SỐ 200
SOẠN TẬP KINH MỘT TRĂM TRUYỆN NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt chi
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 3: THỌ KÝ BÍCH-CHI-PHẬT

21- Truyện Vương Tử Hóa Sinh Chứng Thành Bích-Chi-Phật

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại nước Ma-kiệt-đề. Ngài dẫn đầu các Tỳ-kheo lần lượt đi giáo hóa các nơi. Đến bên bờ sông Hằng, thấy một ngôi tháp cũ kỹ đổ nát, không ai tu sửa, các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đây là ngôi tháp gì mà đổ nát, không người sửa sang tu bổ như thế?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại, có vị vua tên là Phạm-ma-đạt-đa. Vua cai trị nhân dân bằng chánh pháp, đời sống nhân dân rất sung túc, an vui, trong nước không có chiến tranh, tai dịch, tật bệnh; có nhiều voi ngựa, trâu dê, lục súc và các thứ vật báu. Tuy nhiên, vì không có con, vua phải cầu Thần linh để mong có con mà cũng chẳng có kết quả gì.

Bấy giờ, trong vườn của vua có một cái ao, trong ao mọc lên một bông sen rất đẹp. Khi hoa nở có một đứa bé đang ngồi kiết già trên bông sen, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của bậc đại nhân, miệng phát ra mùi thơm hoa Ưu-bát-la, các lỗ chân long trong thân có mùi hương chiên-đàn.

Khi ấy người giữ ao thuật lại việc này cho vua nghe. Nhà vua rất vui mừng, bèn cùng hậu phi đến tận nơi. Thấy đứa bé ấy, vua và hậu phi hoan hỷ khôn xiết, muốn chạy lại bồng lấy đứa bé, thì đứa bé liền nói kệ cho vua nghe:

Đại vương thường mong cầu
Nên nay ứng nguyện vua.
Vì thấy vua không con
Nay đến làm con vua.

Vua, hậu phi và thể nữ nghe nói thế, ai cũng vui mừng liền ẵm lấy đứa bé về hoàng cung nuôi dưỡng.

Đứa bé lớn dần và mỗi bước chân đi đều có mọc hoa sen, trong lỗ chân lông trên thân thoát ra mùi hương chiên-đàn. Do đó, vua đặt tên cho con là Chiên-đàn Hương.

Một hôm, đứa bé tự quan sát thấy mỗi dấu chân mình đều có mọc hoa sen, ban đầu thì tươi đẹp, nhưng không bao lâu đã úa rụng, bèn tự nghĩ: “Thân ta đây rồi cũng phải chết”. Tâm ngộ được lý vô thường, nên đứa bé thành Bích-chi-phật, thân bay lên hư không, hiện mười tám thứ thần biến rồi nhập Niết-bàn.

Lúc ấy vua, hậu phi và thể nữ đều ngửa mặt lên trời mà kêu khóc. Sau đó đem thi hài Bích-chi-phật về hỏa thiêu, nhặt lấy xá-lợi, xây tháp cúng dường. Cho nên ngôi tháp này chính là ngôi tháp ngày xưa ấy.

Các Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Vị Bích-chi-phật ấy đời trước tu phước đức gì mà được quả báo như vậy, cúi xin Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Cala-ca-tôn-đà.

Trong chánh pháp của Ngài, có một vị trưởng giả có vô lượng tài bảo không thể kể tính được. Sau khi trưởng giả này qua đời, vợ và con đều tự sống riêng. Người con ham mê sắc dục, có lần thấy một dâm nữ, trong lòng ham muốn nên lấy trăm lạng vàng để mua vui một đêm. Trải qua nhiều năm như vậy, tài vật dần dần cạn kiệt không còn gì nữa. Từ đó, dâm nữ từ chối mọi ham thích của người con. Khi gã nài nỉ để mua vui một đêm, thì dâm nữ nói rằng: “Nếu anh có thể cho tôi một bông hoa đẹp, tôi sẽ bằng lòng”.

