KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: TRƯỞNG GIẢ THUẦN ĐÀ

Bấy giờ, trong chúng hội có vị trưởng giả tên là Thuần-đà sống ở thành Câu-di, cùng với năm trăm người con của trưởng giả đi theo, các con được dạy dỗ hiếu thuận lễ nghĩa, uy đức phép tắc. Vị trưởng giả xem xét mọi người dự hội đều đã tập họp đông đủ, ông bèn sửa quần áo lại cho tươm tất để làm lễ Phật, ấp ủ trong lòng nỗi lo buồn. Như mặt trời bắt đầu ló dạng, ánh nắng rọi vào cây cối xanh tươi, gân đỏ của ngọn lá hiện rõ toàn bộ, khi đó trưởng giả kia cũng như thế, khắp cả mình mẩy tươm máu, nước mắt ròng ròng tựa mưa tuôn, ông đi quanh Đức Phật ngàn vòng rồi chắp tay bạch với Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con chỉ có một niềm ước mong, xin Thế Tôn và đại chúng xót thương thọ nhận sự cúng dường sau cùng của chúng con, điều đó sẽ khiến cho con và tất cả chúng sinh thảy đều nhờ ơn mà giải thoát. Ví như đứa con nghèo nàn của gia đình làm ruộng, vào tiết giữa xuân, nó cày cấy ruộng rẫy rồi gieo hạt giống, sau đó ngước lên mong mỏi trời mưa. Nay con gây đủ mọi thứ nhơ bẩn phiền não, tai họa về thân miệng ý như thế, nhờ ơn Phật con mới chập chững tập tành một ít ý nghĩ, chán bỏ xa lìa. Chỉ có điều ước nguyện, xin Đức Thế Tôn sẽ ra ơn ban cho cơn mưa giáo pháp, mong Ngài cùng với đại chúng đoái thương mà nhận lời thỉnh cầu của con, ruộng nương khô cạn bởi nắng hạn kéo dài sẽ được nhờ ơn từ bi nhuần thấm.

Bấy giờ, bậc Nhất Thiết Chủng Trí tôn quý trong đời biết tất cả đã đúng thời, bèn nói với Thuần-đà rằng:

–Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cùng với các đại chúng sẽ thọ nhận sự cúng dường sau cùng của ông.

Khi ấy, các hàng trời, người, A-tu-la nghe Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác thọ nhận sự cúng dường cuối cùng của trưởng giả Thuần-đà, tất cả đại chúng ôm ấp trong lòng niềm vui sướng, trăm miệng một lời khen là sự việc chưa từng có:

–Quý hóa thay! Quý hóa thay! Trưởng giả Thuần-đà! Đức hạnh và nguyện vọng của ông đã thỏa mãn đầy đủ. Kỳ lạ quá! Thuần-đà! Người ta sinh ra trong cõi người khó có được lợi ích, vậy mà nay ông đã được. Giống như cõi thế gian hiếm có hoa Ưu-đàm-bát, sự việc Đức Phật xuất hiện ở cõi đời còn khó gặp hơn thế nữa; lòng tin khó được, nghe giáo pháp cũng khó, được cúng dường bữa sau cùng khi Đức Phật sắp nhập Nê-hoàn lại khó khăn hơn sự việc kia. Lại nữa, này Thuầnđà! Ví như ánh trăng vào đêm rằm mùa xuân, vằng vặc sáng trong, không có những đám mây che lấp, tất cả chúng sinh không ai là không chiêm ngưỡng. Ông cũng như thế, Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cùng với các đại chúng thọ nhận sự bố thí cúng dường rốt ráo sang bờ bên kia lần cuối cùng của ông. Quý hóa thay! Thuần-đà! Vì thế, chúng tôi nói ông giống như vầng trăng vành vạnh, hết thảy chúng sinh không ai là không chiêm ngưỡng. Kỳ lạ thay! Thuần-đà! Ông là người con chân chính của Đức Phật, dù rằng ông sinh ra trong cõi người, song nay chúng tôi đều gọi ông là vị trời hơn hẳn trong hàng chư Thiên, vì thế chúng tôi phải rập đầu làm lễ. Ai nấy đều lên tiếng nói bài tụng khen ngợi:

Tuy sinh trong cõi người
Tướng trời đều đầy đủ
Tôi và tất cả chúng
Nay sẽ cúi đầu thưa.
Nếu thương xót nhận lời
Sẽ nói tâm nguyện mọn
Nếu muốn độ chúng sinh
Chỉ nên mau khuyến thỉnh.
Hôm nay Thiên Trung Thiên
Bậc Điều Ngự loài người
Mắt thần thông hoàn hảo
Tướng vô lượng công đức.
Vì chúng sinh năn nỉ
Bỏ phương tiện Niết-bàn
Thiên Trung Thiên ở đời
Rộng nói pháp cam lồ.
Khổ sống chết lâu xa
Từ nay được yên ổn.

