KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 6: CẢNH GIỚI CỦA THỨC

Bấy giờ nơi tòa ngồi có một vị Bồ-tát tên là Hào Hiền, từ phương Đông, cách cõi này mười sáu hằng sa quốc độ, đi đến thế giới Ta-bà để được nghe và lãnh hội pháp Anh lạc thâm diệu. Lúc này Bồ-tát Hào Hiền liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật, quỳ mọp, chắp tay cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con có điều muốn thưa hỏi, nếu được Thế Tôn cho phép thì mới dám nêu bày.

Đức Thế Tôn nói:

–Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc tánh tử! Ta sẽ vì Bồ-tát mà mỗi mỗi sự việc phân biệt, giảng giải đầy đủ.

Bồ-tát Hào Hiền thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là thức nắm giữ cảnh giới của thức? Như Thế Tôn đã dạy: “Thức theo hữu vi, không theo vô vi.” Rồi lại cho rằng: “Thức theo vô vi, chẳng theo hữu vi.” Như thế thì có thức này, thức kia chăng? Có thể gọi tên là cảnh giới của thức chăng?

Đức Phật bảo Bồ-tát Hào Hiền:

–Chẳng có thức nào từ pháp sinh ra cả.

Bồ-tát Hào Hiền thưa:

–Thế nào gọi là Chẳng có thức nào từ pháp sinh ra cả?

Đáp:

–Thức chẳng phải là thức thường hằng mà là theo pháp nên có thức.

Lại hỏi:

–Thế nào là thức chẳng phải thường hằng?

Đáp:

–Nhận biết trùm khắp tất cả, ghi nhận hết thảy các pháp. Đó gọi là thức chẳng phải là thức thường hằng.

Lại hỏi:

–Thức có trí chăng? Là không có trí chăng?

Đáp:

–Thức có trí như như. Thức không trí như như. Thức của hết thảy chúng sinh là có trí như như. Thức của các bậc Hiền thánh tu học rốt ráo tất là không trí như như. Này vị Tộc tánh tử! Đó gọi là Hữu thức như như, Vô thức như như.

Lại hỏi:

–Thế nào gọi là Hữu thức, Vô thức? Thế nào gọi là Hữu thức như như, Vô thức như như?

Đáp:

–Có thể phân biệt đầy đủ về Trí hữu thức và Trí vô thức như như. Đó gọi là phân biệt về cảnh giới của thức.

Bồ-tát Hào Hiền thưa Đức Thế Tôn:

–Như Lai hôm nay nói về ý nghĩa của Định, ý nghĩa của Thức, khiến con càng tăng thêm hồ nghi.

Đức Phật bảo Bồ-tát Hào Hiền:

–Bồ-tát hãy hết sức lắng nghe và khéo suy nghĩ ghi nhớ. Hoặc có trí thức, chẳng phải trí thức; hoặc có pháp thức, chẳng phải pháp thức.

Thế nào là pháp thức chẳng phải pháp thức? Từ diệu nghĩa đệ nhất tột bậc đến quả vị Bích-chi-phật, đó gọi là Pháp thức. Từ Kiến địa, Bạc địa, Tánh địa, Vô ngại địa, cho đến Nhất sinh bổ xứ, đó gọi là Pháp thức.

Pháp thức lại có năm pháp. Những gì là năm pháp?

  1. Hướng tới trí tuệ giải thoát.
  2. Nhận biết thân mạng đời trước.
  3. Hướng tới trí tuệ phân biệt.
  4. Hội nhập pháp môn không.
  5. Quán tưởng về gốc của tâm.

Đó gọi là năm sự việc thành tựu được pháp thức.

–Lại cũng có năm sự việc cũng giúp cho Pháp thức thành tựu.

Những gì là năm?

  1. Tu tập Phạm hạnh, không gần gũi ba độc.
  2. Ở trong bào thai nhưng không nhiễm sinh tử.
  3. Thực hiện các pháp Vô tướng, Không, Vô nguyện.
  4. Tu tập đạt thần thông, thần túc vô ngại.
  5. Đứng vững nơi Giác ý để thấu đạt Nhất tướng Vô tướng.

Đó gọi là những hỗ trợ để thành tựu Pháp thức thanh tịnh.

Đức Phật bảo Bồ-tát Hào Hiền:

–Pháp thức thanh tịnh lại có năm sự việc. Những gì là năm việc?

  1. Học thức không biến đổi, tư duy về các nẻo học vấn.
  2. Dứt mọi học vấn dấu tích, không còn thấy nẻo hướng tới của các pháp.
  3. Chẳng thấy có giáo pháp, cũng chẳng thấy không có giáo pháp.
  4. Lại cũng không thấy tánh của đạo hay chẳng phải tánh của đạo.
  5. Dấy khởi đạo ý hay chẳng dấy đạo ý.

Đó gọi là năm pháp góp phần làm thanh tịnh pháp thức.

Dùng định để quán pháp thức lại có năm sự. Những gì là năm pháp?

  1. Dùng định để dứt cấu uế từ gốc, không còn thấy nơi chốn.
  2. Nhớ nghĩ đến vô lượng các pháp định ý không tịch.
  3. Tạo lập gốc của đạo, không cùng với các hội đạo.
  4. Tâm dứt mọi niệm mong cầu an tọa nơi đạo tràng.
  5. Tu tập tạo các phước điền dứt sạch mọi vọng tưởng.

Đó gọi là năm sự giúp cho Pháp thức thanh tịnh.

Pháp thức là Vô sinh, cũng có năm pháp. Những gì là năm pháp?

  1. Thức quán quá khứ, không dấy tưởng sinh diệt.
  2. Thức quán hiện tại chẳng thấy sinh diệt.
  3. Thức quán vị lai không thấy sinh diệt.
  4. Quán sát gốc ngọn của thức không thấy sinh diệt.
  5. Thức quán tánh Như không thấy sinh diệt.

Đó gọi là năm pháp giúp cho Pháp thức thanh tịnh.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Hào Hiền:

–Để đạt đến đạo quả Chánh giác của Như Lai, lại nên tu tập Pháp thức, thông đạt mọi âm hưởng, có mười hạnh.

Những gì là mười hạnh không chấp vướng vào pháp giới, cùng không thấy gốc của thức?

1. Ở trong ấy luôn gồm đủ đạo hạnh thần túc. Muốn đạt được sự tu tập thanh tịnh về pháp giới và thức ấy, tâm ý lúc ban đầu phải vững chắc, kiên cố như núi, như tường đá. Dần dần dẫn đến việc tư duy về thân từ gốc, biết rõ về thân và lìa thân. Đã lại lìa bỏ thân, biết rõ tâm và lìa tâm. Lại đã lìa tâm, biết rõ về không và lìa không. Lại lìa bỏ không, xong thì trở lại từ một ý cho tới trăm ngàn ý. Những ý chưa được chuyển hóa thì nên dốc sức tu tập chuyển hóa. Lại thông tỏ các pháp hóa độ là không chốn có. Đó gọi là Pháp thức dấy khởi đạo hành thần túc.

