SỐ 184
KINH TU HÀNH BẢN KHỞI
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Sa-môn Trúc Đại Lực và Khang Mạnh Tường
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

Phẩm 5: THÁI TỬ XUẤT GIA

Trở về hoàng cung, Thái tử luôn tư duy nhớ nghĩ đến đạo lý thanh tịnh, không nên sống tại gia mà phải ở chốn núi rừng chuyên cần thiền định.

Đến năm mười chín tuổi, vào ngày mồng bảy tháng tư, Thái tử phát nguyện xuất gia. Lúc ấy đã quá nửa đêm, khi sao mai vừa mọc, chư Thiên đầy cả hư không khuyến khích Thái tử ra đi. Khi ấy, Cù-di thấy năm giấc mộng, liền giật mình tỉnh dậy. Thái tử hỏi:

-Vì sao Cù-di giật mình thức giấc?

Cù-di thưa:

-Vừa rồi trong giấc mộng em thấy: Núi Tu-di nghiêng đổ, trăng sáng vụt rơi xuống đất, viên ngọc quý bỗng mất, búi tóc trên đầu bị rơi xuống, có người đoạt lọng che của em. Vì thế mà em giật mình thức giấc.

Bồ-tát nghĩ năm giấc mộng này ứng với trường hợp của ta đang nghĩ đến việc đi xuất gia. Thái tử bảo Cù-di:

-Núi Tu-di không nghiêng đổ, mặt trăng vẫn chiếu sáng, viên ngọc quý không mất, búi tóc trên đầu không bị rơi, lọng che nay vẫn còn, nàng hãy ngủ yên chớ lo.

Lúc đó chư Thiên bàn với nhau: “Thái tử sắp ra đi, nhưng e rằng Thái tử sẽ bị giữ lại”, nên họ cho gọi thần Ô-tô-mạn đích thân vào cung. Lúc mọi người trong nước đang yên giấc thì Nan-đề-bồ-na hóa các cung điện trở thành bãi tha ma, Cù-di và kỹ nữ đều trở thành người chết, xương cốt phân tán một nơi, đầu lâu nằm một ngã, sình trương hôi thối, máu mủ ứ đọng liên tục chảy tràn.

Thái tử nhìn cung điện đều biến thành bãi tha ma. Các loài cầm thú như diều hâu, chồn, sói, hổ, beo… bay chạy trong đó. Thái tử quán thấy tất cả những hiện tượng như huyễn như hóa, như giấc mộng, như tiếng vang. Tất cả đều trở về với không mà người ngu vẫn cố tình ôm giữ. Thái tử liền gọi Xa-nặc hãy mau dắt ngựa đến cho Ngài. Xa-nặc tâu:

-Trời chưa sáng dắt ngựa làm gì?

Thái tử nói kệ:

Ta không thích ở đời
Xa-nặc chớ lưu lại
Nếu ta đạt bản nguyện
Trừ khổ ba đời ngươi.

Xa-nặc vội dắt con bạch mã đến cho Thái tử. Con ngựa nhảy chồm lên không thể đến gần được. Xa-nặc trở lại tâu với Thái tử:

-Con ngựa chứng, con không thể dắt nó được.

Bồ-tát tự đến vỗ nhẹ lên lưng ngựa, nói:

Trong sinh tử dài lâu
Nay dứt kiếp ngựa cỡi
Kiền-đặc đưa ta đi
Đắc đạo không quên người.

Khi Xa-nặc chuẩn bị ngựa xong, Kiền-đặc thầm nghĩ: “Nay ta sẽ nhảy trên đất làm cho kinh động đến tất cả mọi người”. Nhưng có bốn vị thần tiếp đỡ chân ngựa khiến chân nó không chạm đất.

Con ngựa muốn hý vang làm cho khắp chốn gần xa đều nghe thấy, nhưng Thiên thần làm cho tiếng vang ấy tan trong hư không.

Thái tử nhảy lên lưng ngựa, đi ra khỏi cổng hoàng thành. Chư Thiên, Long thần, Thích, Phạm, trời Tứ thiên đều vui vẻ đi theo bao phủ cả hư không. Khi ấy thần giữ cổng thành hiện ra, lạy và thưa:

-Nước Ca-duy-la-vệ, Ngài là bậc tối thượng trong thiên hạ, đem lại an bình thịnh vượng cho nhân dân, tại sao Ngài lại bỏ ra đi?

