KINH KHỞI THẾ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 5: CÁC RỒNG VÀ KIM SÍ ĐIỂU

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, tất cả loài Rồng có bốn cách thọ sanh. Những gì là bốn? Một là sanh từ trứng, hai là sanh từ bào thai, ba là sanh từ chỗ ẩm thấp, bốn là sanh từ sự biến hóa. Đó gọi là bốn cách thọ sanh của Rồng.

Chư Tỳ-kheo, loài Kim sí điểu cũng có bốn cách thọ sanh, đó là sanh từ trứng, sanh từ bào thai, sanh từ chỗ ẩm thấp, sanh từ sự biến hóa. Đó gọi là bốn cách thọ sanh.

Chư Tỳ-kheo, dưới nước của biển lớn, có cung điện của Long vương Sa-già-la, rộng dài bằng phẳng tám do-tuần, có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lan can trang trí chung quanh, có bảy lớp dây ngọc, trong điện báo linh báu. Lại có bảy hàng cây Đa-la mọc thẳng che khuất ánh sáng, bao bọc chung quanh, màu sắc đẹp đẽ dễ xem; có các báu trang trí, đó là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não…, bảy báu tạo thành. Ở bốn phía cung điện đều có các cửa, mỗi cửa đều có các lâu đài, lầu quán, phòng vệ. Lại có vườn cảnh và suối, ao. Trong các ao vườn, ao nào cũng đủ các loại hoa, cỏ ngay hàng thẳng lối. Lại có các cây, với các thứ cành lá, các thứ hoa quả, các thứ hương thơm theo gió lan xa, các loài chim cùng cất giọng trong trẻo thánh thót.

Chư Tỳ-kheo, ở khoảng giữa hai núi: núi chúa Tu-di và núi Khư-đề-la, lại có cung điện của hai đại Long vương là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà tọa lạc. Nơi ấy dài rộng sáu ngàn do-tuần, có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lan can… lược nói… như trên… cho đến các loài chim cùng nhau ca hót.

Chư Tỳ-kheo, phía Bắc của biển lớn có sanh một cội đại thọ cho các Long vương và tất cả Điểu vương cánh vàng tên là Cư-traxà-ma-ly (Đời Tùy gọi là Lộc tự), chu vi cội cây ấy bảy do-tuần, phần ăn sâu xuống đất là hai mươi do-tuần, thân vươn cao một trăm do-tuần, cành lá che phủ năm mươi do-tuần. Ngoài phạm vi của cây, vườn cảnh dài rộng, bằng phẳng năm trăm do-tuần, có bảy lớp bờ tường… cho đến… các loài chim cùng nhau ca hót… như trên

Chư Tỳ-kheo, phía Đông của đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly có cung điện của loài Rồng sanh từ trứng và loài Kim sí điểu sanh từ trứng tọa lạc. Cung điện ấy, mỗi cái dài rộng sáu trăm do-tuần; có bảy lớp bờ tường… cho đến… các loài chim cùng nhau ca hót… như trên

Phía Nam của đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly có cung điện của loài Rồng sanh từ bào thai và loài Kim sí điểu sanh từ bào thai tọa lạc. Mỗi cái cũng dài rộng sáu trăm do-tuần; có bảy lớp bờ tường… cho đến… các loài chim cùng nhau ca hót… như trên

Phía Tây của đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly có cung điện của loài Rồng và Kim sí điểu sanh từ chỗ ẩm thấp tọa lạc. Mỗi cái cũng dài rộng sáu trăm do-tuần; có bảy lớp bờ tường… cho đến… các loài chim cùng nhau ca hót… như trên

Phía Bắc của đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly có cung điện của loài Rồng và Kim sí điểu sanh từ sự biến hóa tọa lạc. Mỗi cái cũng dài rộng sáu trăm do-tuần; có bảy lớp bờ tường… cho đến các loài chim cùng nhau ca hót… như trên

Chư Tỳ-kheo, khi Điểu vương cánh vàng sanh từ trứng kia muốn bắt loài Rồng sanh từ trứng thì liền bay đến đậu trên cành phía Đông của đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly xem xét biển lớn xong, rồi mới bay xuống, dùng hai cánh quạt nước biển lớn khiến nước tự rẽ ra hai trăm do-tuần. Ngay trong lúc ấy, nó ngậm loài Rồng sanh từ trứng bay ra khỏi biển, tùy ý mà ăn.

