KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI TẬP
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Đàm-vô-sấm, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 4: BỒ-TÁT BẤT THUẤN

(Quyển 7)

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vẫn giữ cõi báu và đại chúng như cũ. Khi ấy, trong chúng có ánh sáng sắc vàng, chiếu sáng khắp tam thiên đại thiên thế giới, che lấp cả ánh sáng mặt trăng, mặt trời, Đế Thích, Phạm thiên. Sau đó ánh sáng lại mất. Tất cả đại chúng đều chăm chăm nhìn Đức Như Lai. Lúc này mọi vật đều yên lặng, không một tiếng động, chỉ nghe thấy hơi thở ra vào. Đại đức Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Thế Tôn! Vì sao có ánh sáng đó, tất ca mọi người đều nghi ngờ?

Phật nói:

–Cách đây vô số cõi nước về phía Đông, có Bồ-tát tên Bất Thuấn và một vạn Bồ-tát định đến đây, mong được nghe kinh vi diệu này.

Phật chưa dứt lời, Bồ-tát Bất Thuấn đã đến chỗ Phật, cúng dường vô số hương hoa và trổi nhạc dâng Phật, cúi lạy Phật, đi quanh bên phải, rồi an tọa trên tòa sen báu bên cạnh. Khi ấy, Tu-bồđề thưa:

–Thế Tôn! Cõi nước của Bồ-tát Bất Thuấn cách đây xa hay gần, cõi ấy tên gì? Đức Phật hiệu gì?

Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Cách đây vô số cõi nước bằng số cát trong bảy vạn hai ngàn sông Hằng về phía Đông, có cõi nước tên Bất thuấn, Phật hiệu Phổ Hiền, là Đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Bồ-tát Bất Thuấn đến từ cõi ấy.

Lúc ấy, Bồ-tát Bất Thuấn quỳ gối, chắp tay, nói kệ tán thán Phật:

Như Lai Thế Tôn chúng bảo tụ
Đầy đủ tất cả Ba-la-mật
Pháp Sư vô thượng trời trong trời
Xin lễ kính Đấng vì chúng sinh.
Giới định tịch tĩnh không lay động
Trí tuệ vô thượng điều phục chúng
Vì mọi chúng sinh giảng kinh này
Con xin quy y Sư Tử Chúa.
Đem lại an lạc cho trời người
Chúng sinh thích ngắm như mặt trăng
Đầy đủ oai lực trừ quân ma
Con xin nương tựa cây thuốc lớn.
Thành tựu căn lành thí cam lồ
Cứu chúng sinh vượt biển sinh tử
Con xin quy y Đấng Vô Thượng
Đầy đủ ba mươi hai tướng tốt.
Thế Tôn trang nghiêm đại chúng này
Tựa núi Tu-di hiển bốn cõi
Tiếng vang mười phương không chướng ngại
Con xin kính lễ Đấng Tượng Vương.
Trí tuệ Như Lai tựa hư không
Thông đạt ba đời không chướng ngại
Tùy thuận chúng sinh diễn giảng pháp
Con xin kính lễ Tự Tại Vương.
Trải vô số kiếp siêng tu học
Tất cả đều hơn Bồ-tát bạn
Pháp Phật đạt được như Phật trước
Con nay kính lễ Nhất Thiết Giác.
Chư Phật mười phương đều khen ngợi
Đầy đủ tinh tấn, trí thù thắng
Vô số chúng sinh đã nghe được
Đồng lòng phát khởi tâm Bồ-đề.
Không hề chán nghe pháp vi diệu
Lại còn khuyên dạy mọi quần mê
Thuyết giảng tánh pháp vốn thanh tịnh
Con xin cúi lạy Đại Pháp Vương.

Nói kệ xong, Bồ-tát Bất Thuấn bạch Phật:

–Thế Tôn! Con xin hỏi vài ý trong kinh Đại Tập này, xin Như Lai thương xót chấp nhận cho.

Phật nói:

–Lành thay, lành thay! Thiện nam! Tùy ý hỏi, Như Lai sẽ giảng rõ.

Được Phật nhận lời, Bồ-tát Bất Thuấn vui mừng thưa:

–Thế Tôn! Đại Bồ-tát tu Tam-muội gì sớm thành tựu đạo quả Bồ-đề vô thượng và hành trì trọn vẹn các pháp như đại niệm, đại trí, ý lớn, hổ thẹn, dũng mãnh, bố thí, pháp Hỷ, lên núi Xả, giảng pháp hàng phục ma oán, trừ tà kiến, gần gũi chư Phật, Bồ-tát bạn, được hóa thân, không mất niệm, tin sâu Đại thừa, đem lại trí sáng vô thượng cho chúng sinh, không bị nhiễm ô trong pháp thế gian, như bốn đại, như đất, lợi ích tất cả chúng sinh; như nước rửa sạch nhơ uế, như lưa thuần thục căn lành, như gió, thông tỏ giới, văn, tuệ; tu tập Từ bi như hư không, mắt tuệ thấy rõ như Đế Thích, tâm tự tại như Tự tại thiên, dạy đời bằng chánh pháp như Chuyển luân vương, tích tụ phước đức như núi Tu-di, không ghét pháp lành, chứa nhóm châu báu lành như biển lớn, suy nghĩ nghĩa sâu mầu của mười hai nhân duyên, không hề lo sợ như sư tử chúa, đủ của báu lành như thương gia, tất cả đều nương về như thầy thuốc giỏi, đem lại ánh sáng cho đời như đuốc lớn, trừ tối như mặt trời, mát mẻ như mặt trăng, phiền não không nhiễm như hoa sen, đầy đủ pháp vi diệu của Phật như trăng tròn?

Phật nói:

–Lành thay, lành thay! Thiện nam! Có thể hỏi được nghĩa lý đó! Hãy lắng nghe, Như Lai sẽ giảng rõ.

