SỐ 184
KINH TU HÀNH BẢN KHỞI
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Sa-môn Trúc Đại Lực và Khang Mạnh Tường
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 3: THI TÀI NĂNG

Thái tử và các quan, quyến thuộc trở về hoàng cung.

Đến năm mười bảy tuổi tài năng kỳ diệu của Thái tử càng hiện rõ hơn, nhưng ngày đêm Thái tử vẫn luôn ưu tư, chưa từng vui vẻ. Ngài vẫn luôn nhớ đến chí nguyện xuất gia.

Vua cha hỏi người hầu cận:

-Thái tử thế nào?

Người hầu cận đáp;

-Thái tử vẫn ngày ngày ưu tư, Ngài chưa từng vui vẻ.

Vua cha lại lo âu, ngài triệu tập các quan hỏi:

-Thái tử vẫn ưu tư, nay chúng ta phải làm gì?

Có một vị quan cận thần tâu:

-Nên tập luyện cho Thái tử về binh mã hoặc tập cho Ngài thật giỏi môn bắn cung và đưa Ngài đi tuần tra bờ cõi của nước nhà, khiến cho khi thi hành công việc, Ngài sẽ quên đi những ý nghĩ khác.

Một vị quan khác tâu:

-Thái tử đã lớn bệ hạ nên lo việc kết hôn cho Thái tử để Thái tử không còn ý nghĩ đến việc xuất gia.

Vua cha tuyển chọn biết bao nhiêu cô gái đẹp, nhưng Thái tử chẳng bằng lòng một ai cả.

Ở tiểu quốc kia có một vị vua tên là Tu-bà-phật (Thiện Giác). Nhà vua này có một người con gái tên Cù-di đoan trang xinh đẹp ít ai sánh bằng. Các vua trong tám nước đều muốn cầu hôn Cù-di cho con của họ, nhưng vua đều từ khước.

Vua Bạch Tịnh nghe tin cho mời vua Thiện Giác đến và nói:

-Ta vì Thái tử, muốn cưới cô con gái đẹp của ngài cho Thái tử.

Vua Thiện Giác đáp:

-Con của tôi có mẫu hậu và quần thần, quốc sư, Phạm chí đảm trách lo liệu, riêng tôi chưa thể trình bày ý của tôi được.

Sau đó vua Thiện Giác trở về nước lo buồn không an, tuyệt không ăn uống. Cô con gái hỏi thăm vua cha sao sức khỏe bất an hay vì cớ gì mà vua cha không vui. Vua cha đáp:

-Vì con nên khiến ta lo lắng.

Cù-di hỏi:

-Tại sao lại vì con, thưa cha?

Vua cha trả lời:

-Ta nghe các quốc vương đến cầu hôn con, ta đều không bằng lòng. Nay vua Bạch Tịnh muốn cầu hôn con cho Thái tử. Nếu ta không bằng lòng e sẽ bị trách phạt, còn bằng lòng thì các nước oán thù. Do đó nên khiến ta lo buồn.

Cô gái thưa:

-Xin phụ vương an tâm, vấn đề này không khó gì. Con xin khất lại bảy ngày, con sẽ đến đó.

Vua Thiện Giác đồng ý và dâng thư tâu vua Bạch Tịnh: “Con gái tôi xin khất lại bảy ngày, sau đó nó sẽ đến và yêu cầu mở cuộc thi những người có tài năng, võ nghệ cao cường ở trong nước của nhà vua, lúc đó con tôi mới bằng lòng lễ cầu hôn”.

Vua Bạch Tịnh suy nghĩ: “Thái tử ở trong cung chưa tập luyện. Nay cô gái ấy muốn thử tài năng, ta phải làm thế nào đây?”.

Đến đúng ngày hẹn, Cù-di đi cùng năm trăm thị nữ lên trên cổng thành, yêu cầu:

-Những người có tài năng của các nước, tất cả đều vân tập để cho tôi duyệt xem ai có kỹ thuật, lễ nhạc thật hoàn chỉnh và đầy đủ nhất, tôi mới bằng lòng kết hôn.

Vua Bạch Tịnh ra lệnh quần thần phải sai các kỹ thuật quan sát hý trường và nói với Ưu-đà:

-Ngươi thưa với Thái tử là muốn cưới vợ phải thể hiện những tài năng xuất sắc nhất.

Ưu-đà tuân lệnh, đến thưa với Thái tử:

-Nhà vua bảo phải thi lễ nhạc mới được cưới vợ, xin mời Thái tử đến hý trường.