Chư Tỳ-kheo, Điểu vương cánh vàng sanh từ trứng chỉ có thể bắt được loài Rồng sanh từ trứng tùy ý mà ăn thịt, chứ chẳng thể bắt các loài Rồng sanh từ bào thai, sanh từ chỗ ẩm thấp, sanh từ chỗ biến hóa.

Chư Tỳ-kheo, Điểu vương cánh vàng sanh từ bào thai nếu muốn bắt loài Rồng sanh từ trứng liền bay đến đậu trên cành phía Đông của đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly nhìn xuống biển lớn rồi mới bay xuống, dùng hai cánh quạt nước biển lớn, khiến nước tự rẽ ra hai trăm do-tuần, nhân đó mới ngậm lấy các loài Rồng sanh từ trứng bay ra khỏi biển, tùy ý ăn thịt.

Lại nữa, Điểu vương cánh vàng sanh từ bào thai nếu muốn bắt loài Rồng sanh bào thai liền bay đến đậu trên cành ở phía Nam của đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly nhìn xuống biển lớn, rồi dùng hai cánh quạt nước biển lớn, khiến nước rẽ ra bốn trăm do-tuần, liền ngay lúc ấy, bắt các loài Rồng sanh từ bào thai bay ra khỏi biển, tùy ý mà ăn.

Chư Tỳ-kheo, Điểu vương cánh vàng sanh từ bào thai ấy chỉ có thể bắt được loài Rồng sanh từ trứng và loài Rồng sanh từ bào thai, theo nhu cầu của chúng, chứ chẳng thể bắt hai loài Rồng sanh từ sự ẩm thấp và sanh từ sự biến hóa.

Chư Tỳ-kheo, Điểu vương cánh vàng sanh từ chỗ ẩm thấp nếu khi muốn bắt loài Rồng sanh từ trứng, liền bay đến đậu trên cành phía Đông của cây đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly, dùng hai cánh quạt nước biển lớn, nước rẽ ra hai trăm do-tuần, xong ngậm lấy loài Rồng sanh từ trứng, tùy ý ăn thịt.

Lại nữa, Điểu vương cánh vàng sanh từ chỗ ẩm thấp, nếu khi muốn bắt loài Rồng sanh từ bào thai liền bay đến đậu trên cành phía Nam của đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly, dùng hai cánh quạt nước biển lớn, nước rẽ ra bốn trăm do-tuần, xong ngậm lấy loài Rồng sanh từ bào thai sử dụng theo ý thích.

Lại nữa, Điểu vương cánh vàng sanh từ chỗ ẩm thấp, nếu muốn bắt loài Rồng sanh từ chỗ ẩm thấp, liền bay đến đậu trên cành phía Tây của đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly, dùng hai cánh quạt nước biển lớn, nước rẽ ra tám trăm do-tuần, liền ngậm lấy loài Rồng sanh từ chỗ ẩm thấp, tùy ý ăn thịt.

Chư Tỳ-kheo, Điểu vương cánh vàng sanh từ chỗ ẩm thấp chỉ có thể bắt được loài Rồng sanh từ trứng, từ bào thai, từ ẩm thấp, tùy theo nhu cầu, tùy ý mà ăn, chứ chẳng thể bắt loài Rồng sanh từ sự biến hóa.

Chư Tỳ-kheo, Điểu vương cánh vàng sanh từ sự biến hóa ấy, nếu muốn bắt loài Rồng sanh từ trứng, ngay khi ấy bay đến đậu trên cành cây phía Đông của đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly, dùng hai cánh quạt nước biển lớn, nước biển rẽ ra hai trăm do-tuần, liền ngậm lấy loài Rồng sanh từ trứng, tùy ý mà ăn.

Lại nữa, Điểu vương cánh vàng sanh từ sự biến hóa ấy, nếu muốn bắt loài Rồng sanh từ bào thai thì ngay khi ấy bay đến đậu trên cành phía Nam của đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly, dùng cánh quạt biển, nước biển rẽ ra bốn trăm do-tuần. Nước biển đã rẽ ra rồi, Điểu vương sanh từ sự biến hóa liền ngậm lấy các loài Rồng sanh từ bào thai, tùy ý mà ăn.

