LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử.
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: HAI PHÁP

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử bảo đại chúng: Tất cả quý thầy nên biết! Đức Phật là người đã hiểu biết thấu suốt đầy đủ về hai pháp, đã vì các hàng đệ tử, môn đồ ân cần giảng dạy chỉ bày. Vậy nay chúng ta cần nên hòa hợp kết tập lại, để sau nầy khi Đức Phật đã diệt độ thì không xảy ra việc tranh cãi và khiến tất cả mọi người cần hòa thuận tuân giữ các pháp luật và phạm hạnh thanh tịnh để tạo nên các lợi lạc lâu dài cho vô số các loài hữu tình. Thương xót hàng trời, người ở thế gian, khiến họ thọ hưởng các phước báo an lạc thù thắng. Thế nào là hai pháp? Kệ nói: (Ốt-đà-nam)

Hai pháp là Danh, Sắc,
Cho đến hết không sinh
Gồm hai mươi bảy thứ
Sẽ giải thích chương sau.

Có hai pháp gọi là danh và sắc.

Lại có hai pháp, đó là vô minh và hữu ái.

Lại có hai pháp, đó là có thấy và không thấy.

Lại có hai pháp, đó là không hổ, không thẹn.

Lại có hai pháp, đó là hổ và thẹn.

Lại có hai pháp, đó là lời ác, bạn ác.

Lại có hai pháp, đó là lời lành, bạn lành.

Lại có hai pháp, đó là khéo léo gây tội và khéo léo thoát tội.

Lại có hai pháp, đó là khéo léo nhập định và khéo léo xuất định.

Lại có hai pháp, đó là giới hạn khéo léo và tác ý khéo léo.

Lại có hai pháp, đó là thật thà ngay thẳng và hiền hòa.

Lại có hai pháp, kham nhẫn (nhẫn nhục) và luôn vui.

Lại có hai pháp, đó là hòa thuận và cúng dường.

Lại có hai pháp, đó là niệm đủ và biết đúng.

Lại có hai pháp, đó là sức suy nghĩ chọn lọc và sức tu tập.

Lại có hai pháp, đó là chẳng giữ gìn căn môn và ăn chẳng biết lường đủ.

Lại có hai pháp, đó là giỏi giữ gìn căn môn và ăn biết lường đủ.

Lại có hai pháp, đó là thiếu giới, thiếu kiến.

Lại có hai pháp, đó là phá giới, phá kiến.

Lại có hai pháp, đó là đủ giới, đủ kiến.

Lại có hai pháp, đó là tịnh giới, tịnh kiến.

Lại có hai pháp, đó là thấy đúng, như lý thù thắng.

Lại có hai pháp, đó là chán đúng, như lý thù thắng.

Lại có hai pháp, đó là đối với pháp thiện chẳng mừng đủ và đối với sự đoạn dứt chẳng ngăn trở.

Lại có hai pháp, đó là Xa-ma-tha và Tỳ-bát-xá-na.

Lại có hai pháp, đó là sáng suốt và giải thoát.

Lại có hai pháp, đó là trí tận và trí vô sinh.

Trong đây có hai pháp: Đó gọi là danh – sắc.

Hỏi: Thế nào là danh?

Đáp: Đó là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn cùng hư không trạch diệt và phi trạch diệt, đó gọi là danh.

Hỏi: Thế nào là sắc?

Đáp: Thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa) và sự tạo ra sắc chất.

Lại có hai pháp: Đó gọi là vô minh và hữu ái.

Hỏi: Vô minh là gì?

Đáp: Như trong Luận Pháp Uẩn nói.

Hỏi: Hữu ái là gì?

Đáp: Các sự tham lam ở cõi Sắc và Vô sắc vì tham lam nên cất chứa, giữ gìn, đam mê đắm vướng và yêu thương chấp nhiễm, đó là hữu ái.

Lại có hai pháp: Đó là có thấy (hữu kiến) và không thấy (vô kiến).

Hỏi: Có thấy là sao?

Đáp: Như bảo cõi thế gian của ta là thường còn. Do đó phát khởi sự nhận chịu ham thích nhìn thấy, thì gọi đó là có thấy.

Hỏi: Không thấy là sao?

Đáp: Như bảo cõi thế gian của ta là đoạn diệt do đó khởi lên sự nhận chịu ham thích nhìn thấy, đó gọi là không thấy.

Lại có hai pháp: Gọi là không hổ, không thẹn.

Hỏi: Không hổ là sao?

Đáp: Như Thế Tôn đã nói: “Kẻ không biết xấu hổ là đối với các việc đáng xấu hổ mà lại không biết xấu hổ. Các việc đáng xấu hổ đó là sự xấu xa độc ác, chẳng lành, lại tùy thuận theo các thói ô nhiễm xen tạp, tùy thuận vào kiếp sau bị các khổ não dị thục và tùy thuận theo cuộc sống ở vị lai với sinh, già, chết, rồi sau nầy khi các việc ác xấu xa chẳng tốt lành sinh ra nhưng không biết xấu hổ, không có điều xấu hổ, không tự xấu hổ riêng mình, không trẽn (trơ trẽn), không bị làm trẽn, không có hổ thẹn, không tôn sùng kính trọng ai, không được tôn sùng kính trọng, không tùy thuộc người khác, không có kẻ khác tùy thuộc mình, đối với mình lúc nào cũng luôn tự tại không hề biết sợ sệt áy náy… đó gọi là không xấu hổ”.

Hỏi: Không thẹn là sao?

Đáp: Như Thế Tôn đã nói: “Không biết thẹn, đối với các việc đáng hổ thẹn mà chẳng sinh lòng hổ thẹn. Việc đáng hổ thẹn đó là các việc xấu xa ác độc chẳng thiện cho đến tùy thuận có thân thời vị lai với đủ cả sinh, già, chết, và sau nầy khi các sự xấu xa chẳng tốt lành sinh ra thì không biết hổ thẹn, không có điều kiện hổ thẹn, chẳng tự thẹn riêng mình, không biết hổ thẹn, không có điều hổ thẹn, cũng chẳng biết tự hổ thẹn riêng. Đối với các tội lỗi đã làm mà chẳng hề biết sợ hãi lo lắng, chẳng thấy có điều chi sợ sệt bối rối cả. Đó gọi là chẳng biết thẹn”.

Lại có hai pháp: Đó là biết hổ, biết thẹn.

Hỏi: Biết hổ là sao?

Đáp: Như Thế Tôn đã nói: “Có kẻ biết hổ là đối với các việc đáng xấu hổ thì sinh lòng xấu hổ. Việc đáng xấu hổ đó là những việc xấu xa chẳng thiện, cho đến tùy thuận, đến cuộc sống ở tương lai có đủ sinh, già, chết. Và sau nầy khi các việc xấu xa chẳng tốt lành sinh ra thì có biết xấu hổ, có điều xấu hổ, có tự biết xấu hổ riêng. Có sai khiến, bị sai khiến, có sai lầm riêng. Có tôn sùng kính trọng và được tôn sùng kính trọng, có tùy thuộc và được người khác tùy thuộc. Đối với sự tự tại thì biết sợ sệt, đó gọi là biết xấu hổ”.

Hỏi: Biết thẹn là sao?

Đáp: Như Thế Tôn đã nói: “Có những kẻ biết thẹn là đối với các việc đáng hổ thẹn thì sinh lòng hổ thẹn. Việc đáng hổ thẹn tức là các việc xấu xa độc ác chẳng tốt lành, cho đến gây nên kiếp sống ở vị lai với sinh, già, chết. Và sau nầy khi các việc ác chẳng lành đó sinh ra thì biết hổ thẹn, có hổ thẹn riêng mình. Biết hổ thẹn các điều đã hổ thẹn, có sự hổ thẹn riêng mình. Đối với các tội ác lỗi lầm đã gây ra thì biết sợ sệt áy náy lo lắng, thấy được các việc đáng e dè sợ sệt. Đó là biết thẹn”.

Lại có hai pháp: Đó là lời nói xấu ác và bạn xấu ác.

Hỏi: Thế nào là lời nói xấu ác?

Đáp: Như Luận Pháp Uẩn nói.

Hỏi: Thế nào là bạn xấu ác?

Đáp: Cũng trong Luận Pháp Uẩn đã nói.

Lại có hai pháp: Đó là lời nói lành và bạn lành.

Hỏi: Lời nói lành là sao?

Đáp: Trong cùng một hạng người, nghề nghiệp, khi nào cần thân thiết chỉ bày dạy bảo nhau thì cùng thân thiết giúp nhau để được như nhau. Khi nào cần dùng mẫu mực, thì cũng tùy thuận mà thực hiện. Đối với người khác có tài đức thì một lòng kính trọng tôn quý, tin tưởng giao tế qua lại để trở thành nhóm bạn hiền, đúng như pháp mà khuyên bảo nhau như nói từ nay trở đi chớ làm xấu thân nghiệp, chớ làm xấu ngữ nghiệp, chớ làm xấu ý nghiệp, chớ làm, sống theo nó. Chớ nên gần gũi với các bạn xấu. Chớ nên gây tạo các nghiệp ác sẽ bị đọa vào ba đường dữ. Cứ như thế mà khuyên răn dạy bảo những lời hay ý đẹp đúng lúc, đúng nơi. Còn đối với các việc tu hành đạo pháp thì cần nên tùy thuận mà gia công bền bỉ khéo léo như mài giũa ngọc quý, để đạo đức ngày càng trở nên tôn quý đẹp đẽ hơn. Hãy giúp đỡ bạn bè những tài sản quý báu lớn lao bằng những lời khuyên răn dạy bảo quý báu, cùng nhau mến yêu, chia ngọt xẻ bùi đồng cảm, đồng sở thích, cùng tin tưởng giúp đỡ nhau hết lòng. Chẳng lấy trộm, cái gì cho mới lấy đàng hoàng. Không nên chống cự nghịch thù cũng không bắt bẻ, chống báng chê bai nhau, hay bài bác hất hủi nhau tàn tệ… Đó là lời nói lành.