2. Dùng Thân thức không để tu tập các hành Thân thức, hoặc dùng Thân thức để tạo nên hành không Thân thức. Thức khác Thân thức, chẳng phải là Thân thức. Đó gọi là Pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

3. Ở đấy không có hai pháp, phân biệt về tất cả các pháp. Ở trong ấy thành tựu đạo quả Chánh giác, không thấy thức sinh khởi. Thành Bậc Chánh Giác, đối với ức trăm ngàn số về quá khứ thảy có thể phân biệt; nên giữ lấy các ấm, nhập, không làm mất gốc hành động và nẻo hướng tới của chúng sinh. Đó gọi là Pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

4. Các pháp không chuyển hóa, không thấy sự biến dịch. Ở trong ấy thức luôn tạo lập chẳng thể tận cùng. Đó gọi là Pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

5. Nơi thực hiện các pháp định để nhận rõ cõi Không, lại tự mở rộng thân như cõi ấy không khác. Đó gọi là Pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

6. Quán sát các thế giới cũng không thấy tận cùng. Tất cả thế giới thành cõi hay chẳng thành cõi thảy đều có thể thông tỏ. Đó gọi là Pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

7. Phàm Pháp giới thức thành hình tướng của năm ấm có sinh có diệt. Đó gọi là Pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

8. Không vướng chấp vào pháp giới, chẳng thấy hình tướng. Thức quá khứ chẳng phải hiện nay, thức hiện nay chẳng phải quá khứ. Không thấy gốc ngọn của mọi nhân duyên hiện tại. Đó gọi là Pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

9. Luôn phân biệt nhận rõ về tánh của các pháp cũng như nẻo hướng tới của hết thảy các pháp, không hề thấy những hang hốc ẩn dấu, che đậy, ý được thu giữ dứt tưởng cũng không dấy trí. Đó gọi là Pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

10. Các pháp không sinh, cũng không thấy có sự sinh diệt. Lại có thể tư duy về tính chất sinh diệt của các pháp. Bản tánh vốn như nhiên nhất tướng vô tướng.

Này vị Tộc tánh tử! Đó gọi là nẻo tu tập của Bồ-tát về các hạnh thần túc.

Đức Phật lại bảo các vị Tộc tánh tử:

–Lại có mười pháp để tạo được việc không tham chấp đối với Pháp giới.

Những gì là mười pháp?

1. Như Lai là Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời nên có thể gồm đủ Thân thức, tưởng của ba đời. Đó gọi là Pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

2. Dùng ba pháp diệt để dần dà hóa độ chúng sinh. Không thấy diệt, cũng không thấy chẳng diệt. Đó gọi là Pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

3. Phân biệt câu nghĩa, mỗi mỗi đều thông tỏ, lại dùng trí tuệ phương tiện để làm hiện rõ gốc của các nghiệp. Đó gọi là Pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

4. Như Lai là Bậc Vô Thượng Chánh Giác nên luôn tư duy nhận rõ về bốn tuệ vô lượng, dứt mọi tưởng về đoạn diệt và hữu thường. Đó gọi là Pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

5. Lại dùng trí tuệ thâm diệu hóa độ hết thảy chúng sinh, không rời bỏ lòng Từ bi lớn lao. Đó gọi là Pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

6. Quan sát hết thảy mọi loài chúng sinh đã được thuần thục hay chưa thuần thục, theo loài mà giáo hóa không lìa bỏ tánh của chúng. Đó gọi là Pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

7. Như Lai Thế Tôn thực hiện các phương tiện quyền xảo để dốc độ hết mọi chúng sinh mà không thấy có sự hóa độ ấy. Đó gọi là Pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

8. Trí tuệ Phật là vô lượng, không thấy có sự thành hoại. Có sinh có diệt không phải là bản thệ của Như Lai. Đó gọi là Pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

9. Như Lai nhất tướng, không nhiễm đối với ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai; tu hạnh không dựa cậy nên mới đạt đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Đó gọi là Pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

10. Như Lai là Bậc Vô Thượng Chánh Giác, có thể đem vô số ức ngàn vạn kiếp dùng làm một ngày, nơi một ngày ấy hóa độ chúng sinh không thể tính kể hết được. Đó gọi là Pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Hào Hiền:

–Về vô số a-tăng-kỳ kiếp thời quá khứ, tự nhớ nghĩ về việc tu hành Pháp thức vô hình, có Đức Phật hiệu là Hoằng Thệ Vô Nguyện Như Lai, là Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác với mười tôn hiệu gồm đủ, đã thuyết giảng về các hạnh của Pháp giới, đã dứt sạch mọi tham chấp vướng mắc. Về pháp giới ấy có một trăm lẻ bảy pháp. Những gì là một trăm lẻ bảy pháp ấy?

Đó là Không mong đạt hạnh Không. Không niệm về hữu thường. Quan sát thế gian xem như cảnh mộng. Tự dứt mọi phân biệt tôi–ta. Không dấy thức sinh. Nhận rõ hình tướng của cảnh giới. Vĩnh viễn dứt trừ vọng kiến. Tâm bố thí, cứu giúp luôn đầy đủ. Tâm luôn an định, ở nơi đông đảo không rối loạn. Thân thức, Không thức, không dấy từng ấy tưởng. Có bao nhiêu số lượng Bồ-tát, không chấp vào danh hiệu, quan sát để nhận rõ các pháp chẳng phải một, chẳng phải hai. Chúng sinh dấy khởi giận dữ, liền dùng phương tiện để nêu bày, dứt trừ gốc tu tập các hành của Thân thức. Mười hai nhân duyên. Bốn chân lý trí tuệ của Bậc Giác Ngộ. Tư duy về gốc của khổ là có khổ thức chăng. Hoặc có lúc có thức, nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Hoặc lúc có thức, lìa mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Hoặc lúc có thức chấp sắc nhưng thức không nhiễm. Hoặc lúc có thức chẳng chấp sắc, thức không nhiễm. Thức ấy vi diệu chẳng hề thoái chuyển, Bồ-tát với khả năng có thể thấu đạt. Hoặc lúc có thức, không chấp âm thanh, thức không nhiễm, cũng dứt mọi âm hưởng nên gọi là thức thanh tịnh. Hoặc lúc có thức, chấp nơi hương, thức không nhiễm. Hoặc lúc có thức, không chấp vướng hương, thức không nhiễm, mỗi mỗi đều nhận rõ không làm mất Pháp thức. Hoặc lúc có thức, chấp vướng nơi vị, thức không nhiễm. Cũng lại phân biệt rõ không làm mất thứ tự. Hoặc lúc có thức, vướng chấp nơi thân để có thêm vui thích, thức không nhiễm. Hoặc lúc có thức, không chấp nơi thân thêm vui thích, thức không nhiễm, mỗi mỗi phân biệt không dấy tưởng chấp trước. Hoặc lúc có thức, thông tỏ các pháp có sinh có diệt, có pháp hữu vi, có pháp vô vi, có tịnh có loạn. Đó gọi là Đại Bồ-tát nhận rõ tánh của thức không hề bị cấu nhiễm.

Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Nhận rõ về bốn tuệ vô lượng là Từ, Bi, Hỷ, Hộ (Xả) làm cho chúng hiện diện đầy khắp hết thảy mọi nơi để thâu phục, cứu độ chúng sinh, cũng dứt mọi vướng chấp về sự cứu độ ấy. Hoặc lúc có các vị Tộc tánh tử nhập định Tam-muội tu tập một pháp, hành hóa nhất pháp, liền đạt được trăm ngàn pháp môn Tổng trì. Như tiếng vang, như huyễn hóa, dần dần mới đạt tới các pháp Định ý diệt tận. Thân hành hóa thanh tịnh không tạo gốc ác. Tâm luôn nhớ nghĩ về từ bi, không thực hiện các việc ác. Thông tỏ ba đời, dứt trừ mọi mối ràng buộc, vướng mắc.

Này các vị Tộc tánh tử! Đó gọi là Bồ-tát thực hiện đúng đắn các pháp có dấy khởi không dấy khởi.

Lại nữa, có pháp môn Định ý, hết thảy các pháp đều đến hội nhập vào nơi ấy. Tưởng về có thân, không thân. Ý có niệm, không niệm. Không một, không hai, cũng lại không thức. Ta từ xa xưa, về vô số a-tăng-kỳ kiếp, lúc mới nhập pháp luật, đã luôn tỏ ra ứng hợp với nẻo hành ấy. Thức pháp có mười hai gốc nhân duyên tạo tác. Từ vô minh duyên hành, cho đến lão tử đều không thấy có sự sinh diệt. Đó gọi là pháp Định ý tên là Vô tận. Đạt được Định ý ấy, tất nhiên biết hết thảy nẻo hướng tới của chúng sinh trong ba cõi. Hoặc có chúng sinh tưởng về hữu thường, tưởng về vô thường, tưởng về có khổ, tưởng về không có khổ, tưởng về có định, không có định, mỗi mỗi đều phân biệt nhận rõ, không dấy nhiễm đắm.

