SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

QUYỂN V

Phẩm 4: THÁC SINH CUNG TRỜI ĐÂU SUẤT

(Phần 1)

Bấy giờ, Bồ-tát Hộ Minh từ nơi Đức Phật Ca-diếp, giữ gìn cấm giới, phạm hạnh thanh tịnh, sau khi mạng chung ở trong chánh niệm, vãng sinh lên cung trời Đâu-suất.

Tại sao như vậy?

Hoặc có chúng sinh, khi lâm chung, bị thứ gió đao phanh thây từng mảnh, chịu sự đau khổ.

Hoặc có chúng sinh, khi lâm chung hơi ấm thọ mạng sắp dứt, hơi thở khò khè chẳng an.

Do những trạng thái đó, ta biết họ rất đau khổ, mất hẳn bản tâm, không nhớ những hành nghiệp trong quá khứ, họ không thể chuyên tâm chánh định vắng lặng.

Các Bồ-tát thì không phải như vậy, ngày sắp lâm chung chánh niệm tư duy, duyên vào phước nghiệp mà lúc thọ sinh biết mình sinh vào cõi nào. Bồ-tát có các pháp lạ ít có như vậy.

Các Bồ-tát còn có một pháp, sau khi mạng chung nhất định sinh lên cõi trời, hoặc cao, hoặc thấp, không nhất định là sinh vào cõi trời nào. Nhưng Bồ-tát còn một đời nữa bổ xứ, thì nhất định sinh vào cõi trời Đâu-suất-đà, tâm sinh hoan hỷ, trí tuệ đầy đủ. Sao vậy? Vì các tầng trời dưới còn nhiều phóng dật, còn các từng trời trên sức thiền định mạnh, trong định vắng lặng u nhàn, lấy trạng thái này làm vui, không cầu đến việc tái sinh. Hơn nữa, họ không vì tất cả chúng sinh phát khởi lòng đại Bi. Bồ-tát không phải như vậy, chỉ vì giáo hóa chúng sinh, mà sinh lên cung trời Đâu-suất. Chư Thiên các cung trời dưới muốn nghe pháp, thì lên cung trời Đâu-suất nghe pháp; chư Thiên các cung trời trên, ai là người vì muốn nghe pháp, thì cũng có thể giáng xuống cõi trời Đâu-suất-đà nghe Phật pháp.

Bồ-tát này cũng sinh ở cõi trời Đâu-suất, chư Thiên ở cung trời Đâu-suất gọi Bồ-tát là Hộ Minh. Chư Thiên truyền nhau kêu là Hộ Minh. Hiệu Hộ Minh vang đến cõi trời Tịnh cư, cho đến đỉnh trời sắc cứu cánh. Khi ấy, tất cả chư Thiên đều xướng lên: Bồ-tát Hộ Minh đã sinh vào nội viện cung trời Đâu-suất. Tin này vang đến cõi trời Đao-lợi ở phía dưới, cho đến cõi trời Tứ Thiên vương và lại thấu đến các cung A-tu-la, họ cùng nói với nhau: Bồ-tát Hộ Minh đã sinh vào cõi trời Đâu-suất-đà. Dưới nhất cho đến cung A-tu-la và cõi trời cao nhất cõi Sắc là Sắc cứu cánh, tất cả đều kéo về cung trời Đâu-suất, nhóm họp tại cung Bồ-tát Hộ Minh để nghe pháp.

Sau khi Bồ-tát Hộ Minh đã sinh vào cung trời Đâu-suất rồi, các cung điện của chư Thiên ở cõi trời Đâu-suất-đà được chiếu sáng rực rỡ, cảnh trí tự nhiên trang nghiêm, lại xuất hiện vô lượng vô biên các thứ kỳ diệu, đều do sức oai thần công đức của Bồ-tát Hộ Minh.

Vua cõi trời Đại phạm và các vua A-tu-la đầy đủ oai đức, tất cả đều tụ tập tại nội viện cung trời Đâu-suất, vây quanh trước sau đức Bồ-tát Hộ Minh. Lại có vô lượng vô biên chúng sinh sinh vào cõi trời Đâu-suất, vừa thấy năm thứ dục lạc tuyệt vời tâm sinh ái nhiễm mất hết chánh niệm, không còn nhớ bản hạnh và nghiệp nhân đời quá khứ của mình. Còn Bồ-tát Hộ Minh sinh cõi trời Đâu-suất, dầu có thấy năm thứ dục lạc thù thắng tuyệt vời, tâm không mê hoặc, chưa từng đánh mất chánh niệm bản nguyện, cho đến vì chúng sinh giáo hóa. Ngài sống trong cõi trời Đâu-suất, mãn số thọ mạng kiếp trời trải qua đủ bốn ngàn năm, vì chư Thiên cõi này mà thuyết pháp giáo hóa, chỉ dạy pháp tướng, khiến chư Thiên sinh tâm hoan hỷ. Ngoài ra những chúng sinh khác cũng sinh trong cõi này, hoặc do đời trước tạo nghiệp nhân không thanh tịnh, cho nên tuy sinh trong đó nhưng bị chết yểu, không đủ số thọ mạng cõi trời. Bồ-tát Hộ Minh trong đời quá khứ tu tập nghiệp nhân thanh tịnh và giáo hóa chúng sinh, nên hưởng đủ số thọ mạng cõi trời Đâu-sưât. Vì vậy chư Thiên khen ngợi: ít có! ít có thay! Không thể nghĩ bàn! Hơn thế nữa, ngài lại có những điều không thể nghĩ bàn, nghĩa là khi Bồ-tát hưởng hết số thọ mạng cõi trời này, tự nhiên hiện năm tướng suy thoái. Năm tướng suy thoái đó là gì?

-Một là hoa trên đầu héo.

-Hai là dưới nách ra mồ hôi.

-Ba là áo quần dính bụi dơ.

-Bốn là trên thân mất hào quang.

-Năm là không thích ngồi nơi tòa của mình.

Khi chư Thiên cõi trời Đâu-suất thấy Bồ-tát Hộ Minh xuất hiện năm tướng suy thoái, họ la to:

-Ôi thôi! Ôi thôi!

Họ cùng nhau nói:

-Khổ thay! Khổ thay! Đức Bồ-tát Hộ Minh chẳng bao lâu nữa sẽ rời cung trời Đâu-suất này, mất đi oai thần, chúng ta làm sao có thể sống yên ổn.

Lúc ấy chư Thiên cõi trời Đâu-suất chỉ nghe tiếng khóc. Tiếng khóc này nối nhau vang đến chư Thiên Cứu cánh cõi trời Thủ-đà-hội trên đảnh sắc giới. Mọi người đều than:

-Ôi thôi! Buồn thảm thay! Đức Bồ-tát Hộ Minh ngày nay năm tướng suy thoái xuất hiện, chẳng bao lâu sẽ phải đọa lạc.

Từ cung trời Đâu-suất cho đến cung điện A-tu-la, khắp nơi đều nghe tiếng than thở: “Ôi thôi! Chẳng bao lâu sẽ đọa lạc”. Âm thanh này vang khắp mọi nơi.

Chư Thiên cõi trời sắc cứu cánh thuộc sắc giới và chư Thiên cõi Tha hóa tự tại thuộc Dục-giới nghe tiếng than thở này, đều giáng xuống cung trời Đâu-suất. Chư Thiên cõi trời Thời phần, Tứ Thiên vương nghe tiếng than thở này tất cả đều tụ tập lên cung trời Đâu-suất. Như vậy cho đến Long vương, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-đà-la, Ma-hầu-la-già, Cưu-bàn-trà, La-sát, tất cả chư Thiên Địa cư, chư Thiên cõi Dục và cõi sắc, đồng bay lên cõi trời Đâu-suất tập họp tại một chỗ, cùng nhau nói:

-Ngày nay chúng ta thấy Thiên tử Hộ Minh, sắp rời cung trời Đâu-sưất giáng sinh vào cõi nhân gian. Thời gian năm tướng suy thoái xuất hiện của Thiên tử trên cung trời Đâu-suất ứng với mười hai năm ở nhân gian.

