PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA BỒ-TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP KINH
Hán dịch: Tam tạng Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 5: TỪ BI HỶ XẢ

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Chư Phật Thế Tôn xét biết Bồ-tát trụ tín ấy là bậc Pháp khí, có khả năng nắm giữ chánh pháp Bồ-tát tạng, là pháp khí của chư Phật. Biết như vậy rồi, Thế Tôn liền đến nơi ấy, tùy căn cơ thích ứng nói pháp Bồ-đề. Này Xá-lợi Tử! Vì lý do đó cho nên biết Bồ-tát trụ tín là đại pháp khí. Này Xá-lợi Tử! Ta nhớ đời quá khứ, ở kiếp a-tăng-kỳ, lại quá vô lượng vô số atăng-kỳ kiếp chẳng thể nghĩ bàn, lúc đó có Đức Phật xuất hiện thế gian, với danh hiệu là Đại Uẩn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật ấy ở trong thế gian, Trời, Người, A-tu-la, Sa-môn, Bà-lamôn, các đại chúng, tự dùng thông lực chứng quả Thánh viên mãn, tuyên nói chánh pháp cho đại chúng; đầu, giữa, cuối đều thiện, văn nghĩa sâu xa, thuần nhất không xen tạp, tướng viên mãn phạm hạnh thanh tịnh.

Này Xá-lợi Tử! Đức Đại Uẩn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác có bảy mươi hai na-do-đa đại chúng Thanh văn. Trong các chúng hội đều là A-la-hán, đã dứt sạch các lậu, không còn phiền não, tâm được tự tại, đã đến bờ giác. Lúc đó, có nước tên là Tối thắng tràng, có đại quốc vương tên là Tối Thắng Thọ, đem chánh pháp trị hóa nhân dân, quốc độ rộng lớn, giàu có sung sướng an ổn, nhân dân đông đúc. Vua ấy có con tên là Tinh Tấn Hạnh, sắc tướng đoan nghiêm, ai cũng muốn ngắm nhìn. Thái tử này đời trước đã trồng căn lành, từng thân cận trăm ngàn na-do-tha câu-chi chư Phật, cung kính cúng dường.

Lúc đó, thái tử cùng với các quan trong dòng tộc nghỉ ở một vườn lớn đẹp đẽ. Khi ấy, đức Đại Uẩn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác biết thái tử Tinh Tấn Hạnh là pháp khí của Phật, có khả năng nắm giữ chánh pháp Bồ-tát tạng. Biết như vậy rồi, Thế Tôn liền đến vườn ấy, đến rồi, nhưng lại ở trên hư không nói pháp Bồ-đề đạo cho thái tử. Đức Phật Đại Uẩn bảo:

–Này thái tử! Pháp này sao gọi là Bồ-đề đạo? Nghĩa là, đối với chúng sinh khởi Từ ba-la-mật-đa, tùy chuyển nhiếp pháp. Đây gọi là Bồ-đề đạo.

Sao gọi là đối với chúng sinh khởi Từ ba-la-mật-đa? Này thái tử! Bồ-tát đối với chúng sinh giới hành Từ rộng lớn, chúng sinh giới ấy như hư không giới. Ví như hư không rộng lớn thênh thang, tâm Từ của Bồ-tát cũng lại như vậy, đối với chúng sinh giới và chúng sinh tự tâm đại Từ bao trùm tất cả.

Thái tử nên biết! Như chúng sinh giới không có hạn lượng, từ quán của Bồ-tát cũng như vậy. Lại như hư không không có biên tế, chúng sinh giới cũng không có biên tế. Do chúng sinh không có biên tế, cho nên tâm Từ cũng không có biên tế.

Thái tử nên biết! Số chúng sinh giới ấy rất nhiều, không đồng địa giới, thủy giới, phong giới. Nay ta nói thí dụ để làm sáng tỏ nghĩa này và cũng rõ được chúng sinh giới nhiều vô lượng.

