SỐ 200
SOẠN TẬP KINH MỘT TRĂM TRUYỆN NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt chi
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 

Phẩm 4: BỒ-TÁT XUẤT SINH

31- Truyện Vua Liên Hoa Bỏ Thân Làm Loài Xích Ngư

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, vào mùa thu, mùa cây trái đang rộ chín. Đức Thế Tôn dẫn đầu các Tỳ-kheo vào các thôn xóm, ăn phải các loại dưa trái, không tiêu hóa được, phần nhiều bị bệnh sốt rét, các thứ bệnh khác phát sinh, nên không thể ngồi thiền, đọc tụng, hành đạo.

Lúc ấy Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Đời trước Như Lai Thế Tôn đã tạo phước đức gì, mà nay ăn món ăn nào cũng đều tiêu hóa được, thân không bệnh khổ; uy nhan Thế Tôn lại càng tươi nhuận như thế?

Đức Phật bảo A-nan:

–Ta tự nhớ thuở xưa, đã tu hành Từ bi, hòa hợp thuốc thang để bố thí chúng sinh. Vì vậy mà Ta được quả báo không bệnh, hễ ăn các thức ăn nào cũng tiêu hóa được, không bị các bệnh khổ.

A-nan lại bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn, việc thuở xưa như thế nào? Cúi xin Phật giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật bảo A-nan:

–Ông hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, tại nước Ba-la-nại có vị vua tên là Liên Hoa. Vua cai trị dân chúng bằng chánh pháp. Đời sống nhân dân sung túc, an vui. Trong nước không có chiến tranh, không có sự chinh phạt lẫn nhau. Dân chúng nuôi nhiều ngựa voi, trâu dê, lục súc, trồng nhiều mía, nho và các thứ dưa trái. Nhưng vì người dân nước ấy tham ăn nhiều, nên không tiêu hóa được và sinhra các thứ bệnh.

Dân chúng mắc bệnh dìu đỡ nhau đến chỗ vua, xin thuốc trị bệnh. Vua Liên Hoa thấy các người bệnh, sinh tâm Đại bi, cho mời các thầy thuốc đến, ra lệnh bốc thuốc để bố thí cho dân chúng. Nhưng số người bệnh ngày càng nhiều, không thể chữa trị hết, vua Liên Hoa quở trách các thầy thuốc: “Vì duyên cớ gì mà các khanh không trị bệnh cho dân chúng, để họ phải đến cầu ta”.

Các thầy thuốc đáp: “Vì thuốc thang không đủ vị, nên không trị được. Hiện nay chúng thần mắc bệnh còn không tự chữa trị được huống chi chữa trị cho người khác.”

Vua Liên Hoa nghe các thầy thuốc nói như thế, trong lòng buồn bã, hỏi các thầy thuốc: “Vậy còn thiếu món gì?”

Các thầy thuốc đáp: “Người bệnh nhân có máu thịt của loài Xích ngư để ăn thì bệnh mới lành. Các thầy thuốc chúng thần đã tìm khắp nơi, nhưng không đâu có được loài cá ấy. Do đó người bệnh ngày càng nhiều và người chết ngày càng đông.”

Lúc ấy vua Liên Hoa tự nghĩ: “Hiện nay, Xích ngư không câu được, ta nguyện làm loài cá ấy để trị các thứ bệnh cho chúng sinh.”

Nghĩ xong, vua gọi thái tử và các quan, phán bảo: “Nay, ta giao đất nước này cho các khanh, hãy cùng nhau cai trị dân chúng thật tốt và không được làm oan ức họ.”

Thái tử và các quan nghe vua nói, trong lòng nghẹn ngào, thương cảm khóc lóc và buồn bã vô cùng. Họ đồng tâu vua: “Chúng thần và thái tử đã làm điều gì không phải, khiến cho đại vương phải thốt ra những lời cay đắng như vậy.”

Lúc ấy vua Liên Hoa bảo thái tử và các quan: “Cho đến nay, ta không thấy các khanh có lỗi lầm gì. Chỉ vì dân chúng trong nước mắc nhiều chứng bệnh khổ, phần đông bị chết, họ cần được ăn máu thịt của loài Xích ngư, thì bệnh mới khỏi được. Vì vậy ta muốn xả than này để làm loài Xích ngư trị bệnh cho dân chúng, nên hôm nay ta gọi các khanh đến để giao phó đất nước.”

Lúc ấy thái tử và các quan nghe vua nói, đều kêu trời mà than khóc, thật bi thảm nghẹn ngào, chạy đến ôm lấy chân vua mà than:

“Bấy lâu, chúng thần nhờ đại vương xót thương che chở; đất nước giàu mạnh, nhân dân thịnh vượng, nhờ ân đại vương mà sống còn, cớ sao trong một sớm đại vương lại bỏ chúng thần mà ra đi.”

Vua Liên Hoa đáp: “Điều ta làm hôm nay cũng vì dân chúng, tại sao các khanh lại cố ngăn cản?”

Lúc ấy thái tử và các quan can ngăn vua bằng mọi cách, nhưng không thể lay chuyển được ý vua.

Sau đó, vua Liên Hoa cầm hương hoa lên lầu cao, hướng về bốn phương làm lễ, phát thệ nguyện rộng lớn: “Tôi bỏ thân này, nguyện làm loài Xích ngư lớn trong con sông ở nước Ba-la-nại. Nếu có ai ăn thịt cá này, thì các bệnh đều lành.”

Vua phát nguyện xong, từ trên lầu cao gieo mình xuống đất và chết tại chỗ, sinh vào sông kia làm thân Xích ngư.

Lúc ấy dân chúng nghe dưới dòng sông kia có con Xích ngư rất to, ai nấy đều đem búa rìu tranh nhau tới chặt lấy, được ăn máu tươi của loài cá này, dân chúng đều được hết bệnh. Trên thân Xích ngư, chỗ nào thịt bị cắt đi, thì liền sinh thịt khác đầy đặn trở lại. Cứ như vậy, dần dà trong mười hai năm, Xích ngư cung cấp máu thịt cho chúng sinh, mà không một mảy may sinh tâm ăn năn. Khi chết, Xích ngư được sinh lên cõi trời Đao-lợi.