Khi ấy, chư Thiên cõi trời Thủ-đà-hội đều thầm nghĩ: “Thuở xưa ta từng chứng kiến Bồ-tát bổ xứ từ cung trời Đâu-saất hạ sinh vào nhân gian, cùng với hoàn cảnh này không khác.” Chư Thiên này hôm nay thấy Bồ-tát Hộ Minh xuất hiện năm tướng suy thoái, quyết định sẽ biết Bồ-tát giáng sinh xuống cõi Diêm-phù-đề, liền to tiếng đồng hô lên: -Này các người cõi trần gian, hãy trang hoàng nghiêm chỉnh cõi Diêm-phù-đề, Bồ-tát chẳng bao lâu nữa, sẽ từ cung trời Đâu-suất này đản sinh vào cõi Diêm-phù-đề, các ngươi phải quét dọn chỉnh đốn, Đức Phật sắp hạ sinh.

Trong lúc này trên cõi đất Diêm-phù-đề có năm trăm vị Bích-chi-phật đang tu tập đạo hạnh trong một khu rừng. Năm trăm vị Bích-chi-phật này vừa nghe chư Thiên hô to như vậy, cùng nhau đằng vân hướng về thành Ba-la-nại. Khi đến trên hư không thành Ba-la-nại rồi, mỗi vị đều thị hiện năm phép thần thông, vọt lên hư không, từ thân phun ra khói lửa, kế đến nói kệ và cuối cùng xả bỏ thọ mạng nhập vào Niết bàn.

Bấy giờ Bồ-tát Hộ Minh thấy đại chúng chư Thiên, cho đến các vua hộ thế Phạm thiên, Đế Thích cùng vđi các loài Rồng, Tỳ- xá-xà v.v… Quán sát xong rồi, tâm ý thản nhiên, không có chút xáo động sợ sệt lo âu, đem lời dịu dàng bảo đại chúng chư Thiên:

-Này các nhân giả, các ngài phải biết: Như thân ta ngày hôm nay xuất hiện năm thứ suy thoái, thì chẳng bao lâu ta sẽ từ biệt Đâu-suất, hạ sinh vào nhân gian.

Phạm vương, Đế Thích, tất cả chư Thiên thưa:

-Tôn giả Hộ Minh, như ngài đã thấy năm thứ suy thoái xuất hiện nơi thân, Tôn giả chắc chẳng bao lâu sẽ rời khỏi cung trời Đâu-suất hạ sinh vào cõi nhân gian. Ngài có thể nhớ biết hạnh nguyện thuở trước của ngài hay chăng?

Khi vô lượng trăm ngàn đại chúng chư Thiên thốt ra lời nói này rồi, thì toàn thân run rẩy, cả người lông tóc dựng ngược, tâm rất sợ hãi, chắp tay đảnh lễ Bồ-tát Hộ Minh.

Bồ-tát Hộ Minh bảo đại chúng chư Thiên:

-Nay ta quyết định không có ngần ngại, nay đã đến lúc, vậy các ông phải nghĩ đến cơn vô thường, phải liên tưởng đến các việc khủng bố trong đời vị lai. Các ông nên quán sát thân thể nhơ nhớp này, tâm các ông ưa đắm nó, do đó các tham dục cùng nhau trói buộc các ông ở trong vòng sinh tử không thể nào thoát ly. Cái hình hài hôi thối này rất đáng nhàm chán xa lìa. Tất cả các ông hãy chắp tay quán sát, thân thể ta và thân thể chúng sinh, đều chưa thoát khỏi pháp vô thường này. Như vậy các ông chớ buồn vì ta, chớ khổ vì ta.

Chư Thiên thưa:

-Thưa Tôn giả Hộ Minh, cúi xin ngài đem lòng từ bi che chở tất cả chúng sinh. Xin ngài cũng không nên sinh tâm tưởng nào khác, chỉ nghĩ đến nhân duyên bản nguyện đời quá khứ. Sinh thân của ngài trong ức kiếp cũng đã từng thọ nghiệp của trời, người, là nhờ nhân duyên tạo thiện nghiệp trong đời quá khứ. Ngài nhớ lại các pháp hạnh thiện căn mà ngài đã thực hiện, đốì với chúng sinh sinh tâm từ bi.

Bồ-tát Hộ Minh nói với chư Thiên:

-Các ông phải biết, tất cả chúng sinh ở trong thế gian đối với y báo của họ, nếu họ muốn cảnh giới nào thì sinh về cảnh giới ấy chưa từng trái nhau, huống nữa là ta. Hơn nữa, tất cả chúng sinh đều ở trong vòng sinh tử ân ái, biệt ly, làm sao thoát được!

Chư Thiên liền ca ngợi:

-Ít có thay! ít có thay! Không thể nghĩ bàn về Tôn giả Hộ Minh, ngài có thể ở trong cảnh giới vô thường, khi sắp xả bỏ thọ mạng, tâm được biện tài, hoàn toàn sáng suốt thông đạt, chí nguyện không thay đổi.

Lại nữa, thưa Tôn giả Hộ Minh, tất cả chư Thiên khác, khi thấy năm tướng suy thoái xuất hiện, tâm họ lo rầu, mất cả chánh niệm.

Bồ-tát Hộ Minh lại nói với chư Thiên một lần nữa:

-Các Bồ-tát khi còn một đời nữa là bổ xứ, thiện căn các ngài tăng trưởng, biết ở trong các cõi, sinh các công đức, tâm định vắng lặng. Các khổ đến bức xúc, các ngài không sinh buồn khổ, không buông xuôi, bỏ cảnh khổ mà đi, có thể ở bên chúng sinh phát khởi tâm đại Bi.

Chư Thiên thưa:

-Đúng thế! Đúng thê! Thưa Tôn giả Hộ Minh, tất cả chúng sinh ở trong thế gian trồng các công đức, được sinh lên cung trời này, khi họ hết phước ở cõi này, liền trở lại hạ sinh.

Bồ-tát Hộ Minh bảo chư Thiên:

-Ta vì lý do ấy, thấy chúng sinh trong cõi trời, người có nhiều tội lỗi. Ta nay rời cung trời Đâu-suất sinh xuống nhân gian, vì diệt sạch các khổ cho tất cả chúng sinh trong thế gian này.

Bấy giờ ở trong chúng hội có một Thiên nữ, ái mộ lưu luyến Bồ-tát Hộ Minh, lại nói riêng với một Thiên nữ khác:

-Chúng ta có thể đến cõi Diêm-phù-đề, xem Đấng tôn quý của chúng ta, sẽ thị hiện vào nhà nào.

Thiên nữ kia lại nói:

-Tôi nay cũng muốn sống ở Diêm-phù-đề.

Tại sao?

-Đấng tôn quý chúng ta sắp đản sinh vào cõi đó. Do vậy nay tôi cũng nguyện sinh vào đấy.

Rồi hai nàng Thiên nữ cùng bàn với nhau: “Ta cũng chẳng vì vị tôn quý này mà sinh vào nhân gian, vì sao? Đấng tôn quý của chúng ta đến cõi Diêm-phù-đề, thì có vô lượng vô biên chúng sinh trồng các thiện căn, ở trong giáo pháp Ngài, họ tín thọ thực hành lời giáo hóa. Lại có vô lượng vô biên chúng sinh đến cõi này tu các phước nghiệp.”