Này thái tử! Ví như phương Đông hằng hà sa số các thế giới, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía, trên dưới khắp cả mười phương hằng hà sa số các thế giới, nhưng tất cả đều cùng một biển cả, nước lớn đầy tràn cùng một nguồn nước. Các chúng sinh tụ trong mười phương hằng hà sa số các thế giới, đem một sợi lông chẻ thành trăm phần, rồi lấy một phần chấm lấy một giọt nước. Cứ lại như trước số lượng chúng sinh hằng hà sa số, lấy một đầu sợi lông trong nửa trăm phần chấm lấy giọt nước.

Lại nữa, như trước hằng hà sa số chúng sinh, lại chẻ sợi lông ra nửa trăm phần cho đến như đầu sợi lông kia. Này thái tử! Như trước đã noi, đại thủy uẩn, dùng phương tiện tính đếm không thể so sánh số chúng sinh giới vô lượng vô biên. Vì chúng sinh giới vô lượng vô biên, cho nên tâm Từ của Bồ-tát cũng lại như vậy.

Này thái tử! Ý thái tử nghĩ sao? Có thể biết được thiện căn từ quán của Bồ-tát không?

Thái tử thưa:

–Không thể biết, thưa Thế Tôn! Không thể biết, thưa Thiện Thệ!

Đức Phật Đại Uẩn bảo:

–Này thái tử! Thiện căn từ quán của Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Lại nữa, này thái tử! Từ tâm có khả năng hộ vệ chính mình và làm lợi ích cho người khác. Do có lòng từ cho nên không sân hận đối với người khác, cũng không biết mệt mỏi, lìa các giận dữ, dứt mọi lỗi lầm, không thấy trái thuận, biểu hiện thanh tịnh, diệt mọi cấu uế; thân, miệng, tâm thường sinh niềm vui vi diệu, trừ bỏ tạp nhiễm, dứt mọi sợ hãi, khéo phòng hộ nhue ác, khởi ý thanh tịnh, diệt mọi đấu tranh, không cầm dao gậy, hướng đến giải thoát, lìa các tổn hại, xa lìa mọi tâm ý quanh co, từ cú tạp loạn, lời lẽ hư dối, nuôi dưỡng thân mạng bằng tài lợi tốt đẹp, thường được Đế Thích, Phạm vương cung kính, oai đức trang nghiêm, bậc trí khen ngợi, bảo hộ các người ngu, hộ trì phạm hạnh, không nhiễm trước dục giới, phát sinh tất cả đường giải thoát và khéo nhiếp thọ, không ham thích phước hạnh hữu vi, cũng không tích tập tất cả phước hạnh hữu vi tối thắng, nhưng lại thường tăng trưởng trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, trừ bỏ tất cả các căn yếu kém khuyết tật, hướng thẳng đến nẻo thiện Niết-bàn. Phải nhanh chóng chấm dứt tất cả nẻo ác, tự vui với tất cả pháp ái, không nhiễm trước mọi thọ dụng dục lạc giàu sang sung sướng vui thích của vương vị. Đối với các chúng sinh khởi tâm bình đẳng thường hành bố thí, lìa các tưởng tà vạy sai khác, tùy thuận tu tập tất cả giới học, khéo bảo hộ cho những người hủy giới, hiện sức nhẫn nhục xa lìa ác ma và các việc kiêu mạn, siêng năng tinh tấn, chánh hạnh xuất ly, thiền định giải thoát đẳng trì đẳng chí, dùng tâm quyết định cầu xuất ly phiền não căn bản, thắng tuệ tịnh nhân phát sinh tất cả từ văn tổng trì, tự phần tha phần đều không trái nghịch xâm hại, dứt trừ tất cả phiền não ma; đi, đứng, nằm, ngồi tăng trưởng tất cả niềm vui vi diệu hòa hợp, trừ khử tất cả tự tánh bất thiện và các tác ý, luôn luôn trang sức bằng hương thơm tàm quý, tiêu diệt tất cả ác thú chướng nạn và các phiền não, thường khởi tâm Từ, cưu hộ thế gian, dùng tâm đại Bi bỏ đi cái vui ích kỷ riêng mình mà phải vui theo cái vui của người khác.