Thiện nam! Bồ-tát nào tu tập Tam-muội Nhất thiết pháp tự tại thì sẽ thành tựu các việc trên, đạt vô lượng, vô biên phước đức, sớm chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng. Khi thành Phật sẽ có đầy đủ mọi thứ trên đời.

Thiện nam! Tam-muội Nhất thiết pháp tự tại là tin Phật, Pháp, Tăng, Khổ, Tập, Diệt, Đạo, Ấm, Nhập, Giới, Không, Vô tướng, Vô nguyện, sự sinh diệt của mười hai duyên, nhân quả nghiệp báo trong ngoài, tin sự mở, lấp, quán tất cả pháp như huyễn, hóa, tiếng vang, sóng nắng, trăng dưới nước, lông rùa, sừng thỏ, hoa trong không, con của thạch nữ, như mơ thấy mặc áo bóng, cỡi voi trắng, nào có, nào không, có không, không phải: Có, không, thường đoạn, sinh, diệt, trong, ngoài, thấy, trừ. Tin các việc đó là tin việc lớn của Bồ-tát, không tự khinh. Sự nghiệp của Bồ-tát dù lớn lao ta vẫn biết được, tâm tự tại, bố thí, giữ giới, không cản trở, thương yêu chúng sinh, thường tu nhẫn nhục, không thoái lui, siêng năng tu tập, tu trí tuệ để giúp chúng sinh trừ phiền não, tu tập Tammuội để đoạn vọng tưởng, tiếng nói hay, chúng sinh thích nghe; niệm Phật, quán sự bình đẳng không hai của các Đức Phật; niệm pháp, quán tất cả pháp cùng một tánh tướng; niệm Tăng, quán chư Tăng không thoái chuyển; niệm xả, bỏ tất cả phiền não; niệm giới, nhớ giới Phật; niệm thiên, nghĩ đến thân sau; làm thanh tịnh thân, khẩu, ý, không tùy người bố thí, đầy đủ giới, định, tuệ, trọn vẹn ba mươi hai tướng tốt; bố thí vô số vật thành tựu tám mươi vẻ đẹp; trang nghiêm trí tuệ, đủ bốn Niệm xứ; đoạn trừ phiền não, đủ bốn Chánh cần; để tâm tự tại, đủ bốn Như ý, trừ dẹp ma oán, tu tập Tín căn; hiểu đúng các pháp nên tu tập Tín căn. Để giúp chúng sinh nhớ biết tội lỗi, tu tập Niệm căn; làm thanh tịnh tâm chúng sinh nên tu Định căn; đứng đầu trong tất cả pháp nên tu tập Tuệ căn; vì không muốn hư hoại nên tu tập năm Lực; thật biết tất cả pháp, tu bảy Giác phần; thật biết đạo, phi đạo, tu tám Chánh đạo; thích nhàn tịnh, ít muốn, biết đủ. Xa lánh kẻ ác; tuy thông tỏ tất cả nhưng không kiêu mạn, không chấp phiền não, không giận chúng sinh, không nghi sự hiểu biết của người, không chấp ngã, sở hữu ngã, luôn tu tập để độ sinh, nhớ ân sư trưởng, hòa thượng, cha mẹ, bạn lành, tìm cách đền đáp ân xưa, không chê cười người hủy giới, bỏ gánh nặng, quán rõ về ấm, không tranh chấp, hộ trì pháp, giữ gìn giới, thân giữ người trì giới và hộ pháp nghe pháp, niệm pháp, cúng dường pháp, không nghi chánh pháp, diễn giảng không vì cầu vật lợi, chuyên tâm thuyết giảng, không xem thường, không tự kiêu để phát mầm lành nên nhớ rõ các pháp, thăm hỏi chăm sóc bệnh nhân, cúng dường Pháp sư, không nêu lỗi, không để ý đến dòng họ, giới, phi giới, chuyên tâm thích nghe pháp, thỉnh pháp đúng thời, diễn giảng giáo hóa, không kiêu mạn, nghe hiểu nghĩa lý, không tự cao, không để ý lỗi người, nghe pháp để biết đủ, để giống Phật còn mãi, để đạt trí túc mạng vô ngại, để thấy tánh pháp, để phát tâm Bồ-đề vô thượng, hộ trì chánh pháp của Như Lai, để được ở trong dòng họ tôn quý, để gặp Phật, Pháp, Tăng, đạt tâm kiên cố không thoái chuyển, hành hạnh Thánh vào hàng Thánh, được vô số tài bảo, đạt vô lượng công đức, được âm thanh Phạm thiên, đầy đủ công đức của Phật, trọn vẹn pháp Bồ-tát, thọ trì, đọc tụng, biên chép tạng pháp và Ma-di của Bồ-tát, để thọ trì và thuyết giảng các pháp.

