SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 3: GIẢ HIỆU

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật nên quán sát như vầy: “Bồ-tát chỉ là danh tự, Phật cũng là danh tự, Bát-nhã ba-la-mật cũng là danh tự, năm ấm cũng là danh tự.”

Này Xá-lợi-phất! Tất cả tên gọi tôi, ta cũng là danh tự. Tìm cầu tôi, ta cũng không có tôi, ta; không có chúng sinh cũng không có sự sinh; không có người sinh cũng không có tự sinh ra; không có người, không có sinh, không tạo, không tác, không người làm thành cũng không người thọ nhận, không người trao cho, không thấy, không được. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không thật có nên là không, cho nên Bồ-tát đối với tất cả pháp chỉ có tên mà không có sự thấy, đối với sự không thấy ấy cũng không thấy.

Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật như thế, đối với việc vận dụng không quán tuy chưa bằng Phật nhưng đã vượt xa so với Thanh văn và Bích-chi-phật. Vì sao? Vì đối với tất cả các pháp đều không thấy có chỗ vào.

Này Xá-lợi-phất! Với Bồ-tát như vậy mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì dù cho tất cả cỏ cây, lúa, mè, tre, mía, trúc, lau trong cõi Diêm-phù-đề đều như Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên có trí tuệ thần túc, đức độ như thế mà đem so sánh Bồ-tát hành Bát-nhã bala-mật thì hoàn toàn không thể sánh bằng; nếu so sánh thì số trăm ngàn ức cũng không bằng một phần, không thể ví dụ so sánh được. Vì sao vậy? Này Xá-lợi-phất! Vì Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, độ thoát tất cả chúng sinh vậy.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, nhớ nghĩ Bát-nhã ba-la-mật trong một ngày cũng vượt trên hàng Thanh văn và Bích-chi-phật.

Này Xá-lợi-phất! Hãy để các việc Diêm-phù-đề lại. Nếu cỏ cây đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới đều như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, cũng để việc ấy lại… Ví dụ, Xá-lợi-phất, Mục-kiềnliên đầy khắp mười phương hằng sa thế giới, số lượng như thế không thể tính đếm, muốn so sánh với Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật thì đến trăm ngàn vạn ức cũng không thể sánh bằng Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát. Trí tuệ của Bồ-tát thì hơn trí tuệ của Thanh văn và Bíchchi-phật trăm ngàn vạn lần.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Trí tuệ của Thanh văn từ Tu-đà-hoàn đến Thanh văn, Bích-chi-phật cho đến trí tuệ của Bồ-tát, chư Phật, Thế Tôn, các vị ấy không trái nhau, không chỗ sinh, đều là không; không sai khác, không xuất hiện, không sinh ra; cái không chân thật ấy không có sai khác, hơn, kém. Tại sao Thế Tôn nói Bồ-tát nhớ nghĩ, hành Bát-nhã ba-la-mật trong một ngày thì vượt hơn hàng Thanh văn và Bích-chi-phật?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Sở dĩ vượt qua hàng Thanh văn, Bích-chi-phật là vì trong một ngày hành Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát ấy nghĩ: “Ta nên dùng nhân duyên đạo pháp đem tất cả pháp để giác ngộ và độ thoát tất cả chúng sinh.”

Này Xá-lợi-phất! Các Thanh văn, Bích-chi-phật có nghĩ như vậy không?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Các Thanh văn, Bích-chi-phật chưa từng nghĩ như vậy.

Vì thế, này Xá-lợi-phất! Nên biết và nhớ nghĩ như vầy: “Trí tuệ của Thanh văn, Bích-chi-phật muốn so sánh với trí tuệ của Bồtát thì trăm ngàn vạn ức lần không thể sánh bằng.”

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Hàng Thanh văn, Bích-chi-phật có nghĩ: “Ta thực hành sáu pháp Ba-la-mật để làm thanh tịnh cõi Phật và chỉ dạy cho chúng sinh đầy đủ mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Tuệ vô ngại, đủ mười tám pháp sẽ thành tựu Vô thượng Chánh đẳng giác, làm cho vô lượng, vô số người được Niết-bàn” không?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Họ không nghĩ như vậy.

Phật dạy:

–Bồ-tát có khả năng như vậy, thực hành sáu pháp Ba-la-mật,

đủ mười tám pháp Bất cộng thành Vô thượng Chánh đẳng giác sẽ độ thoát tất cả chúng sinh.

Này Xá-lợi-phất! Ví như con đom đóm không thể nghĩ: “Ta chiếu ánh sáng làm cho khắp cõi Diêm-phù-đề sáng rực.” Như vậy, này Xá-lợi-phất! Các Thanh văn, Bích-chi-phật cũng không nghĩ: “Ta thực hành sáu pháp Ba-la-mật, đủ mười tám pháp Bất cộng thành Vô thượng Chánh đẳng giác để độ thoát chúng sinh.”