Hỏi: Còn bạn lành là thế nào?

Đáp: Như Luận Pháp Uẩn nói.

Lại có hai pháp: Đó là khéo léo gây tội và khéo léo thoát tội.

Hỏi: Thế nào là khéo léo gây tội?

Đáp: Tội tức là có năm thứ tội của thân ngũ uẩn. Năm thứ tội đó là:

  1. Là hơn người khác.
  2. Nhiều thứ khác.
  3. Là đọa vào địa ngục bị nấu đốt.
  4. Là đối thú.
  5. Là làm ác.

Khéo gây tội tức là đúng như thật mà thấy biết: Thầy Bí-sô phạm tội hơn người là như thế, thầy Bí-sô phạm nhiều tội khác là như thế, thầy Bí-sô phạm tội chưng nấu là như thế, thầy Bí-sô phạm tội đối thú là như thế, thầy Bí-sô phạm tội làm ác là như thế.

Lại cần phải như thật mà thấy biết: Thầy Bí-sô đã khởi lên phạm tội hơn người. Thầy Bí-sô đã khởi lên phạm nhiều thứ tội khác. Thầy Bí-sô đã khởi lên phạm tội bị đọa vào nơi nấu đốt. Thầy Bí-sô đã khởi lên phạm tội đối thú. Thầy Bí-sô đã khởi lên phạm tội làm ác.

Lại cần phải như thật mà thấy biết: Thầy Bí-sô nầy đã phạm tội hơn người như thế. Thầy Bí-sô nầy đã phạm nhiều tội khác như thế. Thầy Bí-sô nầy đã phạm tội chưng nấu như thế. Thầy Bí-sô nầy đã phạm tội đối thú như thế. Thầy Bí-sô nầy đã phạm tội làm ác như thế.

Lại cần phải như thật mà thấy biết: Thầy Bí-sô nầy đã khởi lên phạm tội hơn người. Thầy Bí-sô nầy đã khởi lên phạm nhiều tội khác. Thầy Bí-sô nầy đã khởi lên phạm tội chưng nấu. Thầy Bí-sô nầy đã khởi lên phạm tội đối thú. Thầy Bí-sô nầy đã khởi lên phạm tội làm ác.

Lại phải như thật mà thấy biết: Các thầy Bí-sô đã phạm tội hoặc nặng hay nhẹ, hoặc sâu hay cạn, hoặc có dư hay không dư, hoặc che giấu hay không che giấu, hoặc rõ ràng hay không rõ ràng, hoặc đã phát lồ hay chưa phát lồ, hoặc đã diệt trừ hết hay chưa diệt trừ hết, hoặc có thể nói hay không nói được, hoặc làm được hay chẳng thể làm được. Như thế mà gây tạo ra các thứ tội, là đã hiểu rõ ràng, hiểu tất cả, hiểu mọi việc gần gũi, hiểu rõ khắp mọi nơi, thấy mình hiểu biết lượng định kỹ, sáng suốt, tuệ hạnh hiểu biết thông tỏ Tỳ-bát-xá-na… đó gọi là khéo léo gây tội.

Hỏi: Thế nào là khéo léo thoát tội?

Đáp: Tội là năm thứ tội của thân ngũ uẩn. Như trước đã nói rõ. Các tội khéo léo, nghĩa là đúng như thật mà hiểu biết với bốn tội sau đây thì có thể thoát ra, đó là: các thứ khác, chưng nấu, đối thú, làm ác.

Việc thoát ra như thế nào? Như nói thế nầy: Tôi là… (như thế), từ trước nay chưa hề bày tỏ cùng ai. Hôm nay tôn xin nói lời nầy để trình bày việc đó. Với tội lỗi như thế nay xin thưa bày… Tôi vừa trình bày xong, nay xin phát lồ sám hối. Đối với tội như thế, nay xin làm đúng theo pháp đã được quy định. Nếu không phát lồ sám hối thì chẳng được tiêu trừ. Nên hôm nay tôi xin trình bày rõ ràng các việc như thế và xin chân thành phát lồ sám hối đúng như điều quy định với tội lỗi như thế… nay phát lồ sám hối như thế rồi thì tội lỗi kia sẽ được tiêu trừ. Và như thế là biết được rằng mình đã thoát ra các tội lỗi…, cho đến Tỳ-bát-xána. Đó gọi là thoát tội một cách khéo léo.

*****

Lại có hai pháp: Đó là khéo nhập định và khéo xuất định.

Hỏi: Thế nào là khéo nhập định?

Đáp: Định nghĩa là tám thứ yên định tám uẩn. Tức là bốn pháp tĩnh lự thiền và bốn thứ định vô sắc.

Khéo nhập định nghĩa là như thật thấy biết Bổ-đặc-già-la như thế, nhập định sơ tĩnh lự Bổ-đặc-già-la như thế, cho đến nhập định phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Lại nữa, như thật thấy biết Bổ-đặc-già-la như thế, đối với định sơ thiền thì có tác ý khéo léo, Bổ-đặc-già-la như thế cho đến đối với định phi tưởng phi phi tưởng vẫn có tác dụng khéo léo.

Lại nữa, như thật thấy biết Bổ-đặc-già-la như thế, nhập vào đạo sơ thiền Bổ-đặc-già-la như thế, cho đến nhập vào định phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Lại nữa, như thật thấy biết Bổ-đặc-già-la như thế, đối với đạo sơ thiền có tác ý khéo léo và Bổ-đặc-già-la như thế, cho đến đối với định phi tưởng phi phi tưởng xứ mà có tác ý khéo léo.

Việc đó như thế nào? Như có người nói lời nầy, tác ý như thế mà tôi tác ý như vầy: đối với định sơ thiền cho đến định phi tưởng phi phi tưởng xứ nên khéo hiểu biết tất cả, hiểu các việc ở gần và khéo phân biệt, khéo suy nghĩ và khéo thông suốt. Tôi đã nghĩ như thế, và quán thấy như thế, hiểu biết (thắng giải) như thế, gìn giữ từ như thế, phân biệt như thế. Nhập vào định sơ thiền cho đến nhập vào định phi tưởng phi phi tưởng xứ mà khéo hiểu biết tất cả, cho đến khéo thông suốt. Tôi nay như thế mà thâu giữ tâm, khuyên gắng tâm, điều phục tâm, giữ gìn tâm, khởi tâm, buông bỏ tâm, chế ngự tâm, theo tâm. Khi nhập định sơ thiền, cho đến khi nhập định phi tưởng phi phi tưởng xứ thì sẽ hiểu biết tất cả cho đến khéo thông đạt. Tôi nay đúng theo pháp như thế mà nhập định và khéo giỏi nhập định, nhưng lại không tác dụng và không có lợi ích, không thể làm được nhiều việc vì bị chướng ngại. Nay tôi đối với pháp nầy mà hiểu biết tất cả cho đến thông suốt và với cách như thế tôi nhập định và nhập định khéo giỏi nên có tác dụng, có lợi ích, và làm được nhiều việc mà không bị chướng ngại.

Đối với pháp nầy tôi khéo hiểu biết tất cả cho đến khéo thấy thông suốt. Với cách như thế mà nhập vào các thứ định, hiểu biết rõ ràng, hiểu biết tất cả, hiểu biết các việc gần, hiểu biết khắp nơi. Thấu triệt mọi suy xét thông minh, lượng định kỹ lưỡng sáng suốt, tuệ hạnh hiểu biết thông minh, Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là nhập định khéo léo.

Hỏi: Thế nào là xuất định khéo léo?

Đáp: Định tức là tám thứ yên định tám uẩn. Tức là bốn thứ thiền (tĩnh lự) và bốn thứ định vô sắc.

Xuất định khéo léo, nghĩa là đúng như thật mà thấy biết Bổ-đặcgià-la như thế, xuất định sơ thiền Bổ-đặc-già-la như thế, cho đến xuất định phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Lại nữa, phải nên như thật mà thấy biết Bổ-đặc-già-la như thế, đối với khi xuất định sơ thiền mà tác ý khéo léo Bổ-đặc-già-la như thế, cho đến xuất định phi tưởng phi phi tưởng xứ vẫn có tác ý khéo léo.

Lại nữa, nên đúng như thật mà thấy biết Bổ-đặc-già-la như thế, khi xuất định sơ thiền Bổ-đặc-già-la như thế, cho đến xuất định phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Lại nữa, nên đúng như thật biết Bổ-đặc-già-la như thế, khi xuất đạo sơ thiền mà có tác ý khéo léo Bổ-đặc-già-la như thế, cho đến khi xuất định phi tưởng phi phi tưởng xứ, mà khéo hiểu biết tất cả, khéo hiểu việc gần, khéo phân biệt, khéo suy nghĩ, khéo thông suốt. Tôi nay nghĩ như thế mà quán thấy như thế, hiểu biết như thế, giữ gìn như thế, phân biệt như thế. Khi xuất định sơ thiền cho đến xuất định phi tưởng phi phi tưởng xứ khéo hiểu biết tất cả, cho đến khéo thông suốt và như thế mà tôi thâu giữ tâm, khuyên gắng (sách tấn) tâm, điều phục tâm, giữ gìn tâm, khởi tâm, theo tâm, chế ngự tâm và buông bỏ tâm. Trong khi xuất định sơ thiền cho đến khi xuất định phi tưởng phi phi tưởng xứ mà khéo hiết biết tất cả cho đến khéo thông suốt. Tôi đúng pháp như thế mà xuất định, cho đến xuất định khéo léo mà không có tác dụng, không có lợi ích, không làm được nhiều việc vì bị chướng ngại. Nay đối với pháp nầy tôi khéo hiểu biết tất cả, cho đến khéo thông suốt. Cứ như thế mà biết là đủ xuất ra các thứ định, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là xuất định khéo léo.