Thiện nam! Đại Bồ-tát thành tựu Tam-muội Nhất thiết pháp tự tại sẽ thông đạt tất cả.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Cung kính tin tưởng Phật, Pháp, Tăng
Tin sâu bốn Đế pháp chân thật
Thành tựu trí tuệ không chướng ngại
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Biết rõ pháp Khổ đế thứ nhất
Đoạn trừ tất cả nhân Tập đế
Chứng đạt Diệt đế pháp thứ ba
Tu tập Đạo đế pháp Vô thượng.
Thành tựu trọn vẹn tâm đại Bi
Quán sát các ấm tựa hư không
Đầy đủ oai nghi luôn tịch tĩnh
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Tánh tướng sáu nhập tựa hư không
Quán sát như thế điều phục căn
Chặt đứt lưới nghi của chúng sinh
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Tu tập Vô tướng, Không, Vô nguyện
Đoạn trừ tất cả tâm kiêu mạn
Hết thảy các hành không đen tối
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Trừ các chấp đoạn và chấp ngã
Thanh tịnh thâu khẩu và ý nghiệp
Tâm không chấp trước pháp hữu vi
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Nghĩa lý diễn giảng không điên đảo
Điều phục tất cả các chúng sinh
Tuy giảng chánh pháp, không kiêu mạn
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Tu tập tất cả các pháp lành
Không bị ô nhiễm nơi phiền não
Tâm không nhiệt não, không nhơ uế
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Cầu pháp Bồ-đề không vì người
Tu tập pháp lành không dối gạt
Chư Phật mười phương quán tâm tánh
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Thích tu bố thí, giữ gìn giới
Nhẫn nhịn kẻ ác, thương chúng sinh
Siêng năng, tu định và trí tuệ
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Tu tập tâm Từ vì chúng sinh
Không hề phân biệt oán và thân
Đem đến pháp lạc cho muôn loài
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Điều phục chúng sinh bằng Bồ-đề
Tu Xả, lìa dục, luôn an lạc
Chuyên tâm tu tập năm Thần thông
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Đại chúng thích nghe pháp mình giảng
Nghĩa lý rộng sâu như biển lớn
Thật biết tánh tất cả các pháp
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Quán sát thân Phật như các pháp
Tánh Phật tánh pháp không sai khác
Tâm luôn hộ pháp, không thoái chuyển
Là đạt Tam-muội pháp tự tại
Thân, khẩu, ý nghiệp luôn tịch tĩnh
Đầy đủ giới định tâm vô vi
Đoạn trừ tập khí của phiền não
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Chứng đạt giải thoát phap vô thượng
Đầy đủ trí biết pháp chân thật
Tu tập vô số pháp định, tuệ
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Không bố thí vật không thanh tịnh
Không thọ tất cả giới không tịnh
Thành tựu trọn vẹn ba mươi hai tướng
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Tu tập tất cả các pháp thí
Đầy đủ tám mươi vẻ tốt đẹp
Tự tại trong pháp của chư Phật
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Tu tập đầy đủ bốn Niệm xứ
Bốn pháp Chánh cần đoạn phiền não
Bốn pháp Như ý độ chúng sinh
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Tu tập Trí căn vào pháp Phật
Diệt trừ quân ma bằng năm Lực
Tu bảy Giác phần biết các pháp
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Tu tám Thánh đạo lấp đường tà
Đem đến pháp lạc cho chúng sinh
Tâm không kiêu mạn, tự tôn mình
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Người nào tu tập định tự tại
Đoạn trừ tất cả các phiền não
Gần gũi chư Phật và Bồ-tát
Thích tu ít muốn và biết đủ.
Để được vào hàng các Thánh nhân
Tu tập đại Bi, độ mọi loài
Không vì lợi dưỡng giảng pháp Phật
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Vì pháp không hề tiếc thân mạng
Hộ trì chánh pháp không tiếc của
Luôn thích tu tập hai pháp thí
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Khuyên dạy chúng sinh nghe thọ pháp
Không khi những kẻ chưa hiểu pháp
Giữ giới không vì hơn người khác
Là đạt Tam-muội pháp tư tại.
Trải vô số kiếp nghe học pháp
Chuyên tâm thọ trì, dạy chúng tu
Pháp sư tối thượng bậc thầy lớn
Không chấp thời tiết, giới, phi giới.
Siêng năng diễn giảng không ngừng nghỉ
Luôn đúng thời cơ, tùy chúng sinh
Tất cả các pháp đều như huyễn
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Lời nói chân thật, người thích nghe
Nghe rồi an trụ như lời dạy
Tâm không tham lam, không ghen ghét
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Không giận không khinh người hỏi pháp
Luôn luôn thương yêu, không hai tướng
Thanh tịnh đoạn trừ mọi tội lỗi
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Đầy đủ bảy loại tài vô thượng
Thành tựu thọ mạng mạng vô thượng
Trọn vẹn mười Lực, bốn Vô úy
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Luôn thích nghe pháp, tư duy kỹ
An ổn trụ trong pháp của Phật
Lại vì chúng sinh thuyết pháp Phật
Là đạt Tam-muội pháp tự tai.
Không mất chủng tánh của Bồ-đề
Cúng dường Tam bảo, đạt hóa thân
Giáo hóa đại chúng đủ Bồ-đề
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Đôi mắt thanh tịnh thấy chư Phật
Tiếng nói vi diệu như Phạm âm
Tiếng ấy vang xa mười phương cõi
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Bố thí của cải không cùng tận
Đủ trí giảng pháp không hề vơi
Cúng dường hòa thượng nuôi cha mẹ
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Thành tựu trọn vẹn Trí túc mạng
Không mất tâm Bồ-đề vô thượng
Không chán sáu pháp Ba-la-mật
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Vì để lợi ích mọi quần sinh
Thọ Tạng Bồ-tát và Ma-di
Vui vẻ giảng diễn cho chúng sinh
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Không còn suy nghĩ về pháp ác
Thấy rõ cõi nước ở mười phương
Một tâm biết hết vô số tâm
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Một tâm biết rõ việc ba đời
Tu tập vô lượng pháp thần thông
Đạt thân tối hậu trí vô ngại
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Thương yêu chúng sinh tu đại Bi
Quán sát các căn, tùy ý giảng
Tự tại sống trong pháp của Phật
Là đạt Tam-muội pháp tự tại.
Những ai nghe được các việc này
Chuyên tâm thọ trì, luôn tin thuận
Sẽ thành tựu đạo quả Vô thượng
Như Đức Thế Tôn thời quá khứ.

Bấy giờ, Bồ-tát Bất Thuấn bạch Phật:

–Thế Tôn! Đại Bồ-tát thành tựu pháp gì mà chứng đắc Tammuội các pháp tự tại?

Phật nói:

–Thiện nam! Bồ-tát hành trì trọn vẹn một pháp là có thể thành tựu Tam-muội ấy. Đó là không chấp pháp.

Lại có một pháp: Không chấp giới. Vì sao? Vì không chấp giới thì không chấp pháp lành, đầy đủ giới là thành tựu tất cả pháp Phật, đạo đạo vô thượng, đủ lợi ích. Vì thế ta dạy: Giới là nguồn gốc của tất cả pháp lành, là đèn lớn. Nếu chấp giới sẽ trở ngại đạo Bồ-đề, không phải đạo Bồ-đề. Nếu chấp pháp sẽ cách xa đạo Bồđề. Nếu không chấp sẽ gần kề đạo Bồ-đề.

