SỐ 272
KINH ĐẠI TÁT-GIÀ NI-KIỀN TỬ SỞ THUYẾT
Dịch Phạn ra Hán: Đầu đời Ngụy, Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi,
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 7: HỎI VỀ TỘI LỖI

(Cuối Quyển 5)

Bấy giờ, vua Nghiêm Sí nghĩ rằng: “Pháp của Tát-già Ni-kiền Tử đã nói đều là tùy thuận theo chánh pháp của Như Lai.” Rồi vua lại nghĩ: “Hôm nay, ta nên hỏi Tát-già Ni-kiền Tử, Như Lai có tâm tôn trọng không?”

Khi vua Nghiêm Sí nghĩ như vậy rồi, liền rời chỗ ngồi, xuống ngồi chỗ thấp hơn, cung kính hỏi Tát-già Ni-kiền Tử:

–Thưa Đại sư! Nay ta có một chút nghi ngờ, muốn xin hỏi. Đại sư cho phép được hỏi không?

Khi ấy, Tát-già Ni-kiền Tử đáp:

–Đại vương! Có vấn đề gì, xin cứ hỏi. Ta sẽ phân biệt giảng thuyết để nhà vua được hiểu rõ.

Vua Nghiêm Sí nghe Tát-già Ni-kiền Tử cho phép mình hỏi liền thưa rằng:

–Đại sư! Trong thế gian, có chúng sinh nào ở cảnh giới chúng sinh, thông minh, đại trí, lợi căn và thông tuệ mà lại có tội lỗi không?

Đáp:

–Đại vương! Có những chúng sinh này và họ cũng có tội lỗi.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Nay ai là những chúng sinh như thế?

Đáp:

–Đại vương! Đấy là những người Năng vũ Bà-la-môn. Họ thông minh, đại trí, lợi căn và thông tuệ; biết giỏi về tinh tú, biết giỏi về cúng tế các loại trời, biết giỏi chu thuật, biết giỏi việc thờ lửa; biết giỏi thiên văn, mặt trời, mặt trăng, tám ngôi sao; biết rõ về tai họa của mưa đá; biết giỏi về động đất, lành dữ và thay đổi; biết giỏi về nhật thực, nguyệt thực; biết giỏi những năm trong nước mất mùa hay được mùa; biết giỏi về thế gian an ổn hay hoại diệt, nhưng những vị Bà-la-môn ấy cũng có tội lỗi.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Những vị Bà-la-môn kia có tội lỗi gì?

Đáp:

–Đại vương! Những người Bà-la-môn này thường nhiều dâm dục, thích chiếm đoạt vợ người khác. Những người thông tuệ không nên xâm phạm vợ người khác. Vì sao? Vì chiếm đoạt vợ của người khác thì đời hiện tại cũng như trong tương lai phải chịu rất nhiều đau khổ, và bị tất cả trời người trách mắng.

Rồi nói kệ rằng:

Vợ mình không biết đủ
Ưa gần vợ người khác
Là người không hổ thẹn
Thường bị đời oán trách,
Đời hiện tại, vị lai
Chịu khổ và đánh đập
Xả thân vào địa ngục
Chịu khổ đau mãi mãi.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Trong thế gian lại có các chúng sinh thông minh, đại trí, lợi căn và thông tuệ mà có tội chăng?

Đáp:

–Đại vương! Có những chúng sinh này và họ cũng có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Nay ai là những chúng sinh như thế?

Đáp:

–Đại vương! Đó là Phả-la-đọa Bà-la-môn. Họ thông minh, đại trí, lợi căn và thông tuệ, biết pháp, biết lễ mà lại có tội lỗi.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Những vị Phả-la-đọa Bà-la-môn kia có tội gì?

