KINH ĐẠI LÂU THÁN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Sa-môn Pháp Lập và Pháp Cự
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 4: NÊ LÊ

Phật bảo:

–Tỳ-kheo, có núi Thiết vi lớn, lại có núi Thiết vi lớn thứ hai, khoảng giữa mờ mờ mịt mịt ánh sáng của đại tôn thần Nhật nguyệt không thể chiếu đến. Trong đó, có tám địa ngục lớn. Mỗi địa ngục có mười sáu bộ. Địa ngục lớn thứ nhất tên là Tưởng, địa ngục lớn thứ hai tên là Hắc nhĩ, địa ngục lớn thứ ba tên là Tăng càn, địa ngục lớn thứ tư tên là Lô cách, địa ngục lớn thứ năm tên là Khiếu hoán, địa ngục lớn thứ sáu tên là Thiêu chích, địa ngục lớn thứ bảy tên là Phủ chử, địa ngục lớn thứ tám tên là A-tỳ-ma-ha.

Phật dạy:

–Vì sao gọi là Tưởng? Địa ngục lớn tên Tưởng ấy, nếu có người đọa vào trong đó, tám ngón tay mọc móng như dao bén, dùng để đâm chém nhau, thịt của họ theo tay mà rơi xuống, tưởng nghĩ muốn giết hại nhau, cho đó là việc bình thường, nên gọi là địa ngục Tưởng.

Lại có các nhân duyên khác: Địa ngục lớn gọi là Tưởng đó, nếu có người đọa vào chốn ấy, trong tay tự nhiên có dao kiếm, dùng để đâm chém nhau, với ý tưởng muốn giết hại người khác, vì cho đó là việc bình thường, nên gọi là Tưởng.

Lại có các nhân duyên khác: Có người đọa vào trong đó, tay tự nhiên thành dao nhỏ, dùng để đâm chém, lột da người khác, luôn tưởng nghĩ muốn giết hại kẻ khác, vì cho là việc bình thường, nên gọi là Tưởng.

Lại có nhân duyên khác: Có người đọa vào trong địa ngục lớn gọi là Tưởng ấy, dùng tay cào, lột da từ chân đến đỉnh đầu kẻ khác, nghĩ tưởng muốn giết hại người khác. Gió mát thổi đến thì vết thương trên thân lành lại, họ truyền nói với nhau là sẽ trở lại sống lâu. Trong đó lại có kẻ nói với nhau: “Bọn ta nay thích sống như vậy đó”, nên gọi là địa ngục Tưởng.

Lại có nhân duyên khác: Vì người sống lâu trong địa ngục, nên mới từ trong địa ngục Tưởng thoát ra, liền chạy cầu được giải thoát.

Lại có địa ngục tên là Hắc giới, cao rộng hai vạn dặm. Tất cả người vào trong ấy, lửa từ thân phát ra, đốt quanh thân ba vòng, rồi nhập lại thân, đau đớn không thể chịu nổi; vì tội ác chưa giải trừ cho nên chưa chết được.

Lại nữa, tường phía Đông của địa ngục Hắc giới, lửa cháy ba vòng thiêu người, rồi lửa cháy đến vách phía Tây. Từ vách phía Tây lửa cháy đến vách phía Đông; lửa từ vách phía Nam, cháy đến vách phía Bắc; lửa từ vách phía Bắc cháy đến vách phía Nam; lửa từ trên cháy xuống đến đất; lửa từ dưới cháy lên trên, cháy lên mãi. Người trong đó bị thiêu đốt, đau đớn không thể chịu nổi, vì tội ác chưa hết nên chẳng chết, còn ở trong ấy rất lâu, mới từ nơi địa ngục Hắc giới thoát ra liền bỏ chạy tìm chốn giải thoát.

