KINH BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Sa-môn Công Đức Trực, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 5: KHEN ÂM THANH BIỆN TÀI CỦA ĐỨC PHẬT

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến liền ra khỏi Tam-muội, từ từ đứng dậy. Khi đó, các chúng Trời, Người, Long, Thần, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, A-tu-la tất cả thế gian đều cất tiếng khen:

–Lạ thay pháp Tối thắng!

Lúc đó, Bồ-tát Bất Không Kiến bảo Tôn giả A-nan:

–Vi diệu thay chư Phật! Thật là hiếm có. Đại Bi của Đức Thế Tôn đều đầy đủ nên gọi là Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, đạt được đạo Bồ-đề vô thượng, biết hết thảy các pháp là không sinh, không hành, không được, không mất. Nơi vườn nai Tiên nhân nước Ba-la-nại, ba lần chuyển mười hai hành pháp luân Vô thượng. Samôn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm tất cả thế gian không ai có thể chuyển được. Nghĩa là đây là khổ, là khổ tập, là khổ diệt, là con đường diệt khổ, tám Thánh đạo phần, vô số chương cú, vô lượng các tướng, hành xứ không giới hạn, nghĩa vị như vậy, đọc tụng, giảng nói, phân biệt, nêu bày đều đầy đủ.

Lúc đó, Bồ-tát Bất Không Kiến lại nói với Tôn giả A-nan:

–Hay thay! Đại Bi của chư Phật thật đầy đủ, nên mới gọi là Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, đạt được đạo Bồ-đề vô thượng. Nay các chúng Thanh văn ở đại hội này chưa từng nghe pháp, sẽ khiến họ được nghe. Những chỗ chưa nói, nay sẽ nói. Pháp không nghĩ bàn sẽ nghĩ bàn nêu giảng. Chỗ pháp chưa chứng đắc, nay sẽ đắc. Pháp chưa học khiến được tu tập. Pháp vô tướng sẽ dùng hữu tướng để giảng thuyết. Lược nói một vài pháp nhưng thấu đạt thì rất nhiều. Nay bảo chúng này, gồm các A-la-hán chứng đắc rốt ráo, chân nhân không vướng mắc, cầu được giải thoát, không còn sinh tử. A-nan nên biết! Ví như có người dùng một nắm vỏ trấu ném trong sông Hằng, cho là có thể dùng vỏ trấu này ngăn chận dòng chảy kia. Việc làm của người này là khó chăng?

Tôn giả A-nan đáp:

–Như vậy là rất khó.

Bồ-tát Bất Không Kiến nói với Tôn giả A-nan:

–Chư Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri chứng đắc đạo Vô thượng, vì các Thanh văn nói pháp chưa nghe đó còn khó hơn gấp bội. Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Ví như có người sinh ra không có miệng, lưỡi, mà nói tiếng lại vang tới hằng hà sa tất cả thế giới, điều này có khó không?

Tôn giả A-nan đáp:

–Như vậy là rất khó.

Bồ-tát Bất Không Kiến nói:

–Chư Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri chứng đắc đạo

Vô thượng, vì các Thanh văn đối với pháp không thể nghĩ bàn nói có thể nghĩ bàn, lại càng khó hơn kia.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Ví như có người chỉ rõ trong hư không nói đủ các loại sắc, việc này có khó không?

Tôn giả A-nan đáp:

–Như vậy là thật khó.

Bồ-tát Bất Không Kiến nói:

–Chư Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri đắc đạo Vô thượng, khiến các Thanh văn đối nơi pháp chưa chứng đắc nay sẽ khiến chứng đắc, càng khó hơn việc kia.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Ví như có người không có tay chân và sức chú thuật, lại gánh núi Tu-di, hoặc muốn đi trên mặt nước, hoặc nương cây nổi vượt qua biển cả, việc này có khó không?

Tôn giả A-nan đáp:

–Như vậy là rất khó.