Đáp:

–Đại vương! Những vị Phả-la-đọa Bà-la-môn này thường ngủ nhiều. Người thông tuệ không nên ngủ nhiều. Vì sao? Vì ngủ nhiều sẽ làm thoái mất các hạnh, đánh mất pháp thế gian và xuất thế gian, làm chướng ngại trí tuệ, xa lìa các phiền não.

Rồi nói kệ rằng:

Nếu người ngủ quá nhiều
Lười biếng ngăn sở chứng
Người chưa chứng không chứng
Đã chứng làm thoái mất,
Nếu muốn đạt thắng đạo
Trừ ngủ, nghỉ, phóng dật
Tinh tấn giữ các niệm
Lìa ác, công đức nhóm.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Trong thế gian lại có các chúng sinh thông minh, đại trí, lợi căn và thông tuệ mà có tội chăng?

Đáp:

–Đại vương nên biết! Có những chúng sinh này và họ cũng có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Nay ai là những chúng sinh như thế?

Đáp:

–Đại vương! Đó là vương tử Hắc. Ông ta thông minh, lợi căn, đại trí và thông tuệ, có uy lực lớn nhưng cũng có tội lỗi.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Vương tử Hắc kia có tội gì?

Đáp:

–Đại vương! Vương tử Hắc này có nhiều sự ganh tỵ. Người thông tuệ không nên ganh tỵ. Vì sao? Nếu có người giàu sang phú quý, của cải dẫy đầy, không chịu bố thí mà còn ôm lòng ganh tỵ, những người như thế của cải không thể giữ lâu bền được. Và người ấy lúc chết chỉ bàn tay trắng, sinh vào loài ngạ quỷ chịu đói khát, khổ đau.

Rồi nói kệ rằng:

Tiếc của không bố thí
Cất giấu sợ người biết
Xả thân đi tay không
Chịu khổ trong ngạ quỷ
Đói khát, lạnh và nóng
Khổ đau thường nung nấu
Người trí không tích chứa
Biết bỏ sự tham lam.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Trong thế gian lại có các chúng sinh thông minh, đại trí, lợi căn và thông tuệ mà có tội chăng?

Đáp:

–Đại vương! Có những chúng sinh này và họ cũng có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Nay ai là những chúng sinh như thế?
Đáp:

–Đại vương! Đó là vương tử Thắng Tiên. Ông ta thông minh, đại trí, lợi căn, thông tuệ, có uy lực lớn, không hèn yếu, thích làm việc bố thí và cũng có công đức lớn nhưng cũng có tội lỗi.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Vương tử Thắng Tiên kia có tội lỗi gì?

Đáp:

–Đại vương! Vương tử Thắng Tiên này sát sinh rất nhiều. Người thông tuệ không nên làm việc giết hại. Vì sao? Vì tội sát sinh mắc quả báo đoản mạng, sau khi chết sinh vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.

Rồi nói kệ rằng:

Sát sinh quả không tốt
Đoản mạng, nhiều bệnh tật
Tương lai sinh đường ác
Chịu đủ thứ khổ đau,
Muốn rũ bỏ khổ đau
Cầu vui thắng tương lai
Nên giúp đỡ thân khác
Như yêu chính thân mình.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Trong thế gian lại có các chúng sinh thông minh, đại trí, lợi căn và thông tuệ mà có tội chăng?

Đáp:

–Đại vương! Có những chúng sinh này và họ cũng có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Nay ai là những chúng sinh như thế?

Đáp:

–Đại vương! Đó là vương tử Vô Úy. Ông ta thông minh, đại trí, lợi căn, thông tuệ nhưng lại có tội lỗi.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Vương tử Vô Úy kia có tội gì?

Đáp:

–Đại vương! Vương tử Vô Úy này từ bi thái quá. Người thông tuệ không nên từ bi thái quá. Vì sao? Nếu vương tử của vua từ bi thái quá thì trong nước có rất nhiều giặc cướp nổi lên, quấy nhiễu nhân dân, không thể ngăn chặn được và có rất nhiều hoạn nạn.