Lại có hai pháp, nếu Bồ-tát trọn vẹn sẽ đạt Tam-muội kia. Đó là tu tập Xa-ma-tha, phương tiện của Bồ-đề; tu tập Tỳ-bà-xána, phương tiện của pháp lành.

Lại có ba pháp để Bồ-tát đạt Tam-muội kia, không bỏ chúng sinh, tu Tam-muội Không; không bỏ pháp, tu Tam-muội Vô tướng; tìm trong các cõi tu Tam-muội Vô nguyện.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Điều phục chúng sinh tu tập Không
Hộ trì chánh pháp tu Vô tướng
Không bỏ các cõi tu Vô nguyện
Sẽ đạt Tam-muội pháp tự tại.

Lại nữa, thiện nam! Có bốn pháp để đạt Tam-muội: Đầy đủ phương tiện bốn Đế, trọn vẹn bốn Tâm vô lượng; đủ bốn Trí vô ngại, trọn bốn Nhiếp pháp.

Lại có năm pháp: Năm Thần thông; năm Căn; năm Lực; trí chân thật quán năm ấm; năm mắt.

Lại có sáu pháp: sáu pháp Ba-la-mật; sáu niệm; trí tuệ quán sáu nhập, xa cách sáu nẻo, đủ sáu Thông, sáu pháp Hòa kính.

Lại có bảy pháp: không tham, trừ phiền não; không giận chúng sinh; không nghi pháp; đủ trí vô ngại, không chấp năm ấm; quán mười hai nhân duyên, không nghi ngờ; thành tựu trí tuệ vô thượng; thành tựu Tam-muội vô thượng.

Lại có tám pháp: tu tập tám Chánh đạo; xa tám đường tà; trừ tám nạn; đủ tám sự giác ngộ của bậc Đại nhân; trọn tám Giải thoát; tám thắng xứ; chuyên niệm Bồ-đề; đoạn tập khí phiền não.

Lại có chín pháp: Không mất tâm niệm; hiểu nghĩa sâu xa; trừ nghiệp ma; đủ Tam-muội Phật; thanh tịnh thân, khẩu, ý; đủ phương tiện; oai nghi thuần thiện; siêng tu sáu pháp Ba-la-mật; không tu đạo Thanh văn, Bích-chi-phật.

Lại có mười pháp: đủ trí Phật; đủ trí không phân biệt pháp giới; không dao động trong tánh chân thật; đủ trí tuệ bình đẳng ba đời; đủ trí biết tâm chúng sinh bình đẳng; đủ trí biết các căn thượng, trung, hạ; đủ bốn Trí vô ngại; trọn tám môn giải thoát; trí biết các pháp cùng một vị; trí biết các pháp không sinh diệt.

Lúc Phật giảng nói pháp này, có ba vạn hai ngàn Đại Bồ-tát đạt Tam-muội Nhất thiết pháp tự tại.

Lúc ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề thưa với Bồ-tát Bất Thuấn:

–Ba vạn hai ngàn Bồ-tát trong chúng đã đạt Tam-muội ấy.

Thiện nam! Ông đã đạt chưa?

Bồ-tát Bat Thuấn đáp:

–Đại đức! Không có pháp nào được gọi là đạt Tam-muội, tôi làm sao đạt. Cái gọi là “chứng đạt” chỉ là điên đảo. Điên đảo là ngã, sở hữu ngã. Bồ-tát nếu chấp ngã, sở hữu ngã thì không thể đạt Tammuội ấy.

Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Đại Bồ-tát an trụ nơi nào để đạt Tam-muội ấy?

Bồ-tát Bất Thuấn đáp:

–Như pháp mà Tu-bồ-đề an trụ đạt giải thoát, Bồ-tát cũng an trụ để đạt Tam-muội.

Tu-bồ-đề nói:

–Tôi thật không tru trong các pháp nên đạt giải thoát.

–Đại đức! Cũng thế, Đại Bồ-tát không an trụ nơi pháp nào nên đạt Tam-muội.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Thiện nam! Đại Bồ-tát không trụ Không, Vô tướng, Vô nguyện có đạt Tam-muội chăng?

Bồ-tát Bất Thuấn đáp:

–Không, Vô tướng, Vô nguyện có thể trụ sao?

–Không thể, thiện nam!

–Đại đức! Vì thế nơi mà Không, Vô tướng, Vô nguyện an trụ là đạt Tam-muội.

–Thiện nam! Tam-muội đó trụ nơi nào?

Bồ-tát Bất Thuấn đáp:

–Như tất cả pháp an trụ nơi tánh chân thật, Tam-muội này cũng thế. An trụ nơi tánh chân thật của các pháp là sự giải thoát của bậc Thánh. Sự giải thoát của bậc Thánh là không nơi trụ, trụ nơi không trụ là trụ tất cả pháp. Tất cả pháp không trụ nơi phiền não, không trụ vào giải thoát.

Đại đức! Đạt giải thoát có phiền não hay không phiền não?

–Thiện nam! Không phải có, không phải không có.

–Đại đức! Nếu không phải có không phải không có làm sao được gọi là giải thoát?

Tu-bồ-đề đáp:

–Thiện nam! Nếu pháp giới có trói buộc, ta sẽ giải thoát. Song tính của pháp giới không có tướng buộc, mở, không phải: Tướng, phi tướng, cũng chủng chủng tướng, một tướng, nhiều tướng. Giải thoát cũng thế.

Lúc Tôn giả Tu-bồ-đề nói pháp này có tám ngàn Tỳ-kheo đạt quả A-la-hán.

Tu-bồ-đề lại nói với Bồ-tát Bất Thuấn:

–Thiện nam! Như Phật nêu giảng, đầy đủ các pháp là đạt Tammuội, ông đã đạt đầy đủ chưa?

