KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG THẬP LUÂN
Hán dịch: Mất tên người dịch. Phụ vào dịch phẩm đời Bắc Lương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: PHÁT VẤN BẢN NGHIỆP ĐOẠN KẾT

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Địa Tạng từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, quỳ gối phải, chắp tay hướng về Đức Phật, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nay con xin thưa hỏi đôi điều, kính xin Thế Tôn chấp nhận thuyết giảng cho con.

Đức Phật nói:

–Ông là trượng phu chân thiện, vì muốn hiển bày trí tuệ vô ngại cho chúng sinh, cũng khiến cho người khác làm đại trượng phu. Nếu có thể thưa hỏi, cứ tùy ý, chớ sinh nghi ngờ. Hôm nay, Như Lai sẽ thuyết giảng rõ khiến ông được vui vẻ.

Khi ấy, Bồ-tát Địa Tạng dùng kệ để hỏi:

Trải qua mười ba kiếp
Tu hành ruộng phước Phật
Đói khát cùng bệnh tật
Tất khiến chúng sinh diệt.
Vì hàng ức chư Phật
Cúng dường không nghĩ bàn
Nay gặp đạo tràng lớn
Thanh tịnh chúng quy về.
Sáng suốt dốc tinh cần
Tất cả đến hội này
Cùng một lúc vân tập
Không có các trược ác.
Đời xấu nhiều ganh ghét
Làm ác bỏ hạnh tịnh
Sao biết được việc ác
Quấy nhiễu phá oai nghi.
Đều cùng với ác nghịch
Hủy báng pháp chân chánh
Chê bai các Hiền thánh
Mê chấp nơi đoạn, thường.
Tạo tác mười nghiệp ác
Không sợ khổ đời sau
Phá bỏ pháp ba thừa
Dua nịnh hướng đường ác.
Ngu si che mắt người
Tham lam nhiều gian dối
Làm sao chuyển pháp luân
Từ bỏ các dua nịnh.
Phiền não kết kim cang
Làm sao đoạn trừ được
Sao gọi là Tổng trì
Nhẫn nhục nên nhu hòa.
Việc này chưa từng có
Khiến ta đời sau gặp
Các nơi chưa từng thấy
Như vậy đại chúng ấy.
Thành tựu hạnh Đầu-đà
Tu tập đạo Bồ-đề
Làm sao ở nơi này
Thành Phật chuyển pháp luân.

Lúc này, Đức Phật bảo Bồ-tát Địa Tạng:

–Lành thay, lành thay! Này thiện nam! Ở đời quá khứ, ông đã hỏi nghĩa này nơi hằng hà sa trú xứ của chư Phật, như vậy đối với pháp ông cũng được nghe, thành tựu đầy đủ hạnh công đức trí tuệ, dùng diệu lực của phương tiện để đưa chúng sinh qua bờ bên kia. Ông muốn cứu độ các chúng sinh khác đạt an lạc lợi ích, cũng khiến cho tất cả Đại Bồ-tát đầy đủ các phương tiện nơi kho báu vốn có, đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật nhằm làm viên mãn biển trí tuệ, quay về nơi quả vị cao quý, không rơi vào đường ác, làm cho ba ngôi báu hưng thịnh ở mười phương thế giới, pháp Phật được tồn tại lâu dài, vì ý nghĩa ấy nên hỏi Như Lai. Này thiện nam! Nay ông lắng nghe kỹ! Ta sẽ thuyết giảng cho ông.

Bồ-tát Địa Tạng thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con nguyện muốn được nghe.