Lại có hai pháp: Đó là biết giới khéo léo và tác ý khéo léo.

Hỏi: Biết giới khéo léo là sao?

Đáp: Như có Bí-sô biết đúng như thật mười tám giới. Đó là mắt, màu sắc và nhãn thức. Tai, tiếng và nhĩ thứ. Mũi, mùi hương và tỷ thức. Lưỡi, vị và thiệt thức. Thân, chạm xúc và thân thức. Ý, các pháp và ý thức.

Lại đúng như thật mà thấy biết sáu giới: Đất, nước, gió, lửa, không và thức.

Lại biết đúng như thật về sáu giới: Dục, giận, hại, ra khỏi (xuất ly), không giận, không hại.

Lại biết đúng như thật về sáu giới. Đó là vui, khổ, mừng, buồn rầu buông xả và vô minh.

Lại biết đúng như thật về bốn giới. Đó là thọ, tưởng, hành, thức.

Lại biết đúng như thật về ba giới. Đó là cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.

Lại biết đúng như thật về ba giới. Đó là quá khứ, vị lai và hiện tại.

Lại biết đúng như thật về ba giới. Đó là kém, trung bình và vi diệu.

Lại biết đúng như thật về ba giới. Đó là thiện, bất thiện và vô ký.

Lại biết đúng như thật về hai giới. Đó là hữu lậu, vô lậu.

Lại biết đúng như thật về hai giới. Đó là hữu vi, vô vi.

Đối với các thứ giới như thế mà biết rõ, biết tất cả, biết gần, biết khắp, thấu suốt, xét đoán kỹ lưỡng thông suốt, tuệ hạnh hiểu biết minh trí Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là biết giới khéo léo.

Hỏi: Còn tác ý khéo léo là sao?

Đáp: Như Bí-sô hoặc thọ trì Tố-đát-lãm, hoặc thọ trì Tỳ-nại-da, hoặc thọ trì A-tỳ-đạt-ma, hoặc nghe Thân giáo sư giảng, hoặc nghe thầy Luật sư mô phạm dạy bảo, hoặc nghe kho tàng mở, mang truyền thọ bảo, hoặc nghe người theo Lý nhất như nói, y chỉ nương nhờ vào các điều đã kể dẫn đúng lý, các điều nghe được sẽ tạo nên trí tuệ sáng tỏ. Đối với nhãn giới đến ý thức giới mà khéo léo tác ý (nghĩ tưởng) suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với địa giới cho đến thức giới, khéo léo tác ý, suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với dục, giận hờn, tổn hại, khéo léo tác ý, suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với xuất ly, chẳng giận hờn, chẳng tổn hại, khéo léo tác ý, suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với vui, khổ, mừng, buồn rầu, buông bỏ, vô minh, khéo léo tác ý, suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với các giới thọ, tưởng, hành, thức, tác ý khéo léo, suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc, tác ý khéo léo, suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với sắc và vô sắc, khéo léo tác ý, suy nghĩ là chẳng thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với diệt giới, khéo léo tác ý, suy nghĩ là chẳng thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với quá khứ, vị lai, hiện tại, khéo léo tác ý, suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với kém và trung bình, khéo léo tác ý suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với tốt (diệu), tác ý khéo léo, suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với thiện, bất thiện và vô ký, tác ý khéo léo, suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với học và vô học, tác ý khéo léo, suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với phi học phi vô học, tác ý khéo léo, suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với hữu lậu mà tác ý khéo léo, suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với vô lậu giới mà tác ý khéo léo, suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với hữu vi giới mà khéo léo tác ý suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Đối với vô vi giới mà khéo léo tác ý suy nghĩ là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã.

Lại nữa, như có Bí-sô thấy đúng như thật về quá khứ, vị lai, hiện tại mà tác ý. Thiện, bất thiện và vô ký mà tác ý, sự ràng buộc vào cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc mà tác ý. Với học, vô học, phi học phi vô học mà tác ý. Đối với thấy mà đoạn dứt, tu mà đoạn dứt và chẳng phải sự đoạn dứt mà tác ý. Đối với các thứ như thế mà tác ý hiểu rõ ràng cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là tác ý khéo léo.

Lại có hai pháp: Đó là thật thà ngay thẳng và nhu hòa.

Hỏi: Thực thà ngay thẳng là sao?

Đáp: Tâm chẳng cứng rắn, tâm chẳng mạnh bạo, tâm chẳng ương ngạnh, tâm thuần chất, tâm chánh trực, tâm đượm nhuần linh hoạt, tâm dịu dàng hiền từ, tâm điều hòa thuận hợp. Đó gọi là thực thà ngay thẳng.

Hỏi: Nhu hòa là sao?

Đáp: Thân chẳng cứng rắn, thân chẳng mạnh bạo, thân chẳng ương ngạnh cứng cỏi, thân lại thuần chất, thân chánh trực, thân đượm nhuần linh hoạt, thân dịu dàng hiền từ, thân điều hòa thuận hợp. Đó gọi là hiền hòa, nhu hòa.

Lại có hai pháp: đó là kham nhẫn và luôn vui.

Hỏi: Kham nhẫn là sao?

Đáp: Tức là khéo nhịn chịu, chịu đựng các thứ lạnh nóng, đói khát, gió mặt trời, ruồi muỗi, rắn độc, bò cạp v.v… Lại có thể nhịn chịu được những lời chửi mắng dữ tợn, độc ác của kẻ khác, lại có thể vì mãnh lực của quyền lợi dù nhỏ mà sẵn sàng đứng dậy nhẫn tâm chịu khổ kể cả phải bỏ mạng. Đó gọi là kham nhẫn.

Hỏi: Luôn vui (trong mọi hoàn cảnh) là sao?

Đáp: Giả sử như có việc xảy ra khiến mình không thể chịu đựng nổi, không thể kìm hãm được mình, không thể xoay chuyển đổi dời, không thể nhịn chịu được. Nhưng đối với sự việc, với người gây sự thì mình chẳng hề dữ dằn bạo ngược, chẳng hề thô bỉ tục tằn và tàn bạo. Trái lại đều có thể bỏ qua mà vui vẻ. Lại có thể dễ dàng chấp nhận việc chung sống cùng hạng người ác đó mà tìm cách khắc phục các tội ác. Như thế khi có việc xảy đến một cách bất trắc mà vẫn chịu đựng được, vẫn luôn bình tĩnh kiềm chế được mình, có thể xoay sở chuyển đổi, có thể nhẫn nại chịu đựng. Lại nữa, đối với họ vẫn không hề tâm ác bạo ngược, cũng chẳng thô tục dữ dằn của thú tính. Trái lại có thể chịu đựng, bình tĩnh, vui vẻ trong bất cứ hoàn cảnh trường hợp nào. Lại có thể dễ dàng chung sống để cảm hóa được họ từ bỏ các tội ác. Đó gọi là luôn vui.

Lại có hai pháp: Đó là hòa thuận và cúng dường.

Hỏi: Hòa thuận là sao?

Đáp: Nếu có niềm vui nào bất chợt xảy đến khiến tất cả đều vui tươi hạnh phúc chẳng chỉ lời ăn tiếng nói dịu dàng êm ái dễ thương, mà còn mặt mày tươi tắn hiền hòa, nỗi buồn lo biến mất. Trước hết nói lời an ủi vỗ về thăm hỏi mọi người: Quý vị hôm nay đến đây công việc có dễ dàng phát triển tốt chăng? Cuộc sống có vui vẻ thoải mái chăng? Sống yên không bệnh hoạn và ăn ngủ ngon lành đấy chứ? Cứ như thế đem lại nguồn vui cho mọi người bằng những lời lẽ vui vẻ đầy nụ cười.

Đó gọi là hòa thuận.

Hỏi: Cúng dường là sao?

Đáp: Cúng dường (bố thí) có hai loại: Một là cúng dường tiền của (tài thí). Hai là cúng dường pháp.

Thế nào là cúng dường tiền của? Là tùy ý thích mà dùng đủ các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, và vải vóc y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men, tiền của và mọi thứ vật dụng cần thiết hằng ngày đem cung cấp ban thí cho tất cả mọi người mặc tình sử dụng, chẳng bận lòng, vì người nầy có thể buông xả hết tất cả. Đó gọi là cúng dường tiền của.

Thế nào là cúng dường pháp? Là dùng các pháp như Tố-đát-lãm, Tỳ-nại-da, hoặc A-tỳ-đạt-ma, hoặc các lời giảng thuyết dạy bảo của các Thân giáo sư, của các Luật sư, thầy Sư phạm, hoặc trong các Tạng kinh điển trao truyền dạy dỗ, hay là một điều gì khác đáng tin cậy…, mà đem ra cung cấp bố thí ban bố giúp đỡ cho tất cả mọi người khiến họ cũng như mình biết bố thí và buông bỏ tất cả… Đó gọi là cúng dường pháp. Gọi chung hai thứ nầy với một tên là cúng dường.

Lại có hai pháp: Đó là niệm đủ và biết đúng.

