SỐ 278
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 6: BỒ-TÁT THUYẾT MINH CÂU HỎI

Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi Bồ-tát Giác Thủ:

–Này Phật tử! Tâm tánh là một, tại sao có thể sinh các loại quả báo, hoặc đến cõi thiện, hoặc đến cõi ác, hoặc đủ các căn hoặc khiếm khuyết, hoặc sinh chỗ thiện hoặc sinh chỗ ác, xinh đẹp xấu xí, vui khổ không giống nhau?

Nghiệp không biết tâm, tâm chẳng biết nghiệp. Thọ nhận không biết quả báo, quả báo không biết thọ. Tâm không biết thọ, thọ không biết tâm. Nhân không biết duyên, duyên không biết nhân. Trí không biết pháp, pháp không biết trí?

Bồ-tát Giác Thủ nói kệ đáp:
Vì giáo hóa chúng sinh
Nên hỏi ý nghĩa này
Tánh như thật các pháp
Tôi nói, ngài lắng nghe.
Các pháp không tự tại
Tìm thật không thể được
Thế nên tất cả pháp
Cả hai chẳng biết nhau,
Như dòng nước chảy mạnh
Chảy mãi không gián đoạn
Cả hai không biết nhau
Các pháp cũng như vậy.
Như ngọn lửa đèn sáng
Lửa cháy mãi không ngừng
Cả hai không biết nhau
Các pháp cũng như vậy.
Cũng như gió thổi mạnh
Đẩy nhau sinh sức động
Cả hai không biết nhau
Các pháp cũng như vậy.
Như mặt đất rộng sâu
Dựa nhau mà đứng vững
Cả hai không biết nhau
Các pháp cũng như vậy.
Mắt tai mũi lưỡi thân
Tâm ý các tánh căn
Nhân đó chuyển các khổ
Mà thật không sự chuyển
Pháp tánh không sự chuyển
Biểu hiện nên có chuyển
Trong ấy không biểu hiện
Biểu hiện không thật có
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân
Tâm ý, các tánh căn
Tánh nó đều rỗng không
Hư vọng chẳng chân thật.
Quán sát tánh tư duy
Có ấy, không thật có
Là thấy không điên đảo
Được mắt pháp thanh tịnh
Hư vọng, chẳng hư vọng
Dù thật hay chẳng thật
Thế gian xuất thế gian
Chỉ có lời giả nói.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi Bồ-tát Tài Thủ:

–Này Phật tử! Tất cả chúng sinh chẳng phải chúng sinh, vậy Như Lai làm thế nào tùy theo thời gian của chúng sinh, tùy theo mạng sống, tùy theo thân thể, tùy theo hành động, tùy theo ưa thích, tùy theo thệ nguyện, tùy theo ý muốn, tùy theo phương tiện, tùy theo tư duy, tùy theo sự trù tính, tùy theo nhận thức của chúng sinh mà giáo hóa họ?

Bồ-tát Tài Thủ nói kệ đáp:

Thấy rõ cảnh trí tâm
Thường ưa hạnh tịch diệt
Tôi giảng nói sự thật
Nhân giả nghe cho rõ.
Phân biệt quán nội tâm
Thân ta nào thật có
Ai quán được như vậy
Rõ có không về ngã
Quán các phần của thân
Chẳng thuộc về chỗ nào
Hiểu rõ về thân này
Không còn lệ thuộc thân.
Biết như thật về thân
Thì hiểu hết các pháp
Biết pháp đều hư vọng
Thì tâm không bị nhiễm
Thân, mạng nương tựa nhau
Làm nhân duyên cho nhau
Cũng như vòng lửa quay
Không biết điểm đầu cuối.
Người trí thường quán sát
Tất cả cõi vô thường
Các pháp không, vô ngã
Nên lìa tất cả tướng,
Nghiệp do nhân duyên sinh
Vô ngã cũng như mộng
Tánh quả báo tịch diệt
Tướng trước sau chẳng khác.
Tất cả pháp thế gian
Chỉ lấy tâm làm chủ
Theo ý thích lấy tướng
Đều chính là điên đảo.
Các pháp trong thế gian
Tất cả đều hư vọng
Làm sao hiểu các pháp
Chân thật chẳng có hai.
Tất cả pháp sinh diệt
Đều do nhân duyên sinh
Từng phút đi về diệt
Đầu đuôi tướng không khác.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi Bồ-tát Bảo Thủ:

–Này Phật tử! Tất cả bốn đại chủng của chúng sinh đều chẳng phải ngã hay ngã sở. Tại sao chúng sinh lại cảm thọ khổ hay vui, làm ác làm thiện, hoặc tốt đẹp bên trong hay bên ngoài, hoặc chịu ít quả báo hoặc chịu nhiều quả báo, hoặc có hiện báo hoặc có hậu báo, nhưng tánh các pháp vẫn không thiện, không ác?