Lại nữa, này thái tử! Các vị Thanh văn khởi tâm Từ chỉ vì lợi ích cho riêng mình. Tâm từ của Bồ-tát thường lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Lại nữa, nên biết Bồ-tát mới phát tâm thực hành chúng sinh duyên từ, tu hành hạnh Bồ-tát pháp duyên từ, được hạnh nhẫn, Bồtát vô duyên từ.

Này thái tử! Như trên đã nói đều là Đại Bồ-tát tu đại Từ tâm. Nếu các Bồ-tát trụ tâm Từ thì có khả năng hành tâm Từ rộng lớn đối với chúng sinh.

*********

Lại nữa, Đức Đại Uẩn Như Lai bảo thái tử Tinh Tấn Hạnh:

–Sao gọi là tâm đại Bi của Bồ-tát? Là vì khi Bồ-tát cầu quả Chánh đẳng Chánh giác với tâm đại Bi là trước nhất. Thí như sĩ phu có mạng căn là lấy hơi thở ra vào là trước hết. Bồ-tát tích tập Đại thừa lấy tâm đại Bi làm đầu cũng lại như vậy. Lại như Chuyển luân thánh vương dùng luân bảo là trước hết thì mới có thể được các báu khác. Bồ-tát viên mãn lấy đại Bi làm đầu thì mới có khả năng đạt được tất cả pháp Phật. Vì thế nên biết, Bồ-tát đại Bi không bao giờ rời bỏ tất cả chúng sinh.

Lại nữa, này thái tử! Sao gọi là Bồ-tát chuyển tâm đại Bi đối với chúng sinh? Vì Bồ-tát quán thấy tất cả chúng sinh ở thế gian chấp chặt vào các hữu thân kiến. Không những thế, lại còn bám theo các kiến rồi bị nó trói buộc. Bồ-tát vì nói pháp đoạn trừ chấp trước, cho nên đối với chúng sinh chuyển tâm đại Bi.

Lại nưa, Bồ-tát quán thấy tất cả chúng sinh ở thế gian sống trong điên đảo, vô thường lại tưởng là thường, khổ tưởng là vui, vô ngã tưởng là ngã, bất tịnh tưởng là tịnh. Bồ-tát vì nói pháp đoạn trừ điên đảo, cho nên đối với các chúng sinh chuyển tâm đại Bi.

Lại nữa, các Bồ-tát quán thấy các chúng sinh ở thế gian điên đảo, chấp trước các việc nhiễm dục, đối với mẹ và các chị em lại khởi tâm tham nhiễm. Bồ-tát suy nghĩ như vầy: “Quái thay! Chúng sinh tội nghiệp thế gian ái trước cảnh dục, không phải việc làm của bậc Thánh, tà hạnh lan tràn, nguyên do đầu thai vào thai mẹ, sau mẹ sinh ra, sao hôm nay trở lại sinh dục ý, chị em cùng thể đồng sinh

một thai mẹ lẽ nào vì nhiễm duyên mà cùng hòa hợp? Hoại cực phá hoại, tối cực phá hoại; tham, sân, si nổi lên phá hoại thân tâm, vô trí phá hoại hủy diệt chánh pháp, kiến lập phi pháp, thực hành pháp hiểm nạn, rơi vào cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.”

Ví như đêm tối, bầy chồn đi vào nghĩa địa, khởi tướng hung ác, tìm kiếm thức ăn. Chúng sinh thế gian nhiễm trước điên đảo cũng lại như vậy.

Ví như người mù ở thế gian, không thấy được các sắc tướng rơi vào đường hiểm ác. Chúng sinh nhiễm trước cũng lại như vậy.

Ví như bầy heo ăn các thức ăn bất tịnh dư thừa. Chúng sinh nhiễm trước cũng lại như vậy. Vì nhiễm duyên điên đảo, nên bị ô nhiễm làm hại, rơi vào cảnh giới ma, bị dây ma trói buộc, rơi vào bùn dục. Bồ-tát vì nói pháp đoạn trừ nhiễm ái, nên khởi tâm đại Bi đối với chúng sinh.