Có địa ngục tên là Phí thỉ cao rộng hai vạn dặm. Tất cả tội nhân vào trong cõi ấy thì tự nhiên bị dìm trong nước sôi sùng sục đến tận cổ. Ngục tốt dùng tay vật mạnh tội nhân xuống, tội nhân muốn ra cũng không thể được. Thân thể, tay chân, tai, mũi, đầu, mắt, đều bị thiêu đốt đau đớn không chịu nỗi. Vì tội ác chưa hết nên không chết. Có loài trùng tên là Thiết khẩu, đục khoét vào đầu người, đục khoét xuyên qua thịt người, phá xương hút tủy. Người trong địa ngục dùng tay bốc phân ăn, môi lưỡi đều bị bỏng; cổ họng, ruột, bao tử trong bụng đều bị chín, thức ăn liền tuột ra ngoài, đau đớn không sao chịu nổi. Vì tội ác chưa hết nên chưa chết, phải ở trong đó rất lâu. Về sau, từ trong địa ngục Phí thỉ thoát ra, liền bỏ chạy muốn tìm cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Năm trăm đinh, cao rộng hai vạn dặm. Tất cả tội nhân vào trong đó, ngục tốt nắm chân tay người đè nằm xuống đất có đinh, dùng đinh sắt nóng đỏ đóng vào bàn tay bên phải; dùng đinh sắt đóng vào bàn tay bên trái; dùng đinh sắt đóng vào chân bên phải; lại dùng đinh sắt đóng chân bên trái; lại dùng đinh sắt đóng vào tim; lại dùng đinh sắt đóng khắp thân thể, xuống thấu dưới đất; dùng hết năm trăm cây đinh đóng vào thân. Sau đó, tội nhân cử động, muốn đứng dậy, đau đớn không thể chịu nổi. Ngục tốt hỏi: “Muốn cầu điều gì?” Đáp: “Tôi chỉ khổ vì đói khát”. Ngục tốt dùng kềm cạy miệng ra, dùng sắt nóng chảy rót vào trong miệng tội nhân, môi, lưỡi, cổ họng đều cháy tiêu. Ruột, bao tử trong bụng đều chín nhừ, thức ăn tuột ra ngoài, đau đớn không sao kể xiết. Do tội ác chưa hết nên chẳng chết. Vì tội nhân trong địa ngục chịu đựng như thế quá lâu, nên sau khi mới từ địa ngục Năm trăm đinh ra, liền bỏ chạy muốn tìm cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Xa thiếp, cao rộng hai vạn dặm. Tất cả tội nhân vào trong đó, ngục tốt đều hỏi: “Muốn cầu điều gì?” Đáp: “Chỉ khổ vì đói khát”. Ngục tốt liền chụp từng người đè xuống đất, lấy kềm cạy miệng họ ra, dùng nước đồng sôi rót vào miệng từng người, môi lưỡi đều cháy. Ngũ tạng, ruột, bao tử trong bụng đều cháy nhừ, bị thiêu đốt, đau đớn không thể chịu nổi. Vì tội ác chưa hết nên chẳng chết. Ở trong địa ngục quá lâu, sau đó mới được thoát ra, liền bỏ chạy muốn tìm cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Ẩm. Tất cả tội nhân vào trong đó, ngục tốt liền hỏi: “Muốn cầu điều gì?” Đáp: “Tôi chỉ khổ vì đói khát”. Ngục tốt liền chụp từng người đè xuống đất nóng, dùng kềm cạy miệng họ ra, lấy viên sắt nóng bỏ vào miệng tội nhân; mũi, lưỡi, cổ họng đều bị cháy, ngũ tạng, ruột, bao tử cháy hết, thức ăn liền tuột ra ngoài, đau đớn không sao chịu nổi. Vì tội ác chưa giải trừ nên chẳng chết. Ở trong đó quá lâu, nên vừa thoát khỏi địa ngục Ẩm, liền bỏ chạy muốn tìm cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Nhất đồng phủ, cao rộng hai vạn dặm. Tất cả tội nhân vào trong đó, ngục tốt lần lượt xách cả tay chân, thân thể tội nhân bỏ vào nồi đồng nấu, dưới đáy cũng nóng, ở trên cũng nóng. Nước sôi nổi bọt trào vọt lên, phủ lên, làm chín những chỗ tay chân lộ trên mặt nước. Giống như nấu đậu, dưới cũng nóng, trên cũng nóng; chỗ bị phủ cũng nóng, chỗ lộ trên mặt nước cũng nóng. Tội nhân trong địa ngục cũng thế. Ở trong hai vạn dặm của địa ngục Đồng phủ: trên dưới đều chín, đầu mặt, tay chân đều chín nhừ; ngục tốt dùng mâu đâm vào thân họ, đau đớn không thể chịu nổi, vì tội ác chưa giải trừ nên chẳng chết. Vì tội nhân trong địa ngục chịu đựng như thế quá lâu, nên sau đó, mới từ địa ngục Nhất đồng phủ thoát ra, liền bỏ chạy muốn tìm cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Đa đồng phủ, cao rộng hai vạn dặm. Tất cả tội nhân vào trong đó, ngục tốt lần lượt xách cả thân thể, tay chân của tội chân bỏ vào nồi đồng để nấu. Nước sôi dâng trào lên, lần lượt từ đáy vọt lên trên, đầu, mắt, tay, chân đều bị chín nhừ. Ngục tốt liền lấy mâu đâm tội nhân. Bỏ tội nhân vào trong nồi đồng khác, rồi cũng bị nấu nhừ như vậy, đau đớn không thể chịu nổi. Vì tội ác chưa giải trừ nên chẳng chết. Ở trong đó rất lâu, sau đấy, mớí từ trong địa ngục Đa đồng phủ thoát ra, liền bỏ chạy muốn tìm cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Thiết ma, cao rộng hai vạn dặm. Tất cả tội nhân vào trong đó, ngục tốt liền lần lượt xách từng tội nhân đặt nằm trên bàn mài bằng sắt; dùng nắp đậy lên, rồi chà xát, làm cho thịt nát máu tuôn; xương dưới còn dính lại trên bàn mài, lửa trong bàn phát ra, đốt cháy đau đớn chẳng thể chịu nổi. Tội ác chưa giải trừ nên chẳng chết. Vì tội nhân trong địa ngục chịu đựng như thế quá lâu, nên sau đó, vừa từ địa ngục Thiết ma thoát ra, liền bỏ chạy muốn tìm cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Nùng huyết, cao rộng hai vạn dặm. Tội nhân vào trong địa ngục đó, tự nhiên có máu mủ nóng như lửa tuôn ra, tội nhân lấy tay chân cào đạp, muốn thoát ra, đầu, mặt, tai, mũi, thân thể, tay chân đều bị cháy, liền lấy tay bốc máu mủ đó mà ăn; môi, lưỡi, cổ, họng đều cháy; ruột, bao tử, ngũ tạng trong bụng đều cháy, thức ăn liền tuột ra ngoài, đau đớn không thể chịu nổi. Vì tội ác chưa giải trừ nên chẳng chết. Ở trong đó rất lâu, sau đấy, mới từ trong địa ngục Nùng huyết thoát ra, liền bỏ chạy muốn tìm cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Cao lăng, cao rộng hai vạn dặm. Tất cả tội nhân vào trong đó, lửa của địa ngục phun ra; ngục tốt liền xô tội nhân vào; đầu, mặt, tai, mũi, thân thể, tay chân đều cháy rụi, đau đớn không thể nào chịu nổi. Vì tội ác chưa giải trừ nên chẳng chết. Ở trong đó quá lâu, sau đấy, mới từ trong địa ngục Cao lăng thoát ra, liền bỏ chạy muốn tìm cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Chước bản, cao rộng hai vạn dặm. Tất cả tội nhân vào trong đó, ngục tốt lần lượt bắt tội nhân đè xuống nền sắt nóng, dùng dây sắt quấn cột thân họ lại, hai tay cầm rìu bổ vào thân và đầu, mặt, tay, chân, mũi, tai của họ, đau đớn không thể chịu nổi. Vì tội ác chưa giải trừ nên chưa chết. Ở trong đó rất lâu, sau đấy, mới từ trong địa ngục Chước bản thoát ra, liền bỏ chạy muốn tìm cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Hộc lượng, cao rộng hai vạn dặm. Tất cả tội nhân vào trong đó, ngục tốt liền lấy lửa than đổ vào tội nhân, rồi đẩy tội nhân vào thùng, lấy tay đè xuống; đầu, mặt, thân thể, tay chân, mũi, tai đều cháy nhừ. Ngục tốt lại xô tội nhân lên trên lửa đốt tới, đốt lui, đau đớn không thể chịu nổi. Vì tội ác chưa giải trừ nên không chết. Ở trong đó rất lâu, sau đấy mới từ trong địa ngục Hộc lượng thoát ra, liền bỏ chạy mong tìm cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Kiếm thọ diệp, cao rọng hai vạn dặm. Tất cả tội nhân vào trong đó, gió nổi lên thổi lá cây kiếm sắt rơi xuống chặt đứt tay, chân, đầu, mặt, tai, mũi, thân thể tội nhân, đau đớn không thể nào chịu nổi. Vì tội ác chưa giải trừ nên chẳng chết. Ở trong đó rất lâu, sau đấy, vừa mới từ trong địa ngục Kiếm thọ diệp thoát ra, liền bỏ chạy mong tìm cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Nhiễu lao hà, cao rộng hai vạn dặm. Hai bên bờ ngục, có loại cỏ dao cắt đầu. Tội nhân vào trong đó bị dao đâm ngược, chặt đứt tay chân, đầu, mặt, mũi, tai, thân thể tội nhân, đau đớn không thể chịu nổi. Bấy giờ tội nhân đều rơi xuống sông Nhiễu lao, nước sôi vọt lên, dưới đáy có cỏ dao tám tấc đâm vào thân tội nhân, máu phụt ra, chỉ còn có xương, liền bị nước sôi trào phủ lên trên tội nhân, đau đớn không thể chịu nổi. Gió thổi đến bờ cỏ, dao xoay ngược vào trong, chặt đầu, mặt, tai, mắt, mũi, thân thể, tay chân của tội nhân, đau đớn không thể kể xiết. Vì tội ác chưa giải trừ nên chưa chết. Ngục tốt liền hỏi tội nhân: “Muốn cầu việc gì?” Đáp: “Tôi chỉ khổ vì đói khát”. Ngục tốt lần lượt đè từng tội nhân xuống nền đất nóng, lấy nước đồng sôi rót vào miệng tội nhân; môi, lưỡi, cổ họng đều bị cháy, thân thể, ngũ tạng, ruột, bao tử đều bị cháy, thức ăn tuột ra ngoài, đau đớn không sao chịu nổi. Vì tội ác chưa giải trừ nên chưa chết. Hai bên bờ sông có cây sắt, ngục tốt xách tội nhân giơ lên, đặt xuống dưới gốc cây, cây sinh ra các mũi nhọn chỉa xuống, đâm vào thân thể tội nhân, máu chảy thịt rơi, chỉ còn có xương. Gió nổi lên thổi vào thân thể tội nhân, bình phục như cũ.

