KINH TƯ ÍCH PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Dao tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 4: HIỂU RÕ CÁC PHÁP

Phật lại bảo Phạm thiên Tư ích:

-Như Lai vượt khỏi thế gian cũng thuyết giảng về khổ, tập, diệt, đạo của thế gian.

Này Phạm thiên! Năm ấm gọi là khổ của thế gian, tham đắm vào năm ấm gọi là tập của thế gian. Năm ấm diệt gọi là diệt của thế gian. Dùng pháp không hai để cầu đạt về năm ấm gọi là diệt đạo của thế gian.

Này Phạm thiên! Nói về năm ấm chỉ là ngôn từ, ở trong đó giữ lấy tướng phân biệt, sinh kiến chấp, gọi là Khổ của thế gian.         Không xả bỏ kiến chấp ấy gọi là Tập của thế gian. Thấy được tự tướng của kiến chấp ấy gọi là Diệt của thế gian. Tùy theo chỗ dùng con đường nào mà không giữ lấy kiến chấp ấy gọi là Diệt đạo của thế gian.

Này Phạm thiên! Do nhân duyên này, nên ta đã từng vì hàng Tiên nhân ngoại đạo mà giảng thuyết: Này Tiên nhân, trong thân của ông, ta đã nói có đủ khổ, tập, diệt, đạo của thế gian.

Khi ấy, Phạm thiên Tư ích bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Bốn Thánh đế đã giảng nói, những gì là Thánh đế đích thật?

-Này Phạm thiên! Khổ chẳng gọi là Thánh đế, khổ tập chẳng gọi là Thánh đế, khổ diệt chẳng gọi là Thánh đế, khổ diệt đạo chẳng gọi là Thánh đế. Vì sao? Vì nếu khổ là Thánh đế thì tất cả những loài súc sinh như bò, lừa… đều phải có Khổ thánh đế. Nếu tập là Thánh đế thì tất cả chúng sinh được sinh ra ở chỗ nào đều phải có Tập thánh đế. Vì sao? Vì do tập cho nên sinh ra trong các đường. Nếu khổ diệt là Thánh đế thì quan sát diệt, nói về đoạn diệt đều phải có Diệt thánh đế. Nếu đạo là Thánh đế thì dựa vào tất cả pháp hữu vi đều phải có Đạo thánh đế.

Này Phạm thiên! Do nhân duyên này, ông nên biết Thánh đế chẳng phải là khổ, tập, diệt, đạo. Gọi Thánh đế là nhận biết về khổ không sinh, đó là Khổ thánh đế. Biết về tập không hòa hợp, đó là Tập thánh đế. Ở trong pháp diệt hoàn toàn, nhận biết là không sinh, không diệt, đó là Diệt thánh đế. Đối với tất cả các pháp đều bình đẳng, dùng pháp không hai mà chứng đắc đạo, đó là Đạo thánh đế.

Này Phạm thiên! Thánh đế đích thực là không hư vọng, hư vọng là chấp vào ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, chấp vào sự nuôi dưỡng, chấp có, chấp không, chấp sinh, chấp diệt, chấp sinh tử, chấp Niết-bàn.

Này Phạm thiên! Nếu hành giả cho rằng: Ta thấy biết về khổ là hư vọng, ta đoạn được tập là hư vọng, ta chứng được diệt là hư vọng, ta tu được đạo là hư vọng. Vì sao? Vì người ấy đã bỏ mất sự hộ niệm của chư Phật, do đó gọi là hư vọng. Thế nào là được chư Phật hộ niệm? Đó là không nhớ nghĩ về tất cả các pháp. Nếu hành giả trụ trong niệm ấy thì không trụ trong tất cả tướng. Nếu không trụ trong tất cả tướng thì trụ nơi thật tế. Nếu trụ nơi thật tế gọi là chẳng trụ nơi tâm. Nếu chẳng trụ nơi tâm, người ấy gọi là người nói lời chân thật, chẳng phải nói lời dối vọng.

Này Phạm thiên! Như vậy ông nên biết, nếu chẳng phải là Phật, chẳng phải là hư vọng thì gọi là Thánh đế.

Này Phạm thiên! Thật là hoàn toàn chân thật, nếu có Phật hay không có Phật thì pháp tánh vẫn thường trụ, nghĩa là tánh của sinh tử, tánh của Niết-bàn thường chân thật. Vì sao? Vì chẳng phải lìa sinh tử mà đạt được Niết-bàn nên gọi là Thánh đế. Nếu người chứng đạt bốn Thánh đế như vậy thì gọi là lời nói chân thật của thế gian.