Lại nữa, Bồ-tát quán thấy tất cả chúng sinh ở thế gian bị năm triền cái che lấp, tên dục bắn vào, đắm trước các cảnh, mắt thấy sắc rồi đắm trước vào cảnh ái, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, tùy theo cảm hứng yêu thích mà sinh ra chấp trước. Khổ thay! Chúng sinh làm tổn hại quá lắm, gần gũi bạn ác, mưu cầu tài lợi lẫn nhau, nhận thức theo lối của bạn ác, được cái lợi vô nghĩa, làm tổn hại khổ não cho nhau, chứa đầy ác pháp hôn trầm, thùy miên, biếng nhác, mê muội, vô trí cứ đuổi mãi theo các việc làm ác. Các chúng sinh này là khách trần phiền não, làm nhiễm ô tâm, khởi các nghi hoặc; các chúng sinh này nhất định không thể được pháp Phật thậm thâm tối thượng, Bồ-tát vì thế mà nói pháp để đoạn trừ ngăn che. Đây là Bồ-tát chuyển tâm đại Bi đối với chúng sinh.

Lại nữa, Bồ-tát quán thấy tất cả chúng sinh thế gian khởi tâm kiêu mạn như: Mạn, quá mạn, mạn quá mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, ty mạn, tà mạn. Đó là bảy mạn:

  1. Đối với thấp kém mà chấp là tối thắng.
  2. Đối với tối thắng mà chấp là bằng.
  3. Đối với tối thắng chấp là tối thắng.
  4. Nương cậy chấp ngã.
  5. Chấp mình nhiều đức, đối với pháp công đức tăng thượng khởi tâm kiêu mạn.
  6. Chấp người khác không bằng mình.
  7. Cho mình có đức.

Vì tâm kiêu mạn, cho nên việc đáng xưng tán lại không xứng tán, đáng được đảnh lễ cung phụng lại không lễ phụng, không kính bậc Lão túc, không ghi nhận những gì Tôn sư dạy, không thỉnh hỏi bậc Trí giả về cái gì là thiện, cái gì là bất thiện, nên thân cận ai và không nên thân cận ai, điều nào nên làm và điều nào không nên làm, viec nào có tội, việc nào không có tội, cái gì là chánh đạo, cái gì là Tam-ma-địa, cái gì là giải thoát. Các pháp như vậy không chịu thỉnh hỏi. Bồ-tát vì nói pháp đoạn trừ tất cả ma chướng, cho đến chuyển tâm đại Bi đối với chúng sinh.

Lại nữa, Bồ-tát quán thấy tất cả chúng sinh ở thế gian bị dây ái trói buộc, tham ái đắm vào trai, gái, thê thiếp, tài lợi. Vì tham ái cho nên đắm vào ba đường ác hiểm nạn sinh tử ba cõi trói buộc, câu thúc thân tâm, không được tự tại. Do không tự tại, cho nên tạo ra các tội nghiệp. Bồ-tát vì muốn khiến chúng sinh đều hướng đến Thánh đạo Niết-bàn nên nói chánh pháp. Đó là Bồ-tát chuyển tâm đại Bi đối với chúng sinh.

Lại nữa, Bồ-tát quán thấy tất cả chúng sinh ở thế gian, xa lìa Thiện tri thức, gần gũi ác tri thức. Do gần ác, cho nên nhiễm trước mười pháp bất thiện. Đó là sát sinh, trộm cắp, tà nhiễm, nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, tham dục, sân nhuế, tà kiến. Bồtát muốn khiến tất cả chúng sinh được Thiện tri thức nhiếp thọ, dứt trừ tất cả nghiệp bất thiện, tích tập mười thiện nghiệp thanh tịnh, tuyên nói chánh pháp. Đó là Bồ-tát chuyển tâm đại Bi đối với chúng sinh.