Có loài chim tên là Thiết điểu trác mổ vào đầu tội nhân, hút não, đậu trên đầu tội nhân, mổ lấy cặp mắt. Tội nhân muốn xuống thì mũi nhọn đâm ngược lên; tội nhân muốn lên thì bị mũi nhọn đâm xuống. Bấy giờ tội nhân bỏ chạy muốn tìm chốn giải thoát, nhưng lại bị rơi vào trong bờ của ngục Nhiễu lao hà nước sôi trào vọt lên khiến rớt xuống đáy, bị cỏ nhọn đâm chích như cũ. Trên bờ, nổi gió thổi cỏ đao bên bờ chặt ngược, gây thương tích ở đầu, mặt, tai, mũi, thân thể, tay chân của tội nhân, đau đớn không thể nào chịu nổi. Vì tội ác chưa giải trừ nên không chết. Ngục tốt hỏi: “Muốn cầu việc gì?” Đáp: “Tôi chỉ khổ vì đói khát”. Ngục tốt liền lấy nước đồng sôi rót vào miệng tội nhân; môi, lưỡi, cổ họng, ruột, bao tử đều cháy nhừ, thức ăn tuột ra ngoài. Ngục tốt ở bên bờ, lại leo lên cây bên bờ, thả dao ở trên xuống, đâm ngược tội nhân.

