằng, đạt đến bờ giác; oai nghi, thần thông, hết thảy các pháp đều tối thắng vô ngại, đạt đến bờ giác; hoặc xứ phi xứ, chỉ dẫn các phương, tạo lợi ích hơn hết đạt đến bờ giác; hành trì Xa-ma-tha, Tỳ-bà-xá-na tối thắng bậc nhất đạt đến bờ giác; tất cả thiền định, Tam-muội giải thoát, Tam-ma-bạt-đề tối thắng vô thượng cũng đạt đến bờ giác; không tham, không sân, không si, không mạn, không tối tăm, không lỗi lầm, không có các thứ kiêu mạn, không mê lầm, không sân hận, thoát cõi năm nẻo, bốn Tỳ-xála, luận nghị về nghiệp báo nơi căn lành của chúng sinh, tối thắng không gì, bằng đạt đến bờ giác; tất cả chúng sinh giới tụ không đoạn, không sót, không độc, không xen tạp, không lời, trí tuệ sáng suốt, thanh tịnh dũng mãnh thù thắng, là đại pháp chủ của Sa-môn, Bà-lamôn, Trời, Người, Ma, Phạm, tất cả thế gian, không một chúng sinh nào có thể lường xét phần giới định của Như Lai dù chỉ như sợi lông, cộng tóc. Lại không ai có thể vượt hơn Như Lai. Trưởng lão nên biết, phải quán như thế, ta mới có thể biết hết biên vực của hư không, nhưng không thể lường xét về giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của chư Phật Thế Tôn. Vì sao? Vì chúng đều là vô biên. Nên các pháp thần thông, giới định của Như Lai chẳng phải là chỗ nghĩ bàn nhận biết nông cạn. Vì chúng thâm diệu không thể lường tính, không ai có thể cứu xét cùng tận.

Lúc này, Bồ-tát Bất Không Kiến liền nói kệ:

Thế Tôn dứt sinh tử
Trụ thai khó nghĩ bàn
Lấy pháp tánh làm mẹ
Không thể so sánh được.
Đầy đủ công đức lành
Thế gian không gì hơn
Ba mươi hai tướng tốt
Và tám mươi vẻ đẹp.
Thế gian không nghĩ bàn
Thâu giữ các nghiệp lành
Đẹp thay! Nhân Trung Tôn
Đầy đủ khéo vượt ra.
Hoặc Xả và đại Xả
Tâm giải thoát phiền não
Phương tiện các thắng nghiệp
Gồm đủ không ai bằng.
Đầy đủ giới, định, trí
Phần giải thoát tri kiến
Pháp chư Phật vô biên
Sáu thông đến bờ giác.
Như Lai đủ Từ bi
Hỷ xả các hành xứ
Mở trói cho chúng sinh
Cứu giúp tất cả khổ.
Trí chư Phật sâu đầy
Không thể nghĩ bàn được
Oai nghi không gì sánh
Thần thông đến bờ giác.
Không còn các phiền não
Khéo hiểu rõ chân đế
Hoặc xứ và phi xứ
Lợi ích đều đầy đủ.
Định giải thoát như vậy
Không thể nghĩ bàn được
Khéo hiểu Xa-ma-tha.
Và Tỳ-bà-xá-na
Đã đạt đến chỗ không
Lìa hẳn các tâm ác
Khéo học định giải thoát.
Trừ diệt mọi ngu tối
Tịnh giới không đoạn dứt
Không lậu cũng không độc
Khéo học giới không mất
Bậc minh triết dũng kiện.
Không có một chúng sinh
Ôm lòng nghi hủy báng
Sa-môn, Bà-la-môn
Trời, Người và Ma, Phạm.
Tâm tin, không nghi ngờ
Thường khéo học thanh tịnh
Ta nên biết hư không
Tướng bốn phương rộng lớn.
Không thể lường dũng mãnh
Giới thanh tịnh vô thượng
Có thể thổi một hơi
Khiến nước biển khô cạn.
Không thể lường Như Lai
Pháp thanh tịnh, giới sáng
Có thể thổi một hơi
Khiến Tu-di vụn nát.
Núi Chuyển luân lớn nhỏ
Cũng lại thành bụi trần
Không thể lường Như Lai
Biên vực của Tịnh giới.
Tuy trải bao số kiếp
Không thể lường biết được.