Thái tử cùng Ưu-đà, Nan-đà, Điều-đạt, A-nan… năm trăm người, mang theo những nhạc cụ và dụng cụ như cung kiếm… rời khỏi cổng thành. Ngay nơi cổng thành để một con voi áng ngữ để thử người nào có sức mạnh. Điều-Đạt đi đầu tiên, thấy voi chận cổng liền nắm tay đấm con voi một đấm làm cho con voi chết liền. Nan-đà đi đến thấy, kéo xác voi để một bên đường. Thái tử đến sau hỏi người hầu cận:

-Ai đã giết con voi này?

Người hầu đáp:

-Điều-đạt giết nó.

Thái tử lại hỏi:

-Ai lại kéo nó?

Người hầu thưa.

-Nan-đà.

Bồ-tát nhân từ, chậm rãi đến trước xem xét con voi rồi nhấc nó ném lên ra khỏi thành, con voi trở nên tươi tỉnh sống lại.

Điều-đạt đến thao trường cùng đấu với các lực sĩ, không ai địch nổi ông ta. Các lực sĩ mạnh khỏe đều bị đánh gục. Vua hỏi bề tôi:

-Ai là người chiến thắng?

Bề tôi đáp:

-Điều-đạt.

Nhà vua bảo Nan-đà:

-Ngươi cùng Điều-đạt hai người đọ sức thử.

Nan-đà tuân lệnh đánh nhau cùng Điều-đạt. Điều-đạt quỵ chân bất tỉnh, các thị vệ dùng nước rưới lên người ông ta, phút chốc ông ta mới tỉnh dậy. Nhà vua lại hỏi:

-Ai là người chiến thắng.

Bề tôi đáp:

-Nan-đà chiến thắng.

Nhà vua bảo Nan-đà cùng Thái tử quyết đấu. Nan-đà tâu:

-Anh như núi Tu-di, Nan-đà như hạt cải. Thật tình con không dám sánh cùng.

Nói xong, Nan-đà bái lui.

Tiếp đến là thi bắn cung. Trước tiên, người ta đặt một cái trống bằng sắt, cứ cách mười dặm người ta đặt một cái, tất cả có bảy cái trống. Những người bắn cung giỏi thì sức mạnh của mũi tên họ bắn không tới một cái trống. Điều-đạt bắn thì xuyên suốt cái thứ nhất đến trúng cái trống thứ hai. Nan-đà bắn xuyên hai trống và mũi tên găm vào trống thứ ba. Ngoài ra, những người tài ba khác không thể sánh kịp.

Thái tử đến kéo thử cung, cái nào cũng bị gãy, không vừa với tay của Ngài. Nhà vua bảo người hầu cận:

-Tiên tổ của ta có cây cung hiện nay đang thờ tại thiên miếu. Ngươi lấy đem đến đây.

Người hầu cận đi lấy cung, phải hai người mới khiêng nổi. Mọi người không thể nào nhấc lên được. Thái tử giương cung, tiếng cung nghe tiếng như sấm nổ, truyền đến tai mọi người đều nghe thấy. Âm thanh Thái tử kéo sợi dây đồng đến bốn mươi dặm còn nghe. Mũi tên từ dây cung phóng ra xuyên qua bảy cái trống, phát thứ hai xuyên qua trống, đâm vào lòng đất làm suối nước vọt lên, phát thứ ba xuyên qua trống, mắc vào núi Thiết vi. Tất cả mọi người trong hội chúng đều ca ngợi là việc chưa từng có. Những người đến dự thi đều thua cuộc, thẹn nên bỏ đi.

Lại có một ông vua khỏe mạnh là người đến sau cùng, tráng kiện phi thường, dũng mãnh tuyệt thế. Ông ta cho rằng Điều-đạt, Nan-đà là không đủ sức đánh nên ông ta phải đi đến thi đấu tài nghệ cùng Thái tử. Những người bị khuất phục bỏ đi, nghe được tin báo, họ vô cùng mừng rỡ nói với vị vua có sức mạnh:

-Sự hùng kiệt của ngài ở đời không ai sánh nổi, chắc chắn sẽ giành phần thắng, như ý muốn.

Họ kéo theo sau người ấy, trở lại xem ông ta và Thái tử ai thắng ái bại.