Bồ-tát Bất Không Kiến nói:

–Chư Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri đắc đạo Vô thượng, vì các Thanh văn dùng pháp không tướng nói có tướng, dùng pháp chưa học tạo ra có học, để nêu giảng còn khó hơn việc kia. Lúc đó, Bồ-tát Bất Không Kiến liền nói kệ:

Chư Phật không nghĩ bàn
Hành sâu đại Từ bi
Thường thí ánh sáng pháp
Nối nhau thường không dứt.
Vô số na-do-tha
Ức kiếp rất khó thấy
Đấng Tối Thắng Vô thượng
Chưa nghe khiến được nghe.
Hữu vi duyên khởi chuyển
Không thật, thường hư giả
Rốt ráo thường không sinh
Vì tất cả pháp “không.”
Pháp chư Phật đã thuyết
Không thể nghĩ bàn được
Điều chưa nói, Phật nói
Khó thấy pháp như vậy.
Lợi ích các trời, người
Và cùng khắp tất cả
Chư Như Lai hiểu rõ
Pháp không thể nghĩ bàn.
Hay vì chúng Thanh văn
Nói pháp có nghĩ bàn
Phật nói pháp không tướng
Có thể tạo tướng nói.
Chỗ ngoại đạo si mê
Không hiểu nguồn sinh tử
Như Lai đã biết rồi
Đều khiến họ hàng phục.
Trụ mười Lực nêu diễn
Pháp chưa được, khiến được
Thế Tôn nói chân thật
Lợi lạc các trời, người.
Dùng một trăm vỏ trấu
Ngăn chận nước sông Hằng
Trưởng lão, việc này khó
Chưa đủ gọi là khó. Nói vô sinh cho đời
Khó này hơn khó kia
Nếu người không miệng lưỡi
Tiếng động khắp các cõi.
Tuy có thể như vậy
Chưa đủ cho là khó
Chưa học, khiến được học
Đó chính là rất khó.
Nếu người chỉ hư không
Nói có các loại sắc
Có thể vì việc này
Chưa đủ gọi là khó.
Pháp chưa được khiến được
Ta nói rất là khó
Như người không tay chân
Gánh vác núi Tu-di.
Muốn vượt qua biển cả
Chưa đủ cho là khó
Không tướng nói có tướng
Việc này khó hơn kia.

*********

Bấy giờ, Bồ-tát Bất Không Kiến lại bảo Tôn giả A-nan:

–Chư Phật Thế Tôn thù thắng, hy hữu hết mực, đối với vô lượng a-tăng-kỳ các pháp nhất định rốt ráo, đạt đến bờ giác, nên gọi là Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến nơi tất cả pháp tướng hành không chấp giữ, dựng lên cờ báu tối thắng, phát ra âm thanh lớn.

Nếu có chúng sinh nào thích nghe bố thí để được giải thoát, liền sinh ý nghĩ: Đức Như Lai sẽ vì ta nói về lợi ích bố thí.

Nếu có chúng sinh nào thích nghe giới cấm để được giải thoát, liền sinh ý nghĩ: Đức Như Lai sẽ vì ta nói về lợi ích rộng lớn của giới.

Nếu có chúng sinh nào thích nghe Tam-muội để được giải thoát, liền sinh ý nghĩ: Đức Như Lai sẽ vì ta nói về Tam-muội.

Nếu có chúng sinh nào thích nghe trí tuệ để được giải thoát, liền sinh ý nghĩ: Đức Như Lai hôm nay sẽ vì ta nói về trí tuệ.

Nếu có chúng sinh nào thích nghe giải thoát để được tế độ, liền sinh ý nghĩ: Hôm nay Đức Như Lai sẽ vì ta nói về giải thoát.

Nếu có chúng sinh nào thích nghe giải thoát tri kiến, liền sinh ý nghĩ: Đức Như Lai sẽ vì ta giảng nói về tri kiến.

Nếu có chúng sinh nào thích sinh Thiên để được giải thoát, liền sinh ý nghĩ: Đức Như Lai sẽ vì ta nói về việc sinh Thiên.

Nếu có chúng sinh nào thích nghe pháp vô thường để được giải thoát, liền sinh ý nghĩ: Đức Như Lai sẽ vì ta nói về vô thường.

Nếu có chúng sinh nào thích nghe nói về khổ để được giải thoát, liền sinh ý nghĩ: Hôm nay, Đức Như Lai sẽ vì ta nói về khổ.

