KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI TẬP
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Đàm-vô-sấm, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 6: BỒ-TÁT VÔ NGÔN

(Quyển 12)

Lúc Đức Phật và đại chúng ở cõi báu đó, tại nhà của Tướng quân Sư Tử trong thành Vương xá sinh một người con. Khi đứa bé chào đời, chư Thiên nơi hư không đều nói:

–Đồng tử! Nên niệm pháp, tư duy về pháp, không nên nói chuyện thế gian, thường giảng pháp xuất thế, nên giữ gìn thận trọng trong ngôn ngữ, không nên giác quán việc đời, cần nương nơi nghĩa lý, chớ chấp vào văn tự.

Nghe lời đó, đứa bé không khóc như các em bé bình thường, suốt bảy ngày đứa bé luôn vui vẻ, ai thấy cũng thích ngắm.

Bấy giờ, có kẻ nói với cha mẹ:

–Đứa trẻ này chẳng lành, không nên nuôi. Vì sao? Vì không nói.

Cha mẹ đứa trẻ đáp:

–Đứa trẻ tuy không nói nhưng đủ các căn, nên đứa trẻ này có đủ phước đức, không phải là kẻ chẳng lành, ít phước.

Do đó, đứa bé được đặt tên là Vô Ngôn. Thời gian trôi qua, đứa bé lớn dần như một đứa trẻ tám tuổi, đi đến đâu mọi người đều thích ngắm. Bất cứ nơi nào có thuyết giảng, đứa bé đều đến nghe, không nói lời nào. Lúc đó, nhờ thần lực Phật, Đồng tử Vô Ngôn cùng cha mẹ, thân tộc đi đến cõi báu. Tới nơi gặp Phật, vui mừng kính lễ, đi quanh bên phải ba vòng, chắp tay đứng qua một bên. Bồ-tát đến từ mười phương đều vui mừng. Khi ấy, Tôn giả Xá-lợiphất bạch Phật:

–Thế Tôn! Con của Tướng quân Sư Tử đủ các căn nhưng lại không nói. Đó là do nghiệp ác gì?

Phật nói:

–Xá-lợi-phất! Ông không nên nói lời xem thường đồng tử. Vì sao? Vì đó là Đại Bồ-tát, đã từng trồng căn lành nơi vô số Phật khắp mười phương, không thoái đạo Bồ-đề. Lúc đứa bé chào đời, các chư Thiên đến khuyên răn:

–Lành thay! Đồng tử! Nên niệm chánh pháp, tư duy chánh pháp không nên nói chuyện thế gian, nên nói pháp xuất thế, thận trọng trong nói năng, không giác quán việc đời, nương nơi nghĩa lý, không chấp vào văn tự.

Xá-lợi-phất! Nghe lời chư Thiên, đứa bé không nói, im lặng tư duy đạt bốn Thiền.

Xá-lợi-phất! Bồ-tát Vô Ngôn hiện thân đó tức có thể điều phục độ thoát vô số chúng sinh. Vì vậy im lặng không nói năng.

Xá-lợi-phất! Kinh Đại Tập mà Như Lai đang giảng, Bồ-tát Vô Ngôn này có thể đem lại lợi ích cho vô số chúng sinh.

Lúc đó, Bồ-tát Vô Ngôn dùng sức thệ nguyện và sức thần thông khiến cho các chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bàn, A-tula, Ca-lâu-na, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ đều thấy hoa sen to bằng bánh xe trong bàn tay phải của mình. Hoa ấy tươi đẹp, ai cũng thích nhìn. Trên mỗi cánh hoa đều có một Bồ-tát an tọa, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Hiện thần thông xong, Bồ-tát Vô Ngôn cúi đầu, chắp tay thưa:

–Nam-mô Phật-đà, Nam-mô Phật-đà.

Tất cả các Bồ-tát ở trên cánh sen đều thưa:

–Nam-mô Phật-đà, Nam-mô Phật-đà.

Khi lời này phát ra, tam thiên đại thiên cõi nước đều chấn động sáu cách. Chư Thiên trong hư không rải hoa thơm, trổi nhạc cúng dường Phật. Với thần lực Phật và nguyện lực của mình, Bồ-tát Vô Ngôn cùng Bồ-tát kia bay len hư không cao bảy cây Đa-la, hướng về Phật nói kệ:

Như Lai không sắc thị hiện sắc
Mà không tham đắm trong các sắc
Chúng sinh an nhập pháp của Phật
Làm sao biết được sắc chân thật.
Trong tụ phi sắc có Như Lai
Cũng không lìa sắc mà có Phật
Như Lai đã lìa chấp các sắc
Thương xót chúng sinh nên hiện sắc.
Thế Tôn vì thương các chúng sinh
Dùng các tướng tốt trang nghiêm sắc
Thật không sắc tướng, vì chúng dạy
Vì thế Như Lai khó nghĩ bàn.
Chánh pháp Như Lai không văn tự
Đã không văn tự nào có tiếng
Không có văn tự không giảng nói
Thâm diệu tịch tĩnh không giác quán.
Như Phật trước ở cội Bồ-đề
Các pháp tỏ biết cũng như vậy
Pháp đó không chư không âm thanh
Không có tạo tác, không thuyết giảng.
Tất cả các pháp không hình tướng
Xa lìa tất cả mọi hình tướng
Hết thảy các pháp đã không tướng
Làm sao Như Lai giảng thuyết pháp.
Như Lai trọn vẹn đại Từ bi
Vì thế thương yêu làm lợi ích
Pháp không thể nói nhưng lại nói
Rõ biết đích thực không thể nói.
Như Lai thật biết không thể nói
Cũng biết âm thanh tánh vắng lặng
Biết rõ chân thật tất cả nghĩa
Vì thế Phật là Đấng Chân Giác.
Các pháp nêu dạy là Thế đế
Như Lai thật sự biết rõ đó
Thế đế không sinh không có tánh
Không thể tạo tác, không thời gian.
Chân thật không có sắc tướng, tướng
Vì thương thị hiện các loại sắc
Biết pháp khong pháp, Đấng Vô Thượng
Vì mọi chúng sinh nên giảng thuyết.
Lúc mới chào đời nghe trời dạy
Vì thế im lặng không nói năng
Chuyên tâm niệm pháp, tư duy pháp
Do vậy không thấy sắc và thanh.
Những ai thâm nhập pháp giới mầu
Sẽ không còn thấy sắc và thanh
Đoạn trừ tất cả nghiệp của tâm
Là xa lìa được mọi khẩu nghiệp
Không lời để nói là lời ấy
Tuy có nói năng chẳng có lời
Lời cũng không tạo cũng không nói
Ngôn ngữ bản tánh vốn tịch tĩnh.
Ta nay chuyên tâm niệm Bồ-đề
Chí tâm tu tập đạo Chánh giác
Nay ta giảng nói lời vô thượng
Nhất định thành tựu đạo chân thật.
Tâm không thủ đắc đạo Bo-đề
Khẩu và nghiệp khẩu không thủ đắc
Bồ-đề vô thượng chính là không
Bản tánh xưa nay luôn vắng lặng.
Như tánh Bồ-đề tiếng cũng thế
Không thấy không chấp tánh các pháp
Tiếng nói của ta không thể hay
Bồ-đề cầu hoc cũng như vậy.
Vì pháp Bồ-đề nên tu tập
Hạnh tu cũng chẳng có nơi hành
Hạnh tu đã không nơi tạo tác
Vì thế Bồ-tát xứ, phi xứ.
Sáu pháp Ba-la-mật như Bồ-đề
Tất cả pháp lành cũng như thế
Hết thảy ngôn ngữ không ngôn ngữ
Không có ngôn ngữ lại diễn thuyết.
Người ban tiếng nói thật vi diệu
Người thí và cả vật được thí
Tất cả đều là đạo Bồ-đề
Hết thảy đều không thể phân biệt.
Nếu có thể nói về bố thí
Thể tánh Bồ-đề cũng nói được
Thể tánh Bồ-đề tựa hư không
Tất cả âm thanh cũng như vậy.
Người nào thông đạt biết chân thật
Nhờ thế diễn nói tất cả pháp
Biết rõ âm thanh không nơi chốn
Đó là thật tướng của Bồ-đề.
Trừ bỏ mọi nghiệp thân, khẩu, ý
Hết thảy phiền não cũng như thế
Đó là tất cả Ba-la-mật
Thật tánh các pháp Như Lai dạy.
Bố thí không ở trong Bồ-đề
Bồ-đề cũng không trong bố thí
Hai pháp như thế là âm thanh
Không có nơi dừng, không nơi đến.
Người nào thật biết các pháp đó
Đích thị Bồ-tát đại tự tại
Ban cho tất cả không kiêu mạn
Là đại thí chủ không ai hơn.
Hộ trì giới cấm là âm thanh
Không có hình sắc không nơi đến
Các pháp xưa nay không sinh diệt
Đó là giữ giới không ai hơn.
Giới cấm như thế không tạo tác
Không có các nghiệp thân, khẩu, ý
Đã không sinh diệt không tạo tác
Làm sao nói là các giới cấm.
Vì để truyền bá nên thuyết giảng
Tạm gọi tên là các giới cấm
Như các giới cấm, tiếng cũng vậy
Hai pháp tịch tĩnh không lậu hoặc.
Vì thương giảng dạy các giới cấm
Lại nói vô số pháp trang nghiêm
Âm thanh vốn không tướng trang nghiêm
Chân thật rõ biết không sở hữu.
Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp
Hồi hướng giới này về Bồ-đề
Giới cấm âm thanh và Bồ-đề
Tất cả các pháp tựa hư không.
Nếu ai tỏ biết được như thế
Là thực hành giới và hành xứ
Sẽ được thành tựu giới giải thoát
Nơi đó sâu xa khó thấy biết.
Âm thanh giảng nhẫn tức là không
Tánh không không xứ không tạo tác
Nhẫn nhục và không hai pháp này
Không hề sai khác tựa hư không.
Âm thanh nhẫn nhục không do sắc
Không thể nhìn thấy không nơi chốn
Người nào tu tập tâm bình đẳng
Đó là tướng thật của nhẫn nhục.
Nhẫn nhục tuy diệt từng tâm niệm
Nhưng luôn cùng hành với sắc thân
Tất cả văn tự đều vô lậu
Chúng sinh tạm đặt là nhẫn nhục.
Người nào điều phục thân, khẩu, ý
Đó là nhẫn nhục không ai hơn
Người nào thành tựu hạnh nhẫn nhục
Cũng là đạt nhẫn không ai hơn.
Chúng sinh đập nát thân này ra
Từng đốt từng khúc như cây vừng
Quán thân tựa như cây cỏ khô
Đó là hạnh nhẫn của thân nghiệp.
Khi bị mắng nhiếc rất thậm tệ
Tâm không lay động an trụ pháp
Quán sát âm thanh tựa hư không
Đó là hạnh nhẫn của khẩu nghiệp.
Thông đạt tất cả nhân phiền não
Đoạn trừ hết thảy mọi phiền não
Đó là hạnh nhẫn của ý nghiệp
Không bị ô nhiễm nơi phiền não.
Nhẫn nhục tức là tánh Bồ-đề
Nghiệp thân, khẩu, ý cũng như vậy
Hồi hướng tất cả về Bồ-đề
Sẽ đạt Bồ-đề pháp tối thượng.
Chúng sinh tu tập hạnh tinh tấn
Bậc thượng, trung, hạ và thô tế
Trải vô số kiếp luôn tu tập
Không chổ thủ đắc không rốt ráo.
Đã không chứng đạt pháp tinh tấn
Bồ-đề làm sao có thể đạt
Nếu không thành tựu tất cả pháp
Đó là tinh tấn không gì hơn.
Người nào thực hành pháp tinh tấn
Không tăng không giảm tựa hư không
Người đó chính là Đại Bồ-tát
Thực hành tinh tấn không lo sợ.
Tất cả pháp thiền không tu tập
Không có tạo tác, không nơi đến
Tư duy tất cả các pháp đó
Thành tựu pháp thiền Ba-la-mật.
Trừ bỏ hết thảy sắc xấu ác
Nghiệp ác thân khẩu cũng như thế
Tiêu trừ tất cả mọi phiền não
Đó là thật thiền Ba-la-mật.
Quán sát thật tánh của tâm mình
Không thấy có trong tất cả pháp
Không phân biệt tâm, trừ diệt tâm
Đó là thật thiền Ba-la-mật.
Quán sát tâm mình và Bồ-đề
Đó là thật thấy không gì hơn
Người nào thành tựu thấy chân thật
Dễ dàng chứng đạt pháp Bồ-đề.
Hiểu biết chân thật không văn tự
Tất cả các pháp không sinh diệt
Người nào quán sát thật biết thế
Được gọi là bậc Đại trí tuệ.
Tuy là thuyết giảng bằng trí tuệ
Trí tuệ không ở trong tiếng nói
Biết rõ trong tiếng không có tiếng
Đó là thật tánh của trí tuệ.
Các pháp không trụ ở kia đây
Ở giữa cũng không nơi dừng trụ
Tánh tất cả pháp không nơi trụ
Đó là trí tuệ thật tối thượng.
Không có văn tự không nơi hành
Không có tướng mạo không có tánh
Cũng không hai tướng lấy và bỏ
Đó là trí tuệ thật tối thượng.
Quán sát tất cả Ba-la-mật
Tánh vốn bình đẳng tựa hư không
Đó được gọi là không bình đẳng
Quán sát mọi pháp đều bình đẳng.
Tất cả các pháp đã bình đẳng
Hết thảy chúng sinh cũng như thế
Bình đẳng quán sát chư Như Lai
Trí tuệ đạt được không bình đẳng.
Các vị Bồ-tát bậc đủ trí
Quán sát tất cả các pháp ấy
Chứng đạt quả Bồ-đề vô thượng
Là pháp chư Phật đã thành tựu.

Lúc Bồ-tát Vô Ngôn nói có kệ này một vạn hai ngàn na-do-tha chúng sinh phát tâm Bồ-đề vô thượng, sáu vạn Bồ-tát đạt Nhẫn vô sinh. Các Bồ-tát ngồi trên cánh sen đều rời chỗ ngồi, cúi lạy Phật, cung kính cúng dường hoa sen đẹp lên Bồ-tát Vô Ngôn, đều nói:

–Chúng tôi biết ân nên đền ân.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

–Thế Tôn! Vì sao các Bồ-tát nói như vậy.

Phật nói:

–Xá-lợi-phất! Các Bồ-tát đó đều nhờ Bồ-tát Vô Ngôn mà phát tâm Bồ-đề. Giờ lại nhờ Bồ-tát Vô Ngôn mà nghe kinh Đại Tập này và được gặp, cúng dường ta.

Khi đó, Bồ-tát Vô Ngôn thưa Phật:

–Thế Tôn! Con có nghi vấn xin Như Lai cho phép.

Phật nói:

–Thiện nam! Hãy thưa hỏi, Như Lai sẽ giảng nói.

Tôn giả Xá-lợi-phất liền thưa Bồ-tát Vô Ngôn:

–Nhân giả! Đã không ngôn ngữ làm sao có nghi vấn?

–Đại đức! Tất cả các pháp đều không ngôn thuyết, không văn tự. Vì sao? Vì tánh của hết thảy mọi loài là không ngôn ngữ. Vì giác quán nên có nói năng. Nếu không giác quán thì không nói năng, không văn tự.

Đại đức! Trong giác quán không chữ không tiếng. Ngoài giác quán cũng không chữ khong tiếng. Thể của giác quán không phải là giác quán. Tôi nêu văn tự cũng không giác quán. Từ giác quán tôi có công đức lớn. Quán sát pháp sâu xa ấy là mười hai nhân duyên. Đã do duyên sinh tức là vắng lặng, không tướng định. Như thế là thật biết tánh pháp.

Đại đức! Các pháp đều do nhân duyên hòa hợp. Song trong sự hòa hợp không có tạo tác, sinh, xuất. Vì thế các pháp không có âm thanh, chủ, tâm, giác quán, không giác quán. Vì sao? Vì nhân duyên điên đảo nên có xuất diệt. Vì thế nếu có hỏi, có nghe, có giải thoát thì không hợp, không tan, một tướng, không tướng.

Đại đức! Hỏi là đại Bi. Tôi có đại Bi nên hỏi Phật. Đó là hỏi bằng Bi không phai hỏi bằng lời. Hỏi bằng lời thuộc Thanh văn. Vì chấp âm thanh nên gọi là Thanh văn. Tâm Bi của Bồ-tát rộng lớn nên không hỏi bằng lời.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

–Thiện nam! Tánh của các pháp không có tướng định, tánh của chúng sinh cũng thế. Đã không tướng định, Bồ-tát tu Bi vì ai?

–Đại đức! Nếu chúng sinh có tánh cố định thì Bồ-tát không tu Bi. Tất cả chúng sinh thật không có chúng sinh. Vì điên đảo nên nghĩ là chúng sinh. Vì thế Bồ-tát tu Bi vì trừ điên đảo nên giảng vô ngã. Đại đức! Đại Bồ-tát không vì đoạn sinh tử thuyết chánh pháp, không vì trừ ngã, chúng sinh, thọ mạng, sĩ phu mà tu Bi, thuyết giảng chánh pháp. Vì thật biết pháp giới sâu xa nên thuyết giảng chánh pháp.

Pháp giới chân thật là Không, Vô tướng, Vô nguyện.

Tôn giả Xá-lợi-phất khen:

–Hay thay, hay thay! Thiện nam! Tôi cũng thật biết như thế, hỏi là để thử trí ông thôi, để tăng trưởng pháp Phật, tạo lợi ích cho chúng sinh.

Lúc đó, Bồ-tát Vô Ngôn thưa Phật:

–Thế Tôn! Trong kinh dạy có hai nhân duyên (nghe tiếng và khéo tư duy) sinh khởi chánh kiến. Xin Phật thương xót giảng rộng cho các Bồ-tát.

