LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 5: THÔNG HẠNH

Thuở ấy, Đức Bạc-già-phạm trú nơi vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với chúng Bí-sô: Có bốn thứ Thông hạnh. Bốn thứ đó là gì? Đó là:

  1. Khổ trì thông hạnh.
  2. Khổ tốc thông hạnh.
  3. Lạc trì thông hạnh.
  4. Lạc tốc thông hạnh.

– Thế nào là khổ trì thông hạnh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói, có nhiều vị Bí-sô thủ chấp năm uẩn nên đã gây ra bao nhiêu sự nhục nhã, gây hại, chê bai. Do nhân tố đó mà thủ chấp năm uẩn càng bức bách ép ngặt trói chặt giống như bị mang một cái ách hết sức nặng nề. Mãi cho đến lúc chết thì cái ách ấy vẫn đeo đẳng mãi không thôi. Vậy phải đối với thủ chấp năm uẩn đó, hãy nên chán sợ thật sâu xa, phải luôn chê trách chống cự kịch liệt…, thì sẽ sinh chán sợ, chê bai, chống cự trái nghịch lại với năm uẩn.

Ở đây gọi là khổ, là do điều này mà có sự mê mờ đần độn yếu kém đối với năm căn tín y. Vì có năm căn mê mờ đần độn yếu kém, nên đã làm chậm lại việc chứng đắc quả lậu tận vô thượng.

Nói là trì (chậm chạp) tức là không nhanh chóng mau lẹ dễ dàng, không nhanh chóng được chứng đắc.

Nói vô thượng, như Thế Tôn đã nói, đối với các pháp hữu vi và vô vi, Ta nói việc lìa nhiễm là cần thiết bậc nhất, rất đáng tôn đáng quý, cao tột bậc nhất. Đối với pháp vô thượng, có thể được, theo đó mà được, hay tiếp được tất cả những cái cần tiếp xúc và có khả năng chứng được bằng chính mình, nên gọi là chứng đắc.

Nói lậu tận, lậu tức là ba thứ lậu: Dục, hữu và vô minh. Đối với ba lậu đó đã có thể đoạn dứt, thật hết, đều hết, hết khắp, hết vĩnh viễn, diệt hết một cách toàn vẹn, nên nói là lậu tận.

Nói thông hạnh, tức là hạnh này vượt thoát một cách mạnh mẽ nhanh chóng, siêng năng cần mẫn, ham muốn cao độ, đối với bốn Thánh đế mà tu hạnh hiện rõ quán. Đối với các quả vị Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán thì tu hạnh chứng lấy. Đối với tham sân si kiêu mạn, cấu bẩn lỗi lầm v.v…, thì tu hạnh vĩnh đoạn tất cả. Do rất cung kính an trụ, ân cần, trân trọng suy nghĩ, khắp nhiếp các thứ tâm sở xong rồi, do nhân tố đó, môn đó, lý đó, tướng đó mà tu hạnh thông đạt. Thế nên gọi là khổ trì thông hạnh. Lại làm hạnh đó, thì đối với nghĩa mong cầu, do tu tập càng tu tập nhiều hơn, nên hay được tùy theo mà được, tiếp xúc với mọi tiếp xúc, giỏi chứng được bằng chính mình. Đó gọi là khổ trì thông hạnh. Lại hạnh như thế, do lời thêm lời, do tưởng đều tưởng, đặt ra mà nói là khổ trì thông hạnh. Thế nên nói là khổ trì thông hạnh.

– Thế nào là khổ tốc thông hạnh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Có các Bí-sô do thủ chấp năm uẩn đã gây bao nhiêu nhục nhã, gây hại, chê bai. Do nhân tố đó mà năm uẩn càng bức bách, ép ngặt, trói chặt giống như phải mang một cái ách hết sức nặng nề. Cho đến lúc chết, cái ách ấy vẫn đeo đẳng mãi không thôi. Vậy đối với năm uẩn đó, hãy nên chán sợ thật sâu xa, phải luôn chê trách chống cự kịch liệt…, thì sẽ sinh chán sợ chê bai, chống cự trái nghịch lại với năm uẩn. Ở đây gọi là khổ, là do điều này liền có sự sáng suốt lanh lợi, mạnh mẽ đầy tràn về năm căn như tín v.v… Với năm căn sáng suốt lanh lợi mạnh mẽ đầy đủ, cho nên khiến nhanh chóng chứng được lậu tận vô thượng.

Đây nói là mau (tốc). Tức là nhanh chóng mau lẹ dễ dàng có thể chứng đắc.

Nói vô thượng, như Thế Tôn có nói: Đối với các pháp hữu vi và vô vi, Ta nói việc lìa nhiễm là cần thiết bậc nhất, rất đáng tôn quý, cao tột bậc nhất. Đối với pháp vô thượng có thể được, theo đó mà được (tùy đắc), giỏi tiếp xúc với tất cả tiếp xúc, giỏi chứng được cái chính mình chứng, nên gọi là chứng đắc.