Đức Phật nói:

–Đây là Như Lai ở đời quá khứ với diệu lực từ thệ nguyện gốc thành tựu mười luân. Trong cõi nước như vậy, có năm thứ trược ở đời xấu ác, tất cả pháp tịnh đều giảm dần, xa lìa bảy Thánh tài và các bậc trí, bị lưới đoạn thường ngăn che, chuyển xe nơi cõi ác, không sợ đời sau, thường ở trong vô minh tối tăm, hành đầy đủ mười việc ác, tạo năm thứ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp, chê bai bậc Hiền thánh, xa lìa tất cả các công đức lành, tạo thành các việc ác. Nếu có thể ở nơi thế giới nhiễm xấu ác ấy khiến cho tất cả được an ổn, không còn sợ hãi, thành tựu được pháp tối thắng của bậc Thánh, có thể chuyển pháp luân, hàng phục các oán thù, tất cả đều được thâu phục, diệt trừ các phiền não cũng như kim cang khiến cho chúng sinh an trú vào ba thừa ở quả vị Bất thoái chuyển.

Này thiện nam! Ví như có người xa lìa công đức, ở cõi nước, thế giới, hoặc trong cảnh giới của chính mình có quân binh nổi lên, bên ngoài nước lân cận đem quân lính đến xâm chiếm, nên lo sợ rối loạn, chống cự nhiều cách cho đến những thứ dua nịnh, gian trá, nói dối, có đủ loại bệnh, bị tối tăm che lấp không thấy rõ. Các đồng tử thì bị quỷ mỵ bắt lấy, bị mê hoặc do A-bát-ma-la, thân thể khô gầy, tâm bị loạn, các căn xấu xí, tay chân không đầy đủ, tài sản thường thiếu thốn, không có phước đức, không vì sự vui thích của tất cả, phần nhiều hướng đến ngoại đạo, phát sinh tà kiến, tâm ý điên đảo, hướng tới ba đường ác. Các quốc độ như thế nếu có nhiều các bậc cao niên, các quan viên lớn được dân chúng phụ giúp, chức tước và bổng lộc mà có thì tuần tự hưởng lấy, không giành hại lẫn nhau. Như vậy xây dựng một nước có nhiều luật pháp sáng suốt để trị phạt tạo an ổn cho dân chúng, tác động khiến trì giới, Từ bi, nhẫn nhục, oai nghi đầy đủ, chịu khó thực hành khổ hạnh, tất cả đều viên mãn, nhờ nhân duyên công đức như vậy nên các căn của chúng sinh được đầy đủ, thân thể cao lớn, oai đức tràn đầy, tướng tốt đoan nghiêm, thường được tất cả cung kính tôn trọng. Tâm tánh nhân đức, Từ bi rộng lớn, thông minh nhiều trí tuệ, hoặc làm con trưởng giả hay làm con vua đều đầy đủ các công đức ấy. Nước nóng thơm hòa vào nước lạnh, ấm dùng để tắm rửa, mặc áo sạch mới, ánh sáng như báu, trên đỉnh đầu lại có các ngọc báu vàng ròng, vòng hoa cài, tay buộc các loại lụa trắng. Vòng hoa cài các báu bằng vàng, bạc, ngọc dùng làm vòng xuyến đeo tay, các loại vòng đeo, đủ các thứ báu như vậy để trang sức nơi thân mình, trước là để phục vụ chư Thiên, các Tiên và tất cả Đế Thích, đều được phép ngồi ở tòa cao. Như trước, vua cha lên đúng ngôi vị của vua rồi, tất cả vua rồng, trời Đế Thích, vua A-tu-la, vua Cưu-bàn-trà, các thứ chuông trống hiện có trước đây dùng cho vua cha, hôm nay nhận chức vị cũng đánh trống này, âm thanh ấy vang khắp các thành ấp. Hết thảy hàng Sát-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà tắm rửa thân thể, mặc áo mới sạch sẽ, bằng các thứ lụa báu, cờ, lọng vàng, bạc, ma-ni, trân châu, xa cừ, san hô, lưu ly, mã não, tất cả châu báu vì vua mới đăng quang, thấy có các tướng an lành nên dâng lên đủ thứ. Bấy giờ, vua mới được thỉnh vào ngôi vị làm lễ quán đảnh, nhà vua giữ lại các quan cũ tùy theo khả năng, mỗi người đều chức chức vu trông coi công việc. Hoặc trong nước có giặc nổi loạn và các nước lân cận đem quân binh xâm chiếm thì tùy theo oán địch đều phải diệt trừ hết, giữ gìn đất nước, không bị tàn phá, điều lành được tăng trưởng, bà con, họ hàng lại càng thân thiện hơn.

