SỐ 200
SOẠN TẬP KINH MỘT TRĂM TRUYỆN NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt chi
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phẩm 6: CHƯ THIÊN XUỐNG TRẦN GIAN CÚNG DƯỜNG

51- Truyện Trưởng Giả Hiền Diện Vì Tham Lam Bỏn Sẻn Mà Bị Đọa Làm Rắn Độc

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương xá.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả, tên là Hiền Diện, có vô lượng tài sản, vật báu, nhiều không thể tính kể. Nhưng trưởng giả lại có tính tà vạy, tham lam, bỏn sẻn ganh ghét; không bao giờ biết bố thí, ngay cả chim muông ông cũng xua đuổi không cho bay gần nhà.

Nếu có các Sa-môn, Bà-la-môn hay những kẻ nghèo khổ đến xin thì ông dùng lời lẽ ác độc mắng chửi họ.

Do tánh của ông chỉ lo tìm cầu tài sản, chứa để của cải, mà không chịu bố thí, nên khi chết đi bị đọa làm rắn độc, trở lại giữ tài sản ấy. Nếu có ai tới gần thì rắn giận dữ hung hăng, trợn mắt nhìn họ, có thể khiến cho người chết được.

Một hôm, sự việc này đến tai vua Ba-tư-nặc. Vua lấy làm lạ, suy nghĩ: “Con rắn độc này hung hăng, giận dữ, thấy người là làm hại ngay, chỉ có Đức Phật Thế Tôn mới điều phục nó được”.

Nghĩ xong, vua cùng các quan đến gặp Đức Phật, đảnh lễ dưới nơi chân Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên, bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Trong thành có một vị trưởng giả có tài sản vật báu nhiều vô lượng, mà không chịu bố thí, nay chết đi bị đọa làm rắn độc, rất hung hăng giận dữ và trở lại giữ tài sản ấy. Nếu có người đến gần nó liền làm hại. Cúi mong Thế Tôn hãy hàng phục con rắn ấy, chớ để nó hại người.

Đức Phật liền chấp nhận. Hôm sau Phật đắp y, ôm bát đến chỗ rắn ở.

Rắn thấy Đức Phật đến liền nổi giận hung hăng định cắn Ngài. Đức Phật dùng năng lực từ bi, từ năm đầu ngón tay Ngài phát ra ánh sáng năm màu chiếu vào thân rắn. Lúc ấy rắn cảm thấy mát mẻ, nọc độc tan biến, tâm thần khoan khoái, ngẩng đầu nhìn xung quanh tự hỏi:

–Người có phước đức nào đã phóng ánh sáng chiếu vào thân tôi, khiến tôi được mát mẻ khoan khoái như vậy?

Lúc ấy Thế Tôn biết rắn đã được điều phục, Ngài bèn bảo:

–Này trưởng giả Hiền Diện, đời trước ngươi vì tham lam bỏn sẻn, nên phải làm thân rắn tội ác này, nay vì sao lại còn tiếc nuối của cải mà muốn cắn người như thế. Vì tánh hung dữ quá mức ấy, mà đời sau phải chịu nhiều khổ não.

Nghe Đức Phật dạy, rắn tự trách mình. Mây chướng ngại đã tiêu trừ, rắn độc nhớ lại đời trước mình là trưởng giả, nhưng vì gây ra nghiệp ác, nên nay phải chịu quả báo làm rắn, nên đối với Đức Phật, rắn mới sinh tâm kính tin.

Bấy giờ Thế Tôn biết tâm rắn đã được thuần phục, bèn bảo:

–Đời trước ngươi đã không nghe lời Ta, nên phải làm thân rắn.

Vậy hôm nay, ngươi phải chịu điều phục và vâng lời Ta dạy.

Rắn bạch Phật:

–Tùy Phật dạy bảo, con không dám chống trái.

Đức Phật bảo rắn:

–Nếu ngươi chịu thuần phục, hãy chui vào bát.

Đức Phật nói dứt lời, rắn liền chui vào bát Phật. Đức Phật đem bát trở về vườn trúc Ca-lan-đà.

Khi ấy vua Tần-bà-sa-la và thần dân nghe Thế Tôn đã điều phục được rắn độc, cho vào bát mang về, vua liền triệu tập nhân dân trong nước và cùng nhau đến xem. Rắn nằm trong bình bát của Phật, nhìn thấy mọi người, nó sinh tâm hổ thẹn và chán ghét thân rắn. Khi chết, rắn được sinh lên tầng trời Đao-lợi, liền tự nghĩ: “Ta đã làm được phước đức gì mà được sinh lên cõi trời như thế?” Nghĩ vậy, vị trời này bèn quán sát thấy rằng khi còn ở nhân gian, mình làm rắn độc. Nhờ được gặp Phật, sinh tâm kính tin, nhàm chán thân rắn, mà được sinh lên cõi trời, thọ hưởng sự vui sướng ở cõi trời. Vị trời tự nghĩ: “Bây giờ, ta phải trở lại đền đáp ân đức của Như Lai”.

Vị trời này liền đội mũ trời, đeo các thứ chuỗi anh lạc, trang nghiêm than thể, tay cầm hương hoa, thân phát ra ánh sáng, đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài. Cúng dường xong, vị trời lui lại, ngồi sang một bên nghe Đức Phật nói pháp, tâm ý được mở tỏ, chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, ở trước Phật dùng kệ khen ngợi:

Bậc Đại Thánh vòi vọi
Các công đức đều đủ
Mở mắt chúng sinh mù
Liền đắc được đạo quả.
Gạn bỏ cặn phiền não
Vượt ra biển sinh tử
Nhờ ân đức của Phật
Lấp được ba đường ác.

Sau khi nói kệ khen Phật, vị trời nhiễu ba vòng quanh Phật, rồi trở về Thiên cung.

Sáng hôm sau, vua Tần-bà-sa-la đến chỗ Đức Phật, bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn, tối qua có ánh sáng chiếu soi nơi Thế Tôn ngự. Đó là do ánh sáng của trời Đế Thích, Phạm vương, Chuyển luân thánh vương hay hai mươi tám bộ Quỷ thần tướng?

Đức Phật đáp:

–Không phải Đế Thích, Phạm vương, cũng chẳng phải Thiên thần đến nghe pháp, mà là vị trưởng giả tham lam bỏn sẻn ngày xưa, nay sinh lên cõi trời đến cúng dường Ta. Đó là ánh sáng của vị trời ấy.

Khi vua Tần-bà-sa-la nghe Phật nói về truyện tham lam bỏn sẻn của trưởng giả Hiền Diện, trong chúng hội có vị chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, có vị chứng đắc quả Tư-đà-hàm, có vị chứng đắc quả A-na-hàm, có vị chứng đắc quả A-la-hán, có vị phát tâm Bích-chi-phật, có vị phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui vẻ thực hành.


52- Truyện Chàng Nguyệt Quang Sinh Lên Cõi Trời

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một Bà-la-môn sống bằng nghề buôn bán và làm ruộng. Người vợ mang thai, đủ mười tháng, sinh được một bé trai, đặt tên là Nguyệt Quang. Nguyệt Quang dần dần khôn lớn, một hôm, cùng người con của trưởng giả Tu-đạt ra ngoài thành để dạo chơi, đến trong Tăng phường. Nguyệt Quang thấy các Tỳ-kheo siêng năng tu tập, chàng được nghe một bài kệ bốn câu, rất sinh lòng kính tin. Sau đó, Nguyệt Quang trở về nhà và bảy ngày sau thì qua đời, được sinh lên tầng trời Đao-lợi.