Đức Phật lại bảo các vị Tộc tánh tử:

–Đại Bồ-tát phải nên nhớ nghĩ, tu tập ba mươi bảy phẩm quan trọng của đạo pháp.

Những gì gọi là ba mươi bảy phẩm? Đó là:

–Bốn Ý chỉ để diệt trừ tham, dâm, giận dữ, si mê, tiêu diệt vĩnh viễn ba độc.

–Lại nên tư duy về bốn Ý đoạn để đoạn trừ các niệm mong cầu.

–Nên đạt được bốn Hạnh thần túc, đã có được thần túc thì có thể đi đến các thế giới của chư Phật trong mười phương, chẳng tự nêu bày thần túc.

–Năm Căn của Như Lai đã thành tựu được Pháp thân gồm thân giới, thân tịnh, thân tuệ, thân giải thoát và thân giải thoát tri kiến. Đó gọi là năm phần Pháp thân của Như Lai. Thần trí của Như Lai không hề hủy hoại Pháp thân.

–Thế nào gọi là năm Lực? Đó là Tín lực, Tinh tấn lực, Niệm lực, Định lực và Tuệ lực. Chỗ gọi là Tín lực tức là dốc hướng về nẻo giải thoát, không bị nhiễm trong ba cõi sinh tử, chính là khiến cho hằng sa các thứ ma biến đổi làm Phật, ý ấy chẳng có thể làm cho biến động. Đó gọi là Tín lực.

Thế nào là Tinh tấn lực? Chỗ gọi là tinh tấn lực, tức là như từng được nghe biết về pháp, pháp giới, hoặc ở nơi cách một do-tuần đến trăm ngàn do-tuần, hoặc ở tại nơi một cảnh giới Phật, hoặc trăm ngàn cảnh giới Phật, cũng luôn giữ lòng tin đứng vững nơi giới luật, không rời bỏ thệ nguyện lớn lao. Đó gọi là Tinh tấn lực.

Thế nào gọi là Niệm lực? Chỗ gọi là niệm lực, tức niệm luôn được kế tục nơi trước mặt mình, ngoài ra không còn có một tưởng nào khác, chính là nhằm khiến cho hằng sa các thứ ma cùng thuộc hạ của chúng muốn đến để hủy hoại pháp Định ý ấy, chỉ những chuốc lấy khổ nhọc, không hề đạt được ý nguyện. Đó gọi là Niệm lực được thành tựu.

Thế nào là Định lực? Ấy là gốc đứng vững nơi quả vị của hàng Đại Bồ-tát để nhằm thu giữ ý, dứt trừ vọng tưởng, không còn mang lòng hồ nghi. Đó gọi là Định lực không gì có thể hủy hoại được.

Thế nào gọi là Tuệ lực? Đó là đối với vô lượng Pháp giới chẳng thể nghĩ bàn, các tuệ thảy đều thu giữ và khéo dùng phương tiện để thấu đạt gốc các pháp, các hành của tuệ tánh không hề hủy hoại Pháp giới. Đó gọi là Tuệ lực các đức gồm đủ.

–Lại nên nhận rõ bảy pháp Giác ý để nhằm biết rõ về tất cả nơi chốn suy niệm vô hình, hữu hình của tâm thức.

–Từ cõi Dục đến cõi Sắc, Vô sắc, tất cả ba cõi ấy đây thì có thể phân biệt, kia thì không thể phân biệt, ý được thâu phục dứt mọi loạn động. Đó gọi là ý định đạt được tánh của Tuệ với tám con đường bình đẳng, cũng dứt mọi sợ hãi để nhập pháp Tam-muội Không, chỉ một nẻo hành không hai, cũng không gốc ngọn, hữu hạn vô hạn đều đã lìa khỏi sinh tử, không dấy trí nào khác, biết rõ về các pháp sinh diệt, hoàn toàn dứt hết mọi tưởng. Đó gọi là Tám con đường thanh tịnh bất nhị.

Lại nên nhớ nghĩ về sáu mươi hai thứ kiến chấp. Tưởng chấp về hữu thường, vô thường. Tưởng chấp về có đạo, không đạo. Tưởng chấp về có đời này, không có đời này. Tưởng chấp về có cha mẹ, không có cha mẹ. Tưởng chấp về có tham đắm thân, không tham đắm thân. Hoặc lúc có thức nhận rõ các nẻo đường thanh tịnh không chút tỳ vết, mỗi mỗi đều nhận rõ ba chốn gốc của ái, năm chốn gốc của dục, bảy chốn hành của dâm. Có lúc hành hóa nơi chốn vắng vẻ, tịch tĩnh, như tại nơi gốc cây, chỗ đất nổng, gò mả cao. Quan sát hơi thở ra vào, có lúc dài ngắn, lạnh ấm không thường. Các pháp sinh theo nhân duyên cùng gặp gỡ. Tư duy để nhận rõ, khiến ý không lầm lạc, vọng loạn. Như thế là người tu tập nên nhận biết về hơi thở ra vào. Mọi hơi thở ngắn dài thảy đều nhận biết. Mọi hơi thở trước sau cũng đều nhận biết rõ ràng, đầy đủ, dần dần mới thành một bước thực hành thiền. Sự giác ngộ thông đạt về Thiền ý của Như Lai không đồng nhất. Tu tập Tứ thiền nhập tưởng biết rõ về diệt. Như định ý ấy thì cả ba thừa cùng có. Lại nên rõ về định ý Vô thượng của Như Lai.

Thế nào gọi là Định ý vô thượng? Chỗ gọi là Định ý vô thượng như tâm có các bậc: cao, vừa, thấp. Người tu tập nhập định không trở lại theo dõi hơi thở ra vào, dài ngắn. Chỉ dốc phân biệt quốc độ, chuyên tâm nhất ý, quán tưởng về quá khứ, hiện tại, vị lai, cái gì là chốn ta giáo hóa hay chẳng phải chỗ ta giáo hóa. Lại tư duy: “Như ta đang ở nơi chốn vắng vẻ, tịch tĩnh, chẳng nhận rõ chúng sinh, đó chẳng phải là điều thích nghi của ta. Nay nên đi đến vô số quốc độ, tự giáo hóa, hóa độ kẻ khác mới thành tựu được nguyện của ta.” Đó gọi là Sơ định, cũng chẳng thể hủy hoại được.

Lại nữa, người tu tập lúc mới nhập pháp Định ý, liền tự tư duy: “Có khổ có vui đều do từ gốc của thân. Đã vượt qua hành ấy, lại nên truyền bá thích hợp khiến cho những chúng sinh kia thảy được nhận biết về điều đó.” Đấy gọi là nhập định thành tựu được bước thứ hai.

Lại nữa, tâm pháp chẳng phải có, chẳng phải không. Tưởng chấp về có thân, không thân, chẳng được thần thông để du hóa đến khắp mười phương. Thâu phục ý, tự giữ mình thanh tịnh, kể cả giòng họ. Đó gọi là Định ý không hủy hoại Pháp thức.

Có đủ tâm ý thức, tư duy, chỉ quán. Ta vốn là vô ngã, huống chi là đối với chúng sinh. Trước tự nhận biết về không để luôn xem xét rõ chúng sinh. Dùng thần túc để nêu bày, tâm thần diệu có thể du hóa đến khắp chốn mặc dù thân không đi đến các nơi chốn ấy. Lại ở nơi quốc độ của chư Phật trong mười phương, dùng pháp Định ý ấy để tế độ vô số trăm ngàn chúng sinh. Ở nơi đó lại dốc tu tập mười pháp Tuệ hư không.

