PHỤ TỬ HỢP TẬP KINH
(KINH CHA CON GẶP NHAU)
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Nhật Xưng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 5: BẢN HẠNH CỦA NHƯ LAI

Khi ấy, Tôn giả đại Ca-diếp-ba thấy các A-tu-la vương ở trong hội Phật, dùng sức thần thông hóa các món cúng dường rộng lớn rồi khen ngợi chưa từng có. Lại suy nghĩ: “Thuở xưa, khi Như Lai hành đạo Bồ-tát trồng những căn lành gì mà nay được quả báo thù thắng tối thượng như vậy.”
Suy nghĩ vậy rồi liền nhập Tam-ma-địa nhất tâm quán sát. Nhờ sự gia trì của Phật nên liền nhớ vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, Đức Thế Tôn dù ở nơi nào cũng siêng năng tu tập vô lượng vô biên phước nghiệp rộng lớn, nhất nhất hiển hiện rõ ràng chắc chắn, không còn nghi ngờ. Giả sử mười phương hằng hà sa số thế giới có tất cả chúng sinh đều được thân người. Lại ở trong hằng hà sa kiếp ấy, mỗi mỗi hữu tình đều phát khởi cúng dường như Vĩ-ma-tức-đát-la A-tu-la vương, nhưng phước đó không bằng công đức của Như Lai chỉ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, không thể so sánh.
Lúc đó, Tôn giả Ca-diếp-ba xả định, hoan hỷ chắp tay dùng kệ khen Phật:

Thuở xưa Mâu-ni Đại Thánh Vương
Thệ cầu Vô thượng đại Bồ-đề
Tu la cúng dường tuy rộng lớn
Nhưng không bằng phước phát đại tâm.
Như Lai Thánh đức vượt ba cõi
Ở trong trời người không ai bằng
Chứa hương chiên-đàn như Tu-di
Kham nhận cúng dường lớn như thế.
Hương xoa thượng diệu rất thanh tịnh
Lượng ấy to lớn như biển cả
Nhân Trung Sư Tử hiện thế gian
Kham nhận cúng dường lớn như thế.
Hoặc rải các hoa thơm tuyệt đẹp
Chứa nhóm cao như đảnh luân vi
Thánh đức Như Lai khó nghĩ bàn
Kham nhận cúng dường lớn như thế.
Đem nước biển cả làm dầu thắp
Lượng nước Tô-di để làm tim
Đốt lên phụng cúng Đại Đạo Sư
Kham nhận cúng dường lớn như thế.
Hoặc đem vô số vòng hoa đẹp
Dâng cúng Như Lai và tháp miếu
Oai đức Thế Tôn thật to lớn
Kham nhận cúng dường lớn như thế.
Giá như vô lượng vạn ức kiếp
Đem vạn ức bảo cái tuyệt đẹp
Như Lai khéo giáo hóa phụ vương
Kham nhận cúng dường lớn như thế.
Trong vạn ức kiếp chẳng nghĩ bàn
Dùng tràng báu khắp mười phương giới
Như Lai thành tựu đại Từ môn
Kham nhận cúng dường lớn như thế.
Lại trong vô lượng vạn ức kiếp
Dùng hà sa số phan lụa đẹp
Mâu-ni lợi lạc các chúng sinh
Kham nhận cúng dường lớn như thế.
Như Lai khéo nói các pháp yếu
Tất cả chúng sinh đều lắng nghe
Pháp Trung Vương biện tài vô ngại
Ngôn từ khéo léo không trùng lập.
Giả sử hằng hà sa thế giới
Chúng sinh ở trong thế giới ấy
Đều vì mười lực Thiên Nhân Sư
Đồng hiện thế gian thành Phat đạo.
Vô số hà sa Phật như vậy
Mỗi mỗi hóa ra vô lượng đầu
Mỗi mỗi đầu hiện trăm ngàn miệng
Miệng ấy lại có trăm ngàn lưỡi.
Ở trong hằng hà sa kiếp ấy
Khen biển công đức của Như Lai
Thọ lượng trí tuệ và phát tâm
Không thể hiểu biết một phần nhỏ.