Đức Phật bảo A-nan:

–Ông nên biết vua Liên Hoa lúc bấy giờ, nay chính là Ta hiện nay. Do bỏ thân để cứu mạng chúng sinh, nên trong vô lượng đời, Ta không hề bị bệnh khổ; cho đến ngày nay Ta đã thành Phật.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


32- Truyện Vua Phạm Dự Bố Thí Thóc Gạo Cho Bà-La-Môn

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ các Tỳ-kheo bước ra bạch Phật:

–Hôm nay, vì sao Như Lai thường khen ngợi công đức bố thí là  không thể tính lường. Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay việc ấy như thế nào? Chúng con mong muốn được nghe.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Ta nhớ thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp tại nước Ba-la-nại, vua nước ấy tên là Phạm Dự. Vua Phạm Dự cai trị nhân dân bằng chánh pháp, do đó mà đất nước mạnh giàu, đời sống nhân dân sung túc và an vui. Ngoài ra dân chúng còn nuôi nhiều voi ngựa, trâu dê, lục súc.

Lúc ấy trong nước có một vị Bà-la-môn rất giỏi về xem tướng. Bà-la-môn này tâu với vua: “Trên bầu trời của nước ta hôm nay có sao hỏa xuất hiện, trời sẽ nắng hạn trong mười hai năm. Do đó, lúa thóc không thâu hoạch được, dân chúng sẽ bị đói khổ.”

Vua Phạm Dự nghe nói, trong lòng rất lo buồn, suy nghĩ: “Ta phải làm thế nào để cứu giúp mạng sống của dân chúng?”, liền ra lệnh cho các giáo sư toán học hãy tính xem trong kho còn bao nhiêu lúa thóc, dân chúng được bao nhiêu người, mỗi người được bao nhiêu lúa thóc.

Lúc ấy các giáo sư toán học vâng lệnh vua, tính toán rồi tâu lên vua: “Mỗi người dân được một thăng thóc, số thóc chỉ đủ cung cấp trong sáu năm, số người chết rất nhiều, chỉ một mình vua có được hai thăng thóc.”

Bấy giờ có một Bà-la-môn từ phía sau đi đến, tâu vua: “Tôi là người duy nhất không nhận được phần thóc, mạng sống chỉ trong sớm chiều vậy xin đại vương chia ít nhiều thóc gạo cho tôi.”

Vua Phạm Dự nghe nói, tự nghĩ: “Nếu hôm nay, vì đói khát chút ít mà ta không chịu được thì làm sao trong vô lượng kiếp ở đời vị lai ta có thể vì chúng sinh mà chịu đựng các khổ đói khát, nóng lạnh cho được?”. Nghĩ xong, vua liền bố thí nửa số thóc cho vị Bà-la-môn.

Lòng thành ấy cảm động đến cung điện của chư Thiên, làm cho dao động không yên. Bấy giờ, trời Đế Thích tự hỏi: “Hôm nay, cung điện của ta vì sao lại bị dao động như vậy, hay là mạng ta sắp hết rồi chăng, nên có sự biến động ấy!”

Nghĩ vậy, Đế Thích liền quán sát, thấy vua Phạm Dự trong nước gặp nạn đói khổ đã vì chúng sinh, mà bỏ được điều khó bỏ, do đó mà cảm động đến cung điện trời, làm cho dao động như thế. Trời Đế Thích suy nghĩ: “Bây giờ ta phải đến đó thử xem thiện tâm của vua là chân thật hay giả dối.”

Nghĩ xong, trời Đế Thích liền hóa thân thành một vị Bà-la-môn ốm yếu, chống gậy, mạng sống không còn bao lâu nữa, đến cửa Hoàng cung để xin vua bố thí.

Vua suy nghĩ: “Thân ta đây, bố thí hay không bố thí rồi cũng sẽ chết”. Vua nghĩ thà bố thí làm lợi ích chúng sinh; có chết cũng không ăn năn, cho nên vua chỉ còn một thăng thóc, mà vẫn bố thí cho Bà-la-môn.

Bà-la-môn nhận thóc rồi hỏi vua: “Trong lúc đói khổ, mà đại vương đã bỏ được cái khó bỏ; là để cầu được làm Đế Thích, Phạm vương, Chuyển luân thánh vương hay sự vinh hoa khoái lạc nơi trần thế?”

Vua đáp: “Với công đức bố thí này ta không cầu được làm Đế Thích, Phạm vương, Chuyển luân thánh vương hay sự khoái lạc nơi trần thế, mà Ta nguyện ở đời vị lai sẽ được thành Chánh giác để cứu chúng sinh khỏi cảnh đói khát, nóng lạnh.”

Vua phát nguyện xong, Bà-la-môn khen ngợi: “Lành thay! Đây là việc chưa từng có.”

Lúc ấy Bà-la-môn biến trở lại thân Đế Thích và bảo vua: “Từ nay, đại vương hãy ra lệnh cho dân chúng, phải làm đất và gieo giống, bảy ngày sau ta sẽ đổ mưa.”

Vua Phạm Dự nghe nói, trong lòng rất phấn khởi, liền ra lệnh cho nhân dân kịp thời cày đất gieo giống, bảy ngày sau chắc chắn sẽ có mưa.

Dân chúng nghe vua ra lệnh, ai nấy đều lo cày đất, đến ngày thứ bảy thì trời tuôn mưa lành, tất cả lúa mạ gieo xuống gặp mưa phát triển tươi tốt, chẳng bao lâu, mùa màng kết quả, thâu hoạch nhiều lúa thóc. Từ đó, đời sống nhân dân sung túc, an vui vô cùng.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, vua Phạm Dự lúc bấy giờ nay chính là Ta.

Vì bố thí có công đức lớn như vậy, cho nên Ta thường khen quả báo của việc bố thí là không thể tính lường.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


33- Truyện Vua Thi-Tỳ Khoét Mắt Mình Bố Thí Cho Chim Đại Bàng

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ các Tỳ-kheo an cư sắp mãn, gần đến ngày Tự tứ, mùa xuân, mùa thu, thường nhóm họp lại để nghe Đức Phật nói pháp.