Bồ-tát Bảo Thủ nói kệ đáp:

Theo các nghiệp đã làm
Chịu quả báo tương xứng
Người làm không thật có
Chư Phật dạy như vậy.
Như tấm gương trong sáng
Tùy mặt, hình hiện ra
Trong ngoài không thật có
Bản tánh nghiệp cũng vậy.
Như hạt giống trong ruộng
Chúng đều không biết nhau
Tự làm năng tác nhân
Tánh nghiệp cũng như vậy.
Như vị ảo thuật gia
Ngay ở ngã tư đường
Hiện ra các hình sắc
Tánh nghiệp cũng như vậy.
Như thợ làm người gỗ
Phát ra các tiếng nói
Nó hoàn toàn vô ngã
Tánh nghiệp cũng như vậy.
Cũng như các loại chim
Kêu hót chẳng giống nhau
Phát ra nhiều loại tiếng
Tánh nghiệp cũng như vậy.
Do nhân duyên gặp gỡ
Thọ sinh chẳng người đến
Các căn cũng khác nhau
Tánh nghiệp cũng như vậy.
Như trong đại địa ngục
Chúng sinh chịu khổ não
Khổ ấy không nơi đến
Tánh nghiệp cũng như vậy.
Cũng như vua Chuyển luân
Có bảy báu hơn người
Chúng chẳng từ đâu đến
Tánh nghiệp cũng như vậy.
Cũng như các thế giới
Có thành hoặc có hoại
Thành hoại không đến đi
Tánh nghiệp cũng như vậy.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi Bồ-tát Đức Thủ:

–Này Phật tử! Như Lai chỉ giác ngộ một pháp, tại sao có thể thuyết giảng vô số pháp, âm thanh vang khắp vô lượng thế giới, đều có thể giáo hóa vô lượng chúng sinh, phát ra vô số âm thanh, hiện ra vô số thân, biết rõ tâm ý vô lượng chúng sinh, thị hiện vô lượng thần thông tự tại, thị hiện khắp vô lượng, vô biên thế giới, thị hiện vô số sự trang nghiêm đặc biệt, thị hiện vô lượng các cảnh giới khác nhau mà sự phân biệt pháp tánh ấy không thể nắm bắt được?

Bấy giờ, Bồ-tát Đức Thủ nói kệ đáp:

Phật tử mới hỏi nghĩa
Sâu xa vi diệu này
Bậc Trí biết việc này
Thì thích cầu công đức.
Như một tánh của đất
Là nâng giữ vạn vật
Không phân biệt một, khác
Pháp chư Phật cũng vậy.
Như một tánh của lửa
Là thiêu vật thế gian
Tánh lửa không phân biệt
Pháp chư Phật cũng vậy.
Như nước trong biển lớn
Tuy trăm sông chảy vào
Nhưng chỉ một vị mặn
Pháp chư Phật cũng vậy.
Như một tánh của gió
Thổi động tất cả vật
Tánh gió không phân biệt
Pháp chư Phật cũng vậy.
Như rồng nổi sấm chớp
Mưa xuống khắp mặt đất
Giọt mưa không phân biệt
Pháp chư Phật cũng vậy.
Như một tánh của đất
Là sinh các mầm cây
Tánh đất không phân biệt
Pháp chư Phật cũng vậy.
Mặt trời không mây che
Chiếu sáng khắp mười phương
Ánh sáng không khác tánh
Pháp chư Phật cũng vậy.
Như trăng giữa hư không
Thế gian thấy đều rõ
Trăng chẳng đi đâu cả
Pháp chư Phật cũng vậy.
Cũng như Đại Phạm Vương
Hiện khắp ba ngàn cõi
Nhưng thân không sai khác
Pháp chư Phật cũng vậy.

Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi Bồ-tát Mục Thủ:

–Này Phật tử! Ruộng phước của Như Lai bình đẳng không khác nhau. Tại sao quả báo của bố thí không đồng nhau? Có khác nhau về hình sắc, tộc họ, gia đình, giới tánh, tài sản, sự đặc biệt, thân quyến, tự tại, công đức, trí tuệ, Như Lai bình đẳng chẳng có oán và thân?

