KINH TƯ ÍCH PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Dao tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 3: PHÂN BIỆT

Bấy giờ, Bồ tát Võng Minh hỏi Phạm Thiên Tư Ích:

-Đức Phật khen ông là người nêu câu hỏi đúng đắn, đứng đầu trong hàng Bồ-tát. Vậy thế nào chỗ hỏi của Bồ-tát được xem là thưa hỏi đúng đắn.

Phạm thiên nói:

Này Bồ-tát Võng Minh! Nếu Bồ-tát dùng sự phân biệt về người, ta để hỏi thì đó là câu hỏi sai lạc, phân biệt về pháp để hỏi, gọi là hỏi sai lạc. Nếu không dùng sự phân biệt về ta, người để hỏi, thì gọi là hỏi đúng. Không phân biệt về pháp để hỏi thì gọi là hỏi đúng.

Lại nữa, Bồ-tát Võng Minh! Theo chỗ sinh để hỏi thì gọi là hỏi sai, theo nẻo diệt để hỏi thì gọi là hỏi sai, dùng nẻo trụ mà hỏi gọi là hỏi sai. Nếu không theo nẻo sinh để hỏi, không theo nẻo diệt để hỏi, không theo nẻo trụ để hỏi, thì gọi là hỏi đúng.

Lại nữa, Bồ-tát Võng Minh! Nếu Bồ-tát vì cấu uế mà hỏi gọi là hỏi sai. Vì tịnh để hỏi là hỏi sai. Cho là sinh tử để hỏi là hỏi sai. Cho là ra khỏi sinh tử để hỏi là hỏi sai. Cho là Niết-bàn để hỏi là hỏi sai. Nếu không vì cấu, tịnh để hỏi, không vì sinh tử và ra khỏi sinh tử để hỏi, không cho là Niết-bàn để hỏi, gọi là hỏi đúng. Vì sao? Vì ở trong quả vị của pháp thì không cấu, không tịnh, không sinh, không tử, không Niết-bàn.

Lại nữa, Bồ-tát Võng Minh! Nếu Bồ-tát vì nhận thức để hỏi, vì đoạn trừ để hỏi, vì chứng đắc để hỏi, vì tu tập để hỏi, vì đạt được để hỏi, vì quả vị để hỏi, gọi là hỏi sai. Nếu không nhận thấy, không đoạn, không chứng, không tu, không đắc, không quả để hỏi, gọi là hỏi đúng.

Lại nữa, Bồ-tát Võng Minh! Là thiện, là chẳng phải thiện để hỏi, gọi là hỏi sai là pháp thế gian, là pháp xuất thế gian, là pháp có tội, là pháp vô tội, là pháp hữu lậu, là pháp vô lậu, là pháp hữu vi, là pháp vô vi, các pháp đối lập như vậy tùy theo chỗ nương tựa mà hỏi, gọi là hỏi sai. Nếu không thấy có hai, cũng không thấy không hai để hỏi, gọi là hỏi đúng.

Này Bồ-tát! Phân biệt về Phật mà hỏi gọi là hỏi sai, phân biệt về pháp, phân biệt về tăng, phân biệt về chúng sinh, phân biệt về cõi Phật, phân biệt về các thừa để hỏi gọi là hỏi sai. Nếu đối với pháp không cho là một, không cho là khác mà hỏi gọi là hỏi đúng.

Lại nữa, Bồ-tát Võng Minh! Tất cả pháp là đúng, tất cả pháp là sai chăng?

Bồ-tát Võng Minh nói:

-Này Phạm thiên! Thế nào là tất cả các pháp là đúng, tất cả các pháp là sai?

Phạm thiên đáp:

-Đối với tánh của các pháp là vô tâm, nên tất cả các pháp gọi là đúng. Nếu ở trong vô tâm mà dùng tâm phân biệt để quán xét thì tất cả các pháp gọi là sai. Tất cả các pháp đều xa lìa tướng gọi là đúng. Nếu không tin hiểu, thấu đạt về chỗ lìa tướng ấy tức là phân biệt về các pháp. Nếu phân biệt về các pháp tức vướng vào tăng thượng mạn, tùy theo chỗ phân biệt đều gọi là sai lạc.

Bồ-tát Võng Minh hỏi:

-Thế nào là tánh đúng của các pháp?

Phạm thiên Tư ích trả lới:

-Các pháp xa lìa tự tánh, rời xa lãnh vực tham dục gọi là tánh đúng đắn.

Bồ-tát Võng Minh hỏi:

-Ít người có thể lãnh hội về tánh đúng như vậy chăng?