Những gì là mười pháp? Chỗ giáo pháp được thuyết giảng là nhằm diệt trừ các thứ ma, dốc tiến đến đạo tràng, thành tựu đạo quả Giác ngộ vô thượng, tâm như hư không, chẳng hề tăng giảm. Này các vị Tộc tánh tử! Đó gọi là tu tập pháp Tuệ hư không.

Lại nữa, này các vị Tộc tánh tử! Bắt đầu hàng phục đám ngoại đạo với những học thuyết đủ loại của họ, trừ dứt nẻo tà, khiến họ đứng vững với chánh kiến của chánh pháp, thảy đều đưa họ về với nẻo giác ngộ, xua trừ mọi xan tham, ganh ghét. Đó gọi là tu tập pháp Tuệ hư không.

Lại nữa, Thế Tôn hóa độ muôn loài chúng sinh, theo sở nguyện của họ đều khiến được đầy đủ. Tuy thuyết giảng vô số các pháp mà tâm không hề tham đắm, vướng mắc. Đó gọi là tu tập pháp Tuệ hư không.

Lại dùng trí vô ngại thể hiện thần túc, du hóa đến vô lượng thế giới, nêu bày, chỉ dẫn các pháp để giáo hóa chúng sinh mà không thấy có chúng sinh được giáo hóa cùng công việc hóa độ ấy. Đó gọi là tu tập pháp Tuệ hư không.

Lại có Như Lai trí tên là Hoài không, nhờ đó mà thành tựu được pháp giới không hủy hoại bản tánh, tâm được giữ vững như hư không, chẳng bị cấu nhiễm. Đó gọi là tu tập pháp Tuệ hư không.

Như Lai là Bậc Chánh Giác, hoặc dùng một thân thể du hóa khắp cõi hư không, hoặc dùng vô số thân, hoặc lại thị hiện nhập Bátnê-hoàn, không chấp vướng nơi thân, chẳng dấy từng ấy tưởng, cũng lại không chấp vào sự nhập Vô dư Niết-bàn ấy. Đó gọi là tu tập pháp Tuệ hư không.

Chư Phật Thế Tôn có bảy mươi hai pháp Biện tài vô ngại và mười bốn phước báo về Thiệt tướng, để giáo hóa chúng sinh mà trí không hề bị ngừng nghỉ, khiến cho muôn loài chúng sinh đều thành tựu trí tuệ sáng suốt.

Những gì là bảy mươi hai pháp Biện tài vô ngại?

Này các vị Tộc tánh tử! Như Lai lúc mới tu tập các tướng công đức đã dốc tự phát thệ nguyện lớn lao: “Nếu ta sau này thành Bậc Vô Thượng Chánh Giác thì nơi sinh, quốc độ cùng các loài chúng sinh ở đấy không hề nghe đến tên gọi các thứ vô minh, tham, dâm, giận dữ, si mê; khiến cho cõi nước của ta thanh tịnh như hư không, như cõi trời Tịnh cư ít dục, biết đủ.” Tâm ý luôn hướng về đạo pháp, không bị ngưng trệ giữa chừng, cũng lại không sinh tám chốn không được yên tĩnh, ở nơi hàng phú hào không có thái độ khinh mạn, cao ngạo, không khinh chê hàng thấp kém. Tâm ý luôn được thâu phục, thực hiện các pháp bố thí phước đức, mong có thức uống thì cấp cho thức uống, mong có thức ăn thì cho thức ăn. Tài sản trong nước, vợ con thảy đều bố thí hết cả, tâm hành thí không ngại, không hề dấy tưởng loạn vọng. Lại dốc giáo hóa chúng sinh giữ giới đầy đủ, tinh tấn, nhất tâm tu sáu pháp quan trọng. Nếu có chúng sinh gặp phải trăm ngàn nỗi khổ thì liền được cứu độ, khỏi bị rơi vào nẻo ác và không mất đi loài giống của Hiền thánh. Đó gọi là pháp tu tập tuệ hư không thứ tám.

Như Lai Vô Thượng Chánh Giác muốn chuyển bánh xe chánh pháp, trước hết là nhập các pháp định để tự thâu phục thân ý. Tự biết đã đến lúc, nên ta nay có thể vì muôn loài chúng sinh mà chuyển pháp luân vô thượng. Tâm dốc hiện sáu thứ thần thông, nơi mỗi mỗi lỗ chân lông trên thân tướng đã phóng ra những luồng hào quang, sau đó mới chuyển pháp luân vô thượng với các pháp không sinh diệt, không có nẻo tham đắm chấp bám, một tướng, vô tướng, không hề bị ô nhiễm. Mọi nơi chốn diễn nói như hư không, ngôn từ dấu vết chẳng hiện, chẳng thấy chúng sinh có tăng có giảm. Đó gọi là tu tập pháp Tuệ hư không thứ chín.

Lại nữa, Như Lai từ pháp giới vô sinh thành tựu đạo quả Chánh giác, xem hết thảy các pháp như cảnh huyễn hóa, không thấy có sự thành tựu đạo quả ấy, không làm mất Tuệ thần thông nhận rõ mọi pháp. Mười Lực của Như Lai cũng không tham đắm. Đó gọi là mười pháp tu tập Tuệ Hư không.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo bốn bộ chúng:

–Các vị mỗi mỗi người, ở trước Như Lai đây, sẽ tự nêu bày về pháp Tuệ hư không, dứt mọi nẻo vướng chấp.

Lúc này có một vị Bồ-tát tên là Không Hành, từ phương Đông nam cách cõi này đến năm mươi sáu hằng hà sa quốc độ chư Phật, đã từ cõi ấy đi tới thế giới Ta-bà để được nghe pháp. Bấy giờ Bồ-tát liền đến trước Đức Phật chắp tay cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Quốc độ thanh tịnh không có pháp nào được thuyết giảng, cũng như không có ý nghĩa nào của pháp được nêu bày, biết rõ tịnh và bất tịnh thảy như hư không. Đó gọi là pháp Tuệ không dứt mọi vướng chấp.

Bồ-tát Vô Ngã thưa:

–Không thấy chẳng phải không, mà thấy cũng chẳng phải không, không thấy hữu kiến, cũng chẳng thấy vô kiến. Đó gọi là pháp Tuệ không dứt mọi vướng chấp.

Bồ-tát Pháp Trụ thưa:

–Chưa tạo lập dấu vết hành hóa để thức sinh ô nhiễm không thể tính kể về số lượng kiếp vì tánh của thức vốn không. Đó gọi là pháp Tuệ hư không dứt hết tham vướng.

Bồ-tát Quá Hành thưa:

–Nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý không tạo các điều ác, dùng định để không dấy vọng tưởng. Đó gọi là pháp Hành không dứt hết tham chấp.

Bồ-tát Vô Hành thưa:

–Pháp thân vô tận không hề thấy có chỗ nương tựa, bám víu, tâm định, ý chuyên nhất. Đó gọi là hành Tuệ không dứt mọi vướng chấp.

Bồ-tát Bảo Tạng thưa:

–Không thấy trước sau, nơi chốn pháp giới, lại cũng không thấy có tội phước báo ác. Đó gọi là hành Tuệ không dứt tham vướng. Bồ-tát Tập Khổ thưa:

–Chư Phật Thế Tôn thảy đều biết rõ về quá khứ, hiện tại, vị lai, hội nhập trí tuệ tự tại, không dấy khởi vọng kiến. Đó gọi là hành Tuệ không dứt sạch vướng chấp.

Bồ-tát Từ Ý thưa:

–Ta–tôi vô hình, tâm chuyên hành đạo, không dấy khởi các tưởng khác, không dựa không bám vào pháp, thấu đạt lẽ sinh diệt như nhiên. Đó gọi là hành Tuệ không dứt sạch mọi vướng chấp.