Lúc ấy, Bồ-tát Bất Không Kiến tâm sinh suy nghĩ: “Lành thay, Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri! Xin Như Lai hiện bày oai thần giáng đến chúng hội. Nay con nhằm vì các Bồ-tát mà thưa hỏi Như Lai về Tam-muội Niệm Phật.” Đức Thế Tôn trước ở trong đại chúng tuy có nói về tên của Tam-muội đó nhưng không diễn giảng, liền vào tĩnh thất, nằm nghiêng bên phải.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết được những suy nghĩ đó, bèn dùng thần lực của Phật khiến tam thiên đại thiên thế giới này chấn động sáu cách, đủ mười tám lần biến hóa, cũng như trước đã nói. Đức Thế Tôn lại phóng ánh sáng lớn chiếu khắp thế giới Ta-bà, khiến những ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, tinh tú, chư Thiên, Dục giới, vô biên hằng hà sa chúng Phạm thiên đều bị che khuất không còn hiện; chỉ có hào quang thần diệu của Phật là sáng rõ thù thắng. Đức Phật thương xót chúng sinh nên từ chỗ nằm ngồi dậy, sửa lại y phục, đi đến đại hội. Lúc đó, hàng Trời, Người, Sa-môn, Bà-la-môn, A-tu-la nơi các thế gian đều thấy ánh sáng trội bậc của Như Lai, nên đều liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cung kính chắp tay, lui đứng qua một bên.

Khi đó, Bồ-tát Bất Không Kiến từ xa thấy Đức Phật đến, dung mạo đoan nghiêm, oai nghi khoan thai, nên cung kính chiêm ngưỡng đầy đủ các tướng tốt rồi nói với Tôn giả A-nan:

–Hôm nay, Đức Thế Tôn từ tĩnh thất đi đến, ắt sẽ giảng nêu chỉ rõ về Đệ nhất nghĩa đế tối thắng, sẽ nói không hư vọng, sẽ khéo tuyên nói điều vi diệu, sẽ nói không phân biệt, khéo có thể lường xét, không khởi nghiệp ác, thân nghiệp không hủy, khẩu nghiệp không trách, ý nghiệp không lỗi, ba nghiệp đều thanh tịnh. Giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến cũng đều đầy đủ, phương tiện vô thượng, thần thông lợi ích, đầy đủ biện tài thù thắng đặc biệt không nghĩ bàn, khéo nhận biết về sinh tử, không thể vượt hơn, trụ nơi thai mẹ thanh tịnh, tộc họ hào quý hơn hẳn, các công đức lành rất là đầy đủ, tướng tốt không thể nghĩ bàn, đầy đủ nhân duyên thuở xưa và ý đầy đủ, giải thoát phiền não tâm được đầy đủ, hoặc xả đại Xả vượt ra khỏi đầy đủ, năm thức không chấp giữ lìa nhiễm đầy đủ, năm phần Pháp thân thanh tịnh đầy đủ, rốt ráo đạt được sáu pháp thần thông và tánh tướng của pháp đều đến bờ giác; Tỳ-bà-xá-na, Xa-matha, Căn, Lực, Giác, Đạo đều đạt đến bờ giác; Từ, Bi, Hỷ, Xả không thể nghĩ bàn; thâm tâm hổ thẹn đạt đến bờ giác, các pháp tự tại đạt đến bờ giác; các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai đều thấy biết, không đắm, không thoái; có thể nhận biết tất cả thân nghiệp quá khứ, cũng biết mọi chuyển biến để đạt đến bờ giác. Hai nghiệp khẩu và ý cũng lại như vậy.

Này Trưởng lão A-nan! Như Lai Thế Tôn trong khoảng một niệm có thể biết tâm hành thiện ác của tất cả chúng sinh, không điều gì là không thông suốt.

Bồ-tát Bất Không Kiến lại nói với Tôn giả A-nan:

–Ví như biển cả sâu rộng khó qua, giới phẩm của chư Phật sâu rộng cũng vậy.

Ví như núi Tu-di, hoàn toàn không thể làm nghiêng ngã, định phẩm của Như Lai cũng khó lay động như vậy.

Này Trưởng lão A-nan! Ví như hư không thanh tịnh, dung nạp không có hạn lượng, Tam-muội của chư Phật thâu giữ vô biên trí phẩm thanh tịnh, lại thâu tóm tâm thanh tịnh nơi hết thảy chúng sinh.

Này Trưởng lão A-nan! Ví như mặt trời sáng có thể chiếu đến vô lượng sắc tượng, ánh sáng pháp của Như Lai không chốn tối tăm nào là không soi sáng.

Này Trưởng lão A-nan! Ví như lửa lớn thiêu đốt núi rừng và tất cả các vật, lửa pháp của Như Lai cũng thiêu đốt vô lượng phiền não của chúng sinh khiến được thanh tịnh.

Này Trưởng lão A-nan! Ví như suối nước chảy tràn khắp ra ngoài, trở thành ao sâu, có thể tẩy rửa muôn vật khiến cho trong sạch, nước pháp của Như Lai cũng trừ tất cả trói buộc của chúng sinh để thường được an ổn.

