KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Căn cứ vào bản dịch của Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, đời Tống
Sa-môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán và Cư sĩ Tạ Linh Vận sửa lại
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 5: THÂN KIM CƯƠNG

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Ca-diếp:

–Này thiện nam! Thân của Như Lai là thân thường trụ, thân chẳng hoại, thân kim cương, chẳng phải là thân tạp thực, tức là pháp thân.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như lời nói của Phật, những thân như vậy con đều chẳng thấy mà con chỉ thấy thân tạp thực, bụi đất, phá hoại vô thường v.v. Vì sao? Vì Như Lai hôm nay sẽ vào Niết-bàn.

Đức Phật bảo Ca-diếp:

–Ông nay chớ gọi thân Như Lai chẳng bền, có thể hoại như thân của phàm phu. Này thiện nam! Nay ông phải biết là thân của Như Lai vô lượng ức kiếp bền chắc khó hoại, chẳng phải thân của hàng người, trời, chẳng phải thân sợ hãi, chẳng phải thân tạp thực. Thân của Như Lai chẳng phải là thân, thân này chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng tập, chẳng tu, vô lượng vô biên, không có dấu chân, không biết, không hình, rốt ráo thanh tịnh, không có lay động, không thọ, không hành, chẳng trụ, chẳng tác, không mùi, không tạp, chẳng phải hữu vi, chẳng phải nghiệp, chẳng phải quả, chẳng phải hành, chẳng phải diệt, chẳng phải tâm, chẳng phải số, chẳng thể nghĩ bàn, thường trụ chẳng thể bàn, vô thức, lìa tâm, cũng chẳng lìa tâm. Tâm ấy bình đẳng không có, cũng có, không có đi lại mà cũng đi lại, chẳng phá, chẳng hoại, chẳng đoạn, chẳng tuyệt, chẳng sinh ra, chẳng diệt mất, chẳng chủ, cũng là chủ, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải giác, chẳng phải quán, chẳng phải chữ, chẳng phải chẳng chữ, chẳng phải định, chẳng phải chẳng định, chẳng thể thấy mà thấy tỏ rõ, không chỗ cũng có chỗ, không nhà cũng có nhà, không tối, không sáng, không có tịch tĩnh mà cũng tịch tĩnh, không sở hữu, chẳng thọ, chẳng thí, thanh tịnh vô cấu, không tranh, đoạn tranh, trụ không chỗ trụ, chẳng thủ, chẳng đọa, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp, chẳng phải phước điền, chẳng phải phi phước điền, vô tận chẳng tận, lìa tất cả tận, rỗng không, lìa rỗng không, tuy chẳng thường trụ mà chẳng phải niệm niệm diệt, không có vẩn đục, không chữ, lìa chữ, chẳng phải tiếng, chẳng phải nói, cũng chẳng phải tu tập, chẳng phải xưng, chẳng phải lường, chẳng phải một, chẳng phải khác, chẳng phải tượng, chẳng phải tướng mà các tướng trang nghiêm, chẳng phải dũng, chẳng phải sợ, không tịch chẳng tịch, không nhiệt chẳng nhiệt, chẳng thể nhìn thấy, không có tướng mạo. Như Lai độ thoát tất cả chúng sinh mà không thấy độ thoát nên có thể gồm có chúng sinh, không có kiến giải nên hiểu rõ chúng sinh, không hiểu rõ nên nói pháp như thật, không có hai nên chẳng thể lượng vô đẳng đẳng, bình đẳng như hư không, không có hình mạo, đồng với tánh vô sinh, chẳng đoạn, chẳng thường, thường hành Nhất thừa, chúng sinh thấy là ba, chẳng thoái, chẳng chuyển, đoạn tất cả kết, chẳng chiến, chẳng chạm, chẳng phải tánh mà trụ tánh, chẳng phải hợp, chẳng phải tan, chẳng phải dài, chẳng phải ngắn, chẳng phải tròn, chẳng phải vuông, chẳng phải ấm, giới, nhập cũng là ấm, giới, nhập, chẳng phải tăng, chẳng phải tổn, chẳng phải thắng, chẳng phải thua v.v… Thân của Như Lai thành tựu vô lượng công đức như vậy không có ai biết, không ai chẳng biết, không có ai thấy, không ai chẳng thấy, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, chẳng phải thế gian, chẳng phải chẳng thế gian, chẳng phải làm, chẳng phải chẳng làm, chẳng phải nương, chẳng phải chẳng nương, chẳng phải bốn đại, chẳng phải chẳng bốn đại, chẳng phải nhân, chẳng phải chẳng nhân, chẳng phải chúng sinh, chẳng phải chẳng chúng sinh, chẳng phải Sa-môn, chẳng phải Bàla-môn, là sư tử, là đại sư tử, chẳng phải thân chẳng phải chẳng thân, chẳng thể tuyên nói trừ một pháp tướng chẳng thể tính toán, khi Bátniết-bàn thì chẳng Bát-niết-bàn. Pháp thân Như Lai đều thành tựu vô lượng công đức vi diệu như vậy. Này Ca-diếp! Chỉ có Như Lai mới biết tướng này, chẳng phải là điều hiểu biết của các Thanh văn, Duyên giác. Này Ca-diếp! Thân Như Lai thành tựu những công đức như vậy, chẳng phải là thân do tạp thực nuôi lớn. Này Ca-diếp! Chân thân Như Lai công đức như vậy thì làm sao lại bị các bệnh hoạn, khổ, mỏng manh, chẳng bền chắc như đồ đất chưa nung? Này Ca-diếp! Sở dĩ Như Lai thị hiện bệnh khổ là vì muốn điều phục các chúng sinh. Này thiện nam! Nay ông phải biết, thân Như Lai tức là thân kim cương. Từ nay ông thường phải chuyên tâm suy nghĩ về nghĩa này. Ông chớ nghĩ là thân tạp thực và cũng phải vì người khác nói thân Như Lai tức là pháp thân.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai thành tựu công đức như vậy thì làm sao thân Ngài có bệnh khổ vô thường phá hoại? Từ ngày hôm nay con thường phải suy nghĩ về thân của Như Lai là pháp thân thường còn, là thân an lạc. Con cũng sẽ vì mọi người rộng nói như vậy. Thưa Thế Tôn! Pháp thân của Như Lai là kim cương bất hoại mà chưa có thể biết do nhân duyên gì?