Bồ-tát Bảo Kế thưa:

–Hành bốn pháp vô ngã, không chấp không nhiễm, có thân có khổ, thức tưởng cũng khổ, từ đấy lý giải được pháp không sinh diệt.

Đó gọi là hành Tuệ không dứt sạch mọi vướng chấp.

Bồ-tát Thiện Toán thưa:

–Chẳng thấy các pháp là có số lượng hay không số lượng. Thế nào là các pháp có số lượng, không số lượng? Thế gian là có số lượng, đạo pháp là không số lượng. Hữu vi là có số lượng, vô vi là không có số lượng, cũng không thấy có số hay không số ấy. Đó gọi là hành Tuệ không dứt sạch vướng chấp.

Bồ-tát Tận Sinh thưa:

–Các pháp là vô sinh, cũng chẳng thấy có sinh, chẳng dấy tưởng tịnh, bất tịnh, sinh tử đã dứt, vĩnh viễn diệt sạch không còn dấy khởi.

Đó gọi là hành Tuệ không dứt sạch vướng chấp.

Bồ-tát Phạm Hạnh thưa:

–Thực hành ba pháp Tam-muội chẳng dấy niệm về thọ thân, niệm không chẳng lìa không, niệm vô tướng chẳng lìa vô tướng, niệm vô nguyện chẳng lìa vô nguyện. Lại cũng không dấy niệm thọ nhận phước thanh tịnh. Đó gọi là hành Tuệ không dứt sạch vướng chấp.

Bồ-tát Quang Tướng thưa:

–Nhận rõ ba độc là pháp tối tăm, chẳng thấy ba đạt là pháp thanh tịnh. Đó gọi là hành Tuệ không dứt sạch vướng chấp.

Bồ-tát Sở Tác thưa:

–Chẳng thấy Nhất tướng, nhận rõ vô tướng, chẳng thấy khổ, chẳng thấy lìa khổ, dứt khổ chẳng khổ, cũng không chỗ tạo tác. Đó gọi là hành Tuệ không dứt sạch vướng chấp.

Bồ-tát Bất Thọ Hình thưa:

–Không có gốc của bốn đại, cũng không thấy cảnh giới hiện có, dốc hướng một nẻo vô vi, chẳng dấy khởi ba ý. Đó gọi là hành Tuệ không, dứt sạch hết vướng chấp.

Bồ-tát Vô Đẳng thưa:

–Lìa mọi khổ vui thế gian, không đắm nơi tám pháp, thấy có được lời khen không cho đấy là vui, dù bị phỉ báng cũng không ôm lòng lo lắng, tâm nhẫn như đất. Đó gọi là hành Tuệ không dứt sạch mọi tham đắm.

Bồ-tát Vô Cấu thưa:

–Chẳng thấy sáu tình tạo tác từ trong với sáu trần từ bên ngoài, chẳng thấy sáu trần cùng sáu tình đối nghịch. Đó gọi là hành Tuệ không dứt sạch vướng chấp.

Bồ-tát Trùng Quán thưa:

–Sáu trần bên ngoài không làm dấy khởi thức bên trong, thức cũng không tham chấp sắc trần bên ngoài. Thức không biết ngã là sắc, sắc chẳng biết ngã là thức, âm thanh, hương vị cùng các pháp vi tế khác cũng lại như thế. Pháp chẳng biết ngã là thức, thức chẳng biết ngã là pháp, hết thảy các pháp đều chẳng cùng biết. Đó gọi là hành Tuệ không dứt sạch mọi vướng chấp.

Bồ-tát Viễn Ly thưa:

–Chẳng thấy năm ấm có nhiễm chấp. Vì sao? Vì tánh của năm ấm là tánh của các pháp, tánh ấy là thường trụ không biến đổi. Đó gọi là hành Tuệ không, dứt sạch tham chấp.

Bồ-tát Hiền Hộ thưa:

–Các pháp Tổng trì chẳng thấy có trông mong hay không trông mong, chẳng thấy có pháp có thể thuyết hay không thể thuyết, dốc giúp chúng sinh được đứng vững không còn thoái chuyển. Đó gọi là hành Tuệ không, dứt sạch vướng chấp.

Bồ-tát Bảo Lai thưa:

–Các pháp luôn an định, không có từng ấy thứ, cũng không phân biệt có pháp Phật, pháp Bồ-tát, pháp thế gian, pháp giải thoát, pháp hữu hình hay pháp vô hình, pháp có thể hộ trì, pháp chẳng thể hộ trì, thảy đều không phân biệt. Đó gọi là hành Tuệ không, dứt sạch vướng chấp.

Bấy giờ nơi các tòa ngồi có vô số các vị trong bốn bộ chúng được nghe nói về các pháp Tuệ không thanh tịnh, dứt sạch mọi vướng chấp ấy thì lại càng tăng thêm hồ nghi, không thấu đạt cứu cánh.

Đức Thế Tôn liền biết mọi niệm vừa dấy nơi tâm của các vị kia, rõ ràng là chưa đủ căn duyên để lãnh hội pháp Tuệ không ấy. Tức thì Đức Thế Tôn tự hóa thân tướng cao đến bốn trăm do-diên (do-tuần), phát ra âm thanh lớn, nói với chư Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác khắp mười phương thế giới hiện đang thuyết pháp được biết rằng:

–Các vị nào muốn được nghe để lãnh hội các pháp Bồ-tát Anh Lạc thì thảy nên vân tập đến thế giới Ta-bà này.

Lại hóa ra vô số chúng Bồ-tát lễ bái khắp mười phương chư Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cùng thưa:

–Hiện nay Đức Như Lai Năng Nhân ở cõi Ta-bà này đang diễn nói về pháp Bồ-tát Anh Lạc. Chúng con đều đã vân tập đông đủ đến cõi ấy.

Như vậy là khắp mười phương, chư Như Lai ung dung tự tại,

thân tướng cũng như hình tượng Thế Tôn hiện có, đều thu giữ, giữ gìn mọi oai nghi, đi tới thế giới Ta-bà. Các vị Bồ-tát vững tin, đạt được mười trụ thảy đều thấy rõ chư Như Lai và cùng lễ bái cúng dường. Mỗi mỗi vị Như Lai đều lần lượt an tọa nơi tòa vô úy. Những người chưa được vững tin còn ở cảnh giới phàm phu, chưa được Thiên nhãn nên mọi thần thông chưa đầy đủ, cũng không thấy được chư Như Lai ở mười phương đến. Vì sao? Vì tâm ý của hàng phàm phu ít lo sợ về việc mất phạm hạnh. Hoặc có vị Như Lai tọa định nơi ấy, thân tướng cao đến cõi Phạm thiên. Hoặc có vị Như Lai thân biến hóa khắp cả một ngàn quốc độ, hai ngàn quốc độ, cho đến tam thiên đại thiên thế giới. Vì sao? Vì chúng sinh được thọ nhận sự biến hóa nên được thấy hình tướng ứng hợp, được thọ nhận giáo pháp nên được lãnh hội đúng pháp mình thọ nhận.