Này Trưởng lão A-nan! Ví như y vương khéo chữa trị tất cả bệnh hoạn của chúng sinh, thuốc pháp của Như Lai có thể trừ diệt bệnh nặng sinh tử cho chúng sinh khiến đều dứt hẳn.

Này Trưởng lão A-nan! Như mưa đúng lúc cây cỏ thấm nhuần nên đều tăng trưởng, mưa pháp của Như Lai cũng thấm nhuần tất cả cái chúng sinh khô hạn chánh pháp.

Này Tôn giả A-nan! Như sư tử gầm, khiến các loài thú đều sợ hãi, khuất phục, pháp âm của Như Lai hủy hoại các thứ ngã kiến của chúng sinh, làm cho xa lìa hẳn.

Này Tôn giả A-nan! Ví như thuyền lớn có thể dễ sang bờ kia, thuyền pháp của Như Lai có thể vượt qua bốn dòng sinh tử của các chúng sinh đạt đến bờ kia.

Này Tôn giả A-nan! Như hoa Ưu-đàm hiếm có, khó thấy, Như Lai xuất thế cũng lại khó gặp.

Này Tôn giả A-nan! Ví như cây Ba-lợi-chất-đa-la hoa nở tỏa ra mùi thơm thù thắng, tướng đại nhân của Phật phát ra ánh sáng cũng vậy.

Này Tôn giả A-nan! Ví như cha mẹ có thể nuôi dưỡng các con, Như Lai khéo đem lại lợi ích cho chúng sinh cũng như vậy.

Này Tôn giả A-nan! Hoặc người nói: Như Lai xuất thế, giảng nói vô biên điều chân chánh gọi là chân thuyết. Hoặc người nói: Như Lai xuất thế nói biện tài không nghĩ bàn gọi là chánh thuyết.

Này Trưởng lão A-nan! Lược nói về vô biên biện tài của Như Lai: Biện tài không chấp trước, biện tài không trở ngại, biện tài giải thoát thù thắng, biện tài thành tựu vi diệu, biện tài thường tùy thuận, biện tài dần dần thân cận, biện tài có hỏi không hỏi, biện tài vi diệu thanh tịnh, biện tài tối thắng vô thượng, biện tài Từ, đại Từ, biện tài Bi, đại Bi, biện tài Hỷ, đại Hỷ, biện tài Xả, đại Xả, biện tài về Phật ra đời, biện tài làm lợi ích.

Này Tôn giả A-nan! Nếu người nói: Như Lai xuất thế, đem lại đầy đủ lợi ích cho tất cả chúng sinh, gọi là chánh thuyết.

Này Tôn giả A-nan! Nếu người nói: Chúng sinh không an, không ai cứu độ, không chốn quy kính, không nơi hướng về, không chủ, Như Lai xuất thế có thể làm an ổn, cứu giúp làm chủ chỗ quy hướng, gọi là chánh thuyết.

Này Tôn giả A-nan! Ta hoặc một kiếp, hoặc đến trăm kiếp, nói rộng về công đức trí tuệ biện tài của chư Phật Thế Tôn thì hàng ức không bằng một. Lại ở vô lượng tất cả các kiếp, tuyên bày công đức biện tài của Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cũng không thể cùng tận.

Này Tôn giả A-nan! Ví như có người già yếu, què quặt, đến chỗ người khác, nói với người đó: “Lạ thay trượng phu! Tôi tuy như vậy nhưng có thể dùng một sợi lông thâu lấy tất cả vô lượng nước đặt vào trong miệng, khiến cho mọi chốn đều khô cạn.” Người này không có thần thông, chú thuật mà có thể làm việc ấy, vậy có tin được không?

Tôn giả A-nan đáp:

–Việc này là khó tin.

Bồ-tát Bất Không Kiến nói:

–Thật không thể có, chỉ là lời nói trống rỗng. Như vậy, này Tôn giả A-nan! Ta nói công đức biện tài của chư Phật là không thể cùng tận, giống như người kia làm cạn nước là điều không thể có.

Này Tôn giả A-nan! Giả sử ta ở trong ức trăm ngàn na-do-tha kiếp, cũng không thể tuyên nói dù một phần hết sức nhỏ về công đức trí tuệ biện tài của chư Phật. Chỉ Phật với Phật mới có thể biết cùng tận.

Này Tôn giả A-nan! Như đại địa này, dung nạp mọi chúng sinh các loài có chân, không chân, bốn chân, nhiều chân, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng, hoặc thế giới này, hoặc thế giới khác, hoặc một ngàn thế giới, trăm ngàn thế giới, vô lượng, vô biên tất cả thế giới – chúng sinh trong đó sẽ được thành Phật. Vậy đối với chư Phật Thế Tôn, nơi ức trăm ngàn na-do-tha kiếp, nói một phần rất nhỏ về công đức của Phật cũng không thể cùng tận, công đức như vậy không gì không đầy đủ.