Lúc ấy các Tỳ-kheo, có vị thì giặt y, người thì xông bát, có vị đập nhuộm, có vị may vá… như vậy mỗi người đều có công việc của mình. Có một vị Tỳ-kheo tên là Thi-tỳ tuổi già mắt mờ đang ngồi dưới đất, vá y mà không xỏ chỉ được. Tỳ-kheo ấy lên tiếng nói lớn:

–Ai muốn cầu phước đức, xin hãy xỏ chỉ giùm tôi.

Lúc ấy Đức Phật nghe lão Tỳ-kheo nói vậy, Ngài liền đến cầm tay Tỳ-kheo để xỏ chỉ. Lão Tỳ-kheo biết được tiếng nói của Phật, liền bạch:

–Như Lai Thế Tôn đã trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp tu tâm Đại từ bi, đủ sáu Ba-la-mật, hoàn thành hạnh Bồ-tát đã dứt bỏ kết sử, công đức viên mãn và đã thành Phật. Nay vì sao Ngài còn giúp con xỏ chỉ để tìm phước đức?

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

–Vì từ xưa đến nay, Ta không quên thói quen đời trước, nên Ta vẫn xỏ chỉ giúp thầy để tu phước đức.

Nghe Đức Phật nói vậy, các Tỳ-kheo liền đảnh lễ, bạch Phật:

–Thuở xưa Như Lai đã tu công đức gì đối với lão Tỳ-kheo này?

Cúi xin Phật giải thích cho chúng con được biết.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, tại nước Ba-la-nại có vị vua tên là Thi-tỳ. Vua ấy cai trị nhân dân bằng chánh pháp, đất nước giàu mạnh nhân dân sung túc an vui. Vua thường thích bố thí, hay giúp đỡ kẻ nghèo khổ, đối với tiền tài, vật báu, đầu, mắt, tủy, não… hễ có người tới xin là vua liền bố thí không hề tiếc rẻ.

Lòng thành ấy cảm động đến cung điện chư Thiên, làm cho dao động không yên.

Lúc ấy trời Đế Thích suy nghĩ: “Có việc gì mà cung điện của ta dao động như vậy, hay là mạng ta sắp hết rồi sao?”

Nghĩ xong, Đế Thích liền quán sát thấy vua Thi-tỳ đã không tiếc tài bảo, hễ ai đến xin vua liền bố thí. Do lòng thành cảm động làm cho cung điện dao động như vậy. Đế Thích nghĩ: “Vậy ngay bây giờ ta phải đến thử thiện tâm của vua xem hư thật thế nào”.

Bấy giờ, trời Đế Thích liền hóa thân thành con chim đại bàng thật lớn, bay đến Hoàng cung nói với vua:

–Tôi nghe đại vương thích làm việc bố thí, không trái ý muốn một chúng sinh nào. Nay tôi đến đây muốn cầu xin một điều, mong đại vương hãy chiều theo tâm nguyện của tôi.

Vua Thi-tỳ nghe xong, tâm rất hoan hỷ đáp:

–Hễ ngươi cầu xin điều gì, ta không bao giờ tiếc rẻ.

Chim đại bàng thưa:

–Tôi không cần vàng bạc, châu báu hay tài vật, mà chỉ cần đôi mắt của vua để làm món ăn ngon. Ngay bây giờ xin đại vương hãy cho tôi đôi mắt.

Vua Thi-tỳ nghe chim đại bàng nói, vui vẻ cầm dao bén tự khoét mắt mình để bố thí cho chim đại bàng, mà không sợ đau đớn và long không mảy may hối hận.

Lúc ấy trời đất rung chuyển sáu cách, các thứ hoa trên trời tuôn rải như mưa.

Chim đại bàng hỏi vua:

–Đại vương tự khoét mắt bố thí cho tôi, không hối hận sao?

Vua đáp:

–Ta bố thí đôi mắt cho ngươi, thật sự không có tâm hối hận.

Đại bàng nói:

–Nếu không hối hận, lấy gì làm bằng chứng?

Vua trả lời:

–Nay, ta bố thí đôi mắt cho ngươi, nếu thật sự ta không có tâm hối hận thì hãy khiến đôi mắt ta hoàn lại như cũ.

Vua phát lời nguyện xong, hai mắt hoàn lại như trước không khác. Khi ấy, chim đại bàng trở lại thân Đế Thích khen ngợi:

–Thật là điều kỳ lạ chưa từng có, hôm nay đại vương bỏ được cái khó bỏ là để cầu được làm trời Đế Thích, Phạm vương, Chuyển luân thánh vương hay sự vinh hoa khoái lạc nơi trần thế?

Vua đáp:

–Ta không cầu được làm trời Đế Thích, Phạm vương, Chuyển luân thánh vương hay sự vinh hoa khoái lạc trần thế, mà ta muốn hồi hướng công đức bố thí này, khiến cho ở đời vị lai ta sẽ thành Chánh giác để cứu độ chúng sinh được giải thoát.

Vua phát nguyện xong, trời Đế Thích trở lại Thiên cung.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, vua Thi-tỳ lúc bấy giờ, nay chính là Ta; còn chim đại bàng lúc ấy nay là lão Tỳ-kheo này. Do lúc ấy Ta bố thí đôi mắt mà không tiếc rẻ, cho nên ngày nay Ta đã thành Phật và đối với lão Tỳ-kheo còn phải tu phước đức không biết nhàm chán, không cảm thấy đủ.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


34- Truyện Vua Thiện Diện Cầu Pháp

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì lòng Đại bi, trong suốt đêm dài Ngài thường giảng nói rộng rãi cho tám bộ chúng như Trời, Rồng… nghe về pháp mầu cam lộ vô thượng mà Ngài đã chứng được bằng trí Nhất thiết chủng nhưng Ngài không hề mỏi mệt nhàm chán hay sinh tâm biếng trễ.

Lúc ấy các Tỳ-kheo thấy việc ấy bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, nay vì sao trong suốt đêm dài Ngài giảng nói pháp yếu mà không nghỉ ngơi, thân tâm lại không biết nhàm chán, mỏi mệt như thế? Tại sao Ngài làm được như vậy?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ.

Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, có nước Ba-la-nại rất hung mạnh, đời sống nhân dân sung túc an vui. Vua nước ấy tên là Thiện Diện, vị thái tử con vua tên là Tôn-đà-lợi. Vua Thiện Diện là người thông minh trí tuệ, rất ưa thích đạo đức thường mong cầu pháp mầu, vua đem các thứ châu báu ra ngã tư đường nói rằng:

–Ai có pháp mầu, giảng nói cho ta nghe, Ta sẽ cho các châu báu này.

Do lòng chí thành của vua cảm động đến cung diện của chư Thiên, khiến cung điện chư Thiên phải chấn động.

Lúc ấy Thích Đề-hoàn Nhân liền quán sát, biết rằng vua Thiện Diện có tấm lòng sâu nặng đối với chánh pháp, lòng thành này cảm ứng khiến cung diện của ngài phải dao động. Thích Đề-hoàn Nhân liền hóa thân thành tướng La-sát, có hai nanh dài bén nhọn nhô ra ngoài, với dáng vẻ khác thường trông rất kinh sợ, đến hoàng cung tự nói rằng:

–Ta có pháp mầu.

Vua nghe nói, liền ra ngoài đón rước La-sát để được nghe pháp.

La-sát nói với vua:

–Ta tuy có pháp, nhưng vì đang đói khát, nên không thể nói được.

Nghe vậy, vua liền sửa soạn đầy đủ các món uống ăn để dâng cho La-sát. Nhưng La-sát nói:

`–Món ăn của ta chỉ có máu nóng và thịt tươi, còn các món ăn này không phải thức ăn của ta.

Bấy giờ thái tử Tôn-đà-lợi nghe La-sát nói vậy, bèn tâu với Phụ vương:

–Pháp âm rất khó được nghe. Nay, con dâng thân này cho La-sát tùy ý ăn thịt, mong rằng Phụ vương được nghe pháp mầu.

Nghe thái tử phát tâm rộng lớn, không tiếc thân mạng, vua tự nghĩ: “Trong nhiều đời kiếp, ta bị ân ái trói buộc, trôi lăn trong sinh tử chưa có lúc nào cùng. Hôm nay, để được nghe pháp, ta đành hy sinh đứa con yêu dấu của mình.” Nghĩ vậy rồi, vua chấp nhận cho thái tử bỏ mình.

Lúc ấy được Phụ vương cho phép, thái tử bố thí thân mình cho La-sát. La-sát liền cấu xé thân thể thái tử, máu me nhầy nhụa khắp mặt đất. Ăn thịt uống máu xong, La-sát vẫn nói chưa no.

Khi ấy, thấy con mình đã xả thân thí cho La-sát, La-sát ăn rồi còn nói chưa no, phu nhân của vua nghĩ rằng: “Con ta còn bỏ than được huống chi ta không bỏ thân được sao!” Phu nhân theo suy nghĩ  của mình, tâu lại cho vua nghe và vua lại đồng ý.

Khi đó phu nhân bố thí thân cho La-sát. La-sát cũng cấu xé than thể phu nhân ăn uống như trước. Ăn rồi, La-sát nói vẫn còn đói khát, lại nói với vua:

–Đại vương hãy hiến thân cúng cho ta ăn luôn.

Vua đáp:

–Giờ đây, đối với thân mạng ta không hề tiếc rẻ, nhưng nếu than này chết đi thì không nghe pháp được. Vậy, ngươi hãy nói pháp trước, sau đó ta sẽ bỏ mình cho ngươi ăn thịt.

Bấy giờ, La-sát biết được tâm thành tín của vua, liền nói kệ:

Ân ái thì sinh lo

Vì ái mà có sợ

Nếu dứt được ân ái

Không còn sợ hãi gì.

La-sát nói kệ xong, liền hoàn lại thân Đế Thích, thái tử và phu nhân bỗng nhiên cũng được hoàn lại thân cũ. Vua nghe pháp rồi, càng sinh tâm kính tin, lại thấy phu nhân và thái tử còn sống, nên trong long vui mừng khôn xiết.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, vua Thiện Diên lúc bấy giờ nay chính là Ta còn thái tử bấy giờ nay là A-nan và phu nhân của vua là Da-du-đà-la bây giờ. Thuở xưa khi Ta tu đạo Bồ-tát, vì cầu pháp nên đối với vợ con kính yêu mà Ta mà còn không yêu tiếc, huống chi hôm nay mà Ta lại sinh tâm mỏi nhọc ư!

Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo nghe theo lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


35- Truyện Thái Tử Con Của Vua Phạm Ma Cầu Pháp

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả tên là Tu-đạt, người bản tính nhân hậu, hiền lành, có tâm kính tin Tam bảo. Hằng ngày  trưởng giả đến tăng phòng, tinh xá để quét dọn chùa tháp.

Một hôm, trưởng giả có việc cần phải đi, không ở lại quét dọn chùa tháp được.

Lúc ấy Đức Thế Tôn dẫn đầu các vị Đại Mục-liên, Xá-lợi-phất và Đại Ca-diếp… vào tháp để quét dọn. Quét dọn xong, các Tỳ-kheo ngồi sang một bên, Đức Phật liền giảng nói về năm công đức của việc dọn quét chùa tháp là:

  1. Dứt bỏ sự nhơ bẩn trong tâm.
  2. Cũng dọn dẹp nhơ bẩn bên ngoài.
  3. Dứt trừ tâm kiêu mạn.
  4. Điều phục tâm mình.
  5. Làm tăng trưởng công đức và được sinh về cõi lành.

Công việc hoàn tất, trở về, vào tịnh xá, Tu-đạt nghe Đức Phật giảng nói cho các Tỳ-kheo về công đức có được do việc quét dọn.

Trưởng giả vui mừng, bước ra bạch Phật:

–Nay, con được nghe Phật giảng nói về năm công đức của việc quét dọn này, tại chỗ con đi như thấy bậc Hiền thánh ở trước mặt vậy.

Lúc ấy Thế Tôn bảo Tu-đạt:

–Tất cả pháp lành mà Ta yêu kính cũng như vậy. Giờ đây, ông hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, tại nước Ba-la-nại, vị vua nước ấy tên là Phạm-ma-đạt-đa. Phạm-ma-đạt-đa cai trị nhân dân bằng chánh pháp. Đời sống nhân dân sung túc an vui cô cùng.