Lúc đó, Đức Thế Tôn khen Tôn giả Ma-ha Ca-diếp-ba:

–Hay thay, hay thay! Này Ca-diếp-ba! Nay ông ở trong chúng Thanh văn tu hành phạm hạnh, thông đạt các pháp, hiện chứng thật tế, tâm được tịch tĩnh, đối với công đức uẩn sở chứng của ta khéo hiểu rõ, suy nghĩ quán sát. Ta đã thành tựu vô lượng vô biên phước đức chẳng thể nghĩ bàn, đã đến bờ giác ngộ tối thượng đệ nhất.

Này Ca-diếp! Như Lai chỉ phát một đại tâm mà được phước báo như thế, dù có sắc tướng trong mười phương hằng hà sa thế giới cũng không dung thọ nổi. Giả sử mười phương hằng hà sa số chư Phật Thế Tôn đồng ra đời, trải qua hằng hà sa số kiếp để nói công đức có được của Như Lai phát một đại tâm cũng không thể hết được. Vì sao? Vì thuở xưa, khi Như Lai tu hạnh Bồ-tát, không một phát tâm nào mà không vì nhiếp thọ, lợi ích an lạc tất cả hữu tình. Nhưng hữu tình giới thì không có hạn lượng, Như Lai phát tâm cũng không có hạn lượng. Vì hữu tình giới rốt ráo vô tận, nên Như Lai phát tâm cũng vô tận. Thế nên, ta nay được các hàng Trời, Người, A-tu-la, cúng dường như vậy. Giả sử tất cả chúng sinh trong mười phương hằng hà sa thế giới đều phát tâm cúng dường như A-tu-la vương kia, nhưng cũng không bằng công đức phát một đại tâm. Vì sao? Vì các hữu tình kia tâm không thanh tịnh, đắm trước quả báo. Ca-diếp nên biết! Quá khứ chư Phật xuất thế, mới phát đại tâm đều vì thương xót tất cả hữu tình khiến thoát luân hồi được vui Niết-bàn. Nay việc ta làm cũng lại như vậy.

Lại nữa, này Ca-diếp-ba! Ta nhớ quá khứ vô lượng vô biên không thể kể hết, a-tăng-kỳ kiếp chẳng thể nghĩ bàn. Khi ấy có Đức Phật ra đời hiệu là Đế Tràng Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Chúng sinh trong cõi Phật ấy không tạo tội ác, tâm không tán loạn, không khởi suy nghĩ tà vạy, không có tri kiến điên đảo và kiêu mạn, ba nghiệp thân, ngữ, ý hoàn toàn thanh tịnh phục trừ phiền não, lìa nhân ác thú, siêng năng tu tập, sách tấn lẫn nhau, hay ở trong nhiều kiếp sinh tử phát tâm dũng mãnh, hâm mộ Đại thừa, lắng nghe chánh pháp, như thuyết tu hành. Trong cõi Phật ấy có năm thứ vui:

  1. Muốn vui.
  2. Xuất ly vui.
  3. Định vui.
  4. Đẳng trì vui.
  5. Bồ-đề vui.

Các chúng sinh ấy thường thọ vui như vậy. Tuy có thọ vui, nhưng không đắm trước. Như ong hút mật hoa chỉ để kéo dài mạng sống; như chim bay trên hư không không bị chứơng ngại. Các chúng sinh này cũng lại như vậy. Lại nữa, các hữu tình này không có tham lam sân nhuế, ngu si và các nghiệp phiền não lỗi lầm, tùy theo thiện nghiệp đời trước mà thọ vui. Vì sao? Vì Đức Phật ấy khi tu hạnh Bồtát, giáo hóa chúng sinh chỉ thuần với thiện hạnh. Giá như đời trước có nghiệp bất thiện, thì sức thiện căn hiện tại tieu diệt không cho khởi lại. Thế nên, tất cả hữu tình ở cõi ấy chỉ có thọ vui, tương ưng hiện hành.