Lúc ấy người con trưởng giả suy nghĩ: “Nhà ta không còn vật gì để mua được hoa cho dâm nữ, trong tháp vua hiện giờ chắc chắn có hoa đẹp, ta sẽ lấy trộm đem cho nàng và nàng sẽ phục vụ ta”. Gã muốn trộm hoa nhưng tháp có người coi giữ, nên không thể lấy được.

Chàng ta bèn chui qua lỗ trống để vào tháp và trộm được hoa đem cho dâm nữ. Qua một đêm hành lạc, ngày hôm sau toàn thân chàng ta đầy lở lói, gây đau đớn khổ não không thể tả. Gã liền nhờ các thầy thuốc chữa trị, họ đều nói rằng: “Cần phải có gỗ Ngưu đầu chiên-đàn để thoa lên ghẻ thì mới trị lành.”

Lúc ấy gã nghĩ rằng trong nhà chẳng còn tài vật, nên gã bèn bán ngôi nhà, được sáu mươi vạn đồng tiền vàng và mua được sáu lạng gỗ Ngưu đầu chiên-đàn trị ghẻ. Gã nói với thầy thuốc: “Căn bệnh hiện nay của tôi thuộc về tâm bệnh, các ông chỉ trị bên ngoài làm sao hết được”. Nói xong, gã bèn đem sáu lạng gỗ Ngưu đầu chiên-đàn mà mình đã mua nghiền thành bột, rồi bỏ vào trong tháp, phát thệ nguyện rộng lớn:

“Ngày xưa Đức Như Lai đã tu các khổ hạnh, thệ nguyện cứu độ làm cho chúng sinh thoát khỏi ách nạn mà họ mắc phải, nay thân con một đời đọa đày khốn khổ, cúi xin Thế Tôn từ bi thương xót trị bệnh cho con.” Phát lời thệ ấy rồi, người con trưởng giả liền lấy hai lạng chiên-đàn bột để bồi thường cho bông hoa trị giá hai lạng và tận lòng cúng dường hai lạng tô bên tháp để cầu xin sám hối.

Lúc ấy các mụt ghẻ liền được trị lành, các lỗ chân lông thoảng ra mùi thơm hương chiên-đàn. Nghe hương thơm ấy, người con trưởng giả vui mừng khôn xiết, phát nguyện rồi ra đi.

Nhờ công đức ấy, nên người con trưởng giả không bị đọa vào đường ác, thường sinh lên cõi trời, cõi người đều có mọc lên hoa sen đẹp đẽ, các lỗ chân lông luôn tỏa mùi thơm hương chiên-đàn.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, con của vị trưởng giả dùng bột chiên-đàn tô tháp cúng dường thời ấy, nay chính là vị Bích-chi-phật kia.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


22- Truyện Một Đứa Trẻ Rải Hoa Cúng Dường Phật

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đắp y ôm bát, dẫn đầu các Tỳ-kheo vào thành khất thực. Khi Đức Phật và chúng Tăng vào một con hẻm, thì thấy một người đàn bà đang ôm đứa trẻ ngồi dưới đất. Từ xa, đứa trẻ thấy Phật, trong lòng vui mừng xin mẹ mua hoa, mẹ liền mua cho.

Đứa trẻ được hoa, bèn mang đến chỗ Phật, rải lên mình Ngài cúng dường. Trong không trung các hoa này biến thành lọng hoa; mỗi bước chân Phật đi đứng lọng hoa cũng theo che chở Phật không rời.

Đứa trẻ thấy sự diễn biến như vậy rất vui mừng, phát thệ nguyện rộng lớn:

–Nguyện nhờ công đức căn lành cúng dường này, khiến đời vị lai con được thành Bậc Chánh Giác, hóa độ chúng sinh như Phật không khác.

Nghe đứa trẻ phát nguyện xong, Phật liền mỉm cười. Từ khuôn mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu Phật ba vòng rồi trở lại nhập vào đảnh Đức Phật.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bước ra bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn kính, Ngài không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ, vậy có viẹc gì khiến Như Lai mỉm cười như vậy? Cúi xin Ngài giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật bảo A-nan:

–Nay ông có thấy đứa trẻ rải hoa cúng dường Ta không?