Thái tử dùng kệ đáp:

Sinh tử thật dài lâu
Trải qua trong năm đường
Ta đạt thành bản nguyện
Sẽ mở cửa Niết-bàn,

Lúc đó cổng thành tự nhiên mở, Kiền-đặc phóng như bay, trời vừa sáng nó đã đi được bốn trăm tám mươi dặm. Đến nước A-nô-ma thì Thái tử dừng chân. Ngài cởi bỏ áo mão, chuỗi anh lạc quý giá… trao hết cho Xa-nặc bảo:

-Ngươi hãy dắt ngựa trở về, ta xin dâng lời từ tạ Đại vương và quần thần trong nước.

Xa-nặc thưa:

-Con xin theo Thái tử để cung cấp những điều cần dùng. Con không thể một mình phóng ngựa trở về. Chốn núi rừng có nhiều độc xà, hổ lang, sư tử… Ai sẽ lo thức ăn, nước uống và giường nằm cho Ngài? Làm sao con có thể để Ngài ở đây một mình được? Con cần phải đi theo để bảo vệ thân mạng cho Ngài.

Ngựa Kiền-đặc quỳ dài, nước mắt tuôn trào, nó dùng lưỡi liếm chân Thái tử, thấy nước không uống, gặp cỏ chẳng ăn, kêu la thảm thiết, bồi hồi không chịu đi, Thái tử nói kệ:

Thân mạnh bệnh quật ngã
Khí thạnh, già sẽ suy
Chết mất, sống biệt ly
Đời có gì vui thú?

Xa-nặc ngậm ngùi đảnh lễ dưới chân Thái tử rồi dắt ngựa từ tạ trở về. Xa-nặc chưa đến quốc thành, còn ở ngoài đến bốn mươi dặm, bạch mã kêu lên thảm thiết, tiếng kêu của nó vang dội cả nước. Mọi người cả nước bảo nhau: ‘Thái tử đã trở về”. Nhân dân cả nước nối gót nhau ra nghênh đón Thái tử, nhưng họ chỉ thấy Xa-nặc dẫn con ngựa Kiền-đặc trở về không. Cù-di thấy vậy liền đặt hoàng tử xuống, đến ôm cổ bạch mã lệ tuôn lã chã như mưa. Vua cha thấy Cù-di khóc, toàn thân đều thương tổn, cố nén lòng bảo:

-Con ta học đạo vô vi.

Nhân dân trong nước thấy nhà vua và Cù-di nghẹn ngào than khóc, họ không khỏi đau đớn xót xa. Cù-di ngày đêm thương nhớ Thái tử không nguôi.

Nhà vua triệu tập quần thần bảo:

-Ta chỉ có một mình Thái tử, lại bỏ ta vào chốn núi rừng. Bây giờ các khanh hãy theo thứ tự từng nhóm năm người đi theo phục vụ Thái tử, không được trở về nửa chừng.

Thái tử xa lìa được thế tục, vô cùng hoan hỷ, khoan thai đi bộ vào thành. Người trong nước thấy Thái tử, hân hoan không chán. Thái tử đã lìa ân ái, xa các cội nguồn khổ não, Ngài suy nghĩ, muốn cạo tóc nhưng ở núi rừng không có dụng cụ. Trời Đế Thích cầm dao đến Thiên thần nhận cạo tóc liền đi đến trước, nhân dân trong nước đi theo để xem Thái tử. Lúc đó Thái tử ra khỏi nước, có một số người đi theo Ngài đến nước Ma-kiệt-đà, Ngài đi vào cửa bên phải và đi ra cửa bên trái. Nhân dân nam nữ, lớn nhỏ trong nước đó trông thây Thái tử, hoặc gọi Ngài là người trời hoặc gọi là Đế Thích, Phạm vương, Thiên thần, Long vương, họ hoan hỷ vui mừng và phân vân không biết Ngài là thần gì.

Thái tử biết tâm niệm của họ liền đến ngồi dưới gốc cây bên đường, dân chúng sung sướng vây quanh chiêm ngưỡng. Khi ấy vua Bình-sa hỏi sứ thần:

-Vì sao trong nước yên lặng không có tiếng động?

Sứ thần tâu:

-Khi sáng có một đạo sĩ đi qua nước này, Ngài có tướng uy nghi chói sáng, ở đời không dễ gì có được. Mọi người trong nước đi theo chiêm ngưỡng ngài đến nay chưa về.