Lúc ấy cha mẹ Nguyệt Quang rất buồn bã, kêu gào than khóc không kìm chế được, người cha ôm thi hài con ra nghĩa địa khóc kể:

–Tôi chỉ có duy nhất một đứa con. Bây giờ nó đã bỏ tôi ra đi, rồi ai sẽ săn sóc tôi? Thật đau đớn biết chừng nào! Tôi thà chết theo nó, chứ không thể trở về nhà được.

Lúc ấy người bà con thân quyến can gián đủ điều, mà người cha ấy cũng không chịu về. Sự chân thành đó cảm ứng đến cung điện người con, khiến rung động chẳng yên. Vị trời này quán sát biết rằng mình từ trong cõi người sinh lên cõi trời và thấy cha mẹ ở nơi nghĩa địa đang ôm thi hài mình khóc lóc thảm thiết. Do đó mà cảm ứng đến cung điện làm cho rung động như vậy.

Vị trời này bèn xuống nhân gian, tự biến mình thành một vị Tiên với thân thể bị năm thứ lửa đốt, đến bên cha mẹ.

Lúc ấy Bà-la-môn hỏi vị Tiên:

–Nay ông để cho năm thứ lửa đốt thân là để cầu điều gì?

Vị Tiên đáp:

–Tôi muốn được làm một quốc vương, xe làm bằng vàng và được khảm bằng các thứ châu báu, các vị trời Nhật, Nguyệt đứng hầu hai bên tôi và bốn vị Thiên vương kéo xe cho tôi đi khắp bốn cõi thiên hạ. Được như vậy không sung sướng hay sao?

Bà-la-môn trả lời:

–Dù cho ông có đốt thân suốt ngày đêm trong một trăm năm, để cầu chiếc xe bằng châu báu như vậy và được các vị trời hầu hạ, bảo vệ thì điều ấy cũng không bao giờ được.

Lúc ấy vị Tiên lại hỏi Bà-la-môn:

–Nay, ông ôm xác chết là để mong được điều gì?

Bà-la-môn đáp:

–Tôi chỉ có duy nhất một đứa con mà nó chết đi bỏ tôi. Do đó, tôi ôm nó là mong nó sống lại.

Nhân đó, vị Tiên nói:

–Dầu ông ôm xác nó, khóc lóc suốt ngày đêm trong một tram năm, con ông cũng không thể sống lại được.

Bà-la-môn nghe vị Tiên nói vậy, trong lòng hổ thẹn, thôi khóc và đứng lặng yên. Bấy giờ, vị Tiên kia biến trở lại thân cũ là vị trời, thưa cùng cha mẹ:

–Đứa con một của cha mẹ, giờ đây chính là con. Nhân một ngày nọ con có đến Tăng phường, được nghe một bài kệ bốn câu, sinh long vui mừng phát tâm kính tin. Khi chết đi con được sinh lên cõi trời. Vì muốn xóa tan nỗi sầu khổ của cha mẹ, nên con hóa làm vị Tiên đến đây để khuyên giải cha mẹ.

Bấy giờ cha mẹ của vị trời nghe con nói tâm ý liền được cởi mở, vui mừng khôn xiết.

Lúc ấy vị trời đầu đội mũ trời, đeo các thứ chuỗi anh lạc, trang nghiêm thân thể, tay cầm hương hoa, khuyên cha mẹ cùng đến gặp Đức Phật, cúng dường Phật xong, rồi lui lại ngồi sang một bên. Đức Phật liền giảng nói pháp Tứ đế cho họ nghe. Tâm ý được mở tỏ, tất cả đều đắc quả Tu-đà-hoàn.

Các Tỳ-kheo nghe thấy việc ấy, bước ra bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, trước kia vị trời này đã gieo trồng phước đức gì, mà nay khéo dùng lời khuyên lơn, giải thích cho cha mẹ hiểu để không còn buồn khóc và chứng được đạo quả như vậy?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Không phải chỉ có ngày nay, vị trời kia mới giải tỏa cho cha mẹ khỏi buồn rầu, mà ngày xưa cũng đã từng cứu giúp cha mẹ.

Các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, lại bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay việc ngày xưa như thế nào? Cúi xin Đức Thế Tôn giải thích rõ cho chúng con được biết.

Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa cách nay vô lượng kiếp, tại nước Ba-la-nại có một kẻ ngu, thường thích làm kẻ trộm cướp, lại có tánh tà dâm, lừa dối mọi người. Một hôm hắn bị quan bắt trói, giải giao về cho vua phán xử. Vua hỏi tội, kẻ ngu thú nhận những tội lỗi như trên. Vua ra lệnh phải đem giết.

Lúc bây giờ, vị trời này là con của kẻ ngu, tánh tình nhân hậu hiền nhu và hiếu thuận, cả nước đều biết tiếng, con vì cha đã cầu xin vua tha tội chết cho cha. Cầu xin đến ba lần. Vua không nỡ trái ý người con, bèn tha tội cho kẻ ngu và để ông đi đâu tùy ý.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, kẻ trộm cướp lúc bấy giờ, nay chính là cha của vị trời; còn người con lúc ấy nay là vị trời. Vì có lần đã thọ pháp Tam quy với Phật Ca-diếp, nên nay vị trời được gặp Ta, được xuất gia và chứng được đạo quả.

Khi Đức Phật nói về truyện nhân duyên của vị trời này, trong chúng có vị chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến có vị phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


53- Truyện Hái Hoa Cúng Dường Đức Phật Được Sinh Lên Cõi Trời

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ các trưởng giả giàu có trong thành đều nhóm họp trên một suốt nước để tấu trổi kỹ nhạc vui chơi. Để lập hội hoa Sa-la nên trong hội cử ra một người vào rừng hái hoa Sa-la về để làm vòng hoa.

Bấy giờ, trên đường về chỗ hội, người hái hoa gặp Thế Tôn với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu khắp như tram ngàn mặt trời. Trong lòng vui mừng, vị ấy đảnh lễ dưới chân Phật rồi lấy hoa mà mình hái được rải lên thân Ngài để cúng dường. Sau khi cúng dường Thế Tôn, người hái hoa lại trở vào rừng để hái thêm hoa.

Trong khi leo, cành bị gãy, người hái hoa rơi xuống đất và chết ngay,  được sinh lên tầng trời Đao-lợi làm vị trời có tướng mạo khôi ngô khác thường, vị trời này dùng hoa Sa-la để làm cung điện.

Lúc ấy trời Đế Thích hỏi vị trời này:

–Ông ở đâu, đã làm được phước đức gì mà được sinh lên tầng trời này?

Vị trời đáp:

–Tôi ở cõi Diêm-phù-đề, đi hái hoa Sa-la được gặp Đức Thế Tôn. Tôi đã rải hoa lên mình Ngài cúng dường, nhờ công đức ấy, nên tôi được sinh lên tầng trời này.