Có loài chim tên là Na-ny trác, mổ vào đầu, hút não tội nhân, đậu lên đầu tội nhân rồi mổ mắt. Tội nhân muốn lên hay xuống đều bị đâm ngược vào thân, đau đớn không thể nào chịu nổi. Vì tội ác chưa hết, nên không chết. Lại bị đọa rơi vào lại trong địa ngục Nhiễu lao hà, đau đớn như cũ. Gió lại thổi đến bên bờ, dao cỏ đâm ngược tội nhân như trước. Ngục tốt lại hỏi tội nhân: “Muốn cầu việc gì?” Đáp: “Chỉ khổ vì đói khát”. Ngục tốt lấy nước đồng sôi rót vào miệng tội nhân, bị thiêu đốt như cũ, đau đớn không thể nào chịu nổi. Ở trong đó rất lâu, sau đấy, vừa từ trong địa ngục Nhiễu lao hà thoát ra, liền chạy đi, muốn tìm cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Lang dã can, cao rộng hai vạn dặm. Tất cả tội nhân vào trong đó, chó sói tự nhiên đứng trước mặt, trong thân phát lửa đỏ, ngoạm thịt trên thân tội nhân vào miệng để ăn, đau đớn không thể chịu nổi. Chim bay đến mổ nuốt thịt tội nhân, đau đớn không sao kể xiết. Vì tội ác chưa hết nên không chết. Ở trong ấy rất lâu, sau đấy, mới từ địa ngục Lang dã can thoát ra, liền chạy đi, muốn cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Hàn băng, cao rộng hai vạn dặm. Tất cả tội nhân vào trong đó, gió bốn phía chung quanh nổi lên, lạnh buốt, thổi xuyên qua da, thịt, gân, xương, vào đến tủy của tội nhân. Vì phải chịu đựng như vậy cho nên chết ở trong đó.

Phật dạy:

–Vì sao gọi là địa ngục Hắc nhĩ? Nếu có tội nhân nào đọa vào địa ngục Hắc nhĩ, gió đen thổi cát nóng phủ lên trên thân, liền ngã xuống đất, da, thịt, xương, gân, tủy đều bị cháy, đau đớn không thể nào chịu nổi. Vì tội ác chưa hết nên không chết. Vì phải chịu đựng như vậy nên gọi là Hắc nhĩ.

Lại nữa, có nhân duyên khác: Tội nhân đọa vào trong địa ngục lớn Hắc nhĩ, bị sắt đen nóng đỏ trói buộc thân, gió thổi lên làm chúng siết mạnh vào, cắt đứt da, thịt, thân thể họ; phá vỡ xương làm tủy vọt ra, đau đớn không thể nào chịu nổi. Vì tội ác chưa hết nên không chết. Vì phải chịu đựng như vậy nên gọi là Hắc nhĩ.

Lại nữa, có nhân duyên khác: Kẻ bị đọa vào đại địa ngục Hắc nhĩ, ngục tốt dùng dây sắt đen nóng đỏ quấn vào thân tội nhân, làm cháy da, thịt, xương, tủy, đau đớn không sao chịu nổi. Vì tội ác chưa hết nên không chết. Vì hình phạt như vậy nên gọi là Hắc nhĩ.

Lại nữa, có kẻ đọa vào ngục đại Hắc nhĩ, ngục tốt dùng dây sắt cột hai bên tội nhân, lấy cưa cưa đứt, lấy búa bửa ra, đau đớn không sao chịu đựng nổi. Vì tội ác chưa hết nên không chết. Vì hình phạt như vậy, nên gọi là Hắc nhĩ. Lại nữa, tội nhân ở trong đó rất lâu, bị thiêu đốt đau đớn, nên mới vừa từ địa ngục Hắc nhĩ thoát ra, liền chạy đi, muốn cầu giải thoát.

Có địa ngục tên là Hắc hỏa, cao rộng hai vạn dặm. Tội nhân vào hết trong đó, lửa đen từ thân phát ra, đốt quanh thân ba vòng rồi vào lại trong thân, đau đớn không thể chịu đựng nổi. Vì tội ác chưa hết nên không chết. Ở trong địa ngục này rất lâu, nên mới từ trong địa ngục Hắc hỏa thoát ra, tuần tự nhập vào mười sáu địa ngục như trước, cho đến địa ngục Hàn băng mới chết.

Phật dạy:

–Vì sao gọi là địa ngục Tăng càn?

Có tội nhân đọa vào đại địa ngục Tăng càn, tự nhiên hai ngọn núi sắt phát lửa; núi lửa ép tội nhân trong địa ngục, làm nát thân hình, đau đớn không sao chịu nổi. Vì tội ác chưa hết nên không chết. Vì vậy, gọi là Tăng càn.

Lại nữa, có nhân duyên khác: Nếu có tội nhân đọa vào đại địa ngục Tăng càn, tội nhân vào trong đó, có hai ngọn núi cùng ép, thân thể tội nhân đều bị dập nát, rã ra, rơi xuống, đau đớn không thể chịu đựng nổi. Vì tội ác chưa hết nên không chết. Vì vậy gọi là Tăng càn.