Phạm thiên nói:

-Tánh đúng đó thì chẳng một chẳng nhiều.

Này Bồ-tát Võng Minh! Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ nào có khả năng nhận biết được tánh đáng của các pháp như thế, nếu đã biết, đang biết hoặc sẽ biết thì người ấy không có pháp đã chứng đắc, hiện tại không có pháp để chứng đắc, vị lai cũng không có pháp để chứng đắc. Vì sao? Vì Phật dạy là không có pháp để thủ đắc, tức không phân biệt, gọi là việc làm đã xong. Nếu người lãnh hội về tánh đúng của các pháp ấy, siêng năng thực hành, tinh tấn, gọi là đúng như lời dạy mà tu tập, không từ quả vị này đến quả vị khác. Nếu không từ quả vị này đến quả vị khác, thì người ấy không ở trong sinh tử, cũng không ở trong Niết-bàn. Vì sao? Vì chư Phật không thủ đắc trong sinh tử, cũng không thủ đắc trong Niết-bàn.

Bồ-tát Võng Minh hỏi:

-Đức Phật không vì vượt qua sinh tử mà giảng nói pháp sao?

Phạm thiên nói:

-Pháp mà Đức Phật đã chỉ dạy có vượt qua sinh tử chăng?

Bồ-tát Võng Minh trả lời:

-Không!

Phạm thiên Tư ích nói:

-Do nhân duyên này nên biết Phật chẳng phải khiến cho chúng sinh ra khỏi sinh tử, vào Niết-bàn, mà chỉ vì hóa độ người có vọng tưởng phân biệt, chấp vào tướng nhị biên nơi sinh tử và Niết-bàn. Trong đấy, thật sự không có vượt qua sinh tử, đạt đến Niết-bàn. Vì sao? Vì các pháp bình đẳng, không có đến đi, không ra khỏi sinh tử, không vào Niết-bàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Phạm thiên Tư ích:

-Lành thay, lành thay! Tánh đúng của các pháp như lời ông đã nói.

Khi giảng nói tánh của các pháp này, có hai ngàn Tỳ-kheo không còn chấp vào pháp, dứt hết các lậu, tâm được giải thoát.

Phật bảo Phạm thiên:

-Như Lai chẳng ở trong sinh tử, cũng chẳng thủ đắc Niết-bàn. Như Lai tuy nói về sinh tử nhưng thật ra không có người đến đi trong sinh tử. Tuy nói về Niết-bàn nhưng thật không có người thủ đắc Niết-bàn. Nếu có người lãnh hội được pháp môn này thì người đó chẳng phải là tướng sinh tử, chẳng phải là tướng của Niết-bàn.

Bấy giờ, trong chúng hội có năm trăm Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, thưa Phật:

-Chúng con dốc sức tu tập về phạm hạnh nay thật thấy có diệt độ, mà Đức Thế Tôn nói là không diệt độ, thì làm sao chúng con tu tập đề cầu được trí tuệ của đạo?

Khi đó, Bồ-tát Võng Minh bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Nếu đối với các pháp sinh khởi kiến chấp thì người ấy không thấy Phật xuất hiện ở đời.

Bạch Thế Tôn! Nếu có người quyết định thấy được Niết-bàn thì người ấy không thoát khỏi sinh tửế Vì sao? Vì Niết-bàn gọi là diệt trừ các tướng, xa lìa các vọng niệm, hý luận.

Bạch Thế Tôn! Các Tỳ-kheo này ở trong chánh pháp của Phật xuất gia mà nay rơi vào nẻo tà kiến của ngoại đạo, thấy tướng quyết định của Niết-bàn. Ví như từ hạt mè mà có dầu, từ sữa đặc mà có váng sữa.

Bạch Thế Tôn! Nếu có người ở trong tướng diệt của các pháp mà cầu Niết-bàn, thì con nói hạng nơười này đều là tăng thượng mạn.

Bạch Thế Tôn! Người thực hành đúng về đạo, thì đối với pháp không dấy khởi sinh cũng không dấy khởi diệt, không thủ đắc, cũng không chứng quả.

Bồ-tát Võng Minh bảo Phạm thiên:

-Năm trăm vị Tỳ-kheo này đã từ chỗ ngồi đứng dậy, ông nên dùng phương tiện để dẫn dắt, khiến họ hội nhập nơi pháp môn này, có được chỗ tin hiểu để xa lìa các tà kiến.