Này Phạm thiên! Ở đời vị lai, có Tỳ-kheo không tu thân, giới, tâm, trí tuệ, người ấy nói tướng sinh tử là khổ đế, các duyên hòa hợp là tập đế, nói pháp diệt là diệt đế, dùng hai pháp để cầu tướng là đạo đế, cho đó là Phật nói, thì Như Lai bảo rằng đó là kẻ ngu si, thuộc về bè đảng của ngoại đạo, Như Lai chẳng phải là thầy của người ấy. Người ấy chẳng phải là đệ tử của ta, đã rơi vào tà đạo, bỏ mất chánh pháp, nên nói là hữu đế.

Này Phạm thiên! Ông xem khi ta an tọa nơi đạo tràng không chứng đắc một pháp nào là thật hay hư vọng. Nếu ta không chứng đắc pháp thì có pháp nào để ở trong chúng hội có thể đem ra luận bàn, thuyết giảng, giáo hóa chăng?

Phạm thiên thưa:

-Bạch Thế Tôn, không!

-Này Phạm thiên! Vì các pháp không thủ đắc, nên các pháp lìa tự tánh. Và sự giác ngộ của Như Lai là tướng không tham ái.

Bấy giờ, Phạm thiên Tư ích bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Nếu Như Lai đối với pháp không thủ đắc thì có lợi ích gì để nói Như Lai đã chứng đắc Bồ-đề, gọi là Phật.

Phật bảo:

-Này Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao, về chỗ thuyết pháp của Như Lai, hoặc hữu vi hoặc vô vi, pháp ấy là chân thật hay là hư vọng?

Phạm thiên thưa:

-Pháp ấy là hư vọng, chẳng phải là thật.

Phật bảo:

-Này Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Nếu pháp là hư vọng, không thật thì pháp đó là có hay là không?

Phạm thiên thưa:

-Bạch Thế Tôn! Nếu pháp là hư vọng, thì pháp đó chẳng nên nói là có, cũng chẳng nên nói là không.

Phật hỏi:

-Này Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Nếu pháp chẳng phải là có, chẳng phải là không thì pháp ấy có thể chứng đắc chăng?

Phạm thiên đáp:

-Không có người chứng đắc.

Phật bảo:

-Này Phạm thiên! Khi Như Lai an tọa nơi đạo tràng chỉ chứng đắc tánh không một cách trọn vẹn của phiền não phát khởi từ điên đảo, hư vọng. Dùng vô sỡ đắc để chứng đắc, do vô sở tri cho nên nhận biết. Vì sao? Vì pháp của ta chứng đắc không thể thấy, không thể nghe, không thể biết, không thể hiểu, khổng thể giữ lấy, không thể châp trước, không thể nêu bày, không thể vấn nạn, vượt quá tất cả pháp tướng, không ngôn ngữ, không lời nói, không văn tự, cũng không có đạo để thuyết giảng.

Này Phạm thiên! Pháp ấy như vậy cũng như hư không, ông muốn ở nơi pháp như thế mà đạt được lợi ích chăng?

Phạm thiên nói:

-Thưa không, bạch Thế Tôn! Chư Phật Như Lai thật là hy hữu, đã thành tựu pháp chưa từng có, hội nhập sâu xa nơi đại Từ, đại Bi, chứng được pháp với tướng tịch diệt như vậy, rồi dùng văn tự, ngôn ngữ dạy bảo cho người khác chứng đắc.

Bạch Thế Tôn! Nếu có người nghe pháp này mà có thể tin hiểu, nên biết người ấy không phải từ nơi công đức kém cõi mà đến.

Bạch Thế Tôn! Pháp ấy đối với tất cả thế gian đều là khó tin. Vì sao? Vì thế gian chấp vào thật có mà pháp ấy thì không thật, không giả dối. Thế gian tham chấp mà pháp ấy thì không phải pháp cũng không phải phi pháp. Thế gian chấp vào Niết-bàn mà pháp ấy thì không sinh tử, không Niết-bàn. Thế gian chấp vào pháp thiện mà pháp ấy thì không thiện cũng không phi thiện. Thế gian tham chấp vào pháp vui mà pháp ấy thì không khổ, không vui. Thế gian tham chấp vào Phật xuất hiện ở đời mà pháp ấy thì không có Phật ra đời, cũng không có Niết-bàn, tuy có thuyết pháp mà pháp ấy không có tướng để thuyết giảng, tuy có tán thán chỗ nói về Tăng mà Tăng tức là vô vi. Vì thế pháp ấy đối với tất cả thế gian là khó tin nhận.