Đức Phật bảo Ca-diếp:

–Do cái nhân duyên hay hộ trì chánh pháp nên được thành tựu thân kim cương này. Này Ca-diếp! Vào thuở xa xưa, Ta có nhân duyên hộ pháp nên nay được thành tựu thân kim cương này, thường trụ chẳng hoại. Này thiện nam! Người hộ trì chánh pháp mà chẳng thọ năm giới, chẳng tu oai nghi thì nên cầm dao kiếm, cung tên, gậy mâu v.v… giữ gìn vị Tỳ-kheo giữ giới thanh tịnh.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có Tỳ-kheo lìa khỏi chỗ an ổn, ở một mình nơi thanh vắng, bãi tha ma, dưới gốc cây v.v… thì phải nói người này là Tỳ-kheo chân chính. Nếu có người tìm nơi an ổn mà tu hành thì phải biết rằng người ấy chính là cư sĩ trọc.

Đức Phật bảo Ca-diếp:

–Ông chớ nói là cư sĩ trọc. Nếu có Tỳ-kheo, tùy chỗ mình đến ở nuôi thân vừa đủ, đọc tụng kinh điển, tư duy tọa thiền và có người đến hỏi pháp liền vì họ tuyên nói như là nói bố thí, trì giới, phước đức, thiểu dục tri túc, tuy có thể nói đủ thứ pháp như vậy, nhưng chẳng thể phát ra tiếng rống sư tử, chẳng được đồ chúng dũng mãnh vây quanh thì chẳng thể hàng phục người ác phi pháp. Tỳ-kheo như vậy chẳng thể tự lợi và lợi chúng sinh. Ông phải biết họ biếng nhác, tuy có thể trì giới, giữ gìn tịnh hạnh, nhưng ông phải biết người này không làm được gì. Nếu có Tỳ-kheo mà đồ cung cấp cho thân cũng thường đầy đủ, lại hay hộ trì giới cấm đã thọ, có thể dũng mãnh tuyên nói rộng rãi diệu pháp như là Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Thọ Ký, Già-đà, Ưu-đà-na, Y-đế-mục-đa-già, Xà-đàgià, Tỳ-phật-lược, A-phù-đà-đạt-ma. Đem chín bộ loại kinh điển như vậy vì người khác mà giảng nói rộng rãi, tạo lợi ích an lạc cho chúng sinh, xướng lên như vầy: “Trong kinh Niết-bàn Phật dạy các Tỳ-kheo chẳng nên nuôi dưỡng nô tỳ, bò dê v.v… những vật phi pháp. Nếu có Tỳ-kheo nuôi những vật bất tịnh như vậy thì cần phải sửa trị. Như Lai trước ở trong các bộ kinh khác có nói, có vị Tỳ-kheo nuôi những vật phi pháp như vậy đã bị vị quốc vương của nước đó theo đúng như pháp sửa trị, đuổi trở về thế tục”. Nếu có Tỳ-kheo có thể tuyên nói dũng mãnh như vậy mà có kẻ phá giới nghe được lời nói đó rồi đều nổi sân giận làm hại vị Pháp sư này, người nói pháp đó giả sử lại mạng chung thì nên gọi là trì giới lợi mình và lợi người khác. Do duyên này nên Ta