Này Xá-lợi-phất! Ví như mặt trời xuất hiện chiếu sáng khắp cõi Diêm-phù-đề, không nơi nào mà không có ánh sáng. Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật cũng như vậy, đủ mười tám pháp thành Vô thượng Chánh đẳng giác độ thoát vô số chúng sinh.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bồ-tát làm thế nào mà vượt qua hàng Thanh văn, Bích-chiphật để đạt đến địa vị không thoái chuyển, làm trang nghiêm Phật đạo?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Bồ-tát từ lúc mới phát tâm, về sau thường thực hành sáu pháp Ba-la-mật, trụ vào pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, vượt qua địa vị Thanh văn và Bích-chi-phật để đạt đến địa vị Không thoái chuyển.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bồ-tát trụ vào địa vị nào để làm ruộng phước cho hàng Thanh văn và Bích-chi-phật?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Bồ-tát từ khi phát tâm đến nay thường thực hành sáu pháp Ba-la-mật cho đến khi đến đạo tràng, trong thời gian đó thường hộ trì hàng Thanh văn và Bích-chi-phật. Vì sao?

Này Xá-lợi-phất! Vì ở trong đời có Bồ-tát nên biết có năm giới, mười điều thiện, tám trai giới, bốn Thiền, bốn Vô lượng tâm, bốn Không định, cho đến ba mươi bảy phẩm Trợ đạo đều xuất hiện ở đời; lại có đầy đủ mười tám pháp Bất cộng, mười Lực của Phật, bốn Vô sở úy. Thế gian có pháp ấy, lại biết có dòng dõi vua, Phạm chí, trưởng giả, cư sĩ; lại biết có bốn Thiên vương đệ nhất lên đến cõi trời Ba mươi ba; lại biết có bậc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-nahàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, cho đến chư Phật đều xuất hiện ở đời.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bồ-tát thi ân và báo ân như thế nào?

Phật dạy:

–Bồ-tát không báo ân và ban phước. Vì Bồ-tát vốn đã báo ân rồi, Bồ-tát thường đem pháp thiện để thi ân. Những pháp thiện đó là mười pháp thiện, cho đến pháp của chư Phật Thế Tôn như: mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng… đem những pháp ấy để ban cho chúng sinh.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Thế nào là Bồ-tát tương ứng với Bát-nhã ba-la-mật?

Phật dạy:

–Nếu Bồ-tát biết sắc hợp với không thì tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật; biết nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn hợp với không; biết sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trần hợp với không; cùng nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, y thức hợp với không thì tương ưng với Bát-nhã bala-mật; lại biết Khổ, Tập, Diệt, Đạo bốn đế hợp với không. Nên biết mười hai nhân duyên.

Những gì là mười hai?

Đó là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, tử. Mười hai nhân duyên này cũng hợp với không. Nên biết tất cả pháp hữu vi, vô vi cũng hợp với không; nên biết tất cả bản tánh cũng hợp với không. Đó là Bồ-tát tương ưng với Bátnhã ba-la-mật.

Như vậy, Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát biết bảy pháp hợp với không.

Thế nào là bảy pháp?

Đó là bảy pháp đã nêu ở trên vậy. Bồ-tát biết bảy pháp này thì tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật. Lại không thấy hợp với năm ấm, cũng không thấy không hợp, cũng không thấy pháp năm ấm sinh, không thấy pháp năm ấm diệt, không dính mắc pháp năm ấm, không đoạn trừ pháp năm ấm, cũng không thấy sắc hợp với thọ, cũng không thấy thọ hợp với tưởng, cũng không thấy tưởng hợp với thức, cũng không thấy thức hợp với hành. Vì sao vậy? Bởi vì bản tánh vốn không nên chưa từng thấy có pháp hợp với pháp.

Này Xá-lợi-phất! Vì sắc là không nên chẳng phải sắc; vì thọ, tưởng, hành, thức là không nên chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức. Vì sắc là không nên không có sự thấy, thọ là không nên không có sự biết, tưởng là không nên không có sự nhớ, hành là không nên không có sự hoạt động, thức là không nên không có sự thấy biết. Vì sao vậy? Vì sắc cùng với không không sai khác. Vì sao? Vì sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức tức là không, không tức là thọ, tưởng, hành, thức cũng không thấy có sinh diệt, cũng không dính mắc, đoạn trừ; cũng không thấy tăng giảm; cũng không có quá khứ, hiện tại, vị lai; cũng không có năm ấm; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; cũng không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và mười hai nhân duyên; cũng không có Tứ đế; không có chỗ đạt đến; cũng không có quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-la-hán, Bíchchi-phật, không có Phật, không có đạo.