Ví như trong nước hiện ra lửa, trong lửa hiện ra nước, khó có thể tin được. Như vậy trong phiền não có Bồ-đề, trong Bồ-đề có phiền não cũng là khó tin. Vì sao? Vì Như Lai đã đạt được tánh của phiền não hư vọng ấy, nên không có pháp nào là không chứng đắc. Pháp đã thuyết giảng cũng không có hình tướng, tuy có chỗ nhận biết cũng không phân biệt, tuy chứng đắc Niết-bàn mà cũng không diệt độ.

Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào có thể tin hiểu về nghĩa lý của pháp này, thì nên biết người ấy đã thoát khỏi các thứ kiến chấp.

Nên biết người ấy đã gần gũi với vô lượng chư Phật.

Nên biết người ấy đã từng cúng dường vô lượng chư Phật.

Nên biết người ấy được sự hộ niệm của bậc Thiện tri thức.

Nên biết người ấy ý chí rộng lớn.

Nên biết người ấy thiện căn sâu dày.

Nên biết người ấy đã giữ gìn tạng pháp của chư Phật.

Nên biết người ấy khéo tư duy để phát khởi nghiệp thiện.

Nên biết người ấy thuộc chủng tánh tôn quý, sinh vào nhà của Như Lai.

Nên biết người ấy thực hành đại xả, xả bỏ các thứ phiền não.

Nên biết người ấy đạt được diệu lực của việc trì giới, chẳng phải là sức mạnh của phiền não.

Nên biết người ấy đạt được diệu lực của nhẫn nhục, chẳng phải là sức mạnh hủy hoại của sân giận.

Nên biết người ấy đạt được diệu liếíc của tinh tấn, không còn biếng nhác.

Nên biết người ấy đạt được diệu lực của thiền định, dứt trừ các tâm xấu ác.

Nên biết người ấy đạt được diệu lực của trí tuệ, xa lìa mọi thứ tà kiến, ác kiến.

Nên biết người ấy không còn bị tất cả ma ác quấy nhiễu.

Nên biết người ấy không bị tất cả giặc oán phá hoại.

Nên biết người ấy không dối gạt thế gian.

Nên biết người ấy là người nói lời chân thật, khéo thuyết giảng về tướng của các pháp.

Nên biết người ấy là người nói lời chắc thật, khéo nêu giảng về đệ nhất nghĩa.

Nên biết người ấy luôn được chư Phật hộ niệm.

Nên biết người ấy luôn dịu dàng, hòa nhã, thể hiện mọi sự an lạc.

Nên biết người ấy gọi là bậc giàu sang có đủ Thánh tài.

Nên biết người ấy thường hay tri túc, thực hành để phát huy chủng tánh của Phật.

Nên biết người ấy dễ được đầy đủ, dễ nuôi dưỡng vì lìa mọi tham chấp.

Nên biết người ấy tâm được an ổn đến bờ bên kia.

Nên biết người ấy đã hóa độ người chưa được hóa độ.

Nên biết người ấy đã giảng giải cho người chưa hiểu biết.

Nên biết người ấy tạo mọi an lạc cho người chưa được an lạc.

Nên biết người ấy đã đem pháp tịch diệt chỉ dạy cho người chưa tịch diệt.

Nên biết người ấy có thể chỉ bày chánh đạo.

Nên biết người ấy có thể thuyết giảng về pháp giải thoát.

Nên biết người ấy là bậc Đại y vương, biết rõ tất cả các loại thuốc.

Nên biết người ấy giống như phương thuốc hay, giỏi điều trị các bệnh tật.

Nên biết người ấy có trí tuệ vững chắc.

Nên biết người ấy có diệu lực hoàn toàn kiên cố.

Nên biết người ấy có sức mạnh của tinh tấn, không tùy thuộc nơi lời chỉ dẫn của người khác.

Nên biết người ấy giống như sư tử, không hề sợ hãi.

Nên biết người ấy giống như voi chúa, tâm được điều phục.

Nên biết người ấy như voi từng trải tâm đã tùy thuận.

Nên biết người ấy như bò chúa có thể dẫn dắt đàn bò của mình.

Nên biết người ấy là bậc đạt được sức mạnh lớn, có thể phá trừ ma oán.

Nên biết người ấy là bậc Đại trượng phu, ở nơi đông đảo không hề sợ hãi.

Nên biết người ấy không sợ hoạn nạn, vì được pháp vô úy.

Nên biết người ấy không còn sợ nguy hiểm, thuyết giảng pháp chân đế.

Nên biết người ây có đủ pháp bạch tịnh, như mặt trăng tròn đầy.

Nên biết người ấy dạt trí tuệ chiếu sáng như ánh mặt trời.