Hỏi: Thế nào là niệm đủ?

Đáp: Như y vào pháp thiện là xuất ly, xa lìa, như nghĩ các thứ, nghĩ tùy theo, nghĩ chuyên chú tập trung, nghĩ nhớ…, mà chẳng quên mất, bỏ sót, rơi rớt. Chẳng quên pháp tánh, tâm trí luôn sáng suốt ghi nhớ đầy đủ. Đó gọi là niệm đủ.

Hỏi: Thế nào là biết đúng?

Đáp: Như y vào pháp thiện là xuất ly, xa lìa. Đối với pháp chọn lực thì chọn lựa cùng cực, chọn lựa rốt ráo tận cùng, nên hiểu rõ, hiểu tất cả, hiểu gần, hiểu khắp. Thấu suốt mọi điều quan yếu, phán xét lượng định kỹ lưỡng sáng suốt tuệ hạnh hiểu biết thông tỏ Tỳ-bát-xána. Đó gọi là biết đúng.

Lại có hai pháp: Đó là sức suy nghĩ chọn lựa và sức tu hành.

Hỏi: Thế nào là sức suy nghĩ chọn lựa?

Đáp: Như Thế Tôn đã nói: “Các thầy Bí-sô nên biết, các người đệ tử Phật nghe nhiều nên biết đó là học”.

Các việc làm ác do thân gây ra sẽ chiêu cảm các quả báo xấu dị thục cho hiện đời và cả đời sau. Cho hay nếu thân ta gây ra nhiều tội ác thì hiện đời chính mình tự ghê tởm, tự hại đời mình, mà còn bị người khác, trời, thần, chư Phật chê trách, cũng như bị người trí và kẻ đồng tu phạm hạnh khinh ghét, và tiếng nhơ sẽ đồn khắp thế gian. Sau khi chết sẽ bị đọa vào các đường dữ ở trong chốn địa ngục khốn khổ. Do biết được khi thân gây tội ác thì hiện đời và cả đời sau sẽ bị nhiều tội khổ, nên siêng năng kìm giữ không để thân gây tội ác nữa. Trái lại còn gia tâm siêng tu các hạnh nghiệp tốt của thân. Còn đối với nghiệp ác của lời nói và nghiệp ác của ý nghĩ thì nói rộng ra cũng như thế. Cho đến cần phải siêng năng tu tập các hạnh nghiệp tốt của lời nói và ý nghĩ. Nếu có thể thực hiện cái nhân về suy nghĩ chọn lựa như thế, thì nên nương nhờ vào suy nghĩ chọn lựa và trụ vào biết suy xét tuyển chọn kỹ lưỡng. Như thế, để luôn luôn đoạn dứt các pháp bất thiện. Trái lại tu hành đầy đủ các pháp thiện. Nói đó là biết suy nghĩ tuyển chọn, cũng gọi đó là sức, nên gọi là sức suy nghĩ chọn lựa.

Hỏi: Thế nào là sức tu hành?

Đáp: Như Thế Tôn đã nói: Quý thầy Bí-sô nên biết, những đệ tử nghe nhiều (học nhiều) của Phật càng phải tu hành và nghĩ nhớ các giác chi (các điều tỉnh giác) nên nương nhờ vào sự chán sợ, nương nhờ vào sự chia lìa, nương nhờ vào sự diệt hết mà hướng về sự buông xả. Hãy tu tập kỹ lưỡng các giác chi như: Sự chọn lựa, siêng, vui, nhẹ nhàng, định và buông xả…, nên nương nhờ vào sự chán sợ, nương nhờ vào sự chia lìa, nương nhờ vào sự diệt hết mà hướng về sự buông xả. Nếu gây tạo cái nhân tu tập như thế, rồi nương nhờ vào tu tập và trụ vào tu tập để luôn đoạn dứt các pháp bất thiện, trái lại tu tập nhiều các pháp thiện. Nói đó là tu tập, cũng gọi là sức. Nên gọi là sức tu tập. Vì sao gọi là sức? Nếu với cái sức đó mà chúng ta nương nhờ vào nó và trụ vào nó thì có thể đoạn dứt, có thể nghiền nát, có thể phá tan các sự trói buộc chặt chẽ của tùy miên và sự ràng buộc của tùy phiền não cho nên gọi đó là sức.

Lại có hai pháp: Đó là chẳng biết giữ gìn căn môn và ăn chẳng biết lượng định.

Hỏi: Thế nào là chẳng biết giữ gìn căn môn?

Đáp: Các thầy Bí-sô nên biết, như Thế Tôn đã nói: Những phàm phu kém hiểu biết khi mắt nhìn thấy sắc, do nhãn căn nên giữ lấy cái tướng ham thích của mình, chẳng giữ gìn nhãn căn, rơi vào chỗ chẳng cảnh giác phòng hộ, nên lòng tham ái khởi lên, các mầm mống xấu ác từ tâm phát triển lớn nhanh. Đó là đối với nhãn căn chẳng biết phòng hộ bảo vệ, cho nên nói là chẳng biết giữ gìn nhãn căn. Vì chẳng giữ gìn nhãn căn, nên tham sân si sinh trưởng mạnh mẽ. Nói về tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng giống như thế.

Vả lại, như nói về ý căn, khi ý hiểu biết các pháp, do ý căn nên chấp chặt lấy tướng tùy sự ham thích của mình, chẳng giữ gìn ý căn, rơi vào chỗ chẳng cảnh giác phòng hộ, nên lòng tham ái khởi lên bất chợt, thế là mầm mống xấu ác từ tâm phát triển lớn nhanh. Đó là đối với ý căn chẳng biết bảo vệ phòng hộ, cho nên nói là chẳng biết giữ gìn ý căn. Vì chẳng giữ gìn phòng hộ ý căn, nên tham sân si sinh trưởng mạnh mẽ.

Ấy là do phát khởi lên sự suy nghĩ chọn lựa chẳng đúng lý, nên khi mắt nhìn thấy các sắc, tai nghe các thứ tiếng, mũi ngửi các mùi, lưỡi nếm các vị, thân chạm xúc vật, ý hiểu các pháp… Với sáu cửa của sáu căn (căn môn) như thế mà chẳng được phòng hộ bảo vệ, chẳng canh chừng mọi thứ, chẳng canh chừng khắp mọi lúc mọi nơi, lại chẳng giấu kỹ, chẳng che, chẳng đậy, chẳng yên tĩnh vắng lặng, chẳng điều phục, chẳng giữ gìn, chẳng làm chủ được nó… Đó gọi là chẳng giữ gìn căn môn.

Hỏi: Ăn chẳng biết lường là sao?

Đáp: Các thầy Bí-sô nên biết, như Thế Tôn đã nói: Người phàm phu kém hiểu biết chẳng biết suy nghĩ chọn lựa mà ăn. Vì sự mập béo khỏe mạnh, vì tánh phóng túng, vì dung mạo đẹp đẽ, vì dáng vẻ oai nghiêm…, mà ăn các thức ăn chẳng hề suy nghĩ lựa chọn, nghĩa là chẳng biết suy nghĩ chọn lựa cách đúng lý, mà cứ ăn càn những thức ăn gì chẳng cần biết.

Vì sự khỏe mạnh mập béo mà ăn, tức là một số người, khi ăn thì nghĩ: Ta ăn thức ăn nầy tất sẽ mập mạp khiến thân khỏe mạnh có thể làm được những việc nặng nhọc, hoặc đảm trách những sự việc quan trọng, của cải sẽ có nhiều và sống lâu trên đời, có thể đập nát mọi kẻ thù và ngồi xe mà đi khắp chốn, rồi lại có thể nhảy xa ném mạnh, làm biết bao trò đùa ở chốn thế gian nầy…

Vì tánh phóng túng mà ăn, là một số người khi ăn thì nghĩ: Nay ta ăn những thức ăn nầy tất sẽ mập mạp khiến ta thỏa chí oai vệ biết mấy. Với lòng kiêu kỳ, ta đứng lên là tất cả sẽ đứng theo, ta bày ra cái gì ở đâu cũng có, cứ thế mà qua mặt tất cả, rồi mặc tình mà vui thú, mặc sức tung hoành.

Vì dung mạo đẹp đẽ mà ăn, là một số người khi ăn thì nghĩ: Nay

ta ăn thức ăn nầy tất sẽ rất bổ dưỡng sẽ khiến thân ta dung mạo đẹp đẽ tươi tắn, da dẻ mịn màng trơn láng…

Vì dáng vẻ oai nghiêm mà ăn, là một số người khi ăn thì nghĩ: Ta ăn thức ăn nầy tất sẽ rất bổ dưỡng, no đủ, khiến thân ta trở thành một hình dáng uy nghiêm đẹp đẽ bậc nhất, khiến tất cả mọi người đều phải mến yêu kính trọng.

Vì có nhiều người coi trọng sự ăn uống như vậy, nhưng các thức ăn đâu có giống nhau mà lại chẳng biết lượng định, cũng chẳng thông minh sáng suốt nên chẳng hiểu rõ sự tướng của nó cho nên không thể tự mình cắt giảm số lượng. Nên ta chỉ cứ thế mà ăn. Đó là ăn chẳng biết lường.

Lại có hai pháp: Đó là hay giữ gìn căn môn và ăn biết lượng định.

Hỏi: Hay giữ gìn căn môn là sao?