Bấy giờ ở phương Đông, trải qua hai hằng hà sa quốc độ có Đức Như Lai hiệu là Bản Tịnh, liền cùng với đại chúng dùng kệ để nói Pháp ngôn này:

Hư không chẳng bến bờ
Tưởng chấp dấy hồ nghi
Cõi gốc hành đã chọn
Không hai, không kẻ sánh.
Muốn thuyết tướng Hư không
Bản chất không sinh khởi
Nghi hư không được gì
Trong ấy muốn cầu không.
Ta nay đã thành Phật
Tâm định, dứt mọi nhiễm
Sạch cấu, thêm tôn quý
Lại chẳng hề dấy diệt
Đã vào đường bằng phẳng
Không theo ý nhỏ hẹp
Ngã hợp, tâm không sinh
Đạo đạt theo đó diệt.
Ta thọ mạng có kiếp
Nẻo hóa độ vô cùng
Ý đoạn, luôn tịch diệt
Đâu biết có độ người?
Bảy quán thân trang nghiêm
Sắc hoa đạo không đổi
Không hình vào mọi nẻo
Đó là đường Bồ-tát
Như Lai gồm hai lối
Gốc đạo, các đức đủ
Quyền hiện pháp ảo hóa
Nên hợp không sinh diệt
Trời, người đủ muôn loài
Không hình, chẳng có số
Người hữu hình được gì
Khéo rõ pháp không sắc
Thế Hùng, kho vô tận
Chẳng sắc cũng dốc đạt
Huống lại chưa đạt đạo
Muốn thấu tuệ bình đẳng
Tuy trải trăm ngàn kiếp
Chưa từng tự dứt ý
Chúng sinh do lười kể
Trụ giữa, ý chẳng lập
Pháp Đại thừa bình đẳng
Lãnh hội sao hết được?
Nay tạm nêu Tuệ không
Sao lại nghi nơi không?

Đức Như Lai Bản Tịnh nói xong bài kệ ấy hốt nhiên biến mất. Về phương Nam, cách xa cõi này mười tám ức hằng sa quốc độ, ở đấy có cõi Phật tên là Nghiêm Tịnh, Đức Phật nơi cõi đó hiệu là Như Lai Ly Cấu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, hiện thân với sắc tướng lồng lộng, ở nơi đại chúng lại nói bài tụng:

Ta gốc từ đạo có
Nghe Tuệ không bình đẳng
Trải qua mười hai kiếp
Nên được Định ý ấy
Tư duy trước sau lại
Sáu độ, bốn bậc hành
Đều từ nẻo Tuệ không
Sáng rực gốc các pháp
Phát tâm có thứ bậc
Thệ nguyện lớn chẳng khác
Niệm quán, Tuệ dứt chấp
Độ người không tính kể
Như ta nẻo du hóa
Nhiều Anh lạc trang nghiêm
Nêu bày Tuệ thù thắng
Nước không ba đường ác
Chỉ diễn hành Tuệ không
Chẳng vướng nẻo không có
Ta đã dứt nẻo tâm
Làm sao nên thuyết hữu?
Tánh như không hình tướng
Pháp giới cũng thanh tịnh
Thông tỏ, diệt đã tận
Vì thế không sinh diệt
Lại qua cõi nghiêm tịnh
Mười ức các quốc độ
Nơi ấy có pháp này
Hành vô vi thanh tịnh
Thuyết lời chẳng có lời
Không chấp gốc có tướng
Nên hợp định tịch nhiên
Hành trọn không danh hiệu
Tâm chúng sinh nẻo hướng
Theo loài gốc thức dấy
Như ta hằng tự tại
Chẳng thấy đường có không.
Từng qua vô số kiếp
Dứt mong, chẳng chấp có
Muốn cầu diệt không dấy
Đạt được bước thành tựu
Nay đem không thân không
Hiện hình như chốn hướng
Tuệ Phật thật mênh mông
Trọn không chút cấu nhiễm
Tánh tự nhiên thanh tịnh
Chẳng thấy tưởng chấp thường
Tuệ đạo, mọi đức đủ
Nên hiệu là Ly Cấu
Tự thành tựu đạo quả
Du hóa cõi hư không
Hoặc làm Thiên đế Thích
Phạm Thiên vương đại tôn
Sở dĩ biến hóa hình
Hóa độ kẻ chấp có
Tuệ vô sinh nẻo tận
Cứu cánh luôn thanh tịnh
Lại làm Chuyển luân vương
Thống lãnh vô số thành
Lìa bỏ để học đạo
Biết rõ chẳng dài lâu
Lại vào nẻo Thanh văn
Hiện như, đạo chẳng đạt
Nên liền dốc theo thầy
Dứt mọi tưởng chấp buộc
Lại đến Tịnh cư thiên
Thuyết gốc hành thanh tịnh
Khiến lìa phước báo ấy
Bậc đó chẳng hết khổ
Chúng sinh, sắc vô sắc
Chấp thường chẳng trừ tưởng
Kiêu mạn tự buông thả
Khiến nhập hết cửa đạo
Bậc Chánh Giác gốc không
Nẻo hóa chẳng có hình
Gốc sinh tử thấu lẽ
Trọn chẳng rời tịch tĩnh
Huống bốn bộ chúng nay
Mới nghe liền biếng trễ
Loại ấy tự hạn kỳ
Khó mau thành tựu được.

Đức Như Lai Ly Cấu nói xong bài kệ ấy liền hốt nhiên biến mất. Về phương Tây, cách cõi này trăm ức hằng sa quốc độ chư Phật, có cõi tên là Thủy tinh, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Như Lai Tịnh Tôn, là Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Chúng sinh nơi cõi ấy chỉ phụng trì một pháp, không có sáu độ và các hành gốc của mọi tạo tác. Đức Như Lai Tịnh Tôn lúc này đang ở nơi đại chúng và đọc bài tụng:

Tám hành không cao thấp
An nhiên gốc quy diệt
Bỏ thân rồi thọ thân
Càng thêm nhiễm phiền não
Hư không chẳng hai pháp
Không trụ cũng không dấu
Tám nẻo Tuệ bình đẳng
Chốn chư Phật du hóa
Ta xưa tự lập hạnh
Thệ nguyện lớn chuyển pháp
Thể tin quy nơi không
Nay đạt Nhân Trung Tôn
Cõi chư Phật an trụ
Pháp phương tiện mỗi khác
Hiện khắp mọi nơi chốn
Hiện thân độ quần mê.
Lại vui chỗ trói buộc
Mãi nơi chốn u tối
Đạo từ gốc không thệ
Sau đấy mới được lìa
Như người cõi nước ta
Tâm giữ chẳng tạo ác
Trọn dốc sùng giải thoát
Luôn gần đạo như vậy.
Dâm, giận, si cấu uế
Cũng chẳng dốc ân cần
Tự nhiên vào hạnh luật
Như hoa theo thời nở
Tâm đạo chẳng dời chuyển
Khổ vui tâm hằng dứt
Đi đến nơi cõi ấy
Dốc tu pháp Tuệ không
Ta nay đã dốc hành
Chúng ấy cũng chẳng khác
Nay nghe Năng Nhân Tôn
Nên tu tập Tuệ ấy
Đại thánh đều vân tập
Tôn quý không thấp cao
Tuy hiện khác quốc độ
Nẻo tu cùng một pháp
Nay xem năm cõi người
Vô minh, hành che phủ
Đắm chìm biển sinh tử
Khổ não mãi chồng chất
Sao chẳng tự lập ý
Dốc tu lối Tuệ không
Mau đạt đến giải thoát
Như chúng sinh cõi ngoài.

Đức Như Lai Tịnh Tôn nói xong bài kệ ấy hốt nhiên biến mất. Về phương Bắc cách xa chốn này ba hằng sa cõi Phật có quốc độ tên là Phổ Chiếu, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Dũng Biện Như Lai, là Bậc Vô Thượng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Lúc này đang ở nơi đại chúng và đọc bài tụng:

Đạo Như Lai nhất tướng
Theo gốc danh sắc sinh
Qua vô số khổ nhọc
Mới dứt sạch phiền não
Như người muốn vượt không
Chẳng cầu phương tiện khéo
Chỉ nhớ mong pháp không
Sau thu đạt đạo quả.
Nẻo buộc của tưởng ý
Chẳng vướng vật không thường
Muốn cầu cõi bất tử
Điều ấy chưa từng được
An trụ chốn không lìa
Không trụ cõi không, có
Đã đạt nẻo Tuệ không
An nhiên dứt nhiễm chấp
Đạo theo gốc thân sinh
Sau đấy thành Chánh giác
Mê tối tâm ý lạc
Lìa tâm ngoài cầu không
Ngoài khổ tuy có hiệu
Chẳng lìa thức tưởng ấy
Pháp giới đạo thanh tịnh
Nên hợp Tuệ thanh tịnh
Chúng sinh nơi sinh tử
Trôi nổi chẳng tự cứu
Muốn lìa được mọi khổ
Trước nên xua ý thức
Chốn Như Lai hiển hiện
Diễn thông pháp thù thắng
Một tưởng không cấu nhiễm
Sao lại nhiễm nơi không
Ba đạt trí tối thắng
Đều vượt mọi ngại ngăn
Nay niệm chẳng niệm gốc
Duy niệm mọi chúng sinh
Các pháp chẳng nghĩ bàn
Chẳng có cũng chẳng không
Do thanh nên có hưởng
Chúng sinh nên có Phật
Bao chúng sinh thọ hóa
Luôn tự chán lìa thân
Đạo dốc dứt phi đạo
Có không chẳng đạo chánh.