A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật dạy:

–Đứa trẻ rải hoa cúng dường Ta này, ở đời vị lai không bị đọa vào đường ác, thường sinh lên cõi trời, cõi người, thọ hưởng sự vui sướng. Ba a-tăng-kỳ kiếp nữa, đứa bé ấy sẽ thành Phật hiệu là Hoa Thạnh, hóa độ chúng sinh nhiều không thể tính lường. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


23- Truyện Một Phụ Nữ Rải Vật Báu Cúng Dường Đức Phật

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại vườn trúc Ca-lan-đà, trong thành Vương xá.

Bấy giờ, trong nước có một người dẫn đầu đoàn lái buôn tên là Phù Hải. Một hôm Phù Hải cùng những người đi buôn ra biển để tìm châu báu. Người dẫn đầu đoàn người lái buôn có người vợ trẻ, dung mạo xinh đẹp, vì thương nhớ chồng nên đêm ngày buồn nhớ, mong chồng mau trở về. Một hôm, người vợ đến một đền thờ Thiên thần Na-la-diên cầu nguyện:

–Nếu trời có linh thiên thì không trái lời cầu nguyện của con người; vậy Thần hãy giúp cho chồng tôi sớm trở về an ổn, tôi sẽ đền ân Ngài bằng vàng bạc, chuỗi anh lạc. Nhưng nếu chồng tôi không về, tôi sẽ đem phẩn tiểu bất tịnh để hủy nhục Thần linh.

Người phụ nữ nguyện như thế rồi, mấy ngày sau, quả đúng như lời nguyện, người chồng an ổn trở về. Người vợ rất vui mừng, cùng các người hầu, đem vàng bạc, chuỗi anh lạc, vòng xuyến đến ngôi đền thờ trời. Đi giữa đường, người phụ nữ ấy gặp Đức Phật dẫn đầu các Tỳ-kheo đang trên đường vào thành Vương xá. Bấy giờ người phụ nữ thấy Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sang soi chiếu như trăm ngàn mặt trời; trong lòng vui mừng, muốn rải vang bạc, chuỗi anh lạc lên thân Phật cúng dường.

Lúc ấy các người hầu bảo đây không phải là trời Na-la-diên và ngăn cản không cho người nữ ấy cúng dường, nhưng người phụ nữ không nghe, vẫn rải anh lạc lên thân Phật cúng dường. Trên hư không anh lạc biến thành lọng báu; theo bước chân Phật đi đứng, lọng báu ấy cũng theo che chở không rời.

Thấy sự biến hóa ấy, người phụ nữ càng sinh lòng kính tin, bèn gieo năm vóc sát đất và phát thệ nguyện rộng lớn:

–Nay con đem công đức căn lành rải anh lạc cúng dường Phật, khiến ở đời vị lai con được thành Chánh giác, hóa độ khắp chúng sinh như Đức Phật không khác.

Người phụ nữ phát nguyện xong, Đức Phật liền mỉm cười. Từ khuôn mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu Đức  Phật ba vòng rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bước ra bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến Như Lai mỉm cười? Cúi xin Ngài giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Nay ông có thấy người phụ nữ rải vàng bạc, chuỗi anh lạc cúng dường Ta không?

A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, con có thấy.

Phật dạy:

–Người phụ nữ này, ở đời vị lai không bị đọa vào đường ác, được sinh lên cõi trời, cõi người, thọ hưởng sự vui sướng. Mười ba kiếp nữa, nàng sẽ thành Phật hiệu là Kim Luân Anh Lạc, hóa độ chúng sinh nhiều không thể tính lường. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


24- Truyện Bà Lão Thiện Ái Tham Lam Bỏn Sẻn

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một thể nữ hậu cung của vua Ba-tư-nặc, tên là Thiện Ái, tuổi đã già nua, nhưng rất tham lam, bỏn sẻn, không thích bố thí, chỉ muốn để mình hưởng thụ.

Khi ấy, vì muốn hóa độ bà nên một hôm Tôn giả Đại Mục-kiền-liên mặc y, ôm bát, dùng năng lực thần thông từ dưới đất vọt lên đứng trước mặt lão bà để khất thực.