Nên biết người ấy trừ bỏ mọi tối tăm như người cầm đuốc sáng.

Nên biêt người ấy thích thực hành tâm xả, xa lìa sự yêu ghét.

Nên biết người ấy nuôi dưỡng chúng sinh như đại địa.

Nên biết người ấy rửa sạch mọi thứ bụi bặm cấu uế, giống như nước.

Nên biết người ấy giống như lửa đốt cháy mọi động niệm.

Nên biết người ấy đối với pháp không bị chướng ngại cũng như gió thổi.

Nên biết người ấy tâm không lay động như núi Tu-di.

Nên biết người ấy tâm luôn kiên cố như núi Kim cang.

Nên biết người ấy tranh luận với ngoại đạo không gì có thể làm cho dao động.

Nên biết người ấy đối với hàng Thanh văn, Bích-chi-phật đều không thể sánh kịp.

Nên biết người ấy được nhiều pháp chân thật giống như biển lớn.

Nên biết người ấy phiền não không thể hiện bày như Ba-đà-la.

Nên biết người ấy cầu pháp không hề nhàm chán.

Nên biết người ấy dùng trí tuệ để biết đủ.

Nên biết người ấy có thể chuyển pháp luân như chuyển luân vương.

Nên biết người ấy sắc thân tốt đẹp như trời Đế Thích.

Nên biết người ấy tâm được tự tại như vua Phạm thiên.

Nên biết người ấy âm thanh thuyết pháp như tiếng sấm động.

Nên biết người ấy rưứi pháp cam lộ giông như mưa tuôn.

Nên biết người ấy có thể tăng trưởng các pháp giác phần, căn, lực vô lậu.

Nên biết người ấy vượt qua cõi bùn nhơ sinh tử.

Nên biết người ấy đã hội nhập nơi trí tuệ của Phật.

Nên biết người ấy đã gần với chỗ giác ngộ của Phật.

Nên biết người ấy có thể học rộng biết nhiều không ai sánh bằng.

Nên biết người ấy không thể lường tính, do đã vượt quá số lượng.

Nên biết người ấy trí tuệ biện tài không có chướng ngại.

Nên biết người ấy đạt sự ức niệm kiên cố, được Đà-la-ni.

Nên biết người ấy biết được tâm hành sâu xa của chứng sinh.

Nên biết người ấy đạt được diệu lực của trí tuệ để quán xét đúng các pháp, thấu đạt nghĩa lý sâu xa.

Nên biết người ấy luôn chuyên cần tinh tấn, đem lại lợi ích an lạc cho thế gian.

Nên biết người ấy đã vượt khỏi thế gian.

Nên biết người ấy không hề bị câu nhiễm như hoa sen.

Nên biết người ấy không bị pháp thế gian ngăn che.

Nên biết người ấy luôn được hàng lợi căn ưa thích.

Nên biết người ấy được bậc học rộng tôn kính.

Nên biết người ấy luôn được các bạc trí nhớ nghĩ đếnề.

Nên biết người ấy được hàng trời, người cúng dường.

Nên biết người ấy được người tọa thiền cung kính, đảnh lễ.

Nên biết người ấy được các bậc Hiền thiện quý trọng.

Nên biết người ấy được hàng Thanh văn, Bích-chi-phật hâm mộ.

Nên biết người ấy không ưa hạnh nhỏ.

Nên biết người ấy không che giấu tội, cũng không phô bày công đức.

Nên biết người ấy oai nghi luôn đầy đủ, làm cho người khác sinh tâm thanh tịnh.

Nên biết người ấy sắc thân đoan imhiêm, khiến mọi người đều ưa thích.

Nên biết người ấy có oai đức lớn được mọi người kính ngưỡng.

Nên biêt người ấy dùng ba mươi hai tướng để trang nghiêm thân mình.

Nên biết người ấy có thể tiếp nối hạt giống Phật.

Nên biết người ấy có thể hộ trì Pháp bảo.

Nên biết người ấy có thể cúng dường chúng Tăng.

Nên biết người ấy được thấy chư Phật.

Nên biết người ấy chứng đắc pháp nhẫn.

Nên biết người ấy do đạt trí tuệ của Phật mà được thọ ký.

Nên biết người ấy đầy đủ ba nhẫn.

Nên biết người ấy được an trụ nơi đạo tràng.

Nên biết người ấy phá trừ được quân ma.

Nên biết người ấy chứng đắc nhất thiết chủng trí.

Nên biết người ấy chuyển được pháp luân.

Nên biết người ấy đã thực hành rất nhiều Phật sự.

