SỐ 184
KINH TU HÀNH BẢN KHỞI
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Sa-môn Trúc Đại Lực và Khang Mạnh Tường
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

Phẩm 4: DU QUÁN

Vua Bạch Tịnh bảo Thái tử:

-Con nên đi dạo xem khắp nơi.

Thái tử thầm nghĩ: “Ta ở trong thâm cung đã lâu cũng có ý muốn ra ngoài, nay đã được như ý”.

Nhà vua hạ lệnh trong nước:

-Thái tử sẽ đi dạo xem, hãy sửa sang đường xá, quét dọn sạch sẽ, đốt hương và treo cờ phướn, lọng báu… khiến cho tất cả đều được sạch đẹp, tươi vui.

Thái tử dẫn đầu đoàn tùy tùng cả ngàn vạn xe ngựa. Đầu tiên, đoàn người đi ra cửa thành phía Đông.

Khi ấy trời Thủ đà hội tên Nan-đề-hòa-la, muốn làm sao cho Thái tử nhanh chóng đi xuất gia, cứu giúp chúng sinh đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa tam độc, tuôn nước mưa pháp để tiêu diệt ngọn lửa độc hại. Nan-đề-hòa-la hóa làm một ông già ngồi xổm bên vệ đường, tóc bạc răng rụng, da nhăn mặt xấu, thân hình gầy gộc, lưng gù, tay chân cong queo, mắt mũi lèm nhèm, nước dãi chảy liên tục, hơi thở khò khè, thân thể đen đua, đầu tay run rẩy, thân thể lắc lư, các chất nhơ bẩn trong thân tự bài tiết ra, rồi ngồi nằm trên đó.

Thái tử hỏi:

-Đây là người gì?

Thiên thần đánh thức người hầu cận trả lời:

-Một người già.

Thái tử lại hỏi:

-Người già là gì?

Người hầu thưa:

-Người già là tuổi cao, cơ thể đã cằn cỗi. Hình dáng suy vi và biến đổi, khí lực khô kiệt, ăn uống khó tiêu, gân cốt rã rời, ngồi nằm phải có người dìu đỡ, mắt mờ tai điếc, sắp trở về cõi chết, nên thường nói những lời bi ai, sinh mạng chẳng còn bao lâu nữa. Vì thế nên gọi là người già.

Thái tử than thở:

-Con người sinh ra ở đời có nỗi lo về già này, thế mà người ngu tham ái, nào có gì vui! Vạn vật sinh ra trong mùa xuân, đến mùa thu mùa đông thì tàn tạ. Già đến nhanh như điện chớp, thân làm sao tồn tại được.

Ngài nói kệ:

Già hình sắc suy
Bệnh tật khô gầy
Da dùn, gân rút
Mạng chết gần kề.
Già hình sắc đổi
Như cỗ xe cũ
Pháp trừ được khổ
Nên nỗ lực học.
Mạng sống thật mong manh
Hãy kịp thời gắng sức
Thế gian quả vô thường
Mê hoặc đọa vô minh.
Phải học soi sáng tâm
Tự luyện cầu trí tuệ
Xa lìa chớ nhiễm ô
Cầm đuốc soi đường đi.

Thái tử lên xe trở về hoàng cung, lòng thương xót chúng sinh phải chịu tai họa lớn này nên ngài mãi ưu tư.

Nhà vua hỏi người hầu cận:

-Thái tử đi dạo sao trở về nhanh thế?

Người hầu cận thưa:

-Trên đường đi Thái tử gặp một người già, lòng thương cảm không vui. Ngài trở về hoàng cung mà lòng vẫn mãi sầu tư.

Sau thời gian hơi nguôi ngoai, Thái tử lại muốn đi dạo xem. Vua cha hạ lệnh trong nước:

-Thái tử sắp đi dạo, ta cấm các vật ô uế bày ở bên đường.

Khi ấy Thái tử lên xe ra cửa thành phía Nam. Trời hóa làm người bệnh nằm ngay bên đường, thân gầy, bụng lớn, toàn thân vàng bủn, ho hen khò khè, gân cốt nhức mỏi, chín lỗ lở loét thường chảy nước dơ, mắt không thấy sắc, tai không nghe tiếng, hô hấp tắc nghẽn, tay chân quờ quạng kêu gọi mẹ cha, thương tiếc vợ con.

Thái tử hỏi:

-Người này tại sao như vậy?

Người hầu cận đáp:

-Đó là người bệnh.

Thái tử lại hỏi:

-Thế nào là bệnh?