Bấy giờ, trưởng giả Thuần-đà rất đỗi vui mừng, dường như có kẻ nào đó bị chết mất cha mẹ, nỗi buồn rất đau xót và khốn đốn đến tận cùng, lúc sắp sửa tiễn đưa người quá vãn đến bãi tha ma, bỗng dưng cha mẹ sống lại. Kẻ ấy chiêm ngưỡng phụng thờ, vui buồn lẫn lộn, tình cảm tôn kính tăng thêm gấp ba lần. Trưởng giả Thuần-đà và các người bà con thân thuộc cũng như thế, họ gieo năm vóc xuống đất, chắp hai bàn tay, đọc bài kệ tụng:

Vui thay ta nay được lợi lớn
Đã gặt diệu quả trong loài người
Sướng thay, nay ta được lợi lớn
Đóng mãi cửa địa ngục xấu ác.
Vui thay nay ta được lợi lớn
Đời sống được gặp quả vô thượng
Dường như tìm báu đẹp trong cát
Chợt gặp kim cương mừng quá chừng.
Sướng thay nay ta được khéo lìa
Súc sinh mê hoặc khắp nơi nơi
Vui thay nay ta được lợi lớn
Tin vững chắc hoa Ưu-đàm bát.
Sướng thay, nay ta được khéo lìa
Khổ đói khát ngạ quỷ keo kiệt
Vui thay nay ta được lợi lớn
Khó được bố thí đến bờ kia.
Từ rày đóng mãi các nẻo ác
Rốt ráo lìa A-tu-la vương
Sướng thay nay ta được lợi lớn
Như Lai ra đời rất khó gặp.
Nay ta gặp hoa Ưu-đàm bát
Cũng như hạt cải ném mũi kim
Vui thay nay ta được khéo lìa
Chấp thường của Tứ thiên đại vương.
Sướng thay nay ta được lợi lớn
Thấy hết thảy báu lớn pháp vương
Cho đến mười chỗ sinh trời Dục
Hiểu kỹ rõ ràng chẳng bám víu.
Vui thay nay ta được lợi lớn
Thế Hùng khó gặp, nay kính hầu
Giống ném hạt cải qua mũi kim
Gặp Phật rất khó lại hơn thế
Hết hăm lăm hữu nguồn ba cõi
Kim nhọn thí dụ cũng vậy thôi
Sướng thay nay ta được lợi lớn
Gặp gỡ Như Lai nguyện đầy đủ.
Diệt hết tất cả các hung ác
Vô lượng suy tối giặc vô tri
Vui thay nay ta được lợi lớn
Sinh gặp đấng hoa sen lìa bẩn.
Sướng thay nay ta được lìa mãi
Sóng cả nhận chìm biển sinh tử
Sướng thay sinh đời gặp Như Lai
Biển khơi rùa mù vớ gỗ nổi.
Vui thay nay ta được lìa mãi
Biển cả sống chết, rùa mù lầm
Sướng thay nay ta được lợi lớn
Đời chưa từng có kẻ sánh bằng.
Trời người năn nỉ đều chẳng nhận
Nay ta được báu khó thỉnh cầu
Vui thay nay ta được lợi lớn
Trời, người, Tu-la vốn tôn thờ.
Sướng thay nay được pháp quả ngay
Đại tiên nhận ta thỉnh sau cùng
Vui thay nay ta được lợi lớn
Cùng các người trời đều khuyến thỉnh.
Bỏ thứ thượng diệu trời người kia
Xót thương nhận ta cúng thô chát
Sướng thay nay ta được lợi lớn
Trời người hiến cúng nguyện không quả.
Ta cúng thô chát như y lan
Đại từ Như Lai thương xót nhận
Chư Thiên, dân chúng, A-tu-la
Ưu sầu gào khóc rập đầu thỉnh.
Đại bi Như Lai xót thương khắp
Xem chúng sinh đồng như con một
Ví phỏng không nhận mọi cơm cúng
Nguyện thương trời người chẳng diệt độ.
Các trời, người không cầu gì khác
Chỉ nguyện Như Lai ở đời hoài
Giống như Tu-di ở biển cả
Tòa kim cương giờ yên chẳng động.
Núi sông lồng bóng đoan nghiêm đẹp
Như Lai ở Hội lớn như thế
Uy quang pháp vương ngời bốn chúng
Dường như mây lấp cả thế gian.
Mặt trời ló dạng trừ mọi tối
Nay các thiên nhân cũng như vậy
Lo buồn tâm si tối lâu xa
Chỉ nguyện Như Lai ở đời lâu.
Mặt trời thánh tuệ trừ diệt thảy
Nguyện đấng Đại trí ở đời hoài
Nguyện bậc Đại hùng ở đời mãi
Khiến lòng chúng con lìa lo sợ
Giống như Tu-di yên bất động.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói cho Thuần-đà biết:

–Đúng thế! Này Thuần-đà! Phật xuất hiện ở đời rất khó gặp được, giống như một hạt kim cương bằng hạt thóc lẫn trong cát biển; thân người khó được lại còn khó hơn thế nữa, được lòng tin đầy đủ cũng lại rất khó, giống như con rùa mù gặp được bọng cây nổi giữa biển khơi. Được gặp Như Lai sắp sửa vào Nê-hoàn, việc mà ông cúng dường sau cùng là bố thí đến bờ bên kia lại còn khó hơn những điều đã nói trên kia, như hoa Ưu-đàm-bát qua thời gian dài chỉ nở một lần mà thôi. Này Thuần-đà! Hôm nay ông chớ sinh lòng lo buồn khổ não mà hãy nên vui mừng. Tại sao như thế? Ông hãy nên suy nghĩ thế này: “Hôm nay Đức Như Lai cùng với các đại chúng thọ nhận sự cúng dường và bố thí lớn lao sau cùng của ta, vì sự lợi ích tốt lành ấy, cho nên ta phải vui mừng”. Này Thuần-đà! Nay ông đừng thỉnh cầu Như Lai ở dài lâu trong cõi đời này, hãy nên xem xét thế gian thảy đều vô thường, bản tính của hết thảy các hành cũng như thế. Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói cho Thuần-đà bài kệ:

Cho dù ở đời lâu
Rốt cuộc cũng phải diệt
Tuy sinh trời Trường Thọ
Mạng cũng sẽ chấm dứt.
Việc thành rồi sẽ bại
Có đó rồi diệt mất
Khoẻ mạnh bị già hoại
Lực lưỡng bị bệnh khốn.
Người sống đều có chết
Vô thường đâu lâu được
Không sắc không sức mạnh
Cũng không có thọ mạng.
Vợ con và voi ngựa
Tiền tài đều thế cả
Các thân thích thế gian
Quyến thuộc đều xa cách.
Ba cõi quá hãi hùng
Cho đến khổ đường ác
Hạng này thảy diệt rốt
Sao chẳng thể chán chường.
Có tướng hữu, sinh, lão
Gọi là pháp hổ thẹn
Suy tính thường xâm lấn
Mà cho rằng trường tồn.
Pháp thù thắng mát mẻ
Lìa xa nỗi khủng khiếp
Cũng được lìa họa lớn
Sinh già bệnh và chết.
Tâm loạn ngu si bẩn
Nói đều độ hạng này
Vô lượng trùm khắp hết
Tịch diệt thù thắng diệu.
Nghĩa ấy thật vô thường
Chẳng phải pháp che chở
Chỉ là mọi khổ nhóm
Giả dối chẳng vững bền.
Không chịu, không nhẫn nổi
Cũng không thể giữ luôn
Hạng này như loài tằm
Kết kén mà tự buộc.
Xoay vần trong ba cõi
Không một chỗ đáng vui
Chỉ có tai vạ lớn
Khổ sinh già bệnh chết.
Biết nghĩa là thấy rõ
Ngày đêm thọ mạng trôi
Suy giảm pháp lừa dối
Khiếp sợ, không, vui tạm.
Lo đau ốm buồn phiền
Những phi nghĩa đầy ắp
Lửa dục chuyển rừng rực
Các nạn giành nhau đến.
Người trí chẳng ở hoài
Chịu lắm khổ đau này
Hiểu rõ họa năm dục
Không phải công đức lợi.
Lìa dục không tham lam
Rõ ràng thấy chân thật
Đó là quán giải thoát
Trừ bỏ các sinh già
Quở trách hại kết oán
Rốt ráo bỏ các hữu.
Từ rày mau lìa tất cả số
Dường như củi hết lửa rực tắt
Sắc đẹp sáng trong thường yên ổn
Không bị già suy làm phai mờ.
Vô lượng tật khổ chẳng thúc ép
Tuổi thọ lâu dài không cùng cực
Biển khổ không bờ thảy đã qua
Chẳng theo thời tiết dời kiếp số.
Vui thay Như Lai vượt ba cõi
Lại chẳng mê sống chết xoay vần
Ông chớ xem Ta diệt độ mãi
Dường như Tu-di trụ biển cả.
Thuần-đà! Nay Ta nhập Nê-hoàn
Chánh pháp bình đẳng an vui mãi
Những người sáng trí nghe nghĩa này
Hiểu kỹ rõ ràng chẳng âu lo.
Chớ đem thân sống chết giòn nguy
Trí tuệ nông cạn đo lường Phật
Thân ta chân thật ở yên ổn
Chỉ đấng Thiên Tôn mới hiểu rõ.