Lúc đó, Bồ-tát Bất Không Kiến liền nói kệ:

Trưởng lão A-nan-đà
Pháp vương từ kia đến
Hết thảy các thế gian
Đều khởi tâm cúng dường.
Chủ ánh sáng thù thắng
Công đức nhiều vô số
Nói tối thắng, lợi ích
Nói thật, nói không sinh.
Nói chắc, nói không sai
Nói khéo, nói không khác
Phát âm thanh vi diệu
Đạt trí khéo giảng nói.
Thân, khẩu, ý thanh tịnh
Không duyên nghĩ các ác
Giới định Phật thù thắng
Trí giải thoát đệ nhất.
Và giải thoát tri kiến
Oai nghi thường khó nghĩ
Trí thần thông vô thượng
Lợi ích không gì hơn!
Khéo được hạnh vô cấu
Biện tối thắng vi diệu
Nhân Trung Tôn vô thượng
Biết đầy đủ sinh tử.
Trụ thai không gì sánh
Mẫu tộc cũng như vậy
Tướng tốt không nghĩ bàn
Tám mươi thứ vẻ đẹp.
Dung mạo rất đặc biệt
Đoan nghiêm không ai bằng
Tâm đầy đủ không Hoặc
Xả, đại Xả cũng vậy.
Vượt khỏi tất cả dục
Năm thức đều gồm đủ
Chứng trí vượt sáu thông
Đầy đủ bốn vô ngại.
Đủ vô lượng tri kiến
Các thần biến khó bàn
Xá-ma, Tỳ-bà-na
Đều vượt qua bờ giác.
Được xả lìa cấu: Vua
Oai nghi thường tự tại
Trong chúng đại thần vương
Từ nơi kia đi lại.
Tu-già-đà không chân
Trụ vào trí mười Lực
Hành từ diễn pháp sáng
Nói tất cả thắng trí.
Hay biết nước biển cả
Vô biên rộng sâu xa
Không lường sức vô thượng
Biên vực tịnh giới định.
Tuy trải ức ngàn kiếp
Không biết số lượng đó
Dùng tay đỡ Tu-di
Ném lên đến Phạm thiên.
Không thể động Như Lai
Định ban đầu sâu xa
Dạo khắp trong hư không
Có thể biết bờ mé.
Nhưng không thể lường xét
Trí Như Lai không hủy
Có thể đi trên không
Cùng tận hạn lượng đó.
Không thể lường lìa cấu
Nhân Trung Tôn giải thoát
Như mặt trời trừ tối
Đều thấy sắc tốt xấu.
Tự nhiên thầy thế gian
Hay diệt tham, sân, si
Ví như trăng tròn đầy
Tất cả đều vui thích.
Trăng pháp là vua sáng
Người thấy đều hoan hỷ
Như đêm đốt đèn sáng
Người mắt sáng đều thấy.
Điều phục, đèn tối thượng
Nên diễn ánh sáng pháp
Đèn pháp của Thế Tôn
Khéo diệt tất cả ấm.
Tự nhiên tuyên nói pháp
Nghe khắp ở chúng sinh
Y vương thắng đại trí
Giống như dòng suối chảy.
Thuốc pháp tiêu các bệnh
Sẽ làm tất cả vui
Ví như đại Long vương
Tuôn xuống khắp trận mưa.
Hay khiến đại địa này
Tất cả đều thấm nhuần
Đại bi của Thế Tôn
Mưa pháp cũng như vậy.
Ví như sư tử gầm
Loài thân mềm sợ hãi
Pháp âm Như Lai vang
Hàng phục các ngoại đạo.
Ví như thuyền bền lớn
Hay chuyên chở tất cả
Phật độ nhiều ức chúng
Bốn dòng qua bờ giác.
Ví như hoa Ưu-đàm
Kỳ lạ thay, hiếm có!
Nhân Trung Tôn khó gặp
Còn khó hơn việc này.
Tất cả các thế gian
Thường được chỗ quy y
Như thành trời Hỷ kiến
Hoa Ba-lợi-chất-đa.
Nở ra sáng rực rỡ
Chỗ chư Thiên vui chơi
Vượt hơn thế gian kia
Tướng hảo rất vi diệu.
Thế Tôn đã vì tôi
Hiện ra các thần biến
Nay tôi nói một ít
Công đức của chư Phật.
Vì tôi đã tu tập
Thí lợi cho chúng sinh.