Nếu người tin hiểu về nghĩa của pháp như vậy thì không sợ, không nghi, không lo, đạt được công đức như thế thì người ấy ở nơi đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật, hết sức sâu xa, khó hiểu, khó tin, khó biết, khó hội nhập mà có thể tin tưởng thọ nhận, hành trì, đọc tụng, lãnh hội thông suốt, vì người mà giảng thuyết rộng khắp, theo đúng như lời nói để tu tập, cũng giáo hóa cho người khác tu tập như lời Phật dạy, đôi với người như vậy, Như Lai dùng một kiếp hay ít hơn một kiếp để thuyết giảng về công đức của họ cũng không cùng tận.

Phật bảo Phạm thiên:

-Làm sao ông có thể nêu bày công đức của người ấy cũng như Như Lai dùng trí tuệ vô ngại để nhận biết? Công đức của người ấy có được còn hơn như vậy. Nếu người có thể đối với văn tự, ngôn ngữ, câu chữ của Như Lai đã giảng thuyết mà thông đạt, tùy thuận không trái nghịch, hòa hợp thành một, tùy theo nghĩa lý mà không tùy theo lời lẽ, văn tự để biết rõ về tướng thích ứng của ngôn từ, biết Như Lai dùng ngôn ngữ gì để thuyết pháp, tùy theo nghi thức nào để thuyết pháp, dùng phương tiện gì để thuyết pháp, dùng pháp môn nào để thuyết pháp, dùng tâm đại Bi ra sao để thuyết pháp.

Này Phạm thiên! Nếu Bồ-tát có thể biết rõ Như Lai dùng năm lực để thuyết giảng thì Bồ-tát ấy có thể thực hành các Phật sự.

Phạm thiên thưa:

-Năm lực được Như Lai sử dụng là gì?

Đức Phật bảo:

  1. Ngôn thuyết.
  2. Tùy nghi.
  3. Phương tiện.
  4. Pháp môn.
  5. Đại Bi.

Đó là năm lực được Như Lai sử dụng, mà tất cả hàng Thanh văn, Bích-chi-phật không thể đạt tới.

-Bạch Thê Tôn! Thế nào là ngôn thuyết?

Đức Phật bảo:

-Này Phạm thiên! Như Lai thuyết giảng về pháp quá khứ, pháp hiện tại, pháp vị lai, pháp cấu, pháp tịnh, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp có tội, pháp không có tội, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, pháp chứng đắc, pháp sinh lử, pháp Niết-bàn. Phạm thiên nên biết! Đó là những thứ ngôn thuyết. Giống như lời nói của người huyễn hóa không chắc chắn, lời nói trong mộng giả dối, lời nói như tiếng vang từ hư không phát ra, lời nói như ảnh do các duyên hợp thành, lời nói như bóng trong gương nhưng vật không thể vào gương, lời nói như dợn nắng, do nhận thức điên đảo, lời nói như hư không, không sinh diệt. Nên biết, lời nói ấy là khổng có đối tượng để nói, tướng của các pháp không thể nêu bày.

Này Phạm thiên! Nếu Bồ-tát có thể biết những ngôn thuyết như thế, thì tuy có tất cả môn thuyết mà đối với các pháp không tham chấp, do không tham chấp nên được biện tài vô ngại, dùng biện tài vô ngại này mà trải qua hằng hà sa số kiếp thuyết pháp không cùng tận, không ngăn ngại. Mọi ngôn thuyết sử dụng không hủy hoại pháp tánh, cũng không vướng chấp nơi pháp tánh.

Này Phạm thiên! Đó gọi là ngôn thuyết của Như Lai.

Phạm thiên thưa:

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là tùy nghi?

Đức Phật dạy:

-Như Lai đối với pháp câu thì thuyết giảng về phần tịnh, đối với pháp tịnh thì thuyết giảng về phần câu. Bồ-tát nên biết, Như Lai đã tùy nghi thuyết pháp như vậy.

Này Phạm thiên! Thế nào là pháp cấu mà thuyết giảng về phần tịnh? Vì chúng sinh không hiểu được tánh của các pháp là không hề cấu nhiễm. Thế nào là pháp tịnh mà thuyết giảng về phần câu? Là giảng về phần tham chấp vào pháp tịnh.