Khi ấy, Bồ-tát Mục Thủ nói kệ đáp:

Ví như cả mặt đất
Hay mọc các mầm cây
Đất chẳng ghét thương mầm
Ruộng phước Phật cũng vậy.
Nước chỉ có một vị
Vật đựng khác nên khác
Ruộng phước Phật chỉ một
Chúng sinh nên có khác.
Như đại ảo thuật gia
Làm mọi người hoan hỷ
Ruộng phước Thánh chư Phật
Tùy nguyện khiến hoan hỷ.
Ví như vua Biện Tài
Làm mọi người hoan hỷ
Ruộng phước Thánh chư Phật
Làm chúng sinh hoan hỷ.
Như tấm gương trong sáng
Hiện ra nhiều hình tượng
Ruộng phước Thánh chư Phật
Chúng sinh nên có khác.
Ví như vua y dược
Diệt trừ tất cả độc
Ruộng phước Thánh chư Phật
Hay diệt các phiền não.
Như khi mặt trời mọc
Chiếu tan các bóng tối
Ruộng phước Thánh chư Phật
Chiếu các cõi mười phương.
Như mặt trăng trong sáng
Chiếu khắp bốn thiên hạ
Ruộng phước Thánh chư Phật
Bình đẳng không thiên vị.
Ví như trận cuồng phong
Chấn động cả mặt đất
Ruộng phước Thánh chư Phật
Chấn động nghiệp ba cõi.
Như kiếp hỏa nổi lên
Cháy khắp cả trời đất
Ruộng phước Thánh chư Phật
Thiêu cháy tất cả nghiệp.

Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi Bồ-tát Tấn Thủ:

–Này Phật tử! Chúng sinh được gặp Như Lai dạy bảo nên đoạn trừ phiền não phải không? Vì biết sắc, thọ, tưởng, hành, thức, si ái của Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới mà đoạn phiền não phải không? Nếu biết sắc, thọ, tưởng, hành, thức, si ái của Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới mà đoạn các phiền não thì giáo pháp của Như Lai làm cho tăng giảm như thế nào?

Lúc đó, Bồ-tát Tấn Thủ nói kệ đáp:

Phật tử hãy lắng nghe
Ta nói nghĩa chân thật
Có đường mau giải thoát
Cũng có chậm giải thoát.
Nếu muốn cầu trừ diệt
Vô số các lỗi ác
Cần phải trong một lúc
Rất dũng mãnh tinh tấn.
Cũng như đóm lửa nhỏ
Gặp ướt thì bị tắt
Trong giáo pháp của Phật
Kẻ biếng nhác cũng vậy.
Như người dùi lấy lửa
Chưa có đã ngừng lại
Sức nóng không cháy được
Người biếng nhác cũng vậy.
Dùng ngọc trong lấy lửa
Không để vật dẫn lửa
Lửa không thể phát sinh
Người biếng nhác cũng vậy.
Như ở giữa ban ngày
Nhắm mắt muốn thấy sắc
Trong giáo pháp của Phật
Người biếng nhác cũng vậy.
Như người không tay chân
Muốn bắn khỏi mặt đất
Chẳng bao giờ làm được
Người biếng nhác cũng vậy.
Như nước trong biển lớn
Muốn một lông tát cạn
Trong giáo pháp của Phật
Người biếng nhác cũng vậy.
Như kiếp lửa nổi lên
Muốn diệt bằng ít nước
Trong giáo pháp của Phật
Biếng nhác cũng như vậy.
Như người thấy hư không
Nói thân ta ở khắp
Trong giáo pháp của Phật
Người biếng nhác cũng vậy.

Bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi hỏi Bồ-tát Pháp Thủ:

–Này Phật tử! Như lời Phật dạy, người nghe và thọ trì pháp thì có thể đoạn trừ phiền não.

Tại sao chúng sinh đều nghe chánh pháp, không thể đoạn trừ mà còn tùy thuộc dâm, nộ, si, mạn, ái, phẫn, keo kiệt, ganh tỵ, hận, nịnh bợ, những pháp cấu bẩn này không rời tâm. Tâm không có hành động gì để diệt trừ các kết sử ấy?

