PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA BỒ-TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP KINH
Hán dịch: Tam tạng Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 6: BỐ THÍ BA-LA-MẬT-ĐA

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Sao gọi là đối với Ba-la-mật-đa siêng năng tinh tấn?

Này Xá-lợi Tử! Nếu người nào đối với sáu Ba-la-mật-đa này mà siêng năng tinh tấn, thì gọi là Bồ-tát hạnh. Sáu Ba-la-mật-đa đó là:

  1. Bố thí ba-la-mật-đa
  2. Trì giới ba-la-mật-đa.
  3. Nhẫn nhục ba-la-mật-đa.
  4. Tinh tấn ba-la-mật-đa.
  5. Thiền định ba-la-mật-đa.
  6. Thắng tuệ ba-la-mật-đa.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát thấy Sa-môn, Bà-la-môn nghèo cùng một mình đứng xin giữa đường, tùy theo những gì họ mong muốn đều ban cho. Hoặc xin đồ ăn, thức uống, y phục, hương xoa, tràng hoa và chỗ ở, hoặc xin thuốc thang, đèn đuốc, âm nhạc, vợ con, nô tỳ, vườn rừng, đài quán, vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, ma-ni, trân châu và các loại báu khác như voi, ngựa, xe cộ, tiền tài, lúa thóc, kho chứa, cho đến ngôi vị chủ luân vương trong bốn đại châu giàu có vui thích sung sướng, kể cả tay chân tai, mũi, mắt, thân phần máu thịt, xương tủy, những gì có ở thế gian đều cho hết.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Có mười pháp, Bồ-tát nếu thực hành đầy đủ mười pháp ấy thì mới có thể thanh tịnh đầy đủ, thường hành bố thí.

  1. Bồ-tát thọ dụng thí không sợ gian nan.
  2. Bồ-tát không ép bức chúng sinh thí.
  3. Bồ-tát không kinh sợ người khác thí.
  4. Bồ-tát luôn xả sự thỉnh thí.
  5. Bồ-tát không hiện tướng thí.
  6. Bồ-tát đối với các chúng sinh không có dị tưởng thí.
  7. Bồ-tát không tổn hại thí.
  8. Bồ-tát không phân biệt quốc độ hoàn cảnh thí.
  9. Bồ-tát thí chúng sinh nhưng không tác ý.
  10. (*) Pháp thứ mười nguyên trong bản Phạm đã thiếu.

Này Xá-lợi Tử! Bồ-tát nếu có khả năng thanh tịnh được mười pháp này thì mới có thể bố thí.

Lại nữa, có mười pháp, nếu Bồ-tát có thể thanh tịnh đầy đủ thì mới có khả năng thực hành bố thí.

  1. Bồ-tát không trái nghiệp báo thí.
  2. Bồ-tát không tà ý vui thí.
  3. Bồ-tát đều hiểu biết thù thắng thí.
  4. Bồ-tát không mệt mỏi thí.
  5. Bồ-tát thí nhưng không mong người khác biết đến.
  6. Bồ-tát thí không não hại.
  7. Bồ-tát thí không thoái lui.
  8. Bồ-tát không vì khen ngợi trì giới mà thí.
  9. Bồ-tát không khinh mạn phá giới mà thí.
  10. Bồ-tát thí không mong cầu quả báo.

Bồ-tát nếu có khả năng thanh tịnh được mười pháp như vậy thì mới có thể thực hành bố thí.

Lại có mười pháp, Bồ-tát nếu có khả năng thanh tịnh đầy đủ thì mới có thể thực hành bố thí.

  1. Bồ-tát thí không hủy báng.
  2. Bồ-tát thí không trái nghịch.
  3. Bồ-tát thí không tỳ vết.
  4. Bồ-tát thí không giận dữ.
  5. Bồ-tát thí không ganh ghét.
  6. Bồ-tát thí không có sân nhuế.
  7. Bồ-tát thí một cách cung kính.
  8. Bồ-tát tự tay thí.
  9. Bồ-tát tùy sự thích ứng với tâm lượng rộng mở.
  10. Bồ-tát đối với chỗ sinh ra thí không mong cầu.