Rồi nói ke rằng:

Nếu vua và vương tử
Tâm Từ bi thái quá
Giặc nổi, nhiều dối gạt
Dân sợ, vua lâm nguy,
Vua nên nghĩ họa này
Cân nhắc hạnh Từ bi
Nghĩ đời chịu khổ đau
Từ bỏ tâm thái quá.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Trong thế gian lại có các chúng sinh thông minh, đại trí, lợi căn và thông tuệ mà có tội chăng?

Đáp:

–Đại vương! Có những chúng sinh này và họ cũng có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Nay ai là những chúng sinh như thế?

Đáp:

–Đại vương! Đó là vương tử Thiên Lực. Ông ta thông minh, đại trí, lợi căn, thông tuệ nhưng cũng có tội lỗi.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Vương tử Thiên Lực kia có tội gì?

Đáp:

–Đại vương! Vương tử Thiên Lực này uống rượu thái quá. Người thông tuệ không nên uống rượu thái quá. Vì sao? Uống rượu thái quá sẽ quên mất mọi việc, làm trở ngại tu tập đạo lớn, đánh mất lợi ích thế gian và xuất thế gian.

Rồi nói kệ rằng:

Uống rượu nhiều phóng dật
Hiện đời thường ngu si
Bỏ quên hết mọi việc
Thường bị người trí trách,
Tương lai thường ngu tối
Đánh mất nhiều công đức
Vì thế người thông tuệ
Không uống các thứ rượu.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Trong thế gian lại có các chúng sinh thông minh, đại trí, lợi căn và thông tuệ mà có tội chăng?

Đáp:

–Đại vương! Có những chúng sinh này và họ cũng có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Nay ai là những chúng sinh như thế?

Đáp:

–Đại vương! Đó là vương tử Bà-tẩu Thiên. Ông ta thông minh, đại trí, lợi căn, thông tuệ, có uy lực lớn, tâm không hèn yếu, thường ưa bố thí, có đại uy đức nhưng vẫn có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Vương tử Bà-tẩu Thiên kia có tội gì?

Đáp:

–Đại vương! Vương tử Bà-tẩu Thiên này thông hiểu mọi việc nhưng làm việc rất chậm chạp. Người thông tuệ không nên làm việc quá chậm chạp. Vì sao? Vì người làm việc chậm chạp không đúng tiết thì sẽ mất nhiều lợi ích. Làm cho việc đấu tranh rất khó diệt được. Vì thế, người thông tuệ làm việc phải đúng thời, không nên chậm chạp.

Rồi nói kệ rằng:

Người thi hành chậm chạp
Công việc bị mất nhiều
Việc chưa được không được
Việc được rồi lại mất
Không làm việc chậm nữa
Hãy làm việc đúng lúc
Quá thời không lợi ích
Cho nên, mất mát nhiều.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Trong thế gian lại có các chúng sinh thông minh, đại trí, lợi căn và thông tuệ mà có tội chăng?

Đáp:

–Đại vương! Có những chúng sinh này và họ cũng có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Nay ai là những chúng sinh như thế?

Đáp:

–Đại vương! Đó là vương tử Đại Tiên. Ông ta thông minh, đại trí, lợi căn, thông tuệ, có uy lực lớn nhưng cũng có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Vương tử Đại Tiên có tội gì?

Đáp:

–Đại vương! Vương tử Đại Tiên này tâm tham thái quá. Do sự điên đảo che lấp tâm nên thường cướp đoạt của cải của người khác. Người thông tuệ không nên quá tham lam. Vì sao? Vì người tham lam thái quá thì sẽ không gần gũi chúng sinh. Khi xả thân này liền sinh vào địa ngục.