Người hầu cận trả lời:

-Con người có bốn đại là địa, thủy, hỏa, phong. Mỗi đại có một trăm lẻ một bệnh, lần lượt cọ sát nhau, rồi bốn trăm lẻ bốn bệnh cùng khởi một lúc. Người này có lẽ do quá lạnh, quá nóng, quá đói, quá no, quá khát hoặc uống nhiều quá. Thời tiết thay đổi, thức ngủ vô chừng cho nên đưa đến bệnh này.

Thái tử than.

-Ta ở chỗ giàu sang trân quý nhất trên đời, ăn uống đầy đủ vị ngon, phóng tâm buông lung, đắm say trong năm dục, không thể tự giác cũng sẽ có bệnh, nào có khác gì người bệnh kia.

Ngài nói kệ:

Thân này quá mỏng manh
Kết hợp trong bốn đại
Chín lỗ nước dơ chảy
Có già và bệnh hoạn,
Sinh thiên vẫn vô thường
Nhân gian lo già bệnh
Quán thân như bọt nước

Cõi đời có gì vui.

Thái tử quay xe trở về hoàng cung, tất cả đều có nỗi khổ lớn này.

Vua cha hỏi người hầu cận:

-Hôm nay Thái tử đi dạo xem như thế nào?

Người hầu cận đáp:

-Thái tử gặp người bệnh, do đó Ngài không vui.

Sau thời gian hơi khuây khỏa, Thái tử lại muốn đi dạo xem. Nhà vua hạ lệnh trong nước:

-Thái tử sẽ đi dạo xem. Hãy dọn dẹp sạch sẽ đồ dơ bẩn, chớ để hai bên đường.

Thái tử và đoàn tùy tùng đi ra cửa phía tây. Trời lại hóa làm một người chết, xe đưa ra ngoại thành, cả nhà đi theo xe kêu khóc thảm thiết: “Vì sao đành bỏ chúng tôi mà biệt ly mãi mãi?”

Thái tử hỏi:

-Người này sao vậy?

Người hầu cận đáp:

-Đó là một người chết.

Ngài lại hỏi:

-Thế nào là chết?

Người hầu nói:

-Chết có nghĩa là chấm dứt, tinh thần lìa khỏi xác, tứ đại tan rã, thần hồn bất an. Phong đại mất thì hết thở, mà hỏa đại diệt thì thân lạnh, phong đại đi trước, kế đó là hỏa đại, linh hồn đi sau hết. Thân thể người chết nằm cứng đờ, chẳng còn hiểu biết gì. Khoảng mười ngày, thịt vỡ, máu chảy, sình trướng và hôi thôối chẳng còn gì. Trong thân thì có giòi, giòi trở lại ăn thịt người đó, gân mạch vữa hết nên xương cốt rã ra, đầu lâu rơi một nơi, xương sườn, xương sống, bả vai, lá lách, chân tay mỗi thứ đều rã ra một nơi. Chim muôn cầm thú tranh nhau đến ăn người chết. Cho dù là Trời, Rồng, Quỷ, Thần, vua chúa, nhân dân, nghèo giàu, sang hèn… cũng không ai thoát khỏi tai họa này.

Thái tử nghe xong thở dài và nói tụng:

Quán thân già bệnh chết
Lòng ta thêm buồn rầu
Nhân sinh mãi vô thường
Thân ta cũng vậy thôi.
Thân này là vật chết
Tinh thần pháp vô hình
Giả hợp tử lại sinh
Tội phước không mất hẳn.
Chung thủy đâu một đời
Do si ái dài lâu
Tự thân thọ khổ vui
Thân chết thần không mất.
Hoặc trong không, trong biển
Hoặc vào giữa núi đá
Chẳng có địa phương nào
Thoát hẳn không bị chết.

Thái tử quay xe trở về hoàng cung, thương xót chúng sinh bị tai họa khổ não lớn của già, bệnh, chết, Ngài buồn bã chẳng ăn uống.

Vua hỏi người hầu cận:

-Thái tử đi dạo xem có được vui chăng?

Người hầu vội tâu:

-Thái tử gặp một người chết, vì thế Ngài chẳng được vui.

Sau thời gian tạm nguôi ngoai, Thái tử lại muốn đi dạo xem. Mọi người trang hoàng xa giá đi ra cửa thành phía Bắc. Trời lại hóa làm Sa-môn đắp y, ôm bình bát khoan thai tiến bước, mắt nhìn tới trước. Thái tử hỏi:

-Đây là người gì?

Người hầu cận đáp:

-Đây là vị Sa-môn.

Thái tử liền hỏi:

-Thế nào là Sa-môn?