Bồ-tát Bất Thuấn đáp:

–Đại đức! Tất cả các pháp là không trụ, căn. Nếu các pháp không căn tức là không trụ, không trụ là không tạo tác, đã không tạo tác làm sao trụ?

Tu-bồ-đề nói:

–Nếu không trụ, vì sao Như Lai thường giảng an trụ pháp đạt Nhẫn vô sinh.

Bồ-tát Bất Thuấn đáp:

–Đại đức! Không nơi trụ là trụ. Vì thế, Như Lai dạy trụ nơi tham, đạt giải thoát. Song tánh của trí tuệ không thể hủy hoại tham, trụ giải thoát. Bồ-tát hiểu được trụ mà không trụ, được gọi là trí tuệ vô sinh. Trụ trong trí tuệ vô sinh là đạt Nhẫn vô sinh.

Lại nữa, Đại đức! Bồ-tát không rời pháp phàm phu nhưng lại biết pháp Thánh, dùng tâm phàm phu quán pháp Thánh, dùng tánh pháp Thánh quán sát pháp nhẫn, từ tánh nhẫn quán nhẫn, từ nhẫn quán tất cả pháp. Biết như thế là đạt Nhẫn vô sinh nhẫn.

Lại nữa Đại đức! Bồ-tát quan hai cõi: Cõi chúng sinh và pháp giới, dùng tánh pháp giới quán tánh chúng sinh, dùng tánh chúng sinh quán tánh pháp giới. Ngoài pháp giới không có cõi chúng sinh. Pháp giới, chúng sinh giới không sinh không diệt. Biết được gọi là trí vô sinh. Trí vô sinh tức là Nhẫn vô sinh.

Lại nữa Đại đức! Đại Bồ-tát biết các pháp có từ mười hai duyên sinh, từ sáu cảnh giới tạo sáu nhân duyên thiện, bất thiện. Thiện, bất thiện tức là không sinh diệt. Vì sao? Vì tánh của cảnh giới không thể sinh pháp, sáu nhập cũng thế, không thể sinh pháp. Vì sao? Vì tánh không sinh. Nếu sáu nhập có thể sinh pháp thì luôn sinh, không cần các duyên bên ngoài. Nếu cảnh giới có thể sinh pháp thì luôn sinh, không cần duyên bên trong. Nếu đều sinh thì có hai tướng. Tánh của pháp hai tướng là không chân thật. Biết như thế được gọi là Nhẫn vô sinh. Đạt được trí tuệ chân thật đó là Bồtát đạt Nhẫn vô sinh.

Lại nữa Đại đức! Bồ-tát thành tựu trọn vẹn hai thứ trang nghiêm: Phước đức, trí tuệ, quán biết hai pháp đó bình đẳng không hai. Tuy biết như thế nhưng không cho là mình biết, không chấp vào sự hiểu biết, đó là Nhẫn vô sinh.

Lại nữa Đại đức! Đại Bồ-tát thân ý tịch tĩnh, quán pháp tịch tĩnh. Pháp đã tịch tĩnh quán Bồ-đề tịch tĩnh. Bồ-đề đã tịch tĩnh, quán nhẫn tịch tĩnh, không tùy cái khác, không chấp trong ngoài, đó là pháp Nhẫn vô sinh của Bồ-tát.

Lúc giảng nói pháp này, Bồ-tát Bất Thuấn và năm trăm Bồ-tát đạt pháp Nhẫn vô sinh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn khen Bồ-tát Bất Thuấn:

–Lành thay, lành thay! Thiện nam! pháp Nhẫn vô sinh mà ông giảng nói chính là pháp của chư Phật đã giảng.

Lại nữa, thiện nam! Bồ-tát đạt tâm tự tại là thành tựu Tammuội các pháp tự tại. Thế nào là thân tự tại?

Thiện nam! Bồ-tát trừ tham ái, được thân Đế Thích, Chuyển luân vương, tuy giảng về năm dục lạc cho vô số chúng sinh nhưng nội tâm không tham đắm. Đó là Bồ-tát đạt tâm tự tại.

Lại nữa, thiện nam! Khi Bồ-tát tu tập Tam-muội, bốn Tâm vô lượng, cầu sinh các cõi bằng tâm trí tuệ, không phải bằng tâm sinh tử. Tuy sinh vào cõi Dục nhưng không phải từ tâm dục, tâm không xa lìa Tam bảo, tu tập trang nghiêm các pháp Ba-la-mật, giáo hóa, điều phục chúng sinh bằng bốn Nhiếp pháp, tu ba mươi bảy phẩm Trợ đạo. Đó là Bồ-tát đạt tâm tự tại.

Lại nữa, thiện nam! Bồ-tát tu Không, Vô tướng, Vô nguyện nhưng không chứng ba pháp ấy, dạy cho chúng sinh hiểu ba pháp ấy, điều phuc hàng Thanh văn, Bích-chi-phật, nhập chánh định, tu vô sinh nên thuyết pháp, nghe xong chúng sẽ giải thoát, riêng mình không chứng Bồ-đề, dạy chúng sinh không bỏ Bồ-đề. Đó là Bồ-tát đạt tâm tự tại.

Lại nữa, thiện nam! Để điều phục hàng Thanh văn, Bích-chiphật nhập vô sinh chánh định tụ, Bồ-tát cũng đạt diệt định, thông đạt tất cả hành trong xuất nhập của các Tam-muội. Tuy thành tựu như thế vẫn không thủ chứng Tam-muội diệt tận. Vì sao? Vì chưa đầy đủ pháp Phật. Đó là Bồ-tát đạt tâm tự tại.

Lại nữa, thiện nam! Bồ-tát quán pháp giới bằng trí bình đẳng, quán thế gian, chúng sinh, việc thuyết giảng, phương tiện đều như thế. Đó là Bồ-tát đạt tâm tự tại.

Lại nữa, thiện nam! Bồ-tát được sinh vào cõi trời Trường thọ, thọ mạng chưa hết nhưng vì điều phục chúng sinh lại sinh vào cõi có mạng sống ngắn ngủi. Đó là Bồ-tát đạt tâm tự tại.