Phật nói:

–Thiện nam! Hãy lắng nghe Như Lai sẽ phân tích rõ. Thiện nam! Vì tâm Bồ-đề mà nghe pháp là Thanh văn. Chuyên tâm niệm nhớ tâm Bồ-đề là khéo tư duy. Quán tâm Bồ-đề là chánh kiến.

Lại nữa, thiện nam! Vì đạo Bồ-đề nghe pháp là nghe tiếng. Không xa lìa đạo là khéo tư duy, an trụ đúng pháp là chánh kiến. Vì điều phục tâm mà nghe pháp là nghe thấy; trừ tâm ác là khéo tư duy; đạt tâm lành là chánh kiến. Vì trang nghiêm pháp lành mà nghe pháp là nghe tiếng; tu tập trang nghiêm là khéo tư duy; nguyện hướng Bồ-đề là chánh kiến. Nghe pháp lành là nghe tiếng, tăng trưởng pháp lành là khéo tư duy, nguyện hướng Bồ-đề là chánh kiến. Nghe bố thí là nghe tiếng; bố thí tất cả là khéo tư duy; không cầu quả báo là chánh kiến. Nghe giới là nghe tiếng; chuyên tâm giữ giới là khéo tư duy; nguyện hồi hướng Bồ-đề là chánh kiến. Nghe pháp nhẫn là nghe tiếng; không báo thù là khéo tư duy; nguyện hướng Bồđề là chánh kiến. Nghe pháp tinh tấn là nghe tiếng; trừ lười biếng là khéo tư duy; nguyện hồi hướng Bồ-đề là chánh kiến. Nghe pháp Tam-muội là nghe tiếng; làm thanh tịnh thân tâm là khéo tư duy, nguyện hướng Bồ-đề là chánh kiến. Nghe trí tuệ là nghe tiếng; quán sát dúng là khéo tư duy, nguyện hướng Bồ-đề là chánh kiến. Nghe bốn Nhiếp pháp là nghe tiếng; bảo vệ chúng sinh là khéo tư duy, biết pháp đó không lấy, không làm, rỗng lặng, không sở hữu là chánh kiến. Nghe pháp năm thông là nghe tiếng; thân tâm nhẹ nhàng là khéo tư duy, nguyện hướng Bồ-đề là chánh kiến. Nghe bốn vô ngại là nghe tiếng; tu tập vô ngại là khéo tư duy, nguyện hướng Bồ-đề là chánh kiến. Nghe bốn pháp y là nghe tiếng; siêng năng tu tập là khéo tư duy, nguyện hướng Bồ-đề là chánh kiến. Nghe ba mươi bảy phẩm Trợ đạo là nghe tiếng; diễn giảng bốn Niệm là bốn pháp Niệm xứ, nói về xả lìa là bon Chánh cần, nói về định tụ là bốn Như ý, nói về Vô sở úy là các căn, nói về không thể hoại là các lực, trừ phiền não là bảy Giác phần, thật biết pháp là tám Chánh đạo, đó là khéo tư duy, không chấp thường đoạn, nguyện hướng Bồ-đề là chánh kiến. Nghe pháp bốn Đế là nghe tiếng; biết Khổ, trừ Tập, chứng Diệt, tu Đạo là khéo tư duy, thấy các pháp sinh diệt là chánh kiến. Nghe ba Giải thoát là nghe tiếng; tin Tam-muội không, không sợ tướng không, không nghi vô nguyện là khéo tư duy, nguyện hướng Bồ-đề là chánh kiến. Tu Tam-muội không, điều phục tâm, thấy rõ; tu tập vô tướng trừ giác quán; tu tập vô nguyện nguyện vào các cõi là chánh kiến. Nghe pháp phát tâm là nghe tiếng; tu đạo Bồ-đề là khéo tư duy, tâm không thoái chuyển là chánh kiến. Gặp Thiện tri thức là nghe tiếng; cúng dường gần gũi là khéo tư duy; nghe lời dạy là chánh kiến. Nghe pháp giới là nghe tiếng, quán pháp giới là khéo tư duy, an trụ đúng pháp là chánh kiến. Gặp Phật là nghe tiếng; niệm Bồ-tát là khéo tư duy; đạt đạo cứu cánh là chánh kiến. Nghe tám vạn bốn ngàn pháp là nghe tiếng; quán hành xứ của chúng sinh là khéo tư duy; điều phục tám vạn bốn ngàn căn là chánh kiến.

Thiện nam! Từ duyên sinh pháp lành là nghe tiếng; không bỏ nhân duyên thiện là khéo tư duy; nguyện hồi hướng Bồ-đề là chánh kiến.

Thiện nam! Hai pháp đó không sai khác là khéo tư duy và chánh kiến. Vì sao? Vì tất cả các pháp bình đẳng không hai là khéo tư duy; quán sát bình đẳng là chánh kiến. Không tăng không giảm là chánh kiến. Không lấy bỏ, không làm và người làm, không giác quán, không niệm nơi nhận, không tạo tác, không suy nghĩ; không một, hai là chánh kiến. Một môn, một vị, một thừa, một hạnh không phiền não, kiêu mạn, không: Nghe, nói, sạch, nhơ, tánh pháp giới không thể phân biệt, như như bất động, ba đời bình đẳng, không ngã, sở hữu ngã, không chúng sinh, thọ mạng, sĩ phu, không âm thanh văn tự, không thể nói, không hay biết, trong các pháp đủ tâm biết đủ, trừ các tướng, không vui buồn, giác quán, không nhà cửa, không Phật, không tướng Phật. Nhập định quán pháp giới sâu xa đó là khéo tư duy; xuất định dạy cho chúng sinh biết rõ là chánh kiến.

Lúc nêu giảng pháp này có mười ngàn Bồ-tát đạt chánh kiến.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất thưa Bồ-tát Vô Ngôn:

–Thiện nam! Nghe pháp ở đâu mà đạt chánh kiến?

Bồ-tát Vô Ngôn Đáp:

–Đại đức! Tôi nghe pháp ở vị đạt tâm Bồ-đề không thấy quá khứ, vị lai, hiện tại nên đạt chánh kiến. Quán ba đời như các pháp đều bình đẳng, không giác quán các pháp, tâm không trụ hữu vi, vô vi, không thấy tướng chúng sinh, tu khổ hạnh vì chúng sinh, trừ hai tướng: chúng sinh và tâm, trừ hai chấp, biết tánh của pháp không có không, hiểu rõ pháp sâu xa của Phật, không tự cao cho mình là người biết.

Đại đức! Tôi nghe pháp ở người đó người đó, không giảng một chữ nhưng tất cả đều thích nghe, biết pháp thật không thể nói, vì chúng sinh nên giảng, vào đời nhưng không nhiễm tu hành rốt ráo nhưng không ai biết có tu hay không tu, an trụ nơi tánh pháp và tánh chúng sinh, không phân biệt, quán tánh chúng sinh, pháp là không đều bình đẳng. Tôi nghe pháp từ người đó. Người đó không ngồi nơi cội Bồ-đề, không đi, đứng, nằm, ngồi, không ngủ thức nhưng đạt Bồđề, không đạt mà đạt nên không có tướng đạt.

Đại đức! Chánh pháp không có ánh sáng. Không có ánh sáng nên không có nơi chốn. Không có nơi chốn nên không thân. Không thân là không sợ. Không sợ là không xuất. Không xuất là không sinh. Không sinh là không diệt. Không diệt là không chấp. Không chấp nên không động. Không động nên không biến đổi, không biến đổi nên không tối tăm. Không tối tăm nên không giác quán. Không giác quán nên không có đời. Khong đời là không vật chứa. Không vật chứa là không tham. Không tham là tánh tịnh, tánh tịnh nên không hợp phiền não. Không hợp phiền não là không điên đảo, cứ thế suy dần, không điên đảo là bình đẳng, chân thật, không sinh diệt, do nhân duyên, không đến đi, không cảnh giới, không cú nghĩa, không hư dối, không nghe, không làm, không trụ, không văn tự, không tướng, vượt qua tâm ý thức, tịch tĩnh, không nóng, không sân, rốt ráo, hông có, Niết-bàn. Đó là pháp.

Đại đức! Chánh kiến: Không thấy thân, thân hành, bệnh hành, không thấy nơi thấy, không sinh tham chấp, không giác, không quán. Đó là chánh kiến nơi chánh kiến của pháp Phật. Lại nữa, Đại đức! Quán vô minh, ái, giải thoát không sai khác là chánh kiến. Không chấp thủ là chánh kiến.

Đại đức! Quán tham, sân, si và Không, Vô tướng, Vô nguyện bình đẳng không hai, không thấy nơi tướng, thấy tướng của không tướng là chanh kiến. Không quán một, hai, tất cả pháp là Thánh, chánh kiến.