Trời Đế Thích thấy vị trời này thân tướng đẹp đẽ, trang nghiêm bậc nhất, nên nói kệ khen ngợi:

Màu thân như vàng ròng
Chiếu sáng rất xinh tươi
Dung mạo thật đẹp đẽ
Hơn hết trong các trời.

Lúc ấy vị trời cũng dùng kệ đáp:

Tôi nhờ ân Đức Phật
Dâng cúng hoa Sa-la
Do nhân duyên lành ấy
Nay được quả báo này.

Vị trời nói kệ xong, liền cùng trời Đế Thích đến gặp Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui lại ngồi sang một bên.

Đức Phật liền nói pháp cho nghe bằng nhiều cách. Tâm ý được mở tỏ, phá được hai mươi ức tà kiến nghiệp chướng, vị trời chứng quả Tu-đà-hoàn, trong tâm vui mừng, liền khen ngợi Phật bằng bài kệ:

Bậc Đại Thánh vòi vọi
Trên hết không ai bằng
Cha mẹ và thầy tổ
Công đức cũng không bằng.
Bốn biển lớn khô cạn
Vượt qua núi xương trắng
Đóng bít ba đường ác
Mở ba cửa giải thoát.

Vị trời nói kệ xong, bước tới dưới chân Phật và nhiễu quanh Ngài ba vòng rồi trở về cõi trời.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy rồi sáng sớm hôm sau đến bạch Đức Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đêm qua có ánh sáng chiếu khắp tinh xá Kỳ hoàn, đó là ánh sáng của Đế Thích, Phạm Thiên vương, bốn vị Thiên vương, hay là của hai mươi tám bộ Quỷ thần tướng?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Không phải ánh sáng của trời Đế Thích, hay Phạm thiên, Quỷ thần, bốn vị Thiên vương, mà là người trước kia đã hái hoa Sa-la cúng dường Ta, nay được sinh lên cõi trời, đem các thứ hương hoa đến cúng dường Ta. Đó là ánh sáng của vị ấy.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


54- Truyện Nàng Công Đức Ý Cúng Dường Tháp Được Sinh Lên Cõi Trời

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại vườn trúc Ca-lan-đà, trong thành Vương xá.

Bấy giờ, vua Tần-bà-sa-la, mỗi ngày ba lần, cùng các quan thuộc đến nơi Phật ngự để lễ bái cúng dường Thế Tôn.

Thời gian sau này, khi tuổi đã cao, thân thể ngày càng nặng nề, nên vua không thể hằng ngày đi lễ bái Phật như xưa.

Lúc ấy các quan đề nghị với đức vua:

–Xin đại vương đến gặp Phật, xin Ngài cho tóc và móng tay, để xây dựng chùa tháp ở hậu cung sắm sửa hương hoa, đèn đuốc cúng dường.

Vua bằng lòng, bèn đến chỗ Phật, bạch Phật. Lúc ấy Thế Tôn liền trao tóc và móng tay của Ngài cho vua Tần-bà-sa-la.

Trong hoàng cung, vua cho xây dựng chùa tháp, treo lọng phướn bằng tơ lụa, hương hoa đèn sáng. Hằng ngày vua đến cúng dường ba lần.

Lúc bấy giờ, thái tử A-xà-thế và Đề-bà-đạt-đa cùng nhau âm mưu giết hại vua cha, rồi tự lên ngôi. A-xà-thế ra lệnh cho các quan trong cung không được cúng dường ngôi tháp đó. Nếu ai trái phạm, thì vua sẽ trị tội không tha.

Sau đó, nhân ngày rằm tháng bảy, lúc chúng Tăng tự tứ, có một thể nữ trong cung tên là Công Đức Ý tự nghĩ: “Tháp này do tiên vương xây dựng, nay vì không có người quét dọn nên bụi bặm dơ bẩn. Cho dù thân ta có bị vua hành hình, thì ta cũng rưới nước quét dọn, rồi đem hương hoa, đèn nến cúng dường.” Nghĩ rồi, Công Đức Ý liền đốt đèn cúng dường tháp.

Lúc ấy từ trên lầu cao, vua A-xà-thế thấy có đèn sáng trong tháp, ông rất tức giận, liền sai người đến xem tại sao có đèn sáng.

Sứ giả đến thấy Công Đức Ý đốt đèn cúng dường, liền trở về tâu trình sự việc lên vua. Vua cho đòi Công Đức Ý đến hỏi lý do. Công Đức Ý đáp:

–Ngôi tháp này là nơi cúng dường, do tiên vương xây dựng, nhân ngày tốt nên tôi quét dọn sạch sẽ và thắp đèn cúng dường.

Vua A-xà-thế nghe Công Đức Ý nói xong, bèn hỏi:

–Ngươi không nghe trước kia ta đã ra lệnh cấm rồi hay sao?

Công Đức Ý đáp:

–Tôi có nghe vua đã lệnh cấm, nhưng sự cai trị của vua hôm nay, không như tiên vương trước kia.

A-xà-thế nghe nói thế, càng thêm tức giận liền rút gươm chém Công Đức Ý, Công Đức Ý chết ngay. Nhờ thiện tâm ấy, Công Đức Ý được sinh lên tầng trời Đao-lợi, ánh sáng từ thân phát ra chiếu xa một do-tuần.

Lúc ấy trời Đế Thích và các vị trời cùng đến xem và hỏi Công Đức Ý, nay là vị trời:

–Ngươi đã làm được phước đức gì mà sinh lên cõi trời này và ánh sáng khác thường hơn hẳn các vị trời khác như vậy?

Vị trời dùng kệ đáp trời Đế Thích:

Như Lai hiện ra đời
Ánh sáng như nhật, nguyệt
Soi chỗ đen tối kia
Thảy đều được sáng sủa
Người thấy sinh vui mừng
Tâm nhơ tự nhiên dứt
Lành thay, Đấng Vô Thượng!
Ruộng phước cho chúng sinh,.
Tín tâm tu phước đức
Tôi không tiếc thân mạng
Bị giết hại chết đi
Được sinh lên cõi trời.

Sau khi nói kệ cho trời Đế Thích nghe xong, vị trời này đầu đội mũ trời, đeo các chuỗi anh lạc, trang nghiêm thân thể, cùng các vị trời khác, mỗi vị đều mang hương hoa xuống nhân gian cúng dường Thế Tôn. Lúc ấy ánh sáng chiếu khắp cả vườn Trúc, hơn hẳn lúc bình thường.

Các vị trời đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên. Đức Phật liền giảng nói pháp Tứ đế cho các vị nghe. Tâm ý được mở tỏ, các vị trời đều chứng quả Tu-đà-hoàn.

Sau khi chứng quả, vị trời nói:

–Tôi nhớ xưa kia, xương trắng chất đống còn cao hơn núi Tu-di, nước mắt còn nhiều hơn nước biển lớn; máu thịt khô cạn, thân mạng chết đi một cách vô ích. Từ nay tôi đã lìa bỏ nó.

Vị trời nói xong đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở lại cõi trời.