(Phần 2)

(Quyển 6)

Bấy giờ, Bồ-tát Hộ Minh biết trong chúng hội của chư Thiên nơi cung trời Đâu-suất, có một Thiên tử tên Kim Đoàn, từ trước tới nay đã từng đến cõi Diêm-phù-đề nên Ngài hỏi Kim Đoàn:

-Này Thiên tử Kim Đoàn, ông đã từng đến trong cõi Diêm-phù-đề, có lẽ ông biết rõ xóm làng thành ấp và chủng tộc các nhà vua ở nơi đó, vậy Bồ-tát còn sinh một lần nữa thì nên sinh vào nhà nào?

Thiên tử Kim Đoàn thưa:

-Bạch Tôn giả, tôi biết rất rõ việc này, xin Tôn giả khéo lãnh hội, tôi sẽ trình bày.

Bồ-tát Hộ Minh nói:

-Hay lắm!

Kim Đoàn nói:

-Cõi Tam thiên đại thiên này có một Bồ-đề đạo tràng thuộc nước Ma-già-đà trong châu Diêm-phù-đề. Đây là nơi chư Phật thuở xưa thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tôn giả Hộ Minh, trong nước này có dòng sông Hằng. Phía Nam dòng sông có một dãy núi tên là Tỳ-xà-la, còn có một tên khác là Bàn-đồ Bà-tỳ Phú-la Kỳ-xà-quật, nơi đây là chỗ các Tiên nhân đời trước tu tập. Dãy núi này cùng với dòng sông liên kết nhau bao quanh lấy dải đất. Thế núi oai hùng trải một màu xanh biếc giống như khối ngọc ma-ni, phía trong núi có một làng tên là Sơn nhiêu. Lại cách núi chẳng bao xa có một đại thành tên là Vương xá, thuở xưa có vị vua tu tiên tên là Ưu-đồ-ba-lê trị vì ở thành này, chủng tộc ấy luôn luôn làm vua, chánh phi thuộc dòng họ Đại vương Thiện Kiến, sinh hạ một Thái tử tên là Bà-hề-ca, hiện đang kế nghiệp vua cha ưu-đồ-ba-lê cai trị nước Ma-già-đà. Ngài giáng sinh đến cõi Diêm-phù-đề, có thể làm trưởng tử của vị vua này chăng?

Bồ-tát Hộ Minh bảo Kim Đoàn:

-Tuy có phần ưu điểm, nhưng phụ vương và mẫu hậu không thanh tịnh, đô thành đóng nơi biên địa, địa thế đồi núi gồ ghề không bằng phẳng, toàn là hầm hố, sỏi đá cát sạn, các loài cỏ dại gai góc um tùm, ít thấy ao hồ và những dòng sông lớn, không thấy hoa viên và vườn cây ăn quả. Do vậy ông nay có thể quan sát các vương tộc khác được chăng?

Thiên tử Kim Đoàn lại bạch:

-Thưa Tôn giả Hộ Minh, nơi thành Ba-la-nại thuộc nước Ca-thi, hiện nay vị vua đang trị vì hiệu là Thiện Trương Phu, là con của vua tiên Thiện Quang. Tôn giả có thể nhận Thiện Trượng Phu làm phụ vương được chăng?

Bồ-tát Hộ Minh bảo Kim Đoàn:

-Tuy có ưu điểm như vậy, nhưng vua Thiện Trượng Phu nước Ca-thi bị thâm nhiễm bốn pháp tà kiến. Vậy ông có thể quán sát dòng vua khác làm cho ta thác sinh được không?

Thiên tử Kim Đoàn lại bạch:

-Thưa Tôn giả Hộ Minh, nước Kiều-tát-la có kinh đô là Xá-bà- đề, vị vua cai trị thành này là Kỳ-la da. Quốc vương đại quốc Kiều-tát-la có thân hình to lớn khỏe mạnh hơn người, dân chúng đông đúc. Tôn giả có thể làm con vị vua này chăng?

Bồ-tát Hộ Minh bảo Kim Đoàn:

-Tuy có ưu điểm như vậy, nhưng nhà vua nước Kiều-tát-la là con cháu nhiều đời của Ma-đăng-già, cha mẹ sinh ra vị quốc chủ này thuộc dòng thấp kém, không được thanh tịnh. Vì từ xưa đến nay không phải dòng dõi làm vua, nhà vua tiểu tâm hạ tiện, ý chí không cao thượng, kho tàng nhà vua ít của cải. Tuy có bảy báu: Vàng, bạc, lưu ly, mã não, trân châu… nhưng chẳng được nhiều.         Do vậy, ngày nay ông có thể vì ta tìm các dòng vua khác để làm chỗ ta thác sinh được không?

Thiên tử Kim Đoàn lại bạch:

-Thưa Tôn giả Hộ Minh, vua nước Bạc-tha đóng đô tại thành Câu-thiểm-di tên là Thiên Thắng, con của vua này tên là Bá Thắng.

Vua Bá Thắng có nhiều voi, ngựa, bảy báu và đầy đủ bốn binh chủng.

Tôn giả có thể làm con vị vua này được chăng?

Bồ-tát Hộ Minh bảo Kim Đoàn:

-Tuy có ưu điểm như vậy, nhưng mẫu hậu vua Bá Thắng nước Bạt-tha không phải là người hiền lương, ngoại tình sinh ra Bá Thắng, nên Bá Thắng không phải thuộc dòng vua chánh thống. Bá Thắng lớn lên làm vua lại tuyên truyền tà thuyết đoạn kiến. Do vậy, ông có thể quán sát dòng vua khác để làm nơi ta thác sinh chăng?

Thiên tử Kim Đoàn lại bạch:

-Nước Kim cang có kinh thành tên là Tỳ-da-ly, lúa gạo dư dật, dân chúng no âm, an vui, cảnh đẹp tuyệt vời, giống như cung trời không khác. Vua đóng đô ở thành này là con của Thọ Vương, thuộc chủng tộc thanh tịnh, không một ai dám chê bai, kho tàng nhà vua có nhiều vàng bạc ngọc ngà châu báu và các vật quý giá, không thiếu một vật gì. Tôn giả có thể làm con vị vua này chăng?

Bồ-tát Hộ Minh bảo Kim Đoàn:

-Ưu điểm này thật quả nhiên như vậy. Nhưng dân chúng nước này tâm tánh cang cường, mỗi người tự sống theo ý riêng của mình, tự cho mình là hơn mọi người, hết sức kiêu căng ngã mạn, nghênh ngang tự thị cống cao, chẳng chịu hòa đồng với mọi người, sống hỗn độn nào khác súc sinh, không biết kẻ lớn người nhỏ, tôn ty trật tự lễ nghi. Tự cho mình là thông minh, tự nói mình là hiểu biết. Tuy trong nước có vua chúa mà không chịu phục tùng, nói rằng lẽ tự nhiên pháp ấy là vậy, chẳng cần cầu học người khác. Do vậy, ông nay có thể quán sát dòng vua các nước khác để làm chỗ ta thác sinh được chăng?

Thiên tử Kim Đoàn lại bạch:

-Thưa Tôn giả Hộ Minh, con vua Minh Đăng ở thành Ưu-xà-da- na thuộc nước Ma-ba-bàn-đề tên là Mãn Túc, hiện đóng đô ở thành này. Vua Mãn Túc có một thân thể cường tráng oai hùng, rất nhiều tùy tùng, có sức mạnh dẹp tan giặc thù. Tôn giả có thể làm con vị vua này chăng?