Bấy giờ, Thuần-đà bạch với Phật:

–Quý hóa thay! Quý hóa thay! Bạch Thế Tôn! Chúng con là hạng phàm phu thấp kém, được biết việc Nê-hoàn của Đức Thế Tôn, nay con liền cùng với các chúng Bồ-tát đại nhân và các vị La-hán kia không có gì sai khác, giống như Đồng tử Văn-thù-sư-lợi và các vị A-lahán. Trong những chúng này, nếu có người vừa mới thọ giới lần đầu tiên, lập tức họ được ở vào Tăng số trong ngày thọ giới. Nay con là hạng phàm phu thấp kém cũng như thế, được nhờ uy đức và thần lực của Phật mà con được đếm số cùng các chúng đại hiền này. Vâng, đúng thế, bạch Thế Tôn! Ước mong cho Đức Như Lai ở đời mãi mãi, con chẳng nguyện ước Ngài vào Nê-hoàn như hạt giống cháy tiêu.

Văn-thù-sư-lợi nói với Thuần-đà:

–Ông đừng có niềm ước mong như thế, lý do thế nào? Ông hãy nên quán thế này, thực hành pháp hữu vi, tính chất tự nhiên như thế, quán như vậy là trí tuệ quán lý Không được đầy đủ, người muốn cầu chánh pháp thì hãy nên khởi lên sự nhận thức như thế.

Thuần-đà trả lời:

–Thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Luận rằng, Đức Như Lai là đấng tôn quý trong loài người, là bậc Trời được tôn kính nhất trong hàng chư Thiên, tên gọi là Ứng Cúng thì chẳng lẽ Như Lai chấp hành việc ấy chăng? Nếu chấp hành như thế là pháp sinh diệt. Ví như bọt nước thoạt nổi lên rồi thoạt diệt mất, lưu chuyển qua lại in hệt bánh xe. Nếu như Đức Như Lai chấp hành số mạng như thế, kết cục Như Lai không vượt ra khỏi để đứng trên hàng người và trời được, Như Lai lại không phải là đấng Thiên Trung Thiên, cũng chẳng phải là bậc Ứng Cúng.

Lại nữa, thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Chẳng lẽ Tôn giả không nghe có cõi trời Trường Thọ sao? Thế mà nay Đức Như Lai sống không đầy trăm tuổi, thì sao gọi là khuôn phép của việc sinh tử, xứng đáng đứng trên hàng người và trời để thành bậc Thiên Trung Thiên, tên gọi là Ứng Cúng?

Thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Ví dụ như có người làm chủ thôn xóm, tùy theo công trạng to lớn của người ấy mà dần dần thuyên chuyển được làm chức vị cao, ông ấy phải được mọi người kính nể, vốn liếng sức của thoải mái. Khi phước hưởng thụ đã hết thì ông ấy trở thành kẻ nghèo hèn, người ta chẳng thèm đếm xỉa. Nếu như Đức Như Lai chấp hành số mạng như thế, thì cũng như vậy, Ngài không phải là bậc cao cả trong loài người, không phải vị Trời được tôn quý nhất trong hàng chư Thiên, cũng không phải là bậc xứng đáng được hưởng thụ sự cúng dường của hàng trời và người, mà chuyển thành hạng thấp kém. Vì sao? Vì pháp sinh khởi và diệt mất. Do đó, thưa Tôn giả Văn-thùsư-lợi! Tôn giả chớ khởi lên sự quán xét ấy mà cho là đấng Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác chấp hành số mạng như thế.

Lại nữa, thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Tôn giả biết mà nói, hay vì không biết mà nói? Sự phân biệt sai lầm, song cứ chấp giữ mọi tướng sai lầm ấy như thế nào mà Tôn giả nói rằng, Đức Như Lai chấp hành số mạng như thế? Ví bằng Đức Như Lai chấp hành số mạng như thế, thì chẳng thể gọi là đấng Pháp vương tự tại đối với ba cõi. Lý do ấy thế nào? Ví như có ông vua dũng mãnh, nhiều sức lực, một người địch lại ngàn người. Bấy giờ người ta đặt hiệu cho ông vua là Thiên lực sĩ vương (vua có thể địch nổi ngàn lực sĩ), vì ông ta có thể hàng phục cả ngàn người lực sĩ. Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng như vậy, hàng phục bốn loại ma: phiền não ma, ấm ma, tử ma và tự tại thiên ma. Các ma lực sĩ kiêu mạn như thế thảy đều khuất phục, vì thế Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác được gọi là đấng Pháp vương tự tại đối với ba cõi. Nếu như Đức Như Lai giữ theo khuôn phép qua đời như thế, thì không thể có công đức thực sự giống như ông vua Thiên lực sĩ vậy. Vì thế, thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Tôn giả chớ khởi lên vọng tưởng cho rằng Đức Như Lai chấp hành số mạng.

Lại nữa, thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Ví như ông trưởng giả giàu có chỉ sinh được một đứa con, thầy tướng xem bói đoán rằng đứa con ấy có tướng tuổi thọ ngắn ngủi, cha mẹ đứa bé nghe nói điều đó trong lòng hết sức lo buồn, tướng của chúng ta mỏng manh, nhà ở không tốt lành, sinh ra đứa con thì tuổi đời ngắn ngủi, thế rồi họ chẳng yêu chuộng nó nữa. Nguyên do thế nào? Luận rằng, trong hàng trời, người và Bà-la-môn có vị tuổi thọ ngắn ngủi, từ đó lớp ngang hàng với vị này chẳng quý mến kính nể, bởi vì vị kia có tuổi thọ ngắn ngủi. Như thế, thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Nếu cho rằng Đức Như Lai cùng tuổi thọ như người đời, cũng giống như người đời, không được cha mẹ kính mến, Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác chấp hành số mạng, thì cũng không được hàng trời, người, A-tu-la ái mộ và tôn kính, vì hiện thấy chuyển biến. Vì sao? Vì sự thấy biết, thoái lui, bại hoại của tất cả pháp giống như nhau, mà lại nói giáo pháp giải thoát cho chúng sinh, ý nghĩa như thế thì sao gọi là bậc Chánh Giác? Do đó, thưa Tôn giả Vănthù-sư-lợi! Tôn giả đừng khởi lên sự suy nghĩ xằng bậy cho rằng Đức Như Lai chấp hành số mạng.