Bồ-tát nếu có khả năng thanh tịnh được mười pháp như vậy thì mới có thể thực hành bố thí.

Lại có mười pháp, nếu Bồ-tát có khả năng thanh tịnh đầy đủ thì mới có thể thực hành bố thí.

  1. Bồ-tát bền vững thí.
  2. Bồ-tát thí không cùng tận.
  3. Bồ-tát thí không phần đoạn.
  4. Bồ-tát thí không vì tin người khác.
  5. Bồ-tát thí không đắm trước tâm hạ liệt.
  6. Bồ-tát hoan hỷ thí chư không mong cầu sắc tướng thọ dụng giàu có.
  7. Bồ-tát thí không phải vì mong cầu Phạm vương, Đế Thích, Hộ thế, chư Thiên…
  8. Bồ-tát thí không mong cầu địa vị Thanh văn, Duyên giác.
  9. Bồ-tát thí không hủy báng trí giả.
  10. Bồ-tát thí những việc làm thiện lợi đều hồi hướng nhất thiết trí.

Bồ-tát nếu có khả năng thanh tịnh được mười pháp như vậy thì mới có thể thực hành bố thí.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Có mười pháp khen ngợi, nếu Bồ-tát thanh tịnh đầy đủ thì mới có thể thực hành bố thí. Pháp khen ngợi này vì là hữu vi xuất ly, cho nên được quả hữu vi. Bồ-tát nên bố thí như vậy thì được mười pháp khen ngợi:

  1. Bố thí thức ăn thì được sống lâu.
  2. Bố thí thức uống thì dứt trừ tất cả phiền não khát ái.
  3. Thí các loại xe cộ thì sẽ được các việc lợi lạc.
  4. Thí y phục đẹp liền khởi lên tàm quý như được lọng vàng.
  5. Thí các loại hương xoa, tràng hoa, liền được trang sức bằng hương giới, văn đẳng trì vi diệu.
  6. Thí hương thơm bột hương thì thân được mềm mại thoảng hương thơm phức.
  7. Thí các loại ngon thì được vị ngon trung thượng và đầy đủ tướng đẹp.
  8. Thí chỗ ở liền được khả năng làm nhà, làm sông, làm nơi cứu giúp, làm chỗ thú hướng cho tất cả chúng sinh.
  9. Thí thuốc thang cho người bệnh liền được không già không chết, đầy đủ cam lồ thơm ngọt.
  10. Thí các đồ cần dùng liền được pháp phần Bồ-đề thù thắng vi diệu, vật dụng đầy đủ.

Đó là mười pháp khen ngợi bố thí, khi Bồ-tát cầu Bồ-đề sẽ được nhiếp thọ tất cả khen ngợi.

Lại có mười pháp khen ngợi, nếu Bồ-tát có khả năng thanh tịnh thì mới có thể hành bố thí:

  1. Nếu bố thí đèn sáng thì được ngũ nhãn thanh tịnh của Như Lai.
  2. Nếu thí tiếng ca hay thì được Thiên nhĩ thanh tịnh.
  3. Nếu thí vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, ma-ni, trân châu và các thứ báu khác thì được ba mươi hai tướng đại trượng phu của Như Lai.
  4. Nếu thí các mon báu quý, các loại hoa đẹp thì được tám mươi vẻ đẹp của Như Lai.
  5. Nếu thí voi, ngựa, xe cộ thì được đông người vây quanh.
  6. Nếu thí vườn rừng đẹp thì được thiền định giải thoát đẳng trì đẳng chí viên mãn đầy đủ.
  7. Nếu thí tiền tài, lúa thóc, kho chứa thì được viên mãn đầy đủ các pháp bảo tạng.
  8. Nếu thí nô tỳ và các người phục dịch thì được tự tại đầy đủ trí tự nhiên viên mãn của Phật.
  9. Nếu thí vợ con quyến thuộc thì được Chánh đẳng Chánh giác viên mãn tối thắng khả ái.
  10. Nếu thí vương vị giàu có làm chủ bốn đại châu, thì được tất cả thiện pháp, thành tựu đầy đủ nhất thiết trí của Bồ-tát.