Bấy giờ, phu nhân của vua biết mình có thai, tự nhiên trên đầu có một lọng báu, lúc nào cũng theo che chở phu nhân. Sau đó, vua mời thầy xem tướng để xem tướng phu nhân. Thầy tướng xem xong bảo:

“Đứa trẻ này sinh ra có phước đức lớn và sẽ đi khắp nơi để tìm cầu chánh pháp.”

Sau mười tháng mang thai, phu nhân sinh ra một thái tử tướng mạo khôi ngô đẹp đẽ, trên đời ít có. Nhân đó cha mẹ đặt tên là Cầu Pháp.

Thái tử lớn dần, tâm ưa thích đạo pháp. Thái tử lại cho người mang châu báu, đi khắp nơi để cầu pháp. Nhưng rốt cuộc cũng không được, thái tử sinh ra buồn rầu khóc lóc, không thể yên lòng. Tâm chân thành của thái tử cảm ứng làm rung chuyển cung điện trời Đế  Thích.

Lúc ấy trời Đế Thích suy nghĩ: “Có việc gì khiến cung điện của ta bị dao động như vậy?

Đế Thích liền quán sát thấy thái tử con vua, vì cầu pháp chưa đạt sở nguyện, nên buồn rầu khóc lóc, mà cảm ứng đến cung điện của mình, làm cho bị rung chuyển như thế. Đế Thích liền nghĩ: “Ta phải đến đó thử xem thiện tâm của thái tử hư thật thế nào”.

Đế Thích liền hóa thân thành một vị Bà-la-môn, đến cửa hoàng cung nói:

–Ta có pháp mầu, ai muốn nghe, ta sẽ nói cho.

Thái tử nghe sứ giả nói, vui mừng khôn xiết, liền ra ngoài đón rước. Thái tử đảnh lễ dưới chân Bà-la-môn, dẫn lên điện, nhắc chiếc ghế thật đẹp mời Bà-la-môn ngồi, chắp tay thưa rằng:

–Cúi mong Đại sư từ bi thương xót, giảng nói pháp mầu cho tôi nghe.

Bà-la-môn đáp:

–Học pháp rất khó, phải theo thầy lâu ngày mới đạt được. Nay, muốn nghe một cách vô điều kiện thì không thể được.

Thái tử thưa:

–Đại sư cần gì, xin cứ dạy bảo. Ngay cả vợ con của tôi, voi ngựa, châu báu, tất cả đều có đủ, tôi sẽ cung cấp cho Đại sư, không hề tiếc rẻ.

Bà-la-môn nói:

–Những thứ thái tử vừa kể, ta đều không cần. Bây giờ nếu thái tử đào một cái hố lớn mười trượng, dưới hố đốt đầy lửa rồi nhảy xuống hố, ta sẽ nói pháp cho nghe.

Nghe Bà-la-môn nói, thái tử rất vui mừng liền đào một cái hố lớn và đốt đầy lửa. Khi thái tử định nhảy xuống hố thì phu nhân, nhà vua và các quan liền chạy đến ôm chầm lấy thái tử và khuyên can thái tử đừng làm như vậy. Họ nói với Bà-la-môn:

–Cúi mong Đại sư từ bi thương xót, vì chúng tôi đừng để thái tử phải nhảy xuống hố lửa. Nếu Đại sư cần gì như quốc thành, châu báu và vợ con chúng tôi đều cung cấp cho ngài.

Bà-la-môn nói:

–Ta không ép buộc, tùy ý thái tử. Nếu làm được như vậy, ta mới  nói pháp cho nghe.

Khi Bà-la-môn nói, thái tử thưa:

–Trong nhiều kiếp, ta đã bỏ mất thân mạng một cách luống uổng, nhưng chưa từng có người nào định nói pháp mầu như vậy cho ta nghe.

Nói xong, thái tử định nhảy xuống hố.

Lúc ấy phu nhân của vua và các biết được tâm chí thành nhất định nhảy xuống hố của thái tử, liền sai người cỡi một thớt voi rất nhanh, để thông cáo cho tất cả các quan trong khắp cõi Diêm-phù để hãy mau tụ họp về chỗ của thái tử. Đến nơi, họ chắp tay can ngăn:

–Thái tử hãy vì chúng tôi, xin đừng nhảy xuống hố. Thái tử chỉ vì một người, mà bỏ đi tất cả sao?

Thái tử đáp:

–Trong vô số kiếp sinh tử, có khi ta đọa địa ngục, có lúc làm súc sinh, có lúc làm ngạ quỷ, sát hại lẫn nhau, hoặc bị thiêu đốt, hoặc bị nung nấu, chịu đói khát khốn khổ, chỉ trong một ngày cũng không sao nói hết sự đau khổ, thân mạng bị bỏ đi một cách luống uổng, không hề có lợi ích cho chánh pháp. Vậy các ngươi sao còn ngăn cản Ta, dung thân hôi thối này để cầu đạo Bồ-đề vô thượng. Ta phải bỏ thân này, thệ cứu vớt chúng sinh thoát ra khỏi biển sinh tử.

Nói xong, thái tử quyết định gieo mình xuống hố, nhưng thưa

Bà-la-môn rằng:

–Cúi xin Đại sư hãy nói pháp cho tôi nghe trước, nếu chết thì không được nghe pháp.

Lúc ấy Bà-la-môn liền nói kệ:

Thường hành tâm Từ bi
Dứt bỏ tâm sân hại
Đại bi thương chúng sinh
Thương xót mà lệ rơi.
Người thực hành Đại bi
Đồng pháp, ta chứng được
Cứu giúp các chúng sinh
Mới là hạnh Bồ-tát.

Thái tử nghe kệ, vui mừng khôn xiết, liền gieo mình xuống  hầm lửa, hầm lửa liền biến thành ao sen và thái tử ngồi trên sen. Mặt đất rung chuyển, các thứ hoa trên trời tuôn xuống như mưa, ngập lên tới gối thái tử.