Lại có nhân duyên khác nữa: Tội nhân ở trong đó quá lâu, nên

vừa từ địa ngục Tăng càn thoát ra, liền chạy đi, mong cầu giải thoát, nhưng lại bị nhập vào mười sáu địa ngục như trước, cho đến địa ngục Hàn băng thì mới chết.

Phật dạy:

–Vì sao gọi là địa ngục Lâu liệp?

Có tội nhân đọa vào địa ngục Lâu liệp, ngục tốt lần lượt bắt từng tội nhân bỏ vào trong chảo sắt. Tội nhân la lớn lên, rất rùng rợn, đau đớn. Vì vậy, nên gọi là Lâu liệp.

Lại nữa, có tội nhân đọa vào địa ngục Lâu liệp, ngục tốt bắt tội nhân bỏ vào trong đỉnh sắt, tội nhân kêu la rùng rợn, rất đau đớn. Vì vậy gọi là Lâu liệp.

Lại nữa, có tội nhân vào trong địa ngục Lâu liệp, ngục tốt lần lượt bắt từng người bỏ vào trong nồi sắt. Tội nhân kêu la, rất rùng rợn, rất đau đớn. Vì vậy gọi là Lâu liệp.

Lại có nhân duyên khác nữa: Tội nhân ở trong đó quá lâu, nên vừa mới từ trong địa ngục Lâu liệp thoát ra, liền chạy đi, mong cầu giải thoát. Nhưng lại lần lượt nhập vào mười sáu địa ngục như trước, cho đến địa ngục Hàn băng mới chết. Phật dạy:

–Vì sao gọi là Đại khiếu hoán?

Có tội nhân đọa vào đại địa ngục Khiếu hoán, ngục tốt lần lượt bắt từng tội nhân bỏ vào trong chảo lớn nấu. Tội nhân hết sức đau đớn, la lớn lên. Vì vậy, gọi là Đại khiếu hoán. Lại có nhân duyên khác: Tội nhân đọa vào đại địa ngục Khiếu hoán, ngục tốt lần lượt bắt từng người bỏ vào trong nồi lớn. Tội nhân rất đau đớn, kêu gào. Lại có nhân duyên khác nữa: Có tội nhân bị đọa vào đại địa ngục Khiếu hoán, ngục tốt lần lượt bắt từng tội nhân bỏ vào trong đỉnh sắt nấu. Tội nhân rất đau đớn, luôn luôn gào thét. Vì ở trong đó rất lâu, nên vừa từ trong địa ngục Khiếu hoán thoát ra, liền chạy đi mong cầu giải thoát. Nhưng lại lần lượt nhập vào mười sáu địa ngục như trước, đến địa ngục Hàn băng mới chết.

Phật dạy:

–Vì sao gọi là Thiêu chích?

Có tội nhân nào đọa vào đại địa ngục Thiêu chích, ngục tốt lần lượt bắt từng người bỏ vào trong thùng sắt, trong ấy tự nhiên phát lửa, thiêu đốt, đau đớn. Vì vậy gọi là Thiêu chích. Lại nữa, có tội nhân nào đọa vào đại địa ngục Thiêu chích, ngục tốt lôi tội nhân vào trong đường đi bằng sắt, tự nhiên có lửa đốt cháy, đau đớn. Vì vậy gọi là Thiêu chích. Vì tội ác chưa hết nên không chết. Lại nữa, có tội nhân nào đọa vào đại địa ngục Thiêu chích, ngục tốt lôi tội nhân vào nhà sắt, tự nhiên có lửa thiêu đốt, đau đớn. Vì vậy gọi là Thiêu chích. Tội nhân ở trong đó quá lâu, nên vừa mới từ trong địa ngục Thiêu chích thoát ra, liền chạy đi, mong cầu giải thoát. Nhưng lại bị rơi vào mười sáu địa ngục như trước, đến địa ngục Hàn băng mới chết.

Phật dạy:

–Vì sao gọi là A-tỳ-ma-ha?

Có tội nhân nào đọa vào địa ngục A-tỳ-ma-ha, mắt chỉ thấy cảnh ác, chẳng thấy cảnh lành; tai chỉ nghe tiếng ác, chẳng nghe tiếng lành; miệng chỉ được ăn món dơ, chẳng ăn được món ngon; mũi chỉ ngửi được mùi hôi, chẳng ngửi được mùi thơm; thân chỉ tiếp xúc với thứ khó chịu; ý chỉ nghĩ điều ác, không lành. Vì vậy, gọi là A-tỳ-ma-ha. Lại có nhân duyên khác: Có tội nhân nào đọa vào địa ngục A-tỳ-ma-ha, lửa tường phía Đông cháy đến tường phía Tây; lửa tường phía Tây cháy đến tường phía Đông; lửa tường phía Nam cháy đến tường phía Bắc; lửa tường phía Bắc cháy đến tường phía Nam; lửa ở trên cháy xuống dưới đất; lửa dưới đất cháy mãi lên trên. Sáu mặt lửa đều áp đến thiêu đốt tội nhân đau đớn. Vì vậy gọi là A-tỳma-ha. Lại nữa, có tội nhân nào đọa vào địa ngục A-tỳ-ma-ha, không có một khoảnh khắc an lạc. Vì vậy gọi là A-tỳ-ma-ha. Tội nhân ở trong đó quá lâu, nên mới vừa từ trong địa ngục A-tỳ-ma-ha thoát ra, liền chạy đi, mong cầu giải thoát. Nhưng lại lần lượt rơi vào mười sáu địa ngục như trước, đến địa ngục Hàn băng mới chết.