cho phép quốc vương, quần thần, tể tướng, các Ưu-bà-tắc v.v… hộ trì người nói pháp. Nếu có người muốn được hộ chánh pháp thì phải học tập như vậy. Này Ca-diếp! Như vậy người phá giới chẳng hộ pháp thì gọi là cư sĩ trọc chứ chẳng phải người trì giới bị gọi như vậy. Này thiện nam! Thuở quá khứ xa xưa, vô lượng vô biên vô số kiếp, ở thành Câuthi-na này có Đức Phật ra đời hiệu là Hoan Hỷ Tăng Ích Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thế giới bấy giờ rộng rãi nghiêm tịnh, thịnh vượng, an vui, ổn định, muôn dân đông đúc, không có đói khát, như những vị Bồ-tát của nước An lạc.

Đức Phật Thế Tôn đó trụ thế không lường, giáo hóa chúng sinh rồi sau đấy mới đến Ta-la song thọ vào Niết-bàn. Sau Đức Phật Niết-bàn giáo pháp để lại trụ thế vô lượng ức năm. Còn bốn mươi năm nữa lúc pháp Phật chưa diệt, bấy giờ có một vị Tỳ-kheo trì giới tên là Giác Đức, có nhiều đồ chúng quyến thuộc vây quanh, có thể dũng mãnh ban tuyên rộng rãi chín bộ loại kinh điển, dạy các Tỳ-kheo chẳng được nuôi dưỡng nô tỳ, bò, dê… các vật phi pháp. Bấy giờ, có nhiều Tỳ-kheo phá giới nghe nói như vậy thì đều sinh tâm ác. Họ cầm dao gậy đến bức bách vị Pháp sư đó. Lúc này có vị quốc vương tên là Hữu Đức nghe việc này rồi thì vì hộ pháp nên liền đi đến chỗ người nói pháp cùng với các Tỳ-kheo ác phá giới đánh nhau kịch liệt khiến cho người nói pháp khỏi nguy hại. Nhà vua bị thương khắp thân. Bấy giờ, Giác Đức liền khen nhà vua: “Hay thay! Hay thay! Nhà vua hôm nay quả thật là người hộ chánh pháp. Đời vị lai thân này sẽ làm pháp khí không lường”. Vào lúc đó, nhà vua được nghe pháp rồi, lòng rất vui mừng, liền mạng chung, sinh vào nước của Đức Phật A-súc và được làm đệ tử thứ nhất của Đức Phật đó. Dân chúng quyến thuộc theo đức vua ấy có chiến đấu, có tùy hỷ, tất cả chẳng thoái tâm Bồ-đề, sau khi mạng chung đều sinh vào nước của Đức Phật A-súc và được làm đệ tử thứ hai trong chúng Thanh văn của Đức Phật đó. Nếu khi có chánh pháp sắp diệt tận thì cần phải thọ trì ủng hộ như vậy. Này Ca-diếp! Vị vua lúc bấy giờ chính là thân Ta. Vị Tỳ-kheo nói pháp là Phật Ca-diếp. Này Ca-diếp! Người hộ chánh pháp được vô lượng phước báo như vậy. Do nhân duyên đó nên Ta nay được đủ thứ tướng để tự trang nghiêm, thành tựu pháp thân, thân chẳng thể hoại.

Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thân thường tại của Như Lai giống như khắc chạm trên đá.

Đức Phật bảo Ca-diếp:

–Này thiện nam! Do nhân duyên này nên Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cần phải gia tăng hộ trì chánh pháp vì quả báo hộ pháp rộng lớn không lường. Này thiện nam! Vậy nên Ưu-bà-tắc v.v… hộ pháp nên cầm dao gậy ủng hộ Tỳ-kheo trì pháp như vậy. Nếu có người thọ trì đủ năm giới thì chẳng được gọi là người Đại thừa. Chẳng thọ năm giới mà vì hộ trì chánh pháp thì mới gọi là Đại thừa. Người hộ trì chánh pháp cần phải cầm dao kiếm, binh khí hầu hạ bảo vệ pháp sư.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu các Tỳ-kheo cùng những Ưu-bà-tắc v.v… cầm dao gậy như vậy làm bạn, có thầy hay không có thầy? Là trì giới hay là phá giới?

Đức Phật bảo Ca-diếp:

–Ông chớ gọi những người đó là người phá giới. Này thiện nam! Sau khi Ta Niết-bàn, vào đời ác trược, đất nước hoảng loạn, cướp bóc lẫn nhau, dân chúng đói khát. Bấy giờ, có nhiều người vì đói khát nên phát tâm xuất gia. Người như vậy gọi là người trọc đầu. Hạng người trọc này thấy có Tỳ-kheo trì giới oai nghi đầy đủ thanh tịnh, hộ trì chánh pháp thì xua đuổi ra khỏi, hoặc giết hoặc hại họ.

Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Người trì giới này hộ trì chánh pháp thì làm sao được du hành đến thôn xóm thành ấp để giáo hóa?

–Này thiện nam! Vậy nên, Ta nay cho phép người trì giới nương vào những người bạch y cầm dao gậy làm bạn bè. Nếu các quốc vương, đại thần, trưởng giả, Ưu-bà-tắc v.v… vì hộ pháp nên tuy cầm dao gậy nhưng Ta vẫn nói rằng những người đó là trì giới. Tuy cầm dao gậy nhưng chẳng nên đoạn dứt mạng sống, nếu có thể được như vậy thì được gọi là trì giới đệ nhất.