Đại đức! Quán ta và chúng sinh bình đẳng, chúng sinh bình đẳng nên Như Lai bình đẳng, Như Lai bình đẳng nên pháp Phật bình đẳng. Pháp Phật bình đẳng nên Thánh chúng bình đẳng. Thánh chúng bình đẳng nên tâm đại Từ bình đẳng. Tâm đại Từ bình đẳng nên hư không bình đẳng. Do chẳng trụ nơi trụ. Đó là Thánh chánh kiến.

Đại đức! Như tất cả pháp, âm thanh cũng vậy. Đó là Thánh chánh kiến.

Đại đức! Thánh chánh kiến: Không sinh xuất, đã không sinh xuất nên biết nghe pháp từ ai.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

–Như tôi biết ý của Hiền giả thì tất cả pháp là không thể nói năng?

–Đại đức! Đúng thế, đúng thế! Tất cả các pháp là không ngôn ngữ.

–Thiện nam! Nếu nói Như Lai thành tựu công đức thì chịu tội gì?

–Đại đức! Nếu nói như vậy, nên biết người ấy có lỗi lầm lớn. Vì sao? Vì công đức của Như Lai là không quyết định. Vì sao? Vì không phước không tội là Như Lai. Nếu thấy công đức Như Lai là thấy dục. Dục hữu là dục lớn, là lỗi lầm.

–Thiện nam! Thế nào là không tội lỗi?

–Đại đức! Như đại thứ năm, tình thứ bảy, giới thứ mười chín, không xuất nhập, sinh diệt, không tạo tác, không tâm ý thức là không lỗi lầm. Nếu có thấy biết, xa lìa tu chứng là tội lỗi, thấy các cõi là tội lỗi. Không thấy các cõi là không tội lỗi.

Khi ấy, Phật khen ngợi Bồ-tat Vô Ngôn:

–Hay thay, hay thay! Thiện nam! Lời ông nói là khéo giảng nói.

Lúc nêu giảng pháp này có một vạn hai ngàn Bồ-tát đạt pháp Nhẫn vô sinh. Bồ-tát Vô Ngôn thưa Phật:

–Thế Tôn! Phật dạy Bồ-tát có bốn lực: Tín, tấn, niệm, tuệ. Xin Phật giảng rõ.

Phật nói:

–Thiện nam! Hãy lắng nghe, Như Lai sẽ giảng.

Thiện nam! Bồ-tát thuận tin, hiểu rõ, không nghi chánh pháp là tín lực, siêng năng dốc cầu pháp Phật, không nghi ngờ là tấn lưc. Bồtát cầu đạt pháp lành không mất tâm Bồ-đề, hồi hướng căn lành lên Bồ-đề là niệm lực. Bồ-tát tự tư duy, không nghe lời kẻ khác, hiểu rõ tánh pháp là tuệ lực.

Thiện nam! Tin tưởng gần gũi Thánh nhân là tín lực. Cúng dường Thánh nhân là tấn lực. Chuyên tâm nghe học là niệm lực. An trụ đúng pháp là tuệ lực.

Thiện nam! Tin nghiệp quả là tín lực; không làm ác là tấn lực; nghiệp lành quá khứ tăng trưởng trong hiện tại là niệm lực; biết các pháp có nhân quả là tuệ lực.

Thiện nam! Tin pháp không thể nói là tín lực; điều phục tâm là tấn lực; chuyên tâm là niệm lực; quán pháp như huyễn là tuệ lực.

Thiện nam! Thấy pháp không là tín lực; đoạn tà chấp là tấn lực; quán trong ngoài tịch tĩnh không mà không sợ là niệm lực; quán biết Đệ nhất nghĩa không là tuệ lực.

Thiện nam! Quán vô tướng vô nguyện là tín lực; diễn giảng cho người là tấn lực; chuyên tâm quán sát là niệm lực; biết pháp không thể giảng thuyết là tuệ lực.

Thiện nam! Bố thí tất cả không cầu quả báo là tín lực; luôn bố thí không tiếc là tấn lực; lúc bố thí chuyên tâm niệm Bồ-đề, nguyện hồi hướng là niệm lực; không quán vật cho, người cho, quả báo là tuệ lực.

Thiện nam! Giữ gìn tịnh giới không cầu quả báo là tín lực; không phiền não không hay giới cấm là tấn lực; chuyên tâm giữ giới, hồi hướng Bồ-đề là niệm lực; quán thân, khẩu, ý như trăng dưới nước, là sóng nắng, là tiếng vang là Tuệ lực.

Thiện nam! Hành pháp nhẫn nhục không cầu quả báo là tín lực; nhẫn nhục dù bị đánh mắng là tấn lực; nhờ nhẫn nhục tu tập Từ bi, không buông lung, nguyện hồi hướng Bồ-đề là niệm lực; quán thân, khẩu, ý đều không có gì để nhẫn là tuệ lực.

Thiện nam! Biết nhờ tinh tấn mà đạt Bồ-đề vô thượng, không phải do lười biếng là tín lực; điều phục tất cả chúng sinh, hộ trì, thọ học chánh pháp, cung cấp cho tất cả chúng sinh làm thanh tịnh cõi Phật là tấn lực; giúp chúng sinh bỏ lười biếng, siêng tu, nguyện hồi hướng Bồ-đề là niệm lực. Siêng năng tu tập không thêm không bớt là tuệ lực.

Thiện nam! Thích tịch tĩnh, không nói chuyện thế gian là tín lực; an trụ tịch tĩnh, đạt bốn Thiền và tám Giải thoát là tấn lực; không thoái chuyển thiền định là niệm lực; quán thiền định là vô thường, khổ, vô ngã là tuệ lực.

Thiện nam! Nghe và tin tưởng không nghi ngờ ba mươi bảy phẩm Trợ đạo là tín lực; giảng dạy cho chúng sinh là tấn lực; khéo suy xét là niệm lực; an trụ đúng pháp là tuệ lực.

Thiện nam! Tu tập tâm Từ vì chúng sinh là tín lực; thương yêu chúng sinh giúp chúng thoát khổ là tấn lực; quán xong pháp, tâm vui mừng là niệm lực; bình đẳng trước oán thân, tu tập tâm Xả là tuệ lực.

Thiện nam! Quán sát thân này được hình thành do vô số pháp ác, mê hoặc phàm phu, như tưởng huyễn là tín lực, lúc chịu khổ chết, chuyên tâm niệm Tam bảo, không tiếc thân mạng là tấn lực; không khởi các tâm: Ác, Thanh văn, Bích-chi-phật, tham, sân, si, ganh ghét, tiếc, hủy giới là niệm lực; quán sát phân biệt pháp giới, quán trí vô ngại, biết rõ quá khứ, vị lai, hiện tại là tuệ lực.

Thiện nam! Hỷ là tín, không thoái chuyển là tấn, không hoặc loạn là niệm, rõ biết là tuệ.

Thiện nam! Từ sức tin nên làm mọi việc; nhờ tinh tấn nên mọi việc được viên mãn; nhờ sức niệm nên không sơ xuất; nhờ tuệ lực nên giảng đúng pháp.

Thiện nam! Quán lưới nghi là tín; trừ nghi là tấn; không còn nghi là niệm; thuyet giảng trừ nghi là tuệ.

Thiện nam! Tin pháp Phật là tín; tu hành cầu Bồ-đề là tấn; đạt thuận nhẫn là niệm; đạt Nhẫn vô sinh là tuệ.

Thiện nam! Tín căn tín lực không sai khác; tấn căn tấn lực,

niệm căn niệm lực, tue căn tuệ lực cũng thế.

Lúc nêu giảng pháp này có trăm ngàn Bồ-tát đạt địa Nhẫn vô sinh, bốn vạn hai ngàn chúng sinh phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Bấy giờ, Bồ-tát Liên Hoa thưa với Bồ-tát Vô Ngôn:

–Thiện nam! Điều ông hỏi Phật đã giải thích rõ, ông có vui không?

Bồ-tát Vô Ngôn đáp:

–Thiện nam! Tôi không hỏi, không nghe một pháp nào, làm sao vui?

Bồ-tát Liên Hoa hỏi:

–Thiện nam! Ông không nghe Phật giảng pháp sao?

Bồ-tát Vô Ngôn đáp:

–Chư Phật Như Lai đều không giảng thuyết, làm sao tôi nghe?

Vì sao? Vì tôi không phải là pháp khí.

Bồ-tát Liên Hoa hỏi:

–Ông nay nêu không phải là pháp khí thì những gì là pháp khí?

Bồ-tát Vô Ngôn đáp:

–Thiện nam! Thân tôi hiện nay hãy còn chẳng phải là pháp khí, huống hồ lại là các vật khác.

Bồ-tát Liên Hoa nói:

–Ông nếu không là pháp khí đích thực làm sao ông đạt Bồ-đề vô thượng?

Bồ-tát Vô Ngôn đáp:

–Bồ-đề vô thượng không phải là vật (khí). Thiện nam! Nếu ngoài pháp Phật có Bồ-đề thì có khí. Tất cả pháp Phật chính là Bồđề, Bồ-đề là pháp Phật. Thiện nam! Vì thế tôi đoạn phiền não, không thấy pháp Phật là không thay Bồ-đề. Phiền não, Bồ-đề và pháp Phật không sai khác. Nếu thấy Bồ-đề trong phiền não là thấy đúng. Nếu thấy Bồ-đề ngoài phiền não là thấy sai.