Bồ-tát Hộ Minh nói với Kim Đoàn:

-Tuy có ưu điểm như vậy nhưng quốc vương này không có một pháp khả dĩ làm mô phạm cho việc cai trị. Chánh sách cai trị độc ác khắc nghiệt, không tin nhân quả. Do vậy, ngày nay ông có thể quán sát các vương tộc khác, để làm chỗ ta thác sinh được chăng?

Thiên tử Kim Đoàn lại bạch:

-Thưa Tôn giả Hộ Minh, có một Đại vương đóng đô tại thành Ma-đầu-la trong cõi Diêm-phù-đề này tên là Thiện Tý. Nhà vua có một người con tên là Tự Tại Kiện Tướng. Tôn giả có thể đến làm con nhà vua này chăng?

Bồ-tát Hộ Minh bảo Kim Đoàn:

-Tuy có ưu điểm như vậy, nhưng quốc vương này sinh trong nhà tà kiến. Vì lý do Bồ-tát bổ xứ không được thị hiện trong nhà tà kiến, ông có thể quán sát dòng họ vua khác, để làm nơi ta thác sinh được chăng?

Thiên tử Kim Đoàn lại bạch:

-Thưa Tôn giả Hộ Minh, có dòng vua Bàn-nữu ở thành Bạch tượng, thân thể dũng mãnh oai hùng, hình dung tuấn tú khả ái thế gian không ai sánh bằng, có sức mạnh đánh dẹp giặc thù các nước láng giềng. Tôn giả có thể đến làm con vị vua này chăng?

Bồ-tát Hộ Minh bảo Kim Đoàn:

-Tuy được ưu điểm như vậy. Dù chủng tộc nhà vua Bàn-nữu thanh tịnh, nhưng con của vua hỗn tạp rối loạn. Vì sao? Vị trưởng tử của nhà vua tên là Du-địa-sư-hy-la, là con của pháp vương Phạm thiên; người con thứ hai của nhà vua tên là Tỳ-ma Tư-na, là con của vị Phong Thần; người con thứ ba của nhà vua tên là Át-thuần-na, là con của Đế Thích. Lại có hai người con khác mẹ. Người thứ nhất tên Na-câu-la, người thứ hai tên Ta-ha-đề-bà. Hai người này là con của tinh tú A-du-na. Vì lý do đó, hôm nay ông có thể quan sát đòng họ các nhà vua khác để làm chỗ ta thác sinh được chăng?

Thiên tử Kim Đoàn lại bạch:

-Thưa Tôn giả Hộ Minh, nay cõi Diêm-phù-đề này có thành Mị-di-la. Nhà vua dòng Mị-di-la tên là Thiện Hữu, rất nhiều voi, ngựa, trâu, dê, tất cả nhu cầu cho đời sống hết thảy đều được đầy đủ Kho tàng chứa đầy vô lượng các thứ báu như: Vàng, bạc, ngọc ngà, chưa từng thiếu một vật gì. Nhà vua thường siêng tu các pháp hạnh. Tôn giả có thể đến làm con vị vua này chăng?

Bồ-tát Hộ Minh bảo Kim Đoàn:

-Tuy thực tế nhà vua Thiện Hữu có đầy đủ các pháp ưu điểm như thế nhưng nhà vua tuổi cao, quá già yếu, lại không có khả năng chỉnh đốn việc nước để cho quốc gia hưng thịnh; hơn nữa nhà vua đông con. Do vậy, ông nay có thể tìm các vương tộc khác để làm chỗ thác sinh chăng?

Thiên tử Kim Đoàn lại bạch thế này:

-Những vị vua vừa kể trên đây, có vị thuộc các nước văn minh, cũng có vị thuộc các nước nghèo nàn lạc hậu. Thưa Tôn giả, nay có vua Nguyệt Chi cai trị một quần đảo trong biển Tỳ-nữu, cha mẹ đều thuộc dòng dõi Bà-la-môn, đều tu tịnh hạnh, thông thạo các pháp tế tự chư Thiên, uyên thâm bốn luận Tỳ-đà. Tôn giả có thể đến làm con vị vua này chăng?

Bồ-tát Hộ Minh bảo Kim Đoàn:

-Tuy nhà vua này có Ưu điểm như vậy nhưng ta đản sinh để xuất gia thành đạo, cốt yếu phải sinh trong dòng dõi nhà vua, không muốn sinh trong nhà Bà-la-môn. Vì lý do đó, nay ông chỉ tìm dòng dõi nhà vua để làm chỗ ta thác sinh.

Thiên tử Kim Đoàn lại bạch:

-Tôi vì Tôn giả quán sát các cung điện, xóm làng, thành ấp của các nhà vua thuộc các nước trong Diêm-phù-đề này và sự cai trị, công nghiệp của các nhà vua ở trên đất nước mỗi vị. Quán sát như vậy, cho đến giờ này vô cùng mỏi mệt khổ não, tinh thần mê muội, ý chí rối loạn, không tài nào tiếp tục quán sát các chỗ khác được nữa, dầu cho có quán sát thì miệng không thể nào diễn tả hết được!

Bồ-tát Hộ Minh nói với Kim Đoàn:

-Sự thật đúng như lời ông nói. Nhưng ông hãy vì ta cố gắng tìm một nhà vua thuộc dòng thanh tịnh, có thể làm chỗ cho ta thác sinh.

Thiên tử Kim Đoàn lại bạch:

-Tôi vì Tôn giả lo lắng quán sát mọi nơi tâm sinh mỏi mệt, bỗng nhiên quên mất một vương tộc.

Bồ-tát Hộ Minh liền hỏi:

-Nhà vua ấy tên gì?

Kim Đoàn bạch:

-Có một vương tộc nguyên từ trước đến nay được dân chúng thảo luận đồng ý suy cử, dòng họ Cam Giá này đời đời làm Chuyển luân thánh vương, con cháu đời đời nối nhau làm vua, cho đến vị vua đóng đô tại thành Ca-tỳ-la-bà-tô-đô, thuộc dòng họ Thích tên là Sư Tử Giáp. Con vua Sư Tử Giáp lên ngôi hiệu là Thâu-đàn-đầu, danh tiếng vang khắp tất cả trời người trong thế gian.         Vậy Tôn giả có thể đến làm con vị vua này chăng?

Bồ-tát Hộ Minh nói với Kim Đoàn:

-Hay lắm! Hay lắm! Này Thiên tử Kim Đoàn, ông khéo quán sát lựa chọn nhà vua này, ý ta cũng định sinh trong nhà ấy, những gì ta nghĩ cũng giống như lời ông nói. Này phải biết, ta quyết định sinh vào nhà ấy làm con vua Thâu-đàn-đầu.

Này Kim Đoàn, ông phải biết, gia đình của Bồ-tát bổ xứ thác sinh phải là gia đình đầy đủ sáu mươi công đức. Sáu mươi công đức đó là gì?