Sáng hôm sau, các Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

–Đêm qua có ánh sáng khác hẳn ngày thường. Đó là ánh sáng của Đế Thích, Phạm thiên, bốn vị Thiên vương, hay là hai mươi tám bộ Quỷ thần tướng?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Cũng chẳng phải ánh sáng của Phạm thiên, Quỷ thần, Đại tướng, mà là do một thể nữ ở hậu cung của vua Tần-bà-sa-la, tên là Công Đức Ý; vì cúng dường tháp, nên bị vua A-xà-thế giết chết. Khi qua đời thể nữ được sinh lên tầng trời Đao-lợi, nay đến cúng dường Ta. Đó là ánh sáng của vị trời ấy.

Khi Đức Phật nói về truyện nhân duyên của nàng Công Đức Ý, có vị chứng quả Tu-đà-hoàn, có vị chứng quả Tư-đà-hàm, có vị chứng quả A-na-hàm, có vị chứng quả A-la-hán, có vị phát tâm Bích-chi-phật, có vị phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


55- Truyện Tu-Đạt Cỡi Voi Đi Khuyến Hóa

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả, tên là Tu-đạt, cúng dường Phật trăm ngàn đồng tiền vàng. Ông nghĩ: “Như ta hôm nay, có vô lượng tài sản vật báu, tuy có thể cúng dường Đức Phật và chúng Tăng ở tinh xá Kỳ hoàn trăm ngàn đồng tiền vàng, cũng không phải là khó, nhưng nếu hôm nay khuyến hóa những kẻ nghèo khổ thấp kém giảm bớt chút ít tiền của hay những vật nhỏ như cây kim, sợi chỉ để bố thí, thì mới là khó, lại được vô lượng vô biên công đức.”

Nghĩ xong, Tu-đạt liền đến tâu lên vua Ba-tư-nặc. Vua bèn chấp nhận, liền sai các quan giúp đỡ, đánh trống loan truyền cho dân chúng trong thành biết rằng nay trưởng giả Tu-đạt muốn khuyến hóa mọi người làm việc bố thí. Nội trong bảy ngày, ông sẽ cỡi voi trắng lớn đi khắp hang cùng ngõ hẻm để khuyên khích dân chúng bố thí.

Lúc ấy dân chúng sinh tâm vui mừng, cùng đua nhau bố thí, người thì bố thí y phục, người thì bố thí chuỗi anh lạc, hoặc vàng bạc vật báu, cùng các thứ vòng xuyến, cho đến vật nhỏ như cây kim sợi chỉ, hễ bố thí được thứ gì thì họ đều bố thí.

Khi ấy, có một cô gái nghèo khổ, làm thuê ba tháng được một xấp vải, định để may áo. Thấy Tu-đạt khuyến hóa mọi người, nàng mới hỏi những người bên cạnh:

–Trưởng giả Tu-đạt lắm của nhiều tiền, đâu thiếu thốn gì. Vả lại, người ta được biết ông còn chôn của cải dưới đất; sao nay lại túng thiếu, phải xin người như vậy?

Mọi người nói:

–Thật ra trưởng giả không phải thiếu thốn; chỉ vì lòng Từ mà ông khuyến hóa mọi người, muốn cùng nhau làm phước, thỉnh Phật và chúng Tăng cúng dường.

Cô gái nghèo nghe nói, tâm nàng rất vui mừng, nói:

–Do đời trước tôi không bố thí, nên đời nay phải chịu nghèo khổ.

Ngày nay nếu không lo bố thí nữa thì đời sau sẽ khốn khổ hơn.

Cô gái nghèo lại tự nghĩ: “Đức Phật ra đời rất khó gặp, tuy ta  muốn thỉnh Đức Phật và chúng Tăng cúng dường nhưng không có vật gì. Trên người ta chỉ có mỗi một chiếc áo, nếu bố thí, thì ta phải chịu ngồi khỏa thân. Còn nếu không bố thí thì đời sau ta còn trông mong vào đâu. Ta nghèo khổ, rồi cũng phải chết, chi bằng bố thí chiếc áo này”.

Nghĩ xong, cô gái nghèo liền vào nhà ngồi trong cửa sổ cởi áo quăng ra cho Tu-đạt.

Trưởng giả Tu-đạt nhận áo rồi cho người đến xem.

Lúc ấy sứ giả thấy cô gái nghèo ngồi ở trần, mới hỏi:

–Sao nàng lại bố thí áo?

Cô gái nghèo đáp:

–Tôi sợ rằng đời sau sẽ nghèo khổ hơn nữa, Vì vậy cho nên tôi bố thí áo. Sứ giả nói lại sự việc cho trưởng giả Tu-đạt nghe. Tu-đạt nghe rồi, khen ngợi đây là một sự việc lạ lùng. Ông liền cởi y phục đang mặc trên người đem biếu cho cô gái nghèo, cô gái nghèo được áo, trong lòng rất vui mừng thầm nghĩ: “Nay ta bố thí, liền được quả báo trước mắt, huống chi ở đời vị lai”.

Mấy ngày sau, cô gái nghèo qua đời được sinh lên tầng trời Đao-lợi. Cô gái nghèo giờ đây là vị trời tự nghĩ rằng: “Ta đã làm được phước gì mà được sinh lên cõi trời như thế?”.

Vị trời liền tự quán sát biết rằng khi còn ở nhân gian, mình là người nghèo khổ, vì bố thí áo nên được sinh lên cõi trời, vậy giờ đây phải trở lại để đền ân Đức Phật và trưởng giả Tu-đạt.

Lúc ấy vị trời đầu đội mũ trời, đeo các chuỗi anh lạc, trang nghiêm thân thể, mang theo hương hoa xuống nhân gian để cúng dường Đức Phật và trưởng giả Tu-đạt.

Đến nơi, vị trời đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui lại, ngồi sang một bên. Đức Phật liền nói pháp Tứ đế cho họ nghe. Tâm ý được mở tỏ, vị trời chứng được quả Tu-đà-hoàn, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở lại cõi trời.

Sáng hôm sau, các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đêm qua chúng con thấy có ánh sáng chiếu soi, đó là ánh sáng của trời Đế Thích, Phạm vương, bốn vị Thiên vương, hay là của hai mươi tám bộ Quỷ thần đại tướng?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Đó chẳng phải ánh sáng của trời Đế Thích, Phạm thiên, các Thần vương, mà là một cô gái nghèo do Tu-đạt khuyến hóa mà bố thí áo, được sinh lên cõi trời, nay đến cúng dường Ta. Đó là ánh sáng của vị trời ấy.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, cô gái nghèo lúc bấy giờ, nay là vị trời ấy vậy.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


56- Truyện Chim Anh Vũ Đầu Đàn Thỉnh Phật

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Lúc bấy giờ, ba tháng hạ an cư đã mãn, Đức Phật và các Tỳ-kheo định đi đến hóa độ nước khác. Lúc ấy vua Tần-bà-sa-la cùng các quan ra khỏi thành, từ xa trông mong Đức Phật, nguyện rằng Thế Tôn đang ở đâu, xin Ngài từ bi thương xót cùng các Tỳ-kheo, đến thọ sự hiến cúng của họ.

Đức Thế Tôn từ xa biết vua có lòng khát ngưỡng, nên Ngài cùng các Tỳ-kheo Tăng lần lượt đi đến nước Ma-kiệt-đà.

Lúc ấy có một con chim Anh vũ đầu đàn đang dẫn đầu đàn Anh vũ, từ xa thấy Phật đến, nên vọt lên hư không bay ngược lại để đón rước Đức Phật và bạch:

–Cúi xin Thế Tôn và các Tỳ-kheo Tăng rủ lòng từ bi thương xót hãy đến khu rừng của chúng con nghỉ lại một đêm.