Nếu Bồ-tát thực hành đầy đủ viên mãn mười pháp khen ngợi này thì khi cầu Bồ-đề sẽ được nhiếp thọ tất cả khen ngợi.

Lại có mười pháp khen ngợi, nếu Bồ-tát có khả năng thanh tịnh thì mới có thể thực hành bố thí.

  1. Nếu thí cái vui của năm dục thì được giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, các uẩn thanh tịnh, cho đến các việc vui chơi thích thú đều được như ý.
  2. Nếu thí hai chân thì được đầy đủ pháp thiện, đến Bồ-đề tràng.
  3. Nếu thí hai tay thì được pháp thủ, thường hay trao truyền cho người khác viên mãn trọn vẹn.
  4. Nếu thí tai thì các căn được đầy đủ không có khiếm khuyết.
  5. Nếu thí mũi cũng được các căn đầy đủ.
  6. Nếu thí các chi phần trên thân thì thân không có các khiếm khuyết thanh tịnh như thân Phật.
  7. Nếu thí mắt thì được Pháp nhãn thanh tịnh.
  8. Nếu thí máu thịt thì được thân mạng chân thật của tất cả chúng sinh, nuôi dưỡng mạng sống bằng sự bố thí chân thật.
  9. Nếu thí tủy thì được thân kim cang kiên cố bất hoại.
  10. Nếu Đại Bồ-tát thí đảnh đầu thì được an trú ba cõi tối thắng vô thượng, hiện chứng viên mãn Nhất thiết trí.

Này Xá-lợi Tử! Nếu Đại Bồ-tát cầu Bồ-đề thì nên bố thí như vậy, các tướng như thế mới có khả năng viên mãn tất cả pháp Phật, nhiếp thọ khen ngợi.

Này Xá-lợi Tử! Bồ-tát trí tuệ dùng tuệ thù thắng thậm thâm, không vui với cái vui vật chất tầm thường thế gian, mà chỉ cần cầu Chánh đẳng Chánh giác, cầu pháp cam lồ, cầu trí đại giác, cầu Niếtbàn vắng lặng, Bồ-tát luôn xả mọi thú vui và các thứ âm nhạc hay ở thế gian, tất cả đều hướng về nương tựa Chánh đẳng Chánh giác.

Này Xá-lợi Tử! Ví như người nông phu cày cấy trồng trọt ở thế gian, mỗi khi muốn cày ruộng, trước hết phải chọn cày cho chắc, thứ đến là lắp ráp các dụng cụ, móc trâu vào đầu cày rồi mới cày ruộng, có lao nhọc mới có vật dụng nuôi dưỡng mạng sống. Người cày cấy trồng trọt kia vì muốn tồn tại mạng sống cũng có thể làm ra vàng, bạc các loại châu báu, cho đến lúa thóc, y phục, các vật. Vì sao? Vì tiền tài không bằng lúa thóc, lúa thóc là chính. Đại Bồ-tát cũng như vậy, nếu y thời y xứ, dùng cái vui vật chất tiền tài ở thế gian mà bố thí, thì có thể nương vào Chánh đẳng Chánh giác.

Này Xá-lợi Tử! Ví như bầy trâu trước ăn cỏ xanh rồi uống nước trong mát. Nước và thức ăn quân bình thì mới có sữa, rồi mới thành tô, sau thành sinh tô, kế nữa thành thục tô, như vậy lần lượt đều được đầy đủ. Đại Bồ-tát cũng như vậy, trước đem cái vui vật chất tiền tài ở thế gian ra bố thí thì phải nương vào Chánh đẳng Chánh giác, tùy theo sự vui thích mong muốn đều được thành tựu; hoặc làm Chuyển luân thánh vương, hoặc thành tựu ba tướng thù thắng là Thập địa Bồtát, mười Lực, bốn Vô sở úy của Như Lai.