Lại nữa, Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Giống như người con gái nghèo nàn không có chỗ dừng chân cư trú, lại thêm ốm đau. Rày đây mai đó, cô đi xin người ta tấm lòng, dừng lại nhà khách của người khác để ở trọ sinh một đứa con. Ông chủ nhà khách ấy xua đuổi khiến cô ta phải ra đi, cô ấy ẵm đứa con đi theo con đường hướng về đất nước giàu có sung sướng, giữa đường mỏi mệt, cô bị ruồi muỗi và sâu bọ độc hại cắn mổ vào thân thể của mình. Qua đến sông Hằng, cô ta ẵm đứa con mà sang sông. Bập bềnh trên dòng nước chảy xiết, song cô chẳng buông rời con mình, thế rồi đến nỗi chìm đắm, cả mẹ con đều chết. Do công đức và lòng từ cứu con như thế, nên khi tấm thân hủy hoại, mạng sống chung cuộc, thì cô ta được sinh lên cõi trời Tịnh Diệu. Lý do thế nào? Vì nhờ cô ta không tiếc mạng sống của mình để che chở cho con. Thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Như thế, Bồ-tát muốn cứu hộ chánh pháp, thì chẳng nên tạo tác hành quán, nên biết đó là người mù lòa, không có con mắt tuệ. Đối với Đức Thế Tôn, phải nên quán xét điều đó một cách đúng đắn, không thể nghĩ bàn. Nên biết Đức Như Lai không phải là pháp hữu vi, vì thế nên mới thị hiện giáo hóa cho chúng sinh được an vui. Người con gái nghèo nàn kia che chở cứu vớt đứa con của mình, đến nỗi chẳng tiếc thân mạng, cho nên được sinh lên cõi trời Tịnh Diệu. Vị Bồ-tát ủng hộ chánh pháp cũng như thế, có thể biết Như Lai không phải là pháp hữu vi, đó là pháp tồn tại lâu bền, đó là pháp trụ mãi mãi, nhờ sự hộ pháp này mà được pháp quả ngay hiện tiền, chóng thành bậc giải thoát.

Lại nữa, thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Ví như kẻ trượng phu đi xa, dừng chân ở nhờ nhà người khác, người ấy mệt nhọc quá đỗi rồi ngủ. Thình lình ngọn lửa mạnh bùng lên đốt cháy ngôi nhà này. Giật mình tỉnh dậy, người ấy nhìn thấy ngọn lửa cháy lan tiến sát thân mình, lòng muốn thoát ra khỏi nạn lửa, song quần áo bị cháy rụi, ông tự thẹn thùng bởi thân thể trần truồng, ông không ra khỏi ngôi nhà lửa để đến nỗi bị chết cháy. Do nhờ công đức hổ thẹn, nên khi thân thể hủy hoại, mạng sống chấm dứt, người ấy được làm vua ở tầng trời Ba Mươi Ba tám chục ngàn lần, lại làm vua cõi trời Phạm thiên một trăm ngàn lần. Sau này sinh vào trong loài người, người ấy thường làm Chuyển luân Thánh vương, không còn rơi xuống đường ác, mãi mãi ở chốn an vui, do lòng hổ thẹn cho nên được như vậy.

Thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Nên biết rằng Đức Như Lai thực hành phương tiện, tương ứng với người trượng phu kia do hổ thẹn mà chết. Thà làm kẻ ngoại đạo quen theo thói tà kiến, chứ không làm Tỳkheo giữ giới đối với Đức Như Lai vô vi mà dấy lên ý tưởng hữu vi, biết mà vẫn nói năng dối trá xằng bậy. Nếu người nào dấy lên ý tưởng hữu vi đối với Đức Như Lai, nên biết đó là người thường lấy chốn địa ngục A-tỳ làm nhà cửa, cho nên đừng tác ý số mạng hữu vi đối với Đức Như Lai. Nếu người nào có thể dấy lên ý tưởng vô vi đối với Đức Như Lai, từ đây người ấy sẽ được sang bên kia biển cả trí tuệ, chẳng bị thây chết làm mê hoặc, người ấy thành tựu trí tuệ Bát nhã sâu xa đến mức cùng cực, đem hiệu quả trí tuệ này để mau chóng đạt được tướng tốt đầy đủ của Đức Như Lai.

Bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi nói với Thuần-đà:

–Quý hóa thay! Này thiện nam! Ông nên biết như vầy, Đức Như Lai thường trụ vô vi, không phải là pháp biến dịch. Này thiện nam! Ông có trí ấy thì cũng có năng lực che giấu như Đức Phật, thị hiện phương tiện hữu vi. Nay chẳng bao lâu nữa, ông sẽ thành Phật đạo, như công đức đặc biệt kỳ lạ và tuyệt diệu thù thắng này, chỉ có Đức Phật Thế Tôn mới có thể nói lời khen ngợi.

Lại nữa, này Thuần-đà! Bố thí hợp thời và bố thí pháp vượt lên tất cả mọi sự bố thí. Bố thí đúng lúc là hoặc hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di; hoặc giả người từ phương xa đi đến đây; hoặc là người đang còn đi giữa đường; tùy theo sức của mình mà họ có thể đáp ứng nhanh chóng các thứ cần dùng, sự bố thí đến bờ bên kia như thế là hạt giống mọc lên quả báo lớn lao. Thuần-đà, nay ông hãy tùy theo sức của mình mà cúng dường bố thí lần sau cùng cho Đức Phật và Tăng.