Rồi nói kệ rằng:

Người tham chứa góp nhiều
Không bao giờ biết đủ
Tâm vô minh điên đảo
Thường nghĩ cướp đoạt người
Hiện tại nhiều oán ghét
Xả thân sinh địa ngục
Cho nên người có trí
Phải nghĩ đến tri túc.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Trong thế gian lại có các chúng sinh thông minh, đại trí, lợi căn và thông tuệ mà có tội chăng?

Đáp:

–Đại vương! Có những chúng sinh này và họ cũng có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Nay ai là những chúng sinh như thế?

Đáp:

–Đại vương! Đó là vương tử Đại Thiên. Ông ta thông minh, đại trí, lợi căn, thông tuệ có uy lực lớn nhưng lại có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Vương tử Đại Thiên kia có tội gì?

Đáp:

–Đại vương! Vương tử Đại Thiên này cười đùa vô độ, phóng túng quá mức. Người thông tuệ không nên đùa giỡn vô độ, phóng túng quá mức. Vì sao? Vì người buông lung quá độ sẽ làm chướng ngại pháp chỉ và pháp quán. Tội đùa giỡn này là nhân của đường ác.

Rồi nói kệ rằng:

Cười đùa tâm cấu uế
Tâm không trụ Tam-muội
Bị người trí quở trách
Hành thiện không giải thoát
Muốn được mau lợi ích
Nên lìa những buông lung
Hiện tại không an ổn
Mất danh tiếng công đức.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Trong thế gian lại có các chúng sinh thông minh, đại trí, lợi căn và thông tuệ mà có tội chăng?

Đáp:

–Đại vương! Có những chúng sinh này và họ cũng có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Nay ai là những chúng sinh như thế?

Đáp:

–Đại vương! Đó là vua Ba-tư-nặc ở nước Kiều-tát-la. Ông ta thông minh, đại trí, lợi căn, thông tuệ nhưng cũng có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Vua Ba-tư-nặc kia có tội gì?

Đáp:

–Đại vương! Vua Ba-tư-nặc này ăn uống quá nhiều. Người thông tuệ không nên ăn uống quá nhiều. Vì sao? Vì ăn uống quá nhiều thì thân thể đi lại khó khăn, biếng nhác và thức ăn khó tiêu hóa. Hơn nữa, người ấy xa lìa lợi ích pháp thiện trong hai đời hiện tại và vị lai.

Rồi nói kệ rằng:

Người ăn uống thái quá
Thân nặng, nhiều biếng nhác
Đời hiện tại vị lai
Thân mất lợi ích lớn
Ngủ nghỉ tự chuốc khổ
Cũng làm phiền người khác
Mê mờ khó tỉnh thức
Phải thời ăn vừa đủ.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Trong thế gian lại có các chúng sinh thông minh, đại trí, lợi căn và thông tuệ mà có tội lỗi nữa chăng?

Đáp:

–Đại vương! Có những chúng sinh này và họ cũng có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Nay ai là những chúng sinh như thế?

Đáp:

–Đại vương! Chúng sinh này chính là nhà vua vậy. Đại vương cũng rất thông minh, đại trí, lợi căn, thông tuệ, có uy lực lớn, tâm không hèn kém, thích bố thí và có đầy đủ uy đức nhưng lại có tội.

Nhà vua hỏi:

–Thưa Đại sư! Con mắc phải tội gì?

Đáp:

–Tội của Đại vương thật bạo ác. Đại vương ăn quá nhiều, rất nôn nong, vội vã và quá cứng nhắc. Người thông tuệ không nên có những điều xấu như thế. Vì sao? Nếu vua hoặc vương tử tánh tình quá xấu thì mọi người không nghe theo, nhiều người không yêu quý, nhiều người không thích, cho đến cả cha mẹ cũng không muốn nhìn thấy mặt, huống gì người khác như đại thần, vương tử, trưởng giả, cư sĩ…! Vì thế, người thông tuệ không nên quá ác. Người thông tuệ muốn làm việc gì phải bình tĩnh, hiểu rõ tường tận, không nên từ tốn.