Nếu có chúng sinh nào thích nghe vô ngã để được giải thoát, liền sinh ý nghĩ: Hôm nay, Đức Như Lai sẽ vì ta nói về vô ngã.

Nếu có chúng sinh nào thích nghe nói về vắng lặng để được giải thoát, liền sinh ý nghĩ: Đức Như Lai sẽ vì ta nói về pháp vắng lặng.

Nếu có chúng sinh nào thích nghe pháp bất tịnh để được giải thoát, liền sinh ý nghĩ: Đức Như Lai sẽ vì ta giảng nói về pháp bất tịnh.

Nếu có chúng sinh nào thích nghe đạo Vô thượng để được giải thoát, liền sinh ý nghĩ: Hôm nay Đức Như Lai sẽ vì ta nói về pháp Đại thừa, khen ngợi công đức của chư Phật. Không một chúng sinh nào nghe Đức Như Lai giảng nói pháp như vậy rồi mà không giải thoát.

Lúc đó, Bồ-tát Bất Không Kiến liền nói kệ: Đấng Điều Ngự thế gian

Ở trong chúng diễn nói
Giới, định, tuệ, giải thoát
Và giải thoát tri kiến.
Tất cả pháp như vậy
Nêu rõ đều thành Phật
Thích nghe nói thí, giới
Người ấy được giải thoát.
Đều nghe thế gian nương
Khen công đức thí, giới
Thích nghe nói định, trí
Được công đức giải thoát.
Liền nghe Phật Thế Tôn
Diễn âm không nghĩ bàn
Thích sinh Thiên giải thoát
Mâu-ni liền diễn giảng.
Người thích nghe trí tuệ
Nay Thiên Trung Thiên nói
Thích nghe vô thường, khổ
Nói vô ngã, bất tịnh.
Các tiếng đều vắng lặng
Người ấy được giải thoát
Tức thời liền được nghe
Tiếng không thể nghĩ bàn.
Nếu ai muốn thích nghe
Công đức Bích-chi-phật
Nay Thiện Thệ liền vì
Nói thừa Duyên giác này.
Nghe các công đức Phật
Thừa giải thoát như vậy
Thế Tôn nói pháp xong
Chúng sinh cầu Bồ-đề.
Như tất cả tiếng này
Không thể nghĩ bàn được
Các pháp của Phật nói
Lợi ích cho thế gian.
Đã hiểu biết tất cả
Tiếng vi diệu thanh tịnh
Tức thời đều phát khởi
Tâm Bồ-đề vô thượng.

Bồ-tát Bất Không Kiến lại bảo Tôn giả A-nan:

–Chư Phật Thế Tôn hết mực thù thắng hy hữu, thành tựu viên mãn hết thảy vô số căn lành nên gọi là Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, thân cận cúng dường vô lượng chư Phật, bố thí, điều phục, nhất tâm vắng lặng, nay được đạo Bồ-đề vô thượng, thành tựu đầy đủ vô số biện tài. Như Lai Thích-ca được vô lượng biện tài: Biện tài tối tôn vô thượng, biện tài không thể đối đáp, biện tài không chấp giữ, biện tài giải thoát thù thắng, biện tài không trở ngại, biện tài thành tựu tánh, biện tài thành tựu giáo hóa, biện tài thí không nhiệt náo, biện tài hỏi về có không, biện tài dự biết, biện tài hoặc có tướng, biện tài hoặc không tướng, biện tài vắng lặng mặc nhiên, biện tài hay trừ diệt giận dữ, biện tài tất cả chương cú danh tự, biện tài nêu bày về chương cú thâm diệu, biện tài nêu rõ về sự thuận hợp sâu xa, biện tài vô lượng ví dụ, biện tài không hỏi đáp, biện tài đầy đủ thiền định, biện tài đầy đủ rộng lớn, biện tài đầy đủ khó nghĩ bàn, biện tài đầy đủ sự mở bày diễn giải, biện tài đầy đủ thanh tịnh, biện tài đầy đủ điều không hủy, biện tài đầy đủ thông tuệ không hao tổn, biện tài đầy đủ tâm không tham đắm, biện tài đầy đủ tâm không tham tiếc, biện tài đầy đủ không mất câu chữ, biện tài đầy đủ không bị tước đoạt, biện tài đầy đủ không hư dối, biện tài đầy đủ ý phát khởi giảng nói pháp, biện tài đầy đủ việc nói pháp xua trừ phiền não sinh tâm thanh tịnh, biện tài đầy đủ việc thân cận nói chương cú, biện tài nói đầy đủ về quá khứ, biện tài nói đầy đủ về vị lai, biện tài nói đầy đủ về hiện tại, biện tài nói đầy đủ về hy hữu, biện tài đầy đủ trí vô sinh thù thắng vi diệu, biện tài đầy đủ làm cho tất cả đại chúng an vui.