Này thiện nam! Nếu có thể đạt được như vậy gọi là ở ngôi vị vua quán đảnh của Luân thứ nhất. Trong cõi nước đó được sống an lạc, điều phục các oán thù, giữ gìn thân mạng, cuộc sống ổn định, dài lâu.

Đúng vậy, đúng vậy! Này thiện nam! Nếu người ở trong thế giới có đủ năm thứ ô trược xấu ác, xa lìa Phật đạo, nên các chúng sinh ở trong cõi ấy tâm nhiều giận dữ, tàn sát lẫn nhau, tất cả mọi người đều khổ não, tối tăm, ngu si, khởi chấp đoạn, thường, đủ các tranh tụng, tham lam, dua nịnh, ganh tỵ, gian dối, lừa gạt tạo đủ mười thứ ác. Chúng sinh do chấp giữ nên bị khổ não, rối loạn. Mọi người bị đủ các phiền não và tai họa, nên xa lìa Pháp nhãn sâu xa, bị các bệnh sân giận làm sợ hãi, tâm luôn lìa bỏ các pháp vị chân thật, vọng tưởng tán loạn, chê bai pháp lành, ưa thích ái nhiễm, thường bị phiền não và các thứ nhận biết sai lầm che lấp, nương theo sáu phái ngoại đạo làm tổn thương đến Thánh đạo, chạy theo ba đường ác. Các vị Đại Bồ-tát đã từng thân cận cúng dường vô lượng chư Phật ở quá khứ, chứng được biển lớn trí tuệ, an trú vào đạo hạnh của chư Phật, tất cả đều tập họp đến chỗ của ta. Ông nên thực hành hạnh bố thí thì có thể điều phục hoàn toàn, thành tựu khổ hạnh, xa lìa các ác, tu tập lâu ngày hành khổ khó làm của Phật, thường nhớ nghĩ đến kho tàng trí tuệ phước đức, đại Từ, đại Bi trang nghiêm rộng khắp. Tất cả biển lớn về thiền định, Tổng trì, nhẫn nhục và các quả vị đều được đầy đủ, không sinh tâm dua nịnh, lừa dối, gian trá, thân thường hiền hòa, thành tựu nhẫn nhục, khéo tùy thuận để tạo mọi trang nghiêm đều gần gũi biển Nhất thiết trí, các sắc tươi đẹp, ánh sáng chiếu khắp nơi, vì tất cả hàng Thanh văn, Bích-chi-phật làm người dẫn đường, cũng vì tất cả chúng sinh sợ hãi sinh tử đều khiến được an ổn. Như các Đức Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp, các trưởng tử của Như Lai như vậy ở trong Hiền kiếp làm vị đứng đầu dùng nước thiền định trí tuệ tự tắm rửa, mặc áo hổ thẹn, là chỗ thực hành của vị đại Tiên tối thắng, cũng là giải thoát với vòng hoa công đức, cũng gọi là Nhất thiết chủng trí, vô sinh chân thật để tự trang nghiêm, thực hành ba điều thiện vì ba cõi làm mây dày che phủ. Trong đời quá khứ được an trú hoàn toàn nơi các cõi Phật, ngồi ở tòa Tam-muội Kim cang, cũng ở nơi trụ xứ của hàng Nhị thừa an tọa nơi tòa Tứ niệm xứ, cũng là tòa ngồi nơi trước kia Phật đã ngồi, ở nơi Nhất thiết trí an trú Bồ-đề có thể chuyển pháp luân, nối tiếp Tam bảo làm cho trường tồn, đánh trống pháp, phát ra âm thanh lớn, vang khắp ba cõi, nhờ âm thanh này khiến cho chư Thiên, loài Người, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân, Cưu-bàn-trà, Phú-đơn-na, Ca-trá Phú-đơn-na, Ngạ quỷ, Tỳ-xá-xà đều nhờ vào tướng vắng lặng của bốn Đế mà tự trang nghiêm. Ba chuyển và mười hai hành pháp luân trước kia chưa chuyển bây giờ sẽ chuyển. Tất ca Sa-môn, Bà-la-môn hoặc chư Thiên, ma, phạm đều không thể chuyển được, nay chuyển là nhằm tạo lợi ích an lạc cho chư Thiên và loài người.