Lại nữa, Bồ-tát quán thấy tất cả chúng sinh ở thế gian bị si che lấp, vô minh đen tối luôn theo đuổi, chấp trước ngã, nhân, chúng sinh thọ giả, Bổ-đắc-già-la, tác giả, thọ giả, ngã, ngã sở. Bồ-tát vì muốn khiến tất cả chúng sinh như vậy được tuệ nhãn thanh tịnh, đoạn diệt các kiến, nên tuyên nói chánh pháp. Đó là Bồ-tát chuyển tâm đại Bi đối với tất cả chúng sinh.

Lại nữa, Bồ-tát quán thấy tất cả chúng sinh ở thế gian, chìm đắm sinh tử không thể giải thoát, thường bị năm uẩn giết hại. Bồ-tát vì khiến giải thoát năm uẩn, vượt khỏi đồng hoang hiểm nạn luân hồi, thoát khỏi ba cõi, tuyên nói chánh pháp. Đó là Bồ-tát chuyển tâm đại Bi đối với chúng sinh.

Lại nữa, Bồ-tát quán thấy tất cả chúng sinh trong thế gian, làm các việc bất thiện, như cây gai nhọn, tuy có mọc nhưng không ai dùng. Chúng sinh tạo nghiệp bất thiện cũng lại như vậy, đời này, đời khác luân hồi năm nẻo, không thể thuận hướng đến Thánh đạo Niếtbàn. Bồ-tát vì muốn mở cửa Niết-bàn để chúng sinh bước vào, cho nên tuyên nói chánh pháp. Đó là Bo-tát chuyển tâm đại Bi đối với chúng sinh.

Lại nữa, này thái tử! Bồ-tát quán sát chúng sinh trong thế gian như vậy, nên dùng mười tướng chuyển tâm đại Bi:

  1. Tâm không dối trá chuyển, xuất ly hư dối trống rỗng.
  2. Tâm sâu xa, kiên cố chuyển, có khả năng xuất ly.
  3. Thần thông không hư dối chuyển, chánh đạo xuất ly.
  4. Tâm không quanh co chuyển, chấm dứt các tâm quanh co khéo xuất ly.
  5. Tâm chân thật chuyển, đối với các chúng sinh đều không cao thấp bình đẳng xuất ly.
  6. Tùy hộ tha chuyển, tự tâm thanh tịnh khéo xuất ly.
  7. Tâm tuệ kiên cố chuyển, lìa tâm động tĩnh, luôn luôn an trụ khéo xuất ly.
  8. Xả bỏ cái vui riêng mình chuyển, xuất ly đắm trước.
  9. Vui với cái vui người khác chuyển, lợi tha xuất ly.
  10. Gánh vác sự nặng nhọc của chúng sinh chuyển, tinh tấn kiên cố khéo xuất ly.

Đại Bồ-tát đem mười tướng thù thắng như vậy chuyển tâm đại Bi đối với chúng sinh. Hoặc có chúng sinh đáng dùng pháp Đại thừa để được xuất ly Bồ-tát liền khởi tâm đại Bi vì độ xuất ly. Đây là đại Bi của Bồ-tát.

Lại nữa, nếu có chúng sinh đáng dùng pháp tu Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Tuệ thù thắng, Bồ-tát liền khởi tâm đại Bi tùy theo trình độ thích ứng mà độ xuất ly. Đó là đại Bi của Bồ-tát.

Lại nữa, nếu có chúng sinh đáng dùng tu Niệm xứ, Chánh cần, Thần túc, Căn, Lực, Giác, Đạo, hoan hỷ, căn bản, sự nghiệp tối thắng, kế đến là các định, cho đến mười thiện nghiệp đạo chương cú rộng lớn. Bồ-tát tùy theo trình độ thích ứng mà chuyển, từ tâm đại Bi khởi trí tự nhiên của Phật, ăn uống là vì để nuôi dưỡng tuệ mạng. Đó là đại Bi của Bồ-tát.