Phạm thiên trả lời:

-Thưa Đại sĩ! Cho dù trải qua hằng hà sa số kiếp cũng không thể ra khỏi pháp môn như thế. Ví như người ngu sợ hư không, liền bỏ hư không mà đi, đến nơi khác cũng không lìa khỏi hư không. Các Tỳ-kheo này cũng như vậy, tuy đã rời bỏ nhưng chẳng ra khỏi tướng không, không ra khỏi tướng vô tướng, không ra khỏi tướng vô tác. Lại như có người mong cầu nắm bắt hư không, dong ruổi khắp nơi, nói: “Ta muốn được hư không”, thì tuy người ấy nói về tên gọi của hư không mà không nắm bắt được hư không, đi trong hư không mà không thấy hư không. Các Tỳ-kheo này cũng lại như vậy. Muốn cầu Niết-bàn, thực hành Niết-bàn mà không thể đạt được Niết-bàn. Vì sao? Vì Niết-bàn chỉ có tên gọi, cũng như hư không chỉ có tên gọi, không thể nắm bắt. Bấy giờ, năm trăm Tỳ-kheo lãnh hội pháp ấy, không còn chấp vào các pháp dứt hết các lậu tâm được giải thoát, đắc quả A-la-hán, liền thưa:

-Bạch Thế Tôn! Nếu người ở trong tướng diệt rốt ráo của các pháp mà cầu Niết-bàn, thì đối với người ấy Phật không xuất hiện ở thế gian.

Bạch Thế Tôn! Chúng con nay chẳng phải là hàng phàm phu, chẳng phải là bậc Hữu học, chẳng phải là bậc Vô học, chẳng phải ở nơi sinh tử, chẳng phải trụ vào Niết-bàn. Vì sao? Vì Phật xuất hiện ở đời, gọi là xa lìa tất cả vọng niệm, hý luận.

Bấy giờ, Trưởng lão Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

-Này các vị đã đạt được chánh trí tức cho mình đã được lợi ích chăng?

Năm trăm Tỳ-kheo thưa:

-Thưa Trưởng lão Xá-lợi-phất! Nay chúng con có được các phiền não nên việc không thể làm mà làm được.

Trưỡng lão Xá-lợi-phất bảo:

-Sao lại nói thế?

Các Tỳ-kheo thưa:

-Biết rõ về thực tướng của các phiền não nên gọi là có được các phiền não. Tánh của Niết-bàn là không tạo tác, chúng con đã chứng đắc nên nói không thể làm mà làm được.

Trưởng lão Xá-lợi-phất nói:

-Lành thay, lành thay! Chư vị hôm nay trụ nơi mộng phước có thể từ bỏ mọi sự cúng dường.

Các Tỳ-kheo thưa:

-Thế Tôn là Bậc Đại Sư, hãy còn không thể từ bỏ các sự cúng dường, huống nữa là chúng con.

Trưởng lão Xá-lợi-phất bảo:

-Sao lại nói như thế?

Các Tỳ-kheo thưa:

-Đức Thế Tôn thấy biết về tánh của các pháp là thường thanh tịnh.

Phạm thiên Tư ích bạch Thế Tôn:

-Ai có thể thọ nhận sự cúng dường?

Phật bảo Phạm thiên:

-Đó là người không bị pháp thế gian lôi cuốn.

-Bạch Thế Tôn! Ai có thể từ bỏ sự cúng dường?

Phật bảo:

-Là người đối với các pháp không còn chấp giữ.

-Bạch Thế Tôn! Ai được xem là phước điền của thế gian?

Phật bảo:

-Là người không hủy hoại tánh Bồ-đề.

-Bạch Thế Tôn! Ai là Thiện tri thức của chúng sinh?

Phật bảo:

-Là người đối với tất cả chúng sinh không lìa bỏ tâm Từ.

-Bạch Thế Tôn! Ai là người biết báo đáp ân Phật?

Phật bảo:

-Là người không đoạn chủng tánh của Phật.

-Bạch Thế Tôn! Ai là người có thể cúng dường Phật?

Phật bảo:

-Là người có thể thông đạt về lãnh vực vô sinh.

-Bạch Thế Tôn! Ai là người có thể thân cận Phật?

Phật bảo:

-Đó là người cho dù bị mất thân mạng cũng không hủy phạm giới cấm.

-Bạch Thế Tôn! Ai là người có thể cung kính Phật?

Phật bảo:

-Đó là người khéo giữ gìn sáu căn.

-Bạch Thế Tôn! Ai là người gọi là giàu có?

Phật bảo:

-Là người thành tựu được bảy Thánh tài.

-Bạch Thế Tôn! Ai là người gọi là biết đủ?

Phật bảo:

-Là người đạt được trí tuệ xuất thế gian.