Bồ-tát Liên Hoa nói:

–Thiện nam! Thế nào là thấy sai?

Thấy ngã, thọ mạng, sĩ phu, mạng, tham, sân, si, tất cả các pháp chính là Bồ-đề. Đó là thấy đúng. Nghĩa là tìm Bồ-đề ngay trong bốn đại và vật do bốn đại tạo nên. Thế nào là tìm? Lúc tìm không thấy các vật. Không thấy tức là không nơi chốn, không trụ. Đó là tánh của tất cả pháp. Không tánh của các pháp chính là tướng thật. Tướng thật không phải thường, không phải đoạn, là rốt ráo. Thấy như vậy thì không trôi giạt, không tán loạn, không sinh diet, là Niết-bàn, thật biết tất cả pháp. Đó là đạt Niết-bàn, là Thánh cú ở trong Niết-bàn. Vì thế trong kinh Phật nói: Chưa điều phục mình nhưng điều phục người; chưa giải thoát nhưng giải thoát người; chưa tịch tĩnh nhưng tịch tĩnh người; chưa Niết-bàn nhưng giúp người đạt Niết-bàn, không thể có các việc đó. Phải tự điều phục rồi mới điều phục người, tự giải thoát rồi mới giải thoát người; tự tịch tĩnh mới giúp người tịch tĩnh; đạt Niết-ban mới giúp người đạt.

Thiện nam! Đại Bồ-tát tu đạo Bồ-đề, hiểu rõ hạnh của chúng sinh, không phân biệt tướng pháp và và pháp giới, tu tất cả pháp lành, không thấy chúng ma, tuy cầu pháp Phật nhưng không thấy người cầu; điều phục chúng sinh không thấy mình người; làm mọi việc nhưng không nhiễm phiền não; tùy thuận thế gian nhưng không đắm; gánh năm ấm nhưng không thấy nơi dừng; xa lìa các cõi nhưng không động pháp giới; tu giải thoát không bỏ pháp lành; thấy rõ ba cõi nhưng không lẫn lộn phiền não, bố thí nhưng không kiêu mạn… kể cả tu Bát-nhã cũng vậy, làm mọi việc nhưng thật không làm việc gì. Tu tập như thế là tu đạo Bồ-đề. Không phân biệt đạo Bo-đề và hạnh Bồ-đề. Hành đạo Bồ-đề, không thấy ngã trong các pháp, không tham, sân, thân, oán, không chướng ngại, vô vi. Hạnh vô vi là Đại Bồ-tát chân thật.

Bồ-tát Liên Hoa thưa:

–Thiện nam! Thế nào là Bồ-tát?

Thiện nam! Giác ngộ chúng sinh chưa giác ngộ là Bồ-tát; thức tỉnh chúng sinh mê ngu vô minh; diễn giảng tùy thuận pháp Bồ-đề; giúp chúng sinh thích tịch tĩnh; tăng trưởng pháp Phật, dựng cờ chánh pháp, bảo hộ Thánh chúng, không thoái tâm Bồ-đề, không trụ tâm Thanh văn, Bích-chi-phật, tâm luôn chí thành, phát nguyện độ người chưa được ngộ, giải thoát kẻ chưa được giải thoát, làm chỗ nương tựa cho kẻ không nơi nương tựa; diệt trừ những gì chưa diệt, điều phục phiền não, không bỏ phiền não, quán lỗi sinh tử nhưng vẫn vào các cõi. Tu Tam-muội Không không bỏ chúng sinh, tu Vô tướng không bỏ Bồ-đề, tu Vô nguyện nhưng nguyện vào các cõi, thích pháp Phật nhưng không tham, biết pháp hữu vi nhiều tội lỗi nhưng không bỏ hữu vi, tuy xua tan bóng tối nhưng không chấp ánh sáng, mặc giáp trí tuệ, thích bố thí, trang nghiêm pháp thí, làm thanh tịnh cõi Phật, đầy đủ tịnh giới, thệ nguyện, nhẫn nhục, điều phục chúng sinh ương bướng, siêng tu tập, cầu thân không hoại, bỏ cõi Dục nhưng thọ thân các cõi, thọ sinh tử nhưng không hối hận, biết phương tiện tự điều phục, cầu Bồ-đề, tu tập tâm Từ vì chúng sinh, tu tập tâm Bi để diệt khổ, tu tâm Hỷ để điều phục kẻ ương ngạnh, tu tâm Xả với những gì chưa xả hết, thông đạt tỏ biết nghĩa sâu xa, không chấp cảnh giới Thanh văn, Duyên giác, nương tựa nơi nghĩa, pháp, trí, kinh, không theo pháp the gian, làm chỗ tựa cho chúng sinh, trang nghiêm thân, khẩu vì chúng sinh, trang nghiêm tâm đúng pháp, trang bị thần thông vì chúng sinh; tạo lợi ích cho mọi loài như đất, thanh tịnh tất cả như nước, thiêu đốt phiền não như lửa, không chướng ngại pháp như gió, bình đẳng với các pháp tựa hư không, thành tựu Đà-la-ni, nhớ tất cả, nhạo thuyết vô ngại khiến chúng thích nghe, chuyên tâm niệm Phật để thanh lọc tâm, bố thí tất cả, sống thanh tịnh, đủ oai nghi, tu Tammuội Vô tránh, thích nhàn tịnh, điều phục chúng sinh, không nói chuyện thế gian, chê trách, dạy khuyên người thích thế gian, đủ bảy báu, tâm nhu thuận, thích ban cho, kiên định không thoái chuyển, đủ bà con, gần bạn lành, biết ân đền ân, quán nghiệp quá khứ, tùy thuận chúng sinh, trừ tâm nghi, biết sinh tử tội lỗi, chuyên tâm làm việc, hiểu tất cả ngôn ngữ, tu tâp Đại thừa, không nghi ba thừa, chúng sinh thích gần, đáp mọi thắc mắc, đạt trí vô ngại, chư Phật bảo hộ, thận trọng trong nói năng, không nói nhiều, thanh tịnh mát mẻ như trăng mùa thu, nuôi lớn pháp lành như trăng đầu tháng, chỉ một vị cam lồ như sự trong sáng của trăng, quán tất cả pháp như trăng dưới nước, thanh tịnh không nhơ như trăng sáng, dễ gần gũi, đầy đủ các căn, là cầu nối của các pháp, độ chúng sinh qua khỏi dòng thác, làm mọi việc Phật vì chúng sinh, tâm không lay động. Đó là Bồ-tát.

Lúc này, Bồ-tát Liên Hoa thưa Phật:

–Thế Tôn! Bồ-tát Vô Ngôn giảng như vậy, không bao lâu sẽ đạt Bồ-đề vô thượng, chuyển bánh xe pháp lớn. Người nào tin lời Bồ-tát Vô Ngôn sẽ đạt công đức như vậy.

Phật nói:

–Hay thay, hay thay! Thiện nam! Như lời ông nói, Bồ-tát Vô Ngôn đạt Tam-muội Tuệ đăng, vì thế dù trải qua vô số kiếp để nói một nghĩa cũng không thể hết.

Bồ-tát Liên Hoa thưa:

–Thế Tôn! Xin thương xót con, để tăng trưởng pháp lành cho chúng sinh, để trang nghiêm kinh Đại Tập, Như Lai phân tích giảng dạy Tam-muội Tuệ đăng. Bồ-tát đủ trí nghe được sẽ đạt Tam-muội đó, sớm thanh tịnh Bồ-đề vô thượng.

Phật nói:

–Thiện nam! Hãy lắng tâm, ta sẽ giải thích một phần nhỏ. Tuệ Đăng chính là đèn trí tuệ, trừ hôn ám, diệt nghi, các pháp không hai tướng.

Thiện nam! Trí: Hiểu rõ, không nghi, không mất, không lôi kéo, không tùy theo, không tăm tối, thánh, danh lợi, nhanh nhẹn, phân biệt, rộng lớn, thuần nhất, chủng chủng, quá khứ, vị lai, hiện tại, ba đời bình đẳng, ba cõi, ba giải thoát, ba tuệ, Tam bảo, ba thừa, ba mắt, ba cấu, ba trạch, ba tụ, tâm ý thức, ấm giới nhập, nhân duyên hòa hợp, thấy rốt ráo, như pháp giới, tự tướng, Đệ nhất nghĩa, phương tiện, tất cả ngôn ngữ, tất cả văn tự, không ngại, không hoại, thuyết giảng, biết căn thượng trung hạ, không tao tác, không thọ nhận, tất cả chú thuật, chữa lành tất cả, biết mọi việc đời, trang nghiêm Đà-la-ni, Tam-muội Nhật nguyệt, nhập Tam-muội, Tammuội Thánh, Tam-muội Kim cang, Tam-muội Vô tránh, Tam-muội Tâm bình đẳng, Tam-muội Diệt ma, Tam-muội Nhật quang, Tammuội Vô tưởng, Tam-muội Cờ báu, Tam-muội Hết thảy pháp môn, Tam-muội Nhất thiết pháp; Tam-muội Vô biên quang, Tam-muội Phước đức, Tam-muội Vô trụ, Tam-muội Nhạo kiến, Tam-muội

Thiện kiến, Tam-muội Vô tận khí, rốt ráo, tất cả, không động, Tammuội Na-la-diên, thấy tất cả. Có sáu vạn trí Tam-muội như thế. Ngày xưa ở chỗ Phật Nhiên Đăng, ta đạt các Tam-muội đó. Các Tam-muội đều thuộc về Tam-muội Tuệ đăng.