Phật dạy:

–Ở ngoài núi Đại thiết vi, phía Nam cõi Diêm-phù-lợi, có thành vua Diêm-la, cao rộng hai mươi bốn vạn dặm, dùng bảy báu làm bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp đường đi, bảy lớp hàng cây, vườn, ao tắm, bao bọc chung quanh; vách bằng vàng thì cửa bằng bạc, vách bằng bạc thì cửa bằng vàng; vách bằng lưu ly thì cửa bằng pha lê, vách bằng pha lê thì cửa bằng lưu ly; vách bằng chơn châu đỏ thì cửa bằng mã não, vách bằng mã não thì cửa bằng chơn châu đỏ; vách bằng xa cừ thì cửa bằng tất cả vật báu; trên có mái che lối đi, dưới có vườn, ao tắm; có các thứ cây, lá, hoa, quả tỏa ra các thứ mùi thơm, các loại chim bay, cùng nhau vui hót.

Phật dạy:

–Người mà thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sau khi chết, đọa vào trong địa ngục của vua Diêm-la này. Ngục tốt trói ngược tội nhân, đem đến yết kiến vua Diêm-la và tâu với vua:

–Những tội nhân này đều bất hiếu với cha mẹ, không phụng sự Sa-môn, đạo nhân, không sợ quả báo đời sau. Xin nhà vua tùy theo ý ngài mà phạt họ.

Nhà vua liền kêu tội nhân đến trước, xét kỹ, hỏi rõ người ấy:

–Khi xưa ngươi ở thế gian có thấy người già một trăm hai mươi tuổi, đầu bạc, răng rụng, mặt hóp, da nhăn, khí lực suy kém, chống gậy mà đi, thân thể run rẩy không?

Tội nhân ấy đáp:

–Đã thấy.

–Tại sao không tự nghĩ mình cũng sẽ già nua như vậy, không thể thoát khỏi sự già nua. Tại sao không sửa đổi thân, khẩu, ý làm thiện?

Tội nhân đáp:

–Tôi thật mê loạn, không rõ đạo lý.

–Ta nay hỏi ngươi về cái ý mê loạn không rõ đạo lý: Tội ấy chẳng phải là tội của cha mẹ, cũng chẳng phải tội của anh em, cũng chẳng phải tội của Thiên đế vương, cũng chẳng phải tội của thân quyến, bạn bè, cũng chẳng phải tội của tổ tiên, người đời trước, cũng chẳng phải tội của Sa-môn, Bà-la-môn phải không? Ngươi làm ác thì chính thân ngươi phải chịu.

Vua Diêm-la hỏi lần thứ nhất xong, rồi xét kỹ, hỏi rõ tội nhân lần thứ hai:

–Khi xưa ngươi còn ở tại thế gian chẳng thấy đàn ông, đàn bà bệnh, nằm liệt trên giường, mồ hôi đổ ra, nằm bất động trên giường, không thể ngồi dậy, người nhà đỡ ngồi dậy cho ăn uống sao?

Tội nhân đáp:

–Đã thấy.

Vua nói:

–Tại sao ngươi không tự nghĩ mình cũng sẽ bị đau ốm như vậy để tự sửa đổi thân, khẩu, ý thành thiện?

–Tôi thật là mê loạn, không rõ đạo lý.

Vua nói:

–Ta nay hỏi ngươi về cái ý mê loạn, không rõ đạo lý: Tội ấy chẳng phải tội của cha mẹ; chẳng phải tội của anh em; chẳng phải tội của Thiên đế vương; chẳng phải tội của người thân, bạn bè; chẳng phải tội của tổ tiên, người đã khuất; cũng chẳng phải tội của Sa-môn, Bà-la-môn chứ? Ngươi tự làm ác, thì chính thân ngươi phải chịu.

Vua Diêm-la hỏi lần thứ hai, rồi vua hỏi lần thứ ba:

–Khi xưa ngươi còn ở lại thế gian, chẳng thấy người đàn ông, đàn bà khi chết, thân thể hư hoại rã nát như cây vất trong rừng, bị chim, quạ, trùng, kiến, chồn sói ăn thịt; hoặc có người bị thiêu, hoặc có người được chôn sao?

Tội nhân đó đáp:

–Đã thấy.

–Tại sao ngươi không tự nghĩ mình cũng sẽ chết như thế để tự sửa đổi thân, khẩu, ý thành thiện?

–Tôi thật mê loạn, không rõ đạo lý.

Vua nói:

–Ta sẽ hỏi ngươi về cái ý mê loạn, không rõ đạo lý: Tội ấy chẳng phải tội của cha mẹ, chẳng phải tội của anh em, chẳng phải tội của Thiên đế vương, chẳng phải tội của tổ tiên, người quá cố, chẳng phải tội của họ hàng, bạn bè; cũng chẳng phải tội của Samôn, Bà-la-môn chứ? Ngươi tự làm ác thì chính thân ngươi phải chịu. Vua Diêm-la hỏi lần thứ ba xong liền hỏi lần thứ tư:

–Khi xưa ngươi ở thế gian, chẳng thấy trẻ sơ sinh chưa biết gì, phân và nước tiểu dính đầy thân thể sao?