Lại nữa, cõi Phật ấy không có các nạn bạo ác, mưa, gió, lạnh rét, nóng bức, tùy thời mong muốn liền mưa nước ngọt. Lại các chúng sinh ấy thường thích nghe pháp, đều có khả năng thông đạt các pháp, tôn trọng cung kính, hoặc kinh hành, hoặc ngồi, hoặc đứng, suy nghĩ nghĩa thú pháp vị thậm thâm, không biết mệt mỏi, chưa từng ngủ nghỉ, trong bốn oai nghi siêng năng tu tập. Do pháp lạc này, nên không sinh lao khổ, chỉ tu chánh đoạn không có tri kiến điên đảo, nếu như có sai lầm thì liền cải đổi ngay, cho nên không có khổ thọ. Thuở xưa, Đức Như Lai kia tu hành thân, ngữ, ý nghiệp chưa từng sai lầm, hễ có làm việc gì đều có người trí hướng dẫn, nói pháp Bồ-tát giáo hóa chúng sinh. Người nghe pháp rồi tùy theo trí tuệ mà thực hành, làm các việc nghĩa lợi, không phải vì si ái cho nên không có khổ, không có thọ vui. Chúng sinh trong cõi ấy tâm đều bình đẳng, dù bất cứ nơi nào cũng như lý an trụ, cho nên không có khổ oán ghét gặp nhau. Lại các chúng sinh ấy không có kia đây, đối với tất cả pháp không bị đắm trước, cho nên không có khổ thương yêu chia lìa. Lại các chúng sinh ấy đối với các thiện pháp không sinh khinh mạn, cũng không hủy báng, cho nên không có khổ cầu không được. Chúng sinh ở cõi ấy bị hữu vi dời đổi nên có hành khổ. Vì sao? Vì Đức Phật kia nói pháp Đệ nhất nghĩa đế vi diệu.

Lại nữa, này Ca-diếp! Đức Đế Tràng Như Lai xuất hiện thế gian, thọ mạng lâu dài vô lượng vô biên hằng hà sa kiếp. Chúng sinh trong thế giới ấy đầy đủ biện tài, khéo nói pháp yếu. Các chúng sinh này đều là do chư Phật Thế Tôn quá khứ giáo hóa thành thục, đời vị lai sẽ sinh vào cõi ấy.

Này Ca-diếp! Ý ông nghĩ sao? Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh rộng lớn như vậy, có các hữu tình nào mà không có lòng tin, không có giới, không có định, không có tuệ, ít nghe biếng nhác mà được sinh vào cõi ấy không?

Ca-diếp-bạch Phật:

–Không thể được, thưa Thế Tôn.

Đức Phật bảo:

–Này Ca-diếp! Ý ông nghĩ sao? Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh rộng lớn như vậy, lại có chúng sinh thiện căn nhỏ nhoi, thiện căn kém cỏi, thiện căn yếu đuối, nghiệp tập phiền não, bị khổ nhiếp thuộc. Đem bất tịnh như vậy mà hồi hướng thì có thể sinh vào cõi ấy không?

Ca-diếp-bạch Phật:

–Không thể được, thưa Thế Tôn! Chúng sinh muốn sinh vào cõi Phật ấy thì phải đầy đủ thiện căn thuần tịnh không tạp, suy nghĩ chân chánh, giải thoát các khổ, đa văn tinh tấn, hồi hướng thanh tịnh, đều được Phật trước hóa độ. Chúng sinh như vậy mới được sinh vào cõi ấy.