  1. Dòng họ này từ xưa đến nay phải là dòng họ thanh tịnh tốt đẹp.
  2. Nhà này thường được chư Hiền thánh gia tâm ủng hộ.
  3. Nhà đó không làm tất cả các điều ác.
  4. Người sinh trong nhà đó hết thảy đều được thanh tịnh.
  5. Dòng họ nhà đó phải chân chánh, không bị xen lẫn dòng máu họ khác.
  6. Con cháu nhà đó nối nhau làm vua phải là trưởng tử, không cho gián đoạn.
  7. Nhà đó làm vua từ xưa đến nay không có gián đoạn.
  8. Tất cả các vua sinh trong nhà này từ trước đến nay phải là người trồng nhiều căn lành.
  9. Người sinh trong nhà này thường được chư Thiên, Hiền thánh ca ngợi.
  10. Người sinh trong nhà này đầy đủ oai đức lớn.
  11. Hết thảy vợ con trong nhà này đều tiết hạnh đoan chánh.
  12. Nhà này sinh nhiều con trai trí tuệ dũng mãnh.
  13. Người trong nhà này tâm tánh nhu hòa.
  14. Người sinh trong nhà này không lẳng lợ mất nết.
  15. Người sinh trong nhà này không có tâm nhút nhát.
  16. Người sinh trong nhà này chưa từng có tâm khiếp nhược.
  17. Người sinh trong nhà này thông minh đa trí.
  18. Người sinh trong nhà này giỏi nhiều nghề nghiệp.
  19. Người sinh trong nhà này đều sợ tội lỗi.
  20. Người sinh trong nhà này không làm các nghề xảo trá thế gian, trong việc mưu sống cũng không tham lam của cải.
  21. Người sinh trong nhà này thường nhiều bạn bè.
  22. Người sinh trong nhà này không lấy việc sát hại động vật để nuôi lấy thân mạng.
  23. Dòng họ nhà này thường biết ân nghĩa.
  24. Dòng họ nhà này thường tu khổ hạnh.
  25. Người sinh trong nhà này không bị người khác cảm hóa.
  26. Người sinh trong nhà này không ôm lòng oán hận.
  27. Người sinh trong nhà này không ngu si.
  28. Người sinh trong nhà này không có tâm sợ sệt chạy theo người khác.
  29. Người sinh trong nhà này không có tâm hiếu sát.
  30. Người sinh trong nhà này không có tội lỗi.
  31. Người sinh trong nhà này đi khất thực được nhiều vật thực.
  32. Người nào đến nhà này khất thực, không ai là không được cung cấp.
  33. Người sinh trong nhà này ý chí kiên cường không ai hàng phục được.
  34. Phép tắc nhà này được đưa ra làm mẫu mực cho mọi người.
  35. Nhà này thường ưa bố thí cho chúng sinh.
  36. Nhà này chú trọng xây dựng luật nhân quả.
  37. Người sinh trong nhà này là kẻ dũng mãnh trong thế gian.
  38. Nhà này thường hay cúng dường tất cả Tiên nhân, Thánh hiền.
  39. Nhà này thường hay cúng dường Thần linh.
  40. Nhà này thường hay cúng dường chư Thiên.
  41. 4 Nhà này thường hay cúng dường bậc Đại nhân.
  42. Nhà này trải qua nhiều đời không có oán thù.
  43. Nhà này tiếng tốt, oai thế vang lừng khắp nơi.
  44. Nhà này là bậc tối thượng trong tất cả các nhà khác.
  45. Người sinh trong nhà này từ đời trước đến nay đều thuộc dòng Thánh hiền.
  46. Người sinh trong nhà này đối với các dòng Thánh, thuộc dòng Thánh bậc nhất.
  47. Người sinh trong nhà này thường thuộc dòng Chuyển luân thánh vương.
  48. Người sinh trong nhà này thuộc dòng họ có oai đức lớn.
  49. Người sinh trong nhà này có vô lượng quyến thuộc hộ vệ chung quanh.
  50. Người sinh trong nhà này quyến thuộc không tan rã.
  51. Người sinh trong nhà này có quyến thuộc nhiều hơn quyến thuộc người khác.
  52. Người sinh trong nhà này đều hiếu dưỡng từ mẫu.
  53. Người sinh trong nhà này đều hiếu dưỡng phụ thân.
  54. Người sinh trong nhà này đều cúng dường chư Sa-môn.
  55. Người sinh trong nhà này đều cúng dường chư vị Bà-la-môn.
  56. Người sinh trong nhà này có rất nhiều ngũ cốc.
  57. Người sinh trong nhà này có nhiều vàng bạc, xa cừ, mã não, tất cả tài sản không thiếu một vật gì.
  58. Người sinh trong nhà này có nhiều tôi trai tớ gái, voi, ngựa, bò, dê.
  59. Người sinh trong nhà này chưa từng làm thuê cho kẻ khác.
  60. Người sinh trong nhà này đối với tất cả sự vật trong thế gian, hết thảy đều được đầy đủ, không thiếu một vật gì.

Này Kim Đoàn, phàm Bồ-tát bổ xứ ở trong thai mẹ, thì người mẹ đó phải có đủ ba mươi hai điều kiện mới có khả năng nhận lãnh việc Bồ-tát ở trong thai. Ba mươi hai điều kiện đó là gì?

  1. Người mẹ đó được sinh trong nhà đạo đức chân chánh.
  2. Người mẹ đó tứ chi thân thể vẹn toàn.
  3. Người mẹ đó đức hạnh vẹn toàn.
  4. Người mẹ đó được sinh trong nhà tôn quý.
  5. Người mẹ đó phải là bậc mẫu mực.
  6. Người mẹ đó thuộc chủng tộc thanh tịnh.
  7. Người mẹ đó hình dung đoan chánh không ai sánh bằng.
  8. Người mẹ đó địa vị và đức hạnh phải tương xứng.
  9. Người mẹ đó hình dung trên dưới cân đối.
  10. Người mẹ đó chưa từng sinh sản.
  11. Người mẹ đó có công đức lớn.
  12. Người mẹ đó tâm thường nghĩ đến điều vui.
  13. Người mẹ đó tâm thường tùy thuận tất cả việc thiện.
  14. Người mẹ đó không có tâm tà vạy.
  15. Người mẹ đó ba nghiệp thân khẩu ý được điều phục.
  16. Người mẹ đó không có tâm sợ sệt.
  17. Người mẹ đó học rộng nhớ dai.
  18. Người mẹ đó rất giỏi về nữ công.
  19. Người mẹ đó không có tâm dua nịnh.
  20. Người mẹ đó không có tâm dối gạt.
  21. Người mẹ đó không có tâm sân hận.
  22. Người mẹ đó không có tâm đố kỵ.
  23. 23. Người mẹ đó không có tâm bỏn sẻn.
  24. Người mẹ đó không có tâm bồng bột.
  25. Người mẹ đó có tâm khó có thể lay chuyển.
  26. Người mẹ đó có tướng mạo rất tốt.
  27. Người mẹ đó tâm thường giữ tính nhẫn nhục.
  28. Người mẹ đó có tâm biết hổ thẹn.
  29. Người mẹ đó ít dâm dục, sân hận, ngu si.
  30. Việc làm của người mẹ đó không trái với nữ hạnh.
  31. Người mẹ đó có hạnh chiều chuộng chồng con.
  32. Người mẹ đó phát sinh các hạnh công đức đều được đầy đủ.

Người mẹ như vậy, mới có khả năng thọ nhận hậu thân của Bồ-tát bổ xứ. Khi Bồ-tát muốn nhập vào thai Thánh mẫu, phải chọn ngày Quỷ tú. Sau đó mới thác sinh vào thai mẹ. Trước khi Thánh mẫu mang thai Bồ-tát bổ xứ, cần phái tu Bát quan trai rồi sau đó Bồ-tát mới giáng thần vào thai.

Bồ-tát Hộ Minh lại nói:

-Ngày nay ta thọ thân này, chẳng phải vì tiền tài và thú vui năm dục ở thế gian. Ta thọ sinh một đời này ở nhân gian, chỉ vì thương xót chúng sinh khổ não mà đem lại sự an vui cho họ.

Trong chúng hội, có một Thiên nữ bảo với một Thiên nữ khác:

-Đức Bồ-tát Hộ Minh là bậc tôn quý của chúng ta, nhất định sẽ giáng sinh vào cõi nhân gian, ngài sẽ rời bỏ chúng ta và cung điện này, tại sao ta còn thích ở nơi đây?

Thiên nữ thứ hai liền đáp:

-Làm sao! Biết làm sao! Chúng ta không biết làm gì bây giờ để đến được cõi nhân gian, quan sát tường tận nơi Bồ-tát thác sinh là nhà nào!