Điều-đạt, Nan-đà tận dụng hết sức mạnh của mình muốn đánh trước. Thái tử ngăn lại nói:

-Đây chẳng phải là người mà là Ma vương có sức mạnh hơn người mà thôi. Các ngươi không thể khống chế được, ất sẽ bị ông ta khuất phục, để ta đương đầu cho.

Vua cha nghe được điều này, nghĩ rằng sức Thái tử còn yếu nên rất lo sợ. Còn những người đến xem thì cho rằng Thái tử sẽ thắng.

Lúc đó, vị vua có sức mạnh đạp mạnh xuống đất, nhảy vọt lên, dùng hết sức bình sinh đưa tay túm lấy Thái tử. Ngay lúc đó Thái tử chụp lấy và quật ông ta xuống đất, đất bị chuyển động mạnh, trong hội chúng rất nể phục, tản mát bỏ đi hết. Thái tử đã hoàn toàn chiến thắng, mọi người hoan hỷ nổi chuông trống, đàn sáo ca vang cùng đoàn ngựa xe trở về hoàng cung.

Ưu-đà tâu vua Thiện Giác:

-Tài nghệ của Thái tử thật là tuyệt luân, ái nữ Cù-di của ngài nay ở đâu?

Vua Thiện Giác đáp:

-Cù-di đang cùng năm trăm thị nữ đang ở trên cổng thành.

Ưu-đà tâu Thái tử:

-Ngài nên thực hiện một cuộc chọn lựa đặc biệt.

Thái tử cởi một chuỗi ngọc anh lạc quý giá nhất trên thân và định gieo xuống, ưu-đà thưa:

-Các cô gái thì nhiều, bây giờ Ngài muốn cho ai?

Thái tử đáp:

-Chuỗi ngọc anh lạc này trúng vào cổ ai thì thuộc về người đó.

Nói rồi, ném chuỗi ngọc anh lạc trúng nhằm Cù-di. Tất cả các cô gái đều ca ngợi sự kiện quá ư huyền diệu và hy hữu, thù thắng nhất trên đời.

Khi ấy, vua Thiện Giác chuẩn bị chu đáo tiễn cô con gái về cung Thái tử. Có hai vạn thị nữ theo hầu, ngày đem vui chơi đủ mọi âm thanh tuyệt đỉnh nhất trên thế gian. Tâm chí Thái tử không lấy đó làm vui, Ngài vẫn muốn bỏ đi để tĩnh tu đạo nghiệp, cứu độ chúng sinh.

Vua cha hỏi người hầu cận:

-Từ ngày Thái tử kết hôn đến nay, tâm trạng của Thái tử thế nào?

Người hầu cận tâu vua:

-Thái tử vẫn mãi ưu tư, thân thể gầy gộc, sinh hoạt không như trước nữa.

Lòng vua cha nặng trĩu buồn lo, liền triệu tập quần thần:

-Thái tử không vui, các khanh nghĩ phải làm thế nào?

Quần thần bàn bạc:

-Chúng ta nên tuyển thêm cung nữ xinh đẹp, tăng thêm ca nhạc may ra mới làm Thái tử ưa thích thế gian.

Nhà vua liền cho tuyển thêm người đẹp, một cô tên là Chúng Xứng Vị, cô thứ hai tên là Thường Lạc Ý. Cứ mỗi một phu nhân của Thái tử có hai vạn thể nữ, ba phu nhân thì có sáu vạn thể nữ xinh đẹp, nết na, không khác gì Thiên nữ, nhà vua hỏi Cù-di:

-Bây giờ Thái tử có sáu vạn thể nữ ca múa, hát xướng, cung cấp hầu hạ, Thái tử có vui chăng?

Cù-di thưa:

-Thái tử từ xưa đến nay, ngày đêm vẫn một lòng chuyên tinh hướng về Phật đạo, không hề nghĩ đến dục lạc.

Nhà vua nghe vậy buồn da diết, triệu tập quần thần rồi cùng nhau bàn bạc.

-Chúng ta đã cung cấp hết những gì trân quý nhất trên đời mà Thái tử vẫn giữ chí, chưa từng có lúc nào vui vẻ. Thật đúng như lời đạo sĩ A-di đã tiên đoán.

Các quần thần tâu:

-Sáu vạn thể nữ cung phụng mọi niềm vui trong thế gian, Thái tử không lấy đó làm vui. Bây giờ chúng ta nên cho Thái tử dạo chơi xem xét tình hình trị dân để chi phối bớt tâm đạo.