Đáp: Như Thế Tôn đã nói: Quý thầy Bí-sô nên biết! Có nhiều đệ tử Phật nghe nhiều, học nhiều, khi mắt nhìn thấy sắc là do nhãn căn, nhưng chẳng chấp giữ tướng đó, cũng chẳng chấp lấy sự ham thích, liền có thể giữ gìn được nhãn căn. Do có sự giữ gìn nên không khởi lên lòng tham ái, các việc xấu xa chẳng lành, cũng không tùy theo tâm mà sinh trưởng. Đó là biết phòng hộ bảo vệ nhãn căn. Do đó nên nói giỏi giữ gìn nhãn căn. Vì hay giữ gìn nhãn căn nên tham sân si chẳng khởi.

Tai, mũi, lưỡi, thân ý đều cũng như thế. Vả lại, như nói về ý căn. Khi ý đã hiểu các pháp là do ý căn, nhưng chẳng chấp lấy sự tướng của nó, cũng chẳng chấp lấy sự ham thích nên liền có thể giữ gìn được ý căn. Do có sự giữ gìn nên lòng tham ái không thể khởi lên được, các việc xấu xa chẳng lành, cũng không tùy tâm mà sinh trưởng. Đó là biết phòng hộ bảo vệ ý căn. Do đó nên nói là giỏi giữ gìn ý căn, vì giỏi giữ gìn ý căn nên tham sân si chẳng khởi.

Ấy là do phát khởi đúng lý sự biết suy xét chọn lựa. Khi mắt thấy các sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm các vị, thân chạm các vật, ý hiểu các pháp, đối với sáu căn môn đó mà giỏi giữ gìn phòng hộ hay canh chừng mọi lúc mọi nơi, hay giấu kín, hay che đậy, hay vắng lặng, hay điều phục kiềm chế, hay phòng hộ. Đó là giỏi giữ gìn căn môn.

Hỏi: Còn ăn biết lượng định là sao?

Đáp: Như Thế Tôn đã nói: Các thầy Bí-sô nên biết! Các đệ tử đa văn của Đức Phật nên biết suy nghĩ chọn lựa mà ăn. Ăn chẳng vì mạnh khỏe mập béo, chẳng vì kiêu ngạo phóng túng, chẳng vì dung mạo đẹp đẽ, cũng chẳng vì hình dáng oai nghi, mà ăn chỉ vì tấm hình hài nầy, chỉ qua cơn đói khát tạm sống nơi đây để giữ gìn phạm hạnh mà ăn thức ăn nầy. Vì muốn dứt bỏ lãnh thọ cũ nên không khởi ý thọ nhận cái mới, sống cuộc sống an lành vô tội, để được trụ vào nơi an lạc mà ăn thức ăn nầy. Hay biết suy xét chọn lựa mà ăn, là trụ vào đúng lý đã kể biết suy xét chọn lựa mà ăn thức ăn nầy.

Chẳng vì sự mạnh khỏe béo mập mà ăn, tức chẳng phải như một số người khi ăn thì nghĩ: Ta ăn thức ăn nầy tất sẽ béo mập ra khiến thân ta mạnh khỏe, có thể làm các việc nặng nhọc và đảm trách các sự việc quan trọng, có nhiều tiền của và sống lâu trên cõi đời nầy. Lại có thể đập nát mọi kẻ thù và dong ngựa xe đi khắp nơi, có thể phóng xa nhảy cao và làm biết bao trò đùa ở thế gian nầy.

Chẳng vì kiêu ngạo phóng túng mà ăn, tức là chẳng phải như một số người khi ăn thì nghĩ: Ta ăn thức ăn nầy tức sẽ mập mạp khiến cho ta phỉ chí anh hào oai vệ biết mấy! Với lòng kiêu kỳ hễ muốn đứng lên thì tất cả đều đứng, muốn sinh ra thì tất cả đều sinh, liên tục như thế mà vượt qua tất cả, rồi mặc tình vui thú, mặc sức tung hoành.

Chẳng vì dung mạo đẹp đẽ mà ăn, tức là chẳng như một số người khi ăn thì nghĩ: Ta ăn thức ăn nầy tất sẽ rất bổ dưỡng khiến cho thân ta dung mạođẹp đẽ tươi tắn, da dẻ mịn màng trơn láng.

Chẳng vì dáng vẻ oai nghiêm mà ăn, tức chẳng như một số người khi ăn thì nghĩ: Ta ăn những thức ăn nầy tức sẽ bổ dưỡng no đủ, sẽ khiến thân ta trở thành một hình dáng uy nghiêm đẹp đẽ bậc nhất, khiến tất cả mọi người đều phải kính trọng mến yêu.

Chỉ vì thân hình nầy tạm sống chốn nầy mà ăn thức ăn nầy, nghĩa là thân thể cũng gọi là danh sắc, thân căn cũng gọi là thân, phần sắc của năm căn cũng gọi là thân, bốn đại đất, nước, gió, lửa họp lại tạo nên cũng gọi là thân. Với ý nghĩa nói là do bốn đại họp lại tạo thành thân nên các đệ tử của chư Phật khi ăn thì chỉ nghĩ ta ăn thức ăn nầy để bốn đại họp lại tạo nên thân nầy. Tạm ở mà ở vậy, chứ chỗ ở gần nhất, cần thiết nhất là an trụ, cho nên gọi là tạm trú. Các đệ tử Phật khi ăn chỉ nghĩ ta ăn thức ăn nầy để khiến cho thân do tứ đại họp lại tạo nên được sống còn. Tùy cuộc sống nên chỗ nào cần giữ gìn thì giữ gìn bảo hộ, chỗ nào cần thay đổi chuyển biến thì chuyển biến, cho nên gọi là cuộc sống.

Chỉ vì muốn chấm dứt sự đói khát mà ăn. Vì sự đói khát ở đây gây nên khổ sở nên nói là đói khát. Các đệ tử Phật khi ăn thì chỉ nghĩ: Ta ăn thức ăn nầy là cốt để sự đói khát gây khổ tạm thời dừng lại, không gây khổ não nữa.

Chỉ vì việc tu trì phạm hạnh mà ăn, tức là lìa bỏ dâm dục cũng gọi là phạm hạnh, tu tám chánh đạo cũng gọi là phạm hạnh. Nghĩa ở đây nói thì tu tám chánh đạo gọi là phạm hạnh. Các đệ tử Phật khi ăn thì chỉ nghĩ: Vì muốn tu trì, tùy thuận làm lợi ích đối với tám chánh đạo mà thôi.

Vì để dứt sự lãnh thọ cũ và chẳng dám khởi lên lãnh thọ mới mà ăn, tức là do điều kiện duyên không ăn mà chịu khổ, nên gọi là lãnh thọ cũ, còn do duyên ăn, mà chịu khổ, nên gọi là lãnh thọ mới. Các đệ tử Phật khi ăn chỉ nghĩ ta ăn thức ăn nầy là vì đoạn dứt lãnh thọ cái cũ, và chẳng khởi lên lãnh thọ cái mới, chứ chẳng phải là vì muốn được vui sướng hay vì muốn cuộc sống không tội lỗi mà ăn thức ăn nầy.

Cuộc sống có hai thứ, đó là cuộc sống có tội và cuộc sống không tội lỗi.

Thế nào là cuộc sống có tội? Như có một số người xảo trá dối lừa mà làm ra vẻ thiết tha cảm động, tối mắt vì lợi, chỉ biết kiếm lợi cầu được ăn uống. Với phương cách hư vọng như thế khi được ăn uống rồi thì khoái chí ta đây mặc tình ham ăn, mê muội tham ái, đắm chấp mãi chẳng buông bỏ, không thấy được lỗi lớn của mình đã làm, chẳng biết tìm cách thoát ra…, như thế gọi là cuộc sống có tội.

Thế nào là cuộc sống không tội lỗi? Chẳng phải như kẻ dối lừa xảo trá kia làm ra vẻ thành thật tha thiết, chỉ biết có lợi và chỉ cắm vào kiếm lợi để mong được ăn uống. Dùng phương tiện như thật khi được ăn uống rồi thì đúng pháp mà thọ dụng, chẳng hề tham ái mê muội, chẳng đam mê đắm trước, thấy được lỗi mình đã qua mà cố tìm cách ra khỏi, giải thoát. Đó gọi là cuộc sống không tội lỗi như thế mà ăn thức ăn nầy.

Vì mong được an vui mà ăn, là các hàng đệ tử Phật khi ăn thì chỉ nghĩ: Vì muốn cho sức khỏe của thân không bị giảm sút suy nhược và tâm thần tỉnh táo vui vẻ để làm mọi việc thiện.

Vì muốn được an trụ mà ăn, tức là các hàng đệ tử Phật khi ăn chỉ biết nghĩ ăn thức ăn nầy là để các việc đi đứng ngồi nằm và học tập đọc tụng hay tu thiền định được thân tâm an lạc yên ổn. Các người như thế thì không hề quý chuộng việc ăn uống. Đối với các việc ăn uống luôn coi là bình thường. Và có tánh biết lượng định hạn chế, có trí tuệ minh mẫn sáng suốt, do đó mà giỏi hiểu rõ sự tướng của nó. Khi đã hiểu rõ rồi thì tự biết cắt giảm: ta nên chỉ ăn như thế thôi. Đó là ăn biết lượng định.

Lại có hai pháp: Tức là mất giới và mất kiến.

Hỏi: Thế nào là mất giới?

Đáp: Tức là giết hại, trộm cướp và tà dâm, nói dối, nói lời ly gián chia lìa, nói lời dữ dằn thô tục, nói lời nhơ bẩn.

Lại nữa, hoặc giết hại, hoặc trộm cướp, hoặc tà dâm, chẳng phạm hạnh, lại như các người chẳng có giới thiện (giới bất thiện), các người chẳng có giới đúng lý mà nói, các người có giới thiền định bị chướng ngại thì đó là mất (thiếu) giới.