Đức Như Lai Dũng Biện nói xong bài kệ ấy hốt nhiên biến mất. Về phương Đông bắc, cách xa cõi này chín mươi hai ức hằng sa quốc độ, có thế giới tên là Pháp quán, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Pháp Quán Như Lai Vô Thượng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, lúc này đang ở nơi đại chúng và đọc bài tụng:

Sắc gốc không có sắc
Cũng chẳng có tướng sắc
Pháp thống (thọ) không sinh diệt
Cũng không sinh nên lạc
Ý thức như ngựa hoang
Bọt nước không trụ lâu
Không thân tuệ tự tịnh
Đó là không bình đẳng
Một quán, một ý dừng
Phạm hạnh thêm thanh tịnh
Chấp tưởng có tôi ta
Chẳng đến cõi không có
Tự giác lại giác tha
Khiến đạt Tuệ hư không
Chúng sinh chẳng tự giác
Vì thế luôn do dự
Tánh có cao, vừa, thấp
Thiện, ác luôn đối nhau
Lìa ác, dốc hành thiện
Dốc đạt nẻo Tuệ không.
Nên chẳng thấy thiện ác
Tâm định, dứt điên đảo
Thế mới tin rõ không
Đạt được Tuệ thanh tịnh
Ý bình đẳng từ gốc
Chẳng thấy còn mầm mống
Lâu lâu mới tự đạt
Ứng hợp đạo Vô thượng
Quán Tuệ, dứt tham chấp
Tâm sạch, dứt cấu nhiễm
Trí nhân như Tuệ không
Nên gọi pháp giác ngộ
Từ bi với muôn loài
Nên diễn đạo không vô
Không dấy niệm thiện ác
Tưởng vô hình dứt tình
Gốc ngã từ nơi ý
Như Lai thọ pháp ấy
Nghe liền đạt Tuệ không
Nhớ hóa quán cõi tịnh
Thọ mạng a-tăng-kỳ
Thuyết pháp nhằm giáo hóa
Dẫn dắt vô số người
Nhập gốc pháp giới ấy.

Đức Thế Tôn Pháp Quán nói xong bài kệ ấy hốt nhiên biến mất. Về phương Đông nam, cách đây một ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực diệu, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Vi Diệu Như Lai Vô Thượng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, bấy giờ ở nơi đại chúng liền đọc tụng:

Gốc thức từ năm ấm
Nhân duyên cùng hợp nên
Chuyển biến vô số kiếp
Tự dấy, tự nhiên diệt
Muôn loài do mê lầm
Chẳng thấu gốc sinh tử
Chung cuộc nẻo đầu thai
Không mong lìa tai họa
Như người trong một niệm
Chỉ dấy kiến điên đảo
Buộc trói lại càng thêm
Sao khởi được gốc đạo?
Muôn loài luôn chấp niệm
Ái lạc gốc ba độc
Năm ấm lấp tâm diệu
Không mắt làm sao xem
Như Lai nêu đuốc lớn
Tiêu diệt gốc khổ dục
Tuy lại thấy Tuệ sáng
Do dự chẳng dốc tin
Ta xem khắp mười phương
Phát tâm nhằm cầu đạo
Hành dứt lại thọ sinh
Nên luôn ba đường khổ
Khắp nơi chẳng bản nguyện
Tự lao vào bốn vực
Không lìa bốn cửa sinh
Chẳng thành bốn đạo quả
Có lúc rời bốn pháp
Liền sinh năm ấm thịnh
Dứt chấp, tăng thượng mạn
Chẳng diệt hành phóng dật
Dần tới vô số pháp
Không thấy gốc nẻo Thánh
Như người ý buông lung
Tâm chẳng tự thu giữ
Như Lai hành lục thông
Chẳng Không, chẳng khác Không
Hằng dứt gốc sinh tử
Nêu hợp Tuệ bình đẳng
Gốc vốn không tử sinh
Lưu chuyển nhiễm đắm sắc
Nên thành pháp giới sắc
Dứt có chẳng chấp có
Có đạo nên có thức
Thức ấy chẳng gốc không
Nên chẳng thấy thức đạo
Mới hợp pháp Tuệ định
Đạo theo thức thêm vui
Hiện thân biến vô số
Tự rõ nên Tuệ không
Mới hợp mọi tướng biến
Không trụ, chẳng biến đổi
Dứt tưởng nghi do dự
Hàng phục mọi phiền não
Mới hợp Tuệ bình đẳng
Người tu có ba ngại
Do tưởng chẳng lìa không
Chưa khởi gốc mọi hành
Nẻo ấy khó thành tựu.

Đức Như Lai Vi Diệu nói xong bài kệ, hốt nhiên biến mất. Về phương Tây nam, cách cõi này mười ba ức cõi Phật, có thế giới tên là Quảng thắng, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Diệu Tích Như Lai Vô Thượng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, hiện đang ở nơi đại chúng và nói bài tụng:

Biết đời là pháp huyễn
Chẳng ở pháp sâu xa
Đạo hãy còn không tên
Huống không lại có lời
Các pháp trong ngoài hợp
Nhận rõ tất chẳng có
Vô hình chẳng thể thấy
Nên hợp tuệ thanh tịnh
Rõ dục chẳng Từ tâm
Lại cũng chẳng chấp không
Dứt nhiễm đắm bỉ thử
Thành tựu Tối chánh giác
Ngu tối chưa thấy sáng
Chấp theo tâm, thức dấy
Sáu pháp sinh sáu trần
Do dấy khởi tưởng nghi
Nhân thức nhận thân này
Bốn đại tự nhiên thành
Luân chuyển trong năm nẻo
Chẳng rõ pháp tánh không
Như có một người niệm
Tự nói nhiễm không gốc
Thân tâm đều sinh ngại
Há đạt tưởng Hữu vô
Quán diệu soi ba đời
Thị hiện thuyết các pháp
Giáo thể diệu chư Phật
Chẳng có, cũng chẳng không
Đời khổ do vô minh
Không bình đẳng, chẳng dựa
Quán thấu đạt có không
Nên gọi Tuệ bình đẳng
Có lúc thức có không
Đấy chẳng Tuệ Như Lai
Chẳng nhiễm nẻo bỉ thử
Tâm bình như âm hưởng
Tám đường dứt nguồn khổ
Tám giải rửa bụi tâm
Tám hưởng thảy quy hư
Tám Tuệ không sinh diệt
Lìa mọi niệm đây kia
Chốn giữa không còn ngại
Thao thức chốn nhiễm chấp
Đó là Tuệ bình đẳng
Gốc người nơi hư không
Thức nhiễm nẻo ba cõi
Do tự đắm phiền não
Chẳng nhập cõi gốc không
Từ gốc mới phát tâm
Tánh Tuệ không chẳng giảm
Do đã trải vô lượng
Nên sau được định này
Ta rõ tâm các vị
Lìa thức muốn cầu không
Sao chẳng tự niệm thức
Trong không, ngoài cũng thế
Pháp Như, pháp không tướng
Tuệ tỏ, lại cũng vậy
Niệm định xua trừ loạn
Đó là Tuệ bình đẳng
Thân này tất về không
Thường tịch, dứt sinh diệt
Như Lai thệ lớn khắp
Tế độ mọi quần mê.