Lai nữa, sẽ được thành tựu ngàn sự nghiệp, đạt được mười tám pháp Bất cộng Phật. Lại nữa, được thành tựu ngàn sự nghiệp, đạt được sáu mươi âm thanh vi diệu thanh tịnh của Phật. Lại nữa, được thành tựu trăm sự nghiệp thì được một đại nhân tướng của Như Lai. Lại nữa, nếu thành tựu hai trăm sự nghiệp thì được đảnh tướng Ôsắc-nị-sa thanh tịnh tối thượng của Như Lai. Lại nữa, nếu thành tựu trăm thứ công đức diệu tướng thì có khả năng viên mãn âm thanh đại pháp loa của Như Lai. Lại nữa, nếu thành tựu trăm thứ câu-chi diệu tướng công đức thì được răng bằng khít, trắng tinh vi diệu tối thượng.

Này Xá-lợi Tử! Vì thế nên biết, nghiệp quả báo thù thắng của Như Lai, Bồ-tát đều có thể thành tựu. Nếu có thể phát khởi một niệm Từ tâm, bố thí những gì mong muốn cho những người hành khất, thì đồng với những ai phát tâm hằng hà sa số không khác, như vậy mới có thể thành tựu Tam-ma-địa phất. Nên biết, chư Phật khi xả Tam-mađịa, trong mỗi sợi lông của Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đều có thể hóa hiện hàng trăm Tam-ma-địa hóa hiện tự tại.

Này Xá-lợi Tử! Như Lai đã có tất cả pháp Phật sư nghiệp thần thông tướng thù thắng như vậy, đều là đại hạnh mà Bồ-tát đã tu từ trước. Đem cái vui vật chất tiền tài ở thế gian phụng cúng Như Lai, là vì nhiếp thọ, cần pháp cam lồ, cầu Niết-bàn vắng lặng. Này Xálợi Tử! Vì lý do đó cho nên Đại Bồ-tát đem cái vui vật chất ở thế gian mà hành bố thí thì nên nương tựa quả Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Ta nhớ đời quá khứ trước vào kiếp atăng-kỳ, lại quá vô lượng vo biên kiếp chẳng thể nghĩ bàn, lúc đó có Đức Phật ra đời tên là Phước Sinh Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật ấy sống đến ngàn năm, trong hội Phật có trăm ngàn đại chúng Bí-sô, đều là đại A-la-hán, đã hết các lậu, không còn phiền não, tâm được tự tại, đến bờ giác ngộ. Lúc đó có một người đánh sợi, sắc tướng đoan nghiêm, ai nấy đều thích ngắm nhìn. Chỗ người ấy ở cách chỗ du hóa của Đức Thế Tôn không xa. Người ấy khi làm xong công việc của mình rồi, liền đến chỗ của Đức Thế Tôn Phước Sinh Như Lai, đến rồi, phát tâm thanh tịnh dâng cúng Thế Tôn một sợi chỉ, thưa rằng: “Nay con dâng cúng Thế Tôn một sợi chỉ này, cúi xin Đức Thế Tôn thương xót con mà thọ nhận, con nguyện đem thiện căn này đến đời vị lai được các nhiếp pháp.”

Lúc đó Đức Thế Tôn liền tiếp nhận. Người đánh sợi này từ đó về sau cho đến khi thành Phật, như vậy lần lượt đã cúng dường năm trăm sợi chỉ cho Thế Tôn, nhờ đó mà trong mười làm kiếp không đọa đường ác. Lại nữa, nhờ thiện căn này mà trong ngàn câu-chi kiếp được làm Chuyển luân thánh vương. Lại nhờ thiện căn này mà trong ngàn câu-chi kiếp, người ấy được làm Thiên chủ Đế Thích. Lại nhờ thiện căn này mà thân được mềm mại, tướng rất thương yêu. Người nay sớm tu hành sự nghiệp tối thắng, thân cận cúng dường ngàn câuchi Đức Phật, tôn trọng cung kính, cúng dường hương hoa, đèn, đuốc, đồ ăn thức uống, y phục, tràng phan, bảo cái, thuốc thang và các vật dụng khác. Cúng dường rồi, về sau lại quá a-tăng-kỳ kiếp sẽ chứng quả Chánh đẳng Chánh giác hiệu là Thiện Nhiếp Thọ Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư,