Lại nữa, Điểu vương cánh vàng sanh từ sự biến hóa nếu muốn bắt loài Rồng sanh từ chỗ ẩm thấp, liền bay đến đậu trên cành cây phía Tây của đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly, dùng cánh quạt biển, nước biển rẽ ra tám trăm do-tuần, liền ngậm lấy các loài Rồng sanh từ ẩm thấp, tùy ý mà ăn.

Lại nữa, Điểu vương cánh vàng sanh từ sự biến hóa ấy, nếu muốn bắt loài Rồng sanh từ biến hóa, thì bay đến đậu trên cành phía Bắc của cây đại thọ Cư-tra-xà-ma-ly, nhìn xuống biển lớn, liền dùng hai cánh quạt nước biển lớn, nước biển rẽ ra một ngàn sáu trăm dotuần, liền ngậm lấy các loài Rồng sanh từ sự biến hóa, tùy ý mà ăn.

Chư Tỳ-kheo, các loài Rồng ấy đều bị Điểu vương cánh vàng này ăn thịt hết. Thế nhưng, này chư Tỳ-kheo, đặc biệt có loài Rồng mà Kim sí điểu không thể bắt được, đó là Long vương Ta-già-la, chưa từng bị Điểu vương cánh vàng kia làm kinh động. Lại có Long vương Nan-đà, Long vương Ưu-ba-nan-đà, hai Long vương này cũng chẳng bị Điểu vương cánh vàng kia bắt được. Lại có Long vương Đềđầu-lại-tra, Long vương A-na-bà-đạt-đa, Điểu vương cánh vàng cũng chẳng thể bắt được. Chư Tỳ-kheo, ngoài ra, cũng còn có các Long vương khác nữa, chẳng bị Điểu vương cánh vàng bắt ăn thịt, đó là Long vương Ma-đa-xa-ca, Long vương Đức-xoa-ca, Long vương Yếtlặc-noa-kiều-đa-ma-già, Long vương Xí-bà-đà-phất-tri-lê-ca, Long vương Quân sư Ba-đà-ca, Long vương Cam-bà-la, Long vương A-thấp-bà-đa-la… Chư Tỳ-kheo, lại có các loại Rồng khác ở trong cảnh giới mà họ ở, cũng chẳng bị các Kim sí điểu ăn thịt.

Chư Tỳ-kheo, các chúng sanh này có nhân duyên gì ở trong các cõi sanh làm loài Rồng như vậy? Chư Tỳ-kheo, có các chúng sanh huân tu nhân Rồng, thọ trì giới Rồng, phát khởi tâm Rồng, phân biệt ý Rồng, tạo nghiệp như vậy rồi, vì nhân duyên kia đã thành thục, nên sanh vào loài Rồng. Lại có chúng sanh huân tu nhân Kim sí điểu, thọ trì giới Kim sí điểu, phát khởi tâm Kim sí điểu, phân biệt ý Kim sí điểu, vì nhân duyên ấy mà khi thân hoại mạng hết, sanh vào loài Kim sí điểu như vậy. Lại có chúng sanh huân tu nhân dã thú, thọ trì giới dã thú, phát khởi tâm dã thú, làm theo nghiệp dã thú, phân biệt ý dã thú; vì huân tu các loại nhân, giới của các loài thú, phát khởi hành nghiệp, thành tựu tâm ý, do nhân duyên ấy mà thân hoại mạng hết, liền sanh vào các loài thú. Lại có chúng sanh huân tu nhân trâu, bò; giới trâu bò, nghiệp trâu bò, tâm trâu bò, ý trâu bò… cho đến phân biệt… Vì nhân duyên ấy, nên sanh vào loài trâu bò. Lại có chúng sanh huân tu nhân gà, giới gà, nghiệp gà, tâm gà, ý gà… cho đến phân biệt… vì nhân duyên ấy nên sanh vào loài gà. Lại có chúng sanh tu nhân cú mèo, thọ giới cú mèo, phát tâm cú mèo, hành nghiệp cú mèo, phân biệt ý cú mèo, vì huân tu nghiệp cú mèo, thọ giới cú mèo, khởi tâm cú mèo, phân biệt ý cú mèo, nên xả thân này rồi sanh vào loài cú mèo.