Này Phạm thiên! Ta nói bố thí tức là Niết-bàn. Hàng phàm phu không trí tuệ không thể hiểu rõ về chỗ tùy nghi thuyết pháp. Bồ-tát nên suy nghĩ như vầy: Bố thí về sau sẽ được phước đức giàu sang, ở trong đó không có pháp để có thể thủ đắc, vì chúng luôn luôn chuyển biến từ niệm này đến niệm khác. Nếu chẳng từ niệm này đến niệm khác tức là thật tướng của các pháp, thật tướng của các pháp tức là Niết-bàn. Trì giới là Niết-bàn vì không tạo tác, không sinh khởi. Nhẫn nhục là Niết-bàn, vì niệm niệm liền diệt. Tinh tấn là Niết-bàn, vì không có đối tượng được chấp giữ. Thiền định là Niết-bàn, vì không tham vướng nơi thiền vị. Trí tuệ là Niêt-bàn vì không chấp tướng. Tham dục là thật tế, vì tánh của các pháp là không tham. Sân giận là thật tế, vì tánh của các pháp là không sân giận. Ngu si là thật tế, vì tánh của các pháp là không si. Sinh tử là Niết-bàn, vì không thoái chuyển, không sinh khởi. Niết-bàn là sinh tử, vì do có tham chấp. Lời nói thật là hư vọng, vì phát sinh kiến chấp nơi ngôn ngữ. Hư vọng là thật ngữ, vì đó là kẻ tăng thượng mạn.

Lại nữa, này Phạm thiên! Như Lai vì tùy nghi nên hoặc tự nêu: Ta giảng nói về thường kiến, hoặc tự nêu: Ta giảng nói về đoạn kiến, hoặc tự nêu: Ta giảng nói về vô tác, hoặc tự nêu: Ta giảng nói về tà kiến, hoặc tự nêu: Ta giảng nói về bất tín, hoặc tự nêu: Ta giảng nói về chỗ không biết báo ân, hoặc tự nêu: Ta giảng nói về chỗ không dung nạp, hoặc tự nêu: Ta giảng nói về chỗ không thọ nhận. Như Lai thật sự không có các sự việc như vậy, nên biết đó là tùy nghi thích hợp để thuyết giảng pháp của Như Lai, nhằm khiến cho chúng sinh xả bỏ tăng thượng mạn. Nếu Bồ-tát khéo thông đạt về chỗ tùy nghi thuyết pháp của Như Lai, hoặc nghe Phật ra đời liền tin tưởng, thọ trì, chỉ dạy cho chúne sinh về quả báo của thân do nghiệp thiện. Hoặc nghe Phật không ra đời cũng tin tưởng thọ trì vì biết đó là thân pháp tánh của chư Phật. Hoặc nghe Phật thuyết pháp cũng tin tưởng thọ trì, vì ưa thích văn tự nơi chúng sinh. Hoặc nghe Phật không thuyết pháp cũng tin tưởng thọ trì, vì biết tánh của các pháp là không thể thuyết giảng. Hoặc nghe có Niết-bàn cũng tin tưởng thọ trì, vì diệt trừ mọi điên đảo do phiền não sinh ra. Hoặc nghe không có Niết-bàn cũng tin tưởng thọ trì vì các pháp không có tướng sinh diệt. Hoặc nghe có chúng sinh cũng tin tưởng thọ trì, vì hội nhập nơi lãnh vực thê đê. Hoặc nghe không có chúng sinh cũng tin tưởng thọ trì, vì hội nhập vào lãnh vực Đệ nhất nghĩa đế.

Này Phạm thiên! Bồ-tát khéo biết về chỗ tùy nghi thuyết pháp của Như Lai như vậy, đối với mọi âm thanh không còn nghi ngờ, không còn lo sợ, cũng có thể tạo lợi ích cho vô lượng chúng sinh.

Phạm thiên thưa:

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là phương tiện?

Đức Phật dạy:

-Như Lai vì chúng sinh mà thuyết giảng về bố thí sẽ đạt được phước đức giàu sang, thuyết giảng về trì giới được sinh nơi cõi trời, thuyết giảng về nhẫn nhục được thân tướng đoan nghiêm, thuyết giảng về tinh tấn được đầy đủ công đức, thuyết giảng về thiền định được pháp hỷ, thuyết giảng về trí tuệ tất xả bỏ được các phiền não, thuyết giảng về học rộng đạt được trí tuệ; thuyết giảng về việc thực hành mười điều thiện đạt được phước báo an lạc nơi cõi trời, người; thuyết giảng về Từ, Bi, Hỷ, Xả được sinh vào cõi Phạm thiên; thuyết giảng về thiền định đạt được trí tuệ như thật, có được trí tuệ như thật thì chứng đắc đạo quả; thuyết giảng về bậc Hữu học thì đạt được bậc Vô học, thuyết giảng về quả vị Bích-chi-phật thì được các sự cúng dường, thuyết giảng về quả vị Phật thì có được trí tuệ vô lượng, thuyết giảng về Niết-bàn thì diệt trừ được tất cả khổ não.