Này thiện nam! Đó gọi là chuyển pháp luân thứ nhất. Đời này và đời sau điều đúng điều sai đều nhận biết như thật, được an ổn không còn lo sợ, tất cả oán thù tự nhiên hàng phục. Biết đúng như thật có thể làm phạm luân thị hiện khắp nơi ở đời ác đủ năm thứ ô trược, các đệ tử chính là tiếng gầm của sư tử. Nếu gây nên năm tội nghịch, chúng sinh tạo nên mười điều ác, những người này đập tan các phiền não như kim cang đoạn trừ các hữu lậu, đạt được giải thoát, tùy theo sự mong muốn của họ an trú vào ba thừa, đạt được quả vị không thoái chuyển.

Này thiện nam! Ví như có vị mới lên ngôi vua nhận phép quán

đảnh, xét xem ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai được bao nhiêu đời có bấy nhiêu vị vua, dùng trí tuệ quán xét nhân của nghiệp, tat cả quả báo tùy theo tánh tướng mà định vị chức tước cho họ, do ba nghiệp ấy khiến cho cõi nước đó được tăng trưởng an lạc, oán thù nơi nước lân cận đều được tiêu diệt. Những gì là ba? Như vua Quán đảnh Sát-lợi vì bảo vệ thân mạng nên chuẩn bị quân binh cùng chiến đấu với kẻ oán địch, trải qua các dinh, cung của vua và các cõi nước, tất cả mọi người dân đều được bổng lộc, tài sản, nghề nghiệp. Đó gọi là đại vương Quán đảnh thành tựu được chuyển luân lần thứ hai. Oán địch không thể xâm chiếm làm hại lần thứ hai, giữ gìn thân mạng sống lâu an ổn.

Này thiện nam! Như Lai mới thành Phật đạt được trí vô thượng, ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều được các Pháp nhãn, cũng như ba đời chư Phật đều được Pháp nhãn nên tu tập chánh pháp. Muốn quán xét tướng sai khác của nghiệp báo phải đầy đủ Pháp nhãn sâu xa, phân biệt nghiệp nhân, làm cho căn lành phát triển luôn được an ổn, khiến chúng sinh được vô lượng an lạc, cũng có thể làm cho các oán địch, ngoại đạo tự nhiên hàng phục.

Những gì là ba nghiệp? Ngồi thiền, tụng kinh, điều hành việc Tăng chúng. Thế nào là ngồi thiền? Thiền có mười thứ. Những gì là mười? Biết rõ về thân. Biết thân là sáu nhập. Biết thân là ngã, ngã sở. Biết nghiệp nhân là nhân nên tự tại thọ sinh. Biết tất cả ái là vô minh tối tăm. Biết được sự thương yêu là không chân thật, tất cả đều là các duyên làm cho khổ não, liên tục lưu chuyển không ngừng. Những nhân duyên diệt đi thì tất cả đều diệt trừ.

Thế nào là nghiệp lưu chuyển? Quán xét tất cả ba thứ hành nghiệp, đó là nghiệp lưu chuyển. Sinh tử không bến bờ ái do duyên mà có, gọi là phiền não lưu chuyển. Do duyên phiền não nên vô minh hòa hợp sinh ra danh sắc. Danh sắc hòa hợp do duyên nên sinh ra sáu nhập. Sáu nhập do duyên nên sinh ra xúc. Xúc do duyên nên sinh ra thọ. Thọ do duyên nên sinh ra hữu. Hữu do duyên nên sinh ra sinh. Sinh do duyên nên sinh ra lão bệnh tử khổ. Gọi là khổ lưu chuyển. Như vậy ba lưu chuyển đều từ ái sinh ra.