Bà lão nổi giận không chịu bố thí. Ăn xong, còn một ít trái cây hư thối và nước rửa chén không uống được, khi Ngài Mục-kiền-liên xin, bà tức giận cho ngay. Ngài Mục-kiền-liên nhận rồi bay lên hư không, hiện ra mười tám thứ thần biến.

Bà lão thấy sự biến hóa liền sinh tâm kính tin, thành tâm quy y sám hối. Ngay trong đêm ấy, bà qua đời, tái sinh làm người ở dưới một gốc cây ngoài đồng trống, hằng ngày ăn trái cây, uống nước để sống.

Một thời gian sau, một hôm vua Ba-tư-nặc cùng các quan đi dạo chơi săn bắn. Khi đuổi theo bầy nai, đoàn người đói khát gần chết, từ xa thấy có bóng cây, mọi người hy vọng có thể tìm nước uống. Đoàn người nhắm hướng đó thẳng tới. Cách bóng cây không xa, họ thấy có ánh lửa. Vua không cho các quan đến gần. Từ xa thấy có người ngồi dưới gốc cây, vua liền hỏi vọng tới:

–Ngươi là ai mà ở dưới gốc cây vậy?

Người kia đáp:

–Tôi là thể nữ ở hậu cung của vua Ba-tư-nặc tuổi đã già nua, tên là Thiện Ái. Vì không thích ra ân bố thí nên khi chết đi tôi thác sinh ở đây. Cúi mong đại vương rủ lòng thương hãy vì tôi mà thỉnh Đức Phật và chúng Tăng cúng dường, giúp tôi thoát được tấm than xấu ác này.

Vua hỏi:

–Tôi làm việc phước hồi hướng cho bà, biết bà có được hưởng không?

Người kia đáp:

–Hễ làm phước thì được, chính đại vương sẽ thấy.

Nghe nói thế, vua Ba-tư-nặc ra lệnh cho binh lính lui ra xa một trăm bước, chỉ lưu lại một người để xem có gì báo lại. Còn vua trở lại hoàng cung lo việc thiết trai thỉnh Đức Phật và chúng Tăng cúng dường. Nếu kẻ kia được hưởng phước, thì có binh lính sẽ mau báo về cho vua hay hư thật thế nào.

Vua sắp sửa thức ăn cúng dường rồi thỉnh Đức Phật và chúng Tăng chú nguyện xong. Tự nhiên thức ăn đủ các vị ngon hiện ra trước mặt người kia.

Lúc ấy vua Ba-tư-nặc mới biết là thật, càng thêm kính tin Phật. Đức Phật bèn nói pháp cho vua nghe, vua được chứng quả Tu-đà-hoàn.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


25- Truyện Trưởng Giả Hàm Hương Thỉnh Phật

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả tên là Hàm Hương, là người có vô lượng tài bảo, không thể tính kể; bẩm tính hiền nhu, biết kính tin Tam bảo. Ông thường tự suy nghĩ: “Thân ta và những tài sản vật báu vốn là hư vọng không thật, như bóng trăng dưới nước, bóng nắng lúc trời nắng… không thể giữ được lâu bền”. Nghĩ vậy xong, trưởng giả đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài rồi lui đứng sang một bên, bạch:

–Con muốn thiết trai cúng dường Đức Phật và chúng Tăng, cúi xin Phật nhận lời.

Đức Phật liền nhận lời. Trưởng giả trở về nhà, sửa soạn các thức ăn ngon rồi nhờ người đến bạch Phật:

–Thức ăn đã dọn bày đầy đủ, cúi xin Đức Phật biết cho đã đến giờ.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn đắp y, ôm bát dẫn đầu các Tỳ-kheo đến nhà vị trưởng giả thọ trai.

Đức Phật và chúng Tăng thọ trai xong, trưởng giả rất vui mừng; ông ngồi trên chiếc ghế nhỏ đối trước Phật khao khát được nghe pháp. Đức Phật liền nói pháp cho trưởng giả nghe bằng nhiều cách.