Lại nữa, thiện nam, Bồ-tát đầy đủ pháp lạc, bỏ pháp lạc, chịu khổ não vì chúng sinh, bảo hộ chúng sinh là để hộ trì chánh giác. Đó là Bồ-tát đạt tâm tự tại.

Lại nữa, thiện nam! Bồ-tát tuy thị hiện như Thanh văn, Bíchchi-phật nhưng tâm luôn hộ niệm đạo Bồ-đề, tu hạnh vi diệu của Bồđề, tùy thuận thuyết giảng cho Thanh văn, Bích-chi-phật nhưng không thủ chứng. Đó là Bồ-tát đạt tâm tự tại.

Lại nữa, thiện nam! Bồ-tát hiểu rõ tám vạn bốn ngàn pháp môn, biết nơi ở của phiền não, để trừ diệt mọi phiền não nơi chúng sinh, Bồ-tát vào đó, thuyết giảng giáo pháp, nhưng không bị phiền não nhiễm ô. Đó là Bồ-tát đạt tâm tự tại.

Lại nữa, thiện nam! Bồ-tát đầy đủ thần thông, thấy kẻ đui, điếc, què quặt, Bồ-tát hiện thân như chúng, giảng pháp cho chúng. Đó là Bồ-tát đạt tâm tự tại.

Lại nữa, thiện nam! Bồ-tát trọn vẹn trí tuệ, thông đạt các học thuyết bên ngoài, hiểu rõ tà luận, nội tâm không chấp tà, vì điều phục chúng sinh nên tu đạo ấy. Đó là Bồ-tát đạt tâm tự tại.

Lại nữa, thiện nam! Bồ-tát trọn vẹn các việc như thế được gọi là đạt tâm tự tại; đạt Tam-muội Nhất thiết pháp tự tại.

Tôn giả Tu-bồ-đề thưa:

–Thế Tôn! Bồ-tát Bất Thuấn đạt Tam-muội này lúc nào?

Phật nói:

–Cách đây vô lượng a-tăng-kỳ kiếp ở thời quá khứ, có Đức Phật hiệu Tự Tại Vương, là Đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, cõi nước tên Tịnh, kiếp cũng tên Tịnh. Cõi ấy, đất đai bằng phẳng, trang nghiêm bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê, cờ, phướn, lọng, thức ăn dồi dào như cõi trời Đâu-suất. Chúng sinh ở đó ít có tham, sân, si, phần đông là căn trí lanh lợi, hiểu lời Phật, thích pháp Đại thừa vô thượng. Đức Phật có tám vạn bốn ngàn chúng Đại Bồ-tát, ba vạn hai ngàn Thanh văn. Lúc đó trong đời có vua Chuyển luân tên Quảng Trì, hiệu Pháp Sĩ. Nhà vua có đủ bảy báu: xe, voi, ngựa, ngọc nữ, châu, binh, chủ tạng, một ngàn người con, cai trị khắp bốn thiên hạ bằng chánh pháp, không dùng hình phạt, thương yêu chúng sinh, dạy mười pháp lành, dân chúng ai cũng vui học. Ngàn con vua đều phát tâm Bồ-đề vô thượng. Vua cúng dường y phục, thức ăn, thuốc men, nhà cửa, giường nằm lên Phật, Bồ-tát, Thanh văn suốt một vạn năm. Sau đó, vua phát tâm Bồ-đề vô thượng, tu tập ba mươi bảy phẩm Trợ đạo để cầu đạo vô thượng. Thời ấy, Đức Phật trụ đời tám vạn bốn ngàn năm. Vua có một người con tên Pháp Ngữ, xuất gia học Phật, siêng năng tu tập, thanh tịnh giới đức, để đạt Bồ-đề vô thượng, Tỳ-kheo Pháp Ngữ suốt hai vạn năm không ngủ nghỉ, không giây phút nào khởi tâm tham, sân, si, giác quán ác, không nghĩ đến cha mẹ, bà con, thức ăn, vật dụng…, không tính đếm ngày giờ. Trong hai vạn năm luôn niệm Phật.

Tu-bồ-đề! Tỳ-kheo Pháp Ngữ siêng năng tu tập đạt bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Định vô sắc. Sau đó Tỳ-kheo đến chỗ Phật, lạy Phật, đi quanh ba vòng, lui đứng một bên, bạch Phật:

–Thế Tôn! Con phát tâm Bồ-đề vô thượng, đem lại an lạc cho tất cả chúng sinh, điều phục mọi loài, xin Thế Tôn thương xót chỉ dạy, con giáo hóa chúng sinh, thuyết giảng giáo pháp, bằng cách nào?

Phật bảo Tỳ-kheo:

–Có tám pháp Đà-la-ni, ai thành tựu sẽ được ngôn ngữ vô ngại, đủ khả năng thuyết giảng giáo pháp. Tám pháp đó là: Niệm Phật, biết Pháp thân; niệm Pháp biết pháp thanh tịnh; niệm Tăng biết không ngại; tư duy chân thật trừ giác quán ác; biết ngôn ngữ không thể nói; tu Xa-ma-tha biết các pháp cùng một vị; tu Tỳ-bàxá-na biết tánh các pháp vốn tịnh; tu trí phương tiện đạt nhẫn. Tỳkheo hành đủ tám Đà-la-ni này giảng pháp độ sinh được. Tỳ-kheo! Lại có tám pháp tinh tấn, nếu trọn vẹn sẽ giáo hóa chúng sinh được: Cầu pháp, trì pháp, quán pháp, thuyết pháp, hộ pháp, cúng dường Pháp sư, ủng hộ người thọ trì pháp, an trụ đúng pháp. Lại có tám pháp giúp Bồ-tát có thể giáo hóa chúng sinh; tu Từ, bình đẳng quán chúng sinh; tu Bi điều phục chúng sinh; quán pháp, đạt pháp vô thượng; quán trí, trừ kiêu mạn; hộ trì chúng sinh, đem đến pháp lạc; khéo tư duy, đoạn phiền não; tu pháp trợ đạo trang nghiêm Bồđề; hộ pháp; trọn vẹn sáu Độ.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát đầy đủ các pháp như thế sẽ đủ khả năng giáo hóa chúng sinh. Lúc đó, Tỳ-kheo nghe Phật dạy, suốt mười ngàn năm, chuyên tâm tư duy, siêng năng đạt pháp ấy. Nhờ siêng năng đạt Đà-la-ni Vô tận khí, nên hiểu biết tất cả ngôn ngữ của chúng sinh, tùy thuận giảng nói. Sau khi đạt Đà-la-ni này, Tỳ-kheo lại có vô số biện tài, đi khắp xóm làng thành ấp, giáo hóa chúng sinh tu pháp ba thừa, giảng pháp cho cha mẹ, bà con thân thuộc, khiến họ chứng pháp nhẫn tùy thuận.