Này Ca-diếp! Người hộ pháp là người đầy đủ chánh kiến, có khả năng tuyên nói kinh điển Đại thừa rộng rãi, nhất định chẳng nắm giữ lọng báu của vua, bình dầu, lúa gạo v.v… đủ thứ trái cây, chẳng vì lợi dưỡng mà thân cận quốc vương, đại thần, trưởng giả, đối với các đànviệt lòng không dua nịnh quanh co, đầy đủ oai nghi, hàng phục những người ác phá giới v.v. Đó gọi là thầy trì giới hộ pháp, người này có thể làm thiện tri thức chân chính của chúng sinh, tâm họ rộng lớn ví như biển cả. Này Ca-diếp! Nếu có Tỳ-kheo do lợi dưỡng nên vì người khác nói pháp thì đồ chúng quyến thuộc của người này cũng bắt chước thầy mình tham cầu lợi dưỡng. Người như vậy là tự hủy hoại chúng. Này Ca-diếp! Chúng có ba thứ: Một là Tăng tạp phạm giới, Hai là Tăng ngu si. Ba là Tăng thanh tịnh. Tăng tạp phá giới thì dễ bị hoại, Tăng trì giới thanh tịnh thì nhân duyên lợi dưỡng chẳng thể hoại. Sao gọi là Tăng tạp phá giới? Nếu có Tỳ-kheo tuy giữ giới cấm nhưng vì lợi dưỡng nên cùng với người phá giới ngồi đứng đi lại, chung nhau cận kề, đồng sự nghiệp với người ấy thì đó gọi là Tăng phá giới, cũng gọi là Tăng tạp. Sao gọi là Tăng ngu si? Nếu có Tỳ-kheo ở chỗ thanh vắng mà các căn chẳng linh lợi, ám độn, đờ đẫn, ít muốn khất thực, vào ngày nói giới và khi tự tứ, vị Tỳ-kheo ấy dạy các đệ tử thanh tịnh sám hối, thấy kẻ chẳng phải đệ tử phạm nhiều giới cấm, chẳng thể dạy bảo khiến cho thanh tịnh sám hối mà cứ cùng chung với họ nói giới, tự tứ, thì đó gọi là Tăng ngu si. Sao gọi là Tăng thanh tịnh? Có Tỳ-kheo Tăng mà trăm ngàn ức ma chẳng thể hoại được. Chúng Bồ-tát này bản tánh thanh tịnh, có thể điều phục chúng của hai bộ trên khiến cho họ an trụ ở trong chúng thanh tịnh. Đó gọi là đại sư hộ pháp vô thượng, người giỏi trì luật. Vì muốn điều phục lợi ích cho chúng sinh nên người ấy biết tướng của các giới, hoặc khinh, hoặc trọng, chẳng phải là luật thì chẳng chứng biết, còn nếu là luật thì liền chứng biết. Sao gọi là điều phục chúng sinh? Nếu các vị Bồ-tát vì hóa độ chúng sinh thì thường vào xóm làng, chẳng chọn thời tiết, hoặc đến nhà quả phụ và nhà dâm nữ cùng ở chung trải qua nhiều năm. Nếu là Thanh văn thì chẳng nên làm. Đó gọi là điều phục, lợi ích chúng sinh. Sao gọi là biết trọng? Nếu thấy Như Lai nhân sự việc mà chế ra giới: “Ông từ nay thận trọng chớ phạm lại”, như bốn trọng cấm mà người xuất gia chẳng nên làm mà vẫn làm thì chẳng phải là Sa-môn, chẳng phải là con của dòng họ Thích, thì đó gọi là trọng. Sao gọi là khinh? Nếu phạm việc nhẹ, sau ba lần can ngăn như vậy, nếu có thể bỏ thì đó gọi là khinh. Chẳng phải luật chẳng chứng biết là, nếu có người khen nói nên thọ dụng vật chẳng thanh tịnh thì chẳng cùng ở chung với người ấy. Đúng luật nên chứng biết là, giỏi học giới luật, chẳng gần người phá giới, thấy có việc làm thuận theo giới luật thì lòng phát sinh hoan hỷ. Như thế có thể biết việc làm pháp Phật khéo có thể giải nói thì gọi là luật sư, khéo giải một chữ, khéo giữ gìn khế kinh cũng như vậy. Như vậy, này thiện nam! Pháp Phật vô lượng chẳng thể nghĩ bàn. Như Lai cũng vậy, chẳng thể nghĩ bàn.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Đúng vậy! Quả thật như lời dạy của

đức Thánh. Pháp Phật vô lượng chẳng thể nghĩ bàn, Như Lai cũng vậy, chẳng thể nghĩ bàn. Nên biết, Như Lai thường trụ, chẳng hoại, không có biến dịch. Con nay học đã kỹ, cũng sẽ vì mọi người tuyên nói rộng rãi ý nghĩa đó.

Bấy giờ, Đức Phật khen Bồ-tát Ca-diếp:

–Hay thay! Hay thay! Thân của Như Lai tức là thân kim cương chẳng thể hoại. Bồ-tát cần phải học tốt chánh kiến, chánh tri như vậy. Nếu có khả năng thấy biết tỏ rõ như vậy tức là thấy được thân kim cương, thân chẳng thể hoại của Phật, như thấy các sắc tượng ở trong gương.