Tội nhân đó đáp:

–Tôi đã thấy.

–Tại sao ngươi không tự nghĩ mình vốn cũng như vậy, để sửa đổi thân, khẩu, ý thành thiện?

–Tôi thật mê loạn, không rõ đạo lý.

Vua nói:

–Ta nay hỏi ngươi về cái ý mê loạn, không rõ đạo lý: Tội ấy chẳng phải là tội của cha mẹ, chẳng phải là tội của anh em, chẳng phải tội của Thiên đế vương, chẳng phải tội của tổ tiên, người đã khuất; chẳng phải tội của họ hàng, bạn bè; cũng chẳng phải tội của Sa-môn, Bà-la-môn chứ? Ngươi tự làm ác, thì chính thân ngươi phải chịu.

Vua Diêm-la hỏi lần thứ tư xong, lại tra xét kỹ, hỏi lần thứ năm:

–Khi xưa ngươi còn ở thế gian, chẳng thấy ở các ấp, huyện trong nước, bắt được kẻ trộm cướp, hoặc kẻ phạm tội sát nhân, đem đến trình với vua, vua ra lệnh phanh thây bêu đầu, hoặc bỏ vào trong nồi nấu, hoặc thiêu sống, hoặc nhốt vào lao ngục; hoặc dùng roi đánh đập, hết sức đau đớn; hoặc cắt tay chân, mũi tai; hoặc đâm xuyên thân; hoặc chặt đầu, đủ các hình phạt đau đớn dữ dội sao? Tội nhân đó đáp:

–Đã thấy.

–Tại sao ngươi không tự nghĩ nếu mình có lỗi cũng sẽ bị bắt như vậy, để sửa đổi thân, khẩu, ý thành thiện?

–Tôi thật mê loạn, không rõ đạo lý.

–Ta sẽ hỏi ngươi về cái ý mê loạn, không rõ đạo lý: Tội ấy chẳng phải tội của cha mẹ; chẳng phải tội của anh em; chẳng phải tội của Thiên đế vương; chẳng phải tội của tổ tiên, người đã khuất; chẳng phải tội của thân thuộc, bằng hữu; chẳng phải tội của Sa-môn, Bà-la-môn chứ? Ngươi tự làm ác, thì tự thân ngươi phải chịu.

Vua Diêm-la hỏi lần thứ năm xong, liền giao cho ngục tốt lần lượt đem treo ngược các tội nhân trong địa ngục. Thành địa ngục dài, rộng, mỗi bên bốn vạn dặm, mờ mờ mịt mịt. Bấy giờ, Phật thuyết kệ:

Bốn phương có bốn cửa
Các góc giữ rất chắc
Vach tường làm bằng sắt
Trên cũng dùng sắt che
Dưới đất đều lót sắt
Lửa tự nhiên phát ra.

Trong cõi đó, có mười đại địa ngục: ngục thứ nhất tên là Aphù, ngục thứ hai tên là Ni-la-phù, ngục thứ ba tên là A-ha-phù, ngục thứ tư tên là A-ba-phù, ngục thứ năm tên là A-la-lưu, ngục thứ sáu tên là Ưu-bát, ngục thứ bảy tên là Tu-kiện, ngục thứ tám tên là Liên hoa, ngục thứ chín tên là Câu văn, ngục thứ mười tên là Phânđà-lợi.

Phật dạy:

–Vì sao gọi là A-phù? Tội nhân ở trong địa ngục A-phù thân tự nhiên sanh, thí như hơi mây. Vì vậy gọi là A-phù.

Vì sao gọi là Ni-la-phù? Thân của tội nhân ở trong địa ngục Nila-phù ví như thân xác luôn bị lao đao khốn đốn. Vì vậy gọi là Ni-laphù.

Vì sao gọi là A-ha-phù? Tội nhân trong địa ngục A-ha-phù vô cùng khổ sở, luôn kêu la thảm khốc. Vì vậy gọi là A-ha-phù.

Vì sao gọi là A-ba-phù? Tội nhân trong địa ngục A-ba-phù luôn kêu gào khóc lóc rất đau đớn, thống khổ. Vì vậy gọi là A-ba-phù.

Vì sao gọi là A-na-lưu? Tội nhân trong địa ngục A-na-lưu luôn đau đớn, rất khổ sở, muốn la lên mà lưỡi không thể nhúc nhích được. Vì vậy gọi là A-na-lưu.

Vì sao gọi là Tu-kiện? Tội nhân trong địa ngục Tu-kiện, thân giống như lửa màu vàng. Vì vậy gọi là Tu-kiện.

Vì sao gọi là Ưu-bát? Tội nhân trong địa ngục Ưu-bát, thân xanh giống như cây Ưu-bát. Vì vậy gọi là Ưu-bát.

Vì sao gọi là Câu văn? Tội nhân trong địa ngục Câu văn, sắc của thân vàng trắng giống như hoa Câu văn. Vì vậy gọi là Câu văn.