Tại sao gọi là mất giới? Việc việc mất giới, tự tánh của nó chẳng đáng ưa thích, chẳng đáng vui, chẳng đáng mừng, chẳng đáng để ý, chẳng được an ổn, chẳng ngay thẳng, chẳng đáng mừng vui, chẳng vừa ý thỏa lòng, và trái chính lý.

Hơn nữa việc đó khiến có các quả chẳng đáng mến thích, quả chẳng đáng vui, quả chẳng đáng mừng, quả chẳng đáng để ý, quả chẳng ngay thẳng, quả chẳng đáng mừng vui, quả chẳng vừa ý thỏa lòng và và trái chánh lý.

Lại nữa, việc đó hay chiêu cảm các báo dị thục chẳng đáng mến thích, báo dị thục chẳng đáng vui, báo dị thục chẳng đáng mừng, báo dị thục chẳng đáng để ý, báo dị thục chẳng an ổn, báo dị thục chẳng ngay thẳng, báo dị thục chẳng đáng mừng vui, báo dị thục chẳng vừa ý, báo dị thục trái chính lý. Nên gọi là mất giới.

Hỏi: Thế nào là mất kiến?

Đáp: Có những người có thấy mà chẳng bố thí, không có ái thân, không có cúng tế, không có hạnh khéo đẹp, không có hạnh ác, không có nghiệp quả dị thục của hạnh diệu và hạnh ác, không có đời nầy, không có kiếp khác, không cha, không mẹ, không có loài sinh hóa hữu tình, không có quả A-la-hán, chánh chí chánh hạnh thế gian tức là đời nầy và đời khác. Tự thấu suốt làm quả chứng và được chứng quả hiểu biết: “Đời sống ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ thân sau”.

Lại còn có những người có cái thấy chẳng lành, có những kẻ có cái thấy chẳng đúng lý mà nói, có những kẻ có cái thấy gây chướng ngại cho thiền định. Đó là mất kiến.

Tại sao gọi là mất kiến? Tự tánh của pháp nầy chẳng đáng mến thích…, đến…, trái với chánh lý. Lại vì việc đó bị quả chẳng đáng mến thích…, cho đến…, quả trái chánh lý.

Lại còn việc đó hay chiêu cảm các báo dị thục chẳng đáng mến thích…, đến…, báo dị thục trái chánh lý. Nên gọi là mất kiến.

Cũng như mất giới mất kiến, về phá giới phá kiến cũng như thế, nên biết.

Lại có hai pháp: Đó là đủ giới và đủ kiến.

Hỏi: Thế nào là đủ giới?

Đáp: Tức là lìa bỏ giết hại, lìa bỏ trộm cướp, lìa bỏ tà dâm, lìa bỏ nói dối, nói ly gián, nói lời dữ dằn thô tục, và nói nhơ nhớp. Lại còn lìa bỏ giết hại, lìa bỏ trộm cướp, lìa bỏ phi phạm hạnh (tà dâm).

Lại còn có những kẻ có giới học, những kẻ có giới vô học, và những kẻ có giới giỏi về chẳng phải học và chẳng phải vô học. Đó là đủ giới.

Vì sao gọi là đủ giới? Vì tự tánh của pháp đó là đáng mến thích, đáng vui, đáng mừng, đáng để ý, đáng an ổn, ngay thẳng, đáng vui mừng, ý thuận theo chánh lý.

Lại còn pháp đó có thể khiến được quả đáng mến thích, quả đáng vui, quả đáng mừng, quả đáng để ý, quả được an ổn, quả ngay thẳng, quả đáng mừng vui, quả ý vui thuận theo chánh lý.

Lại còn pháp nầy có thể chiêu cảm các báo dị thục đáng mến thích, báo dị thục đáng vui, báo dị thục đáng mừng, báo dị thục đáng để ý, báo dị thục an ổn, báo dị thục ngay thẳng, báo dị thục đáng mừng vui, báo dị thục thuận theo chánh lý. Nên gọi là đủ giới.

Hỏi: Thế nào là đủ kiến?

Đáp: Các cái thấy có bố thí, có ái thân, có cúng tế, có hạnh diệu, có hạnh ác, có nghiệp quả dị thục của hạnh diệu và hạnh ác. Có đời nầy và có đời khác, có mẹ, có cha, có loài hữu tình hóa sinh, có bậc chứng chánh chí chánh hạnh A-la-hán ở thế gian. Tức là tự thấu suốt được đời nầy và đời khác, đã chứng quả đầy đủ, đúng như thật mà chứng biết: “Đời sống ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không nhận thân đời sau”.

Lại còn có những kẻ thấy có học, có những kẻ thấy vô học, có những kẻ khéo thấy chẳng phải học chẳng phải vô học. Đó là đủ kiến.

Vì sao gọi là đủ kiến? Vì tự tánh của pháp đó đáng mến thích…

cho đến quả trái với chánh lý. Lại vì việc đó bị quả chẳng đáng mến thích…, cho đến quả thuận theo chánh lý.

Lại nữa, vì pháp nầy chiêu cảm được báo dị thục đáng mến thích… cho đến báo dị thục thuận theo chánh lý cho nên gọi là đủ kiến.

Về tịnh giới và tịnh kiến cũng giống như đủ giới và đủ kiến, nên biết.

Lại có hai pháp: Đó là thấy đúng và như lý thù thắng.

Hỏi: Thế nào là thấy đúng?

Đáp: Tức là nương vào pháp thiện và xuất ly, xa lìa. Đối với pháp thiện chọn lựa thì phải chọn lựa cùng cực, chọn lựa tột bậc. Hiểu rõ, hiểu tất cả, hiểu gần, hiểu khắp. Thấu suốt các điều quan yếu, phán xét lượng định kỹ lưỡng sáng suốt, tuệ hạnh hiểu biết thông tỏ Tỳ-bát-xána.

Hỏi: Thế nào là như lý thù thắng?

Đáp: Như bảo có thầy Bí-sô đúng như sự thấy của ông ta, như do hình tướng của các hạnh là như thế, nên thấy rõ ở thế gian các việc chưa sinh rồi sẽ sinh. Rồi đúng lý mà suy xét các tướng mạo hình dạng của các hạnh như thế, liền khiến cho Thánh đạo khởi lên các việc cần khởi, sinh ra các điều cần sinh, chuyển đổi ngay với các việc cần chuyển đổi và tu tập cho đến khi thấy rõ ra. Đó gọi là đạo như lý thù thắng.

Lại nữa, nếu có Bí-sô như sự thấy của mình: Như do các hình tướng của các hạnh như thế, pháp thiện là tùy theo một pháp xuất ly và xa lìa, việc chưa sinh rồi sẽ sinh ra, người đó đúng như lý mà suy nghĩ xét các tướng mạo hình dạng của các hạnh như thế. Vì do người ấy đúng lý mà suy xét các tướng mạo hình trạng của các hạnh nên khiến Thánh đạo khởi lên sinh ra mọi thứ, sinh ra những điều chuyển đổi ngay hiện đời mà chuyển đổi và tu tập rõ. Đó gọi là đạo như lý thù thắng. Hai tên đó gọi chung là Như lý thù thắng.

Lại có hai pháp: Đó là chán đúng và như lý thù thắng.

Hỏi: Thế nào là chán?

Đáp: Là y vào bốn thứ chán đúng pháp mà sinh ra chán sợ.

Hỏi: Thế nào là như lý thù thắng?

Đáp: Tức là do chánh tư duy (suy nghĩ đúng) mà dẫn đến việc sinh ra Thánh đạo. Bốn pháp chánh đúng pháp là gì? Đó là:

  1. Do mình suy tổn và chán đúng pháp.
  2. Do người khác suy tổn mà chán đúng pháp.
  3. Do mình hưng thịnh mà chán đúng pháp.
  4. Do người khác hưng thịnh mà chán đúng pháp.

Y vào “Do mình suy tổn mà chán đúng pháp”, mà sinh ra sự chán như lý thù thắng, là như có một số người tự thấy: Mình có thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác cuối cùng đã nhiều quá mức, nên nghĩ ta nhân sống quá buông lung, nương vào buông lung rồi trụ vào buông lung, do đó mà càng buông lung, nên gây tạo ra biết bao điều ác. Ta nay nên khiến cho các điều xấu ác đó, cái nào chưa sinh thì khiến đừng sinh, cái nào đã sinh ra thì phải đoạn dứt hẳn. Do đó mà ý thoát ra rất mạnh mẽ, cho đến sinh ra chán sợ. Đó gọi là chán. Đã chán sợ rồi thì đúng như lý mà suy tư tìm xét khiến cho Thánh đạo khởi lên sinh ra mọi thứ, và chuyển đổi ngay hiện đời bày ra việc tu hành. Đó là Đạo Như lý thù thắng. Như thế gọi là y vào sự mình suy tổn mà chán đúng lý thù thắng.

Y vào việc người khác suy tổn mà chán đúng pháp, sinh ra sự chán sợ như lý thù thắng là như có một số người tự thấy người khác có thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, cuối cùng đã nhiều quá mức liền nghĩ: Người ấy do buông lung, nương vào buông lung rồi trụ vào buông lung, do đó càng buông lung, mà tạo ra các điều xấu ác đó. Nay đối với các điều xấu ác chẳng thiện đó, nếu cái nào chưa sinh thì đừng để sinh ra, cái nào sinh ra rồi thì phải đoạn dứt hẳn. Người ấy do đó mà có ý ra khỏi rất mạnh mẽ. Do đó dẫn đến sinh ra chán sợ, nên gọi là chán. Khi đã sinh ra chán rồi thì đúng như Lý là suy tư tìm xét, nên khiến cho Thánh đạo khởi lên sinh ra mọi thứ, và chuyển đổi ngay hiện đời mà bày ra việc tu hành. Đó gọi là Đạo Như lý thù thắng. Như thế gọi là y vào sự suy tổn của người khác mà chán đúng lý thù thắng.