Này Phạm thiên! Như Lai dùng phương tiện như vậy để thuyết giảng cho chúng sinh. Như Lai thật không chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, cũng không thủ đắc về bố thí, cũng không thủ đắc về keo kiệt, không chấp trì giới cũng không chấp phá giới, không chấp nhẫn nhục cũng không chấp sân giận, không chấp tinh tấn cũng không chấp lười biếng, không chấp thiền định cũng không chấp tâm tán loạn, không chấp trí tuệ cũng không chấp quả vị của trí tuệ, không chấp Bồ-đề cũng khôntí châp Niết-bàn, không chấp khổ cũng không chấp vui.

Này Phạm thiên! Nếu chúng sinh nào nghe pháp này mà chuyên cần thực hành tinh tấn thì người ấy đạt được lợi ích gì? Nếu siêng năng thực hành tinh tấn mà không chấp vào các pháp ấy, hoặc chấp nơi quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật và quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến Niêt-bàn Vô dư cũng không chấp, không thủ đắc.

Này Phạm thiên! Đó gọi là phương tiện thuyết pháp của Như Lai. Bồ-tát đối với phương tiện thuyết pháp này, nên siêng năng tinh tấn khiến các chúng sinh đốì với pháp ấy đạt được nhiều lợi ích.

Phạm thiên thưa:

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là pháp môn của Như Lai?

Đức Phật dạy:

-Mắt là môn giải thoát, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là môn giải thoát. Vì sao? Vì mắt là không, không ngã, không ngã sở, tánh của nó là như nhiên. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng là không, không ngã, không ngã sở, tánh của chúng cũng là như nhiên.

Này Phạm thiên! Nên biết các nhập đều nhập vào môn giải thoát này, thực hành chân chánh thì không hư dối sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng lại như vậy, tất cả các pháp đều nhập vào pháp môn này. Đó là pháp môn không, vô tướng, vô tác, pháp môn không sinh, pháp môn không diệt, pháp môn không từ đâu đến, pháp môn không đi về đâu, pháp môn không thoái chuyển, pháp môn không dấy khởi, pháp môn tánh thường thanh tịnh, pháp môn xa lìa tự thể.

Này Phạm thiên! Như Lai ở nơi tất cả các thứ văn tự đã chỉ bày pháp môn giải thoát. Vì sao? Vì các thứ văn tự ngôn ngữ không hòa hợp, không ứng dụng, tánh vốn sâu kín.

Này Phạm thiên! Nên biết Như Lai ở nơi tất cả các thứ văn tự đã giảng thuyết về bốn Thánh đế về pháp môn giải thoát. Như Lai đã thuyết giảng pháp không có cấu uế, tất cả các pháp đều hội nhập nơi giải thoát, khiến an trụ vào Niết-bàn. Đó gọi là sự thuyết pháp của Như Lai hội nhập nơi pháp môn. Bồ-tát đối với pháp môn này cần phải tu học.

Phạm thiên thưa:

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bi?

Đức Phật dạy:

-Như Lai dùng ba mươi hai thứ đại Bi để cứu độ chúng sinh. Những gì là ba mươi hai?