Bấy giờ Bà-la-môn hoàn lại thân Đế Thích, khen thái tử rằng:

–Nay, thái tử nhảy vào lửa, chỉ vì một bài kệ, mà không tiếc thân mạng, là để cầu điều gì?

Thái tử đáp:

–Tôi cầu đại đạo Bồ-đề vô thượng, để cứu vớt chúng ra khỏi biển sinh tử.

Đế Thích nghe thái tử nói vậy, ngợi khen là việc chưa từng có.

Sau đó, Đế Thích trở về Thiên cung.

Vua Phạm-ma và các quan thấy thái tử có những điều rất kỳ lạ đặc biệt, cũng khen là việc chưa từng. Ai nấy đều vui mừng, cùng nhau đưa thái tử trở về hoàng cung.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, vua Phạm-ma lúc bấy giờ nay chính là vua Tịnh Phạn; còn người mẹ lúc ấy nay là phu nhân Ma-da và thái tử bây giờ là Ta.

Sau khi Đức Phật nói về việc cầu pháp này, có vị chứng quả Tu-đà-hoàn, có vị chứng quả Tư-đà-hàm, có vị chứng quả A-na-hàm, có vị chứng quả A-la-hán, có người phát tâm Bích-chi-phật và có người phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


36- Truyện Người Bà-La-Môn Đòi Nợ Phật

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang dẫn đầu các Tỳ-kheo vào thành khất thực. Khi vào trong một con hẻm, Đức Phật gặp một người Bà-la-môn, đang dùng ngón tay vẽ dưới đất, ngăn cản không cho Phật đi qua và nói:

–Hôm nay Ngài phải trả cho tôi năm trăm đồng tiền vàng, thì tôi mới để Ngài đi. Nếu không, tôi sẽ không cho Ngài đi qua.

Lúc ấy Đức Phật và các Tỳ-kheo đứng im lặng, không thể bước tới.

Tin này đến tai hai vị quốc chủ là vua Bình-sa và vua Ba-tư-nặc. Bà Tỳ-xá-khư thuộc dòng họ Thích và ông Phú-lâu-na… cũng hay tin.

Mỗi người đều mang theo châu báu và tài vật đến cho người Bà-la-môn nhưng Bà-la-môn không chịu nhận.

Lúc ấy trưởng giả Tu-đạt cũng nghe tin Phật bị người Bà-la-môn giữ lại, không cho đi. Tu-đạt liền đưa năm trăm đồng vàng cho Bà-la-môn, Bà-la-môn mới cho Phật đi.

Các Tỳ-kheo thấy sự việc ấy, bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn vì duyên cớ gì, mà có sự ngăn cản, không cho Phật đi qua như vậy.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp tại nước Ba-la-nại, có vị vua tên là Phạm-ma-đạt-đa.

Một hôm, thái tử của vua tên là Thiện Sinh cùng các bạn than đi du ngoạn ngắm cảnh. Trên đường đi, thái tử gặp một người đánh bạc với con của vị phụ tướng bị thua năm trăm đồng tiền vàng.

Người kia theo đòi, nhưng con của vị phụ tướng không chịu bỏ tiền ra để trả.

Thái tử Thiện Sinh thấy vậy, nói với người kia:

–Nếu ông ấy không trả, tôi sẽ trả thay.

Khi đó người con của vị phụ tướng tự cậy mình là con nhà quyền thế nên cuối cùng không chịu trả. Từ thời ấy cho đến nay, trải qua vô lượng kiếp Ta thường bị người đánh bạc kia theo đòi nợ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, thái tử con vua lúc ấy nay chính là Ta, người con của vị phụ tướng bấy giờ nay là trưởng giả Tu-đạt; còn người đánh bạc nay là Bà-la-môn. Cho nên các thầy, hễ mắc nợ ai, không chống cự mà không trả, vì cho đến lúc thành Phật cũng không thoát khỏi nạn này.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


37- Truyện Đức Phật Sắp Nhập Niết-Bàn, Hóa Độ Năm Trăm Vị Lực Sĩ

Một thuở nọ, tại rừng Sa-la song thọ, thành Câu-thi-na, Đức Phật sắp nhập Niết-bàn.

Bấy giờ, ông Tu-bạt-đà nghe Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn, bèn dẫn năm trăm lực sĩ đến đảnh lễ dưới nơi chân Phật, rồi lui lại đứng sang một bên và cầu xin xuất gia.

Lúc ấy Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Râu tóc ông Tu-bạt-đà và các lực sĩ tự nhiên rụng xuống, than mặc pháp phục, liền thành Sa-môn. Đức Phật nói pháp cho họ nghe bằng mọi cách. Tâm ý được mở tỏ, Tu-bạt-đà và các lực sĩ đều đạt được dấu hiệu chứng đạo.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, ông Tu-bạt-đà và năm trăm vị lực sĩ này đời trước đã gieo trồng phước đức gì mà nay trong lúc gấp rút, Phật sắp vào Niết-bàn lại được tế độ như thế?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Không phải chỉ hôm nay trong lúc gấp rút họ mới được Ta hóa độ mà thuở xưa Ta cũng từng cứu giúp họ thoát khỏi những sự nguy nan.

Các Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay việc cứu độ những vị ấy như thế nào? Cúi xin Đức Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp; tại nước Ba-la-nại có vị vua tên là Phạm-ma-đạt-đa.

Một hôm, vua cùng các quan ra khỏi thành đi săn bắn. Khi đến một vùng rừng núi, có một dòng sông lớn, gặp một bầy nai năm tram con; vua định bắn. Lúc ấy Ta là nai đầu đàn, thấy mạng lưới bao vây tới gần, bầy nai hoảng hốt sợ hãi chạy đổ dồn về phía dòng sông, nhưng vì nước quá sâu, nên chúng không thể vượt qua. Vòng vây càng xiết chặt lại, mạng sống bầy nai rất mong manh. Lúc đó, nai đầu đàn bảo với bầy nai: “Ta vì các ngươi dang bốn chân để nối liền hai bờ sông, các ngươi cứ việc đi trên lưng Ta, để đến bờ bên kia”.

Nghe lời, bầy nai tranh nhau đi qua, đạp nát cả lưng, nai chúa đau đớn khôn cùng.