Tâm ý trưởng giả được mở tỏ, nhân đó trưởng giả phát thệ nguyện rộng lớn:

–Nguyện đem công đức căn lành cúng dường này, đời sau con được thành Chánh giác, độ khắp chúng sinh như Đức Phật không khác.

Trưởng giả phát nguyện xong, Đức Phật liền mỉm cười. Từ trên mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến Như Lai mỉm cười? Cúi xin Ngài nói rõ cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Nay ông có thấy trưởng giả Hàm Hương sắm sửa các món ăn ngon cúng dường Đức Phật và chúng Tăng không?

A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật dạy:

–Nhờ công đức căn lành cúng dường này, nên trong chín mươi kiếp ở đời vị lai trưởng giả không bị đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, được sinh lên cõi trời, cõi người, thọ hưởng sự vui sướng và than sâu sau cùng được thành Bích-chi-phật, hiệu là Hàm Hương, hóa độ chúng sinh nhiều không thể tính lường. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


26- Truyện Người Lái Đò Đưa Đức Phật Và Chúng Tăng Qua Sông

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại nước Ma-kiệt-đề.

Bấy giờ, Đức Phật dẫn đầu các Tỳ-kheo lần lượt đi khắp nơi để hóa độ chúng sinh. Khi đến bên bờ sông Hằng, thấy một người lái đò đang đậu thuyền ở bến sông, Đức Phật bảo người lái đò:

–Ông hãy giúp Ta và chư Tăng qua sông.

Người lái đò bảo:

–Ngài phải trả tiền cho tôi, tôi mới đưa Ngài sang sông.

Đức Phật nói:

–Ta cũng là người đưa đò trong ba cõi, Ta và ông cùng nhau cứu vớt chúng sinh khỏi biển sinh tử, chẳng vui hay sao? Như Ương-quậtma-la là người nặng về giận dữ, giết hại nhân dân mà Ta còn cứu vớt khỏi biển sinh tử; như Ma-na-đáp-đà là người rất kiêu mạn, khinh rẻ kẻ khác, Ta cũng cứu độ ra khỏi biển sinh tử; lại như Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp là người nặng về ngu si có trí tuệ, Ta cũng cứu độ ra khỏi biển sinh tử… Vô lượng chúng sinh không thể tính kể như thế, Ta cũng đều cứu độ họ ra khỏi biển sinh tử, mà hoàn toàn không đòi hỏi nơi họ điều gì. Vậy giờ đây vì sao ông trước đòi hỏi cho mình rồi sau mới chịu đưa người sang sông?

Đức Thế Tôn dùng mọi cách nói pháp như thế cho người lái đò nghe, nhưng ông ta vẫn khư khư không chịu đưa Đức Phật và các Tỳ-kheo sang sông. Cùng lúc ấy tại bến đò phía dưới cũng có một người lái đò. Nghe lời Phật dạy, trong tâm vui mừng, bước đến bạch Phật:

–Con mong được đưa Đức Phật và chúng Tăng qua sông.

Đức Phật liền chấp nhận. Người lái đò liền chuẩn bị, rồi thỉnh chư Tăng xuống thuyền.

Lúc ấy các Tỳ-kheo, vị thì ở trên hư không, vị thì ở giữa dòng, vị thì qua đến bờ bên kia… Những người lái đò thấy Đức Phật và chúng Tăng hiện các thứ biến hóa như vậy, rất sinh tâm kính tin, khen là việc chưa từng có, bèn kính lễ Đức Phật và chúng Tăng. Đức Phật liền nói pháp cho họ nghe bằng mọi cách, tâm ý họ được mở tỏ, chứng được quả Tu-đà-hoàn.

Người lái đò đòi tiền công lúc nãy thấy người lái đò sau đã đưa Đức Phật và chúng Tăng qua sông, lại thấy các việc biến hóa nên trong tâm rất hổ thẹn, liền gieo năm vóc sát đất, thành kính quy y, sám hối trước Phật và muốn thỉnh Đức Phật và chúng Tăng cúng dường.