  1. Tất cả các pháp là vô ngã mà chúng sinh không tin không hiểu cho là có thật ngã. Như Lai đối với điều ấy nên dấy khởi đại Bi.
  2. Tất cả các pháp là không chúng sinh, mà chúng sinh cho là có chúng sinh. Như Lai đối với điều ấy nên dấy khởi đại Bi.
  3. Tất cả các pháp là không thọ mạng mà chúng sinh cho là có thọ mạng. Như Lai đối với điều ấy nên dấy khởi đại Bi.
  4. Tất cả các pháp là không có người, mà chúng sinh cho rằng có người. Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  5. Tất cả các pháp là không thật có, mà chúng sinh cho là thật có. Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  6. Tất cả các pháp là vô trụ, mà chúng sinh cho rằng có trụ. Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  7. Tất cả các pháp là không có nơi quay về, mà chúng sinh ưa thích có chỗ quay về. Như Lai đốì với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  8. Tất cả các pháp là không có ngã sỡ, mà chúng sinh chấp có ngã sở. Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  9. Tất cả các pháp là không có ràng buộc, mà chúng sinh cho là có ràng buộc. Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  10. Tất cả các pháp là không có chấp giữ về tướng, mà chúng sinh cho rằng có chấp giữ lấy tướng. Như Lai đối với điều ấy nên dấy khởi đại Bi.
  11. Tất cả các pháp là không sinh, mà chúng sinh cho rằng có sinh. Như Lai đối với điều ấy nên dấy khởi đại Bi.
  12. Tất cả các pháp là không sinh trở lại, mà chúng sinh cho là có sinh trở lại. Như Lai đối với điều ấy nên dây khởi đại Bi.
  13. Tất cả các pháp là không cấu uế, mà chúng sinh cho rằng có câu uế. Như Lai đốì với điều ấy nên dây khởi đại Bi.
  14. Tất cả các pháp là xa lìa nhiễm ô, mà chúng sinh cho rằng có nhiễm ô. Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  15. 1 Tất cả các pháp là xa lìa giận dữ, mà chúng sinh cho rằng có giận dữ. Như Lai đối với điều ấy nên dấy khởi đại Bi.
  16. Tất cả các pháp là xa lìa ngu si, mà chúng sinh cho rằng có ngu si. Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  17. Tất cả các pháp là không từ đâu đến, mà chúng sinh cho rằng có nơi để đến. Như Lai đối với điều ấy nên dấy khỏi đại Bi.
  18. Tất cả các pháp là không đi về đâu, mà chúng sinh cho rằng có chỗ để về. Như Lai đối với điều ấy nên dấy khởi đại Bi.
  19. Tất cả các pháp là không sinh khởi mà chúng sinh cho rằng có sinh khởi. Như Lai đối với điều ấy nên dấy khởi đại Bi.
  20. Tất cả các pháp là không hý luận, mà chúng sinh cho rằng có hý luận. Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  21. Tất cả các pháp là không, mà chúng sinh cho rằng có. Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  22. Tất cả các pháp là vô tướng, mà chúng sinh cho rằng có tướng. Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  23. Tất cả các pháp là không tạo tác, mà chúng sinh cho rằng có tạo tác. Như Lai đối với điều ấy nên dấy khởi đại Bi.
  24. Thế gian thường liên kết với giận dữ để tranh chấp. Như Lai đối với điều ấy nên dấy khởi đại Bi.
  25. Thế gian do tà kiến, điên đảo mà thực hành theo đạo tà. Muốn khiến cho họ an trú nơi đạo chân chánh, nên Như Lai nhân đó mà phát khởi đại Bi.
  26. Thế gian hung dữ, tham lam không biết đủ, nên chiếm đoạt lẫn nhau. Vì muốn cho chúng sinh an trú vào bảy Thánh tài: Tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ… Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  27. Chúng sinh luôn bị ràng buộc vào tài sản, gia đình, sự nghiệp, ân ái, đối với những vật mong manh dễ tan vỡ này mà sinh tưởng chắc chắn. Nhằm khiến cho chúng sinh nhận rõ tất cả đều là vô thường, Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  28. Thân của chúng sinh là oán thù mà lại tham đắm, nuôi dưỡng thân ấy, cho là bạn lành. Nhằm khiến cho chúng sinh có sự nhận thức đúng đắn để diệt hết các khổ, đạt đến cứu cánh là Niết-bàn, Như Lai đối với điều ấy nên dấy khởi đại Bi.
  29. Chúng sinh thích nói lừa dối, đời sống không chân chánh. Nhằm khiến cho chúng sinh thực hành đời sông chân chánh, Như Lai đối với điều ấy nên dấy khởi đại Bi.
  30. Chúng sinh tham đắm nơi các khổ, ở nhà thế tục không thanh tịnh. Nhằm khiến cho chúng sinh ra khỏi ba cõi, Như Lai đối với điều ấy nên dấy khởi đại Bi.
  31. Tất cả các pháp đều từ nhân duyên mà có, nhưng chúng sinh đối với pháp giải thoát của bậc Thánh lại sinh biếng nhác. Nhằm giảng thuyết pháp tinh tấn khiến cho họ ưa thích pháp giải thoát, Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.
  32. Chúng sinh xả bỏ trí tuệ vô ngại tối thượng, chỉ cầu pháp Nhị thừa. Nhằm dẫn dắt chúng sinh khiến họ phát tâm rộng lớn để duyên vào Phật pháp, Như Lai đối với điều ấy nên phát khởi đại Bi.

Này Phạm thiên! Như Lai đối với các chúng sinh này mà phát khởi ba mươi hai loại tâm đại Bi, cho nên gọi Như Lai là người thực hành đại Bi. Nếu Bồ-tát đôi với muôn loài thường có thể tu tập tâm đại Bi ấy, tức là đã hội nhập vào quả vị không thoái chuyển, là ruộng phước lớn, đầy đủ oai đức, thường làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Khi giảng thuyết phẩm Pháp môn đại Bi này thì có ba vạn hai ngàn người đều phát tâm Bồ-đề cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tám ngàn Bồ-tát chứng được pháp Nhẫn vô sinh.