Lại nữa, Bồ-tát từ nơi các việc làm cực thiện mà khởi tâm đại Bi, tùy các chúng sinh nên làm việc gì, tất cả Bồ-tát đều nhắm vào làm sao cho chúng sinh được ý vui trọn vẹn. Đó là đại Bi cua Bồ-tát.

Nếu các Bồ-tát đầy đủ tâm đại Bi như vậy thì có khả năng quán sát chúng sinh, đều khiến được các pháp như vậy. Đây là Bồtát khởi tâm đại Bi suy nghĩ thương nhớ chúng sinh.

Lại nữa, này thái tử! Sao gọi là Hỷ tâm của Bồ-tát? Là vì Bồtát đối với các thiện pháp tùy theo suy nghĩ hoan hỷ vui thích, nghe các pháp thiện không kinh sợ, không sinh mệt mỏi, trừ khử tất cả tâm sai khác an nhiên hâm mộ tất cả pháp lạc, tâm vui ve, thân tùy thuận, tự tâm thanh tịnh, ý sinh hoan hỷ, thấy được thân tướng tốt đẹp trang nghiêm của Như Lai, cần cầu ái mộ, càng tăng vui vẻ, nghe pháp không chán, y pháp tu hành, hoan hỷ vui thích, hoan hỷ nhẫn chịu những lơi ác độc đưa đến. Từ đó sinh khởi các pháp hoan hỷ, khởi tâm vô ngại đối với tất cả chúng sinh, tuyên nói triển khai để mọi người được hiểu, không có tâm keo kiệt, nhiếp phục xan lận, tùy người mong cầu mà hoan hỷ bố thí, nét mặt luôn vui vẻ, nhiếp hộ người hủy giới, tôn kính người trì giới, thường sinh thanh tịnh, tự tu hành được thanh tịnh rồi, vượt khỏi mọi sợ hãi ác thú, hoan hỷ an ủi tất cả chúng sinh, hoan hỷ nhẫn chịu những lời ac độc quấy nhiễu. Khi Bồ-tát bố thí mắt và các chi tiết trên thân phần nên sinh hoan hỷ cam nhận, tâm không gián đoạn, luôn sinh vui thích, khởi tâm hoan hỷ; tôn kính sư trưởng, tôn trọng kỷ linh, không sinh khinh mạn, mặt luôn vui vẻ và nở nụ cười trước khi muốn nói điều gì, lìa mọi tâm ý quanh co ganh ghét, hoan hỷ trừ khử lời lẽ tạp loạn, hỷ tâm vui thích các pháp xuất ly; cung kính Tôn sư như cung kính các vị Bồ-tát, kính trọng chánh pháp cũng như bảo hộ thân mình, tôn trọng cung phụng Như Lai như tiếc mạng mình, vâng giữ sư phạm như là cha mẹ, thương nhớ tất cả chúng sinh như con đẻ, tuân theo phép tắc như bảo hộ tròng mắt, tôn kính người tu hành như bảo hộ đảnh đầu, tin thọ các Ba-la-mật-đa như tay chân kiên cố, lập lại lời của Pháp sư như thích báu vi diệu, cần cầu chánh pháp như trọng thuốc hay, tán thán cung phụng y vương như nước trên đầu nguồn.

Này thái tử! Như vậy là ta đã nói tâm Hỷ của Bồ-tát. Nếu Đại Bồ-tát trụ tâm Hỷ, thì lúc nào cũng được hoan hỷ, cần cầu chánh pháp chưa từng mệt mỏi, khởi tâm hoan hỷ tu hạnh Bồ-tát.