Đức Phật liền nhận lời, người lái đò trở về nhà sắm sửa các thức ăn ngon, tự tay dâng thức ăn cúng dường Đức Phật và chúng Tăng.

Đức Phật và các chư Tăng thọ trai xong, người lái đò ngồi trên chiếc ghế nhỏ ở trước Phật, khao khát được nghe pháp.

Đức Phật liền nói pháp cho người lái đò bằng mọi cách. Tâm ý được mở tỏ, nhân đó người lái đò phát thệ nguyện:

–Với công đức căn lành cúng dường này, con nguyện đời vị lai con được thành Chánh giác, hóa độ khắp chúng sinh như Phật không khác.

Người lái đò phát nguyện xong, Đức Phật liền mỉm cười. Từ trên mặt Đức Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến cho Như Lai mỉm cười? Cúi xin Ngài giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Nay ông có thấy người lái đò hổ thẹn, tự trách lỗi lầm của mình, đã thiết trai cúng dường Đức Phật và chúng Tăng để sám hối không?

A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật dạy:

–Người lái đò kia, nhờ công đức sám hối thiết trai cúng dường, nên đời vị lai trải qua mười ba kiếp không bị đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ; được sinh lên cõi trời, cõi người, thọ hưởng sự vui sướng và thân sau cùng được thành Bích-chi-phật, hiệu là Độ Sinh Tử Hải, hóa độ chúng sinh nhiều không thể tính lường. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


27- Truyện Người Tớ Gái Xoa Hương Chiên-Đàn Lên Chân Phật

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại vười trúc Ca-lan-đà, trong thành Vương xá.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả có một đứa tớ gái, bản tính hiền lành, biết kính tin Tam bảo.

Có lần, người nhà bảo người tớ gái nghiền hương chiên-đàn, cô tạm thời ra ngoài. Gặp Đức Phật Thế Tôn, đắp y ôm bát dẫn đầu các Tỳ-kheo vào thành khất thực, người tớ gái rất vui mừng, liền trở vào nhà lấy ít bột chiên-đàn đem thoa lên chân Phật.

Lúc ấy Phật dùng thần lực khiến mây hương chiên-đàn bay tỏa bao trùm khắp thành Vương xá. Người tớ gái thấy sự biến hóa ấy càng sinh tâm kính tin, liền gieo năm vóc sát đất. Nhân đó nàng phát thệ nguyện:

–Với công đức cúng dường mùi hương này, con nguyện đời sau được thoát khỏi hẳn cảnh nghèo khổ thấp hèn sớm thành Chánh giác, hóa độ khắp chúng sinh như Đức Phật không khác.

Người tớ gái phát nguyện xong, Đức Phật liền mỉm cười. Từ mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến cho Như Lai mỉm cười? Cúi xin Ngài giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Ông có thấy người tớ gái của trưởng giả xoa hương chiên-đàn lên chân Ta không?

A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật dạy:

–Nhờ công đức căn lành xoa hương chiên-đàn lên chân Ta, nên người tớ gái ấy, trong chín mươi kiếp ở đời vị lai thân thể được thơm sạch; không bị đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ; được sinh lên cõi trời, cõi người thường thọ hưởng sự vui sướng và thân sau cùng được thành Bích-chi-phật, hiệu là Chiên-đàn Hương, hóa độ chúng sinh nhiều không thể tính lường. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


28- Truyện Người Nghèo Bạt-Đề Bố Thí Củi Cho Phật

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một người nghèo khổ tên là Bạt-đề, sinh sống bằng cách trông coi vườn tược cho người. Một hôm, người nghèo này gánh củi vào thành bán. Khi vào cửa thành anh gặp một Hóa nhân. Hóa nhân nói:

–Nếu ngươi có thể đem củi này cho ta, ta sẽ cho nhà ngươi tram món thức ăn.

Người nghèo khổ nghe vị Hóa nhân nói vậy, trong lòng mừng rỡ và đem củi cho Hóa nhân.