Lúc đó, Bồ-tát Bất Không Kiến liền nói kệ:

Xưa đã từng chí tâm
Cúng dường vô lượng Phật
Do đó Nhân Trung Tôn
Nay được đạo Vô thượng.
Căn lành không nghĩ bàn
A-tăng-kỳ biện tài
Biện vô ngại mở bày
Phật được các biện này.
Biện giải thoát vô thượng
Biện thành tựu giáo hóa
Biện tuyên nói các tướng
Biện có hỏi, không hỏi.
Sâu xa nói đủ cả
Biện tùy thuận loại dụ
Tiếng thanh tịnh khó nghĩ
Biện đầy đủ diệu thuyết.
Thành tựu nghĩa thanh tịnh
Biện quyết định các tướng
Không nghĩ và không thoái
Biện không kém, không thấp.
Hay thay người tuệ sáng
Biện không chấp, không hoại
Không mất chữ, câu văn
Biện thâu vui không dối.
Hay đoạn tâm phiền não
Biện không quên mười
Lực Tối thượng và thân cận
Biện nói rõ ba đời.
Thánh cùng với không Thánh
Như biện tùy thuận này
Đều không sinh, không xa
Biện nghe gần, nghe xa.
Nói công đức Thiện Thệ
Biện âm thanh, trong suốt
Như người dùng sợi lông
Thu lấy nước biển cả.
Được biết số lượng đó
Khiến cho khô cạn hết
Không thể biết chư Phật
Biện Như Lai thù thắng.
Hư không hoặc có lượng
Có thể biết biên vực
Đem cân núi Tu-di
Có thể biết cân lạng.
Sức trí biện Như Lai
Không ai hàng phục được
Tuy trải qua số kiếp
Không lường được biện này.

Nói xong, Bồ-tát Bất Không Kiến lại bảo Tôn giả A-nan:

–Trưởng lão nên biết! Chư Phật Thế Tôn có âm thanh Đại phạm, âm thanh sư tử, âm thanh Long vương, tiếng dũng mãnh, tiếng đàn, tiếng ca, tiếng hay dịu dàng, tiếng sấm lớn nhỏ, tiếng không thể nghĩ bàn, tiếng vô lượng vi diệu, tiếng vô biên thù thắng, âm thanh đầy đủ, tiếng không thoái chuyển, tiếng Ca-lăng-tần-già, tiếng hoan hỷ thanh tịnh, tiếng Như Lai phân biệt, tiếng Như Lai hiểu rõ, tiếng Như Lai sâu rộng, tiếng Như Lai không hủy, tiếng Như Lai không bỏ, tiếng Như Lai trong suốt, tiếng không suy, không tổn, tiếng Như Lai tốt đẹp, tiếng Như Lai rất hay, tiếng Như Lai không dở, tiếng Như Lai lớn lao đầy đủ tất cả công đức. Là nơi nói Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri dùng một thứ âm thanh khiến nơi chúng sinh một thế giới đều rất thích nghe. Lại dùng một âm thanh khiến hai thế giới chúng sinh trong đó cũng rất thích nghe. Một âm thanh của Như Lai cho đến trăm ngàn vạn ức na-do-tha vô biên thế giới chúng sinh trong đó đều thích nghe cũng lại như vậy. Chúng sinh ở chốn kia nghe tiếng của Như Lai hiểu rõ như vậy, nhận biết như vậy, đều cho Như Lai vì mình mà nói pháp. Như vậy, này Tôn giả A-nan! Tiếng lợi ích, tiếng không thể nghĩ bàn của chư Phật Như Lai ví như vầng mặt trời soi chiếu cõi Diêm-phù-đề, những chúng sinh có mắt đều nhờ đó mà trí tuệ đạt lợi lạc. Âm thanh của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri như vậy là bánh xe pháp thanh tịnh vi diệu, tất cả đều được cứu giúp cũng lại như thế.