Y vào sự hưng thịnh của mình chán đúng pháp mà sinh ra sự chán như lý thù thắng. Như nói có một số người tự thấy rằng: Mình có thân làm hạnh tốt, miệng nói lời tốt, ý nghĩ tốt…, cuối cùng đã được tròn đầy thuần phục. Liền nghĩ: Ta nhân chẳng sống buông lung, nương vào không buông lung rồi trụ vào không buông lung. Do chẳng buông lung nầy mà làm được các việc tốt đẹp cao thượng như thế. Nay ta nên khiến các điều tốt đẹp cao thượng ấy cái nào chưa sinh thì phải sinh ra, cái nào sinh ra rồi thì càng rộng nhiều gấp bội. Người ấy do đó mà có ý xuất ly mạnh mẽ nên sinh ra chán sợ. Đó gọi là chán. Sinh ra chán rồi thì đúng lý mà suy tư tìm xét liền khiến Thánh đạo khởi lên sinh ra các thứ, sinh ra sự chuyển đổi ngay hiện đời và sự việc tu hành rõ ra. Đó là Đạo Như lý thù thắng. Như thế gọi là y vào sự mình hưng thịnh mà chán đúng lý thù thắng.

Y vào sự hưng thịnh của người khác mà thuận chán đúng pháp, mà sinh ra sự chán như lý thù thắng, tức là như có một số người tự thấy người khác có thân làm điều tốt, miệng nói điều tốt, ý nghĩ tốt, cuối cùng đã được tròn đầy thuần thục, liền nghĩ: Người ấy nhân chẳng sống buông lung phóng túng, nương vào chẳng buông lung và trụ vào chẳng buông lung, do chẳng buông lung mà làm được các điều tốt đẹp cao thượng nầy. Ta nay nên khiến các điều tốt đẹp cao thượng ấy, cái nào chưa sinh thì phải sinh ra, cái nào đã sinh thì càng thêm rộng lớn gấp bội. Người ấy do đó mà có ý xuất ly càng mạnh mẽ nên dẫn đến sự chán sợ. Đó gọi là chán sợ. Khi đã sinh chán rồi thì đúng lý mà suy tư xét tìm, khiến cho Thánh đạo khởi lên sinh ra mọi thứ, và sinh ra sự chuyển đổi ngay trong hiện đời và sự việc tu hành hiện rõ ra. Đó gọi là Đạo Như lý thù thắng. Như thế gọi là y vào sự hưng thịnh của người khác mà chán đúng lý thù thắng.

Lại có hai pháp: Đó là đối với pháp thiện chẳng mừng đủ và đối với pháp đoạn chẳng ngăn trở.

Hỏi: Đối với pháp thiện chẳng mừng là đủ là sao?

Đáp: Đối với pháp thiện chẳng nên mừng cho là đủ, tức là như có một hạng người chỉ mới được một chút giới liền mừng là đủ, chỉ giữ được ít điều cấm liền mừng là đủ, chỉ mới lìa dục liền mừng là đủ, chỉ mới được quán bất tịnh liền mừng là đủ, chỉ mới được các niệm tri túc liền mừng là đủ. Hoặc chỉ mới được sơ thiền cho đến đệ tử thiền liền mừng là đủ. Hoặc chỉ mới được Từ vô lượng cho đến Xả vô lượng (Từ, Bi, Hỷ, Xả) liền mừng là đủ. Hoặc chỉ mới được định Không vô biên xứ cho đến định Phi tưởng Phi phi tưởng xứ liền mừng là đủ. Hoặc chỉ mới được quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất hoàn, liền mừng là đủ, hoặc chỉ mới được Thần thông cảnh chứng trí Thiên nhĩ thông chứng trí, Tha tâm thông chứng trí, Túc trụ tùy niệm thông chứng trí, Tử sinh thông chứng trí, liền mừng cho là đủ. Những thứ đó đều gọi là đối với pháp thiện mừng là đủ.

Hỏi: Còn đối với pháp thiện chẳng mừng là đủ thì thế nào?

Đáp: Như có một số người chẳng chỉ được một ít giới liền mừng là đủ. Rộng nói đến chẳng phải chỉ được Tử sinh thông chứng trí liền mừng là đủ.

Kẻ ấy nghĩ: Ta tu các pháp thiện cho đến khi chưa chứng được quả A-la-hán, thì trong suốt thời gian ấy trọn không nên mừng cho là đủ. Đó gọi là đối với pháp thiện chẳng nên mừng cho là đủ.

Hỏi: Còn đối với pháp đoạn diệt không bị ngăn trở là sao?

Đáp: Đối với pháp đoạn diệt không bị ngăn trở đó là: Như có một số người vì muốn đoạn dứt pháp chẳng thiện và vì muốn làm tròn đủ pháp thiện…, nên mạnh mẽ tinh tấn hăng hái ham thích siêng năng ân cần tu tập mãi không nghỉ, và có ý nghĩ: Làm thế nào để ta mau chóng được chứng các pháp thiện đúng lý. Do đó người ấy càng mạnh mẽ tinh tấn hăng hái ham thích siêng năng ân cần tu tập mãi, trong khi ấy, vẫn chưa chứng được các pháp thiện đúng lý, liền nghĩ: Ta đã tu pháp đoạn (các pháp bất thiện) mà lại phí uổng công sức, không có kết quả, chẳng lợi ích, vô nghĩa lý, chẳng thú vị gì, thật là vô ích. Do đó mà kẻ ấy đối với đoạn không có thắng lợi, liền chê bai chế nhạo. Như thế gọi là đối với pháp đoạn bị ngăn trở.

Lại một hạng người vì muốn đoạn dứt pháp chẳng thiện và vì muốn thực hiện tròn đủ các pháp thiện, nên mạnh mẽ tinh tấn hăng hái ham thích siêng năng tu hành mãi chẳng dừng, và nghĩ: Làm thế nào để ta nhanh chóng chứng được các pháp thiện đúng lý? Rồi người ấy mạnh mẽ tinh tấn, hăng hái ham thích siêng năng ân cần tu tập… nhưng trong khi chưa chứng được các pháp thiện đúng lý, hoặc đã chứng rồi nhưng chẳng hay biết, rồi liền nghĩ: Ta tu pháp đoạn diệt thật là phí công uổng sức, không có kết quả, chẳng lợi ích, vô nghĩa lý, chẳng thú vị gì, thật là vô ích. Do đó mà người ấy đối với pháp đoạn không được thắng lợi, liền sinh ra chán nản rồi chê bai chế nhạo. Như thế cũng gọi là đối với pháp đoạn bị ngăn trở.

******

Đối với pháp đoạn bị ngăn trở, là như có một số người vì muốn đoạn trừ các pháp bất thiện và hoàn thành tròn đủ các pháp thiện nên mạnh mẽ tinh tấn, hăng hái ham thích, siêng năng ân cần tu tập mãi chẳng thôi. Rồi nghĩ: “Làm thế nào để ta nhanh chóng chứng được các pháp thiện đúng lý”. Nên người ấy mạnh mẽ tinh tấn, hăng hái ham thích siêng năng tu tập. Trong khi ấy thì chưa chứng được các pháp thiện đúng lý, liền nghĩ: Như lời Thế Tôn nói thì không có điều nào chẳng đáng nghe theo. Nầy các nam tử! hãy nên siêng năng tu tập chánh hạnh nhưng chẳng chứng được các pháp thiện đúng lý, ấy là do việc tu hành của ta chưa được đầy đủ, thế nên chưa chứng được các pháp thiện đúng lý mà thôi. Chứ thật ra việc tu hành pháp đoạn trừ của ta chẳng uổng phí công lao. Chắc chắn nhất định là có kết quả có lợi, có ý nghĩa, thú vị và rất có ích. Do đó mà người ấy đối với pháp đoạn đạt được thắng lợi, nên chẳng sinh lòng chán nản mà chê bai trách móc. Ấy gọi là đối với pháp đoạn không bị ngăn trở.

Lại có một số người vì muốn đoạn trừ pháp bất thiện và muốn hoàn thành trọn vẹn các pháp thiện, nên mạnh mẽ tinh tấn, hăng hái ham thích siêng năng tu mãi chẳng thôi, và nghĩ: “Làm thế nào để ta nhanh chóng chứng được các pháp thiện đúng lý”. Do đó người ấy mạnh mẽ tinh tấn hăng hái ham thích siêng năng tu tập mãi chẳng dừng. Trong khi ấy chưa chứng được các pháp thiện đúng lý, hoặc tuy đã chứng được nhưng chẳng hay biết, liền nghĩ: Như lời Thế Tôn nói chẳng có lời nào chẳng được tuân hành nghe theo: Nầy các Thiện nam đang siêng năng tu chánh hạnh, nhưng chẳng chứng được các pháp thiện đúng lý, ấy là vì việc tu chánh hạnh của ta chưa thật đầy đủ, do đó mà chưa chứng được

các pháp thiện đúng lý. Nhất định rằng việc tu pháp đoạn của ta không hề phí công vô ích, nó có kết quả lợi ích, nó có nghĩa lý và rất thú vị hữu ích. Do đó mà người ấy đối với pháp đoạn đạt được thắng lợi, nên không sinh lòng chán nản mà chê bai trách móc. Đó là đối với pháp đoạn không bị ngăn trở.