Đức Phật khen Ca-diếp:

–Hay thay, hay thay! Như lời ông nói, việc ấy đúng như vậy, ý ông nghĩ sao? Ông có biết Như Lai Đế Tràng thuở xưa nay là ai không? Lúc đó, các Tỳ-kheo đều im lặng không ai trả lời. Đồng thời ở phương Đông cách thế giới này quá hằng hà sa thế giới có nước tên là Nguyệt Quang trang nghiêm, có Phật hiệu là Quang Minh Tụ hiện đang nói pháp. Trong hội Phật ấy có đồng tử Diệu Cát Tường, từ xa nghe thế giới này thưa hỏi nhân duyên, biết các đại chúng không ai có thể đáp. Đồng tử Diệu Cát Tường bạch Phật Quang Minh Tụ:

–Bạch Thế Tôn! Con nay sẽ qua thế giới Ta-bà, chỗ của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, vì chúng hội mà giải đáp câu hỏi của Đức Thích-ca Mâu-ni.

Lúc đó, Quang Minh Tụ Như Lai bảo đồng tử:

–Tùy ý ngươi nên đi.

Ngay khi ấy, đồng tử liền rời khỏi thế giới đó, dùng sức thần thông chỉ trong khoảng co duỗi cánh tay đã đến thế giới Ta-bà chỗ Phật Thích-ca Mâu-ni. Đến rồi, đảnh lễ sát chân và đứng qua một bên.

Lúc đó, Đức Phật Thế Tôn hỏi đồng tử:

–Vì lý do gì mà ông đến đây?

Đồng tử Diệu Cát Tường chắp tay bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con vì chúng hội trả lời câu hỏi của Thế Tôn, cho nên mới từ xa đến đây. Bạch Thế Tôn! Đức Đế Tràng Như Lai thuở đó đâu phải người nào lạ, nay chính là Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni Như Lai. Vì sao? Vì Phật Thế Tôn thành tựu đầy đủ công đức vi diệu chẳng thể nghĩ bàn, phương tiện khéo léo, thương xót hữu tình, đều khiến an trụ trong đạo Bồ-đề.

Nghe như vậy cả chúng hội đều khen:

–Hay thay! Đồng tử khéo trả lời câu hỏi này giải quyết các lưới nghi, nay lời ông vừa nói mới là đúng, là lời chân thật, là lời tối thượng.

Lúc đó, đồng tử vì chúng hội nói kệ rằng:

Thánh chúa Thích Sư tử
Đủ dũng mãnh tinh tấn
Thương xót khắp thế gian
Hiện việc chẳng nghĩ bàn
Đức Mâu-ni Thế Tôn
Quá khứ đã từng làm
Tám mươi ức Đức Phật
Thành tựu các hữu tình.
Thường dùng tâm đại Bi
Nghiêm tịnh quốc độ Phật
Ngu muội không thể biết
Đủ mọi phương tiện hay.
Không bỏ tâm mới phát
Tùy cơ mà ứng hiện
Cũng ở đời vị lai
Lại hiện vô lượng thân.
Hoặc hiện làm Thích, Phạm
Hoặc hiện làm Ma vương
Hữu tình khắp pháp giới
Phần nhỏ cũng không biết.
Hoặc hiện sinh vương cung
Thành đạo chuyển pháp luân
Cho đến nhập Niết-bàn
Hiển hiện công đức Phật.
Hoặc tùy theo chủng loại
Hiện làm tướng người nữ
Không nhiễm pháp thế gian
Như sen tánh vốn sạch.
Hoặc buồn rầu khóc lóc
Hoặc ca múa giỡn cười
Hoặc đi trên hư không
Đều vì làm Phật sự.
Người sợ khiến an ổn
Kiêu mạn khiến nhu thuận
Vì lợi ích chúng sinh
Hiện các thứ điều phục.
Người si khiến lìa si
Người ngu được trí sáng
Vì lợi ích chúng sinh
Bày phương tiện khéo léo.
Người cuồng được chánh niệm
Người què đi an ổn
Vì lợi ích chúng sinh
Hiện các việc thần biến.
Thế nên con đảnh lễ
Tinh tấn không nghĩ bàn
Hóa độ các hữu tình
Đều khiến vào Phật đạo.