Này Tôn giả A-nan! Ví như đầu Xuân, ngày mười lăm, ban đêm vầng trăng tròn đầy trong sáng, soi chiếu khắp nơi không chút mây che, người cõi Diêm-phù-đề đều đi dạo xem tùy ý vui thích với vầng trăng ấy, âm thanh pháp luân thanh tịnh vi diệu của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cũng lại như vậy, chúng sinh nào nương vào đó thì được lợi ích, có duyên gặp được ánh sáng pháp của Như Lai.

Này Tôn giả A-nan! Ví như các sông ngòi, khe rạch, các dòng nước lớn nhỏ chảy vào biển cả đều thành một vị, nhưng một vị này lại đầy đủ các vị, cũng có vô lượng các châu báu vi diệu, Nhân phi nhân tuy tham cầu châu báu này nhưng biển cả sâu rộng khó có thể qua được; âm thanh pháp luân thanh tịnh khó lãnh hội của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cũng như vậy, khiến các chúng sinh được pháp báu lợi ích vô lượng an vui cũng như thế.

Này Tôn giả A-nan! Ví như đại địa giúp cho hạt giống nẩy mầm sinh trưởng vạn vật, làm lợi ích cho chúng sinh dẫn đến thịnh vượng. Xóm làng, thành ấp, chốn kinh kỳ của Đế vương, tất cả cảnh giới đều nương nơi đất này; như vậy âm thanh pháp luân thanh tịnh vi diệu của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri đã cứu vớt hết thảy vô lượng chúng sinh đều khiến được hoan hỷ cũng lại như thế.

Này Tôn giả A-nan! Ví như hư không, thế gian đến đi không bị ngăn ngại mà hư không này còn có thể tạo an lạc cho vạn vật; như vậy âm thanh pháp luân thanh tịnh vi diệu của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri tạo lợi ích lớn cho tất cả cũng lại như thế.

Này Tôn giả A-nan! Ví như cây Ba-lợi-chất-đa, Câu-tỳ-la trên cõi trời Tam thập tam, hoa lá sum suê, chư Thiên dạo chơi thấy được đều vui thích; như vậy âm thanh pháp luân thanh tịnh của Đức Như Lai diễn nêu tất cả pháp cam lồ lợi lạc cũng lại như thế.

Lúc này, Bồ-tát Bất Không Kiến liền nói kệ:

Âm Thế Tôn Pháp Vương
Đệ nhất Diêm-phù-đề
Tiếng sư tử hùng mạnh
Và tiếng của rồng lớn.
Tiếng đàn trúc hòa nhã
Mười phương không nghĩ bàn
Tiếng chuông gầm sấm vang.
Tiếng động khắp vô biên.
Tiếng cõi Phật đầy đủ
Tiếng chưa từng suy giảm
Tiếng Ca-lăng-tần-già
Tiếng thuận hợp hoan hỷ.
Tiếng Thánh vui không cấu
Tiếng dạy dỗ, không dạy
Tiếng vô vi thâm diệu
Tiếng không chê, hủy báng.
Khó thấy khéo phân biệt
Âm thanh của câu chữ
Tiếng không còn suy tổn
Tiếng vi diệu hiện khắp.
Tiếng không còn trói buộc
Và tiếng không quên mất
Tiếng tất cả công đức
Nương thế gian để nói.
Hay dùng một âm thanh
Hiện khắp một thế giới
Điều phục mọi chúng sinh
Hoan hỷ đều thích nghe.
Nói hôm nay Như Lai
Chỉ vì ta nói pháp
Như Lai dùng một âm
Cho đến hằng sa cõi.
Trong vô lượng thế giới
Chúng sinh đều thích nghe
Ví như mặt trời sáng
Chiếu soi khắp vạn vật.
Tiếng Thế Tôn như vậy
Vì chúng diễn thuyết pháp
Đầu xuân ngày mười lăm
Trăng tròn sáng rực rỡ.
Vầng trăng sáng như vậy
Chiếu khắp Diêm-phù-đề
Khiến đều được hoan lạc
Lợi ích cũng vô biên.
Thế gian nương vào trăng
Người thấy đều vui vẻ
Âm thanh thanh tịnh diệu
Làm lợi cho tất cả.
Diêm-phù-đề tối thượng
Không thể nghĩ bàn được
Như biển cả vô biên
Chỗ sinh ra các báu.
Sâu rộng khó thể qua
Lợi ích tất cả chúng
Phật thù thắng như vậy
Tối thượng không ai hơn.
Nên dạy, không nên dạy
Âm thanh khó lãnh hội
Thanh tịnh không hủy hoại
Hay thí mọi điều vui.
Ở tam thiên cõi này
Tất cả chúng an trụ
Âm thanh Phật như vậy
Lợi vật khó nghĩ bàn.
Hư không không trở ngại
Qua lại thông suốt khắp
Tiếng Thế Tôn như vậy
Thấm nhuần hết thảy chúng.
Như cây hoa hương trời
Nở ra được lợi ích
Các âm thanh Như Lai
Đều lợi ích thế gian.
Ta ở trong một kiếp
Nói cộng đức tiếng Phật
Tuy lại trải trăm kiếp
Không lường được trước sau.
Chư Phật cũng như vậy
Tiếng không thể nghĩ bàn
Các chúng sinh mười phương
Dị khẩu biện vô biên.
Nói công đức tiếng Phật
Không thể cùng tận được
Thế gian nương như vậy
Tiếng không thể nghĩ bàn.
Nếu các loài nước đất
Cùng tất cả chúng sinh
Giả khiến đều được Phật
Tiếng không lường độ sâu.
Các Thiện Thệ như vậy
Tiếng không thể nghĩ bàn
Như Đấng Điều Ngự sư
Âm thanh không gì sánh.
Nếu suy nghĩ tùy thuận
Trọn không đọa nẻo ác
Nếu có các Bồ-tát
Nghe đầy đủ tiếng Phật.
Sẽ thành Phật, Pháp vương
Âm thanh không nghĩ bàn.

Khi ấy, Tứ Thiên vương, Thích Đề-hoàn Nhân, Thiên tử Diệm-ma, Đâu-suất, Tự tại và Đại tự tại cùng với con tên là Thương Chủ, Đại phạm Thiên vương, chư Thiên trời Tịnh cư. Lại có chư Thiên oai đức đại lực, các Thiên tử ở hai cõi Dục và Sắc, nghe Đại Bồ-tát Bất Không Kiến nói về công đức nơi âm thanh của Phật, đều khen là chưa từng có, bèn dùng hương bột chiên-đàn trời tung rải cúng dường Đại Bồ-tát Bất Không Kiến, cho đến cúng dường khắp mười phương. Lúc đó có sáu mươi ức trăm ngàn na-do-tha chư Thiên thuộc Dục giới, Sắc giới nghe âm thanh này đều gieo trồng căn lành Bồ-đề vô thượng; năm ngàn Tỳ-kheo cũng phát tâm Bồ-đề vô thượng, mặc áo giáp thệ nguyện rộng lớn, bảy trăm ngàn vạn các Tỳ-kheo-ni đều phát tâm Bồ-đề vô thượng và phát thệ nguyện lớn, năm ngàn ức Ưu-bà-tắc từ tòa ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Đại Bồ-tát Bất Không Kiến, lại có hai ức trăm ngàn na-do-tha các người nữ tất cả đều cởi các thứ châu báu anh lạc trên thân, dâng lên cúng dường Đại Bồ-tát Bất Không Kiến, cũng để phát đại nguyện Bồ-đề vô thượng.