Lại có một số người vì muốn đoạn trừ các pháp bất thiện và thực hiện đầy đủ các pháp thiện, nên mạnh mẽ tinh tấn, hăng hái ham thích, siêng năng tu tập mãi chẳng dừng, mà nghĩ: “Làm thế nào ta nhanh chóng chứng được các pháp thiện đúng lý”. Nên người ấy mạnh mẽ, tinh tấn, hăng hái ham thích siêng năng tu tập. Trong lúc đó thì chứng được các pháp thiện đúng lý, liền nghĩ: Nhất định việc tu pháp đoạn của ta không hề luống uổng phí công, nó có kết quả lợi ích, có ý nghĩa thú vị và hữu ích. Do đó mà người ấy đối với pháp đoạn đạt được thắng lợi, nên chẳng sinh lòng chán nản và chê bai trách móc. Đó gọi là đối với pháp đoạn chẳng bị ngăn trở.

Lại có hai pháp: Đó là Xa-ma-tha và Tỳ-bát-xá-na.

Hỏi: Thế nào là Xa-ma-tha?

Đáp: Tức là khéo chú tâm vào một cảnh.

Hỏi: Thế nào là Tỳ-bát-xá-na?

Đáp: Là tương ưng với Xa-ma-tha. Đối với pháp chọn lựa thì nên chọn lựa cùng cực và chọn lựa cùng cực tột bậc. Cùng hiểu rõ, hiểu tất cả, hiểu gần và hiểu khắp. Thấu suốt các điều quan yếu, phán xét lượng định thật kỹ lưỡng sáng suốt. Tuệ hạnh hiểu biết thông minh mẫn tuệ Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là Tỳ-bát-xá-na. Như Thế Tôn có kệ:

Chẳng có định không tuệ
Chẳng có tuệ không định
Cần có định và tuệ
Mới chứng được Niết-bàn.

Chẳng có định nào mà không tuệ là nếu có một loại tuệ như thế, tất phải có được một thứ định như thế. Nếu không có lợi tuệ đó, tức nhiên cũng chẳng có được thứ định như thế, cho nên nói chẳng có định nào mà không tuệ.

Chẳng có tuệ nào mà không định, nghĩa là nếu tuệ mà có được là do định sinh ra, vì định là sự tập trung. Vậy dù là thứ định nào thì đều phải do yên định tập trung mà sinh ra. Do đó mà, với cái định như thế thì sẽ được cái tuệ như thế, còn nếu không có định thuộc loại nào thì cũng sẽ không có được tuệ thuộc loại đó được. Nên nói: “Chẳng có tuệ nào mà không có định”.

Cần có tuệ và định, mới chứng được Niết-bàn, nghĩa là khi ái dục đã dứt hết thì gọi là Niết-bàn. Khi đó cần phải đủ cả định và tuệ thì mới được chứng đắc, nếu trong đó, thiếu một thứ thì không thể chứng được. Do đó mà nói là: Cần có định có tuệ mới chứng được Niết-bàn.

Lại nữa, hoặc có Bổ-đặc-già-la chỉ được nội tâm yên dứt, nhưng chưa được tuệ quán cao thượng, hoặc có Bổ-đặc-già-la được tuệ quán cao thượng nhưng chưa được nội tâm yên dứt, hoặc có Bổ-đặc-già-la chẳng được nội tâm yên dứt mà cũng chẳng được tuệ quán cao thượng, hoặc có Bổ-đặc-già-la được cả nội tâm yên dứt và tuệ quán cao thượng.

Thế nào là Bổ-đặc-già-la chỉ được nội tâm yên dứt mà chưa được tuệ quán cao thượng? Như Bổ-đặc-già-la được tứ thiền của thế gian mà chưa được Thánh tuệ xuất thế.

Thế nào là Bổ-đặc-già-la chỉ được tuệ quán cao thượng mà chưa được nội tâm yên dứt? Như Bổ-đặc-già-la chỉ được Thánh tuệ xuất thế mà chưa được tứ thiền của thế gian.

Thế nào là Bổ-đặc-già-la chẳng được nội tâm yên dứt mà cũng chẳng được tuệ quán cao thượng? Như Bổ-đặc-già-la chẳng được tứ thiền thế gian mà cũng chẳng được Thánh tuệ xuất thế.

Thế nào là Bổ-đặc-già-la được cả nội tâm yên dứt và được tuệ quán cao thượng? Như Bổ-đặc-già-la được cả tứ thiền thế gian và được cả Thánh tuệ xuất thế.

Như nói khi tứ thiền thế gian đã tương ưng thì tâm trụ đều được trụ tất cả, nơi trụ cần thiết gần nhất là an trụ. Không hề tán loạn nhiếp giữ thôi dứt đều được hộ trì gìn giữ.

Chú tâm vào một cảnh, đó là chỉ rõ nội tâm được yên dứt.

Như khi nói được Thánh tuệ gồm thâu tức là đối với pháp chọn lựa thì chọn lựa cùng cực và chọn lựa cùng cực tột bậc. Hiểu rõ, hiểu tất cả, hiểu gần, hiểu khắp. Thông suốt mọi điều quan yếu, phán xét lượng kỹ lượng sáng suốt. Tuệ hạnh hiểu biết thông minh mẫn tiệp Tỳ-bát-xá-na.

Đây là chỉ rõ tuệ quán cao thượng, đó gọi là Xa-ma-tha Tỳ-bát-xá-na.

Lại có hai pháp: Đó là minh và giải thoát.

Hỏi: Thế nào là minh?

Đáp: Đó là ba thứ minh vô học. Ba thứ minh nào? Ấy là:

  1. Là minh vô học túc trụ tùy niệm trí tác chứng.
  2. Là minh vô học tử sinh trí tác chứng.
  3. Là minh vô học lậu tận trí tác chứng.

Đó gọi là ba minh.Hỏi:

Thế nào là giải thoát?

Đáp: Có ba thứ giải thoát. Ba thứ giải thoát nào? Đó là:

  1. Là tâm giải thoát.
  2. Là tuệ giải thoát.
  3. Là vô vi giải thoát.

Tâm giải thoát, tức là tâm tương ưng với căn thiện không tham, đã được hiểu rõ (thắng giải), sẽ được hiểu rõ và đang được hiểu rõ. Đó gọi là tâm giải thoát.

Tuệ giải thoát, tức là tâm tương ưng với căn thiện không ngu si, đã được hiểu rõ, sẽ được hiểu rõ và đang được hiểu rõ. Đó là tuệ giải thoát.

Vô vi giải thoát tức là trạch diệt. Đó gọi là vô vi giải thoát.

Trong đó, tâm giải thoát lại có học, vô học và phi học phi vô học.

Tâm giải thoát học là sao? Tức là tâm tương ưng với căn thiện không tham, có học đã hiểu rõ, sẽ hiểu rõ, đang hiểu rõ.

Tâm giải thoát vô học là sao? Tức là tâm tương ưng với không tham, vô học, đã hiểu rõ, sẽ hiểu rõ và đang hiểu rõ.

Tâm giải thoát phi học phi vô học là sao? Đó là tâm tương ưng với căn thiện, không tham hữu lậu, đã hiểu rõ, sẽ hiểu rõ, và đang hiểu rõ. Ấy là phi học phi vô học.

Tuệ giải thoát cũng có học, hoặc vô học, hoặc phi học phi vô học.

Tuệ giải thoát có học là sao? Tức là tâm tương ưng với căn thiện, không ngu si có học, đã hiểu rõ, sẽ hiểu rõ và đang hiểu rõ.

Tuệ giải thoát vô học là sao? Tức là tâm tương ưng với căn thiện, không ngu si vô học, đã hiểu rõ, sẽ hiểu rõ và đang hiểu rõ.

Tuệ giải thoát chẳng phải học, chẳng phải vô học là sao? Ấy là tâm tương ưng với căn thiện, không ngu si hữu lậu, đã hiểu rõ, sẽ hiểu rõ và đang hiểu rõ. Đó là chẳng phải học chẳng phải vô học.

Vô vi giải thoát chỉ có chẳng phải học chẳng phải vô học. Đó gọi là minh giải thoát.

Lại có hai pháp: Đó là trí tận và trí vô sinh.

Hỏi: Trí tận là sao?

Đáp: Tức là biết như thật: Ta đã biết Khổ, ta đã đoạn trừ Tập, ta đã chứng Diệt và ta đã tu Đạo. Đây là chỗ sinh ra trí thấy sáng suốt và giải tuệ sáng suốt. Đó gọi là trí tận.

Hỏi: Trí vô sinh là sao?

Đáp: Tức là biết như thật: Ta đã biết Khổ không cần biết nữa. Ta đã chứng Diệt không cần phải chứng nữa. Ta đã tu Đạo không cần phải tu nữa. Đây là chỗ sinh ra trí sáng suốt và giải tuệ sáng suốt. Đó gọi là trí vô sinh.

Lại còn, nếu đã biết đúng như thật đã diệt hết dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu thì đó là trí tận, còn như thật mà biết sự diệt hết ba thứ lậu vừa kể là đã hết sạch không còn sinh lại nữa thì đó là trí vô sinh.

Lại còn, nếu đúng như thật mà biết đã diệt hết tất cả sự trói buộc của các kết phược tùy miên và tùy phiền não, thì gọi là trí tận. Còn đúng như thật mà biết đã diệt hết tất cả sự trói buộc của các kết phược tùy miên tùy phiền não và chúng không còn khởi lên nữa, thì đó là trí vô sinh.