-Bạch Thế Tôn! Ai là người được gọi là xa lìa?

Phật bảo:

-Là người đối với ba cõi không có sự mong cầu.

-Bạch Thế Tôn! Ai là người được xem là đầy đủ?

Phật bảo:

-Là người có thể đoạn trừ tất cả kết sử.

-Bạch Thế Tôn! Ai là người được gọi là an vui?

Phật bảo:

-Đó là người không còn tham đắm.

-Bạch Thế Tôn! Ai là người không còn tham đắm?

Phật bảo:

-Là người thấy biết rõ về năm ấm.

-Bạch Thế Tôn! Ai là người vượt qua sông ái dục?

Phật bảo:

-Là người có thể xả bỏ sáu nhập.

-Bạch Thế Tôn! Ai là người an trú nơi bờ bên kia?

Phật bảo:

-Là người có thể biết rõ về các nẻo bình đẳng.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát có thể làm vị thí chủ?

Phật bảo:

-Bồ-tát có thể giáo hóa chúng sinh với tâm của bậc Nhất thiết trí.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát có thể phụng trì giới cấm? Phật bảo:

-Bồ-tát thường không xả bỏ tâm Bồ-đề.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát có thể thực hành nhẫn nhục?

Phật bảo:

-Bồ-tát thấy rõ tướng của tâm niệm niệm chuyển diệt.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát có thể thực hành tinh tấn? Phật bảo:

-Là Bồ-tát cầu tâm không thể nắm bắt.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát thực hành thiền định?

Phật bảo:

-Bồ-tát có thể dứt trừ được tướng thô của thân tâm.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát có thể thực hành trí tuệ? Phật bảo:

-Bồ-tát đối với tất cả các pháp không sinh hý luận.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát có thể thực hành tâm Từ? Phật bảo:

-Bồ-tát không dấy khởi tưởng về chúng sinh.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát có thể thực hành tâm bi? Phật bảo:

-Bồ-tát không sinh tưởng về pháp.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát có thể thực hành tâm hỷ? Phật bảo:

-Bồ-tát không sinh tưởng về ngã.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát có thể thực hành tâm xả?

Phật bảo:

-Bồ-tát không sinh tưởng về ngã sở.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát an trú ở lòng tin?

Phật bảo:

-Bồ-tát tin hiểu về pháp không cấu uế.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát an trú nơi không?

Phật bảo:

-Bồ-tát không bị lệ thuộc vào ngôn từ.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát có sự xấu hổ?

Phật bảo:

-Bồ-tát biết rõ về các pháp bên trong.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát có sự thẹn?

Phật bảo:

-Bồ-tát xả bỏ các pháp bên ngoài.

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát có thể thực hành cùng khắp?

Phật bảo:

-Bồ-tát có thể làm thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý.

Bấy giờ, Thế Tôn nói bài kệ:

Thân tịnh, không làm ác
Khẩu tịnh, nói chân thật
Tâm tịnh, thường hành từ
Là Bồ-tát hành khắp.
Hành từ khổng tham chấp
Quán bất tịnh, không giận
Hành xả, không si mê
Là Bồ-tát hành khắp.
Nếu ở chỗ vắng vẻ
Hoặc ở nơi đông người
Oai nghi luôn đầy đủ
Là Bồ-tát hành khắp.
Biết pháp gọi là Phật
Biết lìa gọi là Pháp
Rõ không gọi là Tăng
Là Bồ-tát hành khắp.
Biết chỗ hành nhiều dục
Biết chỗ hành sân si
Khéo chuyển đổi hành ấy
Là Bồ-tát hành khắp.
Không nương tựa cõi Dục
Không trú sắc, Vô sắc
Hành thiền định như vậy
Là Bồ-tất hành khắp.
Tin hiểu các pháp không
Vô tướng và vô tác
Mà không dứt các lậu
Là Bồ-tát hành khắp.
Khéo biết thừa Thanh văn
Và thừa Bích-chi-phật
Thông suốt rõ Phật thừa
Là Bồ-tát hành khắp.
Hiểu rõ trong các pháp
Không nghi đạo, phi đạo
Yêu, ghét tâm không khác
Là Bồ-tát hành khắp.
Ở trong đời quá khứ
Hiện tại và vị lai
Tất cả không phân biệt
Là Bồ-tát hành khắp.