Nói lậu tận, lậu tức là ba thứ lậu: Dục, hữu, vô minh. Đối với ba lậu đó đã có thể đoạn dứt, thật hết, đều hết, khắp hết, hết vĩnh viễn, diệt hết một cách toàn vẹn, nên nói là lậu tận.

Nói thông hạnh, tức là hạnh này là vượt thoát một cách mạnh mẽ mau lẹ, siêng năng cần mẫn, ham muốn cao độ, đối với bốn Thánh đế mà tu hạnh hiện rõ quán. Đối với các quả vị Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán thì tu hạnh tác chứng. Đối với tham sân si, kiêu mạn, cấu bẩn lỗi lầm v.v…, thì tu hạnh đoạn dứt tất cả. Do rất cung kính an trụ, ân cần trân trọng suy nghĩ, khắp nhiếp các thứ tâm sở xong rồi, do nhân tố đó, môn đó, ý đó, tướng đó, mà tu hạnh thông đạt. Thế nên gọi là khổ tốc thông hạnh. Lại cái hạnh như thế, thì đối với ý nghĩa mong cầu do tu tập, càng tu tập nhiều hơn, nên hay được tùy theo mà được, tiếp xúc với mọi tiếp xúc, giỏi chứng được tác chứng. Thế nên gọi là khổ tốc thông hạnh. Lại hạnh như thế, do lời thêm lời, do tưởng đều tưởng, đặt ra mà nói là khổ tốc thông hạnh. Thế nên nói là khổ tốc thông hạnh.

– Thế nào gọi là lạc trì thông hạnh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Có nhiều vị Bí-sô đã lìa dục và các pháp xấu ác chẳng thiện, có tầm có tứ, ly sinh hỷ lạc. Bấy giờ an trụ đầy đủ vào bậc sơ thiền, tầm tứ đều dứt, bên trong tâm luôn một cõi an tịnh, định sinh hỷ lạc. Rồi an trụ đầy đủ vào nhị thiền, lìa mừng vui mà trụ vào buông xả, chánh niệm chánh tri, thân nhận được sự hoan lạc của Phật đã nói, niệm buông xả đầy đủ, trụ vào an lạc. Rồi an trụ đầy đủ vào bậc tam thiền, bấy giờ đã đoạn dứt khổ và vui, các sự mừng vui trước đây đều tiêu mất không còn khổ hay vui, niệm buông xả được thanh tịnh. Và an trụ đầy đủ vào tứ thiền. Bấy giờ người đó không còn nghĩ đến việc hại mình, hại người hay mình người đều bị tổn hại, mà nghĩ về việc làm lợi cho mình, lợi người, lợi cho tất cả mọi người trong nhiều đời, luôn đem lại niềm vui vẻ an lạc cho tất cả mọi người, luôn thương xót tất cả cõi thế gian mà làm những việc có ý nghĩa lợi ích an lạc cho hàng trời, người và không tổn hại cho tất cả.

Trong này gọi là lạc (vui), nghĩa là do điều này đã khởi lên, đã có sự mê muội đần độn, yếu kém về các tín, tấn, niệm, định, tuệ năm căn. Với năm căn mê muội đần độn yếu kém như thế, nên hay làm trì trệ chậm lại việc chứng được các lậu tận vô thượng.

Trì (chậm) nói ở đây, tức là không nhanh chóng mau lẹ dễ dàng, không nhanh chóng chứng đắc đạo quả.

Nói vô thượng, như Thế Tôn nói: Đối với các pháp hữu vi và vô vi thì Ta nói sự lìa nhiễm là cần thiết bậc nhất, rất đáng tôn quý, cao cả tột bậc. Đối với pháp vô thượng đều có thể được, tùy được, đều tiếp xúc với mọi tiếp xúc, có thể chứng được tác chứng, nên gọi là chứng đắc.

Nói lậu tận, lậu là ba lậu: Dục hữu, vô minh. Đối với ba thứ lậu đó thì đã đoạn dứt hết, thật hết, đều hết, khắp hết, hết vĩnh viễn, diệt hết một cách vẹn toàn. Nên gọi là lậu tận.

Nói thông hạnh, là với hạnh này thì vượt thoát mạnh mẽ siêng năng cần mẫn, ham muốn cao độ đối với bốn Thánh đế mà tu hạnh hiện rõ quán. Đối với các quả vị Bất hoàn, A-la-hán mà tu hành tác chứng. Đối với các thần thông tác chứng trí cảnh (trí biến hóa thần thông) và trí chứng thiên nhĩ thông, trí thần thông hiểu biết tâm ý khác nhau của mọi người (tha tâm thông), trí thông suốt nghĩ nhớ rõ ràng các đời kiếp quá khứ của mình và của mọi người, trí rõ biết thấu suốt mọi lẽ tử sinh, trí đã dứt trừ hết các lậu…, mà tu hành tác chứng. Đối với tham sân si kiêu mạn, cấu bẩn v.v…, đều tu hạnh đoạn dứt. Do rất mực cung kính, an trụ, ân cần trân trọng tư duy nên khắp nhiếp, làm chủ được mọi tâm sở. Do nhân tố đó, pháp môn đó, lý nghĩa đó, cái tướng đó mà tu hạnh thông đạt, nên gọi là Lạc trì thông hạnh. Lại với hạnh như thế, đối với ý nghĩa mong cầu do tu tập, tu tập càng nhiều hơn nên hay được, giỏi tùy được, giỏi tiếp xúc với mọi tiếp xúc, giỏi chứng được tác chứng. Do đó mà gọi là Lạc trì thông hạnh. Lại với hạnh như thế, do lời thêm lời, do tưởng đều tưởng, nên đặt ra mà nói là Lạc trì thông hạnh. Thế nên gọi là Lạc trì thông hạnh.