Người hầu cận thưa:

-Tôi nghe rằng người hành đạo Sa-môn, từ biệt gia đình, vợ con, dứt bỏ ái dục, đoạn tuyệt lục tình, giữ giới vô vi, người đó sẽ được nhất tâm và diệt được mọi điều tà vạy. Đạo nhất tâm nghĩa là quả vị La-hán, người đắc quả La-hán là bậc Chân nhân. Người này không bị thanh sắc làm nhiễm ô, không bị khuất phục theo vinh hoa địa vị, như đất khó lay động và đã thoát khỏi khổ đau, sống chết tự tại.

Thái tử nói:

-Lành thay! Ta rất thích được như vậy.

Ngài liền nói kệ:

Xót thay nỗi khổ này
Họa sinh, già, bệnh, chết
Tinh thần lại vào tội
Trải qua bao nỗi khổ.
Nay phải diệt khổ này
Trừ sinh, già, bệnh, chết
Chẳng trở lại dục ái
Vĩnh viễn được diệt độ.

Thái tử vội trở về hoàng cung, buồn rầu không ăn uống. Vua hỏi người hầu cận;

-Thái tử đi dạo xem lần này, Ngài có được vui chăng?

Người hầu cận đáp:

-Thái tử gặp một Sa-môn, lại càng ưu tư gấp bội, chẳng buồn ăn uống.

Vua cha nghe xong rất giận dữ, đập mạnh tay xuống bàn, nói:

-Trước đây ta đã ra lệnh dọn dẹp đường sá, làm sao lại để cho Thái tử trông thấy những điều không tốt. Tội này thật đáng chết!

Nhà vua liền triệu tập quần thần, các quan cùng bàn luận lập ra phương kế làm thế nào để Thái tử không bỏ hoàng cung đi tầm đạo. Có một vị quan tâu:

-Nên đưa Thái tử đi xem nông dân trồng trọt để thay đổi ý nghĩ sẽ làm cho Thái tử không còn nhớ đến con đường đạo.

Nhà vua chấp nhận ý kiến và sai chuẩn bị nông cụ đầy đủ, cùng đoàn tùy tùng đi theo. Họ cày bừa trên một cánh đồng nhỏ cho Thái tử thị sát.

Thái tử ngồi dưới gốc cây Diêm-phù, Ngài trông thấy người nông phu cày trên luống đất bày ra những côn trùng lúc nhúc. Trời lại biến hóa khiến cho cổ trâu bị trầy lở, côn trùng rơi xuống dưới những luống đất bị vỡ ra, chim chóc sà xuống tranh nhau mổ. Trời lại làm con ễnh ương luồn lách tìm lươn để ăn thịt, rắn từ trong hang chui ra vồ nuốt con ễnh ương, con công bay xuống mổ vào con rắn, chim ưng đói bay đến quắp lấy con công, diều hâu lại đến tóm lấy chim ưng ăn thịt.

Bồ-tát chứng kiến các loài thú tranh giành ăn thịt lẫn nhau như thế, tâm Từ thương xót, ngay lúc ấy dưới cội cây, Ngài đạt được đệ Nhất thiền. Khi ấy ánh nắng mặt trời chói chang, những cành cây cong lại làm bóng râm che mát thân Ngài.

Nhà vua suy nghĩ: “Thái tử ở trong cung chưa từng biết khổ là gì”. Ngài liền hỏi người hầu cận Thái tử:

-Thái tử đang ở đâu?

Người hầu thưa:

-Ngài đang ngồi dưới gốc cây Diêm-phù, nhất tâm thiền định.

Nhà vua nói:

-Ta sắp đặt cho Thái tử đi xem xét để khuây khỏa tâm tư, nhưng Thái tử vẫn thiền định y như đang ở hoàng cung.

Vua ra lệnh chuẩn bị xe đi rước Thái tử về. Từ xa mọi người đã thấy Thái tử ngồi dưới gốc cây có những cành cong che mát, thần sắc chói sáng lạ thường. Vua cha bất giác xuống ngựa vái chào Thái tử và cùng nhau trở về hoàng cung.

Đoàn người chưa kịp đến cổng thành đã có hàng hàng, lớp lớp người đem hương hoa đến dâng đón. Tất cả thầy xem tướng đều tung ho: “Thọ vô lượng!”

Vua cha hỏi lý do, Phạm chí đáp:

-Ngày mai khi mặt trời vừa ló dạng, bảy báu sẽ đến.

Nhà vua rất hoan hỷ cho rằng Thái tử sẽ thành bậc Thánh chúa.