Lúc đó nhà vua và quần thần cùng đến chỗ bậc Đạo sĩ, từ xa họ đã trông thấy tướng thù diệu rạng ngời của Thái tử. Họ đến hỏi Thái tử:

-Ngài có phải là thần chăng?

Thái tử đáp:

-Ta không phải là thần.

Vua hỏi:

-Nếu không phải thần, vậy thì Ngài từ nước nào đến? Tên họ là chi?

Thái tử đáp:

-Ta từ phía Bắc ngọn Tuyết sơn, phía Đông đỉnh Hương sơn đến. Ta ở nước Ca-duy, phụ vương ta là Bạch Tịnh và mẫu hậu là Ma-da.

Vua Bình-sa hỏi:

-Ngài có phải là Thái tử Tất-đạt chăng?

Ngài trả lời:

-Thưa đúng vậy.

Vua Bình-sa kinh sợ đứng dậy đảnh lễ dưới chân Thái tử, thưa:

-Thái tử sinh ra đời hình tướng đã hiện rõ những đặc điểm khác người. Ngài làm Chuyển luân thánh vương, là vua bốn châu thiên hạ, bốn biển ngưỡng vọng đều mong mỏi thần báu đến. Tại sao Ngài lại bỏ ngôi trời, tự dấn thân vào chốn núi rừng. Chắc là Ngài có cái nhìn khác cuộc đời, xin được nghe cao ý.

Thái tử đáp:

-Ta nhận thấy chúng sinh và mọi hiện tượng trong thế gian có sinh ra thì có hoại diệt, đều bị chi phối bởi bốn nỗi khổ lớn, đó là: Khổ về sinh, già, bệnh, chết mà không ai tránh được. Thân này là vật chứa đựng các khổ, biết bao là lo sợ. Nếu ở nơi tôn quý thì ta sẽ sinh tâm kiêu căng phóng dật, tham cầu khoái lạc. Thiên hạ bị hoạn nạn, do đó mà ta nhàm chán, cho nên muốn đi vào chốn núi rừng.

Các bậc kỳ lão thưa:

-Những vấn đề già, bệnh, chết là lẽ thường của thế gian, sao Thái tử lại ưu tư một mình? Lại từ bỏ địa vị cao sang để ẩn cư nơi rừng vắng, chịu đày đọa thân mình, chẳng gian khổ sao?

Thái tử nói kệ:

Nếu người trong thai không dơ bẩn
Nếu người sạch mãi chẳng nhiễm ô
Nếu khổ không nhiều, không đáng kể
Thì thế gian ai chẳng mến ưa
Nếu người già thân hình không đổi
Nếu người làm lành, không làm ác
Nếu yêu thương khi xa không khổ
Thì thế gian ai chẳng mến ưa.
Nếu ốm đau không là nỗi sợ
Nếu đời sau tội ác không đền
Nếu đọa địa ngục không chịu khổ
Thì thế gian ai chẳng mến ưa.
Nếu trẻ mãi, hình hài không hoại
Nếu điều không thích, không bận tâm
Nếu khi sắp chết không sợ hãi
Thì thế gian ai chẳng mến ưa.
Nếu ngu si không dày tăm tối
Nếu sân nhuế không tạo oan gia
Nếu năm dục lạc, tâm không nhiễm
Thì thế gian ai chẳng mến ưa!
Nếu không ở chung với kẻ si
Nếu đối pháp si tự xa lìa
Nếu kẻ si không có tưởng
Thì thế gian ai chằng mến ưa.
Nếu các việc ác chẳng là bao
Nếu các ác diệt, tự xa người
Nếu như không nghĩ về điều ác
Thì thế gian ai chẳng mến ưa.
Nếu thế gian ác là trên hết
Nếu ác đã diệt không sinh lại
Nếu việc ác là không thật có
Thì thế gian ai chẳng mến ưa.
Nếu chư Thiên hưởng phước mãi mãi
Nếu con người tuổi thọ thường còn
Nếu các cõi không còn luân chuyển
Thì thế gian ai chẳng mến ưa.
Nếu các ấm cái chẳng oan gia
Nếu sáu nhập không còn khổ não
Nếu tất cả cuộc đời không khổ
Thì thế gian ai chẳng mến ưa.