– Thế nào là Lạc tốc thông hạnh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói có nhiều vị Bí-sô đã lìa dục và các pháp xấu ác chẳng thiện, rộng nói cho đến đã nhập vào tứ thiền mà an trụ đầy đủ ở đấy. Bấy giờ người này không còn nghĩ đến việc làm tổn hại mình, hại người hay cả mình – người đều bị hại, mà luôn nghĩ đến việc làm lợi mình, lợi người, làm lợi cho tất cả mọi người trong nhiều đời, luôn đem lại niềm vui vẻ an lạc cho tất cả. Luôn thương xót cõi thế gian mà tạo các việc có nghĩa lý, ích lợi an lạc cho hàng trời, người và không tổn hại cho tất cả.

Lạc (vui) nói trong này, là từ đó mà khởi lên, sinh ra sự sáng suốt, lanh lợi mạnh mẽ đầy đủ về năm căn như tín v.v… Với năm căn sáng suốt lanh lợi mạnh mẽ đầy đủ đó, nên giúp nhanh chóng chứng được lậu tận vô thượng.

Nói nhanh chóng (tốc), nghĩa là nhanh chóng mau lẹ dễ dàng giúp cho chứng đắc mau lẹ.

Nói vô thượng, như Đức Thế Tôn nói: Đối với các pháp hữu vi và vô vi, Ta nói việc lìa nhiễm là cần thiết bậc nhất, đáng tôn quý nhất, cao tột nhất. Đối với pháp vô thượng thì hay được, tùy được, giỏi tiếp xúc với mọi tiếp xúc, giỏi chứng được tác chứng, nên gọi là chứng đắc.

Nói lậu tận, lậu tức là ba thứ lậu: Dục, hữu, vô minh. Đối với ba thứ lậu đó đều đã đoạn dứt hết, thật hết, đều hết, khắp hết, hết vĩnh viễn, đoạn trừ thật vẹn toàn.

Nói thông hạnh, nghĩa là với hạnh này, thì vượt thoát mạnh mẽ, siêng năng cần mẫn, ham muốn cao độ đối với bốn Thánh đế mà tu hạnh hiện rõ quán. Đối với các trí thần thông biến hóa mọi cảnh vật, trí thiên nhĩ thông (tai thần), trí hiểu biết sự sai khác của tâm mọi người (tha tâm thông), trí nhớ biết đầy đủ rõ ràng các đời quá khứ của mình và mọi người, trí thấu suốt mọi lẽ tử sinh, trí diệt trừ hết các lậu…, thì tu hành tác chứng. Đối với tham sân si, kiêu mạn, các cấu bẩn v.v…, thì tu hạnh đoạn trừ dứt hết. Vì rất mực cung kính, an trụ, ân cần trân trọng suy tư nên khắp nhiếp, làm chủ được mọi tâm sở. Do nhân tố đó, pháp môn đó, lý đó, tướng đó mà tu hạnh thông đạt, nên gọi là Lạc tốc thông hạnh. Lại với hạnh như thế, đối với ý nghĩa mong cầu, do tu tập và tu tập càng nhiều hơn nên hay được, giỏi tùy được, giỏi tiếp xúc với mọi tiếp xúc, giỏi chứng được tác chứng, nên gọi đó là lạc tốc thông hạnh. Lại với hạnh như thế, do lời thêm lời, tưởng đều tưởng nên đặt ra mà nói là lạc tốc thông hạnh. Thế nên gọi là Lạc tốc thông hạnh.

Ở đây, nếu đối với khổ trì thông hạnh mà tu tập càng nhiều hơn lên, thì có thể khiến khổ tốc thông hạnh nhanh chóng được viên mãn. Nếu đối với lạc trì thông hạnh, mà tu tập và càng tu tập nhiều hơn lên, thì có thể khiến cho lạc tốc thông hạnh mau được viên mãn. Lại nếu đối với khổ trì thông hạnh kia mà tu tập và càng tu tập nhiều hơn lên thì có thể khiến cho lạc trì thông hạnh mau được viên mãn. Và nếu đối với, khổ tốc thông hạnh mà tu tập, tu tập càng nhiều mãi, thì có thể khiến cho lạc tốc thông hạnh mau chóng được viên mãn.