Chư Tỳ-kheo, lại có chúng sanh huân tu giới mặt trăng, hoặc tu giới mặt trời, giới tinh tú, giới đại nhân, hoặc có kẻ huân tu giới mặc nhiên, hoặc có kẻ huân tu giới đại lực thiên, hoặc có kẻ huân tu giới đại trượng phu, hoặc có kẻ huân tu giới nhập thủy, hoặc có kẻ huân tu giới cúng dường mặt trời, hoặc có kẻ huân tu giới thờ hành hỏa, hoặc tu khổ hạnh. Tại các chỗ dơ bẩn, đã huân tu rồi, khởi lên ý nghĩ thế này: “Nguyện cho những giới mà ta đã tu này, đó là giới mặt trăng, giới mặt trời, giới sao mai, giới mặc nhiên, giới đại lực thiên, giới đại trượng phu, giới thủy, giới hỏa, khổ hạnh, dơ uế, các giới như vậy, khiến cho ta do nhân duyên này sẽ được làm trời, hoặc được quả báo của trời”, phát ra những nguyện tư duy tà vạy như vậy. Chư Tỳ-kheo, phước của các trượng phu này đen tối, nên phát khởi tâm tà nguyện. Nay Ta bảo rằng chỗ hướng đến của những kẻ ấy chắc chắn có hai chốn là hoặc sanh vào địa ngục, hoặc sanh vào loài súc sanh.