Tu-bồ-đề! Tỳ-kheo lại đến chỗ Phật, lạy Phật, đi quanh bên phải ba vòng, lui đứng một bên, bạch Phật:

–Thế Tôn! Như lời Phật dạy, con đã chứng đạt. Nhờ thần lực của Phật con thành tựu trí tuệ Thánh.

Thế Tôn! Có Tam-muội nào, khi Bồ-tát đã đạt, tâm không thoái chuyển, nuôi lớn pháp lành không?

Phật nói:

–Tỳ-kheo! Có Tam-muội tên Nhất thiết pháp tự tại, Bồ-tát đạt được, tâm không thoái chuyển, tăng trưởng vô lượng pháp lành.

Nghe tên Tam-muội, Tỳ-kheo thưa Phật:

–Thế Tôn! Bồ-tát tu tập, học hỏi, thực hành như thế nào để đạt Tam-muội kia?

Tỳ-kheo! Bồ-tát tu tám pháp, tám trang nghiêm và tám phát tâm sẽ thành tựu Tam-muội kia. Đó là tám pháp: Tịnh tâm; chí tâm; bố thí; trừ phiền não; quán sáu cõi; tu nhẫn; tu định; thân tâm tịch tĩnh. Tám trang nghiêm: Xả, giới, công đức, trí, Xa-ma-tha, Tỳ-bàxá-na, phát tâm Bồ-đề, trang nghiêm tất cả pháp Phật. Tám phát tâm: Phát tâm không có chúng sinh, thọ mạng, sĩ phu, tất cả các pháp đều thí; tất cả các pháp đều vô thường, khổ, vô ngã; hết thảy các pháp đều là Không, Vô tướng, Vô nguyện; pháp vị lai không có trụ xứ; pháp hiện tại không có nơi dừng; tất cả các pháp không có nghiệp báo; tất cả các pháp không tạo tác, không lãnh thọ; tất cả pháp không hệ thuộc. Đầy đủ các pháp đó, Bồ-tát đạt Tam-muội trên.

Nghe vậy, Tỳ-kheo siêng năng tu tập. Không bao lâu, Tỳ-kheo đạt Tam-muội Nhất thiết pháp tự tại. Sau khi đạt Tam-muội, Tỳkheo phóng ánh sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên cõi nước. Sau đó Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu lạy Phật, đi quanh bên phải ba vòng, bay lên hư không cao bằng một cây Đa-la, ngồi kiết già suốt một ngàn năm, không lay động, sống bằng pháp Hỷ, đạt trí nhạo thuyết vô ngại, giúp ba vạn sáu ngàn ức chúng sinh đạt tâm không thoái chuyển, vô số chúng sinh an trụ nơi ba thừa. Sau ngàn năm, Tỳ-kheo rời tòa, thưa:

–Như Lai Thế Tôn! Nhờ siêng năng tu tập, thành tựu đạo Bồđề vô thượng, không lười biếng.

–Thiện nam! Ông đã trải qua vô số kiếp, thành tựu vô lượng, vô biên công đức, nên sớm đạt thần thông như thế.

Thiện nam! Ông đã trồng căn lành nơi bảy vạn sáu ngàn ức Phật, tịnh tu phạm hạnh. Nhờ căn lành từ quá khứ nên đạt quả lành hiện tại.

Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Ông biết không, Tỳ-kheo Pháp Ngữ đạt Tam-muội thời đó đâu phải là người nào lạ, chính là Bồ-tát Bất Thuấn đấy. Bồtát đã thành tựu vô lượng công đức như thế.

Khi Phật nêu giảng pháp này, có ba vạn hai ngàn chúng sinh phát tâm Bồ-đề vô thượng. Trong hư không Trời, Rồng, Thần, Cànthát-bà rải hoa hương cúng dường Bồ-tát Bất Thuấn, cùng nói:

–Hôm nay, chúng con thấy Bồ-tát đạt lợi ích lớn.

Lúc đó, Tôn giả Tu-bồ-đề nói với Bồ-tát Bất Thuấn:

–Thiện nam! Ông đã tu tập tịnh hạnh từ nhiều kiếp?

Bồ-tát đáp:

–Đại đức! Phạm hạnh không phải quá khứ, hiện tại, vị lai. Đã khong phải ba đời thì không tạo tác. Không tạo tác là hạnh. Hạnh đó không sinh, không tranh chấp, không giảng nói, không oai nghi.

Đại đức! Không phải hạnh mà mắt thấy biết nên là Phạm hạnh; không phải hạnh của tai, mũi, lưỡi, thân, ý nên là phạm hạnh; không phải hạnh của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không phải phạm hạnh của sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không phải: tướng, duyên, thấy, nghe, hay, biết, nên là phạm hạnh.

Đại đức! Cac pháp đó không đến, đi, dừng, níu, kéo, tính, đếm, trên, dưới, nên là phạm hạnh.

Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Thiện nam! Phạm hạnh là tám Chánh đạo.