Như vậy, này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-lamật nên nghĩ như vậy, biết như vậy, tương ưng như vậy và thực hành như vậy. Cũng không thấy tương ưng, cũng không phải không tương ưng, cũng không thấy hợp với sáu pháp Ba-la-mật, năm ấm, cho đến pháp thân cũng không thấy hợp với không, ba mươi bảy phẩm, mười Lực của Phật, bốn Vô sở úy, mười tám pháp, cho đến trí Nhất thiết cũng không thấy tương ưng cùng với không tương ưng. Cho nên Xá-lợi-phất, nên biết Bồ-tát như vậy là tương ưng với Bátnhã ba-la-mật.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật không hợp với Không cũng không hợp với Vô tướng, Vô nguyện; Vô tướng, Vô nguyện cũng không hợp với Không. Vì sao vậy? Vì pháp Không thấy hợp cũng không thấy không hợp; Vô tướng, Vô nguyện cũng như vậy. Bồ-tát như thế là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật đã vượt

qua pháp không và pháp tướng, không hợp với năm ấm cũng không phải không hợp; không hợp với sắc; không hợp với quá khứ, hiện tại, vị lai; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Vì sao? Vì tên gọi ba đời đều là không. Bồ-tát hợp như thế là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật đối với trí Nhất thiết cũng không thấy hợp với quá khứ, hiện tại, vị lai; cũng không thấy có quá khứ, hiện tại, vị lai. Bồ-tát nên nhớ nghĩ và tương ưng như thế.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Trí Nhất thiết cũng không thấy hợp với năm ấm và năm ấm cũng không thấy hợp với trí Nhất thiết; trí Nhất thiết cũng không thấy hợp với sáu căn và sáu căn cũng không thấy hợp với trí Nhất thiết; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng không hợp với trí Nhất thiết và trí Nhất thiết cũng không hợp với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà cũng không phải không hợp. Đó là Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, đối với Bố thí ba-la-mật cũng không thấy hợp với trí Nhất thiết. Trì giới ba-lamật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật, cho đến Bát-nhã ba-la-mật cũng không thấy hợp với trí Nhất thiết, cũng không thấy trí Nhất thiết hợp với sáu pháp Ba-la-mật; lại không thấy trí Nhất thiết hợp với ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và mười Lực; ba mươi bảy phẩm và mười Lực cũng không hợp với trí Nhất thiết. Đó là Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng không thấy Phật hợp với trí Nhất thiết và trí Nhất thiết cũng không hợp với Phật; đạo cũng không hợp với trí Nhất thiết, trí Nhất thiết cũng không hợp với đạo. Vì sao vậy? Vì trí Nhất thiết tức là Phật, Phật tức là trí Nhất thiết; đạo là trí Nhất thiết, trí Nhất thiết là đạo. Đó là Bồtát hợp với Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật biết năm ấm không hợp với hữu, hữu không hợp với năm ấm; năm ấm cũng không hợp với khổ, vui, hữu ngã, vô ngã, sáu căn và pháp cũng như vậy. Năm ấm cũng không hợp với Không, Vô tướng, Vô nguyện, cũng không phải không hợp; cũng không thấy hành, cũng không thấy không hành. Bồ-tát nên hành như vậy và ứng hợp như vậy.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát cũng không lấy Bát-nhã bala-mật để thực hành Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật; cũng không đem năm pháp Ba-la-mật để thực hành Bát-nhã ba-la-mật; cũng không dùng không thoái chuyển để truyền dạy cho chúng sinh, cũng không vì thanh tịnh của cõi Phật mà hành Bát-nhã ba-la-mật, cũng không đem bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại tuệ, mười Lực của Phật, mười tám pháp Bất cộng để thực hành Bát-nhã ba-la-mật; cũng không lấy nội không, ngoại không, sở hữu không, vô sở hữu không, không không, đại không, tất cánh không để thực hành Bát-nhã ba-la-mật; cũng không dùng hữu vi không, vô vi không, vô để không, các pháp tướng không, tất cả các pháp không, cũng không lấy sinh không, vô sinh không, chân không, ngụy không, như, pháp tánh, chân tế để thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao vậy? Vì không thấy có pháp bị ngại và hoại vậy.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng không dùng thần túc để nghe và quán sát, biết rõ tâm ý của người khác. Bởi vì, để tự biết túc mạng nên thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao vậy? Vì Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật không thấy có Bátnhã ba-la-mật, huống chi thấy có Bồ-tát và các việc thần thông của Bồ-tát. Đó là Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật không nghĩ: “Ta sẽ dùng thần túc đi đến mười phương gặp các Đức Phật Thế Tôn.”

Cũng không nghĩ: “Ta sẽ nghe chư Phật mười phương thuyết

pháp và thọ trì.”