Thiên nữ thứ ba đưa ra ý kiên:

-Ngày nay chúng ta nguyện xả bỏ tuổi thọ cõi trời này để đến thọ sinh vào cõi Diêm-phù-đề. Vì sao? Vì chúng ta cũng nguyện đến đó, cùng sinh một lượt với Bồ-tát Hộ Minh của chúng ta.

Thiên nữ thứ tư nói:

-Chúng ta không nên luyến tiếc cảnh giới này. Vì sao? Vì Đức Bồ-tát Hộ Minh, Đấng tôn quý của chúng ta còn xả bỏ tuổi thọ cõi này để sinh xuống nhân gian, huống nữa là chúng ta.

Lại một Thiên nữ khác bạch Tôn giả Hộ Minh:

-Ngày nay ngài giáng sinh vào cõi Diêm-phù-đề, cúi xin Đại-sĩ chớ quên chúng tôi.

Bồ-tát Hộ Minh bảo các Thiên nữ:

-Các người chớ quá sinh khổ não, ta trước đây đã vì các người nói tất cả cảnh giới đều là vô thường, như thân cây chuối không có bền chắc, như mượn đồ của người, dùng rồi phải trả lại cho chủ, chẳng phải vật sở hữu của mình. Giống như sóng nắng, như trò huyễn thuật, như bọt nước. Tất cả cảnh giới dối gạt người ngu si, họ cho là thường trụ.

Bấy giờ trong đại chúng có một Thiên tử, tâm buồn rầu áo não, than thở:

-Xét như lời dạy của Bồ-tát, tất cả cảnh giới đều là vô thường chẳng thật. Lạ thay! Vậy thì chúng ta cần gì phải đam mê nơi đây? Chúng ta ngày nay thấy Bồ-tát Hộ Minh, thân thể có đầy đủ công đức như vậy. Ngài sinh vào cung trời Đâu-suất này, chứa nhóm phước đức như vậy, đàng hoàng ngay thẳng như vậy, trang nghiêm đẹp đẽ như vậy, mà Bồ-tát lại xả bỏ, giáng sinh vào trần thế. Lạ thay! Tại sao riêng chúng ta sống nơi cảnh giới vô thường này?

Khi ấy, có một Thiên tử thứ hai đáp:

-Hay thay, Thiên tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Y như lời ông đã nói. Rồi người nói kệ:

Đại Bồ-tát Hộ Minh thuở trước
Đã từng sinh trong cõi hữu hình.
Từ nô tỳ, voi ngựa, ngọc ngà,
Đến quý nhất vợ con đều xả.
Hoặc lại cắt thịt xương thân thế
Đầu, mắt, tủy, máu, da đều thí.
Xin như vậy thảy đều toại ý
Trăm ngàn lần Bồ-tát đều cho.

Bấy giờ, trong đại chúng có một Thiên tử khác nói kệ:

Than ôi Thân chúng ta,
Sinh ra trong Thiên giới.
Hiện đang lo sa đọa,
Như người sợ tử thần.
Có ai trong thế gian,
Hưởng phước không cùng tận?
Thế giới vô thường này,
Có sinh đều phải diệt.

Bồ-tát Hộ Minh bảo chư Thiên:

-Này chư Thiên, tất cả các pháp thế gian, sinh tử biệt ly là căn bản, các ông chẳng nên vì ta mà khổ não buồn rầu. Vì sao? -Ta từ xưa đến nay không phạm các ác nghiệp. Nay các ông muốn ta sống lâu ở nơi đây, hoàn toàn không thể được. Ta trong đời quá khứ sống gần gũi Phật Pháp Tăng, trồng các thiện nghiệp, thường phát đạo tâm, mong cầu đại nguyện, nên ngày hôm nay ta được phước báo, sẽ chứng quả Vô thượng Bồ-đề. Lẽ ra các ông phải hoan hỷ, tại sao lại sinh khổ não?

Chư Thiên nghe lời này rồi, nói với nhau:

-Chư Thiên chúng ta thấy rõ Đại sĩ Hộ Minh, quả nhiên chẳng bao lâu ngài sẽ giáng sinh vào cõi nhân gian. Và họ đồng xướng lên: “Tôn giả Hộ Minh! Ngài chẳng bao lâu sẽ sinh vào cõi nhân gian, thì bao nhiêu oai đức và phước lợi của cung điện chư Thiên cõi trời Đâu-suất này sẽ đi theo ngài. Ngài sẽ thọ lấy thân tứ đại cuối cùng ở nhân gian, chư Thiên chúng tôi sẽ biết phụng thờ ai?”

Bồ-tát Hộ Minh bảo chư Thiên:

-Thân ta trước khi chưa xuất hiện năm tướng suy thoái, ta đã vì các ông giảng nói các pháp nhân duyên vô thường, các ông cần nhất tâm ghi nhớ các pháp ấy, chớ nên lãng quên. Ta nay từ biệt nơi đây sinh đến nhân gian, sẽ chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển pháp luân Vô thượng vi diệu. Các ông có thể phát nguyện thọ thân ở dưới trần gian, sau khi sinh vào đó rồi, các ông sẽ được giải thoát tất cả khổ não.

Sau khi Đức Bồ-tát Hộ Minh đã quán sát gia tộc để làm nơi thác sinh rồi, cõi trời Đâu-suất ngay khi đó xuất hiện một cung điện tên là Cao tràng, cao rộng bằng sáu mươi do tuần, Bồ-tát luôn luôn ở trong cung điện này, vì chư Thiên mà thuyết giảng các pháp trọng yếu.

Bồ-tát an tọa trong cung điện này rồi, liền bảo chư Thiên tử cõi trời Đâu-suất: “Này chư Thiên, các ông nên tập họp nơi đây, thân ta chẳng bao lâu nữa sẽ giáng sinh xuống trần gian, ta nay muốn nói một pháp Minh môn, gọi là “Cửa ngõ phương tiện để vào thật tướng các pháp”, là lời giáo hóa tối hậu để lại cho các ông. Nếu các ông nhớ tưởng đến ta thì khi các ông nghe pháp môn này nên sinh tâm hoan hỷ.

Đại chúng chư Thiên cõi trời Đâu-suất-đà nghe lời nói này rồi, tất cả quyến thuộc chư Thiên, ngọc nữ đều tập họp nơi cung điện.

Bồ-tát Hộ Minh thấy đại chúng chư Thiên tề tựu xong, liền vì họ mà thuyết pháp. Ngay lúc đó lại hóa hiện một cung điện khác ở trên cung điện Cao tràng, cao lớn rộng rãi che phủ cả bốn châu thiên hạ, nguy nga tráng lệ, ít có cung điện nào bì kịp. Cung điện dùng toàn bảy báu trang hoàng, oai nghiêm lộng lẫy, tất cả cung điện cõi trời Dục không thể sánh bằng. Chư Thiên sắc giới thấy cung điện này, tâm họ liên tưởng cung điện của mình không khác nào gò mả.