Thế nào gọi là nghiệp do vô minh? Ái là nước thấm nhiễm. Vì muốn làm khô cạn hết ba dòng này nên thích quán xét vô thường gọi là vô thường nhẫn. Có năng lực quán xét vô thường, khổ, không, vô ngã, tin hiểu tất cả pháp do ngu si vô trí, như huyễn, như sóng nắng, như trăng trong nước, như mộng, Không, Vô tướng, Vô nguyện, vắng lặng, vô sinh, không, không có các tướng thường quán xét năm uẩn là Không, Vô tướng, Vô nguyện. Tùy thuận pháp nhẫn mà thích quán sát hơi thở ra vào, buộc niệm an ổn quán đếm số tăng dần, đến giảm dần. Quán trụ, quán diệt và quán trụ diệt. Trở lại quán sổ tức có hai loại ý và giác quán diệt ở nơi giác quán giữ tướng hơi thở ra vào đếm từ cao xuống thấp, ngừng lại nơi hơi thở ra vào để trừ bỏ giác quán. Quán hơi thở ra vào, giữ tướng mạo của nó. Quán trụ có hai thứ: Thấy tướng diệt tận có thể trú vào định. Diệt có hai loại diệt trừ các kết sử, làm thanh tịnh trong khi quán, tu hơi thở ra vào, quán xét năm ấm. Vì sao? Vì hơi thở ra vào này gọi là sắc thạnh ấm, cũng gọi là thạnh ấm nơi thọ, tưởng, hành, thức. Đó gọi la năm thứ thạnh ấm với được các tướng không tương ưng.

Lại có năm loại chẳng mới, chẳng cũ, chẳng có, chẳng tụ, chẳng nói. Như vậy dùng năm ấm này để quán sát ba loại nghiệp. Dùng ba loại nghiệp để quán diệt hoàn toàn. Lại quán sáu xứ có ngã, ngã sở, có nghiệp vô minh vì nhân ái thấm nhiễm, muốn diệt trừ hoàn toàn phải nhờ vào quán này. Đầy đủ bốn Niệm xứ, tu tập viên mãn bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám Thánh đạo phần mới thành tựu mười tám pháp Bất cộng và nhẫn vô sinh, Nhất thiết trí, đầy đủ Tammuội Thủ-lăng-nghiêm, tu tập hơi thở ra vào, an trú nơi tám Tammuội, thành tựu an trú vào xứ chánh pháp. Nếu có thể tu tập các thiền định như vậy thì đã cúng dường tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Đó gọi là Phật tử từ miệng Phật sinh, từ chánh pháp sinh. Người có năng lực khéo tu tập thiền định như thế hoặc là Đại sĩ, các vị Bồ-tát hoặc bậc diệt hết các lậu, hàng Bích-chi-phật La-hán. Tu tập như thế gọi là Đại Bồ-tát có khả năng thành tựu pháp Bất cộng, đầy đủ Nhất thiết trí.

Này thiện nam! Vị này chẳng bao lâu sẽ chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ba đời Như Lai Thế Tôn được Pháp nhãn sâu xa, viên mãn hạnh nghiệp, quán xét quả báo, chúng sinh an trú ở mười thứ thiền định. Này thiện nam! Tức có thể chuyển như pháp Như Lai đã chuyển, vị ấy dùng thiền định để chuyển pháp luân. Này thiện nam! Làm thế nào để tu, tụng tập đối với Như Lai? Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, ít lòng tin, căn lành rất mỏng, đối với chân lý thế gian, căn lành chưa được thuần thục, khiến cho chúng sinh đó đầu, giữa, cuối đêm, nhờ tu tập thiền định, vui vẻ mong cầu trí vô thượng. Bấy giờ, ta trú nơi Đại thừa, an ổn tu tập thiền định, đọc tụng, thọ trì, cúng dường đủ loại, tự đọc tụng dạy cho người đọc tụng, tự thuyết pháp dạy cho người thuyết pháp, tự cúng dường dạy cho người cúng dường, tự trú nơi Đại thừa cũng dạy cho người an trú nơi Đại thừa, cùng dạy bảo lẫn nhau để diệt trừ các phiền não, đạt được lợi lạc trong đạo vô thượng, cũng muốn diệt trừ vô lượng khổ não của chúng sinh, đạt được Niết-bàn không còn lo sợ. Nếu có chúng sinh mong cầu Bích-chi-phật thì thuyết pháp mười hai nhân duyên. Nếu có người cầu Thanh văn thì thuyết trăm ngàn bốn loại A-hàm và vô số A-tỳ-đàm khiến họ đọc tụng tu tập đúng như lời dạy. Đó gọi là Như Lai tu tập tụng pháp luân.