Thiện nam! Như mặt trời mọc có thể làm bốn việc: Chiếu ánh sáng lớn, xua hết tăm tối, hiện các hình sắc, giúp chúng sinh làm mọi việc. Đại Bồ-tát an trụ nơi Tam-muội này làm được bốn việc: Xua tan màn đêm phiền não, phóng ánh sáng trí tuệ, hiện vô số hạnh của chúng sinh, chỉ dạy đạo, phi đạo cho chúng sinh.

Thiện nam! Như đặt viên ngọc sáng trên nơi cao, ánh sáng viên ngọc chiếu đến bốn do diên, ban mọi vật cần dùng cho chúng sinh, nhưng thể tướng của viên ngọc không thêm bớt. Tam-muội Tuệ đăng cũng vậy, an trụ nơi Tam-muội này, đạt Bồ-tát đoạn hết tập khí phiền não, thanh tịnh giới, định, tuệ, thân, tâm, phương tiện Đà-la-ni, tu tập đại Bi, phóng ánh sang lớn chiếu vô lượng cõi Phật, tùy thuận chúng sinh, nên làm mọi việc. Tuy làm mọi việc nhưng tánh tướng của Bồ-tát không thêm bớt.

Thiện nam! Ví như hư không dung chứa cõi Phật, không chướng ngại, không trở ngại nước, lửa, gió, và vô số chúng sinh.

Thiện nam! Tam-muội Tuệ đăng cũng vậy, an trụ nơi Tammuội này, Bồ-tát giảng pháp cho chúng sinh không chướng ngại, từ lực định phương tiện giáo hóa tất cả, điều phục và giúp chúng giải thoát, giúp kẻ tà định trừ bỏ sai lầm, khiến người chưa trồng căn lành sớm trồng, kẻ không là pháp khí thành pháp khí, giảng pháp Bồ-đề vô thượng cho những bậc pháp khí, giảng dạy cho người cầu Thánh văn giúp chúng đạt bốn quả Sa-môn, phương tiện chỉ dạy cho người cầu Duyên giác đạt quả Bích-chi-phật, phương tiện thuyết giảng khiến phát tâm Bồ-đề vô thượng, trụ địa bất thoái, tỏ thông tám vạn bốn ngàn pháp môn, vì trừ tâm nghi của chúng sinh nên phân biệt diễn giảng, chỉ một việc mà có thể giảng trong vô số kiếp vẫn không hết.

Thiện nam! Như một ngọn đèn sáng chiếu soi các hình sắc. Tam-muội Tuệ đăng cũng thế, hiện vô số hình sắc trong vô lượng cõi Phật từ một tâm, nhưng Tam-muội ấy không khuynh động. Vì thế trong bốn Niệm xứ, pháp niệm xứ là đỉnh; trong bốn Chánh cần, phát sinh pháp lành chưa sinh là hơn hết; trong bốn Như ý, tịch tĩnh thân tâm là tối thượng; trong nam Căn, năm Lực, tuệ căn, tuệ lực là vô thượng; trong bảy Giác phần, trạch pháp là thủ lĩnh; trong tám Chánh đạo, chánh kiến là trên hết; trong tất cả ngoại đạo, hiện có Xa-matha và Tỳ-bà-xá-na là cao tột; trong bốn Đế, diệt đế là nhất; trong bốn y, y nơi nghĩa là hơn hết; trong bốn Trí vô ngại, nghĩa vô ngại là đỉnh; trong sáu thần thông, lậu tận là đứng đầu; trong bốn Tâm vô lượng, tâm Bi là nhất; trong việc tu phạm hạnh, trí tuệ là tối thượng; trong các Ba-la-mật, Bát-nhã là nhất; trong các phương tiện, biết tâm chúng sinh là hơn hết; trong các lực, xứ, phi xứ lực là số một; trong bốn pháp Vô úy, pháp một là nhất; trong pháp Bất cộng, vô ngại là nhất; trong ba mươi hai tướng, vô kiến đảnh tướng là nhất; trong tám mươi tướng tốt, thuyết pháp bất không là số một; trong việc trang nghiêm khẩu nghiệp, hiểu tất cả ngôn ngữ là số một; trang nghiêm tâm, trừ kiêu mạn là nhất; trong các pháp, trí tuệ là hơn hết. Đó là Tam-muội Tuệ đăng.

Lúc nêu giảng pháp này, Bồ-tát Liên Hoa và một vạn Bồ-tát đạt Tam-muội Tuệ đăng. Tam thiên đại thiên cõi nước đều chấn động sáu cách. Đại chúng rải hoa, trổi nhạc cúng Phật, tôn trọng, ca ngợi. Các Bồ-tát trong chúng đều thưa:

–Thế Tôn! Từ xưa đến nay chúng con chưa từng nghe tên Tammuội này, huống gì là được nghe giảng kỹ. Chúng con nay đều đạt Tam-muội nên thiết lễ cúng dường. Ai nghe tên Tam-muội này sẽ được lợi lớn, không mất tâm Bồ-đề vô thượng.

Phật nói:

–Lành thay, lành thay! Thiện nam! Như lời các ông nói, chúng sinh nào trồng căn lành nơi vô số Phật gần gũi bạn lành mới được nghe Tam-muội này.

Lúc Phật giảng giải pháp ấy, từ trong rốn xuất hiện một Bồ-tát thân sắc rực rỡ, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, phóng ánh sáng lớn, ngoài ánh sáng của Phật ra không gì sánh bằng. Bồ-tát ấy lạy Phật, đi quanh bên phải bảy vòng, quỳ gối chắp tay thưa:

–Thế Tôn! Đức Như Lai Tuệ Kiều xin hỏi thăm sức khỏe Thế Tôn và đại chúng. Hiện có sáu vạn ức Bồ-tát ở cõi con muốn đến đây để nghe kinh Đại Tập, để gặp Bồ-tát Vô Ngôn và các Bồ-tát đến từ mười phương, để nghe Tam-muội Tuệ đăng.

–Hy hữu thay! Hy hữu thay! Đức Thích-ca Mâu-ni, xin chỉ dạy để tất cả đều đạt Tam-muội này mà trở về cõi mình.

Khi ấy Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

–Thế Tôn! Đức Phật Tuệ Kiều ở đâu? Cõi đó tên gì, cách đây bao nhiêu xa? Bồ-tát ấy tên gì? Sáu vạn ức Bồ-tát kia ở đâu?

Phật nói:

–Xá-lợi-phất! Cõi Phật Tuệ Kiều cách đây một hằng hà sa cùng với hằng hà sa cõi nước về phía Đông. Cõi đó tên Kim cang kiên căn.

Xá-lợi-phất! Vì sao cõi ấy có tên là Kim cang kiên căn?

Xá-lợi-phất! Cõi ấy, mặt đất bằng kim cang. Đó là nhờ sức nguyện của Đức Tuệ Kiều. Thân Phật, Bồ-tát, chúng sinh đều là Kim cang. Bồ-tát ấy tên là Kim Cang Tề. Chỉ trong niệm Bồ-tát này có thể phá vỡ tất cả núi Kim cang, đến vô lượng cõi Phật, xuất hiện từ rốn Phật. Nhờ thần lực Phật và nguyện lực của mình nên Bồ-tát có tên là Kim Cang Tề.

Xá-lợi-phất! Về nơi ở của các Bồ-tát ông nên hỏi Bồ-tát Kim Cang Tề sẽ rõ.

Xá-lợi-phất liền hỏi Bồ-tát Kim Cang Tề:

–Thiện nam! Sáu vạn ức Bồ-tát đó ở cõi nào?

Bồ-tát Kim Cang Tề nói:

–Như Lai dạy ông là bậc trí tuệ đệ nhất, hãy dùng Thánh trí để quán cõi nước của sáu vạn Bồ-tát.

Tôn giả Xá-lợi-phất liền dùng Thánh trí để quán nhưng không thấy, nên nói với Bồ-tát Kim Cang Tề là đã dùng Thánh trí nhưng vẫn không thấy được.

–Đại đức! Bạn cùng học của ông là A-ni-lâu-đà, là bậc Thiên nhãn đệ nhất, ông hãy nhờ vị ấy quán sát.