Bấy giờ, Phạm thiên Tư ích bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát vượt qua pháp thế gian, thông suốt về pháp thế gian rồi mới độ thoát chúng sinh. Đối với pháp thế gian mà hành hóa nhưng không hủy hoại thế gian?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Nói năm ấm là đời
Chỗ nương tựa thế gian
Còn lệ thuộc năm ấm
Chẳng thoát pháp thế gian.
Bồ-tát có trí tuệ
Biết thật tướng thế gian
Như ở nơi năm ấm
Không nhiễm pháp thế giann.
Được mất và khen chê
Nếu hỏi và khổ vui
Tám pháp như thến ầy.
Thường sinh khởi thế gian.
Bồ-tát trí tuệ lớn
Diệt trừ pháp thế gian
Thấy tướng thế gian diệt
Ở đó tâm không động.
Được lợi tâm không cao
Mất lợi tâm không thấp
Tâm kiên cố, không động
Ví như núi Tu-di.
Được mất và khen chê
Nếu hỏi và khổ vui
Đối với tám pháp ấỵ
Tâm Bồ-đề bình đẳng.
Biết thế gian hư vọng
Đều từ điên đảo sinh
Mọi người đều như thế
Chẳng hành theo thế gian.
Đạo ở nơi thế gian
Bồ-tát đều biết rõ
Nên ở trong thế gian
Độ chúng sinh khổ não.
Tuy hành nơi thế gian
Như hoa sen không nhiễm
Cũng không hủy hoại đời
Vì thấu rõ tánh pháp.
Thế gian hành thế gian
 Chẳng biết là thế gian
Bồ-tát hành ở đời
Hiểu rõ tướng thế gian.
Thế gian tướng hư không
Hư không cũng không tướng
Bồ-tá t biết như vậy
Không nhiễm nơi trần thế.
Như chỗ biết thế gian
Tùy theo đây giảng nói
Biết tánh của thế gian
Không hủy hoại thế gian.
Năm ấm không tự tánh
Tức là tánh thế gian
Nếu người không biết vậy
Luôn chấp vào thế gian.
Nếu thấy biết năm ấm
Không sinh cũng không diệt
Người ấy hành thế giãn
Không lệ thuộc thế gian.
Phàm phu không biết pháp
Ở đời sinh tranh cãi
Là thật, chẳng phải thật
Trú trong hai tướng này.
Ta chẳng cùng thế gian
Sinh khởi việc tranh chấp
Thật tướng của thế gian T
ất cả đều biết rõ.
Chư Phật đã thuyết pháp
Thảy đều dứt tranh chấp
Pháp thế gian bình đẳng
Chẳng thật, chẳng hư vọng.
Nếu quyết cho pháp Phật
Có thật, có hư vọng
Đó tức là tham vướng
Không khác gì ngoại đạ o.
Nay nghĩa thực các pháp
Không thật, không hư vọng
Cho nên ta thường nói
Pháp xuất thế không hai.
Nếu nhận biết thế giqn
Thật tánh là như vậy
Nơi thật nơi hư vọng
Không chấp lấy ác kiến.
Biết thế gian như thế
Thanh tịnh như hư không
Là bậc đại danh xưng
Mặt trời soi thế giãn.
Nếu người thấy thế gian
Như chỗ thấy của ta
 Tất cả các người ấy
Thấy được mười phương Phật.
Các pháp từ duyên sinh
Không có tánh cố định
Nếu rõ nhân duyên này
Tức đạt thật tánh pháp.
Nếu biết thật tướng pháp
Đó là biết tướng không
Nếu biết được tướng không
Tức biết vị dẫn đường.
Nếu có người được nghe
Tướng thế gian như vậy
Tuy hành ở thế gian
Mà không vướng thế tục.
Nương tựa các kiến chấp
Không thể thấu việc này
Làm sao hành thế gian
Mà không vướng thế gian?
Sau khi Phật diệt độ
Có người thích pháp này
Phật đối với người ấy
Thường thị hiện Phấp thân.
Người hiểu rõ như thế
Tức giữ gìn pháp ta
Cũng là cúng dường ta
Cũng là thầy thế gian.
Người nghe trong chốc lát
Tánh thế gian như thế
Người này trọn không bị
Ma ác sai khiến được.
Nếu rõ được nghĩa ấy
Là bậc trí tuệ lớn
Thí chủ của pháp tài
Cũng đầy đủ giới cấm.
Nếu biết đời như vậy
Sức nhẫn nhục mạnh mẽ
Đầy đủ các thiền định
Thông suốt mọi trí tuệ.
Được nghe các pháp này
Nơi đó tức có Phật
Các Bồ-tát như thế
Không lâu ngồi đạo tràng.
Nếu có nhiều ưa thích
Pháp thế gian như thế
Hàng phục các thứ ma
Mau chứng đạo Vô thượng.