Chư Tỳ-kheo, hoặc có một nhóm Sa-môn, Bà-la-môn… đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian là thường còn. Đây mới là sự thật, ngoài ra là hư dối. Lại có một nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian là không thường còn. Đây mới là sự thật, ngoài ra là hư dối”. Lại có một nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian cũng vừa thường còn vừa không thường còn. Đây mới là sự thật, ngoài ra là hư dối”. Lại có một nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian chẳng phải thường còn, chẳng phải không thường còn. Đây mới là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, hoặc có một nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian có biên giới. Đây mới là sự thật, ngoài ra là hư dối”. Lại có một nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian không có biên giới. Đây mới là sự thật, ngoài ra là hư dối”. Lại có nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian cũng vừa có biên giới, vừa không có biên giới. Đây mới là sự thật, ngoài ra là hư dối”. Lại có một nhóm Samôn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian chẳng phải có biên giới, chẳng phải chẳng có biên giới. Đây mới là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, hoặc có một nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Mạng tức là thân. Đây mới là sự thật, ngoài ra là hư dối”. Lại có một nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Có mạng có thân. Đây mới là sự thật, ngoài ra đều hư dối”. Lại có một nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Không có mạng, không có thân. Đây mới là sự thật, ngoài ra đều là hư dối”. Lại có một nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Như Lai sau khi tịch còn hiện hữu. Đây mới là sự thật, ngoài ra đều là hư dối”. Lại có một nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Như Lai sau khi tịch không còn hiện hữu. Đây mới là sự thật, ngoài ra đều là hư dối”. Lại có một nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Như Lai sau khi tịch cũng vừa hiện hữu, cũng vừa không hiện hữu. Đây mới là sự thật, ngoài ra đều hư dối”. Lại có một nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: ‘Như Lai sau khi tịch chẳng phải hiện hữu, chẳng phải không hiện hữu. Đây mới là sự thật, ngoài ra đều là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số ấy, nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “ Ngã và thế gian là thường. Đây là sự thật, ngoài ra đều hư dối”, là vì nhóm Sa-môn, Bà-la-môn ấy ở trong các hành, đang có kiến chấp về ngã, có kiến chấp về thế gian, lìa khỏi các hành cũng có kiến chấp về ngã, có kiến chấp về thế gian. Do ý nghĩa đó, đã đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian là thường. Đây mới là sự thật, ngoài ra đều hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số ấy, nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian là vô thường. Đây là sự thật, ngoài ra đều là hư dối”, là vì nhóm Sa-môn, Bà-la-môn ấy ở trong các hành đang có kiến chấp về vô ngã, kiến chấp không có thế gian, rời khỏi các hành, cũng có kiến chấp về vô ngã, kiến chấp không có thế gian. Do ý nghĩa ấy, họ mới nói thế này: “Ngã và thế gian là vô thường. Đây mới là sự thật, ngoài ra đều là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số ấy, nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian cũng thường cũng vô thường. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối” là vì nhóm Sa-môn, Bà-la-môn ấy ở trong các hành, đang có kiến chấp về ngã, kiến chấp thế gian, rời khỏi các hành cũng có kiến chấp về ngã, và kiến chấp về thế gian. Do ý nghĩa ấy, họ mới nói thế này: “Ngã và thế gian cũng thường cũng vô thường. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số ấy, nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian chẳng phải thường chẳng phải chẳng thường. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”, là vì nhóm Samôn, Bà-la-môn ấy ở trong các hành, đang có kiến chấp về ngã, kiến chấp về thế gian, rời khỏi các hành cũng có kiến chấp về ngã, kiến chấp về thế gian. Vì vậy nên họ nói: “Ngã và thế gian chẳng phải thường, chẳng phải chẳng thường. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số ấy, nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian là có biên giới. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”, là vì các Sa-môn, Bà-la-môn ấy đã lập thuyết thế này: “Mạng có biên giới, nhân có biên giới, từ khi mới nhập thai vào bụng mẹ mới gọi là mạng, đến sau khi chết chôn gọi là nhân. Trước giai đoạn nhân, tức là khi mới xuất sanh thọ thân bốn đại chủng đã trải qua bảy lần đọa lạc, bảy lần luân chuyển, bảy lần chạy, bảy lần đi mới thành tựu mạng và nhập vào nhóm mạng”. Vì vậy nên họ nói thế này: “Ngã và thế gian là có biên giới, đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số ấy có nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian là không biên giới. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”, là vì các Sa-môn, Bà-la-môn ấy lập thuyết thế này: “Mạng không có biên giới, nhân không có biên giới, từ khi mới nhập thai vào bụng mẹ gọi là mạng, đến sau khi chết chôn cất gọi là nhân. Trước giai đoạn nhân, từ khi mới xuất sanh thọ nhân bốn đại chủng, đã bảy lần đọa lạc, bảy lần lưu chuyển, bảy lần chạy, bảy lần đi, mới thành tựu mạng và nhập vào nhóm mạng”. Vì vậy nên họ mới nói thế này: “Ngã và thế gian không có biên giới. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số đó nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian cũng vừa có biên giới, vừa không có biên giới. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”, là vì nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đó đã lập thuyết thế này: “Mạng cũng có biên giới, cũng không biên giới, gọi là người là từ khi thác sanh vào thai trong bụng mẹ đến khi chết. Trước giai đoạn người từ khi mới thọ thân bốn đại chủng, đã bảy lần đọa lạc, bảy lần lưu chuyển, bảy lần chạy, bảy lần đi, mới thành tựu mạng và nhập vào nhóm mạng”. Vì vậy nên họ nói thế này: “Ngã và thế gian cũng có biên giới, cũng không biên giới. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số đó nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Ngã và thế gian chẳng phải có biên giới, chẳng phải không có biên giới. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”, là vì nhóm Sa-môn, Bà-la-môn ấy đã lập thuyết thế này: “Thế gian chẳng phải có biên giới, chẳng phải không biên giới, từ khi mới thọ thân bốn đại chủng, đã bảy lần đọa lạc, bảy lần lưu chuyển, bảy lần chạy, bảy lần đi, mới thành tựu và nhập vào nhóm mạng”. Vì vậy nên họ nói thế này: “Ngã và thế gian chẳng phải có biên giới, chẳng phải không biên giới. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số đó, nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Mạng tức là thân. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”, là vì nhóm Sa-môn, Bà-la-môn ấy ở trong thân thấy có ngã và thấy có mạng, ở trong thân người khác cũng thấy có ngã và thấy có mạng. Vì vậy cho nên họ nói thế này: “Mạng tức là thân. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số đó, nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Mạng khác, thân khác. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”, là vì nhóm Sa-môn, Bà-la-môn ấy ở trong thân thấy có ngã và thấy có mạng, ở trong thân người khác cũng thấy có ngã và thấy có mạng. Vì vậy nên họ nói thế này: “Mạng khác, thân khác. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số ấy, nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Có mạng, có thân. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”, là vì nhóm Sa-môn, Bà-la-môn ấy ở trong thân thấy có ngã và thấy có mạng, ở trong thân người khác cũng thấy có ngã và thấy có mạng. Vì vậy nên họ nói thế này: “Có mạng, có thân. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số ấy, nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Chẳng phải mạng, chẳng phải thân. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”, là vì nhóm Sa-môn, Bà-la-môn ấy ở trong thân chẳng thấy có ngã, chẳng thấy có mạng, ở trong thân kẻ khác cũng chẳng thấy có ngã, chẳng thấy có mạng. Vì vậy nên họ nói thế này: “Chẳng phải mạng, chẳng phải thân. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số ấy, nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “Sau khi Như Lai tịch diệt vẫn còn hiện hữu. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”, là vì nhóm Sa-môn, Bà-la-môn ấy đối với thế gian khởi lên kiến giải: “Từ thọ mạng này đến thọ mạng khác cũng sẽ hướng vào nơi đến mà luân chuyển”. Vì vậy nên họ nói thế này: “Như Lai sau khi tịch diệt vẫn còn hiện hữu”. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số ấy, nhóm Sa-môn, Bà-la-môn đưa ra kiến giải và nói: “ Như Lai sau khi tịch diệt không còn. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”, là vì, nhóm Sa-môn, Bà-la-môn ấy, đối với thế gian khởi lên kiến giải: “Đời này có thọ mạng, đến thọ mạng đời sau thì chấm dứt”. Vì vậy nên họ nói thế này: “Như Lai sau khi tịch diệt không còn. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số đó, nhóm Sa-môn đưa ra kiến giải và nói: “Như Lai sau khi tịch diệt còn hiện hữu và cũng không còn hiện hữu. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”, là vì nhóm Sa-môn, Bà-lamôn ấy đối với thế gian đưa ra kiến giải: “Nơi này mạng chấm dứt, đi đến nơi khác, hướng vào nơi đến mà lưu chuyển”. Vì vậy nên họ nói thế này: “Như Lai sau khi tịch diệt còn hiện hữu và cũng không còn hiện hữu. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Chư Tỳ-kheo, trong số ấy, nhóm Sa-môn, Bà-la-môn ấy đưa ra kiến giải và nói: “Như Lai sau khi tịch diệt chẳng phải còn hiện hữu, cũng chẳng phải không còn hiện hữu. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”, là vì nhóm Sa-môn, Bà-la-môn ấy đối với thế gian đưa ra kiến giải: “Người ở nơi này mạng chấm dứt rồi, chuyển đến nơi khác mạng cũng chấm dứt”. Vì vậy nên họ nói thế này: “Như Lai sau khi tịch diệt chẳng phải còn hiện hữu, cũng chẳng phải không còn hiện hữu. Đây là sự thật, ngoài ra là hư dối”.