Lúc ấy Hóa nhân bảo:

–Nay ngươi hãy đem củi này đi theo ta đến tinh xá Kỳ hoàn. Ta sẽ cho các món thức ăn ngon.

Người nghèo liền theo Hóa nhân đến Kỳ hoàn, thấy Phật với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như tram ngàn mặt trời. Anh ta rất vui mừng, bước đến đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi hiến cúng số củi cho Phật.

Đức Phật nhận củi rồi cắm xuống đất, Ngài dùng thần lực khiến củi khô trong phút chốc đã mọc cành sinh lá, hoa quả sum suê kết thành chùm rất đẹp, chẳng khác nào cây Ni-câu-đà.

Bấy giờ Đức Thế Tôn ngồi kiết già dưới gốc cây ấy, giảng nói pháp mầu cho trăm ngàn muôn trời người.

Người nghèo thấy vậy, trong lòng vui mừng, liền gieo năm vóc sát đất, phát thệ nguyện rộng lớn:

–Nguyện đem công đức bố thí củi cho Phật này, khiến đời vị lai con được thành Chánh giác, hóa độ khắp chúng sinh như Đức Phật không khác.

Người nghèo phát nguyện xong, Đức Phật liền mỉm cười. Từ trên mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bước tới bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến Như Lai mỉm cười như vậy? Cúi xin Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Ông có thấy người giữ vườn nghèo khổ bố thí củi cho Ta không?

A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật dạy:

–Nhờ công đức căn lành bố thí củi cho Ta với tâm kính tin, cho nên ở đời vị lai trong mười ba kiếp người nghèo này không bị đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ; được sinh lên cõi trời, cõi người, thường thọ hưởng sự vui sướng và thân sau cùng được thành Bích-chi-phật, hiệu là Ly Cấu, hóa độ chúng sinh nhiều không thể tính lường. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


29- Truyện Về Việc Trổi Nhạc Cúng Dường Được Chứng Thành Bích-Chi-Phật

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ các trưởng giả giàu có trong nước này đều chưng diện, mặc y phục đẹp, đeo chuỗi anh lạc vàng xuyến, đem theo hương hoa đến, trổi kỹ nhạc cùng nhau tụ họp, định ra ngoài thành để du ngoạn vui chơi. Khi vừa đến cửa thành, các trưởng giả gặp Thế Tôn dẫn đầu các Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành khất thực. Các trưởng giả thấy Đức Phật Như Lai có ánh sáng rực rỡ, với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm ngàn mặt trời. Ai nấy đều vui mừng, đảnh lễ dưới chân Phật, tấu trổi âm nhạc để cúng dường Đức Phật và chúng Tăng. Mỗi người đều tung rải các thứ hoa mình mang theo lên thân Đức Phật để cúng dường. Ở trên khôngtrung, các hoa này biến thành lọng hoa, Đức Phật dùng thần lực biến lọng hoa ấy trùm khắp thành Xá-vệ.

Các trưởng giả thấy viêc biến hóa như vậy, đều khen là việc chưa từng có, liền gieo năm vóc sát đất, nhân đó phát thệ nguyện:

–Với công đức căn lành tấu trổi âm nhạc này, nguyện cho đời sau chúng con được thành Chánh giác, độ khắp chúng sinh như Đức Phật không khác.

Các trưởng giả phát nguyện xong, Đức Phật liền mỉm cười. Từ trên mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Lúc ấy Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không bao giờ mỉm cười cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến cho Như Lai mỉm cười như vậy? Cúi xin Ngài giải thích rõ cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Ông có thấy các trưởng giả này hay không?

A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, con có thấy.

–Nhờ công đức căn lành tấu trổi âm nhạc, rải hoa cúng dường này cho nên trong một trăm kiếp ở đời vị lai các trưởng giả này không bị đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ; được sinh lên cõi trời, cõi người, thường thọ hưởng sự vui sướng và thân sau cùng tất cả đều thành Bích-chi-phật, đều đồng một hiệu là Diệu Thanh, hóa độ chúng sinh nhiều không thể tính lường. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


30- Truyện Tên Cướp Ác Nô

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một người ngu tên là Ác Nô. Ác Nô rình rập đó đây, cướp giật của cải người khác để sinh sống. Có một vị Tỳ-kheo đang ngồi thiền, hành đạo ngoài gò mả. Sắp đến giờ ăn, thầy Tỳ-kheo này đắp y, ôm bát vào thành khất thực. Lúc ấy có vị trưởng giả thấy vị Tỳ-kheo có oai nghi khoan thai nên sinh tâm kính tin, liền vào nhà lấy một xấp vải cúng dường vị ấy.