Đức Phật liền chấp nhận. Chim Anh vũ đầu đàn biết Phật đã chấp nhận, liền bay về khu rừng của mình bảo các Anh vũ hãy ra đón rước Thế Tôn. Khi đến khu rừng của chim Anh vũ, Đức Phật cùng các Tỳ-kheo trải đồ ngồi dưới gốc cây và ngồi thiền tư duy.

Lúc ấy chim Anh vũ đầu đàn thấy Đức Phật và các Tỳ-kheo Tăng đã ngồi yên lặng, trong lòng rất vui mừng, suốt đêm bay lượn nhiễu quanh Phật và các Tỳ-kheo để nhìn xung quanh xem sư tử, hổ  báo, cầm thú hay trộm cướp có quấy nhiễu Thế Tôn và các Tỳ-kheo Tăng hay không.

Sáng hôm sau, khi Đức Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo lên đường, chim Anh vũ đầu đàn vui mừng bay trước dẫn đường đi về hướng thành Vương xá. Đến nơi chim Anh vũ chúa thưa cùng vua Tần-bà-sala:

–Hôm nay, Thế Tôn dẫn đầu các Tỳ-kheo sắp sửa đến đây, cúi xin đại vương hãy chuẩn bị sắm sửa các thức ăn ngon để đón rước.

Sau khi vua Tần-bà-sa-la nghe chim Anh vũ nói, liền cho người chuẩn bị các thức ăn ngon, rồi cùng các quan cầm cờ phướn, hương hoa, kỹ nhạc ra đón rước Thế Tôn.

Đêm hôm ấy, chim Anh vũ đầu đàn chết đi, được sinh lên tầng trời Đao-lợi thân hình cao lớn như đứa trẻ tám tuổi, bèn suy nghĩ: “Ta đã làm được phước đức gì, mà được sinh lên cõi trời như thế?”

Nghĩ vậy, vị trời liền quán sát biết rằng trước kia mình là chim Anh vũ, nhờ công đức thỉnh Phật nghỉ lại một đêm, nên được sinh lên cõi trời. Vậy bây giờ phải trở lại, đền ân Đức Phật.

Nghĩ xong, vị trời này đầu đội mũ trời, đeo các chuỗi anh lạc, trang nghiêm thân thể, mang theo hương hoa xuống nhân gian cúng dường Đức Phật. Cúng dường Đức Phật xong, vị trời lui lại, ngồi sang một bên.

Lúc ấy Đức Phật liền nói pháp Tứ đế cho vị trời nghe. Tâm ý được mở tỏ, vị trời chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở về cõi trời. Sáng hôm sau, các Tỳ-kheo đến bạch Phật:

–Đêm qua chúng con thấy có ánh sáng, đó là ánh sáng của trời Đế Thích, Phạm vương, bốn vị vua trời, hay là hai mươi tám bộ Quỷ thần đại tướng?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Chẳng phải ánh sáng của trời Đế Thích, Phạm vương hay các Thần vương, mà là do chim Anh vũ đầu đàn đã thỉnh Ta và chư Tăng về an nghỉ một đêm tại khu rừng của Anh vũ. Khi Anh vũ đầu đàn này chết đi được sinh lên cõi trời nên đến cúng dường Ta. Đó là ánh sáng của vị trời ấy.

Các Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, trước kia vị trời ấy đã gây ra nghiệp ác gì, mà bị đọa vào loài chim Anh vũ? Lại làm được phước đức gì, mà nay được nghe pháp và đắc quả?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Trong giáo pháp của Đức Phật này, có một vị Ưu-bà-tắc đã thọ trì năm giới. Nhân một lúc nọ, Ưu-bà-tắc có hủy phạm một giới, nên bị đọa vào loài chim Anh vũ, còn bốn giới kia giữ được trọn vẹn, nên nay được gặp Ta nghe pháp và đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, vị Ưu-bà-tắc lúc bấy giờ, nay là vị trời Anh vũ.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


57- Truyện Vua Sai Sứ Giả Thỉnh Phật, Sứ Giả Qua Đời Được Sinh Lên Cõi Trời

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại vườn trúc Ca-lan-đà, trong thành Vương xá.

Bấy giờ, ba tháng hạ an cư đã mãn, Đức Phật và các Tỳ-kheo định đến hóa độ nước khác.

Lúc ấy trưởng giả Tu-đạt tâu lên vua Ba-tư-nặc:

–Chúng ta từ lâu đã không thấy Phật, vậy xin đại vương hãy viết thư, sai người thỉnh Phật về đây để chúng ta cùng nhau cúng dường.

Vua Ba-tư-nặc nghe đề nghị ấy, liền sai sứ giả đi thỉnh Đức Thế Tôn. Vua gửi thư hầu thăm sức khỏe Phật, từ xa đảnh lễ Thế Tôn: “Đã từ lâu, chúng con không được chiêm ngưỡng Thế Tôn. Cúi xin Thế Tôn từ bi thương xót nhận lời thỉnh của chúng con.”

Lúc ấy Đức Phật liền chấp nhận. Sứ giả trở về báo cho vua biết là Đức Phật đã nhận lời.

Vua cho người sửa soạn một cỗ xe và giao cho sứ giả đi đón rước Phật. Vị sứ giả bạch Phật:

–Cúi mong Đức Thế Tôn rủ lòng thương, nguyện Ngài ngồi trên cỗ xe này, để vào cung thọ nhận vua cúng dường.

Đức Phật đáp:

–Ta có đôi chân sáu Thần thông, vòng hoa bảy Phần giác, con đường tám Thánh đạo, cỗ xe an ổn năm Lực…, đó là đôi chân mạnh mẽ của Ta, Ta không đi xe của ngươi.

Sứ giả tha thiết thưa thỉnh đến ba lần:

–Cúi xin Như Lai thương xót, Ngài chớ dùng thần thông, mà hãy đi bằng cỗ xe này, theo thỉnh nguyện của đại vương.

Bấy giờ Đức Thế Tôn vì thương xót sứ giả, liền lên xe. Đức Phật dùng năng lực thần thông khiến cỗ xe bay lên hư không, đến thành Vương xá để thọ vua cúng dường.

Ngay đêm ấy, sứ giả chết đi được sinh lên tầng trời Đao-lợi, than hình bỗng nhiên cao lớn như đứa trẻ tám tuổi, bèn tự nghĩ: “Ta đã làm được phước đức gì, mà được sinh lên tầng trời này?”

Vị trời tự quán sát biết rằng đời trước mình là sứ giả vâng lệnh vua đi thỉnh Phật; nhờ thiện tâm, cố nài nỉ Đức Phật đi bằng xe để đến thọ sự cúng dường của vua cho nên được sinh lên cõi trời, vậy bây giờ phải trở lại nhân gian để đền ân Phật.

Vị trời liền đội mũ trời, đeo các chuỗi anh lạc, trang nghiêm than thể, mang theo hương hoa, ánh sáng từ thân chiếu tỏa, soi đến tinh xá Kỳ hoàn, xuống nhân gian để cúng dường Đức Phật. Vị trời đến nơi, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên.

