SỐ 224
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 5: ĐỊA NGỤC

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật mang lại nhiều sự thành tựu.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Do Bát-nhã ba-la-mật mà không pháp nào không được mệnh danh là Ba-la-mật.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật là cực kỳ sáng chói.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật là trừ khử tối tăm.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật là không chấp trước.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật là cực kỳ cao quý.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật làm con mắt cho người không có mắt.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật là người dẫn đường cho kẻ lạc lối.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Trí Nhất thiết trí tức là Bátnhã ba-la-mật.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật là mẹ của Đại Bồ-tát.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Không sinh, không diệt tức là Bát-nhã ba-la-mật.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Chuyển đầy đủ ba hành mười hai pháp luân tức là chuyển Bát-nhã ba-la-mật.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật làm cho người khốn khổ được an ổn.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật làm người cứu hộ trong biển sinh tử.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật là thật tướng của các pháp.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Đại Bồ-tát phải trụ trong Bátnhã ba-la-mật như thế nào?

Đức Phật nói với Xá-lợi-phất:

–Đại Bồ-tát nhờ Bát-nhã ba-la-mật mà trụ thì phải kính lễ Bátnhã ba-la-mật như kính lễ Phật.

Thích Đề-hoàn Nhân thầm nghĩ: “Tôn giả Xá-lợi-phất vì sao đặt câu hỏi này.” Thích Đề-hoàn Nhân liền hỏi Xá-lợiphất:

–Vì sao Tôn giả hỏi như thế?

Xá-lợi-phất đáp Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Bát-nhã ba-la-mật là pháp hộ trì của Bồtát. Nhân công đức khuyến trợ pháp này, đem hồi hướng đến trí Nhất thiết trí, thì vượt lên trên công đức của Bồ-tát thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Ví như hoặc người mới sinh ra đã mù hoặc trăm người hoặc ngàn người hoặc vạn người hoặc ngàn vạn người vừa sinh ra đã mù, lại không có người dẫn đường mà muốn đi đến thành ấp thì những người ấy không biết phải đi như thế nào.

Cũng vậy, này Câu-dực! Năm pháp Ba-la-mật kia cũng như người mù không thấy đường, nếu lìa Bát-nhã ba-la-mật mà muốn đạt đến trí Nhất thiết trí thì không biết phải làm thế nào. Bát-nhã ba-lamật là pháp hộ trì của năm pháp Ba-lamật kia, đem lại đôi mắt cho năm pháp Ba-la-mật kia. Bát-nhã ba-la-mật là pháp hộ trì khiến cho năm pháp Ba-la-mật kia được mệnh danh là Ba-la-mật.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Phải làm thế nào để thể nhập vào trong Bát-nhã bala-mật?

Đức Phật đáp Xá-lợi-phất:

–Chẳng thấy sắc là đối tượng để nhập, chẳng thấy thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức là đối tượng để nhập. Chẳng thấy năm ấm là đối tượng để nhập tức là thể nhập vào Bát-nhã ba-la-mật.

Xá-lợi-phất hỏi Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Người như thế là người thể nhập Bát-nhã ba-la-mật. Thể nhập như thế thì sẽ hoàn thành pháp gì?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Không thành pháp nào hết tức là Bát-nhã ba-la-mật.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bát-nhã ba-la-mật không thành trí Nhất thiết trí, cũng không thật có. Nếu đặt câu hỏi: Bát-nhã ba-la-mật không đắc trí Nhất thiết trí, cũng không được thành, cũng không có danh tự gọi là thành. Đối với sinh tử cũng không có danh tự gọi là thành. Đối với sinh tử cũng không có thành. Bạch Thế Tôn! Vậy phải thế nào mới là thành?

Đức Phật dạy:

–Vì không thành nên mới là thành.

Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

–Hy hữu thay! Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Nếu Bát-nhã bala-mật đối với các pháp không sinh, không đắc thì chỗ trụ là vô sở trụ.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Nếu Bồ-tát nghĩ như thế tức là xa lìa Bát-nhã ba-la-mật. Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:

–Nếu như Bồ-tát có nhân duyên với Bát-nhã ba-la-mật thì quán niệm Bát-nhã ba-la-mật, biết Bát-nhã ba-la-mật là không, vô sở hữu, không gần, không xa. Đó là Bát-nhã ba-lamật của Đại Bồtát.

Tu-bồ-đề hỏi Phật:

–Tin Bát-nhã ba-la-mật là tin pháp nào?

Đức Phật đáp Tu-bồ-đề:

–Người tin Bát-nhã ba-la-mật là không tin sắc, không tin thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức là có, không tin quả vị Tuđà-hoàn, không tin các quả vị Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-lahán, Bích-chi-phật và Phật đạo là có.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Đại Ba-la-mật chính là Bátnhã ba-la-mật.