Này thiện nam! Nếu có chúng sinh căn tánh thấp kém, biếng nhác, trí tuệ ít, quên mất chánh niệm, tham đắm chỗ ở, y phục, ăn mặc, bốn sự cúng dường, xa lìa các bạn lành, những chúng sinh này muốn phát khởi nhân duyên căn lành thì phải giáo hóa khuyến khích họ phục vụ chúng Tăng và pháp Phật, gần gũi các bậc Hòa thượng, A-xà-lê.

Này thiện nam! Đó là an trú vào sự giáo hóa, làm việc phước đức của Như Lai. Như vậy, này thiện nam! Biết như thật đối với pháp tu tập về nghiệp. Đó gọi là pháp luân lần thứ hai của Phật, đầy đủ ba nghiệp thành tựu trọn vẹn cho chúng sinh, đạt được nơi an ổn không còn lo sợ. Tiếng gầm của sư tử có khả năng chuyển Phạm pháp luân khiến cho tất cả ngoại đạo đều hàng phục. Nên biết như thật về nhân duyên của chúng sinh.

Này thiện nam! Ví như vua Sát-lợi được pháp Quán đảnh khéo quán sát Sa-môn, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà, ai là hùng dũng có đầy đủ khả năng tài giỏi giữ gìn giới, biết phân biệt rõ có công đức, phương tiện trí tuệ, siêng năng tinh tấn, kiên cố không thoái chuyển, đầy đủ phước đức để trang nghiêm. Khi ấy, vua Sát-lợi làm lễ quán đảnh ở trong chúng, tùy theo tướng mạo đó mà cung cấp cho nước này những thứ: vàng, bạc, châu báu, kho lúa, gấm lụa, ruộng nhà, nô tỳ, kẻ hầu. Nếu có chúng sinh trì giới giống như người kia thì cũng được cung cấp đầy đủ không thiếu. Nếu có chúng sinh không trì giới, ít tinh tấn, biếng nhác, quên mất chánh niệm, không có lòng thương xót, không biết quả báo, không sợ đời sau, muốn ở nơi bùn lầy, đại vương Sát-lợi quán đảnh như vậy tùy theo việc làm của họ để chỉ ra hình phạt mà vỗ về an ủi. Hoặc vì hình phạt mà giảng dạy. Hoặc vì hình phạt mà trói giam. Hoặc vì hình phạt về tài vật. Hoặc có cướp đoạt tài sản sự nghiệp thì dùng hình phạt bằng roi gậy. Hoặc có hình phạt cắt bỏ tay chân, hoặc hành quyết, có vô lượng sự giáo hóa như vậy. Đó gọi là đại vương Sát-lợi quán đảnh chuyển luân lần thứ ba, có năng lực làm tăng trưởng lợi ích cho cõi nước của mình hàng phục các ngoại đạo xấu ác, giữ gìn thân mạng khiến được sống lâu.