Bồ-tát Bất Thuấn nói:

–Đại đức! Vì sao tám Chánh đạo là phạm hạnh? Nếu chánh kiến là phạm hạnh thì: Không thấy các pháp là chánh kiến, thấy các pháp bình đẳng, cái thấy không thấy là chánh kiến. Nếu không thấy làm sao gọi là chánh kiến? Không chánh kiến làm sao gọi là Phạm hạnh? Không tư duy là chánh tư duy. Tư duy là điên đảo. Nếu là điên đảo làm sao là chánh tư duy? Tất cả âm thanh đều bình đẳng: Thiện, ác, một, hai, quá khứ, vị lai, hiện tại, tất cả chữ, tất cả tiếng đều là tiếng vang. Nếu là tiếng vang làm sao gọi là chánh ngữ? Tiếng bình đẳng, tất cả pháp hành đều vô thường, khổ, vô ngã, Niết-bàn, tịch tĩnh. Quán sát các pháp, tướng Niết-bàn như thế rồi giảng dạy, đó được gọi là chánh ngữ. Không có: Thân, nghiệp thân; khẩu, nghiệp khẩu; ý, nghiệp ý. Vì sao? Vì không có nơi chốn của nghiệp. Nếu có nơi chốn của nghiệp thì sẽ có ngã, sở hữu ngã. Nếu không có ngã, ngã sở thì không có nghiệp quả. Quán như thế được gọi là chánh nghiệp. Vì mạng sống nên làm nhiều nghề tà ác. Trừ bỏ tà mạng được gọi là chánh mạng. Quán pháp đó không ngã, ngã sở, không có chúng sinh thọ mạng, sĩ phu. Nếu đã là không, làm sao gọi là chánh mạng? Với nhãn thức sắc không tham đắm, tánh nhãn thức là không. Vì tánh của thức là không nên nhãn sắc cũng không. Nhãn, sắc, thức không nên ý thức pháp cũng vậy. Quán như thế được gọi là chánh mạng. Không điên đảo, đoạn tinh tấn được gọi là chánh tinh tấn. Không có pháp siêng năng, không người siêng năng, không có sự thành tựu trọn vẹn về tinh tấn, không có siêng năng vì lợi ích. Quán sát như thế được gọi là chánh tinh tấn. Quán tất cả các pháp bình đẳng như hư không, các pháp là không, ấm nhập giới cũng thế. Quán các pháp như vậy được gọi là chánh niệm. Quán tất cả các pháp đều bình đẳng, không ngã, ngã sở. Quán như thế là chánh định.

Đại đức! Quán tanh của tất cả pháp bình dẳng là tám Chánh đạo. Đó là Phạm hạnh. Không thể đếm là tám Chánh đạo, không phải tám Chánh đạo được gọi là phạm hạnh. Không phải đạo thế gian, không phải tâm chấp trước, không hai tướng, không có tướng tạo tác, các pháp không có nơi dừng nên được gọi là Phạm hạnh.

Lúc Bồ-tát Bất Thuấn giảng về Phạm hạnh, có năm trăm Tỳkheo đoạn trừ phiền não, đạt quả A-la-hán. Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Hay thay, hay thay! Thiện nam! Đã thuyết pháp ấy. Pháp mà các A-la-hán đoạn trừ phiền não thuyết giảng cũng không khác.

–Đại đức! Tôi đã đoạn trừ phiền não, cũng là A-la-hán. Tôi đã đoạn các phiền não của Thanh văn, Duyên giác, an trụ đúng pháp, được gọi là A-la-hán.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Thế Tôn! Bồ-tát Bất Thuấn đủ trí nhạo thuyết vô ngại biện tài không thể nghĩ bàn, giải đáp tất cả.

Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Bồ-tát Bất Thuấn đạt Tam-muội Nhất thiết pháp tự tại. Tất cả Trời, Người, Ma, Phạm không thể cản trở trí nhạo thuyết vô ngại của Bồ-tát.

Bấy giờ, Đế Thích bạch Phật:

–Thế Tôn! Người tu tập trong vô số đời, đủ vô lượng công đức mới có thể thấy Bồ-tát Bất Thuấn, được nghe pháp.

Thế Tôn! Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ thọ trì, đọc tụng, biên chép, thuyết giảng, nghe pháp đều phát tâm Bồ-đề vô thượng, tất cả đều như Bồ-tát Bất Thuấn, gầm tiếng sư tử.

Thế Tôn! Con sẽ ủng hộ người đó.

Phật nói:

–Lành thay, lành thay! Kiều-thi-ca! Ông hãy chuyên tâm hộ trì chánh pháp.

Phạm vương lại thưa Phật:

–Thế Tôn! Con đã tu Tam-muội xả định, con sẽ bỏ pháp lạc để ủng hộ pháp Phật, trừ khổ não. Bất cứ nơi nào có thuyết giảng con đều đến đó, chuyên tâm nghe nhận. Nơi nào tin kinh này, cúng dường Tam bảo, con sẽ diệt trừ tất cả tướng ác ở đó, để cõi ấy thanh tịnh, thấm nhuần trong giáo pháp Phật.

Phật nói:

–Lành thay, lành thay! Phạm vương! Ông thật là người ủng hộ Phật pháp. Người bảo vệ chánh pháp như thế luôn có được ngọc báu Tam bảo.

Tứ Thiên vương lại bạch Phật:

–Thế Tôn! Con cũng bảo vệ người thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết, biên chép kinh này.

Phật nói:

–Lành thay, lành thay! Thiện nam! Người biết pháp mới có

thể hộ trì pháp. Ông đã nghe pháp, đạt Pháp nhãn, không sinh cõi ác. Nếu chuyên tâm hộ trì chánh pháp thì không bao lâu sẽ đoạn sinh tử.

Lúc đó, Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông nên thọ trì kinh này, giảng nghĩa cho bốn bộ chúng.

A-nan thưa:

–Thế Tôn! Con sẽ thọ trì kinh này như lời Phật dạy, phân biệt giảng giải cho bốn bộ chúng.

Bấy giờ chúng Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà… đại chúng đều vui mừng, tin thọ, phụng hành.