KINH ĐẠI BI
(ĐẠI AI KINH)
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2

Phẩm 3: PHÁP MÔN VÔ CÁI

Bấy giờ, Bồ-tát Pháp Giáo Vương bạch Phật:

–Thế Tôn! Cảnh giới của Phật không thể nghĩ bàn, thể hiện oai thần của Phật, làm cho các Bồ-tát không còn nghi ngờ, ai nấy đều tu tập, xin Như Lai giảng thuyết pháp môn vô cái và pháp hội. Vì sao? Vì tất cả các Bồ-tát đều tập hợp về đây, đều là những Bồ-tát mặc áo giáp công đức không thể nghĩ bàn; đầy đủ oai thần trí tuệ; công lao thấu khắp mười phương, tu hạnh thanh tịnh, tâm không cấu uế, soi sáng bằng pháp giải thoát; đều được chư Phật ngợi khen; tự tại trong các pháp; thành tựu rốt ráo các Ba-la-mật; đầy đủ phương tiện quyền xảo; diệt trừ nghiệp ma; hàng phục tà đạo; có thể phân biệt giảng thuyết về câu chương nghĩa lý trọn đầy trí tuệ vô ngai giải thoát; tự tại hành hóa, viên mãn các Đà-la-ni; kiến lập biện tài không gián đoạn; biết căn tánh của chúng sinh còn hoặc hết lậu hoặc; tùy thuận căn cơ của chúng sinh để thuyết giảng; giảng kinh pháp trừ diệt mọi lỗi lầm của chúng sinh, lời nói dịu dàng, hòa nhã hợp cơ duyên như tiếng chim loan, tiếng rồng, tiếng Phạm thiên; thương yêu chúng sinh thị hiện Niết-bàn để chúng được độ thoát; chuyên tâm tu từ Ba-lamật; luôn đủ tâm Bi không trở ngại; kiên định ý chí; nói làm tương hợp; dựng nêu cờ pháp thị hiện mười phương, chí bền vững như kim cương, như núi Thiết vi; đủ thệ nguyện lớn; thông tỏ mười hai nhân duyên sâu xa; trừ chấp thường đoạn và sáu mươi hai tà kiến; độ thoát tất cả hướng về Đại thừa; chỉ dẫn quần mê đến nơi an lạc; suốt vô số kiếp thích pháp tu trí; là lương y chuyên trừ bệnh chúng sinh; đều là đệ tử lớn lên từ pháp Phật; không kinh sợ khi nghe pháp bí mật của Như Lai và những pháp khác; trang nghiêm thân bằng các tướng tốt; đủ tâm Từ bi; tâm dũng mãnh; hàng phục bốn ma vượt mọi cảnh giới ái dục; là chiếc cầu đưa chúng sinh qua bờ vui, thức tỉnh kẻ mê ngủ; tu tap các pháp Căn, Lực, Giác, Thiền, Giải thoát, Định, Tam-muội; siêng năng độ chúng sinh; thành tựu Đà-la-ni chế ngự tất cả; không tham chấp tám việc thế gian như khen, chê, khổ, vui, lợi, tổn, yêu, ghét; tâm vui thích nơi kinh pháp; lưu truyền pháp bảo; trọn vẹn trí tuệ, biết tất cả là rỗng lặng, hạnh thanh tịnh như hoa sen; trừ pháp hữu vi, hào quang che lấp cả ánh mặt trời, mặt trăng, Đế Thích, Phạm thiên; thành tựu Tam-muội Hải ấn; chỉ dạy bằng chánh pháp; làm cho Tam bảo được trường tồn; hiểu rõ, vượt các cõi; giữ gìn pháp bí mật của Phật, đầy đủ vô lượng công đức, danh xưng; tạo vô số nghiệp bằng trí tuệ; gần gũi, thành tựu trí Phật; hiểu thấu vô số kiếp về vị lai.

Thế Tôn! Các Bồ-tát đã thành tựu nhẫn hạnh như thế, xin Phật quán sát, giảng pháp Vô cái. Các Bồ-tát đều vân tập đến đây, mong Phật diễn thuyết tạo lợi ích cho tất cả, an trụ trong pháp Nhất thừa không thoái chuyển, hành trọn vẹn mọi pháp Phật, đạt quả một đời thành Phật. Với chúng sinh hiểu biết, phân biệt, kiên định tâm chí, nhờ thế sẽ vào sâu pháp Phật, đoạn tà chấp, trừ lưới nghi. Chúng sinh thích ba thừa, nhờ nghe Phật dạy chúng tự tu tập. Các hàng Trời, Rồng, Thần, Càn-thát-bà, Phi nhân, A-tu-la nghe pháp sẽ được độ thoát. Vì sao? Vì Phật ra đời là một việc hy hữu, kinh pháp được tuyên giảng cũng thật là khó có.

Thế Tôn! Các Bồ-tát đều đến đây, Thanh văn, Duyên giác trải qua trăm ngàn kiếp mới được có ngày hôm nay, vì vậy con nghĩ đây là việc rất khó, rất khó có. Nếu thấy thần thông biến hóa thế này tức không ai còn tu hạnh Thanh văn, phát tâm Duyên giác. Vì sao? Vì Bồ-tát vừa phát tâm là vượt hơn cả Thanh văn, Duyên giác.

Thế Tôn! Như kẻ ngu bỏ ngọc Dạ quang, giữ lấy thủy tinh, thấy việc điên đảo lại cho là đúng. Con người cũng thế, bỏ Đại thừa, cầu pháp Thanh văn, Duyên giác. Người có tánh chân thật, phát tâm Bồ-đề vô thượng, không bao lâu sẽ thành tựu trọn vẹn pháp giải thoát.

Lúc Bồ-tát Pháp Giáo Vương nói lời này, có trăm ngàn ức chúng phát tâm Bồ-đề vo thượng.