Phật hỏi Tu-bồ-đề:

–Tại sao biết Đại Ba-la-mật chính là Bát-nhã ba-la-mật? Tu-bồ-đề đáp:

–Đối với sắc không có lớn, không có nhỏ, chẳng lấy sắc làm chứng đắc, chẳng vì sắc mà chứng đắc. Thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức cũng không có lớn, không có nhỏ, chẳng lấy thức làm chứng đắc, chẳng vì thức mà chứng đắc, thì đối với mười Lực của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không còn yếu kém. Trí Nhất thiết trí thì không rộng, không hẹp. Vì sao trí Nhất thiết trí không rộng, không hẹp biết là vô sở hành đối với Bát-nhã ba-la-mật? Vì Bát-nhã ba-lamật vô sở hữu, nếu đối với pháp này có sở cầu nghĩa là có sở hữu, thì đó là một sai lầm lớn. Vì sao? Vì chúng sinh không sinh nên Bátnhã ba-la-mật và chúng sinh đều không sinh, Bát-nhã ba-la-mật không nên chấp tướng chúng sinh, mà chúng sinh cũng không diệt. Bát-nhã ba-la-mật cũng giống như vậy. Chúng sinh như Bát-nhã bala-mật nghĩa là đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì chúng sinh có năng lực nên Như Lai hiện có năng lực.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật rất thâm diệu! Nếu có Đại Bồ-tát tin sâu Bát-nhã ba-la-mật, chẳng nói chỗ kém dở, cũng chẳng hồ nghi pháp này. Người này từ chỗ nào sinh đến đây? Người này là người đã hành đạo Bồ-tát, đã nghe và hiểu pháp Bát-nhã ba-la-mật, rồi theo lời dạy trong đó mà sinh vào chỗ này.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Từ cõi Phật phương khác đến sinh ở đây. Đại Bồ-tát này ở phương khác cúng dường Phật xong, vì muốn được học hỏi pháp Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu nên khi được nghe nói đến Bát-nhã ba-la-mật, liền tự nghĩ: “Ta gặp Bát-nhã ba-lamật như gặp Phật, không khác.” Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bát-nhã ba-la-mật có thể được thấy nghe chăng?

Phật đáp:

–Không thể được thấy nghe.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bồ-tát tu hành theo Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu từ trước đến này đã được nghe pháp này bao nhiêu lần?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Các vị Bồ-tát ấy không phải cùng tu học như nhau, mà mỗi người đều có hạnh riêng. Hoặc có người đã cúng dường ngần ấy trăm, ngần ấy ngàn Đức Phật, đã gặp được pháp Bát-nhã ba-la-mật rồi đều tu hành giới thanh tịnh. Hoặc có người ở trong chúng nghe Bát-nhã ba-la-mật mà bỏ đi, vì chẳng kính pháp của Đại Bồ-tát, nay nghe Phật nói pháp Bátnhã ba-la-mật thâm diệu, người này cũng bỏ đi, không muốn nghe. Vì sao? Vì người này ở đời trước cũng đã từng nghe thuyết pháp Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu mà bỏ đi. Thâm tâm chẳng yên là do tội nghiệp vô tri gây ra. Vì tội nghiệp này nên hoặc nghe nói đến pháp Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu lại ngăn người khác không cho họ nói. Người ngăn Bát-nhã ba-lamật tức là ngăn trí Nhất thiết trí. Người ngăn trí Nhất thiết trí là người ngăn Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Do vì tội đoạn pháp này mà sau khi chết đi bị đọa vào đại địa ngục ngần ấy trăm ngàn năm, ngần ấy ức ngàn vạn năm, còn phải ở trong ngần ấy địa ngục chịu đủ các sự đau khổ không thể nói hết.

Hết tuổi thọ ở địa ngục này lại sinh qua đại địa ngục ở phương khác, hết tuổi thọ ở đó lại sinh qua đại địa ngục ở phương khác nữa.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Tội ấy như tội ngũ nghịch.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Tội ấy dù muốn ví dụ cũng không thể so sánh được. Nếu lúc người ấy được nghe đọc tụng, giảng nói Bát-nhã ba-lamật thâm diệu thì tâm người ấy nghi ngờ pháp này mà chẳng chịu học, nghĩ rằng: “Chẳng phải là pháp của Như Lai thuyết”, rồi nói lời ngăn cản người khác: “Đừng học pháp này”. Đó là tự làm hỏng mình còn làm hỏng người khác, tự mình uống thuốc độc rồi lại còn cho người khác uống thuốc độc. Hạng người này tự bỏ mất mình, còn bỏ mất người khác, tự chẳng hiểu biết Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, lại còn làm hại người khác. Bồ-tát chẳng nên gần gũi hạng người này.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát chẳng nên sinh hoạt chung với hạng người này. Vì sao? Vì hạng người này là hạng phỉ báng pháp, tự ở trong chỗ tối tăm, còn lôi kéo người khác vào trong chỗ tối tăm. Họ không khác gì người tự uống thuốc độc hại thân chết. Lời của kẻ đoạn pháp cũng có người tin. Người nào tin lời kẻ ấy nói thì tội cũng đồng như kẻ ấy. Vì sao như thế? Vì phỉ báng lời Phật dạy. Người phỉ báng Bát-nhã ba-lamật chính là đã phỉ báng các pháp.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Con xin được nghe nói về kẻ phỉ báng. Kẻ ấy thọ thân như thế nào, chẳng biết thân lượng thế nào?