Lúc đó, Bồ-tát Pháp Thủ nói kệ đáp:

Phật tử lắng nghe kỹ
Nghĩa thật của câu hỏi
Chẳng phải chỉ học nhiều
Mà được vào pháp Phật.
Như người trôi trong nước
Sợ chìm mà chết khát
Không hành đúng như học
Học nhiều cũng như vậy.
Như người bố thí nhiều
Các loại món ăn ngon
Nhưng không ăn, chết đói
Học nhiều cũng như vậy.
Cũng như vị lương y
Biết hết các phương thuốc
Không thể cứu bệnh mình
Học nhiều cũng như vậy.
Cũng như kẻ nghèo cùng
Ngày đêm đếm báu người
Mình chẳng được nửa tiền
Học nhiều cũng như vậy.
Cũng như con Đế vương
Đáng hưởng thụ cực lạc
Nghiệp chướng nên nghèo khổ
Học nhiều cũng như vậy.
Như người bị tai điếc
Giỏi tấu các âm thanh
Người vui, mình chẳng nghe
Học nhiều cũng như vậy.
Như người bị mắt mờ
Quen theo nghề vẽ được
Người xem, mình chẳng thấy
Học nhiều cũng như vậy.
Cũng như người lái thuyền
Có thể cứu nhiều người
Vớt người, không tự cứu
Học nhiều cũng như vậy.
Như có người ở đời
Nói những điều rất hay
Nhưng trong lòng thiếu đức
Học nhiều cũng như vậy.

Bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi hỏi Bồ-tát Trí Thủ:

–Này Phật tử! Trong Phật pháp, trí tuệ đi đầu. Tại sao Như Lai có khi vì chúng sinh mà khen ngợi các Ba-la-mật như Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, Từ, Bi, Hỷ, Xả? Bởi từng mỗi pháp này thì không thể đắc Vô thượng Bồ-đề.

Lúc đó, Bồ-tát Trí Thủ nói kệ đáp:

Khó biết mà biết được
Tùy thuận tâm chúng sinh
Ý nghĩa Phật tử hỏi
Hãy nghe tôi trình bày.
Các Đạo Sư quá khứ
Hiện tại và tương lai
Chưa từng dùng một pháp
Mà thành đạo Vô thượng.
Như Lai biết căn cơ
Tu tập của chúng sinh
Nên tùy người đáng độ
Mà thuyết pháp tịnh diệu.
Keo kiệt, khen Bố thí
Phá giới, khen Trì giới
Sân hận, khen Nhẫn nhục
Biếng nhác, khen Tinh tấn
Ý loạn, khen Thiền định
Ngu si, khen Trí tuệ
Bất nhân, khen Từ mẫn
Giận hại, khen đại Bi
Buồn rầu, khen Hoan hỷ
Yêu, ghét thì khen Xả
Ai tu tập như vậy
Tuần tự hiểu các pháp.
Cũng như xây cung điện
Làm móng phải kiên cố
Thí, Giới cũng như vậy
Hạnh gốc của Bồ-tát,
Cũng như thành kiên cố
Phòng vệ các quân địch
Nhẫn, Tinh tấn cũng vậy
Bảo hộ các Bồ-tát,
Cũng như vua Đại Lực
Uy đức định thiên hạ
Thiền, Trí cũng như vậy
An ổn các Bồ-tát,
Cũng như vua Chuyển luân
Hưởng thụ tất cả lạc
Như Từ, Bi, Hỷ, Xả
An lạc các Bồ-tát.

Bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi hỏi Bồ-tát Hiền Thủ:

–Này Phật tử! Tất cả chư Phật chỉ nhờ một thừa mà ra khỏi sinh tử. Tại sao hiện nay thấy các cõi Phật, các sự việc không giống nhau?

Đó là thế giới, chúng sinh, thuyết pháp, giáo hóa, tuổi thọ, hào quang, thần lực, chúng hội, Phật pháp, pháp trụ? Tất cả các việc này đều không giống nhau, nhưng cũng đều đầy đủ tất cả Phật pháp để thành tựu Vô thượng Bồ-đề?