Có lẽ ông biết rằng, nay đúng là lúc sắp đến giờ Đức Thế Tôn diệt độ.

Thuần-đà nói:

–Thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Phiền Tôn giả thúc giục tôi cúng thức ăn cấu uế này làm gì? Chẳng lẽ Đức Như Lai đáng chờ đợi ăn thức ăn này chăng? Suốt sáu năm, Đức Như Lai tu tập khổ hạnh là việc khó làm ở dưới gốc cây Đạo, hằng ngày chỉ ăn hạt mè hay hạt gạo mà vẫn còn tự mình gắng sức, huống gì nay trong chốc lát, chẳng lẽ không thể đợi được chăng? Ông bảo rằng, Đức Như Lai ăn thức ăn này chăng?

Pháp thân Như Lai không phải là thân dùng thức ăn cấu uế.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Những điều Thuần-đà nói ra là lời chân thật.

Phật lại nói với Thuần-đà:

–Ông trở thành người đại trí hiểu rõ Đại thừa.

Văn-thù-sư-lợi nói với Thuần-đà:

–Nay ông thành người hợp ý Đức Như Lai, được Phật hộ niệm.

Thuần-đà trả lời:

–Chẳng lẽ Đức Như Lai hộ niệm thiên vị chăng? Đức Phật đều hộ niệm tất cả chúng sinh một cách bình đẳng, Tôn giả đừng nói lên tư tưởng đảo ngược này, hộ niệm và đáng được hộ niệm, cả hai điều ấy thảy đều không đáng tạo tác việc làm như thế. Luận rằng, yêu thương và nghĩ đến là ví như con bò sữa, mặc dù khát nước và đói bụng nhưng nó vẫn đi tìm cỏ và nước. Hoặc giả đủ hay chưa đủ cỏ và nước, bỗng dưng nó nhớ nghĩ đến con của mình, bèn nhanh chóng quay trở về. Các Đức Phật Thế Tôn không có sự nhớ nghĩ khổ cực này, chư Phật coi tất cả chúng sinh đều giống như đứa con một, đó là trí tuệ nhớ nghĩ cảnh giới của các Đức Phật.

Lại nữa, thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Ví như chiếc xe báu được

kéo bằng voi hoặc ngựa, độ đi nhanh hay chậm chẳng giống nhau, như thế cỗ xe chín bộ của chúng ta không thể nào hỏi ngang hàng với trí tuệ của Đức Như Lai.

Lại nữa, thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Ví như vua của loài chim lông cánh sắc vàng vượt lên khoảng không mà bay vút, chim bay qua biển cả, hình bóng hiện rõ trong nước, thân mình của nó dài và lớn, các loài vật sinh sống dưới nước không loài nào có thể đo lường hình dáng của mình lớn hay nhỏ, như đứa trẻ nhỏ mắc bệnh không chịu nổi liều thuốc quá mạnh.

Văn-thù-sư-lợi nói:

–Đúng như những điều Thuần-đà nói, tôi và các hàng Bồ-tát, đối với công đức rất mực sâu xa mà lập nên luận thuyết này.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ gương mặt của mình, phóng ra ánh sáng đủ mọi màu sắc. Khi ấy, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi trông thấy ánh sáng này mới hay giờ Nê-hoàn của Đức Như Lai sắp đến, liền bảo cho trưởng giả Thuần-đà biết:

–Ông hãy cúng dường lần cuối cùng cho Như Lai, Như Lai sắp sửa vào Nê-hoàn rồi. Thời giờ ấy đã đến, có lẽ ông hãy nên mau bày ra. Thuần-đà! Nên biết Như Lai không vì không có nhân duyên mà phóng ra ánh sáng, ý nghĩa ấy có nguyên do. Hãy nên nhanh chóng!

Hãy nên nhanh chóng! Đừng để cho mất thời cơ như ngắt hoa quá lứa.

Trưởng giả Thuần-đà đứng lặng thinh, Phật bảo Thuần-đà:

–Lát nữa đây, Như Lai sẽ vào Nê-hoàn, nay đúng là lúc ông cúng dường Tăng.