Đức Phật liền nói pháp Tứ đế cho vị trời nghe. Tâm ý được mở tỏ, vị trời chứng quả Tu-đà-hoàn, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở về cõi trời.

Sáng hôm sau, các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Đêm qua chúng con thấy có ánh sáng, đó là ánh sáng của trời Đế Thích, Phạm vương, bốn vị vua trời, hay là của hai mươi tám bộ Quỷ thần đại tướng đến nghe nói pháp?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Cũng chẳng phải trời Đế Thích, Phạm vương các Thần vương đến nghe pháp, mà là do một sứ giả vâng lệnh vua đến thỉnh Ta. Nhờ có thiện tâm, nên sứ giả ấy được sinh lên cõi trời, nay đến cúng dường Ta. Đó là ánh sáng của vị trời ấy.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


58- Truyện Phật Hóa Độ Con Trâu Được Sinh Lên Cõi Trời

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại nước Kiều-tát-la.

Bấy giờ Đức Phật dẫn đầu các Tỳ-kheo đến rừng Lặc-na. Đức Phật gặp một cái đầm, trong đầm có năm trăm con trâu rất hung dữ, lại có năm trăm người chăn trâu.

Từ xa, những người chăn trâu thấy Đức Phật và các Tỳ-kheo đi qua con đường này, họ vội kêu to:

–Cúi xin Đức Thế Tôn đừng đi trên đoạn đường này! Trong bầy trâu đây, có một con rất hung dữ, thường hay húc người bị thương,

Ngài rất khó qua con đường này.

Đức Phật bảo những người chăn trâu:

–Các ông chớ quá lo sợ, dù cho trâu kia có đến húc Ta đi nữa thì cũng biết phải làm gì.

Ngay khi Đức Phật đang nói, con trâu hung dữ kia bỗng chạy về phía Đức Phật, vung đuôi, cúi sừng, rống to và nhảy thình thịch trước mặt Phật.

Lúc ấy từ năm đầu ngón tay của Như Lai hóa ra năm con sư tử đứng hai bên Phật; bao bọc xung quanh Ngài là một hố lửa lớn. Trâu rất sợ hãi, rong chạy khắp nơi, nhưng không có nơi nào có thể thoát thân chỉ còn một chỗ trống nhỏ an ổn trước chân Đức Phật, là có thể dung thân được, trâu liền chạy vào chỗ trống ấy, trong tâm an ổn không còn sợ sệt gì.

Lúc ấy trâu quỳ xuống, lưỡi liếm chân Phật, rồi ngửng đầu lên nhìn Ngài, trong lòng vui sướng khôn xiết.

Thế Tôn biết tâm trâu đã được điều phục, liền nói kệ cho trâu nghe:

Trong tâm quá hung dữ
Muốn đến làm hại Ta
Tưởng rằng mình sẽ thắng
Ai ngờ liếm chân Ta.

Trâu nghe Đức Phật nói kệ sinh lòng rất hổ thẹn, tâm bỗng nhiên bừng tỏ, mây ám tan đi, biết rằng trước kia, khi còn làm người,  mình đã gây ra nhiều nghiệp ác; cho nên càng thêm hổ thẹn, không ăn cỏ, uống nước cho đến khi chết. Con trâu liền được sinh lên tầng trời Đao-lợi, thân chợt cao lớn như đứa trẻ tám tuổi, bèn tự nghĩ: “Ta đã làm được phước đức gì, mà được sinh lên cõi trời này?”, rồi tự quán sát biết rằng đời trước khi còn ở nhân gian, mình làm trâu; được Phật hóa độ, nên được sinh lên cõi trời này, vậy bây giờ ta phải trở lại nhân gian để đền ân Đức Phật.

Nghĩ xong, vị trời đầu đội mũ trời, đeo các chuỗi anh lạc, trang nghiêm thân thể, mang theo hương hoa đến chỗ Phật, với ánh sáng rực rỡ chiếu soi Phật Thế Tôn. Vị trời đảnh lễ Phật rồi lui lại ngồi sang một bên. Đức Phật liền giảng nói pháp Tứ đế cho vị trời nghe, tâm ý được mở tỏ, vị trời chứng quả Tu-đà-hoàn, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở lại cõi trời.

Sáng hôm sau, những người chăn trâu đến bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đêm qua chúng con thấy có ánh sáng, đó là Đế Thích, Phạm vương, bốn vị vua trời, hay là hai mươi tám bộ quỷ thần đại tướng đến nghe pháp?

Đức Phật bảo với những người chăn trâu:

–Chẳng phải trời Đế Thích, Phạm vương, các Thần vương đến nghe pháp, mà là con trâu hung dữ của các người được Ta hóa độ, khi chết đi nó được sinh lên cõi trời, nay đến cúng dường Ta. Đó là ánh sáng của vị trời ấy.

Năm trăm người chăn trâu nghe Phật dạy, họ cùng bảo nhau:

–Con trâu hung dữ kia còn được Phật hóa độ, sinh lên cõi trời; huống chi chúng ta là người tại sao không tu các pháp lành?

Sau khi bảo nhau như vậy, các người chăn trâu cùng hội họp để sắm sửa các món thức ăn để thỉnh Đức Phật và chúng Tăng cúng dường.

Thọ trai xong, Đức Phật liền nói pháp bằng mọi cách cho những người chăn trâu nghe. Tâm ý họ được mở tỏ, tất cả đều có dấu hiệu chứng đạo, cầu xin được xuất gia.

Lúc ấy Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, các Tỳ-kheo!

Những người chăn trâu, râu tóc tự nhiên rụng, thân mặc pháp phục, trở thành các Sa-môn, siêng năng tu tập, chứng được quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông và tám pháp Giải thoát; được trời, người kính ngưỡng.

Khi các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đời trước con trâu kia đã gây ra nghiệp ác gì, mà nay bị đọa vào loài trâu? Và nhờ làm được phước đức gì, mà nay con trâu ấy và năm trăm người chăn trâu được gặp Thế Tôn, xuất gia và đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Nay các thầy muốn biết, các nghiệp duyên ác mà con trâu dữ và những người chăn trâu đời trước đã gây ra, Ta sẽ nói kệ cho các thầy nghe:

Nghiệp thiện ác đã làm
Trăm kiếp cũng không mất
Nhờ làm những việc lành
Nay được quả báo ấy.

Các Tỳ-kheo nghe Phật nói kệ, lại bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay chuyện thuở xưa như thế nào?

Cúi xin Đức Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Trong giáo pháp của Đức Phật ấy, có một Tỳ-kheo thông hiểu ba tạng, dẫn đầu năm trăm đệ tử đến nước khác để giáo hóa. Ở trong đại chúng cùng nhau nghị luận, có người đệ tử nạn vấn khiến vị Tỳ-kheo ấy không trả lời được, ông liền tức giận, dùng lời mắng chửi thô tục: “Các ông không hiểu biết gì cả, còn cố bắt bẻ ta. Các ông giống như con trâu muốn đến húc người.”