Này thiện nam! Nếu đệ tử Thanh văn của ta xa lìa phước đức, phương tiện trí tuệ và các sự điều phục, quên mất chánh niệm, tâm loạn động, buông lung thì nương tựa vào ta. Ta biết được tâm tánh, tùy theo tướng mạo mà điều phục họ. Nếu có kẻ tự cao tự đại khó có thể điều phục, tâm không cung kính, không giữ gìn giới luật, vì để chánh pháp trường tồn mà điều phục họ. Nếu phát sinh tâm vọng niệm thì giáo hóa khiến họ hối lỗi, nên bảo họ dùng hình phạt bằng cách đuổi đi, về sau trọn đời không cùng họ nói chuyện. Hoặc được ở trong Tăng chúng thì dùng hình phạt lễ bái, quở trách nhưng không được hưởng tài lợi của Tăng. Hoặc ở trước Tăng chúng, bốn vóc đảnh lễ sát đất, tự quy y sám hối lỗi lầm. Hoặc khi bị đuổi ra không cùng sống chung. Ta biết chúng sinh đủ các loại tâm tánh. Tâm có chỗ hướng về để có thể phát sinh lòng tin hiểu, vì lợi ích của họ nên làm tiêu trừ các tối tăm, làm cạn kiệt dòng sinh tử để được an vui nơi Niết-bàn. Vì muốn điều phục chúng sinh phá giới nên ta thuyết giảng rộng rãi các kinh nói về những nỗi khổ ở địa ngục. Nếu có chúng sinh phát khởi lòng tin cung kính, ý thanh tịnh, tùy theo phương tiện tướng tánh của người đó mà giảng thuyết về các căn lành, khiến họ đầy đủ việc lành mới đạt đến thành vô úy.

Này thiện nam! Đó gọi là chuyển bánh xe lần thứ ba, như vậy là chuyển. Tùy theo chúng sinh kia mà đạt đến các sự hiểu biết, tu hành các nghiệp đầy đủ gốc thiện nên được an ổn đạt đến nơi không còn sợ hãi, như các vị Hiền thánh chuyển pháp luân của Phật thì ngoại đạo, oán địch tự nhiên hàng phục nên có thể gầm lên tiếng gầm của sư tử.

Này thiện nam! Ví như đại vương Sát-lợi quán đảnh, dân chúng trong nước có bao nhiêu loại quy theo nẻo tà, thấy biết sai lầm, học hiểu sai lầm và xuất gia không chân chánh. Hoặc đối với tướng lành mà chuyên cần tu tập như thế, vì vô lượng khổ nạn làm tổn hại chúng sinh nên vua đại quán đảnh dùng pháp cũ của vua trước để vì chúng sinh kia cho họ siêng năng tu học nhằm đoạn trừ, phá bỏ kiến chấp, dùng pháp thiện của vua trước để cai trị đất nước khiến họ tu hành. Đại vương Sát-lợi quán đảnh chế ra pháp luật, khiến tất cả chúng sinh đều đồng một tâm ý, cùng được điều phục, cùng được mong cầu, ưa thích và cùng quy về một hướng, đều hòa hợp tùy thuận với phép trị nước của vua trước, tuân lệnh lãnh nhận chiếu chỉ đều tùy thuận làm theo pháp nước. Bấy giờ, đại vương Sát-lợi quán đảnh, thường cùng ăn cơm, vui chơi với dân chúng, không nghi ngờ, tâm ý tin tưởng, cùng thực hành phép vua. Đó gọi là đại vương quán đảnh chuyển luân lần thứ tư. Nhờ nhân duyên như vậy, có khả năng khiến cho nước mình được tăng trưởng, ngăn cản được oán thù, tất cả đều hàng phục có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn mạng sống.

Này thiện nam! Như Lai Thế Tôn thấy các chúng sinh có bao nhiêu loại đi theo tà kiến, ưa thích tà nghiệp, thấy các chúng sinh do các duyên này nên ta vào đời quá khứ, chư Phật Như Lai, ở trước đại chúng khai thị giáo hóa vô số giáo pháp nhân quả của Đức Phật, giảng thuyết sáu pháp Ba-la-mật, tu hành chánh đạo, giảng thuyết ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng và Thánh hiền, nhiều lần thị hiện các nghiệp báo, giáo hóa tạo lợi ích an lạc dan đường cho họ, khiến các tà kiến được hiểu rõ và bốn bộ chúng đều giải thoát, tu tập đầy đủ các hạnh lành, hòa nhã dịu dàng, giáo hóa theo bốn Niệm xứ. Đối với các pháp giải thoát, biết rõ đạo chân chánh, đều được mừng vui khiến cho giáo pháp tồn tại lâu dài, ba ngôi báu hoàn toàn không đoạn dứt, cho đến bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy giác phần, tám Thánh đạo phần, tất cả thiền định, giải thoát tri kiến đều được tự tại du hóa vô ngại. Như vậy, này thiện nam! Đó là chuyển pháp luân lần thứ tư của Như Lai.