Phật Thế Tôn. Đức Phật ấy sống đến hai mươi câu-chi tuổi, trong hội Phật có hai mươi câu-chi na-do-tha chúng đại Bí-sô, đều là đại A-lahán, đã hết các lậu, không còn phiền não, tâm được tự tại, đến bờ giác ngo; có năm câu-chi chúng Đại Bồ-tát đều an trụ Chánh đẳng Chánh giác tuyên nói chánh pháp, hóa độ vô lượng chúng sinh, làm lợi lạc rồi nhập đại Niết-bàn. Sau khi Đức Thế Tôn ấy nhập Niếtbàn, chánh pháp trụ thế trọn một ngàn năm, rộng làm Phật sự, như ta hiện nay sẽ nhập Niết-bàn không khác.

Này Xá-lợi Tử! Ngươi thấy người dệt sợi phát tâm thanh tịnh như vậy, dùng một sợi chỉ dâng cúng Như Lai, như vậy lần lượt thành tựu pháp Phật, đều là do tâm thanh tịnh rộng lớn.

Này Xá-lợi Tử! Vì thế nên biết, nếu tâm không rộng lớn, lại không siêng năng thì không được quả báo thù thắng. Nếu tâm thanh tịnh đem cái vui vật chất ở thế gian, tùy theo khả năng dù cúng ít, nhưng lại được tất cả quả vui đáng quý.

Lại nữa, Bồ-tát trí tuệ đem trí lực tăng thượng làm nhiều việc lợi ích thù thắng. Vì sao? Vì lực rộng lớn sức hồi hướng vô lượng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Bố thí không cầu nơi sắc tướng
Không cầu thọ dụng hay giàu có
Chỉ cầu Vô thượng Phật Bồ-đề
Dù là thí ít được lợi lớn
Không cầu danh tiếng và tiếng khen
Cái vui thế gian cũng không cầu
Dứt luôn hy vọng về sinh diệt
Cầu Phật đại quả không gì khác
Ăn uống y phục và vật dụng
Đối nhất thiết xứ không mong cầu
Phát tâm thí như đầu sợi lông
Cầu cửa cam lồ luôn mở rộng
Phát tâm bố thí không cao thấp
Cũng không quanh co hay xan lận
Trừ khử tất cả mọi biếng nhác
Mạnh mẽ làm lợi khắp thế gian
Hoặc tiền hoặc thóc nuôi thân mạng
Và mọi thứ khác đều bố thí
Thí rồi sinh niềm vui phấn khởi.
Bồ-đề giải thoát rất dễ được
Cha, mẹ, con, cùng người yêu nhất
Nhưng ai đến xin đều ban cho
Ai thí cũng không tâm ganh ghét
Nhờ tu hạnh Bồ-đề tối thượng
Những gì thấy được không giận dữ
Bạn ác, bạn thiện xem như nhau
An ủi những ai hay sợ hãi
Không chấp trước vào các sự pháp
Không cầu vương vị sinh pháp dục
Tuyên nói chánh pháp môn xuất ly
Pháp thí phổ cập các chúng sinh
Lợi ích thế gian thường không xả
Không cầu vui thích ở chư Thiên
Chỉ cầu Vô thượng Phật Bồ-đề
Bố thí không mong danh tiếng lớn
Xả bỏ thân mạng và các pháp
Nhưng mà không xả Phật Bồ-đề

Không phải cầu nhãn thức sắc tướng Cũng lại không cầu sinh chư Thiên Chỉ cầu Niết-bàn vui tối thượng Không chấp vào những gì mình thí.

Hoặc thành hoặc hoại đều không cầu Người trí thường sinh tâm chánh trí Hiểu rõ tất cả pháp chánh đạo.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Vì thế nên biết, các Đại Bồ-tát siêng năng thực hành tu tập Bố thí ba-la-mật-đa như vậy chính là tu hạnh thù thắng của Bồ-tát.