Lúc đó, Bồ-tát Hiền Thủ nói kệ đáp:

Văn-thù, pháp là vậy
Pháp vương chỉ một pháp
Tất cả Bậc Vô Ngại
Một đường thoát sinh tử.
Tất cả thân chư Phật
Chỉ có một Pháp thân
Một tâm, một trí tuệ
Lực, Vô úy cũng vậy.
Tùy bản hạnh chúng sinh
Cầu Vô thượng Bồ-đề
Cõi Phật và chúng hội
Thuyết pháp đều bất đồng.
Tất cả các cõi Phật
Đều nghiêm tịnh bình đẳng
Chúng sinh vì khác nghiệp
Nên thấy chẳng giống nhau.
Chư Phật và Phật pháp
Chúng sinh khó thấy được
Cõi Phật và Pháp thân
Thuyết pháp cũng như vậy.
Bản hạnh rộng thanh tịnh
Đầy đủ tất cả nguyện
Người nào thấy chân thật
Là người biết thông suốt.
Tùy ý muốn chúng sinh
Các nghiệp và quả báo
Đều cho thấy Chân đế
Do Phật lực tự tại
Tướng cõi Phật như nhau
Như Lai không yêu ghét
Tùy nghiệp của chúng sinh
Mà thấy có như vậy.
Chẳng phải tất cả Phật
Hay Đạo Sư có lỗi
Vô lượng các thế giới
Hiển bày chẳng giống nhau,
Tất cả các thế giới
Ứng hiện theo giáo hóa
Thấy Bậc Hùng giữa đời
Pháp chư Phật là vậy.

Bấy giờ, các vị Bồ-tát ấy nói với Văn-thù-sư-lợi:

–Này Phật tử! Những điều chúng tôi hiểu, đã tuần tự nói ra. Nhân giả có biện tài thâm sâu, hãy tuần tự trình bày.

Thế nào là cảnh giới của Phật?
Thế nào là nhân của cảnh giới Phật?
Thế nào là sự nhập vào cảnh giới của Phật?
Thế nào là sự vượt qua cảnh giới Phật?
Thế nào là biết tùy thuận theo cảnh giới của Phật?
Thế nào là pháp tùy thuận cảnh giới của Phật?
Thế nào là biết phân biệt cảnh giới của Phật?
Thế nào là kiến thức về cảnh giới của Phật?
Thế nào là biết xác định về cảnh giới của Phật?
Thế nào là sự chiếu sáng của cảnh giới Phật?
Thế nào là sự rộng của cảnh giới Phật?

Lúc đó, Văn-thù-sư-lợi nói kệ đáp:

Cảnh giới của Như Lai
Rộng lớn như hư không
Chứa tất cả chúng sinh
Thật không có sự chứa.
Nhân cảnh giới của Phật
Chỉ Như Lai biết rõ
Cho đến vô lượng kiếp
Nói ra cũng chẳng biết.
Tùy thuận theo chúng sinh
Đi vào các thế gian
Trí tuệ thường tịch tĩnh
Không như thế gian thấy.
Độ thoát các chúng sinh
Tùy theo tâm trí họ
Thuyết giảng không cùng tận
Chỉ là cảnh giới Phật.
Nhất thiết trí của Phật
Ba đời không chướng ngại
Cảnh giới của chư Phật
Cũng đều như hư không.
Pháp giới không tướng khác
Nói thuận theo chúng sinh
Nếu muốn phân biệt đủ
Chỉ cảnh giới của Phật.
Tất cả các thế gian
Vô số các âm thanh
Tùy lúc đều hiện rõ
Kỳ thật không phân biệt,
Chẳng phải biết của thức
Chẳng phải cảnh giới tâm
Tự tánh chân thanh tịnh
Chỉ dẫn các chúng sinh.
Chẳng nghiệp chẳng phiền não
Tịch diệt không sự trú
Vô minh không sự hành
Bình đẳng đi trong đời,
Tất cả tâm chúng sinh
Ở trong cả ba đời
Như Lai trong một niệm
Đều hiểu rõ tất cả.

Khi ấy, nhờ thần lực của Phật, tất cả chúng sinh trong thế giới Ta-bà thấy chúng sinh trong thế giới của Phật này sự hành theo pháp, hành theo nghiệp, hành theo thế gian, hành theo thân, theo căn tánh, tùy theo quả báo, tùy chỗ sinh ra, quả báo trì giới, phá giới, thuyết pháp. Họ thấy tất cả sự việc hiện ra trong thế gian.

Như vậy, ở phương Đông trăm ngàn ức thế giới không thể lường, không thể đếm, không thể nghĩ bàn, không thể nêu ra, vô cùng vô biên, không hạn lượng, không thể nêu bày tất cả các thế giới cùng tận hư không pháp giới…, cho đến tất cả đều thấy rõ về quả báo thuyết pháp…

Các phương Nam, tây, Bắc, bốn góc, trên, dưới cũng vậy.