Lúc đó, Tôn giả A-ni-lâu-đà dùng Thiên nhãn quán sát khắp

tam thiên đại thiên cõi nước, vẫn không thấy nên nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Tôi không thấy được.

Bồ-tát Kim Cang Tề nói:

–Đại đức! Bạn của ông không thấy được, không thể gọi là Thiên nhãn, nên gọi là nhục nhãn.

Xá-lợi-phất thưa:

–Theo ông, thế nào là Thiên nhãn?

–Đại đức! Thiên nhãn của tôi là nhìn thấy những gì Thanh văn các ông không thể thấy.

Xá-lợi-phất thưa:

–Thiện nam! Sắc pháp nào chúng tôi không thể thấy mà ông lại thấy?

–Đại đức! Ông có nhìn thấy cõi Kim cang kiên căn, Đức Tuệ Kiều và các Bồ-tát không?

–Không, thưa Tôn giả! Tôi chỉ nghe tên chứ không nhìn thấy.

–Đại đức! Tôi có thể thấy rõ cõi nước, Phật, Bồ-tát, chung sinh ở đó. Đó là Thiên nhãn thanh tịnh của Bồ-tát. Thiên nhãn đó, các Thanh văn, Bích-chi-phật không thể có.

Lúc nêu giảng lời này, sáu vạn chúng sinh cầu Thanh văn đều bỏ ý cũ, phát tâm Bồ-đề vô thượng, đều thưa:

–Nguyện cho chúng tôi đạt mắt Phật, không dùng mắt trở ngại của Thanh văn và Bích-chi-phật.

Lúc đó, Bồ-tát Kim Cang Tề nhập định. Với thần lực Phật và nguyện lực của chính mình, Bồ-tát giúp cho đại chúng thấy được sau vạn ức Bồ-tát ngồi trên đài sen trong thân Phật, các Bồ-tát ấy đang chuyên tâm nghe pháp. Tuy nhiên, thân của Như Lai không lấy làm khó chịu, không thêm bớt, không chướng ngại. Thấy vậy, đại chúng đều cung kính cúng dường, vui mừng ngợi khen là việc không thể nghĩ bàn, cùng thưa:

–Thân, trí Tam-muội của Như Lai đều không thể nghĩ bàn. Vì sao? Sáu vạn ức Bồ-tát ở trong thân Phật mà không bị chướng ngại.

Nghe thế, Bồ-tát Kim Cang Tề nói:

–Đại chúng! Các vị không biết thân Như Lai tựa hư không là thân vô biên, không chướng ngại, rộng lớn, pháp, không hình tướng, không thể lường sao? Các thiện nam! Dù Như Lai đặt cả đất nước xóm làng núi rừng cây cỏ vào trong thân vẫn không hề bị chướng ngại. Vì thế Như Lai là không thể nghĩ bàn.

Thiện nam! Vô lượng Bồ-tát từ các cõi nước nơi mười phương đến nghe kinh Đại Tập này, thành tựu sắc thân tươi đẹp, với hai mươi tám tướng đại nhân. Như Lai cũng đặt tất cả vào trong thân. Vì sao? Vì chúng sinh, Phạm thiên, Đế Thích ở đây nếu thấy vậy đều sinh hổ thẹn, vì thế không thể thấy.

Lúc đó, với sức công đức của Phật và oai lực của Bồ-tát Kim Cang Tề, đại chúng đều thấy sáu vạn ức Bồ-tát từ một lỗ chân lông Phật xuất hiện, lạy Phật, đi quanh bên phải bảy vòng, ngồi qua một bên. Bồ-tát Kim Cang Tề bạch Phật:

–Thế Tôn! Vì sao Bồ-tát có tên là Vô Ngôn?

Đức Phật nói:

–Thiện nam! Ông nên hỏi thẳng Bồ-tát Vô Ngôn. Bồ-tát sẽ đáp.

Bồ-tát Kim Cang Tề liền hỏi Bồ-tát Vô Ngôn.

Bồ-tát Vô Ngôn im lặng. Bồ-tát hỏi hai, ba lần vẫn không trả lời. Bồ-tát Kim Cang Tề hỏi:

–Vì sao ông không đáp lời?

Bồ-tát đáp:

–Tôi không tìm thấy ngôn ngữ.

Vì sao không tìm được?

–Thiện nam! Tôi sẽ nói lời Phật, lời thế gian.

–Thế nào là đáp lời Phật?

–Thiện nam! Với niệm lực, tôi thọ trì tất cả lời Phật, không quên sót, song, tôi không thấy có âm thanh văn tự. Vì lưu truyền nên thuyết giảng và vì nhằm dứt trừ chấp nơi văn tự cú nghĩa cho chúng sinh.

–Thế nào là đáp lời thế gian?

–Hiểu tất cả ngôn ngữ của chúng sinh, tùy ngôn ngữ giảng pháp.

–Thiện nam! Ông tùy thuận thuyết giảng đã lâu chưa?

–Thiện nam! Từ khi tôi trừ giác quán đã làm như vậy.

–Thiện nam! Vì sao như thế?

–Thiện nam! Nếu không có giác quán thì âm thanh không xuất hiện. Do nhân duyên ấy nên nói như thế.

–Thiện nam! Âm thanh có từ thân hay từ tâm?

–Thiện nam! Âm thanh không có ở thân. Vì sao? Vì thân như cây cỏ, tâm là huyễn hóa, do nhân duyên nên có âm thanh. Do duyên sinh là vô thường, vô thường là không định. Không thường không định là không. Âm thanh tựa hư không, không thể nhìn thấy, không thể giảng nói. Tất cả các pháp cũng không thể thấy. Âm thanh không sinh, các pháp cũng không sinh. Không sinh là không đến đi. Không đến đi là mười hai nhân duyên sâu xa, không tạo tác, không lệ thuộc, không khởi, không câu chữ, không câu chữ là không sinh. Không có nhãn sắc, thức, pháp thức… không có khổ sinh, già, bệnh, chết, không có trời, trăng, ánh sáng, oán, thân, trừ tất cả, không thể thấy, khong gần xa. Thiện nam! Đó là rốt ráo không sinh.

–Thiện nam! Thế nào là rốt ráo không sinh?

–Không gần không xa là rốt ráo không sinh.

–Thế nào là không gần xa?

–Thiện nam! Chính như hư không. Thấy các pháp như hư không là bình đẳng.

–Vì sao các pháp tựa hư không?

–Thiện nam! Pháp quá khứ không kết cục, pháp vị lai hiện tại cũng thế. Ba đời không kết cục là thật tướng, là không hai. Mắt, sắc, tai, tiếng, mũi, hương, lưỡi, vị, thân, xúc; tâm pháp là hai. Có hai thì có thể nói. Không hai thì không thể nói. Không thể nói là không tâm ý thức. Vì thế không thể nói. Cái gì có thể nói đều là hai, không thể nói là không hai

–Thiện nam! Cái gì là hai?

–Thiện nam! Không hai thì không thể tạo nên hai. Hai không thể làm thành không hai. Cứng không thể làm thành mềm, mềm không thể biến thành cứng. Hai pháp sống chết không thể là không hai. Pháp Niết-bàn không thể là hai. Tánh chánh kiến không thể biến thành tà kiến; tà kiến không thể làm nên chánh kiến.

Bồ-tát Kim Cang Tề thưa Phật:

–Thế Tôn! Qua những lời Bồ-tát Vô Ngôn nói dường như Bồtát đã đạt Tam-muội Tuệ đăng.

Đức Phật bảo:

–Hay thay, hay thay! Thiện nam! Ông cho Bồ-tát Vô Ngôn chưa đạt Tam-muội Tuệ đăng sao?

Lúc đó, các Bồ-tát đến từ cõi Phật Tuệ Kiều thưa Bồ-tát Vô Ngôn:

–Thiện nam! Ông an trụ nơi địa nào để có thể đáp những lời đó?

Bồ-tát Vô Ngôn Đáp:

–Thiện nam! Như lời Phật dạy, Bồ-tát trụ nơi địa giới nên có thể đáp như thế.

–Thiện nam! Hy hữu thay! Hy hữu thay! Xin giải rõ địa giới.

–Thiện nam! Không trụ nơi thân, tâm, ý, trong, ngoài, cả trong ngoài là trụ giới.

Thiện nam! Không tướng, mạng, tạo tác, thực hành là trụ giới. Bồ-tát trụ giới đó là không trụ. Không trụ là không nghĩ: Mình sẽ diễn nói.

Thiện nam! Như lời ông hỏi, ta trụ nơi tánh pháp, thật tướng, pháp giới là có thể đáp như thế. Biết thật về pháp thì không giác quán. Không giác quán làm sao nói?

Các Bồ-tát thưa:

–Thiện nam! Như thế là gì?

–Thiện nam! Nói như thế là nói hai pháp: diệt tận, không xuất; quá khứ, vị lai. Hiện tại không dừng nên không thể nói.