Thái tử nói với vua Bình-sa và các quan cận thần:

-Các ngài chớ nên lo lắng, giả sử ta có làm vua, lúc già, bệnh kéo đến, hoặc phải chết thì ai có thể thay ta để nhận lấy những ách nạn này? Nếu như không có người thay thế được, các ngài lo lắng làm gì? Thiên hạ có cha hiền, con hiếu, yêu thương chí thiết, nhưng đến lúc chết họ có thể chết thay cho nhau được không? Hoặc cái thân giả tạo này một ngày nào đó khổ đến, tuy ở địa vị cao quý, lục thân quấn quít một bên thì cũng như người mù cầm đuốc, có giúp gì cho đôi mắt đâu? Ta quán tất cả hành đều vô thường, đều là huyễn hóa không thật, hạnh phúc ít, đau khổ nhiều, thân này chẳng phải của ta. Thế gian hư vô khó ở được lâu dài. Vạn vật có sinh ắt có tử, sự nghiệp thành tựu sẽ có thất bại, có an bình thì có nguy biến, có được sẽ có mất, vạn vật hỗn độn sẽ trở về không. Tinh thần vô hình chao động bất minh, sẽ đưa đến hiểm nạn sinh tử, chẳng phải chỉ có chịu một đời mà thôi. Do vì tham ái, bị bao phủ trong lưới vô minh, chìm đắm trong dòng sông sinh tử, không thể giác ngộ được. Vì thế ta muốn vào chốn núi rừng, nhất tâm tịnh tu Tứ không, vượt khỏi sắc dục, diệt trừ sân hận, đoạn hết lòng mong cầu và quán tưởng đến tánh Không, hoàn toàn không có chỗ dính mắc. Đó là quay lại cội nguồn, trở về bản tánh, mới ra khỏi các cội rễ của tử sinh. Như vậy ta đạt được tâm nguyện không phải là an ổn hoàn toàn hay sao?

Vua Bình-sa và các vị kỳ lão, hiểu rõ, hoan hỷ ca ngợi:

-Chí nguyện của Thái tử thật vi diệu, thế gian này khó có được. Chắc chắn Ngài sẽ thành đạo, xin hãy độ cho tôi trước.

Thái tử im lặng ra đi, Ngài nghĩ: “Ta nay vào núi rừng, lại đang mặc chiếc áo quý giá, người thế gian ngu si đều vì của cải mà bị tai nạn”. Ngay lúc ấy Thái tử gặp một người thợ săn đang khoác trên người chiếc Pháp y, Thái tử vui mừng nghĩ: “Đây đúng là chiếc áo của bậc Chân nhân, Pháp phục từ bi cứu đời, tại sao người thợ săn lại mặc nó? Ta muốn đổi chiếc Pháp y này để hoàn thành chí nguyện của ta”. Thái tử liền đem chiếc áo dát vàng của mình đổi lấy chiếc Pháp y ấy. Người thợ săn trong lòng rất mừng, Bồ-tát cũng hoan hỷ.

Thái tử khoác chiếc Pháp y, cảm thấy nó mềm mại nhẹ nhàng và thanh khiết, trông giống như Tăng-già-lê của Phật không khác. Ngài đi vào trong núi. Bồ-tát mặc Pháp y, ánh sáng hân hoan, tỏa chiếu khắp núi rừng. Lúc ấy có hai đạo sĩ, một vị tên A-lan, một vị tên Ca-lan, học đạo đã nhiều năm, có đủ tứ thiền, đạt đến ngũ thông, trông thấy ánh sáng họ kinh hãi, lấy làm lạ: “Đây là điềm lành gì?” Liền cùng nhau ra xem, từ xa họ trông thấy Thái tử Tất-đạt nay đã xuất gia, họ nói:

-Lại đây Tất-đạt! Xin đến ngồi nơi chiếc chõng này, có nước suối mát và trái cây ngon, mời Ngài dùng.

Họ nói kệ:

Nhật vương mới xuất hiện
Ở trên đỉnh núi này
Ánh sáng trí tuệ chiếu
Tất cả khắp chúng sinh
Ai chiêm ngưỡng tôn nhan
Không bao giờ thấy chán
Đạo đức Ngài cao tột
Vô song không ai sánh.
Khi đó Bồ-tát nói:
Tuy tu bốn định ý
Không biết tuệ vô thượng
Tâm đạo chính cội nguồn
Không phải thờ tà thần
Hành tục gọi là chân
Luôn luôn cầu Phạm thiên
Cho nên không biết đạo
Luân chuyển đọa tử sinh.