Khi tất cả đều qua được bờ bên kia, chỉ còn một nai mẹ đang dẫn nai con chạy theo phía sau, rất hoảng hốt lo sợ. Lúc ấy thấy hai mẹ con nai còn ở sau, dù phải chịu đựng đau đớn, nai đầu đàn cũng chờ đưa hết qua sông, rồi mới chịu chết. Nai đầu đàn chết được sinh lên tầng trời Đao-lợi.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Lúc ấy trong loài súc sinh mà Ta còn từ bi cứu giúp chúng sinh, không nề lao khổ; huống chi ngày nay, Ta đã ra khỏi ba cõi, tự tại vô ngại mà còn cho rằng mệt nhọc ư!

Đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, nai đầu đàn lúc bấy giờ nay chính là Ta, bầy nai lúc bấy giờ nay là năm trăm vị Tỳ-kheo như Tu-bạt-đà, …

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Năm trăm vị Tỳ-kheo như Tu-bạt-đà… đời trước đã gieo trồng phước đức gì mà nay được gặp Thế Tôn và đều chứng đắc đạo quả như vậy?

Đức Phật dạy:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp.

Khi ấy, trong chốn núi rừng có năm trăm vị Tỳ-kheo đang ngồi thiền hành đạo, nhưng chưa đắc đạo quả. Đức Phật Ca-diếp giáo hóa chúng sinh đã mãn, Ngài muốn nhập Niết-bàn. Năm trăm Tỳ-kheo kia không hay biết gì. Các vị Thần cây biết rằng hôm nay Đức Phật sẽ nhập Niết-bàn, cho nên trong lòng buồn bã khóc lóc, nước mắt rơi xuống trúng đầu các Tỳ-kheo đang ngồi dưới gốc cây.

Lúc ấy các Tỳ-kheo mới hỏi Thần cây rằng:

–Vì sao các vị khóc lóc như vậy?

Thần cây đáp:

–Hôm nay, Đức Thế Tôn Ca-diếp sẽ nhập Niết-bàn, nên chúng  tôi buồn rầu than khóc như vậy.

Các Tỳ-kheo nghe Thần cây nói, trong lòng cũng bàng hoàng lo âu, mình mẩy nổi ốc và hỏi Thần cây:

–Hôm nay chúng tôi làm sao đến gặp Thế Tôn kịp và được diệt độ trước, chứ không nỡ thấy Thế Tôn nhập diệt trước chúng tôi.

Thần cây đáp:

–Nếu các thầy muốn đi, hãy nhắm mắt lại, Thần cây chúng tôi sẽ đưa các thầy đến chỗ Thế Tôn.

Các Tỳ-kheo nghe lời thần cây, nhắm mắt lại, bỗng nhiên được đưa đến chỗ Thế Tôn. Các Tỳ-kheo được gặp Phật và sám hối tội lỗi, rồi tất cả đều vào Niết-bàn.

Do vào thời ấy, đã xuất gia giữ giới, cho nên năm trăm vị này nay được gặp Ta và đắc đạo chứng quả.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, năm trăm Tỳ-kheo lúc bấy giờ, nay là năm trăm vị Tỳ-kheo lực sĩ như Tu-bạt-đà…

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


38- Truyện Thỏ Đầu Đàn Nướng Mình Cúng Dường Tiên Nhân

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả tên là Bạt-đề, đã xuất gia nhập đạo, nhưng tâm thường ham thích những công việc của người tại gia, nên bỏ bê việc tu tập ba nghiệp.

Lúc ấy Như Lai quán sát thấy căn lành của Bạt-đề đã thuần thục, đã đến lúc được hóa độ, nên Ngài bảo Tôn giả A-nan:

–Ngươi hãy đi gọi Tỳ-kheo Bạt-đề đến đây.

A-nan liền đi gọi Bạt-đề. Khi Bạt-đề đến, Đức Phật bảo:

–Thầy hãy vào rừng núi để tu tập pháp lành.

Bạt-đề vâng lời Phật dạy, vào chốn núi rừng ngồi thiền, hành đạo. Qua thời gian không bao lâu, Bạt-đề đã đắc đạo La-hán.

Bấy giờ các Tỳ-kheo thấy sự việc ấy bèn bạch Phật:

–Tỳ-kheo Bạt-đề đời trước đã gieo trồng phước đức gì mà nay tuy đã xuất gia mà còn ưa thích chuyện thế tục, lại gặp được Đức Thế Tôn và chứng đắc đạo quả như thế?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Đâu phải chỉ hôm nay Ta mới giáo hóa Tỳ-kheo ấy, mà thuở xưa Ta cũng từng giáo hóa Tỳ-kheo ấy rồi.

Các Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay việc giáo hóa thuở xưa thế nào?

Cúi xin Đức Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong Hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại, có một Tiên nhân đang tu luyện đạo Tiên trong chốn núi rừng. Ông chỉ ăn trái cây, uống nước suối. Nhưng về sau trải qua nhiều năm gặp trời nắng hạn, không còn trái cây để ăn nữa, bị đói khát hành hạ, ông định vào thôn xóm xin ăn.

Bấy giờ, có một con thỏ đầu đàn là Bồ-tát cùng bầy thỏ đang đi tìm cỏ nước, gặp vị Tiên nhân râu dài bị đói khát hành hạ, định vào làng xin ăn để sống. Thỏ đầu đàn nói với Tiên nhân:

–Ngày mai ông hãy nhận chút ít vật cúng dường nhỏ mọn của tôi. Tôi còn có pháp hay, ông có thể nghe được.

Tiên nhân nghe rồi suy nghĩ: “Có lẽ thỏ đầu đàn kia gặp được loài chim bay thú chạy bị chết, muốn làm món ăn cho ta”, nên Tiên nhân bằng lòng. Lúc ấy thỏ đầu đàn đã biết Tiên nhân bằng lòng, liền tụ tập bầy thỏ và Tiên nhân kia lại giảng nói pháp mầu. Thỏ đầu đàn chất củi thành đống trên mặt đất, tự châm lửa rồi nhảy vào đống lửa đang cháy ngùn ngụt.