Trở về nơi gò mả, thầy Tỳ-kheo gặp tên cướp kia. Thấy Tỳ-kheo đang cầm xấp vải đi tới, tên cướp theo hỏi xin. Thầy Tỳ-kheo liền cầm xấp vải đưa cho Ác Nô. Ngày hôm sau, tên cướp trở lại hỏi xin vải nữa và vị Tỳ-kheo cũng cho vải. Đến ngày thứ ba, khi thầy Tỳ-kheo đi khất thực vừa về đến nơi, thì kẻ cướp lại đòi xin bình bát.

Lúc ấy thầy Tỳ-kheo suy nghĩ: “Ta chỉ có một cái bình bát dung để khất thực nuôi mạng sống, thế mà tên cướp này cũng muốn xin. Thật là tham lam quá sức! Bây giờ, ta phải bày kế truyền pháp Tam quy cho hắn, nhằm sửa trị và để hắn không còn đến quấy nhiễu nữa”.

Nghĩ xong, thầy Tỳ-kheo liền nói với tên cướp:

–Hãy đợi tôi nghỉ một chút rồi sẽ cho bình bát.

Tên cướp nghe vị Tỳ-kheo nói vậy, đành phải ngồi chờ.

Lúc ấy thầy Tỳ-kheo dùng dây giăng bẫy, đầu dây hướng vào phía trong và nói với Ác Nô:

–Bây giờ, ta mệt quá không thể ngồi dậy, ngươi hãy đưa tay vào trong này, ta sẽ trao bát cho.

Tên cướp nghe nói liền đưa tay vào trong. Tỳ-kheo ở bên trong giật dây và bắt được Ác Nô trói vào chân giường rồi ra ngoài lấy cây đánh, nói rằng:

–Gậy thứ nhất là quy y Phật.

Tên cướp đau điếng, hồi lâu mới hết. Thầy Tỳ-kheo quở trách bằng mọi cách rồi lại đánh, nói tiếp:

–Gậy thứ hai là quy y Pháp.

Ác Nô bị roi này còn đau hơn nữa, đau đến chết ngất, hồi lâu mới tỉnh lại. Vị Tỳ-kheo tiếp tục quở trách, đánh gậy thứ ba và nói:

–Gậy thứ ba là quy y Tăng.

Lúc ấy Ác Nô thầm nghĩ: “Hôm nay, ta bị trận đòn thấm thía, đau không thể chịu nổi. Nếu ta không cúi đầu, thì vị Tỳ-kheo sẽ truyền cho phép quy y thứ tư nữa, chắc ta phải chết”.

Nghĩ vậy, tên cướp liền xin tạ tội. Khi ấy thầy Tỳ-kheo liền thả cho về.

Ác Nô liền chạy đến chỗ Đức Phật, lớn tiếng nói:

–Thế Tôn thật Đại từ bi dạy các Tỳ-kheo chỉ truyền cho con ba phép quy y, nên con khỏi chết. Chứ nếu thọ bốn quy y, chắc chắn con phải chết không nghi ngờ gì, thì còn đâu nữa mà quy y.

Bấy giờ Thế Tôn biết tâm niệm Ác Nô đã được điều phục, Ngài liền nói pháp cho nghe. Tâm ý Ác Nô được mở tỏ, chứng quả Tu-đà-hoàn và xin Phật xuất gia.

Lúc ấy Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Ác Nô râu tóc tự rụng, thân mặc pháp phục trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập và chứng quả La-hán, đầy đủ ba minh, sáu phép thần thông và tám pháp giải thoát; được trời, người kính trọng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.