Cũng không nghĩ: “Ta sẽ biết tâm niệm của chúng sinh trong mười phương.”

Cũng không nghĩ: “Ta sẽ biết sự thọ sinh trong vô số kiếp.”

Lại không nghĩ: “Ta thấy cảnh giới thiện ác sinh tử của chúng sinh đi đến trong mười phương.”

Đó là Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát nghĩ: “Ta sẽ độ vô số người làm cho họ vào Niết-bàn.” Đó là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Vì Bồ-tát thực hành như thế thì thu phục được các sự việc trong thế gian và các ma không thể tìm được chỗ sơ hở; mười phương chư Phật đều hộ trì Bồ-tát ấy, làm cho không rơi vào địa vị Thanh văn, Bích-chi-phật; bốn Thiên vương, cho đến chư Thiên A-ca-nị-tra đều hộ vệ vị Bồ-tát ấy, làm cho không bị trở ngại trên đường đạo. Thân Bồ-tát ấy trong đời hiện tại nếu có các bệnh đều được lành. Vì sao vậy? Vì Bồ-tát dùng tâm Từ gia hộ khắp chúng sinh vậy. Nên biết, Bồ-tát ấy tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì mau chóng đạt được Tổng trì và các Tam-muội ngay trong hiện tại, sinh ở đâu cũng thường gặp chư Phật và đạo tràng, thường không lìa Phật. Đó là Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật cũng không nghĩ có pháp hợp với không hợp; bình đẳng với không bình đẳng. Vì sao? Vì không thấy pháp hợp cũng không thấy các pháp bình đẳng. Đó là Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật không nghĩ: “Ta sẽ mau chóng đạt đến sự giác ngộ Pháp tánh, cũng không phải không chóng đạt đến giác ngộ.” Vì sao vậy? Vì Pháp tánh không có chỗ mau chóng để đạt đến giác ngộ. Đó là Bồ-tát hợp với Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật không thấy có lìa hay hợp với Pháp tánh, cũng không nghĩ: “Pháp tánh có nhiều sự sai khác.” Đó là Bồ-tát hợp với tất cả.

Lại không nghĩ: “Pháp này với pháp tánh hiện hữu, cũng không phải không hiện hữu.” Vì sao vậy? Vì chưa bao giờ thấy có Pháp tánh hiện hữu. Nên biết, như thế là hợp với Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật đối với pháp tánh không thấy hợp với không, không cũng không hợp với pháp tánh, đó là hợp. Sáu căn, mười tám tánh cũng không hợp với không, không cũng không hợp với sáu căn, mười tám tánh, cho đến pháp tánh không hợp với không, không cũng không hợp với pháp tánh.

Này Xá-lợi-phất! Hợp với không như thế là tối thượng bậc nhất. Bồ-tát thực hành pháp không, không rơi vào địa vị Thanh văn, Bích-chi-phật, làm thanh tịnh cõi Phật, giảng dạy cho chúng sinh mau chóng thành Phật.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát thực hành như vậy, nên biết Bồ-tát ấy đã được thọ ký gần với đạo tràng, làm lợi ích cho vô lượng, vô số người.

Bồ-tát không nghĩ: “Ta tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật.”

Cũng không nghĩ: “Các Đức Phật Thế Tôn sẽ thọ ký cho ta.”

Lại cũng không nghĩ: “Ta thọ ký không bao lâu sẽ làm thanh tịnh cõi Phật.”

Lại không nghĩ: “Ta sẽ thành Phật và chuyển pháp luân.”

Vì sao vậy? Vì Bồ-tát cùng với Pháp tánh cùng một thể không sai khác, cũng không thấy có pháp, Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật cũng không thấy chư Phật thọ ký thành Chánh đẳng giác. Vì sao? Vì Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, chưa từng thấy có sinh tướng chúng sinh, cũng không thấy diệt tướng chúng sinh. Vì sao? Vì không thấy sự sinh diệt của tất cả chúng sinh, tất cả chúng sinh không thấy có sinh, cũng không thấy có sinh diệt. Tại sao Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật? Vì hành Bát-nhã ba-la-mật thì Bồ-tát không sinh khởi tướng chúng sinh cũng không phải không tướng chúng sinh; không thấy hạnh của chúng sinh, cũng không khác hạnh của chúng sinh. Đó là Bồ-tát thực hành hạnh Không đệ nhất. Bồ-tát trụ trong hạnh ấy, thì gồm được các hạnh, các hạnh đều ở trong hạnh ấy. Bồ-tát an trụ hạnh như thế là đại Từ, đại Bi; không còn ý tật đố kiêu mạn, tâm ý không còn loạn động biếng nhác, tâm không còn sân hận, ý không nghĩ ác và không sinh khởi ác trí.