Phật nói hai ba lần như thế, Thuần-đà buồn bã than:

–Kỳ lạ biết bao! Thế gian trống rỗng! Như Lai một đi không bao giờ trở lại.

Ông buồn bã gào khóc, nước mắt ròng ròng. Thế rồi ông lại giải bày cầu thỉnh, nguyện Phật xót thương mà ở mãi trong đời. Đức Thế Tôn bảo:

–Thuần-đà! Ông chớ khóc lóc, tự làm rối loạn tâm mình. Hãy nên suy nghĩ đúng đắn, tu phép quán về sóng nắng, cây chuối, giấc mộng hão huyền, ánh điện chớp, đồ dùng hủy nát v.v…, không có sự chân thật và bền chắc, nên biết hữu vi là ngôi nhà tai họa.

Thuần-đà bạch Phật:

–Bạch Như Lai! Như Lai chẳng xót thương trụ lại cõi đời, thế gian trống rỗng, chúng con cầm lòng sao được mà không khóc lóc.

Phật dạy:

–Này Thuần-đà! Nay Ta thương xót ông và hết thảy chúng sinh mà vào Nê-hoàn, đó là pháp tự nhiên của chư Phật, tính chất của pháp hữu vi cũng như thế. Đối với tất cả các hành tướng hữu vi, ông hãy nên nghĩ rằng, khi xưa Ta nói bài kệ vô thường, bài kệ thân này là tai họa, bài kệ sinh diệt giống như bong bóng trên mặt nước, ông chớ lo buồn vô ích, giống như pháp của người phàm tục.

Thuần-đà bạch:

–Đúng thế, bạch Thế Tôn! Quả thật con biết sự nhập Nê-hoàn của Như Lai là phương tiện, bởi không thể nào tự cầm lòng mình cho nên con âu sầu não ruột.

Phật bảo Thuần-đà:

–Quý hóa thay! Quý hóa thay! Này thiện nam! Nên biết rằng Nê-hoàn là phương tiện của Như Lai, nên biết rằng Phật từng trải như vượt qua biển cả, sống lâu, không phải sống lâu, pháp sinh khởi, pháp diệt, pháp hão huyền, pháp phương tiện, đúng lúc, không phải thời, tính, chẳng phải tính những việc như thế ông phải biết hết.

Này Thuần-đà! Nếu ông muốn vượt qua biển ba cõi một cách nhanh chóng, thì ông có thể mau mau bày ra những vật dụng cúng dường mà ông mang theo để cúng dường cho các hàng trời, người, Atu-la. Nay ông xứng đáng được làm công việc cúng dường lần sau chót, khiến cho tất cả chúng sinh được niềm vui sướng bất động từ bản thân Ta, ông và các người khác gặp được ruộng phước tốt lành. Đối với Như Lai Đẳng Chánh Giác, Ta chẳng làm khó dễ về sự bố thí đến bờ bên kia mà ông vốn đã thiết lập, tự nhiên cũng sẽ thành ruộng phước Như Lai.

Khi ấy, vì muốn độ tất cả chúng sinh, nên trưởng giả Thuần-đà gục đầu khóc sướt mướt, nước mắt đầm đìa như mưa. Ví như mặt trời mọc, ánh nắng chiếu rọi cây cối xanh tươi, gân đỏ của lá hiện ra toàn bộ, trưởng giả Thuần-đà cũng như vậy, máu và nước mắt đều tuôn rơi, rồi ông bạch Phật:

–Vâng, đúng như thế, bạch Thế Tôn! Nay con phải nghe theo lời dạy của Như Lai, thế nhưng ý nghĩa Nê-hoàn quá ư sâu xa của Như Lai, không phải hạng tầm thường nhỏ bé như con vốn có thể đo lường nổi, cũng chẳng phải điều mà hàng Thanh văn và Duyên giác hay biết, chỉ có cảnh giới trí tuệ của Phật Thế Tôn mới biết được.

Bấy giờ, Thuần-đà cùng với các thân thuộc, vì độ hết thảy chúng sinh, nên họ cúi đầu lễ dưới chân Đức Phật, đi vòng quanh về phía tay phải xong, họ đốt hương và rải hoa cúng dường Đức Thế Tôn. Cùng lúc, mọi người lại cúng dường Tôn giả Văn-thù-sư-lợi, để sắm sửa các thức cúng dường, cho nên mọi người quay trở về nhà mình.