Lại nữa, này thái tử! Sao gọi là tâm Xả của Bồ-tát? Xa có ba thứ:

  1. Xả phiền não.
  2. Xả tự tha tùy hộ.
  3. Xả thời tùy thời.

Sao gọi là xả phiền não? Là cung kính không cao, cung kính không thấp, được lợi không lãnh nạp, mất lợi không nổi cáu, thấy người trì giới và người hủy giới tâm luôn bình đẳng, được khen không mừng, bị chê không giận, an nhiên trước mọi sỉ nhục, không lay động trước lời tán dương, đối với các pháp khổ khéo biết lực chọn, đối với các pháp vui thường hay suy xét, không đắm trước tùy thuận, không đoạn trái nghịch tàn hại, đối với bạn tốt bạn xấu luôn giữ tâm bình đẳng, đối với người làm thiện làm ác lại cũng không hai, đối với cảnh thích không thích bình đẳng mà xả, đa văn vô văn đều không lãnh thọ, nói thiện nói ác đều không trái thuận, an ủi, hay lỗi lầm cả hai đều bình đẳng, tâm bình đẳng thương nhớ tự, tha chúng sinh không tiếc thân mạng; đối với tất cả chúng sinh thượng, trung, hạ đều chiếu sáng bình đẳng, đối với tướng đẹp xấu đều trụ pháp bình đẳng, đối với chơn vọng tự thật thanh tịnh.

Này thái tử! Như vậy là ta đã nói Bồ-tát không có phân biệt chủng loại, xả tâm thanh tịnh. Đó là xả các phiền não.

Sao gọi là tự tha tùy hộ xả? Nghĩa là khi Bồ-tát cắt thịt thân mình bố thí cho người khác thì luôn trụ xả tâm, không có sự mong cầu, thân không làm gì khác, miệng không nói gì khác, không bao giờ lay động, không nhãn tướng, không sắc tướng, cho đến không có ý tướng, không có pháp tướng, tất cả đều không lay động, đây gọi là xả. Làm ác không thể hại cũng gọi là xả, làm thiện không lay động cũng gọi là xả, tự tha đều nhẫn cũng gọi là xả, trụ tâm bình đẳng trước việc nhiêu ích và không nhiêu ích cũng gọi là xả, không có các việc tranh cãi, đây là xả tối thượng. Tự tâm quyết định cũng gọi là xả, suy xét mình, người đều không bị hại. Bồ-tát trụ tâm thiền định mà hành xả. Nhưng hành xả của Bồ-tát không giống với pháp hành xả của Như Lai. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát đối với pháp xả ấy hiện tiền biết rõ, luôn luôn tu tập thực hành, đối với các thiện pháp luôn cần cầu, biết thời tùy thời mà hành xả.

Sao gọi là thời tùy thời xả? Nghĩa là, Bồ-tát quán thấy chúng sinh không phải là pháp khí, là kẻ vô văn, xả trụ tâm xả. Lại đối với suy, hủy, cơ, khổ, tất cả chúng sinh cũng trụ xả tam. Lại đối với pháp Thanh văn thừa quyết định vượt qua, vượt nhưng xả. Khi bố thí, hành trì giới xả; khi nhẫn nhục, hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn xả; lúc tinh tấn, hành trì giới xả; lúc thiền định hành bố thí xả, đối với trí tuệ, hành năm Ba-la-mật-đa, đều viên mãn xả. Đây gọi là thời tùy thời xả. Các việc nên làm và không nên làm, tất cả pháp đó đều trụ bình đẳng cũng gọi là xả. Các Đại Bồ-tát trụ xả hạnh, cho đến đối với các thiện pháp cũng đều gọi là xả.

Này thái tử! Các điều đã nói trên đều gọi là Đại Bồ-tát đối với tất cả chúng sinh khởi tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Khi ấy, Đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni Như Lai bảo Xá-lợi Tử:

–Lúc Đại Uẩn Như Lai nói pháp Từ, Bi, Hỷ, Xả cho thái tử Tinh Tấn Hạnh rồi, lại nói sáu Ba-la-mật-đa như: Bố thí ba-la-mậtđa, Trì giới ba-la-mật-đa, Nhẫn nhục ba-la-mật-đa, Tinh tấn ba-lamật-đa, Thiền định ba-la-mật-đa, Thắng tuệ ba-la-mật-đa. Đức Đại Uẩn Như Lai nói sáu Ba-la-mật-đa này khiến thái tử Tinh Tấn Hạnh siêng năng tinh tấn như lý tu hành.