Rồi nói kệ rằng:

Nếu vua hành ác hạnh
Tâm sân không thấy việc
Hành động chúng sinh hãi
Ngay cả cha mẹ sợ,
Huống gì đến người khác
Nên có niệm Từ bi
Đại vương phải nên biết
Người trí bỏ giận dữ.

Lúc bấy giờ, vua Nghiêm Sí đang ngồi đối diện, nghe Tát-già Ni-kiền Tử phỉ báng mình, sinh tâm giận dữ, tâm sân hận, buồn bực, không vui, lại còn sinh tâm độc ác nói:

–Tát-già Ni-kiền Tử! Tại sao hôm nay trong đại chúng, người nói tội lỗi của ta và hủy nhục ta như thế? Từ xưa tới nay, không ai dám nhìn thẳng mặt ta. Nay người hủy nhục ta là đáng tội chết.

Nói xong, vua rất tức giận bảo các đại thần:

–Các ngươi nên bắt Sa-môn ngu si nói lời không ái ngữ này giết đi!

Lúc ấy, Tát-già Ni-kiền Tử kinh hãi, lông trên người dựng đứng, nói với vua Nghiêm Sí:

–Đại vương! Xin chớ vội vàng làm việc ác như thế sẽ bất lợi cho ta. Ta có lời thiện, xin nhà vua tạm thời cho tôi sự không sợ sệt tôi sẽnói.

Nhà vua bảo:

–Sa-môn! Ta cho người sự không sợ sệt, muốn nói gì thì hãy nói mau.

Tát-già Ni-kiền Tử nói:

–Đại vương! Tôi cũng có tội vậy.

Nhà vua hỏi:

–Sa-môn, ông có tội gì?

Tát-già Ni-kiền Tử đáp:

–Tội của tôi, do khi nói đến việc gì là nói lời quá chân thật, không nói lời giả dối mà chỉ lời nói đúng sự thật. Vì tôi nói lời chân thật trước người ác hạnh, trước một người đáng sợ, trước người có tánh tình vội vã, trước người không Từ bi và trước người làm việc gấp gáp như thế. Đối với người ác như thế mà nói lời chân thật. Đại vương nên biết! Người thông tuệ không nên lúc nào hay ở đâu cũng đều nói lời chân thật. Vì sao? Vì không có lợi ích.

Đại vương! Người thông tuệ phải nên khéo quán sát, người nào có the nói, người nào không thể nói; phải nên khéo biết có lúc nên nói, có lúc không nên nói; phải khéo biết có chỗ nên nói, có chỗ không nên nói rồi sau đó mới nói. Vì sao? Vì lời nói chân thật người đời không yêu, không thích; người trí không khen ngợi và người ngu ở thế gian sân giận.

Rồi nói kệ rằng:

Người trí không biết lúc
Vội buông ý nói thật
Bị người trí quở trách
Huống gì người vô trí,
Người trí ở mọi nơi
Không nên nói thật hết
Thật là Kiều-thi-ca
Nói thật vào đường ác.

Bấy giờ, vua Nghiêm Sí nghe Tát-già Ni-kiền Tử nói lỗi mình liền được hiểu rõ, tâm rất vui mừng thưa rằng:

–Thưa Đại sư! Đại sư không có tội, do tôi quá khinh suất. Nay được thầy chỉ dạy, như trong tăm tối được đèn, như người mù được mắt sáng, tôi luôn luôn ghi nhớ. Nay xin sám hối, xin đừng vì tôi mà bỏ lời nói chân thật!

Rồi nhà vua nói kệ rằng:

Tôi thật là ngu tối
Không biết lời tri thức
Bởi thế sinh tâm ác
Buông lời ác như vậy
Nay ở trước Thánh nhân
Sám hối tội lỗi mình
Nguyện thương các chúng sinh
Khiến cho được hết tội.