Bấy giờ Đức Phật bảo chư Tỳ-kheo:

–Chư Tỳ-kheo, Ta nhớ khi xưa, có một Quốc vương tên là Cảnh Diện. Vua Cảnh Diện lúc ấy muốn xem các người mù bẩm sinh để giải trí, liền truyền lệnh cho những người đàn ông mù bẩm sinh khắp trong nước đều phải tập hợp lại. Khi đã tập hợp xong, vua bảo với đám người mù ấy: “Các ông là những người mù bẩm sinh, có ai đã biết hình dáng của voi như thế nào chưa?” Các người mù bẩm sinh đồng thanh đáp: “Tâu Thiên vương, chúng tôi là những người mù bẩm sinh, thật chẳng biết hình dáng thật của voi”. Vua lại bảo: “Các ông từ trước đến nay chưa được biết voi, nay đây muốn biết hình dáng của voi không?”

Khi ấy nhóm người mù bẩm sinh lại cùng đáp: “Tâu Thiên vương, chúng tôi thật chưa biết. Xin vua ban ơn để chúng tôi được biết hình dáng của voi”.

Vua Cảnh Diện lập tức hạ lệnh gọi một quản tượng, bảo: “Khanh hãy mau đến chuồng voi của ta dắt một con voi đến đây để đứng trước mặt ta, chỉ cho những người mù”.

Người quản tượng nhận lệnh của vua rồi liền dắt voi đến đứng trước điện của vua nói với các người mù: “Đây là voi”.

Khi ấy những người mù ai cũng lấy tay sờ mó vào voi. Người quản tượng lại nói với các người mù: “Các ông đã sờ voi rồi, phải tâu thật với vua”.

Khi đó, trong đám người mù, có người sờ đụng vòi, có người đụng ngà, có người sờ đụng tai, có người sờ đụng vào phần thân của voi như đầu, cổ, lưng, hông, đuôi, chân…

Nhà vua hỏi: “Những người mù bẩm sanh các ông đã biết hình dáng của voi chưa?” Các người mù bẩm sanh đồng đáp: “Tâu Thiên vương, chúng tôi đã biết hình dáng của voi rồi”.

Nhà vua liền hỏi: “Các ông, nếu đã biết voi, thì hình tướng của voi như thế nào?”