Trong quá khứ, Bồ-tát Hộ Minh đã tu các hạnh, trồng các thiện căn, thành tựu vô lượng phước nghiệp, đầy đủ các công đức, nên khi ngài an tọa trên tòa sư tử cao rộng trang nghiêm, tòa này được dùng vô lượng các thứ quý báu phối hợp trang hoàng, vô lượng vô biên các loại y cõi trời trải trên tòa ấy, với vô lượng vô biên các lư bằng ngọc quý, xông các danh hương tỏa lên mùi thơm ngào ngạt vi diệu và các hoa thơm rải trên mặt đất. Tòa được trăm ngàn vạn ức trân bảo trang hoàng nên hào quang làm sáng rực cả cung điện. Phía trên và dưới cung điện được bủa giăng những mành lưới bằng ngọc quý, xen lẫn các chuông rung bằng vàng, phát ra những âm thanh vi diệu. Đại cung điện quý báu này lại có hàng ngàn vạn tàn lọng và những tua màu sắc sặc sỡ, tỏa ra ánh sáng khắp bốn bên. Lại với vô lượng vô biên trăm ngàn ngọc nữ, mỗi người đem theo những nhạc cụ bằng bảy báu, phát ra những âm thanh tán thán Bồ-tát trong quá khứ đã trồng vô lượng vô biên công đức. Bốn vua Hộ Thế, với trăm ngàn vạn ức Thiên chúng hộ vệ hai bên cung điện, và hàng ngàn vạn chúng trời Đế Thích lễ bái cung điện này, ngàn vạn chúng cõi trời Phạm thiên cũng đồng lễ bái cung điện này, lại có trăm ngàn vạn na-do-tha chư vị Bồ-tát hộ trì cung điện này, cung điện này cũng được trăm ngàn vạn na-do-tha chư Phật mười phương đồng hộ niệm.

Bồ-tát Hộ Minh đã trải qua trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp tu hành các hạnh Ba-la-mật, được thành tựu phước báo như vậy, nhân duyên đầy đủ, công đức luôn luôn tăng trưởng, hết thảy đều được trang nghiêm như vậy.

Bồ-tát ngồi trên tòa sư tử cao lớn vi diệu này, bảo tất cả đại chúng chư Thiên:

-Này chư Thiên, Ta nay ở nơi đây sắp thác sinh vào nhân gian, đối trước chư Thiên ta cần trình bày rõ ràng một trăm lẻ tám pháp Minh Môn, để lại cho chư Thiên nghiên cứu học tập, rồi sau đó ta mới hạ sinh.

Này chư Thiên, các ông phải chú ý lắng nghe và ghi nhớ vào tâm khảm một trăm lẻ tám pháp Minh môn, mà ta sắp nói đây:

