SỐ 225
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 6: ĐỊA NGỤC

Thu Lộ Tử bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đạo Minh độ mở rộng vào khắp trong cảnh tuệ.

Bạch Đức Thế Tôn! Tự quy y Minh độ vô cực, thực hành một cách vắng lặng không cấu uế, trừ tăm tối, chỉ bày sáng suốt. Minh độ vô cực vòi vọi, chí tôn, không có gì mà không thành tựu. Người mù mắt mê mờ, trao cho mắt trí tuệ của đạo, không sinh không diệt, người khổ được an vui, đều nhập vào vô tưởng. Pháp môn trí tuệ Minh độ là mẹ của bậc Đại sĩ, nhổ sạch gốc rễ sinh tử, được đại Thần túc. Ba lần khớp với mười hai chuyển Minh độ.

Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát Đại sĩ phải làm thế nào để đứng vững trong đó?

Đức Phật dạy:

–Phải cung kính Minh độ như cung kính Đức Phật, ở trong đó đứng vững tự quy y, giống như tự quy y Phật.

Đế Thích nghĩ: “Vì lý do gì mà Tỳ-kheo Thu Lộ Tử hỏi việc này?”

Tôn giả Thu Lộ Tử đáp:

–Minh độ này cứu giúp Bồ-tát, là ân của công đức tùy hỷ bố thí đạo Vô thượng chánh chân. Nếu có vị nào Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định đều không bằng. Vì như người còn sống đã bị đọa vào địa ngục, hoặc nhiều người đi đường mà không có người hướng dẫn, muốn đến một nơi nào đó nhưng không biết đường đi. Thường thì năm độ giống như người mù, còn Bồ-tát lìa xa Minh độ muốn vào trong trí Nhất thiết là không biết đường đi. Minh độ sẽ

giúp năm độ ban cho mắt, ban cho tên gọi.

Thu Lộ Tử bạch Phật rằng:

–Bạch Đức Thế Tôn! Làm thế nào vào trong Minh độ giữ gìn?

Phật dạy:

–Hãy quán năm ấm không từ đâu sinh diệt, thấy năm ấm không có nơi sinh diệt, Minh độ cũng vậy.

Thu Lộ Tử lại bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người làm việc giữ gìn này phải cần đến pháp nào?

Phật dạy:

–Đến pháp không chỗ đến, pháp không chỗ đến gọi là Minh độ.

Đế Thích bạch Phật rằng:

–Bạch Đức Thế Tôn! Minh độ không đến trí Nhất thiết sao?

Phật dạy:

–Nếu không nghĩ là đến thì không dính mắc, không tên gọi, không hay biết.

Đế Thích hỏi:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nên đến như thế nào?

Phật dạy:

–Nếu không có chỗ đến thì mới đến được.

Đế Thích thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Ít có ai sánh bằng! Không như Minh độ, các pháp không sinh diệt.

Thiện Nghiệp bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát có ý nghĩ này là xa lìa Minh độ.

Đức Phật dạy:

–Minh độ là không, không thật có, cho nên không xa, không gần, không thành, không hoại.

Thiện Nghiệp hỏi:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tin vào đây là tin vào pháp nào?

Phật dạy:

–Chính là không tin năm ấm, không tin quả Dự lưu, Tần lai, Bất hòa, Ứng nghi, Duyên giác.

Thiện Nghiệp thưa:

–Đại Minh độ là pháp của Bồ-tát.

Phật hỏi:

–Vì sao biết Đại Minh độ là trí tuệ của Bồ-tát?

Thiện Nghiệp thưa:

–Năm ấm không lớn, không nhỏ, không thoái lui, không rối loạn. Đức Như Lai Nhất Thiết Trí có mười thứ năng lực không mạnh, không yếu, không thoái lui, không rối loạn. Tại sao không thoái lui, không rối loạn, Nhất thiết trí không rộng không hẹp?

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có ý niệm này là không phải cầu Đại Minh độ, chẳng phải oai thần của Đại Minh độ. Muốn độ chúng sinh là bị dính mắc. Vì sao? Vì con người vốn không có Đại Minh độ, cũng không có người, không hoại nghĩa Minh độ, nhưng con người là nơi sinh ra năng lực. Đức Như Lai hiển hiện năng lực cũng như thế.

Thu Lộ Tử bạch Phật rằng:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu ai tin pháp này thì không có nghi ngờ. Người ấy từ đâu sinh đến? Cầu đạo cho đến nay được bao lâu mới hiểu được giáo nghĩa trong đây?

Đức Phật dạy:

–Người ấy từ cõi Phật phương khác sinh đến, đã hỏi nghĩa ấy, nghe rồi liền cung kính, chiêm ngưỡng Pháp sư như Đức Phật và nghĩ rằng ta đã thấy Đức Phật rồi.

Thiện Nghiệp bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Minh độ có được nghe thấy không?

Đức Phật dạy:

–Không thể thấy được.

–Bồ-tát cầu Phật cho đến nay được bao nhiêu người theo pháp này?