Đức Thế Tôn Diệu Tích nói xong bài kệ ấy, hốt nhiên biến mất. Về phương Tây bắc, cách cõi này năm mươi bốn ức hằng hà sa số quốc độ chư Phật, có thế giới tên là Nhu thuận, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Chúng Tướng Như Lai Vô Thượng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, hiện đang ở nơi chúng hội đọc bài tụng:

Như ta quán hành không
Một ý không cao thấp
Tâm có không thị phi
Đều do sinh tử dấy
Muốn cầu kho tàng Phật
Suy cứu gốc mọi hành
Chưa từng được thông suốt
Thần tuệ Như Lai tỏ
Như có một sĩ phu
Kiếp này sang kiếp khác
Trăm ngàn kiếp như vậy
Số ấy không tăng giảm
Người có đủ các căn
Sáu tình chẳng hề thiếu
Muốn nghe Tuệ Như Lai
Chưa có ngay quả đạt
Huống lại mới phát tâm
Muốn đến Tuệ bình đẳng
Chỉ tự thêm hao tổn
Chẳng ích nơi đạo pháp
Nên tu tâm Từ bi
Tuệ phương tiện tự giữ
Thệ bền vững, vô úy
Sau đấy mới điều tâm
Ví lại đến khắp cõi
Nhằm cúng dường chư Phật
Chẳng dấy chỗ tạo công
Tự nhiên hợp nẻo Thánh
Như Lai mười Lực Thánh
Hàng phục mọi tà kiến
Nhẫn tỏ tưởng vô ngã
Nên đạt Nhân Trung Tôn
Rõ pháp trụ, chẳng trụ
Chẳng thấy nẻo công đức
Dứt sinh lại chẳng thọ
Là cảnh giới Thế Hùng
Muốn thành các tướng tốt
Chẳng đoạn mọi gốc lành
Ý diệt, chẳng dấy tưởng
Đó là Tuệ bình đẳng
Ta xem mọi chúng sinh
Thời không chẳng tự biết
Vì thế luôn nhọc nhằn
Chẳng nhập cõi thường tịch
Muốn chóng thành đạo quả
Mọi đức trang nghiêm thân
Tâm gốc nên dứt niệm
Làm sao dấy hồ nghi?

Đức Thế Tôn Chúng Tướng nói xong bài kệ ấy hốt nhiên biến mất. Về phương trên, các cõi này vô số quốc độ chư Phật, tận cùng thế giới của chúng sinh có một cõi tên là Hồi chuyển, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Âm Hưởng Như Lai Vô Thượng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, hiện đang ở nơi đại chúng và nói bài tụng:

Hư không thức vô hình
Chẳng có bờ đây kia
Chẳng thấy có chúng sinh
Huống có đến pháp giới
Hiện tại kẻ cầu đạo
Đến không cầu nơi không
Đã biết nẻo bất tịnh
Lại cầu mong ngoài không
Niệm thương hạng người ấy
Ý chẳng rõ tuệ Thánh
Tư duy, quán Tuệ đó
Cũng đạt đạo vô thường
Nay thọ thân ba cõi
Tự nhận rõ thông Tuệ
Thức định tưởng vô hình
Giống đoạn vì đạo ý
Người tự tư duy biết
Bốn đại là hang sâu
Chính khiến nơi ngoài không
Chẳng khác với bốn đại
Chỉ nay chưa đạt Tuệ
Chưa rõ tình trong ngoài
Hạng ấy đáng xót thương
Thế Tôn chẳng hề trách.
Trượng phu không kẻ sánh
Hành vượt định vô tưởng
Đó là mọi pháp Phật
Mê lầm tự chấp ngã
Gốc pháp không khởi tận
Cứu cánh tất thanh tịnh
Phạm hạnh trọn thêm tịnh
Chẳng dấy niệm ba đời
Trước nói khác nay nói
Niệm niệm tự biến đổi
Lấy đó để làm chứng
Sao lại dấy hồ nghi?
Ta đã chẳng tự nêu
Vì kẻ phàm quyền giả
Tư duy bốn đại ấy
Thức pháp theo nẻo nào
Tuyên thuyết pháp quá khứ
Vô hình chẳng thể thấy
Tuy có thức vị lai
Cũng chưa nhận bốn đại
Hiện tại là hai pháp
Nay vì mỗi mỗi nêu
Người người chớ hoài nghi
Nơi Tuệ bình đẳng ấy
Nhận rõ thức quá khứ
Người chết không còn thân
Thức ấy chẳng hư hoại
Nên gọi thức quá khứ
Như thức nay hiện trụ
Bốn đại nhân duyên hợp
Thức ấy luôn chẳng đổi
Lại gọi thức hiện tại
Vả lại lìa hiện tại
Vị lai chưa sinh ra
Thức đó cũng khác nay
Do đâu nói ba đời?
Tánh thức luôn tự trụ
Không khứ, lai, hiện tại
Muốn đạt căn bản thức
Hang hốc ở chốn nào?
Như Lai trí vô đẳng
Nên đạt thức gốc không
Tánh không luôn tự tại
Chớ nên dấy tưởng nghi
Muốn thành Bậc Chánh Giác
Tưởng, hành chẳng nhiễm đắm
Tất rõ tánh thức không
Nên gọi Tuệ bình đẳng.

Đức Như Lai Âm Hưởng nói xong bài kệ hốt nhiên biến mất. Về phương dưới, cách xa cõi này mười một hằng sa quốc độ, có thế giới tên là Vô giảm, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Phổ Nguyện Như Lai Vô Thượng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, hiện đang ở nơi chúng hội và nói bài tụng:

Chư Phật mười phương đến
Bình đẳng không có hai
Dốc thuyết giảng định không
Tịch nhiên, mọi hành dứt
Chúng sinh tưởng hữu thường
Cho là “Không” có hạn
Gốc đạt dứt ô nhiễm
Đó là thảy quy không.
Tâm trói buộc chẳng bày
Do mất hạnh nguyện gốc
Nên sinh nghiệp phỉ báng
Không Phật pháp Thánh chúng.
Như Lai thân giới đức
Thanh tịnh không tỳ vết
Hóa độ kẻ mê mờ
Quán tưởng ba đời không
Thức không tự có tên
Tự sinh, tự nhiên diệt
Sinh ấy chẳng thức không
Thức diệt cũng lại diệt
Do chẳng đạt được gốc
Giong ruổi cầu tướng thức
Không giả gọi là thức
Thức không, nào có khác?
Thân tướng cũng vô hình
Đời đời luôn tiếp nối
Chỉ vì người ngu lầm
Thức dấy từng ấy tưởng
Mọi trí thành pháp thể
Tướng tốt trang nghiêm thân
Thân diệt, trí về không
Lại cho là có thức.
Suy tìm ba đời không
Thức không, bốn đại không
Nên đạt đến pháp giới
Biết có cũng chẳng có.
Chư Phật trí vô lượng
Quyền hiện không giảm tăng
Đem thức vô hình ấy
Du hóa khắp cõi Phật
Nghi ấy đã có lâu
Chẳng ngươi ta cũng vậy
Tuệ thông tất chiếu khắp
Thế mới hợp trí Phật.

Như Lai Phổ Nguyện nói xong bài kệ ấy hốt nhiên biến mất. Tức thì ở nơi chúng hội có đến mười một vạn na-thuật chúng sinh thảy đều đạt được pháp quán về “Tuệ không” bình đẳng. Lại có vô lượng chúng sinh cùng Trời, Rồng, Quỷ thần được nghe giảng về pháp ấy đều phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.