Như Lai thành tựu pháp luân như vậy, nên khiến cho tất cả chúng sinh đều quay về và tu tập các nghiệp lành, đều thấy biết rõ, an ổn vui mừng, an trú vào quả vị không còn lo sợ. Vị Đại tiên thù thắng chứng được quả vị chuyển pháp luân của Phật, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn, Ma, Phạm, chư Thiên không thể chuyển được. Đại tiên có thể diệt trừ thiên ma và ngoại đạo, ở trong bốn chúng gầm lên tiếng gầm của sư tử.

Này thiện nam! Ví như đại vương quán đảnh có thể khiến cho nước mình và dân chúng nước khác, tự thấy nhan sắc của vợ mà tâm không chán, đối với sản nghiệp và các nhan sắc của người khác đều sinh tâm tham đắm, giữ gìn thành lũy và các vật, thôn ấp, cõi nước cho đến cung vương tất cả đều được binh lính tuần tra, canh gác cẩn thận kiên cố. Này thiện nam! Đó là Đại vương quán đảnh thứ năm chuyển luân chế ra luật cấm.

Khi ấy, vua quán đảnh đã thành tựu các luân như vậy, có thể làm cho các oán thù, ngoại đạo đều được hàng phục, đất nước tăng trưởng, cứu giúp, hộ trì thân mạng. Này thiện nam! Như Lai Thế Tôn có thể khiến cho Ma vương Ba-tuần, chín mươi lăm học thuyết ngoại đạo tà kiến và hết thảy chúng sinh ở nơi tài sản và hành nghiệp của mình tâm không chán đủ. Cho đến các sự việc muốn hại Như Lai, như dùng hầm lửa để đốt, trộn thuốc độc vào cơm, xô đá núi nhằm đè bẹp, thả voi say, hoặc rút kiếm sắc bén ra… dùng những thứ như vậy để theo hại ta. Dùng bùn đất nhơ bôi lên Phật, hoặc dùng sự dâm dục để vu khống Như Lai. Hoặc nói chẳng phải là người, cũng chẳng phải là trượng phu. Những việc như vầy để phỉ báng hủy nhục, như nói lời hung ác mạ nhục Phật, Pháp, Tăng đều do các lợi dưỡng mà sinh tâm đố kỵ, chê bai Thanh văn. Như Lai Thế Tôn giữ gìn hoàn toàn sáu căn, an trú vào bốn Phạm xứ, dạy dỗ các Thanh văn về bốn Niệm xứ, bốn Biện tài, giảng thuyết cho Thanh văn về ba pháp môn Giải thoát. Như vậy Như Lai có rất nhiều pháp dạy hoặc pháp thế gian, pháp xuất thế gian, khiến cho tất cả biết đúng như thật. Này thiện nam! Đó gọi là chuyển pháp luân lần thứ năm của Như Lai.

Như Lai thực hành chuyển pháp luân như vậy, dùng trí xuất thế gian khiến cho tất ca chúng sinh đều quay về nương tựa, đều cùng nhau có sản nghiệp, cùng thấy biết an ổn, vui mừng, không còn sợ sệt. Đó là nơi Đại tiên cao thắng chuyển pháp luân của Phật, Sa-môn, Bà-la-môn, các Phạm vương, Thiên ma, chư Thiên không thể chuyển được, đều có thể điều phục quân ma và các ngoại đạo. Ở trong bốn bộ chúng có thể gầm lên tiếng gầm của sư tử.