Lúc ấy các đệ tử đều im lặng nhưng biết rằng thầy không đúng, sau đó các đệ tử ấy đều bỏ đi. Do nhân duyên của nghiệp ác khẩu nên trong năm trăm đời, Tỳ-kheo ấy bị đọa làm trâu, cùng những người chăn trâu luôn theo nhau không rời; mãi cho tới nay cũng chưa thoát khỏi.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, vị Tỳ-kheo thông hiểu ba Tạng kinh điển lúc bấy giờ nay chính là con trâu hung dữ trong bầy trâu ấy, còn các đệ tử lúc bấy giờ nay là năm trăm người chăn trâu.

Khi Đức Phật nói về truyện nhân duyên của con trâu kia, các Tỳ-kheo ai nấy đều tự giữ gìn ba nghiệp, thân, miệng, ý, nhàm chán sinh tử. Có vị chứng quả Tu-đà-hoàn, có vị chứng quả Tư-đà-hàm, có vị chứng quả A-na-hàm, có vị chứng quả A-la-hán, có vị phát tâm Bích-chi-phật, có vị phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


59- Truyện Hai Vị Phạm Chí Thọ Trai Pháp

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Vào lúc đầu hôm, có năm trăm vị trời, đầu đội mũ trời, đeo các chuỗi anh lạc trang nghiêm thân thể, mang theo hương hoa xuống nhân gian để cúng dường Thế Tôn. Lúc ấy, ánh sáng chiếu soi khắp cả tinh xá Kỳ hoàn.

Năm trăm vị trời đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên để nghe Đức Phật nói pháp. Tâm ý được mở tỏ, các vị trời đều chứng được quả Tu-đà-hoàn, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi trở về cõi trời.

Sáng hôm sau, Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đêm qua có ánh sáng hơn hẳn ngày thường, chiếu sáng khắp tinh xá Kỳ hoàn. Đó là trời Đế Thích, Phạm vương, bốn vị vua trời, hay là hai mươi tám bộ Quỷ thần đại tướng đến nghe nói pháp?

Đức Phật dạy A-nan:

–Chẳng phải trời Đế Thích, Phạm vương, các Thần vương đến nghe pháp. Thuở xưa, vào thời Phật Ca-diếp, có hai vị Bà-la-môn theo vua đến chỗ Đức Phật, lễ bái thăm hỏi.

Bấy giờ, trong thành có một vị Ưu-bà-tắc khuyên hai vị Bà-lamôn:

–Nay hai vị theo vua đến đây đảnh lễ Phật Thế Tôn, nhân tiện xin mời hai vị thọ trai pháp.

Bà-la-môn hỏi:

–Trai pháp này có lợi ích gì?

Ưu-bà-tắc đáp:

–Thọ trai pháp này, thì hễ các vị mong cầu điều gì chắc chắn được như ý.

Hai vị Bà-la-môn nghe nói, liền cùng nhau thọ trai pháp, một vị nguyện được sinh lên cõi trời; còn một vị thì cầu được làm vua trong cõi người. Thọ trai xong, hai vị Bà-la-môn cùng nhau trở về nơi nhóm họp của các Bà-la-môn. Các Bà-la-môn kia đang ăn uống, nói với hai vị Bà-la-môn mới về:

–Nếu các vị đói bụng, hãy ăn uống với chúng tôi.

Hai vị Bà-la-môn thọ trai pháp đáp:

–Chúng tôi đã thọ trai giới của Phật, quá giờ không ăn.

Các Bà-la-môn nói:

–Chúng ta cũng có pháp Bà-la-môn của mình, cần gì phải thọ trai giới của Sa-môn kia.

Cứ như thế, các Bà-la-môn tha thiết mời mọc mãi. Xiêu lòng, nên Bà-la-môn cầu sinh cõi trời bèn đến ăn uống chung. Vì phá trai giới, nên Bà-la-môn này không được như ý, khi chết đi bị đọa vào loài rồng. Người thứ hai dứt khoát không chịu uống ăn, nhờ giữ gìn trai giới nên được như ý, khi qua đời được sinh lên cõi người làm vua.

Về Bà-la-môn không giữ trai giới, nhờ đời trước hai vị cùng nhau thọ trai giới, nên nay sinh vào trong ao của vị vua kia.

Lúc bấy giờ, người giữ vườn, hằng ngày thường đem các thứ dưa trái dâng lên vua. Bỗng một hôm, người giữ vườn hái được một quả ngon dưới cái ao đó, màu đẹp mùi thơm, bèn nghĩ: “Khi ta ra vào, thường được người giữ cửa nhường bước, vậy ta nên biếu quả này cho ông ấy.”

Nghĩ vậy, người giữ vườn liền biếu quả ấy cho người giữ cửa. Người giữ cửa được quả lại suy nghĩ: “Ta ra vào trong hoàng cung, nhưng thường được quan Thái giám nhường bước, vậy ta nên biếu quả này cho ông ấy”.

Nghĩ xong, người giữ cửa liền biếu quả ấy cho quan Thái giám. Quan Thái giám được quả lại nghĩ: “Phu nhân của vua thường khen ngợi đức của ta với vua, vậy ta nên biếu quả này cho phu nhân”.

Nghĩ rồi, quan Thái giám biếu quả cho phu nhân. Phu nhân được quả lại dâng lên đại vương. Đại vương được quả, ăn thấy hương vị thơm ngon, liền hỏi phu nhân:

–Nàng được quả này ở đâu vậy?

Lúc ấy phu nhân liền trả lời đúng sự thật:

–Thần thiếp có quả này là do quan Thái giám dâng biếu.

Vua lại hỏi quan Thái giám:

–Ở đâu ngươi có quả này?

Cứ như vậy hỏi tới người giữ vườn. Vua gọi người giữ vườn đến quở trách:

–Trong vườn của ta có quả ngon như vậy, tại sao ngươi không dâng cho ta, mà lại biếu cho người khác.

Bị vua quở trách, người giữ vườn bèn trình bày đầu đuôi sự việc cho vua nghe. Vua không bằng lòng, bảo:

–Từ nay về sau, ngươi phải thường dâng quả này lên cho ta. Nếu không ta sẽ giết ngươi.

Người giữ vườn ra về, vào trong khu rừng ấy, than thở khóc lóc, nghĩ rằng loại quả này không có hạt giống thì làm sao mà trồng được.

Lúc ấy, Long vương nghe tiếng khóc, bèn hóa thành thân người đến hỏi người giữ vườn:

–Vì sao ông lại khóc lóc như vậy?

Người giữ vườn đáp:

–Hôm qua, tôi hái được một thứ quả rất ngon từ cái ao này, đem biếu cho người giữ cửa, người giữ cửa được quả lại biếu cho quan Thái giám, quan Thái giám lại dâng cho phu nhân, phu nhân lại dâng lên vua. Vua ra lệnh cho tôi: Từ nay về sau tôi phải dâng quả ấy lên ngài, nếu không tôi sẽ bị giết. Do đó mà tôi khóc.

Hóa nhân nghe người giữ vườn nói, liền trở xuống nước lấy một loại quả vừa ngon vừa đẹp đặt trên mâm vàng, đem biếu cho người giữ vườn. Nhân đó, Hóa nhân lại bảo người giữ vườn:

–Ông hãy dâng quả này lên vua, đồng thời nói giùm ý của tôi rằng: “Thuở xưa kia, khi Đức Phật còn tại thế, tôi và vua vốn là bạn thân với nhau, cả hai đều là Phạm chí cùng thọ giới Bát quan trai của Phật, mỗi người đều có ý nguyện riêng, vua giữ giới đầy đủ nên được làm vua; còn tôi giữ giới chẳng trọn, nên đọa vào loài rồng. Nay tôi lại muốn tu tập trai pháp để cầu bỏ thân này.” Xin ông tâu lại với vua, xin ngài hãy tìm nghi thức tu Bát quan trai giùm và ông hoan hỷ đem về cho tôi. Nếu ông không giúp, tôi sẽ làm cho nước của ông biến thành biển lớn.