  1. Chánh tín: Pháp Minh môn này giúp hành giả tâm chánh tín bền vững không bị thoái chuyển.
  2. Tịnh tâm: Pháp Minh môn này giúp hành giả tâm không vẩn đục.
  3. Hoan hỷ: Pháp Minh môn này giúp hành giả tâm được an ổn
  4. Yêu thích: Pháp Minh môn này giúp hành giả tâm được thanh tịnh.
  5. Thân thanh tịnh: Pháp Minh môn này giúp hành giả giữ ba nghiệp của thân thanh tịnh.
  6. Khẩu thanh tịnh: Pháp Minh môn này giúp hành giả dứt bốn điều ác nơi miệng.
  7. Ý thanh tịnh: Pháp Minh môn này giúp hành giả dứt ba độc nơi ý.
  8. Niệm Phật: Pháp Minh môn này giúp hành giả quán Phật thanh tinh.
  9. Niệm Pháp: Pháp Minh môn này giúp hành giả quán Pháp thanh tịnh.
  10. Niệm Tăng: Pháp Minh môn này giúp hành giả đắc đạo kiên cố.
  11. Niệm thí: Pháp Minh môn này giúp hành giả bố thí, tâm không mong cầu quả báo.
  12. Niệm giới: Pháp Minh môn này giúp tất cả nguyện của hành giả đều được đầy đủ.
  13. Niệm thiên: Pháp Minh môn này giúp hành giả phát tâm rộng lớn.
  14. Niệm từ: Pháp Minh môn này làm cho hành giả sinh bất cứ ở đâu, thiện căn cũng được thù thắng.
  15. Bi: Pháp Minh môn này giúp hành giả không sát hại chúng sinh.
  16. Hỷ: Pháp Minh môn này giúp hành giả trong tâm không còn chứa điều chẳng vui.
  17. Xả: Pháp Minh môn này giúp hành giả nhàm chán, xa lìa ngũ dục.
  18. Quán vô thường: Pháp Minh môn này giúp hành giả quán sự ưa đắm trong tam giới là giả tạm.
  19. Quán khổ: Pháp Minh môn này giúp hành giả đoạn tất cả các điều ham muốn.
  20. Quán  vô ngã: Pháp Minh môn này giúp hành giả không còn chấp ngã.
  21. Quán tịch tĩnh: Pháp Minh môn này giúp hành giả tâm ý không loạn động.
  22. Hổ thẹn: Pháp Minh môn này giúp hành giả tâm được bình thản.
  23. Xấu hổ: Pháp Minh môn này giúp hành giả diệt các ác bên ngoài.
  24. Thật: Pháp Minh môn này giúp hành giả không dối gạt người, trời.
  25. Chân: Pháp Minh môn này giúp hành giả không tự dối mình.
  26. Pháp hành: Pháp Minh môn này giúp hành giả tùy thuận các pháp mà thực hành.
  27. Tam quy: Pháp Minh môn này giúp hành giả khỏi sa ba đường ác.
  28. Tri ân: Pháp Minh môn này giúp hành giả thiện căn được tồn tại.
  29. Báo ân: Pháp Minh môn này giúp hành giả chẳng phụ bỏ người ta.
  30. Không dối mình: Pháp Minh môn này giúp hành giả chẳng tự khen mình.
  31. Vì chúng sinh: Pháp Minh môn này giúp hành giả không chê bai người khác.
  32. Vì pháp: Pháp Minh môn này giúp hành giả thực hành đúng chánh pháp.
  33. Biết thời: Pháp Minh môn này giúp hành giả ăn nói đúng lúc.
  34. Kiểm thúc ngã mạn: Pháp Minh môn này giúp hành giả trí tuệ đầy đủ.
  35. Chẳng sinh tâm ác: Pháp Minh môn này giúp hành giả và người khác được bảo vệ.
  36. Không chướng ngại: Pháp Minh môn này giúp hành giả không tâm nghi hoặc.
  37. Tin một cách rõ ràng: Pháp Minh môn này giúp hành giả thấu triệt đệ nhất nghĩa.
  38. Quán bất tịnh: Pháp Minh môn này giúp hành giả không còn tâm dục nhiễm.
  39. Không đấu tranh: Pháp Minh môn này giúp hành giả không có tâm thù oán kiện tụng.
  40. Không si mê: Pháp Minh môn này giúp hành giả không còn sát sinh.
  41. Ưa thích nghĩa các pháp: Pháp Minh môn này giúp hành giả cầu được nghĩa các pháp.
  42. Muốn rõ các pháp: Pháp Minh môn này giúp hành giả rõ được các pháp.
  43. Cầu đa văn: Pháp Minh môn này giúp hành giả quán đúng thật tướng các pháp.
  44. Phương tiện chân chánh: Pháp Minh môn này giúp hành giả hành động chân chánh.
  45. Biết danh sắc: Pháp Minh môn này giúp hành giả trừ được các chướng ngại thân và tâm.
  46. Trừ nguyên nhân kiến chấp: Pháp Minh môn này giúp hành giả được giải thoát.
  47. Không tâm oán thân: Pháp Minh môn này giúp hành giả đối với kẻ oán người thân đều sinh tâm bình đẳng.
  48. Ngũ ấm tạm bợ: Pháp Minh môn này giúp hành giả biết được nguyên nhân đau khổ.
  49. Các đại bình đẳng: Pháp Minh môn này giúp hành giả đoạn các pháp hòa hợp.
  50. Sáu nhập: Pháp Minh môn này giúp hành giả tu theo chánh đạo.
  51. Vô sinh nhẫn: Pháp Minh môn này giúp hành giả chứng được tịch diệt.
  52. Quán thân thể: Pháp Minh môn này giúp hành giả biết các pháp tịch tĩnh.
  53. Quán cảm thọ: Pháp Minh môn này giúp hành giả dứt được các cảm thọ.
  54. Quán tâm tưởng: Pháp Minh môn này giúp hành giả biết tâm như huyễn hóa.
  55. Quán các pháp: Pháp Minh môn này giúp hành giả trí tuệ sáng tỏ.
  56. Bốn thứ siêng năng chân chánh: Pháp Minh môn này giúp hành giả dứt các điều ác, làm các điều lành.
  57. Bốn thứ đầy đủ như ý: Pháp Minh môn này giúp hành giả thân tâm nhẹ nhàng.
  58. Tín căn: Pháp Minh môn này giúp hành giả chẳng chạy theo lời nói kẻ khác.
  59. Tinh tấn căn: Pháp Minh môn này giúp hành giả khéo chứng các trí.
  60. Niệm căn: Pháp Minh môn này giúp hành giả khéo tạo các thiện nghiệp.
  61. Định căn: Pháp Minh môn này giúp hành giả tâm được thanh tịnh.
  62. Tuệ căn: Pháp Minh môn này giúp hành giả hiện tại nhận định rõ cắc pháp.
  63. Tín lực: Pháp Minh môn này giúp hành giả thoát khỏi ma lực.
  64. Tinh tấn lực: Pháp Minh môn này giúp hành giả không thoái chuyển.
  65. Niệm lực: Pháp Minh môn này giúp hành giả không loạn tưởng đến pháp khác.
  66. Định lực: Pháp Minh môn này giúp hành giả dứt trừ vọng niệm.
  67. Tuệ lực: Pháp Minh môn này giúp hành giả lìa hai chấp có-không.
  68. Niệm giác chi: Pháp Minh môn này giúp hành giả có trí hiểu các pháp đúng như thật.
  69. Trạch pháp giác chi: Pháp Minh môn này giúp hành giả phân biệt các pháp một cách rõ ràng.
  70. Tinh tấn giác chi: Pháp Minh môn này giúp hành giả có điều kiện tốt đưa đến sự hiểu biết.
  71. Hỷ giác chi: Pháp Minh môn này giúp hành giả chứng các định.
  72. Trừ giác chi: Pháp Minh môn này giúp hành giả hoàn tất bổn phận.
  73. Định  giác chi: Pháp Minh môn này giúp hành giả biết các pháp bình đẳng.
  74. Xả giác chi: Pháp Minh môn này giúp hành giả nhàm chán xa lìa các pháp.
  75. Chánh kiến: Pháp Minh môn này giúp hành giả dứt các lậu nghiệp, chứng Thánh đạo.
  76. Chánh phân biệt: Pháp Minh môn này giúp hành giả đoạn tất cả phân biệt và vô phân biệt.
  77. Chánh ngữ: Pháp Minh môn này giúp hành giả biết tất cả danh tự, âm thanh, ngữ ngôn một cách rõ ràng, không thật như tiếng vang.
  78. Chánh nghiệp: Pháp Minh môn này giúp hành giả không tạo nghiệp xâu và thọ quả báo xấu.
  79. Chánh mạng: Pháp Minh môn này giúp hành giả diệt trừ các ác đạo.
  80. Chánh hạnh: Pháp Minh môn này giúp hành giả đến được bờ giải thoát.
  81. Chánh niệm: Pháp Minh môn này giúp hành giả không suy nghĩ các pháp khác.
  82. Chánh định: Pháp Minh môn này giúp hành giả tâm không tán loạn, được vắng lặng.
  83. Tâm Bồ-đề: Pháp Minh môn này giúp hành giả không bỏ Tam bảo.
  84. Y ỷ: Pháp Minh môn này giúp hành giả không thích pháp Tiểu thừa.
  85. Chánh tín: Pháp Minh môn này giúp hành giả hiểu được chỗ cao xa của Phật pháp.
  86. Tăng tấn: Pháp Minh môn này giúp hành giả thành tựu các thiện căn.
  87. Bố thí: Pháp Minh môn này giúp hành giả luôn luôn giáo hóa chúng sinh tham lam để thành tựu trang nghiêm cảnh giới chư Phật.
  88. Giới luật: Pháp Minh môn này giúp hành giả giữ giới luật thanh tịnh, giáo hóa những kẻ phá giới, vượt khỏi các nạn trong ác đạo.
  89. Nhẫn nhục: Pháp Minh môn này giúp hành giả không còn các tâm: sân hận, tự cao, a dua, nịnh bợ… mà giáo hóa các chúng sinh có những tật xấu đó.
  90. Tinh tấn: Pháp Minh môn này giúp hành giả làm các điều lành, giáo hóa những kẻ giải đãi.
  91. Thiền định: Pháp Minh môn này giúp hành giả thành tựu các thiền định và thần thông để giáo hóa những kẻ tán loạn.
  92. Trí tuệ: Pháp Minh môn này giúp hành giả bỏ được tánh bảo thủ và những tư tưởng vô minh hắc ám để giáo hóa hạng người ngu si.
  93. Phương tiện: Pháp Minh môn này giúp hành giả tùy thuận hoàn cảnh và trình độ của chúng sinh mà thị hiện giáo hóa để các Phật sự được thành tựu.
  94. Tứ nhiếp pháp: Pháp Minh môn này giúp hành giả tiếp nhận chúng sinh vào đạo Bồ-đề, rồi sau đó dạy Phật pháp cho họ.
  95. Giáo hóa chúng sinh: Pháp Minh môn này giúp hành giả không chịu hưởng cảnh vui mình có được, mà giáo hóa chúng sinh không biết mỏi mệt.
  96. Tiếp nhận chánh pháp: Pháp Minh môn này giúp hành giả dứt trừ các phiền não của chúng sinh.
  97. Chứa nhóm phước đức: Pháp Minh môn này giúp hành giả làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
  98. Tu thiền: Pháp Minh môn này giúp hành giả đầy đủ mười lực.
  99. Tịch định: Pháp Minh môn này giúp hành giả thành tựu đầy đủ Tam-muội của Như Lai.
  100. Nhận thức sáng suốt: Pháp Minh môn này giúp hành giả thành tựu trí tuệ một cách viên mãn.
  101. Thực hiện được biện tài vô ngại: Pháp Minh môn này giúp hành giả thành tựu được pháp nhãn.
  102. Thực hiện được tất cả các hạnh: Pháp Minh môn này giúp hành giả thành tựu được Phật nhãn.
  103. Thành tựu tổng trì: Pháp Minh môn này giúp hành giả khi nghe tất cả Phật pháp đều có khả năng thọ trì.
  104. Chứng được vô ngại biện tài: Pháp Minh môn này giúp hành giả làm cho chúng sinh được hoan hỷ.
  105. Thuận nhẫn: Pháp Minh môn này giúp hành giả thuận hiệp với tất cả pháp của chư Phật.
  106. Chứng Vô sinh pháp nhẫn: Pháp Minh môn này giúp hành giả được Phật thọ ký.
  107. Địa vị Bất thoái chuyển: Pháp Minh môn này giúp hành giả đầy đủ các pháp của chư Phật trong quá khứ.
  108. Trí từ một Địa đến mười Địa: Pháp Minh môn này giúp hành giả được Phật quán đảnh, thành tựu Nhất thiết trí.

Địa quán đảnh: Pháp Minh môn này giúp hành giả từ khi sinh ra cho đến khi xuất gia, thẳng đến thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi Bồ-tát Hộ Minh nói các pháp phương tiện này rồi, lại bảo tất cả chư Thiên:

-Chư Thiên phải biết, một trăm lẻ tám pháp Minh môn này lưu lại cõi trời, các ông cần phải thọ trì, tâm thường ghi nhớ, chớ nên xao lãng.