Lúc ấy Tiên nhân định giữ chân thỏ lại, nhưng thân vô thường đã qua đời sau rồi. Tiên nhân than:

–Hòa thượng Đại sư, tại sao mới một sớm gặp nhau, ngài lại bỏ tôi ra đi? Tôi đâu còn nghe pháp được nữa.

Tiên nhân buồn thảm nghẹn ngào, kêu trời than khóc. Vì quá cảm thương và tuyệt vọng, Tiên nhân té quỵ xuống đất, không nói thành lời.

Lúc ấy mặt đất rung chuyển, hoa thơm từ trên không trung rơi xuống như mưa và phủ kín trên thân thỏ đầu đàn.

Bấy giờ Tiên nhân kia vì thấy thỏ đầu đàn tu hạnh Đại bi nên không dám ăn thịt, bèn thâu lượm xương cốt rồi xây tháp cúng dường.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, thỏ đầu đàn Bồ-tát lúc bấy giờ nay chính là Ta còn Tiên nhân bấy giờ, nay là Tỳ-kheo Bạt-đề. Do vì khi ấy, Tiên nhân biết nghe lời Ta đến nghe pháp, nên nay gặp Ta, được xuất gia đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật nói, đều vui mừng thực hành.


39- Truyện Nói Về Con Của Vua Pháp Hộ Bị Mẹ Giết Hại

`Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ Đề-bà-đạt-đa vì si mê không có trí tuệ nên đối với Thế Tôn thường sinh lòng ganh ghét, giận dữ, mắng nhiếc. Nhưng Đức Phật đối với Đề-bà-đạt-đa, không hề có tâm oán hận thù hiềm.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay việc ấy như thế nào?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Đâu phải hôm nay Ta mới bị Đề-bà-đạt-đa mắng nhiếc, mà trong thuở xưa Ta cũng thường bị ông ấy mắng nhiếc và Ta thường nhẫn nhục.

Các Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Chúng con muốn được nghe việc thuở ấy, cúi xin Đức Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong Hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại, có vị vua tên là Phạm-ma-đạt-đa. Vua ấy cai trị nhân dân bằng chánh pháp, nhân dân có cuộc sống sung túc, an vui vô cùng.

Phạm-ma-đạt-đa có hai vị phu nhân. Vị thứ nhất tên là Thiện Ý, vị thứ hai tên là Tu Thiện Ý. Phu nhân lớn bản tánh thuận hòa, rất hợp ý vua, nhưng lại không có con. Phu nhân thứ hai chỉ sinh được một thái  tử rất thông minh lại nhân từ, hiếu thảo với cha mẹ. Do đó vua rất yêu thương và cho thái tử đến trường học tập sách vở.

Một hôm, thái tử đưa phu nhân lớn rời thành, ra ngoài dạo chơi giải trí vui vẻ, thái tử gửi ít rượu và thức ăn về hoàng cung cho mẹ mình.

Lúc ấy bà phu nhân mẹ thái tử rất tức giận, dùng lời lẽ độc ác mắng chửi:

–Ta thà đâm vào cổ giết chết thái tử để lấy máu uống, chứ nhất định không dùng rượu của nó gửi về.

Lúc ấy có sứ giả chạy đi báo cho vua biết về sự việc như vậy.

Vua nghe tâu nổi giận, liền sai người đem thái tử giao cho phu nhân, xem bà có giết được không. Khi gặp thái tử, phu nhân định đâm cổ con mình. Thái tử cúi mình chắp tay thưa mẹ:

–Con đâu có lỗi gì, mà phải bị mẹ đâm vào cổ như vậy?

Người mẹ nói:

–Do phụ vương ngươi bảo ta giết, không phải lỗi ở ta.

Thái tử nghe mẹ nói, liền đến trước mẹ sám hối lỗi lầm. Nhưng phu nhân không nghe, liền giết thái tử. Nhờ có tâm lành, nên khi chết đi, thái tử được sinh lên cõi trời Đao-lợi.

Lúc ấy chỉ là hạng phàm phu bị mẹ nhục mạ và giết hại, vậy mà Ta không hề sinh tâm oán hận. Huống chi ngày nay, Ta đã vượt ngoài ba cõi, cớ sao lại không thể đối với Đề-bà-đạt-đa mà sinh lòng từ bi?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, thái tử lúc bấy giờ, nay chính là Ta, còn người mẹ bấy giờ nay là Đề-bà-đạt-đa.

Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


40- Truyện Tên Cướp Lâu-Đà

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một tên cướp tên là Lâu-đà, lưng mang kiếm bén, tay cầm cung tên, đứng ở bên đường, cướp giật tài vật của người để sống.

Trải qua mấy ngày, Lâu-đà bị đói khát hành hạ, xa trông thấy các Tỳ-kheo ôm bát đi đến dưới một gốc cây, liền suy nghĩ như vầy:

“Trong bát của các người kia, chắc chắn phải có thức ăn, bây giờ ta phải đến đó đoạt lấy mới được. Nếu như họ ăn rồi, ta phải mổ bụng lấy thức ăn”. Tên cướp nghĩ vậy, liền đi về phía các Tỳ-kheo, khi còn cách không xa liền đứng lại.

Lúc ấy các Tỳ-kheo biết ý định của Lâu-đà, nên suy nghĩ: “Nếu như chúng ta không gọi hắn, thì chắc chắn chúng ta sẽ bị giết. Như vậy, lại càng làm cho hắn tăng thêm tội lỗi, phải đọa vào ba đường.

Chi bằng ta gọi hắn trước để cho hắn thức ăn”.

Nghĩ rồi các Tỳ-kheo liền với gọi Lâu-đà:

–Ngươi hãy mau lại đây ta cho thức ăn.

Lúc ấy tên cướp suy nghĩ: “Tỳ-kheo này đoán biết ta đói nên gọi ta cho thức ăn.” Lâu-đà đến nhận, được ăn uống no đủ, trong tâm rất vui vẻ.

Nhân đó các Tỳ-kheo giảng nói nhiều pháp nhiệm mầu cho Lâu-đà nghe. Nghe xong, tâm ý Lâu-đà được mở tỏ, chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, xin được xuất gia, siêng năng tu tập, rồi chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba minh, sáu phép thần thông và tám pháp giải thoát; được trời, người kính ngưỡng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.