Khi ấy trong đám người mù, người sờ trúng vòi liền tâu vua: “Tâu Thiên vương, hình dáng voi như cái dây to”. Người sờ trúng ngà, tâu: “Tâu Thiên vương, hình dáng voi như cây cọc”. Người sờ trúng tai voi, tâu: “Tâu Thiên vương, hình dáng voi như cái sàn”. Người sờ trúng đầu voi, tâu: “Tâu Thiên vương, hình dáng voi như cái vò”. Người sờ trúng cổ voi, tâu: “Tâu Thiên vương, hình dáng voi như cây đà nhà. Người sờ trúng lưng, tâu: “Tâu Thiên vương, hình dáng voi như sườn nhà”. Người sờ trúng hông, tâu: “Tâu Thiên vương, hình dáng voi như tấm phên”. Người sờ trúng đùi vế voi, tâu: “Tâu Thiên vương, hình dáng voi như cái cột”. Người sờ trúng bàn chân voi, tâu: “Tâu Thiên vương, hình dáng voi như cây cối”. Người sờ trúng đuôi voi, tâu: “Tâu Thiên vương, hình dáng voi như cây chổi”.

Đám người mù đều tâu: “Tâu Thiên vương, hình dáng voi là như vậy! Hình dáng voi là như vậy!”

Nhà vua bảo đám người mù: “Các ông cũng chẳng biết đấy là voi hay chẳng phải voi, huống là biết được hình dáng của voi”.

Lúc ấy đám người mù ai cũng tự cho mình là đúng, cùng tranh cãi nhau, đều lấy tay che mặt, cãi cọ, mắng nhiếc nhau ồn ào. Bọn họ tranh cãi xong rồi, lúc ấy vua Cảnh Diện thấy đám người mù cãi vã nhau như vậy thì vui vẻ cười lớn. Nhà vua liền nói kệ:

 Những người mù bẩm sinh không thấy
Đối với việc này cùng nhau cãi
Nếu không có người nói cho biết
Làm sao có thể rõ hình voi.

Chư Tỳ-kheo, sự việc ấy là như vậy. Các Sa-môn, Bà-la-môn hiện có ở thế gian cũng như thế, đã chẳng hề biết như thật về Thánh đế khổ, về nguyên nhân của khổ, về sự diệt trừ khổ, và về con đường tu tập để diệt trừ khổ; đã chẳng thể biết nên họ luôn cùng nhau cãi cọ, tranh chấp, trôi dạt theo sanh tử, nhục mạ nhau; đã phát sanh sự tranh chấp cãi vã, nên tranh luận mãi không thôi, ai nấy đều dùng tay che mặt, giống như người mù kia, cùng nhau gây não loạn. Thế Tôn ở giữa chúng nói kệ:

Nếu chẳng thể biết Thánh đế khổ
Cũng lại chẳng biết nhân khổ tập
Các pháp khổ có trong thế gian
Khổ này diệt hết chẳng còn gì
Ở trong đạo ấy còn chẳng biết
Huống biết thực hành hạnh diệt khổ
Như vậy tâm ấy chưa giải thoát
Chưa đạt được trí tuệ giải thoát
Họ chẳng thể quán rõ chân lý
Chỉ biết hướng đến sanh, lão, tử
Chưa lìa được trói buộc của ma
Đâu đạt được đến chỗ vô hữu.

Chư Tỳ-kheo! Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể biết như thật về Thánh đế khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ, về sự diệt trừ khổ, và về con đường tu tập để diệt trừ khổ, ai biết như thật thì nên tùy thuận mà tu học, thì chắc chắn sẽ mãi mãi cùng nhau hòa hợp tu hành, mọi người đều cùng nhau hoan hỷ không tranh luận, cùng hướng về sự học, giống như nước với sữa cùng hòa tan trong nhau, cùng ở một chỗ, thị hiện làm pháp sư để nói Thánh pháp, trụ nơi an lạc. Thế Tôn đối với việc này nói kệ:

Nếu biết được các hữu là khổ
Và nguyên nhân sanh ra các khổ
Đã biết tất cả đều là khổ
Nên nay diệt hết chẳng còn gì.
Nếu biết diệt này là do đạo
Thì liền đạt được chốn diệt khổ
Liền được đầy đủ tâm giải thoát
Và được trí tuệ nơi giải thoát.
Thì đạt được tận cùng các hữu
Như vậy chẳng còn sanh, lão, tử
Vĩnh viễn thoát ràng buộc của ma
Và lìa mọi hữu của nhân thế.