Thiện nam! Pháp quá khứ không có tướng. Vị lai, hiện tại cũng vậy. Người nào thấy tướng ba đời là điên đảo. Vì vậy nghĩa của các pháp là không thể nói. Nghĩa của pháp không thể nói bằng thân, khẩu, ý. Vì sao? Vì không tạo tác, không nghiệp, không hình sắc, không nghiệp khẩu, không giác quán, như tiếng vang, tợ hóa Phật.

Thiện nam! Lời của Phật, Bồ-tát đều ngược lời thế gian. Vì thế Phật, Bồ-tát đều không thể nghĩ bàn. Trí tuệ của Phật Bồ-tát là không thể nghĩ bàn, không cùng tận, là pháp giới không động.

Khi ấy, các Bồ-tát cùng khen Bồ-tát Vô Ngôn:

–Hay thay, hay thay! Ông khéo phân biệt các pháp giúp chúng tôi tỏ ngộ và thấy được vô lượng Đại Bồ-tát.

Bồ-tát Kim Cang Tề thưa Bồ-tát Vô Ngôn:

–Thiện nam! Tôi cùng ông hãy về cõi Kim cang kiên căn để gặp và cúng dường Đức Phật Tuệ Kiều.

Bồ-tát Vô Ngôn nói:

–Thiện nam! Cõi Kim cang kiên căn chính là cõi Ta-bà này, Đức Tuệ Kiều chính là Đức Thích-ca Mâu-ni. Toi cần gì phải về cõi ấy?

Bồ-tát Kim Cang Tề nói:

–Thiện nam! Cõi này, mặt đất không bằng Kim cang làm sao nói là cõi kia được?

Bồ-tát Vô Ngôn thưa:

–Thiện nam! Thần thông của ông có thể phá trừ vô số vật, có thể xuyên qua núi Kim cang, nay ông thể phá vỡ hạt bụi ở đây xem. Nếu phá được ông mới được gọi là Kim cang.

Lúc này, Bồ-tát Vô Ngôn liền nhập định Kim cang biến tất cả núi rừng cây cỏ bụi bặm ở đây thành Kim cang. Bồ-tat Kim Cang Tề dùng hết sức thần của mình vẫn không phá vỡ được một hạt bụi. Bồtát liền thưa Phật:

–Thế Tôn! Thần lực của con có thể phá vỡ tất cả cõi Kim cang và núi rừng, vì sao không phá vỡ được một hạt bụi ở đây? Một hạt bụi ở đây là sức thần thông của Như Lai, là sức công đức của Bồ-tát Vô Ngôn sao?

Phật nói:

–Thiện nam! Do sức Tam-muội Kim cang ấy, Bồ-tát Vô Ngôn đang nhập làm cho tam thiên đại thiên cõi nước đều biến thành Kim cang. Bồ-tát Vô Ngôn còn có thể biến vô lượng cõi nước thành Kim cang.

Bồ-tát Kim Cang Tề thưa:

–Thế Tôn! Đại Bồ-tát đạt pháp gì để thành tựu Tam-muội Kim cang?

Phật nói:

–Thiện nam! Bồ-tát thành tựu bốn phap sẽ đạt được Tam-muội này. Bốn pháp đó là: Chuyên tâm niệm Bồ-đề; hành trì trọn vẹn các pháp lành; trang nghiêm pháp lành và hồi hướng Bồ-đề; quán mười hai nhân duyên. Lại có bốn: Thành tựu thần thông; tu ba giải thoát; giữ giới tinh tấn; quán pháp giới biết các pháp không có cội gốc, không giác quán, không thể nói; biết nghĩa, biết thời, thật biết các pháp đều bình đẳng. Lại có bốn: Từ tâm đại Từ cầu đại trí tuệ; khéo cầu học ba mươi bảy phẩm Trợ đạo; quán chúng sinh bình đẳng bằng tâm đại Bi; quán bốn Chân đế bằng tâm Xả. Lại có bốn: Thân, khẩu, ý và tâm Bồ-đề đều là Kim cang, không thể hoại.

Thiện nam! Đại Bồ-tát đầy đủ các pháp đó sẽ đạt Tam-muội Kim cang.

Lúc nêu giảng lời này, có sáu vạn ức Bồ-tát đều đạt Tam-muội Kim cang. Khi đó, Vô Ngôn thưa cha là Tướng quân Sư Tử:

–Tôn giả! Phật xuất hiện trong đời là đầy đủ vô lượng công đức. Công đức lớn là Như Lai. Phật ra đời, vô số chúng sinh được lợi ích lớn là Niết-bàn. Niết-bàn không thay đổi. Cớ sao Tôn giả không phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Người cha đáp:

–Khi ta mới sinh đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lúc ấy, cũng có chư Thiên đến nói với tôi như vậy. Việc này chỉ Phật chứng biết.

Bấy giờ, năm trăm thân quyến của Tướng quân Sư Tử đều phát tâm Bồ-đề vô thượng. Bồ-tát Vô Ngôn khen ngợi thân quyến:

–Lành thay, lành thay! Các ông đã khéo trang nghiêm tâm Bồđề.

Thân quyến thưa:

–Thế nào là trang nghiêm tâm Bồ-đề?

Vô Ngôn đáp:

–Có bốn mươi việc trang nghiêm tâm Bồ-đề: Tin Phật, không nghi ngờ, không dao động trước pháp giới, cúng dường Thánh chúng; gần gũi bạn lành; xem Bồ-tát là thầy thuốc giỏi; bình đẳng với chúng sinh; cúng dường cha mẹ, thầy, bậc hữu đức và nghe theo lời dạy; hộ pháp; cầu pháp; chuyên tâm nghe pháp; giảng dạy cho người; cúng dường tôn kính người hộ pháp; thuyết pháp không vì lợi dưỡng; trừ kiêu mạn; biết ân, đền ân; khéo tư duy; an trụ đúng pháp; cho những vật khó cho; chí tâm giữ giới; siêng năng tu tập pháp lành; thành tựu trọn vẹn công đức trang nghiêm; không ganh ghét, bảo hộ chúng sinh; ngăn chận phiền não; điều phục tâm mình, người; giúp chúng sinh trừ phiền não; biết đủ ưa nhàn tịnh; tu phạm hạnh thanh tịnh; không đoạn giống Thánh; không nhiễm pháp thế gian; cung kính cúng dường người thuyết pháp; tùy thuận học hỏi; không lười biếng; không buông lung; không cầu thừa khác; vững định nơi tâm Bồ-đề; không chán ghét sinh tử; trừ pháp ác; trang nghiêm phạm hạnh, trọn vẹn pháp lành.

Tướng quân Sư Tử thưa:

–Bồ-tát thường hiện thân, giúp chúng tôi không thoái tâm Bồđề.

Bồ-tát Vô Ngôn thưa:

–Tôn giả! Trọn vẹn mười pháp sẽ luôn được gần Phật, Bồ-tát. Mười pháp là cho chúng sinh những an lạc của mình; tu tập nhẫn nhục; bảo vệ kẻ yếu đuối; khuyên chúng sinh làm lành; giáo hóa tất cả hướng lên Bồ-đề; nguyện chúng sinh đạt Bồ-đề vô thượng trước, tự mình đến cúng dường, nghe pháp, thọ trì, bảo vệ, sau đó mới thành Chánh giác, không tiếc thân mạng; vì hộ pháp nên không kinh sợ khi nghe pháp giới sâu rộng; quán không có Bồ-đề, không người chứng đạt; quán mình và chúng sinh đều bình đẳng; pháp cũng bình đẳng; hư không cũng bình đẳng; quán khổ sinh tử nhưng không xa lánh, thấy tội lỗi của sinh tử tâm không hối hận.

Lúc giảng nói pháp này, Tướng quân Sư Tử và quyến thuộc đều đạt nhẫn nhu thuận. Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Tôn gia A-nan: –A-nan! Ông nên thọ trì đọc tụng, biên chép kinh này. Vì sao? Vì trong kinh này nêu bày tất cả pháp tướng, khiến cho vô lượng, vô biên chúng sinh phát tâm Bồ-đề vô thượng.

A-nan! Người trồng căn lành nơi vô số Phat mới có thể tin thọ kinh này, đọc tụng, biên chép, phân biệt giảng thuyết. Thọ trì kinh có ba việc: Định phát tâm Vô thượng; đạt tâm không thoái chuyển; bảo hộ chánh pháp.

Nghe vậy, bảy na-do-tha Bồ-tát rời chỗ ngồi, bạch Phật:

–Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ chúng con có thể thọ trì, đọc tụng, biên chép kinh này.

Bồ-tát Vô Ngôn thưa:

–Thế Tôn! Như Lai đạt pháp gì để giúp chúng sinh thọ trì, bảo hộ?

–Thiện nam! Bảo vệ người trì pháp là bảo hộ, biên chép, thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết văn tự, văn tự có thể nêu bày còn pháp thì không thể nói.

Thiện nam! Có hai hạng người hộ pháp: An trụ đúng pháp; trì tụng văn tự ấy. Nếu không có văn tự thì không thể thuyết pháp.

Nghe vậy tất cả đại chúng, Tướng quân Sư Tử, thân tộc, đều vui mừng tin thọ, phụng hành.