Phật nói với Xá-lợi-phất:

–Kẻ phỉ báng pháp này, nếu được nghe nói đến thân lượng của họ, thì họ sẽ mửa máu hoặc sợ hãi mà chết vì bị đau đớn quá. Kẻ ấy nghe qua sẽ bị sự buồn rầu nung nấu mà chết ví như ngắt bông hoa để ngoài ánh nắng mặt trời thì phải bị khô héo.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Cúi xin Ngài vì mọi người mà nói về thân lượng của kẻ phỉ báng pháp như thế nào để làm gương cho đời sau. Người nào được nghe qua sẽ sợ hãi tự nghĩ: “Ta không nên phỉ báng và đoạn pháp như người kia. Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Đây là vì làm gương cho mọi người. Do nhân duyên tội nghiệp mà thọ thân rất xấu xí, đau khổ ở chỗ hôi hám không thể nói hết. Kẻ ấy đau khổ lớn lao và lâu dài. Thiện nam, thiện nữ nghe lời này rồi không còn dám phỉ báng.

Đức Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Thiện nam, thiện nữ thường phải gìn giữ thân, khẩu, ý. Người chỉ ngồi không, lời nói ở cửa miệng làm cho mang tội này.

Phật nói với Tu-bồ-đề:

–Người ngu si này ở trong pháp của ta làm Sa-môn trở lại phỉ báng Bát-nhã ba-la-mật tức là ngăn Phật, Bồ-tát. Ngăn Phật, Bồ-tát tức là đoạn trí Nhất thiết trí của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Đoạn trí Nhất thiết trí tức là đoạn pháp. Đoạn pháp tức là đoạn Tỳkheo Tăng. Đoạn Tỳ-kheo Tăng thì phải chịu tội vô số không thể kể xiết.

Tu-bồ-đề hỏi Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Nếu có người đoạn Bátnhã ba-la-mật thâm diệu thì do mấy nguyên nhân?

Đức Phật đáp Tu-bồ-đề:

–Một là bị ma sai khiến, hai là không tin không ưa pháp thâm diệu. Do hai nguyên nhân này nên thiện nam, thiện nữ đoạn Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Người đoạn Bát-nhã ba-la-mật còn có bốn nguyên nhân. Thế nào là bốn nguyên nhân do nghe theo lời thầy ác nói? Một là không học theo diệu pháp, hai là không phụng hành diệu pháp, ba là chủ trương phỉ báng, bốn là tìm chỗ kém dở của người để tự đề cao mình.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Hiếm có người tin Bát-nhã bala-mật vì họ không hiểu nổi pháp này.

Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:

–Đúng thế, đúng thế! Hiếm có người tin Bát-nhã ba-lamật vì họ không hiểu nổi pháp này.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu thế nào mà ít có người tin hiểu?

Đức Phật đáp Tu-bồ-đề:

–Sắc không dính mắc, không trói buộc, không cởi mở. Vì sao? Vì chân tánh của sắc là sắc. Thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức không dính mắc, không trói buộc, không cởi mở. Vì sao? Vì chân tánh của thức là thức. Sắc quá khứ không dính mắc, không trói buộc, không cởi mở. Vì sao. Vì chân tánh của sắc quá khứ là sắc. Sắc vị lai không dính mắc, không trói buộc, không cởi mở. Vì sao? Vì chân tánh của sắc vị lai là sắc. Sắc hiện tại không dính mắc, không trói buộc, không cởi mở. Vì sao? Vì chân tánh của sắc hiện tại là sắc. Thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức quá khứ không dính mắc, không trói buộc, không cởi mở. Vì sao? Vì chân tánh của thức quá khứ là thức. Thức vị lai không dính mắc, không trói buộc, không cởi mở. Vì sao? Vì chân tánh của thức vị lai là thức. Thức hiện tại không dính mắc, không trói buộc, không cởi mở. Vì sao? Vì chân tánh của thức hiện tại là thức. Thế nên, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu ít có người tin hiểu.