Khi người giữ vườn dâng mâm quả lên vua và cũng nhân đó thuật lại lời nhắn gửi của Hóa nhân. Vua nghe, trong lòng không vui.

Sở dĩ như vậy là vì vào thời ấy thậm chí còn không có danh từ Phật pháp, huống chi là nghi thức tu Bát quan trai, làm sao tìm được. Nếu không có nghi thức tu Bát quan trai, sợ rằng đất nước sẽ bị nguy hại.

Vua suy nghĩ nhiều về việc ấy, cũng không biết làm sao được.

Lúc bấy giờ, vua cho gọi một vị quan lớn được kính trọng nhất, nói rằng:

–Thần rồng xin ta tìm giùm nghi thức tu Bát quan trai, khanh hãy tìm hộ rồi mang về đây cho ta.

Vị quan lớn đáp:

–Đời nay không có chánh pháp, làm sao tìm được.

Vua lại nói:

–Nếu không tìm được nghi thức ấy mang về cho ta, ta sẽ giết khanh.

Nghe vua nói, vị quan trở về nhà, sắc mặt thay đổi, trong long buồn bã. Vị quan này có người cha đã già. Ông từ xa về, thấy con mình sắc mặt biến đổi khác thường, liền hỏi:

–Con có điều gì lo ngại, mà thất sắc như thế.

Người con liền trình bày nỗi u uẩn trong tâm. Người cha nói:

–Trên cột nhà mình, ta thấy có ánh sáng, con thử phá chỗ ấy ra xem, không chừng có vật lạ bên trong.

Lúc ấy người con nghe lời cha, bổ trụ ra xem, quả nhiên trong đó có hai quyển kinh, một quyển Thập Nhị Nhân Duyên, còn quyển kia là nghi thức tu Bát quan trai.

Vị quan được kinh, trong lòng rất vui mừng, liền đặt kinh lên khay vàng đem dâng lên vua. Vua nhận được kinh vui mừng khôn xiết, liền đem kinh đến cho vua rồng. Vua rồng nhận được kinh, tâm rất vui mừng, bèn biếu tặng vua châu báu.

Trở về cung rồng, vua rồng cùng năm trăm con rồng tha thiết tu trì pháp Bát quan trai. Khi chết đi, tất cả đều được sinh lên tầng trời Đao-lợi. Nay họ đến cúng dường Ta. Đó là ánh sáng của các vị trời ấy.

Đức Phật bảo A-nan:

–Thầy nên biết, năm trăm con rồng kính tu trai pháp thời ấy, nay chính là năm trăm vị trời đến cúng dường Ta vậy.

Khi Đức Phật nói truyện nhân duyên của hai vị Phạm chí thọ trai pháp, có vị chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, có vị chứng đắc quả Tư-đà-hàm, có vị chứng đắc quả A-na-hàm, có vị chứng đắc quả A-la-hán, có vị phát tâm Bích-chi-phật, có vị phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui vẻ thực hành.


60- Truyện Năm Trăm Con Chim Nhạn Nghe Phật Nói Pháp

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong vùng rừng đầm lầy, ở nước Ba-la-nại, giảng nói pháp mầu cho trời người nghe. Trên không trung có một bầy nhạn năm trăm con thấy Đức Phật nói pháp, trong lòng ưa thích nên từ xa bay vòng trở lại rồi đáp xuống nghe pháp.

Lúc ấy có người thợ săn giăng lưới để bắt chim, năm trăm chim nhạn bị sa lưới, sau đó đều bị thợ săn giết hại. Khi chết đi, bầy nhạn được sinh lên tầng trời Đao-lợi, thân hình chợt cao lớn như đứa trẻ tám tuổi, thân tướng khôi ngô khác thường, từ thân của các vị trời này phát ra ánh sáng chiếu khắp cung điện giống như ngọn núi báu.

Các vị trời suy nghĩ: “Chúng ta đã làm phước đức gì mà được sinh lên cõi trời?” Rồi tự quán sát biết rằng trước kia là loài chim nhạn, đã nghe Phật nói pháp, sinh tâm tin tưởng ưa thích, nhờ thiện tâm ấy, nên khi chết đi được sinh lên cõi trời này. “Vậy chúng ta phải trở xuống nhân gian đền ân Đức Phật.” Nghĩ xong, các vị trời đầu đội mũ trời, đeo các chuỗi anh lạc, trang nghiêm thân thể, xoa các thứ hương vào thân, mang theo hương hoa đến chỗ Đức Phật cúng dường.

Cúng dường xong, các vị trời đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui lại ngồi sang một bên, bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay chúng con cúi mong Đức Phật Thế Tôn từ bi giảng nói pháp mầu, để chúng con được sinh tâm tin tưởng ưa thích và được sinh về cõi tốt đẹp. Cúi xin Thế Tôn thương xót chúng con, giảng nói một lần nữa, khai mở chỉ bày cho chúng con chỗ cốt yếu của chánh pháp.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền giảng nói những điều cốt yếu của chánh pháp cho các vị trời nghe. Tâm ý được mở tỏ, năm trăm vị trời đồng thời chứng được quả Tu-đà-hoàn, trong lòng vui mừng, nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ dưới chân Phật rồi trở về cõi trời.

Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, có nhân duyên gì mà đêm qua con thấy có ánh sáng chiếu nơi rừng cây? Cúi mong Ngài chỉ dạy.

Đức Phật bảo A-nan:

–Thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trước đây, khi Ta ngự tại một vùng rừng đầm lầy, giảng nói pháp mầu cho trời, người nghe.

Lúc ấy có năm trăm con chim nhạn, vì yêu kính tiếng nói pháp, sinh

tâm vui mừng, cùng nhau bay đến chỗ Ta đang nói pháp, sau đó bị người thợ săn giết hại. Nhờ thiện tâm ấy nên được sinh lên cõi trời.

Hôm nay, họ đến đây để đền đáp công ân.

Tôn giả A-nan nghe Đức Phật nói, liền khen ngợi:

–Là việc chưa từng có! Như Lai ra đời thật là tôn quý, nhiệm mầu không một loài nào chẳng được nhờ, cả đến loài chim nghe được pháp âm của Phật cũng được đắc đạo; huống chi là loài người có tâm kính tin thọ trì, còn vượt hơn loài cầm thú cả trăm ngàn muôn lần, không thể nào sánh được.

Đức Phật dạy:

–Cho nên các thầy phải một lòng kính tin Phật pháp, đúng như pháp tu hành.

Các Tỳ-kheo nghe Đức Phật dạy, có vị chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, có vị chứng đắc quả Tư-đà-hàm, có vị chứng đắc quả A-na-hàm, có vị chứng đắc quả A-la-hán, có vị phát tâm Bích-chi-phật, có vị phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.