Vì sao gọi là Phân-đà-lợi? Tội nhân trong địa ngục Phân-đàlợi, sắc của thân đỏ như hoa Phân-đà-lợi. Vì vậy gọi là Phân-đà-lợi.

Vì sao gọi là Liên hoa? Tội nhân trong địa ngục Liên hoa, sắc của thân màu hồng. Vì vậy gọi là Liên hoa.

Phật dạy:

–Thí như có một trăm hai mươi hộc, bốn thăng chứa đầy hạt cải. Cứ một trăm năm, người ta lấy đi một hạt cải. Này Tỳ-kheo, một trăm hai mươi hộc, bốn thăng hạt cải đó hết sạch, mà tội nhân trong địa ngục A-phù vẫn chưa hết.

Nếu tội nhân trong địa ngục Ni-la-phù, cứ một trăm năm lấy đi một hạt cải, lấy cho hết hai ngàn bốn trăm tám mươi hộc hạt cải, thì mới được thoát ra.

Ở trong địa ngục A-ha-phù, cứ một trăm năm lấy đi một hạt cải, lấy cho hết bốn vạn tám ngàn một trăm sáu mươi hộc, thì mới được thoát ra.

Ở trong địa ngục A-ba-phù, cứ một trăm năm lấy đi một hạt cải, lấy cho hết chín mươi sáu vạn ba ngàn ba trăm hộc, thì mới được thoát ra.

Ở trong địa ngục A-na-lưu, cứ một trăm năm lấy đi một hạt cải, lấy cho hết một ngàn chín trăm hai mươi sáu vạn bốn ngàn hộc thì mới được thoát ra.

Ở trong địa ngục Tu-kiện, cứ một trăm năm lấy đi một hạt cải, lấy cho hết ba ức tám ngàn vạn năm trăm hai mươi tám hộc, thì mới được thoát ra.

Ở trong địa ngục Thanh liên hoa, cứ một trăm năm lấy đi một hạt cải, lấy cho hết tám mươi sáu ức năm trăm sáu mươi hộc, thì mới được thoát ra.

Ở trong địa ngục Huỳnh bạch liên hoa, cứ một trăm năm lấy đi một hạt cải, lấy cho hết một ngàn bảy trăm hai mươi ức vạn một ngàn hai trăm hộc, thì mới được thoát ra.

Ở trong địa ngục Câu văn liên hoa, cứ một trăm năm lấy đi một hạt cải, lấy cho hết ba vạn bốn ngàn bốn trăm ức hai mươi hai vạn bốn ngàn hộc, thì mới được thoát ra.

Ở trong địa ngục Hồng liên hoa, cứ một trăm năm lấy đi một hạt cải, lấy cho hết ba vạn bốn ngàn bốn trăm ức, hai mươi hai vạn bốn ngàn hộc, thì mới được thoát ra.

Hai mươi tiểu kiếp là nửa đại kiếp. Có người tên là Câu-ba-lợi đọa vào trong địa ngục Hồng liên hoa, ngồi chê bai Xá-lợi-phất, Maha Mục-kiền-liên. Đức Phật nhân đó nói kệ:

Nếu có người phát khởi ý
Từ miệng thốt lời đao gươm
Ngồi chỉ nói toàn việc ác
Thì sẽ trở lại tự hại mình.
Người đáng chê bai lại khen
Đáng khen ngợi lại phỉ báng
Miệng nói ác lỗi càng nặng
Lỗi miệng nặng, chẳng an ổn.
Ví như người đánh bạc gian
Các lỗi xấu ác chỉ ít
Có ác ý với người hiền
Lỗi ấy lại càng quá nặng.
Địa ngục Phù có trăm ngàn
A-phù có ba mươi lăm.

Vua Diêm-la ngày đêm ba lần đi qua trên chỗ đồng nung nóng, lửa tự nhiên phát ra phía trước trong cung. Vua rất sợ hãi, lông toàn thân dựng ngược, liền chạy ra khỏi cung. Bên ngoài cũng tự nhiên có lửa, vua rất sợ nên chạy lại vào cung. Ngục tốt chụp bắt vua Diêmla, xô ngã xuống nền sắt nóng, lấy móc câu sắt móc miệng kéo hả ra, rồi lấy nước đồng sôi rót vào miệng vua, làm cháy cổ họng; ruột, bao tử, ngũ tạng trong bụng đều cháy, nước đồng sôi chảy xuống và tuột ra ngoài, thiêu đốt đau đớn không thể chịu nổi. Tội ác chưa hết nên chẳng chết.

Ở thế gian, có kẻ nào thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sau khi chết, bị đọa vào đường ác, bị thiêu đốt đau đớn như các tội nhân trong địa ngục. Ở thế gian, người nào thân làm việc lành, miệng nói điều lành, ý nghĩ điều lành, sau khi chết, được sanh lên trời. Khi ấy Phật nói kệ:

Vua sai thần xét hỏi họ
Tội ác mà họ đã làm
Người nào luôn nghĩ ý ác.
Người như vậy, thân luôn khổ
Biết bị hỏi, chẳng làm ác
Mà làm theo các điều thiện
Có người sợ, thấy nhân duyên
Sống chỉ có bệnh và chết
Không nhân duyên, liền giải thoát.
Sanh, bệnh, chết liền dứt hết
Được an ổn, rất an lạc
Hiện tại liền được diệt độ
Vượt qua lo âu sợ hãi
Vô vi là pháp thường hằng.