Phật dạy:

–Chẳng phải một hạng người học, nhưng mỗi người đều có công hạnh riêng của mình, hoặc trước kia cúng dường bao nhiêu ngàn Đức Phật, thọ trì đầy đủ giới kinh, không được nghe kinh này quyết định bỏ nên không cung kính, cho đến đời Phật vị lai được nghe cũng lại bỏ đi.

Phật dạy:

–Người này tự tùy thuận thân ý nên phải chịu tâm ngu si, tự chuốc lấy tội này và cũng tự hại mình. Nghe người giảng nói Minh độ lại ngăn chận họ. Người nào ngăn chận việc này là ngăn chận trí Nhất thiết, là ngăn chận mắt sáng dẫn đường từ xa xưa đến nay. Do người này ngu si, mắc tội dứt bỏ kinh pháp, khinh thường ứng nghi, lãnh thọ đạo bất tín, nên chết rồi đọa vào địa ngục Vô trạch, trải qua thời gian khó tính toán được, chịu khổ nhọc đau đớn không thể nói hết. Khi trời đất hoại sẽ đọa vào địa ngục ở phương khác, loanh quanh trong ba đường suốt vô lượng kiếp số.

Thu Lộ Tử bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tội ấy có bằng với năm tội nghịch không? Xin Ngài hãy nói tỉ mỉ về việc ấy.

Đức Phật dạy:

–Tội đó khó ví dụ được. Khi đọc tụng Minh độ này nếu có tâm niệm không đúng với những gì Như Lai giảng nói, rồi ngăn chận người học tập là tự phá hoại mình, lại pháp hoại người; là tự uống thuốc độc, lại cho người uống. Những người này tự giết chết mình, không hiểu Minh độ mà còn mê hoặc người khác. Người học không thấy người này ngồi, đứng, nói, cười, giao hảo, ăn uống… Vì sao? Vì dứt bỏ kinh này. Người này tự ở trong nơi tăm tối, lại xô người vào nơi tăm tối, không khác gì người ấy tự uống thuốc độc giết mình. Người ngu dứt bỏ kinh này, tin vào lời người kia thì tội khổ giống như nhau. Phỉ báng Minh độ là phỉ báng mười hai bộ kinh.

Thu Lộ Tử thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Ngài chưa nói tội phỉ báng, dứt bỏ kinh pháp đọa vào ngục Thái sơn. Hình dáng chủng loại người ấy như thọ thân lớn nhỏ. Cúi xin Ngài thương xót giải thích cho.

Phật dạy:

–Nếu không hỏi nghe việc ấy, thì e rằng ở trong chỗ máu mủ nóng bức, do bảy lỗ ở trên mặt nên sợ mất mạng. Do hái hoa suốt ngày đựng đầy nên khô mà bay đi. Người ngu chết như vậy, thân họ cao lớn, xấu xí, chỗ ở hôi hám, ai thấy cũng ghê tởm, ta khó nói hết được. Người phá pháp tôn quý ấy ở trong địa ngục phải chịu từng loại hình phạt.

Thu Lộ Tử bạch Phật:

–Cúi xin Ngài nói rõ về tội ấy để người đời sau cung kính phụng thờ pháp Minh độ, vì lo sợ nên thận trọng không phạm tội phỉ báng, dứt bỏ để rồi bị đau khổ như kia.

Đức Phật dạy:

–Ta sẽ chỉ bày Đại Minh độ cho người. Người đời sau nghe rồi phỉ báng sẽ mắc tội đọa địa ngục chịu đau khổ vô hạn, tội ấy mới biết được.

Thiện Nghiệp bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Con người phải thường giữ gìn mọi hành động của thân, miệng, ý, hễ phỉ báng pháp Minh độ thì bị tội này!

Phật dạy:

–Người ngu ở trong pháp của ta làm Sa-môn mà phỉ báng Minh độ. Người nói không ngăn chận dứt trừ là dứt trừ trí Nhất thiết, mười hai bộ kinh, là dứt trừ đạo của chư Phật ba đời, là dứt trừ Tỳ-kheo Tăng, chịu tội trong hằng sa kiếp.

Thiện Nghiệp hỏi:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người phỉ báng dứt trừ kinh pháp này gồm có bao nhiêu việc?

Phật dạy:

–Người nam, người nữ này không có giới, bị ở trong tà vạy nên không ưa thích kinh cao sâu. Do hai việc này mà dứt bỏ Minh độ, lại có bốn việc:

  1. Nghe lời của vị thầy tà ác.
  2. Không thuận theo học.
  3. Không nương nhờ vào pháp Bồ-tát.
  4. Chủ động việc phỉ báng dứt bỏ kinh pháp, thích tìm tòi lỗi xấu của người rồi tự cống cao.

Đây là bốn việc.

Thiện Nghiệp bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Không thấy ai quy y sâu sắc, ít có người tin tưởng.

Đức Phật dạy:

–Đúng vậy!

Thiện Nghiệp lại hỏi:

–Vì lý do gì ít người tin Phật?

Đức Phật dạy:

–Từ xưa đến nay năm ấm không dính mắc, không trói, không mở. Vì sao? Vì nó không có hình tướng, là nghĩa của Minh độ, do đó ít người tin.