KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: NÊU BỐN SỰ VIỆC CỦA BỒ-TÁT

Bồ-tát có bốn điều cần làm thì mau chóng đạt được pháp chánh định. Những gì là bốn điều?

  1. Bố thí nhưng không dấy khởi tưởng về phước thí đối với tất cả.
  2. Trì giới, chẳng phạm mọi điều ngăn cấm, đem hết chí nguyện cầu đại đạo.
  3. Luôn mang tâm Từ, đối với mọi oán ghét hay thân thương đều thể hiện bất nhị.
  4. Luôn xem mọi loài chúng sinh trong ba cõi thảy là thân tộc của ta, chưa từng bỏ rơi một loài nào.

Bồ-tát lại có bốn điều cần làm, tất mau đạt được pháp chánh định ấy:

1. Thường đem tâm đại Từ ban bố khắp chúng sinh.

2. Luôn mang tâm đại Bi, nhận thấy chúng sinh nơi ba đường dữ phải chịu bao khổ não mà xót thương vô hạn, nên cứu độ giải thoát tất cả.

3. Thấy chúng sinh do mê mờ lầm lạc mà cứ mãi quanh quẩn trong năm nẻo luân hồi, không thể tự mình gắng sức thoát ra được. Do đó mà nêu bày rõ con đường chân chánh để họ dốc chí theo đức ấy mà tự ra khỏi nẻo tối.

4. Xem chúng sinh trong ba dòng chảy sinh tử luôn qua lại từ đầu mối đến chung cuộc không thể cắt đứt được, thân khổ tâm não, vì thế mà thương xót, nhớ nghĩ, dốc tâm nêu giảng rõ về cội rễ của tội, phước trong cõi sinh tử, là gốc của chánh pháp vô vi.

Bồ-tát lại có bốn điều cần thực hiện để đạt pháp định ý ấy. Những gì là bốn?

1. Xem các thứ tà thuật mê hoặc gồm trong sáu mươi hai thứ kiến chấp mà không dứt khoát lìa bỏ, lại do dự, mập mờ thì sẽ rơi vào bao lớp lưới mê, khác nào loài chim tự lao vào lưới vì tham cái lợi nhỏ nhặt, đâu biết đó chính là tự hại mình.

2. Xem chín mươi sáu loại ngõ hẹp mê hoặc tự tạo lấy sự ngu muội tăm tối, cũng như loài thiêu thân tự lao vào ánh sáng của ngọn đèn, đã bị chìm đắm trong ba đường dữ hoặc quẩn quanh nơi năm nẻo luân hồi mênh mông không thể nào thoát thân. Chỉ có chư Phật cùng chúng Đại Bồ-tát mới có thể cứu độ được.

3. Xem chúng ngoại đạo dốc hành nghề phù chú hại người, Bồtát luôn thương xót họ. Ví như kẻ đã bị dòng nước dữ cuốn chìm, sau đấy mới hối hận thì làm sao còn kịp?

4. Như kẻ làm nghề săn bắn, bắn giết các loài chim, hay buông lưới bắt cá, tích chứa bao tội chồng chất, vô số ức đời bị đọa vào ba nẻo ác. Bồ-tát nguyện lìa bỏ nơi an lành của thân mình để đến cứu độ họ. Vì họ mà nêu giảng về mối lo của tội, phước trong cõi sinh tử, chỉ rõ về nẻo vô vi giải thoát, hoặc lại làm hiển lộ đạo Chánh giác Vô thượng, khiến cho những kẻ ấy đạt được an lạc.

Bồ-tát lại có bốn việc cần làm mới mau đạt được pháp chánh định ấy. Đó là:

1. Tạo hình tượng Phật ngồi trên tòa sen. Nếu phỏng theo để vẽ lên vách tường, lên lụa dày, vải bông hay vải tơ dày, thảy đều đạt tính chất đoan nghiêm, tươi đẹp, khiến cho mọi người trông thấy đều vui mừng, do đó đạt được phước về đạo.

2. Giữ lấy kinh này theo từng quyển, từng cuốn biên chép ra sách vở. Nếu dài thì có thể dùng loại tơ lụa đặc biệt, khiến cho văn tự được biên chép trên dưới đều ngay hàng, rõ nét.

3. Đọc tụng kinh này, ngày đêm luôn tinh tấn, không rời bỏ kinh văn, khiến cho lời kinh được truyền khắp, không một vấp váp, trở ngại nào và những người nghe liền được thông tỏ.

4. Thọ trì pháp Tam-muội này, là ngọn nguồn của chư Phật, mỗi mỗi đều nhận rõ, vì con người mà nêu bày diệu nghĩa thông suốt để khéo khai mở cho Bồ-tát con đường đi tới quả vị Chánh giác Vô thượng, khiến cho tất cả chúng Bồ-tát đều cùng học hỏi, thọ trì, không dấy tâm nghi hoặc, nên mỗi vị đều thông đạt. Bấy giờ, Đức Phật đọc kệ:

Nghe kinh này
Vui đức lớn
Nếu có người
Cầu đạo ấy
Học, lành thay!
Bốn câu đó
Nên đạt đến
Mười thứ lực
Tám mươi ức
Vua cõi người
Những sáu mươi
Luôn an trụ
Thường cùng giúp
Kẻ học ấy
Nên đọc tụng
Tam-muội này
Nếu được nghe
Đạt thiện lợi
Đã lãnh hội
Nên tin, vui
Đều thành tựu
Chẳng nghi đạo
Thảy đều thấy
Sinh tử không
Hành Phật đạo
Nên được nghe
Vui công sức
Chẳng biếng trễ
Nhất thiết trí
Như xem tay
Dùng chữ viết
Kinh điển này
Luôn biết, nhớ
Trăm ngàn kiếp
Biện tài hơn
Đạt quả Phật
Nêu giảng rõ
Tối định ý
Vương tử nguyệt
Được nghe rõ
Ba cõi nước
Làm Sa-môn
Ngày đêm siêng
Nghe thọ pháp
Đời sau rốt
Sau mạng chung
Liền vãng sinh
Cõi Phật khác
Như hằng sa
Lại hơn nữa
Chư Thiên cùng
Cúng dường Phật
Từ nơi ấy
Nghe Tam-muội
Trong ba kiếp
Thành Phật đạo
Có Phật hiệu
Vô Yểm Bảo
Phật Định Quang
Chốn giáo hóa
Được nghe biết
Đạt quả đức
Do vậy nghe
Nên siêng năng
Vì mười phương
Luôn cứu độ
Nay ta muốn
Ân cần dặn
Bậc nhân hiền
Lời nhu hòa
Là pháp thêm
Kho báu đạo.